Seite auswählen

Nhà thơ Nguyễn Bính

Nhà thơ Nguyễn Bính

Khoảng hai tháng sau khi công bố Giải thưởng Văn nghệ Cửu long, các báo kháng chiến đưa tin đã phát hành một số tác phẩm được giải, trong đó có bài “Đóng thuế nuôi quân”. Tôi vội vàng chèo xuồng theo kinh Chắc Băng tới quán sách báo của Nguyễn Bính ở chợ Huyện Sử. Nhìn qua đã thấy các bản nhạc in litô kẹp trên dây treo cùng với một số tờ báo quen thuộc như Nhân Dân Miền Nam, Tiếng Súng Kháng Chiến, Cứu Quốc… Tôi gỡ bản nhạc “Đóng thuế nuôi quân” và lên tiếng xin mua. Ông chủ quán Nguyễn Bính ngừng xem báo ngẩng lên nhìn khách hàng, nhận tiền, rồi hỏi: Anh chơi nhạc à? Dạ, mới học! Ông nói: “Hai tác giả được giải này tên nghe lạ hoắc! Anh mua vì quen biết tác giả, hay chỉ vì là bài được giải?” Tôi lúng túng rồi thưa thật: “Bài này của tôi sáng tác đoạt giải nhì.” Nhà thơ ngạc nhiên, vồn vã: “Nếu không vội đi thì ngồi lại uống chén trà chơi?” Từ lâu tôi đã hâm mộ nhà thơ lãng mạn thời tiền chiến, nay trở thành nhà thơ kháng chiến lừng danh với những bài trường ca “Ông lão mài gươm”, “Đồng Tháp Mười”, “Máu chảy trên đường phố”, đặc biệt là  tráng ca “Tiểu đoàn 307” được Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc. Được ngồi uống trà với một thiên tài còn vinh hạnh nào hơn! Tôi ngồi xuống chiếc ghế đối diện với ông qua bàn trà và thổ lộ niềm cảm phục của mình đối với các tác phẩm kể trên của ông. Nguyễn Bính có vẻ vui vui, ông thay ấm trà mới, hỏi tôi có quen với Bùi Quang Triết, phóng viên Tiếng Súng Kháng Địch không. Hồi này tôi chưa quen Bùi Quang Triết, bút danh Xuân Vũ, nhưng có đọc thơ của anh như “Ngày mai em lớn cầm súng bắn Tây” và “Niềm thương mến”, cả hai bài đều được Phan Vân phổ nhạc. Tôi nói hai bài này điều hay, được phổ biến rộng, nhưng không rõ vì sao không lọt “mắt xanh” của ban chấm Giải Văn nghệ Cửu long. Hình như câu nói của tôi hơi đúng ý của Nguyễn Bính, ông nói: “Không phải không lọt được ‘mắt xanh’ mà vì ban giám khảo không ai có ‘mắt xanh’!” Hồi ấy tuy rất phục tài Nguyễn Bính, nhưng tôi vẫn tin ban giám khảo gồm những cán bộ cao cấp của Đảng nắm vững ý kiến Cụ Hồ: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận” và “phụng sự nhân dân, trước hết là công nông binh”.

Nguyễn Bính cho biết, những bài trường ca của ông mà tôi yêu thích đều không được những nhà lãnh đạo chính trị, văn nghệ hoan nghênh. Họ hỏi Nguyễn Bính, vốn là một nhà thơ nổi tiếng từ thể thơ lục bát của dân tộc, tại sao nay ông lại làm thơ tự do, thể thơ lai căng? Trường ca Đồng Tháp Mười có những câu:

 

“… Bông súng ngoài đồng,

Bầm gan, tim mạch.

Nước phèn chua chat,

Lắng nỗi đau thương.

Đốc binh Kiều, Thiên Hộ Dương…

“… lửa uất hận bùng sôi cùng máu đổ,

Mầm đấu tranh vút mọc với sao vàng!…”

 

Họ hỏi, Đồng Tháp Mười toàn là nông dân sao ông không làm thơ lục bát cho họ dễ đọc? Bài “Tiểu đoàn 307”, cả thơ và nhạc đều bị quy là “lai Tây”! Mệt mỏi vì những ý kiến kiểu đó, lại nghe sắp có cuộc “chỉnh phong”, Nguyễn Bính xin rời quân ngũ ra dựng lều bán sách báo. Mặc dù ông chuyển vào ở rất sâu trong vùng kháng chiến Cà Mau, nhưng các nhà lãnh đạo của Đảng vẫn lo ông bỏ về thành. Đó là tấn bi kịch giữa ông với đảng Cộng sản, hai bên hoàn toàn không thể hiểu nhau. Ông rất yêu nước, yêu cách mạng, kính trọng Cụ Hồ. Trong trường ca “Máu chảy trên đường phố” của ông có những câu:

 

“…Sao vàng mọc, núi sông trào ánh sáng,

Khắp đô thành nhảy múa một màu son.

… các anh ta vượt Trường Sơn ra Việt Bắc,

Bác ngoài kia khuya sớm vọng về Nam…”

 

Năm 1953, tại quán sách này ông làm bài thơ “Thư gửi cho cha”:

 

“… Đố ai quét sạch lá rừng,

Đố ai xui giục con đừng theo Cha.

… Thưa cha giấy vắn tình dài,

Viết bao nhiêu vẫn chưa hài lòng con.

Còn trời còn nước còn non,

Nước non còn đó, con còn theo Cha.”

 

Ông chỉ đòi được tự do sáng tác, viết thì cảm xúc, chọn hình thức thể hiện mà mình thấy thích hợp với nội dung. Đảng Cộng sản luôn luôn dè chừng ông là “nghệ sĩ lãng mạn, lập trường bấp bênh”. Sau hiệp định Geneve, có một danh sách cần phải vận động đi tập kết, trong đó có Nguyễn Bính. Ra Bắc, Đảng giúp tiền cho Nguyễn Bính làm báo Trăm Hoa để chống báo Nhân Văn, nhưng Nguyễn Bính không chịu chống, nên Trăm Hoa phải chết! (Theo Tô Hoài trong hồi ký “Cát bụi trần ai”.)

Bà Hồng Châu (Nguyễn Lục Hà), một đảng viên từ thời kỳ trước Cách Mạng Tháng Tám đã kể khá tỉ mỉ trong hồi ký của bà về chuyện ông Lê Duẩn khuyên bà phải lấy cho được Nguyễn Bính làm chồng:

“Giọng anh Ba gần như tâm sự: Chị biết, lúc này có chủ trương chỉnh phong của Đảng, được cán bộ tăng cường cho cơ sở. Nguyễn Bính là người xứ lạ lại không có thân thuộc họ hàng ở miền Nam, trừ khi anh ấy bắt rể ở đây. Bọn ngụy quyền đang tìm mọi cách lôi kéo, kêu gọi văn nghệ sĩ về thành. Trong danh sách đó, Nguyễn Bính là tên tuổi nổi cộm nhất. Đã có một số văn nghệ sĩ không chịu nổi gian khổ đã dinh tê về thành. Mặc dù một cá nhân không làm nên lịch sử, nhưng kháng chiến cần sự góp mặt của Nguyễn Bính. Chị suy nghĩ đi…

… anh Ba Duẩn nói tiếp:

“Chúng tôi nhận thấy chị đủ sức giữ con người ấy lại cho công cuộc kháng chiến đến kỳ cùng.” Anh cười nửa đùa nửa thật: “Nếu đây là mệnh lệnh của Đảng thì chị có chấp hành không?”

Là “khách đa tình” Nguyễn Bính dễ sa vào cuộc tình do Lê Duẩn sắp đặt vì mục đích chính trị. Nhưng cũng do bản tính nghệ sĩ, ông mau chóng cảm nhận tình trạng “đồng sàng dị mộng”. Thật trớ trêu khi ông nhận giấy ly hôn bà Hồng Châu đúng một tháng trước ngày bà sinh Nguyễn Bính Hồng Cầu. Sau đó, ông lấy cô nông dân Mai Thị Mới từ Bến Tre tản cư vào ấp Hương Mai xã Khánh Lâm. Khi ông ngồi uống trà với tôi thì Mai Thị Mới đang làm việc ngoài ruộng. Ông cho biết nguồn sống chính của vợ chồng ông là thu hoạch từ hơn một mẫu ruộng do người vợ Mai Thị Mới của ông quán xuyến. Hai năm sau, đứa con gái ra đời “Hương Mai tên xóm quê nhà; Vợ chồng liền đặt con là Hương Mai”. (Thơ “Gửi vợ miền Nam”) Ngày đó, Nguyễn Bính thẳng thắng bảo tôi: “Nếu lãnh đạo văn nghệ theo kiểu thực dụng thì chỉ đẻ ra những tác phẩm minh họa, nó sẽ chết ngay khi vừa ra đời!” Tôi đang vui với giải thưởng âm nhạc nên không để tâm đến nhận xét của ông. Năm 1954, sau khi tập kết ra Bắc, Bộ Tư lệnh Phân Liên khu miền Tây cho thành lập ban nhạc để chuẩn bị chào mừng ngày thành lập Sư đoàn 38. Các nhạc công đều đem theo tập vở chép nhạc của mình từ thời kháng chiến chống Pháp. Giở tập nhạc của anh Trần Đức Thắng (sau 30 tháng 4 năm 1975 là Phó văn phòng Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh) thấy có bài “Đóng thuế nuôi quân”, tôi kêu lên “A! Thắng có chép bài hát của mình!” Thắng ngạc nhiên hỏi “Đâu, đâu?” Và sau khi xem lại, anh bỉu môi chửi thề: “Nếu biết là bài của mày thì tao đ. chép!” Câu văng tục của Thắng khiến tôi nhớ nhận xét của Nguyễn Bính!

Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (17): Tôi được giải, ông xứ ủy bị “mất lập trường”!

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen