Seite auswählen

Trong “Hồi ký nhớ một thời làm báo Nhân Dân”, ông Trần Bạch Đằng viết: “Một trưởng trạm giao liền, anh Tống Văn Công gửi bài đến, tôi thấy đạt, đã kết nạp anh vào đội ngũ báo Nhân Dân miền Nam”. Chuyện ấy là thế này:

Sau khi cơ quan Sở Giao thông Liên lạc nhập vào bộ máy quân sự, tôi được giao làm trưởng trạm giao thông liên lạc ở đầu mối giữa các cơ quan cấp Nam bộ và Đội Thông tin Liên lạc của bên quân sự. Trạm nhỏ này mang tên trạm 23, bí danh của Sở giao thông liên lạc Nam bộ trước kia. Một hôm có ông khách tới trạm để chờ liên lạc từ cơ quan ông tới đón. Tôi xem giấy giới thiệu biết ông là Trần Bạch Đằng chủ bút báo Nhân Dân miền Nam. Mừng quá, tôi pha trà mời ông và ngõ ý muốn làm cộng tác viên. Tôi hỏi ông, báo Nhân Dân miền Nam đang cần loại bài gì. Ông nói: “Chúng ta đang thực hiện toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến. Đó là đề tài của báo Nhân Dân miền Nam”.

Hôm sau, máy bay Pháp rải rất nhiều truyền đơn, xuyên tạc chủ trương kháng chiến, kêu gọi rời bỏ chiến khu về thành. Tờ truyền đơn có bốn câu thơ nói lại:

Chú phỉnh tôi rồi chính phủ” ơi.

Chiến khu” đong lúa chú khiêng rồi.

“Thi đua” chi lắm “thua đi” mãi.

“Kháng chiến” lâu dài “khiến chán” thôi!

Tờ truyền đơn thơ lục bát ấy đã gợi ý cho tôi cũng dùng hình thức thơ lục bát viết một bài phản bác.

Máy bay giặc rải truyền đơn,

Xúi dân đưa vợ đưa con về thành.

Khoe rằng chốn đó an ninh,

Vui vầy như hội, công bình như cân.

Đất dư đem cấp nông dân,

Cho phân, giúp vốn làm ăn trọn đời…”

Ông Trần Bạch Đằng đăng ngày bài thơ của tôi và gửi thư khuyến khích rằng báo đang rất cần những bài như thế. Từ đó, gần như mỗi kỳ Nhân Dân Miền Nam đều có một bài thơ của tôi. Hồi này cha tôi là dịch giả Tăng Ích (Tăng và Ích đều có nghĩa là Thêm, tên cúng cơm của cha tôi) của tạp chí Tân Trung Hoa, do bác Võ Văn Nhung (bút danh Ba Khê) bạn của cụ Vương Hồng Sến làm tổng biên tập. Tạp chí này đăng nhiều tác phẩm của nước Trung Cộng như: “Lý luận về thổ cải” (tức cải cách ruộng đất); “Thơ và Từ” của Mao Trạch Đông, thơ Quách Mạc Nhược, tiểu thuyết “Bản thoại Lý Hữu Tài” của Triệu Thụ Lý… cha tôi đến thăm và góp ý rằng những bài viết của tôi theo ý ông không phải là thơ mà là những bài nghị luận viết theo văn vần. Ông đọc Thế Lữ, Hàn Mặc Tử… để so sánh. Tôi đưa Hoài Thanh – Hoài Chân ra chống chế: “Tình chúng ta đã đổi mới, thơ chúng ta cũng phải đổi mới vậy” Thi nhân Việt Nam). Ông cười, rồi nói sang chuyện báo chí: “Lẽ ra những tờ báo kháng chiến phải hay hơn báo ở Sài Gòn, bởi vì trong đó ký giả đâu có được tự do, họ viết trong sự kiểm soát của Pháp. Vậy mà họ dấy lên được phong trào Báo chí Thống nhất, bài viết rất sắc bén. Báo của mình bài nào cũng giống như truyền đơn kêu gọi!”

Yêu thích viết báo, tôi tìm đọc thư của chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng ngày 2/5/1949: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng, để đưa dân chúng đến mục đích chung”. Vậy là tôi hiểu báo kháng chiến và báo vùng địch tạm chiếm hoàn toàn khác nhau về nhiệm vụ và mục đích. Vậy thì không thể so sánh hai cái khác nhau được. Tôi đã nói như vậy với cha tôi. Sau khi tập kết ra Bắc rồi vào báo Lao Động tôi đã tận tụy thực hiện quan điểm báo chí của chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều năm sau tôi mới biết lời dạy của cụ Hồ chỉ là “mạ” lại câu nói của Lênin: “Tờ báo không chỉ là người tuyên truyền tập thể và cổ động tập thể mà còn là người tổ chức tập thể” (Lênin toàn tập, nhà xuất bản Tiến Bộ). Rất lâu sau, tôi mới có dịp đọc “Việt Nam yêu cầu ca” của Nguyễn Ái Quốc (diễn ca thể thơ lục bát “Tám yêu cầu của nhân dân Việt Nam” gửi hội nghị hòa đàm Véc Xây năm 1919), trong đó yêu cầu thứ năm là: “Năm, xin nghĩ ngợi nói bàn tự do”. Cũng khoảng thời gian đó, trong “Đây công lý của thực dân Pháp ở Đông Dương” của tác giả Nguyễn Ái Quốc đã định nghĩa về báo chí hoàn toàn trái ngược với nền báo chí của chế độ do ông lãnh đạo sau này: “Tôi gọi báo, là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay văn học như chúng ta thấy ở châu Âu và một số nước châu Á khác, chứ không phải một tờ báo do chính quyền thành lập rồi giao cho bọn tay chân điều khiển”. Lúc ấy, vì không biết tự do ngôn luận là “nghĩ ngợi, nói bàn tự do”, cho nên suốt cả đời tôi luôn hăm hở viết cho những “tờ báo do chính quyền thành lập rồi giao cho bọn tay chân điều khiển”! Và qua nhiều năm, Tôi đã hết sức cố gắng làm tốt nhiệm vụ của “bọn tay chân” ấy!

Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (13): Hai quan điểm xử lý cái bụng bầu

Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (15): Bỏ tù nhạc tài tử!

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen