Chuyện tổng bí thư Nguyễn Văn Linh chỉ thị cho chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động phải chọn người khác thay tôi làm tổng biên tập, nhưng ban lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động đã nhất trí bảo vệ tôi cả cơ quan báo đều biết. Một hôm cùng ngồi bàn trà trước giờ làm việc, phóng viên Tô Thành vui vẻ nhận xét đôi nét trong “nhân tướng” của tôi là luôn có “quí nhân phù trợ”. Tôi hỏi: “Tô Thành có nghiên cứu tướng pháp à?” Gợi đúng sở thích, anh cho biết mình mê sách tướng từ thời trung học.
Năm 1955, trong buổi đón thủ tướng Ngô Đình Diệm ra thăm Hà Nội, anh chọn chỗ đứng tốt nhất để xem tướng ông và nhận xét: “Ông này quý tướng nhưng đoản mệnh”. Đầu năm 1977 khi được thông báo sáng hôm sau ông Nguyễn Văn Linh đến nhận chức chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động, anh đến bãi xe ngồi chờ từ sớm. Ông Nguyễn Văn Linh vừa mở cửa xe bước ra, Tô Thành đã bước tới, vừa “kính chào đồng chí” vừa đưa tay ra. Ông Linh bắt tay, đáp lời chào. Tô Thành nhận xét: Bàn tay đầy đặn, không cứng nhắc cũng không quá mềm, ấm áp như truyền sinh lực sang cho mình; ngước nhìn lên, đôi mày rậm, dài, mắt sáng, mũi trái mật, miệng vuông, cầm vuông, nói nhỏ mà vẫn âm vang; khi ông quay đi, chân bước nhẹ vững chãi. Người như vậy, chỉ xô đổ người khác, chứ không ai xô đổ ông ta được. Từ đó, thỉnh thoảng tôi hay hỏi Tô Thành về nhân tướng của một số người trong cơ quan. Nhiều nhận xét của anh tôi vẫn nhớ: Nhà báo Nguyễn An Định tài hoa và có sức khỏe hơn người, nhưng Tô Thành bảo để rồi anh xem, hắn chết sớm, có thể bất đắc kỳ tử. Mấy năm sao Định bị ung thư đại tràng, không qua tuổi 50. Tôi hỏi, chị Tước đẹp vậy mà tại sao cả hai lần để tang chồng? Tô Thành: “Đàn bà mắt sắc như dao cau, ngửa mặt lên trời cười ha hả, chồng nào sống nổi. Trước năm bà ấy 55 tuổi, ông nào lấy bà ấy đều phải qui thiên”. Tôi muốn đề bạt anh Nguyễn từ phóng viên lên trưởng phòng, nên hỏi Tô Thành về nhân tướng anh này. Tô Thành nói phũ phàng: “Anh hỏi làm gì cái thằng tướng tá chẳng ra gì”. Tôi vẫn hỏi tiếp “mình thấy nó tuấn tú khôi ngô mà?” Thành đáp “anh biết xem tướng thì còn hỏi em làm gì? Tướng hắn hỏng bét!” Khoảng một năm sau, Nguyễn lấy cô vợ ở Sài Gòn đưa về Hà Nội quê chồng. Tô Thành đến cơ quan thấy có cô gái lạ ngồi ở phòng khách, hỏi chị em tiếp tân và được biết đó là vợ của Nguyễn. Anh chửi thề “đù má cái thằng tướng mạo xoàng quá mà lấy được con vợ ngồi sáng cả cái phòng!” Sau đó Tô Thành tìm dịp nói lại với tôi: “từ nay số phận của Nguyễn sẽ thay đổi”. Tôi thắc mắc: “tướng của ai thì ứng với người đó chứ? Tại sao tướng của vợ có thể thay đổi số phận của chồng?” Tô Thành đáp: “cha mẹ với con cái, anh chị em ruột, tướng của ai ứng với số phận người đó, nhưng vợ chồng thì có thể thay đổi số phận của nhau”. Hơn 10 năm gặp lại, Tô Thành nhắc trường hợp Nguyễn đã chứng tỏ anh nói đúng: Nguyễn phát cả danh vị, tiền tài, con cái thành đạt.
Một lần tôi hỏi Tô Thành “nhận xét nhân tướng của mọi người thì rất hay, nhưng Tô Thành chưa tự nhận xét xem sao?” Tô Thành đáp: “Đôi mày của em hơn anh. Mồm miệng của em hơn anh. Nhưng em hỏng bét vì mặt to mà mũi nhỏ. Mũi không đỡ nổi mặt. Do đó, em không bao giờ trách anh vì sao không cất nhắc em.”
Ông thầy tướng thứ hai là nhà văn Bùi Việt Sĩ tác giả của nhiều tác phẩm văn học, trong đó có tiểu thuyết “Người dẫn đường thọt chân”, dư luận cho rằng nhằm ám chỉ sự lãnh đạo khập khiễng của đảng Cộng sản Việt Nam. Những ý kiến chính thức của các cơ quan lãnh đạo xuất bản xếp tác phẩm này là “tác phẩm văn học trong thời kỳ đổi mới”. Bùi Việt Sĩ không muốn mọi người biết mình xem tướng. Chỉ khi nào tôi khen một người nào đó trái ý anh thì anh mới dùng nhân tướng của người đó để phản bác.
Một lần, anh vào Sài Gòn dự họp với cơ quan báo Lao Động ở miền Nam, lúc này Trưởng ban Quốc tế của báo lao động ở miền nam là Phan Tùng. Phan Tùng từng là tình nguyện quân Việt Nam ở Campuchia, sử dụng được hai ngoại ngữ, Anh và Pháp. Tôi có ý định đề bạt anh làm trưởng cơ quan miền Nam thay cho Hồng Đăng khi anh này ra Hà Nội thay tôi làm tổng biên tập. Tôi hỏi Bùi Việt Sĩ nhân tướng của Phan Tùng. Anh xua tay “ô, khó nói lắm!” Tôi ngạc nhiên hỏi vì sao, Bùi Việt Sĩ nói: “vì là nhân vật quan trọng và được anh đặc biệt tin cậy”. Tôi cười: “Không sao. Sĩ cứ nói thẳng, mình hứa sẽ giữ kín, chỉ hai chúng mình biết để lưu ý đến kết cục”. Sĩ nói: “Đó là một thằng phản phúc!” Tôi kêu lên: “Trời, là sự phản phúc nó biểu hiện ở đâu vậy?” Sĩ: “Ở đôi mắt nó”. Tôi nói: “Mình chỉ thấy là nó cận thị nặng phải mang kính”.
Câu chuyện dừng ở đó. Mãi một năm sau khi Hồng Đăng sắp thay tôi làm tổng biên tập và Phan Tùng sắp sửa thay Hồng Đăng làm trưởng cơ quan miền Nam báo Lao Động thì xảy ra chuyện “phản phúc” mà thầy tướng Bùi Việt Sĩ đã nói. Chuyện đó sẽ kể ở phần sau.
Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (52): Một ông thư ký tòa soạn tập nhịn đói
Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (54): Kết bạn với Nguyễn Kiến Giang