Seite auswählen

Nhà báo Trần Minh Tước bút hiệu Xích Điểu sinh năm 1911 cùng tuổi với Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, tham gia đảng Cộng sản từ 1930, bị thực dân Pháp đày nhà tù Lao Bảo cùng thời với Lê Đức Thọ. Năm 1938 ông viết “Nhà thơ của tương lai” đăng trên Phụ Nữ Tân Văn giới thiệu Tố Hữu. Sau tháng Tám 1945, ông làm chủ tịch tỉnh Lạng Sơn, sau đó được chuyển làm giám đốc Sở Báo chí Trung ương, rồi phó tổng biên tập báo Giải Phóng, cuối cùng cộng tác với các báo. Lúc đang là phó tổng biên tập báo Giải Phóng ông viết bài cho báo Tin Sáng nhiều hơn cho báo nhà, do đó bị tổng biên tập Nguyễn Thành Lê phê bình. Ông bảo, thích viết cho Tin Sáng không phải vì tiền mà vì ban biên tập báo này biết đánh giá, trân trọng bài viết và tờ báo này được bạn đọc vồ vập đón nhận. Ông còn được bạn đọc yêu vì là tác giả những bài thơ trào phúng rất có duyên. Tôi mời ông viết bài thường xuyên, rồi trở thành bạn vong niên.

Tuy đường hoạn lộ không hanh thông, nhưng ông được các vị lãnh đạo cao cấp trọng nể. Ông kể, lúc Trường Chinh ra tập thơ “Sóng Hồng”, ông được đề tặng trang trọng và mời đến nhà riêng đàm luận. Lúc ông đang bình thơ và Trường Chinh chăm chú lắng nghe thì nhân viên bảo vệ đưa ông vụ trưởng của Thông tấn xã Việt Nam vào. Ông này đích thân mang tập ảnh phóng viên chụp chủ tịch Trường Chinh đi thăm các tỉnh Tây Bắc. Thấy chủ tịch và vị khách say sưa trò chuyện, ông vụ trưởng lùi vào chiếc bàn gần đó ngồi chờ. Nhưng ngồi chờ gần một tiếng đồng hồ mà cuộc đàm luận chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Ông vụ trưởng khúm núm bước tới cúi chào xin phép đi về.

Ông Trường Chinh dừng nói, ngẩn nhìn ông vụ trưởng, hỏi: “Anh đến tặng tập ảnh phải không?” “Thưa vâng!” Lại hỏi: “Anh đã nói lời tặng chưa? Và tôi đã nhận chưa mà anh xin về?” Ông vụ trưởng xin lỗi, cầm tập ảnh lên, lắp bắp những lời kính tặng như đứa trẻ vừa phạm lỗi bị đe nẹt, rồi cúi đầu chờ ông bố tha thứ! Kể xong, Xích Điểu có lời bình “Ông chủ tịch nước cũng giống như ông vua với thần dân!” Tôi nói “cũng may là cụ không trở thành một ông to nên vẫn giữ được sự bình đẳng trong quan hệ với mọi người”.

Một lần, Lê Đức Thọ vào Sài Gòn ghé thăm ông. Khi nói chuyện, ông gọi ông Thọ là ông và xưng tôi. Ông Thọ nói tao thích mày gọi tao là thằng như hồi ở tù Lao Bảo mày ạ. Ông đáp “khổ quá, làm sao gọi được như vậy, khi mà các ông đã biến tôn ti trật tự trong đảng như một triều đình? Hồi ở tù Lao Bảo, tôi với ông là hai thằng tù cùng tuổi đời, tuổi Đảng. Tôi lại là thầy dạy ông học tiếng Tây, dạy ông làm thơ. Còn ngày nay ông là ủy viên bộ chính trị, có dàn trợ lý, cận vệ, cần vụ. Tôi chỉ là thằng viết báo kiếm nhuận bút.” Lê Đức Thọ cười lớn “mày tự ti đó mày ơi! Tao vẫn coi mày là thầy tao”. Kể tới đó, ông cười và nói tiếp chuyện đời này. Một lần, ủy viên bộ chính trị Tố Hữu đến nói chuyện với các nhà văn nhà báo. Xích Điểu trong đám cử tọa ngồi nghe. Đến lúc nghỉ giải lao, Tố Hữu với giọng kể cả hỏi Xích Điểu giữa đám đông: “Ông ơi, lâu nay ông bận việc tới nỗi không có thì giờ đọc thơ tôi hay sao mà không thấy ông bình luận gì cả?” Xích Điểu vui vẻ trả lời: “Hồi đó trên văn đàn Việt Nam người ta không biết có nhà thơ Tố Hữu. Trong Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh – Hoài Chân không nhắc tới. Nay thì có tập thơ nào của ủy viên bộ chính trị Tố Hữu mà không được Hoài Thanh và bao nhiêu nhà phê bình trẻ ca tụng. Tôi viết tụng ca làm sao bằng họ!” Tố Hữu tuy rất khó chịu nhưng cố im lặng.

Sau năm 1975, ông vào Sài Gòn làm báo. Hai vợ chồng già sống trong gian phòng của ngôi nhà tập thể báo Đại Đoàn Kết. Cụ bà mất năm ông 76 tuổi. Trong vụ đấu tranh chống tham nhũng ở Công ty Dịch vụ Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, tôi viết thư mời ông làm thơ đả kích bọn này. Cô Ngọc Dung học ở Ba Lan về được gọi là “Dung Ba Lan” mang thư tôi đến ông. Ông viết liên tục những bài thơ đả kích theo diễn biến của cuộc đấu tranh. Thật không ngờ, sau khi quật ngã được bọn tham nhũng, ông mời tôi dự lễ cưới của ông với Dung Ba Lan. Họ sống hạnh phúc đến năm ông qua đời ở tuổi 94.

 

Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (54): Kết bạn với Nguyễn Kiến Giang

Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (56): Từ một bài báo nhỏ