Seite auswählen

Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, tất cả các cơ quan quân, dân, chính, đảng đều tổ chức học tập về “thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Pháp, đánh đổ chủ nghĩa thực dân cũ cho toàn nhân loại”. Tôi được học tập ở đại đội thông tin liên lạc của Bộ Tư lệnh Phân Liên khu miền Tây Nam bộ. Sau đó chuẩn bị tập kết ra Bắc để rèn luyện quân đội lên chính quy, hiện đại, làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất đất nước năm 1957 theo Hiệp Định. Cuộc học tập của cơ quan cha tôi (tạp chí Tân Trung Hoa, thuộc Hội Việt-Hoa Hữu Nam bộ) có nhiều trí thức từ Sài Gòn ra dự. Điều rắc rối cho cha tôi là ông cứ khăng khăng cho rằng không thể thực hiện được việc tổng tuyển cử thống nhất nước nhà vào năm 1957. Ông lập luận các hiệp định được ký kết giữa hai phe đối nghịch không phải là để cùng nhau thực hiện. Pháp rút, Mỹ sẽ thay để giữ Nam Việt ở phe tư bản. Bắc Việt theo phe xã hội chủ nghĩa, chỗ dựa để dành thống nhất. Tương quan lực lượng giữa hai phe cho thấy không thể thống nhất nước nhà trong vòng hai năm. Phát biểu của cha tôi làm cho ban tổ chức cuộc học tập rất tức giận. Họ gặp riêng khuyên cha tôi phải đặt niềm tin vào sức mạnh của nhân dân đoàn kết đấu tranh chính trị dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Nhưng cha tôi vẫn giữ ý kiến của mình.

Cha tôi đến thăm tôi, căn dặn sau khi tập kết ra Bắc phải tìm mọi cách để học qua đại học. Cha tôi phải ở lại để phụng dưỡng ông nội bà nội tôi, bởi vì đã biết chắc không thể có thống nhất sau hai năm. Những người lãnh đạo đợt học tập hiệp định chỉ cố tạo cho được một không khí lạc quan, vui vẻ, tin tưởng để thực hiện trôi chảy cuộc tập kết. Cán bộ, bộ đội giơ hai ngón tay hứa hẹn với cha mẹ vợ con và đồng bào Việt Nam là hai năm sẽ gặp lại, những người ở lại cũng phải tin chắc như vậy. Tôi rất băn khoăn khi nghe cha tôi nói hoàn toàn trái ngược với ông tướng Dương Quốc Chính, tư lệnh quân đội Nam bộ khi ông này lên lớp truyền đạt ý kiến của Trung ương Đảng là “tập kết hai năm”.

Sau này tôi mới biết, công tác tư tưởng cho cán bộ và nhân dân như thế, nhưng Trung ương Đảng đã chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài. Ở các địa phương miền Nam đều thực hiện việc bí mật chôn giấu súng đạn, máy móc của các binh công xưởng. Chiều 30 Tết, ông Lê Duẩn bí thư Trung ương Cục miền Nam cùng lên chuyến tàu áp chót (tàu Ba Lan Kerensky) với chúng tôi ở vàm sông Ông Đốc, nhưng đến nửa đêm đã bí mật xuống xuồng trở vào bờ. Sau đó, ông thảo Đề cương Cách mạng miền Nam, đưa ra chiến lược giải phóng miền Nam bằng bạo lực cách mạng với “ba mũi giáp công”: chính trị, quân sự, ngoại giao và trên cả “ba vùng chiến lược” là thành thị, nông thôn, rừng núi.

Ra Bắc, cán bộ chiến sĩ của hai Phân liên khu của Nam bộ (Phân liên khu miền Đông và Phân liên khu miền Tây) phải qua khám sức khỏe, loại khỏi biên chế những người không đạt yêu cầu xây dựng quân đội chính quy hiện đại. Những người đủ sức khỏe được biên chế vào hai sư đoàn 30 và 38. Số người bị loại khỏi quân đội do kém sức khỏe sẽ được tập trung vào Sư đoàn 9 xuống Sầm Sơn an dưỡng, bồi dưỡng sức khỏe, sau đó sẽ được phân công đi làm tùy theo khả năng và sức khỏe. Ban kiểm tra sức khỏe xếp tôi vào loại B2, tức là loại bét. Sau khi đi an dưỡng khoảng một tháng, tôi được tiểu đoàn trưởng gọi lên thông báo: “Xin chúc mừng đồng chí. Cả tiểu đoàn chúng ta chỉ có một mình đồng chí được chọn về thủ đô, học trường giao thông công chính”. Tôi hỏi: “Thưa đồng chí, học trường này ra làm việc gì?” Tiểu đoàn trưởng vui vẻ: “À, làm đường sá, cầu cống. Nghề này rất thiết yếu cho công cuộc xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Trong quân đội thì Tổng Cục Hậu Cần đang phát triển binh chủng này để đảm bảo mạch máu giao thông, rồi còn mở đường Trường Sơn vào miền Nam”. Tôi ngắt lời ông: “Thưa đồng chí. Rất tiếc, tôi hoàn toàn không có chút yêu thích nào đối với công việc này!” Vô cùng ngạc nhiên, rồi với giọng khó chịu ông nói: “Đây là nhiệm vụ cách mạng, sao lại có thể nói thích với không thích. Hơn nữa đây còn là đặc ân, là chiếu cố bộ đội miền Nam. Đồng chí chưa có diplom (bằng tú tài). Nếu là người miền Bắc thì người ta đòi phải có tú tài. Tại sao đồng chí không đặt mình trong tám vạn quân sắp giải ngũ còn đang chưa biết có việc gì để làm mà lại tính toán rất cá nhân chủ nghĩa?” Tôi nhũn nhặn: “Thưa đồng chí, tôi đã chấp hành mọi việc được giao cho người lính suốt năm năm trong quân ngũ, không hề đặt là chuyện thích hay không thích. Nhưng nay là được “đặc ân”, được “chiếu cố”, được hưởng tiền của nhân dân nuôi cho ăn học, để gắn bó suốt đời với nghề nghiệp. Do đó tôi cần phải trung thực nói rõ nguyện vọng cá nhân mình để tổ chức có quyết định đúng”. Ông thấy khó bẽ lý sự của tên lính trẻ nên gút lại: “Hôm nay thứ sáu, tôi cho đồng chí hai ngày để suy nghĩ, nếu chịu đi học thì được về thủ đô, được ăn trắng mặc trơn, may kia là cán bộ kĩ thuật của quân đội chính quy hiện đại; nếu không chịu đi học thì trước mắt đồng chí có hai con đường: một là lên nông trường cày ruộng, chăn bò. Hai là ra công trường, gánh đất làm đường, hoặc gánh gạch xây nhà. Sáng thứ hai tuần sau, mời đồng chí đến đây trả lời lần cuối cùng”. Đúng hẹn, tôi đến văn phòng tiểu đoàn trưởng báo là mình đã suy nghĩ nghiêm túc, xin từ chối “đặc ân” được đi học và sẵn sàng nhận công việc ở nông trường hoặc công trường. Ba chục năm sau, khi làm tổng biên tập báo Lao Động, cơ quan ngôn luận của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tôi được biết ông Nguyễn Văn Tư, ủy viên Trung ương Đảng, chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động và ông Bùi Danh Lưu Bộ trưởng Giao thông Vận tải đã đi học Trường Giao thông Công chính khoa đầu tiên mà tôi đã cố sức từ chối!

Tôi được đưa đi công trường, vào biên chế tiểu đoàn công binh số 209 (thuộc Cục doanh trại, Tổng cục Hậu cần). Tiểu đoàn 209 hành quân (cuốc bộ) từ bãi biển Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến Cầu Diễn (cạnh nghĩa trang Mai Dịch hiện nay), để xây khu nhà để xe ô tô của quân đội. Chúng tôi phát tranh, lau, dựng lán trại. Tiểu đoàn trưởng là ông thiếu tá Lê Văn Tây phổ biến nhiệm vụ: tất cả sẵn sàng đi gánh đất, gánh gạch, học trộn vữa, học làm thợ nề, thợ mộc. Tất cả phải sẵn sàng học làm mọi việc để xây dựng khu nhà. Thế là lời hứa “hai năm ra Bắc xây dựng quân đội làm hậu thuẫn cho đồng bào đấu tranh thống nhất” được các binh sĩ nhắc lại. Ngót năm mươi người, có một số là đảng viên đứng ra chất vấn: khi học Hiệp định Geneve, cấp trên đã chỉ đạo chúng tôi hứa hẹn với đồng bào chỉ tạm chia tay hai năm. Người ở lại thì đấu tranh chính trị, người ra đi thì xây dựng quân đội chính quy, hiện đại. Chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng ra đây để gánh đất, làm phụ hồ. Chúng tôi sẵn sàng cuốc bộ về miền Nam làm mọi việc cùng đồng bào. Hơn một chục anh có thái độ quyết liệt nhất đã mang ba lô kéo nhau đứng trước thềm cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh, hô to: “Chúng tôi xin được trở về miền Nam!” Cơ quan tổng tư lệnh chỉ thị cho các đơn vị có người “vô kỷ luật” phải lên nhận người của mình đưa về đơn vị, tổ chức học tập cho thông suốt. Chấp hành lệnh ấy, ban chỉ huy Tiểu đoàn 209 quyết định chọn 40 người thực sự thông suốt nhiệm vụ mới ở công trường để đi thuyết phục 10 đồng đội nói trên. Tôi thuộc vào số người hoàn toàn thông suốt và yên tâm công tác. Cùng trong đại đội 3 với tôi có các anh Đinh Khắc Cần, (sau 1975 là phó chủ tịch Liên hiệp Công đoàn thành phố Hồ Chí Minh; Cần là anh ruột Trung uý lái máy bay Nguyễn Thành Trung ném bom Dinh Độc Lập), anh Võ Thành Nghĩa (sau 1975 là phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp); anh Lê Bình Đẳng (sau 1975 là kế toán trưởng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam)… Chúng tôi là những người “yên tâm gánh đất” nên được ban chỉ huy chọn vào số 40 anh em đi rước 10 đồng đội trở về.

Khi đến cơ quan tổng tư lệnh, chúng tôi mới được biết không phải chỉ có 10 anh lính “vô tổ chức” của tiểu đoàn 209 lên “nằm vạ” ở đây mà đã có hàng trăm quân nhân thuộc các đơn vị quân đội miền Nam kéo lên nằm la liệt ở đây nhiều tháng rồi. Cũng ở đây tôi được biết, có nhiều đơn vị của các sư đoàn miền Nam đang tại ngũ đã mang súng vượt sông Bến Hải “trở về với đồng bào”. Sư đoàn trưởng Đồng Văn Cống đã cử nhiều đại đội đuổi theo buộc họ quay lại và những cuộc đấu súng đã xảy ra! Có những toán quân vượt tuyến trót lọt về bưng biền miền Nam được bà con nông dân đùm bọc. Nghe nói năm 1960 ông Đồng Văn Cống vào Nam đã phải vất vả để hòa giải với họ. Sau này tôi được biết thêm, không chỉ ở quân đội mà nhiều người miền Nam ở các ngành cũng bỏ cơ quan ra lập các tập đoàn sản xuất. Nhạc sĩ Phan Vân (tác giả bài Niềm Thương Mến phổ thơ Xuân Vũ) là một trong số anh em này.

Sau khi đến nơi, chúng tôi chia nhau gặp Tuấn Anh, mời họ tập họp lại để tiểu đoàn trưởng gặp gỡ. Tiểu đoàn trưởng Lê Văn Tây nói rất ngắn gọn: “Thưa các đồng chí, tôi được là phải đưa các đồng chí trở về. Do đó, một là các đồng chí chấp nhận lên xe, anh em mình cùng về, rồi sáng mai ngồi lại với nhau bàn chuyện. Hai là, chúng tôi buộc lòng cứ bốn người cõng một người để đưa các đồng chí về theo lệnh trên! Anh em tính sao?” Không trả lời, nhưng tất cả lẵng lặng lên xe. Về đến đơn vị, tiểu đoàn trưởng ra lệnh đưa bốn người vào một phòng, xong ông nói: “Xin lỗi các đồng chí, tôi sẽ cho khóa cửa phòng. Nếu không khóa phòng, các đồng chí lại bỏ đi thì lại mất công đi tìm! Sáng mai chúng ta sẽ ngồi lại nói chuyện với nhau.”

Sáu giờ sáng hôm sau, anh Võ Thành Nghĩa thư ký đại đội 3 mở cửa căn phòng đầu tiên thì thấy ba người đang ngồi bó gối nhìn đảng viên thượng sỹ Lê Văn Thuyên treo cổ bằng dây mùng, hai chân co lên khỏi giường năm phân, để được chết! Cả tiểu đoàn nhao lên, phê phán ban chỉ huy khóa cửa nhốt anh em như súc vật, vì không chịu nhục cho nên đồng chí Thuyên phải tự treo cổ, phản ứng bằng cái chết. Đảng ủy tiểu đoàn lên tiếng bênh vực quyết định của tiểu đoàn trưởng, lên án hành động vô kỷ luật của những anh em kéo nhau lên Bộ Tổng Tư lệnh và phản ứng tiêu cực bằng cách tự tử của Lê Văn Thuyên. Ngay sau hôm chôn cất Lê Văn Thuyên (nghĩa trang ở bên phải khoảng giữa con đường Cầu Giấy sang Chợ Bưởi), chi bộ đại đội 3 họp, quyết định khai trừ Lê Văn Thuyên ra khỏi đảng vì khuyết điểm “tự tử, không xứng đáng là một đảng viên Cộng sản”!

Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (20): Hai ông nhân sĩ trí thức xin vào Đảng

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen