Tháng 5 – 1948 tôi học xong lớp nhất trường tiểu học (ở xã Giao Thạnh, quận Thạnh Phú), chờ ngày thi vào trung học hoặc nhận công tác kháng chiến. Khoảng hạ tuần tháng 6 có tin bộ đội mới về diễn tập ở cuối xã, thế là cả bọn kéo nhau đi xem. Gặp lúc bộ đội đang nghỉ trong các nhà dân. Tôi chợt nhìn thấy trên cây ổi to trước khoảng sân của ngôi nhà lớn có một chú bộ đội mắt xanh mũi lõ đang trèo hái quả ném xuống cho lũ trẻ. Chuyện lạ không thể tưởng, thích quá, tôi vội chạy vào. Bác gái chủ nhà bước ra kêu: “Đủ rồi! Chú Thành xuống uống trà đi.” Chú Tây bộ đội trả lời tiếng Việt rành rẽ, “Em không uống trà đâu. Chị cho em vài lít ‘đế’ nhậu với ổi dược không?” “ Được, để chị nói với anh.” Tôi bám theo: “Anh ơi, anh là người Pháp á?” Anh Tây vui vẻ: “Hỏng phải, anh là Hồng quân Liên Xô. Em có biết Liên Xô không, là một nước trong phe Đồng Minh chống Phát Xít đó.” Tôi đáp, trong giáo trình lớp nhứt tôi có được học điều đó. Từ trên thềm, bác trai chủ nhà gọi anh Tây bộ đội và tôi vào.
Trên bàn đã dọn những đĩa khô cá hố nướng thơm phức, hai đĩa ổi, mỗi quả bổ làm tư, mấy cái ly nhỏ có chân. Đóng quân ở nhà này là một khẩu đội “mochiê” (súng cối) mà anh Tây bộ đội là khẩu đội trưởng. Tôi nói, em là học trò tiểu học không được phép uống rượu, chỉ xin các chú bác cho được ngồi hóng chuyện người lớn. Bác gái đem cho tôi mấy con cá khô nướng nhấm nháp. Câu chuyện được biết về ông Tây như sau: Platon Skizhinsky học xong trung học thì Đức tấn công Liên Xô. Platon vào quân đội, trong một trận đánh không cân sức, bị phát xít Đức bắt, buộc đi đốn gỗ. Sau khi phát xít Đức đầu hàng, Platon bị Hồng Quân kết án tử hình vì tội “bị địch bắt mà không chết”! Trên đường giải về Liên Xô, anh liều nhảy tàu lửa trốn sang Pháp, con đường sống duy nhất là vào lính Lê Dương. Anh sang Việt Nam trong đoàn quân Lê Dương, sau tên Platon ghép thêm chữ Thành tiếng Việt. Năm 1946 tại Bến Tre, trên đường lái xe chở thực phẩm, Platon nhận được truyền đơn kêu gọi phản chiến. Sau đó anh liên lạc được với người đại diện Việt Minh tên là Mô, rồi mang hai khẩu súng ra vùng kháng chiến. Sau hai tuổi quân, Platon lập nhiều chiến công, nói thạo cả tiếng lóng của nông dân xứ dừa và được bộ đội cưới cho cô vợ đẹp nhất Bến Tre, sinh một con gái tên là Tanhia.
Sau khi tập luyện thành thục đúng kế hoạch, tiểu đoàn 307 kéo lên Giồng Luông, xã Đại Điền long trọng làm lễ xuất quân ngày 5/7/1948. Vì nơi đó khá xa nên dù rất muốn tôi không thể đi dự. Câu chuyện của chú Hồng quân Platon Thành để lại trong tôi nỗi thương cảm lẫn băn khoăn: “Bị địch bắt mà không chết có đáng chịu tội tử hình?” Việc này làm tôi nhớ đến những bản án tử hình đối với anh Sấn, bạn Thạch ở quê tôi. Không ngờ hơn 30 năm sau, năm 1981 tôi đi thăm Liên Xô với tư cách Phó Tổng biên tập báo Lao Động và được Platon Thành làm phiên dịch cho hơn 20 ngày. Câu nói đáng nhớ của anh khi gặp tôi là: “Năm 1955 tôi rất vui khi được về nước, bởi vì cái thằng cha khốn nạn đó đã chết hơn hai năm!” (Stalin chết năm 1953). Tôi nhắc chuyện anh leo cây ổi của bác chủ nhà ở Giao Thạnh nơi tiểu đoàn 307 đóng quân. Platon Thành nói: “Các đồng đội ngày xưa sang đây đều mang ổi cho mình. Nhiều người Việt Nam quý quả xoài, măng cụt, vải, nhãn nhưng theo mình ổi là thứ quả ngon nhất Việt Nam. Buổi trưa giã đĩa muối ớt, mang một xị đế vào vườn ổi lai rai là hết ý!”
Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (7): Quốc hội và hiến pháp 1946
Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (9): Bác Hai nói về đảng Cộng Sản và đảng Dân Chủ