Ngày chủ nhật, tôi thường từ Cầu Diễn đi bộ ra Cầu Giấy rồi lên tàu điện ra Hà Nội đi mua sách báo. Do không có nhiều tiền, tôi vào hiệu sách báo xem vài tờ báo rồi mua một quyển sách, sau đó tới cửa hàng sách báo khác, cũng lặp lại như thế. Tôi đã đọc theo cách đó tất cả các số báo Trăm Hoa và Nhân văn Giai phẩm mà không phải bỏ tiền mua. Một hôm, vừa rời nhà sách bước ra đường thì tôi gặp bác Hai Trần Trung Trực, nguyên Phó Ty Giáo dục Bến Tre thời chống Pháp. Thấy tôi mặc quân phục bác rất vui: “Tao không ngờ ốm yếu như mày mà vẫn còn ở bộ đội. Mấy thằng con tao chuyển ngành hết rồi!”. Bác đâu ngờ tôi chỉ là chú lính gánh gạch, trộn vữa, học xây nhà! Bác đưa tôi đến Sở Giáo dục Hà Nội cơ quan của bác hiện nay, để bác cháu tâm tình. Bác nói bác đang làm bí thư chi bộ, tôi hỏi: “Là bí thư chi bộ đảng Dân Chủ hả bác Hai?”
Bác xua tay: “Bậy mày! Bí thư chi bộ đảng Lao Động chứ, tức là Cộng Sản chứ.” Tôi nhắc lại chuyện bác giải thích với tôi về đảng Dân chủ hay hơn đảng Cộng sản ở chỗ ôn hòa, đi chậm mà chắc. Bác cười lớn: “Hồi đó tao có biết gì đâu. Sau này thằng Hiếu còn tao làm rể bác Năm Hưỡn trưởng ty, ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre! Là thông gia với nhau, bác Năm không ngại nói thẳng cho tao biết: Đảng Dân chủ là do bác Hồ thành lập để thu nạp những anh trí thức lơ tơ mơ, tạch tạch xè (những từ nói lóng để chỉ thành phần tiểu tư sản mà đảng Cộng sản cho là có quan điểm, lập trường bấp bênh cần phải kèm cặp, giáo dục không ngừng) mới tham gia cách mạng, còn e ngại cộng sản. Người tri thức vô đảng Dân Chủ thì coi như đã chịu đi theo con đường của đảng Cộng sản rồi. Bác Năm đứng ra giới thiệu tao vào đảng Cộng sản.” Tôi hỏi thăm hai người con “mác xít” của bác. Bác cho là mình rất bất hạnh khi có đứa con thứ hai là Trần Trung Tín hư đốn. Tín rời bộ đội làm diễn viên điện ảnh, nhưng thích làm thơ. Bất ngờ có người cùng cơ quan phát hiện anh có những câu thơ: “Trái tim tôi không phải quả táo tàu. Không thể dùng dao cắt chia ba phần to nhỏ” và “Chân lý không thể bị hành hình. Cái đẹp không thể vùi chôn.” Tín bị đưa ra chi bộ kiểm điểm. Người ta cho rằng anh công kích Tố Hữu, cũng tức là chống lại quan điểm văn nghệ của Đảng. Trần Trung Tín khẳng định mình hoàn toàn đúng. Trước sự o ép liên tục của chi bộ, Tín xé thẻ Đảng vứt vào sọt rác, rồi định tìm đến cái chết. Trong giây phút tuyệt vọng, may thay anh bắt gặp niềm yêu say hội họa. Hội họa đã cứu sống anh. Anh ngồi vẽ suốt ngày bằng mực Cửu Long tên giấy báo Nhân Dân. Lúc ấy bác hai Trực và cả tôi nữa chỉ biết tin vào Đảng. Ông không thể ngờ con trai mình được họa sĩ Bùi Xuân Phái coi là một thiên tài bẩm sinh. (Bùi Xuân Phái cũng là người không được Đảng coi trọng). Sau khi bác Hai Trực qua đời, tranh của Trần Trung Tín được triển lãm ở nhiều quốc gia có nền mỹ thuật cao như Pháp, Mỹ, Anh, Nhật, Thái, Singapore… Tờ báo có uy tín The Independent đánh giá: “Trần Trung Tín là họa sĩ vĩ đại nhất của Việt Nam” và báo Time nhận xét tranh của Trần Trung Tín “bi thiết với màu sắc rực rỡ”.
Sau lần gặp bác hai Trực, trong một dịp họp đồng hương tôi được gặp anh Lê Nguyên, ủy viên ban chấp hành đảng Dân Chủ tỉnh Bến Tre thời chống Pháp. Năm 1945 anh thi tú tài xong thì Cách Mạng Tháng Tám, rồi kháng chiến bùng nổ. Anh rời Sài Gòn về Bến Tre, lập tức được mời vào đảng Dân Chủ, ít lâu trở thành cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh của Đảng này. Tập kết ra Bắc anh bắt đầu làm báo. Tôi hỏi, có phải anh làm báo Độc Lập do ông Nguyễn Việt Nam nguyên ủy viên Ban thường vụ Kỳ ủy đảng Dân Chủ ở Nam Bộ đang là tổng biên tập. Anh cười, rỉ tay tôi: “Cậu không biết đảng Dân Chủ chỉ là cái đảng dỏm à? Cụ Hồ bày ra đảng Dân Chủ với đảng Xã Hội để dụ khị mấy thằng trí sức đang lớ ngớ, gom vào hai cái đảng này để tiện việc quản lý, giáo dục đó thôi! Sau khi biết rõ như vậy, mình đã làm đơn xin ra đảng Dân Chủ, rồi cố gắng ‘phấn đấu’ và đã được kết nạp vô đảng lao động hơn ba năm rồi.”
Chuyện của bác Hai Trực và anh Lê Nguyên làm tôi bùi ngùi nhớ cô giáo Thiệp đảng viên Dân Chủ ở trường trung học Huỳnh Phan Hộ tôi học thời chống Pháp. Thời ấy, các đảng viên Dân Chủ như bác Hai Trực rất tự hào về sự khác nhau – không muốn nói là ưu việt – của đảng mình so với đảng Cộng sản. Do đó những đảng viên Cộng sản trẻ, đặc biệt là những đoàn viên thanh niên “cảm tình” đảng Cộng sản luôn muốn tỏ “lập trường cách mạng vô sản” đã coi đảng dân chủ như là một bọn thù địch! Những buổi cô giáo Thiệp giảng bài, bọn học sinh chúng tôi bỏ học gần một phần ba, còn hai phần ba có mặt thì trò chuyện râm ran. Năm 1965, tôi được tin cô giáo Thiệp bị bắt đã từ chối ly khai Cộng sản, chấp nhận vào chuồng cọp ở Côn Đảo. Trong khi đó, thày Triết bí thư chi bộ đảng Cộng sản trường Nguyễn Công Mỹ lên đài Sài Gòn tuyên bố ly khai cộng sản!
Năm 1981, tôi được bầu vào Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khóa 2. Trước khi biểu quyết những nghị quyết có thể phiếu bị phân tán, các đảng viên Cộng sản được đảng đoàn ở Hội đồng Nhân dân mời họp riêng để “quán triệt sự chỉ đạo của Thành ủy”. Ông Nguyễn Việt Nam chủ tịch Hội đồng Nhân dân là bí thư đảng đoàn đảng Cộng sản, người mà thời chống Pháp đã được công khai là ủy viên Thường vụ đảng Dân Chủ của Nam bộ, sau khi tập kết ra Bắc làm tổng biên tập báo Độc Lập của đảng Dân chủ Việt Nam. Dù đã biết nhiều sự thật, nhưng tôi không khỏi ngạc nhiên khi ông Nguyễn Việt Nam công khai nhân danh bí thư đảng đoàn của đảng Cộng sản trong hội đồng nhân dân, chỉ đạo các đại biểu là đảng viên việc bỏ phiếu theo nghị quyết của đảng!
Đảng Dân Chủ “hữu danh vô thực” ngay khi thành lập. Đảng Xã Hội cũng thế. Trong tình trạng bối rối, sợ hãi đến mất khôn (Liên Xô, Đông Âu sụp đổ) ông Nguyễn Văn Linh mới quyết định buộc họ phải “hoàn thành nhiệm vụ”.
Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (21): Giơ hai ngón tay hẹn hai năm gặp lại!
Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (23): Làm thơ cải cách ruộng đất