Seite auswählen

Một dịp vào Sài Gòn thăm con, anh Nguyễn Kiến Giang (tên thật là Nguyễn Thanh Huyên, bút danh Lương Dân, Lê Diên, Lê Minh Tuệ) đến tìm tôi ở cơ quan miền Nam của báo Lao Động. Nghe tên anh, tôi nhớ ra ngay danh sách “nhóm xét lại, chống Đảng” khi học Nghị quyết 9 Trung ương hồi năm 1963. Hồi đó, các giảng viên đã làm cho người nghe hình dung nhóm này gồm những người không bình thường, “trứng đòi khôn hơn vịt”, đảng viên mà đòi dạy Bộ Chính trị. Lạ thay, Nguyễn Kiến Giang, một cốt cán của nhóm xét lại, bị buộc vào trại cải tạo vẫn khư khư bảo lưu quan điểm của mình, không chịu tiếp thu Nghị quyết 9 lại là một người có dung mạo mà các sách tướng pháp miêu tả một trang “quân tử”: mặt vuông, miệng vuông, trán cao, mắt sáng, giọng nói trầm ấm, thái độ từ tốn, khoan hòa. Người ta có thể nhân danh công lý giam hãm một người như thế này? Khi đã thân nhau, anh Kiến Giang cho biết, anh muốn tìm tôi là vì được nghe kể tôi dám cãi ông Nguyễn Văn Linh ở một cuộc họp cán bộ tuyên huấn Sài Gòn.

Anh Nguyễn Kiến Giang sinh ra trong gia đình “cộng sản nòi”, bố là đảng viên từ năm 1930, mẹ là đảng viên từ năm 1936. Khi lên năm lên sáu, anh được mẹ đưa tới nhà tù Lao Bảo thăm bố là tù cộng sản, 14 tuổi anh tham gia Việt Minh, 16 tuổi được kết nạp vào Đảng, 17 tuổi là huyện ủy viên, 18 tuổi là tỉnh ủy viên, rồi thường vụ tỉnh ủy. Tập kết ra Bắc, anh được bổ nhiệm làm trưởng ban của báo Nhân Dân (tương đương vụ trưởng). Tại đây, anh viết quyển “Việt Nam năm đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám”, được Trường Chinh khen rất hay. Sau đó ông được giao làm “Tuyển tập Hồ Chí Minh” và chuyển sang làm phó giám đốc nhà xuất bản Sự Thật. Năm 1962 anh và một số cán bộ cốt cán được Đảng cử đi học Trường Đảng Cao cấp của Liên Xô nhằm đào tạo thế hệ lãnh đạo kế cận. Không ngờ chuyến đi này đưa tới bước ngoặt: Nguyễn Kiến Giang và hầu hết số người này trở thành “nhóm xét lại chống đảng”.

Sau khi Stalin qua đời (3-1953) Khrushchev được bầu làm tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô (9-1963), lên án tệ sùng bái cá nhân Stalin. Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô chủ trương cải tổ theo hướng dân chủ, đưa ra lý thuyết “tam hoà”: hòa bình thi đua giữa hai hệ thống xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa; hòa bình đòi trả lại độc lập ở các nước thuộc địa; mỗi nước hòa bình đi lên chủ nghĩa xã hội; và “nhị toàn” là nhà nước của toàn dân, Đảng của toàn dân. Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp tỏ ra tán thành Khrushchev. Tháng 1 năm 1963 Tổng Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Novotny của Tiệp Khắc thăm Việt Nam. Bản tuyên bố chung Hồ Chí Minh – Novotny ca ngợi đường lối chung sống hòa bình là đúng đắn. Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng đứng về phía Trung Cộng chỉ đạo Hội nghị Trung ương lần thứ 9, ra nghị quyết chống chủ nghĩa xét lại hiện đại. Các đảng viên đang học ở Liên Xô được gọi về nước để học Nghị quyết 9. Tại đây có sự phân hóa, một số không chịu về, cho rằng về sẽ bị trừng trị. Một số cho rằng nên về để phân tích lý lẽ giúp lãnh đạo đảng đồng ý cải tổ theo hướng dân chủ của Đại hội 20. Nguyễn Kiến Giang là một trong số người trở về và dũng cảm phê phán Nghị quyết 9 là bảo thủ, giáo điều. Những người chống Nghị quyết 9 không được trọng dụng nhưng chưa bị bắt. Có một trường hợp gây xúc động là ông Dương Bạch Mai, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, phát biểu: “Học Nghị quyết 9, tôi càng thấy cái gọi là chủ nghĩa xét lại hiện đại sao mà nó hay quá, đúng đắn quá!” Bị ông Phạm Văn Đồng phê phán, ông giận dữ phản ứng lại, bị đột quỵ và qua đời tại hội trường Quốc Hội ngày 4 tháng 4  năm 1964, ngày họp cuối cùng của Quốc hội khóa 2. Năm 1967, nhằm tạo môi trường chính trị thuận lợi cho cuộc tập kích Tết Mậu Thân Lê Duẩn sang xin Mao giúp đỡ. Mao bảo Lê Duẩn: “Muốn được chúng tôi ủng hộ thì ít nhất các đồng chí cũng phải hưởng ứng chủ trương chống phái hữu của Trung Quốc chứ!” Vậy là về nước Lê Duẩn lập tức cho bắt 30 cán bộ cao cấp không tán thành Nghị quyết 9 để chứng tỏ với Mao là đã hưởng ứng chống phái hữu. Nguyễn Kiến Giang nằm trong số này. Khi kể với tôi chuyện này, anh nói “ông bà mình có ‘câu hùm dữ không ăn thịt con’, nhưng Đảng mình thì ăn hết!” Ít lâu sau, ngót 300 cán bộ các cấp tiếp tục bị đày ải. Khi bị giam trong trại cải tạo, các anh có gửi thư cho Lê Đức Thọ yêu cầu được đưa ra tòa xử, kêu án, để biết mình phạm tội gì và phải ở tù bao lâu. Lê Hồng Hà, chánh văn phòng Bộ Công an, được phái vào truyền đạt ý kiến Lê Đức Thọ: “Các đồng chí yên tâm ở trong trại cải tạo là đã đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng”, ông Lê Hồng Hà qua chuyến công tác đặc biệt này đã đứng hẳn về phía những người bị giam. Ông biết kiến nghị xóa bỏ vụ án “nhóm xét lại chống Đảng”, cuối cùng chính ông cũng bị vào khám!

Từ năm 1989 khi tôi ra Hà Nội làm tổng biên tập báo Lao Động, quan hệ giữa anh và tôi càng khăng khít. Tôi đã đưa anh vào danh sách cộng tác viên có hưởng lương hàng tháng của báo Lao Động. Anh đưa tôi đến thăm cụ Lê Giản nguyên giám đốc Nha Công an từ năm 1945 tại nhà riêng ở số 5 Nguyễn Thượng Hiền. Tại đây tôi được hai người kể cho nghe nhiều chuyện, trong đó có chuyện cụ Hồ với cô vợ trẻ Nông Thị Xuân và kết cục bà “hoàng hậu” Nông Thị Xuân phải chết thảm mà ông “vua Hồ” bất lực phải giả câm giả điếc. Đây là lần đầu tiên óc sùng bái cụ Hồ của tôi bị giáng cho một đòn chí mạng. Với bút danh Lương Dân hàng tuần anh có bài viết để gặp các vấn đề kinh tế, văn hóa, giáo dục trên báo Lao Động. Thời kỳ này, A.25 (Cục An ninh Văn hóa, Bộ Công an) công khai việc cử thiếu tá Đỗ Văn Phú theo dõi báo Lao Động (sau khi tôi về hưu, người kế nhiệm tổng biên tập là Phạm Huy Hoàn đã khôn ngoan mời thiếu tá Đỗ Văn phú về làm chánh văn phòng báo Lao Động. Thế là cơ quan an ninh không phải mất thêm người theo dõi). Mỗi lần anh Kiến Giang đến gặp tôi thì khoảng một giờ sau, thiếu tá Đỗ Văn Phú đến hỏi: “Ông Nguyễn Kiến Giang đến có việc gì vậy đồng chí?” Do đó, tôi giao ước với anh Kiến Giang, anh đến tôi, chứ tôi không đến anh. Tôi đã nói với công an: “Cửa tòa soạn báo phải mở rộng với tất cả cộng tác viên và bạn đọc”. Lương tháng và nhuận bút đã giúp gia đình anh chị đỡ khó khăn hơn trước. Một lần, báo Lao Động yêu cầu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm viết một loạt bài về đường lối đối ngoại của nước ta. Vài ngày sau, anh Kiến Giang cho tôi xem bản thảo anh viết loạt bài này theo “đặt hàng” của cán bộ giúp việc bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm. Cán bộ giúp việc bộ trưởng nhận nhuận bút từ tòa báo, sau đó đưa lại cho anh. Có lần, anh Kiến Giang cho tôi bản dự thảo phương hướng hoạt động đối ngoại của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng do cán bộ ban này nhờ anh chấp bút. Sau khi anh về khoảng nửa giờ, thiếu tá Đỗ Văn Phú của A 25 tới hỏi, tôi nói đúng sự thật. Phú ngõ ý muốn được xem, tôi đã đưa cho anh. Dần dà thiếu tá Đỗ Văn Phú cũng cảm mến anh Kiến Giang vì nhận ra anh là một người đầy lòng yêu nước hiểu biết rộng mà sự đóng góp trí tuệ cứ phải âm thầm.

Năm 1993 nhân hội nghị quốc tế nhân quyền ở Vienna, nhiều người Việt ở hải ngoại lên tiếng phê phán chính phủ Việt Nam không tôn trọng nhân quyền. Thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Trung ương, tôi viết một bài báo cho rằng cuộc chiến tranh giải phóng do đảng Cộng sản lãnh đạo đã dành nhân quyền cao nhất cho dân tộc là độc lập. Lập tức, anh Kiến Giang đến gặp tôi và phản ứng rất gay gắt: “Mình coi Tống Văn Công là người bạn thân nhất, nhưng Công là tác giả bài báo thì mình không thể chịu được. Người ta đang đòi hỏi các quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do lập hội… Tống Văn Công như một người điếc, hay là giả điếc, cứ thuyết lý hùng hồn về một điều cũ rích chẳng ai buồn nghe!” Đây là một đòn đánh mạnh vào não trạng “ngu trung” của tôi.

Có lần nghe một bạn trẻ dè bĩu chuyện những ông “cốp” đứng tên bài do anh chấp bút,  Nguyễn Kiến Giang nói: “Thực lòng mình rất quý trọng những người chịu đứng tên giùm các bài mình viết. Bởi vì những người ấy đồng quan điểm với mình, hơn nữa còn giúp mình quảng bá tư tưởng mà mình hằng nung nấu nhưng không được phép công bố trên sách báo”. Anh đã viết hơn 20 tác phẩm, dịch hơn 40 quyển sách, nhưng đến ngày qua đời (2-12-2013) và tận hôm nay tên Nguyễn Kiến Giang vẫn chưa được phép xuất hiện, dù là sách về văn hóa. Tôi đang giữ một số bản thảo của anh, trong đó có quyển “Cõi tâm linh” gồm những bài “Rồi ai cũng về cõi âm”, “Con người và cái chết”, “Đời sống tâm linh và ý thức tôn giáo”, “Thờ cúng tổ tiên trong đời sống tâm linh của người Việt”. Anh thường tỏ ý rất quý trọng bác sĩ Nguyễn Khắc Viện người đứng tên nhiều quyển sách do anh viết. Do đứng tên những quyển sách của Nguyễn Kiến Giang chấp bút mà bác sĩ Nguyễn Khắc Viện được xếp vào hàng “những nhà dân chủ tiên phong” (ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang). Năm 1989, sau khi đã bắt Dương Thu Hương, Trung tướng Dương Thông nói trong cuộc gặp các tổng biên tập báo, sắp tới có thể sẽ bắt Nguyễn Khắc Viện. Tôi rất ngạc nhiên khi nghe ông tiết lộ chuyện này và phán đoán: có lẽ Đảng muốn ông Viện biết sự răn đe này để giữ mình, bởi vì bắt ông Viện sẽ gây bất lợi cho Đảng trong dư luận. Tôi kể với anh Nguyễn Kiến Giang chuyện Dương Phong đe bắt Nguyễn Khắc Viện để anh bảo cho ông Viện biết. Ít lâu sau, có tin Nguyễn Khắc Viện gửi đơn xin được thưởng Huân chương Độc lập. Cách đối phó này quá là rất cao tay! Làm sao có thể nghi ngờ một người đưa đơn xin huân chương lại có âm mưu chống Đảng! Năm 1997, trong dịp vào Sài Gòn, anh Kiến Giang kể: Trước khi qua đời, ông Viện có trối trăng với vợ ông là bà Nhất và một số bạn bè có mặt: 1-Ông muốn được trả lại sự thật là mình đã đứng tên gần 10 quyển sách của Nguyễn Kiến Giang; 2-Ông xin Đảng, nhà nước cho ông được an táng ở nghĩa trang Mai Dịch. Anh Kiến Giang coi mong muốn được nằm ở Mai Dịch của ông Viện là một vết nhơ cuối đời. Cho đến khi qua đời, bà Nhất vẫn không chịu thực hiện việc trả lại tên tác giả gần 10 quyển sách cho Nguyễn Kiến Giang, trong đó có những quyển được nhiều người đánh giá cao như “Từ điển xã hội học”, “Cách mạng Pháp 1789 và chúng ta”, “Liên Xô 70 năm trên đường khai phá”. Dịp kỷ niệm lần thứ 200 ngày Cách mạng 1789, đại sứ Pháp đến nhà Nguyễn Khắc Viện mời ông qua Pháp. Ông Viện cho ông đại sứ biết, tác giả quyển sách nói trên là Nguyễn Kiến Giang, còn mình chỉ là người cho mượn tên để sách được phép in. Người đại diện chính phủ Pháp lại tìm đến mời Nguyễn Kiến Giang và nói rõ mọi chi phí chuyến đi do Pháp đài thọ, nhưng Nguyễn Kiến Giang không được phép xuất ngoại!

Nguyễn Kiến Giang viết rất nhiều tác phẩm có giá trị, một trong số đó là bài “Khủng hoảng và lối ra”. Bài này anh viết đầu năm 1991 trước thềm Đại hội 7 theo sự ủy nhiệm của nhiều đảng viên lão thành, nhưng viết xong chỉ ông Lê Giản dám ký tên, số còn lại từ chối vì sợ bị trừng trị như Trần Xuân Bách. Sau khi phân tích tình trạng khủng hoảng toàn diện từ kinh tế xã hội, tinh thần và đạo đức, tư tưởng và chính trị, tác giả chỉ lối ra: “Phải chủ động thực hiện dân chủ hóa và đổi mới chính trị từng bước vững chắc, triệt để. Chỉ có đảng nào không gắn bó với nhân dân biến sự lãnh đạo của mình thành chế độ đảng trị và cố bám giữ lấy nó thì mới sụp đổ. Phải chuẩn bị mảnh đất tốt cho sự phát triển lâu dài của đất nước trên nền tảng văn minh chung của loài người đã được khảo nghiệm là xã hội công dân, kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền.”

Năm 2009 tôi viết bài phản biện đầu tiên “đổi mới Đảng chống nguy cơ sụp đổ”. Anh Kiến Giang khen bài có ích và đúng lúc. Mấy năm qua anh không viết được vì sức khỏe quá sa sút. Anh không nói, nhưng tôi biết anh vui vì thấy nhiều bạn bè đang tiếp bước mình. Anh bị bệnh nặng và qua đời ngày 2 tháng 12 năm hai 2013.

 

Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (53): Hai ông thầy tướng

Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (55): Nhà báo Trần Minh Tước – Xích Điểu

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen