Seite auswählen

Từ năm 1950, Chi hội Văn nghệ Nam bộ bắt đầu xét tặng Giải thưởng Văn nghệ Cửu Long. Ban giám khảo gồm: Hà Huy Giáp, Nguyễn Kim Cương, Ca Văn Thỉnh, Lưu Quý Kỳ. Từng bộ môn bình xét xong trình lên ban giám khảo quyết định.

Giải thưởng Cửu Long đợt đầu tiên 1950 – 1951 được xét tặng:

Văn: giải nhất, truyện ngắn “Con đường sống” và tập luyện “Anh Tư dân quân” của Minh Lộc, khu 8 (Trung Nam Bộ). Không có giải nhì. Giải ba: tập truyện ngắn “Lòng dân” của Phạm Hữu Tùng. Giải khuyến khích: tập truyện của Phạm Anh Tài (sau 1954 là Sơn Nam).

Thơ: không có giải nhứt. Giải nhì: “Bức thơ tình” của Ba Dân (bộ đội khu 9). Giải ba: “Chiến dịch mùa xuân” của Nguyễn Bính, “Tập thơ” của Việt Ánh, “Tập thơ” của Truy Phong (bộ đội khu 8), tập “Hương đồng nội” của Nguyễn Ngọc Tấn (sau này đổi bút danh là Nguyễn Thi); Giải khuyến khích: “Hò lờ thi đua” của Nguyễn Quốc Nhân, “Thơ và ca dao” của Bảo Định Giang, thơ của Phương Viễn (sau 1954 là Viễn Phương).

Kịch: không có giải nhứt. Giải nhì: “Vì Dân” của Lê Minh (bộ đội khu 8), “Quyết rửa thù” của Phạm Công Minh. Giải khuyến khích: “Giờ tôi mới hiểu” của Duy Phương (Gia Định).

Giải cho tác giả: nhà thơ Việt Ánh lâm bệnh hiểm nghèo vẫn sáng tác; họa sĩ Huỳnh văn Gấm có công “hướng dẫn nền hội hoa đại chúng”; Xích Liên (tức nhà sư Thiện Chiếu) tuổi già vẫn mãi mê dịch sách Liên Xô, Trung Quốc cho bộ đội đọc; họa sĩ Nguyễn Cao Thương có công đào tạo hơn 300 “cán bộ hội họa” vẽ tranh cổ động; nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Bạch trưởng đoàn kịch lưu động.

Giải thưởng văn xuôi tiểu thuyết “Vỡ Đất” của Hoàng văn Bổn (khu 7).

Thơ: giải nhất, truyện thơ thể lục bát “Anh Ba Thắng” của Việt Ánh. (Giải thưởng văn nghệ 1954 – 1955 của Hội Văn nghệ Việt Nam trao giải khuyến khích cho tập thơ này).

Việc bình chọn trao giải ở bộ môn âm nhạc không suôn sẻ. Tiểu ban sơ khảo gồm các nhạc sĩ (trưởng thành sau tháng Tám 1945) chia thành hai phe tranh cãi rất quyết liệt về bài “Tiểu đoàn 307” nhạc của Nguyễn Hữu Trí, lời Nguyễn Bính. Một bên cho là bản hùng ca tuyệt tác. Một bên phê phán “một bài lai Tây tiêu biểu” vì “không đạt ba tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng theo đường lối văn nghệ của Đảng ta”!

Bài hát này ra đời là do ông Trần Văn Trà, Tư lệnh khu 8 phát động sáng tác bài hát ca ngợi Tiểu đoàn 307 mới thành lập giữa năm 1948 đã liên tục chiến thắng nhiều trận vang dội. Nguyễn Hữu Trí đại đội phó của tiểu đoàn này và là phó ban quân nhạc Khu 8, phổ nhạc bài thơ “Tiểu đoàn 307” của Nguyễn Bính đăng trên báo Tổ Quốc của khu 8. (Trước đó Nguyễn Hữu Trí đã có bài Phá Đường khá nổi tiếng). Lúc này Tiểu đoàn 307 đang đóng quân ở bờ sông Nhị Mỹ, Cao Lãnh. Anh em chiến sĩ hát vang bài “cây nhà lá vườn”, không ngờ chỉ vài hôm sau bài hát đã lan nhanh khắp các vùng kháng chiến Nam bộ. Ngày 1 tháng 10 năm 1950, Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến phát sóng bài này do Tổ quân nhạc Khu 8 biểu diễn dưới sự chỉ huy của Phó ban Quân nhạc Nguyễn Hữu Trí. Vậy mà bài hát bị quy là “sai lầm nghiêm trọng về quan điểm sáng tác”! Không biết có phải vì sự kiện không vui này mà Nguyễn Hữu Trí bỏ quân đội lui về ở ẩn nơi quê vợ (Vĩnh Mỹ A, Hậu Giang), không bao giờ nhắc tới chuyện mình từng đi kháng chiến và là tác giả các bài “Tiểu đoàn 307”, “Phá đường”… Viết nhật ký, ông cũng viết bằng tiếng Pháp. Mãi sau khi ông qua đời 18 năm, các đồng đội thời kháng Pháp mới tìm thấy mộ ông để thắp nén nhang! Cũng thời gian ấy Nguyễn Bính bỏ ngũ ra mở quán bán sách báo bên bờ kinh Huyện Sĩ.

Các nhạc sĩ làm việc sơ khảo đã ghi biên bản đầy đủ ý kiến tranh luận về bài “Tiểu đoàn 307” của hai phe: “Bản hùng ca tuyệt tác” và “bản nhạc lai Tây tiêu biểu” trình lên ban giám khảo. Ban giám khảo không có ý kiến phân xử cụ thể, nhưng không chấp nhận trao giải cho bài “Tiểu đoàn 307” mà quyết định trao giải nhất cho bài ca “Tự Túc” của Dương Ninh Minh phổ thơ Lưu Trùng Dương. Bài “Tự Túc” gồm 5 khổ thơ, mỗi khổ 4 câu thơ và 2 câu điệp khúc. Xin chỉ chép lại khổ thơ bốn câu cuối cùng:

“… Núi sông đang ngóng chờ, kìa ai chớ ngồi yên;

Quyết thi đua cấy cày, sản xuất cho nhiều lên;

Toàn dân ta góp tình, góp công xây dựng đời;

Ngày mai trên nước Nam một bầu trời sáng tươi.”

Hai câu điệp khúc:

“…Anh em ơi, chúng ta góp muônn bàn tay.

Gắng sức làm, sướng vui rồi đây có ngày.”

Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (15): Bỏ tù nhạc tài tử!

Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (17): Tôi được giải, ông xứ ủy bị “mất lập trường”!

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen