Seite auswählen

Phòng bình dân học vụ vừa thành hình đã phải giải thể vì Trung ương Cục miền Nam chỉ thị rằng nó không thích hợp. Tôi nằm trong số bảy nhân viên được điều về Sở Giao thông Liên lạc Nam bộ do ông Nguyễn Văn Thức làm giám đốc. Ông Thức là anh hai (miền Bắc gọi là anh cả) của bà Bảy Vân (Nguyễn Thị Vân) vợ hai của Bí thư Trung ương cục Lê Duẩn. Khi tôi làm tổng biên tập báo Lao Động, bà Bảy Vân làm phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng. Quen nhau trong các cuộc họp, tôi nói mình từng là “lính của anh Hai Thức”. Bà Bảy Vân ngạc nhiên “Ồ, hồi đó chắc anh là ‘nhóc con’ à?”

Những cán bộ cùng lứa với ông giám đốc gọi ông là “Cò Thức”, vì sau tháng 8 năm 1945, ông công tác tại Quốc gia Tự vệ cục, một tổ chức công an của Ủy ban Hành chánh Lâm thời Nam bộ do Trần Văn Giàu làm chủ tịch.

Khi tôi đến, Sở Giao thông Liên lạc Nam bộ bí danh là Trạm 23 đang đóng ở cạnh bờ đập chặn con rạch thuộc xã Tân Đức, Cà Mau. Sở này có hai bộ phận chính: văn phòng và đội chèo xuồng. Đội chèo xuồng phần lớn là công nhân ở các đồn điền cao su bỏ việc theo cách mạng lúc sở này còn đóng ở miền Đông Nam bộ. Một số khác là lao động nghèo. Anh em này có người xăm mình, hay văng tục, một vài người đang học vỡ lòng để thoát nạn mù chữ. Cả cơ quan làm việc, ăn, ngủ trong một ngôi nhà lá rộng lớn. Trực tiếp điều hành cơ quan hằng ngày là ông Quỳ chánh văn phòng, kiêm bí thư chi bộ. Ông giám đốc Nguyễn Văn Thức và ông phó giám đốc Nguyễn Đức Trọng (thường gọi là bác Ba Quýt) ở hai nhà riêng gần đó, thỉnh thoảng mới tới cơ quan. Hằng ngày ông chánh văn phòng phải đến nhà giám đốc báo cáo và nhận chỉ thị.

Tôi làm nhân viên của phòng tổng phát hành do anh Nguyễn Văn Dũng phụ trách. Công việc là phát hành công văn tài liệu gửi về các cơ quan đảng, chính, dân, quân ở cấp Nam bộ. Các cơ quan này đều mang những bí danh mà tôi phải nhớ và giữ bí mật. Ví dụ, Trung ương Cục miền Nam có những bí danh như: Bộ đội độc lập số 61, Ban sinh sản số 36, Ban tự túc số 5. Cơ quan công an có bí danh Cụ Mai (tức là Mai Chí Thọ phó giám đốc, bí thư đảng ủy). Đạo Cao Đài 12 phái hiệp nhứt có bí danh là Cụ Cao, là ông Cao Triều Phát, cố vấn đặc biệt của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ. Hồi đó, giáo chủ đạo Hòa Hảo ông Huỳnh Phú Sổ cũng là cố vấn đặc biệt của Ủy ban Kháng chiến Hành Chánh Nam bộ. Tôi được nghe kể: Trên đường trốn về thành, ông giáo chủ bị bộ đội đuổi theo bắt được. Họ giết ông và chặt ra nhiều mảnh chôn ở nhiều nơi, để không thể sống lại được.

Hằng ngày, Sở Giao thông Liên lạc Nam bộ nhận được công văn, tài liệu, sách báo khắp cả nước gửi tới, đặc biệt là các cơ quan Trung ương ở Việt Bắc. Đồng thời từ đây cũng gửi công văn tài liệu và thư từ đi khắp cả nước. Tôi đã được đọc “Truyện và ký sự của Trần Đăng”, Ký sự Cao Lạng” của Nguyễn Huy Tưởng, thơ Tố Hữu… từ những gói bưu điện bị bục vỡ, phải đóng gói lại. Từ Sở Giao thông Liên lạc Nam bộ có thể nhìn bao quát toàn hệ thống tổ chức kháng chiến Nam Bộ và cả nước dưới sự lãnh đạo toàn trị, tuyệt đối của Đảng Cộng sản.

Vào đây từ đầu tháng, đến cuối tháng, trong cuộc họp cơ quan tôi mới có dịp nhìn thấy ông giám đốc. Ông có bộ mặt vênh vênh, đôi mắt gườm gườm, bên hông xề xệ cây súng sáu. Sau đó ít lâu, có cơ quan phản ánh bác Hùng, một liên lạc viên ở bộ phận chèo xuồng, đưa thơ hỏa tốc chậm trễ. Ông giám đốc gọi bác Hùng lên hỏi, rồi chửi đ. m. và bạt tay đá đít ông này trước mặt mọi người. Bác Hùng là công nhân cao su Phú Riềng, vào sở này từ lúc ở chiến khu D, miền Đông Nam bộ. Bác Hùng cao lớn, bên vai có xăm hình con hổ, tỏ ra là trang hảo hớn một thời. Dù vậy bác không dám chống trả ông Thức, không rõ vì nể người đại diện của Cách mạng, hay chỉ vì nể khẩu súng sáu xề xệ bên hông! Cơ quan có chi bộ đảng là “tổ chức lãnh đạo tập thể”, có tổ chức công đoàn mang chức năng bảo vệ quyền lợi công dân viên, có chi đoàn thanh niên cứu quốc giữ vai trò “đội hậu bị của Đảng”. Nhưng không có người nào, tổ chức nào kể cả chi bộ dám phản ứng những hành vi bạo hành của ông giám đốc. Các anh chị lớn, từng nhóm xì xầm, bọn nhỏ chúng tôi cà rà hóng chuyện. Họ nói nhiều về các nữ nhân viên có chút nhan sắc dù đã có chồng cùng công tác tại đây cũng phải “chiều” ông giám đốc. Các ông chồng phải giả đùi, giả điếc.

Giữa lúc đó, cha tôi từ Bến Tre tản cư vào tìm thăm. Ông giám đốc có mặt đá vồn vã chào hỏi và trò chuyện với cha tôi. Sau đó ông gọi tôi đến bảo: “Công hỏi xem anh Tư có muốn công tác ở đây hay không. Nếu anh Tư muốn ở đây thì chú sẽ nhận để hai cha con được sống chung với nhau.” Tôi ngạc nhiên vì ông mau chóng có cảm tình đối với cha con tôi và không khỏi xúc động vì sự quan tâm của ông đối với cuộc sống của cha con tôi. Đang khi chưa biết làm gì để sống nơi đất lạ, nghe tôi kể lại gợi ý của ông giám đốc, cha tôi rất mừng. Tôi buộc phải nói sự thật với cha tôi, “con rất muốn được sống bên cha, chỉ có điều lo là ông giám đốc này tính tình rất dữ dằn. Con đã chứng kiến ông ta đấm đá, chửi đ.m. các chú bác lớn tuổi. Nếu một lúc nào đó ông ta giở nắm đấm với cha thì cha con mình phải đối phó sau đây?” Cha tôi ngạc nhiên và trầm ngâm: “Vậy à? Vậy thì để cha cảm ơn ổng và nói là cha đã trót nhận công việc ở một cơ quan thuộc Cà Mau.” Sau đó cha tôi vào rừng U Minh bứt dây choại đem bán cho các cơ sở sản xuất dụng cụ bắt cá. Ở văn phòng Nha phụ trách văn thư là chị Võ Thụy Ánh, con gái lớn của giáo sư Võ Văn Nhung, chăm sóc tôi như đứa em và giới thiệu tôi với gia đình. Bác Võ Văn Nhung là chủ nhiệm tạp chí Tân Trung Hoa đã đưa sách của Mao Trạch Đông cho cha tôi dịch thử, rồi nhận cha tôi vào tổ dịch sách của tạp chí này.

Mấy tháng sau, ông Quỳ chánh văn phòng kiêm bí thư chi bộ của Sở Giao thông Liên lạc được ông Mai Chí Thọ, cùng quê Bắc bộ với nhau, nhận về Sở Công an. Vài tháng sau đó, ông Quỳ làm lễ cưới chị Lê Phước Thanh nhân viên văn phòng và xin cho vợ chuyển về Sở Công an. Khoảng một tháng sau khi Thanh chuyển công tác, ông Phạm Chung, chánh văn phòng Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ, bí thư liên chi ủy chỉ đạo cuộc kiểm tra, kiểm điểm ông Nguyễn Văn Thức. Nhưng không ai được nghe, được biết kiếm thảo về chuyện gì, kết luận thế nào và có hình thức kỷ luật gì đối với ông Thức. Cấp trên lẵng lặng chuyển ông về Trung ương cục và đưa thiếu tá Nguyễn Văn Chánh đội trưởng Đội Thông tin Liên lạc (trực thuộc phòng tham mưu, Bộ tư lệnh Phân Liên khu miền Tây Nam bộ) đến ngồi vào ghế giám đốc. Vài tháng sau, ông Nguyễn Văn Chánh chuyển công tác, ông Đặng Ngọc Tấn lên thay.

Các chú bác ở Sở Giao thông Liên lạc cho rằng, nếu anh Quỳ và chị Thanh không chuyển công tác, sẽ không có điều kiện để yêu cầu cấp trên kiểm tra, kiểm thảo ông Thức, như vậy thì chắc chắn ông vẫn yên vị, rất có thể ông lên cao hơn, trở thành ủy viên Trung ương Bộ chính trị của Đảng!

Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (11): Cuộc tranh luận về tư pháp trên báo Sự Thật

Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (13): Hai quan điểm xử lý cái bụng bầu

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen