Seite auswählen

Chị Phan Dung, trưởng phòng tổ chức của báo Lao Động là một người đẹp, vậy mà chị hay kể, mỗi lần lên làm việc ở cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động, trước khi ra về chị thường đến bên cửa sổ phòng hành chính để ngắm cô Toan: “Chao ơi, người sao mà đẹp đến thế chứ!” Nhiều lần nghe chị Dung trầm trồ như thế, nhà thơ Thái Giang tò mò đi tìm “ngắm”, rồi bảo tôi “Cậu định nghĩa thế nào là một người đẹp?” Tôi đáp, ta mượn lời cụ Nguyễn Du vậy: “Làn thu thuỷ nét xuân sơn…” Thái Giang không chịu, anh hắng giọng “Người đẹp là người khi đã bảy con mà tuổi trẻ của ta chỉ mong được quỳ mọp dưới chân người!” Nghe nói, các bạn đại học của con trai chị Toan khi đến chơi đã ngẩn ngơ trước sắc đẹp của bà mẹ bạn mình! Lứa cán bộ thời Cách mạng tháng Tám kể: Năm 1945, ông Bùi Thủy là trưởng ty công an tỉnh Phú Thọ. Thời cách mạng 1945 trong hàng ngũ Việt Minh, công an là “oách” nhất. Ông hơi lùn, gầy gò, đã đen nhẻm. Thời ấy, cán bộ đảng viên rất dị ứng với người theo đạo Công giáo. Phía bà con Công giáo cũng tự biết mình đang bị “cách mạng” định kiến, phải luôn e dè, tự giữ mình. Cô Toan xinh đẹp sinh ra trong gia đình giàu có theo công giáo nhiều đời. Người ta nói những người sùng đạo kính Chúa, sinh con gái sẽ rất giống Đức Mẹ. Đó là cái đẹp của cô Toan. Giữa lúc cô đang được nhiều chàng trai tuấn tú ngấp nghé thì ông trưởng ty công an Bùi Thủy xuất hiện và tỏ tình. Cô rất lo sợ, vì không hề yêu mà không dám từ chối. Bà con, bạn bè trong họ đạo đang sống trong tâm trạng lo âu đều cho rằng cô và gia đình đã gặp may. Cô bị một mạng lưới của những toan tính cơ hội bủa vây, cuối cùng phải chịu đầu hàng số phận. Điều này phía những người cộng sản gọi là “đầu hàng giai cấp”. Khi Bùi Thủy báo cáo xin cưới cô Toan thì cả chi bộ phê bình hết sức nghiêm khắc: “Đồng chí là đảng viên, cán bộ lãnh đạo ngành công an, cơ quan chuyên chính của giai cấp, tại sao lại xin lấy vợ là tín đồ Thiên Chúa?” Đảng viên Bùi Thủy đã khóc nấc tại chi bộ. Ông làm đơn xin chuyển công tác sang “cơ quan đoàn kết dân tộc” là Mặt trận Việt Minh để được cưới một tín đồ Công giáo, sau đó xin cho vợ vào làm nhân viên của Công đoàn. Dù là ủy viên ban chấp hành tổng cộng đoàn, nhưng Bùi Thúy đen đúa, xấu xí so với cô vợ quá xinh đẹp nên luôn bị xầm xì là “đôi đũa lệch”. Những chàng khảo sát vây quanh chị Toan do đó lúc nào cũng có chuyện đồn thổi rằng chị đang lén lút với người này người nọ. Ông Bùi Thủy chỉ còn biết đối phó bằng cách cho vợ đẻ năm một!

Ban lãnh đạo Tổng Công đoàn hồi ấy do Hoàng Quốc Việt làm chủ tịch, các vị Trần Danh Tuyên, Nguyễn Công Hòa, Trương Thị Mỹ là phó chủ tịch. Nhưng ai cũng biết người thật sự điều hành hoạt động toàn hệ thống công đoàn là ủy viên thường trực Nguyễn Minh, một người sắc sảo tài năng và đặc biệt là rất đẹp trai. Trong ban lãnh đạo “tổ chức của giai cấp” chỉ có ông có bằng tú tài toàn phần. Con nhà giàu, học giỏi nên khi tham gia cách mạng, ông tự thấy chỗ yếu của mình là thành phần xuất thân. Để bù chỗ yếu đó, ông tìm người bạn đời là công nhân, ít học. Vợ ông là chị Tâm công nhân nhà máy dệt kim Đồng Xuân, lam lũ, gầy gò. Vì là vợ của vị lãnh đạo cao cấp Tổng Công Đoàn, nên người ta cố bồi dưỡng, đưa chị làm cán bộ công đoàn nhà máy. Vợ chồng họ cũng bị xem là đôi đũa lệch, không chỉ về nhan sắc mà cả về kiến thức, văn hóa, nếp sống.

Văn phòng của thủ trưởng Nguyễn Minh rộng, bên ngoài là bàn làm việc có bộ salông tiếp khách, bên trong là giường nghỉ. Buổi trưa thủ trưởng khóa trái cửa, là một không gian bất khả xâm phạm. Cho nên không ai có thể ngờ, người đẹp bảy con đã là đồng chủ nhân của văn phòng ấy từ lâu. Cho tới đầu năm 70, khi chính phủ quyết định thành lập Tổng cục Đào tạo Nghề và ông Nguyễn Minh được bổ nhiệm làm tổng cục trưởng. Trước hôm nhận quyết định chuyển công tác, tức là phải rồi khỏi trụ sở cơ quan Tổng Công đoàn để sang cơ quan mới thì ông đã gây ra một “chuyện động trời”.

Khoảng 11 giờ đêm, bà Dụ thường trực cơ quan Nhận được điện thoại từ đồn công an hỏi: “Cơ quan tổng liên đoàn có cán bộ tên Minh hay không?” Bà Dụ đáp: “Ở đây nhiều Minh lắm, các ông muốn hỏi ông Minh nào?” Đầu dây bên kia nói như thiệt: “Nguyễn Minh đẹp trai! Bị thanh niên cờ đỏ buộc vào đồn công an do ngồi quá khuya với phụ nữ trong công viên Lênin”. Sáng hôm sau, cả cơ quan Tổng Công đoàn và các cơ quan trực thuộc ồn ã câu chuyện với rất nhiều tình tiết: Để trao đổi cách liên lạc sau ngày phải rời gian phòng thân thiết, thủ trưởng Nguyễn Minh hẹn gặp người đẹp ở công viên Lênin. Đến 10 giờ tối, một thanh niên mang băng đỏ tới nhắc hai bác đã hết giờ được ngồi ở đây. Do quen lối của thủ trưởng cơ quan đối với cấp dưới, Nguyễn Minh gắt: “Các cháu đừng quấy rầy. Hai bác còn nhiều công việc cần bàn.” Bọn trẻ đã theo dõi thấy hai bác ôm ghì nhau nhiều hơn là “bàn công việc” nên gọi nhau quy tụ hơn 10 đội viên cờ đỏ tới vây quanh, yêu cầu hai bác cho xem giấy tờ tùy thân. Cả hai bác đều không chịu trình giấy mà còn tỏ ý chê trách tại sao các cháu cứ quấy rầy. Không ngờ đội trưởng cờ đó dõng dạc: “Nội quy công viên không cho phép ngồi quá 10 giờ đêm. Hai bác đã vi phạm quy định! Xin mời đứng lên, tới đồn công an”. Sau khi được bà Dụ, bảo vệ cơ quan, xác nhận cả hai là cán bộ Tổng Công Đoàn, phía công an yêu cầu xuất trình giấy chủ quyền chiếc xe đạp (thời ấy ở miền Bắc chiếc xe đạp là cả một gia tài nên phải được cấp giấy chủ quyền). Khốn nỗi thủ trưởng lén vợ đi với bồ, nên mượn xe đạp của nhân viên mà không kèm theo giấy! Công an yêu cầu sáng hôm sau phải mang giấy giới thiệu của cơ quan kèm theo giấy chủ quyền chiếc xe mới được nhận lại!

Ông Hoàng Quốc Việt nghe báo cáo “chuyện động trời” đã gọi Nguyễn Minh tới văn phòng chủ tịch, xài xể nặng lời, rồi rút tờ quyết định bổ nhiệm chức tổng cục trưởng ra, xé toẹt, ném vào sọt rác! Trái với sự thất vọng, tức tối của các vị lãnh đạo, lớp trẻ trong trụ sở tổng công đoàn và các cơ quan trực thuộc cho rằng hai người họ phạm lỗi ngoại tình đáng chê trách, nhưng nguyên nhân sâu xa là: Cả hai đều bị buộc vào cuộc “hôn nhân lập trường giai cấp”.

Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (34): Gặp ba nhà văn bị vùi dập

Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (36): Chủ nghĩa lý lịch quật ngã ông thường vụ tỉnh ủy

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen