Seite auswählen

Triều Giang

 

Đại Học Texas Tech, nơi diễn ra hội thảo về “Chiến Tranh Việt Nam” từ ngày 25 đến 27 Tháng Tư, 2019. (Hình: Wikipedia)

Gần 70 bài thuyết trình, chiếu phim và giới thiệu nhiều sách mới

LUBBOCK, Texas – Cuộc hội thảo với đề tài “1969: Việt Nam Hóa Chiến Tranh, và Những Năm Chuyển Đổi Cuộc Chiến” (1969: Vietnamization and the Year of Transition in the Vietnam War) của Trung Tâm Sử Liệu Vietnam Center tại Đại Học Texas Tech trong ba ngày từ 25 đến 27 Tháng Tư, 2019, thực sự đã lôi cuốn đông đảo các nhà nghiên cứu, sử gia và những người quan tâm tới chiến tranh Việt Nam.

Sẽ có gần 70 bài tham luận từ hơn 100 diễn giả, phim “Vietnamerica” sẽ được trình chiếu và nhiều cuốn sách về chiến tranh Việt Nam mới xuất bản sẽ được giới thiệu trong hội thảo.

Nhìn vào thành phần thuyết trình viên, ngoài sự có mặt đông đảo các giáo sư ngành sử học của chủ nhà là Đại Học Texas Tech, chúng tôi nhận thấy đông đảo các giáo sư và các nhà nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam đến từ gần 30 đại học. Có nhiều đại học danh tiếng như Hardvard, Rutgers, Columbia,… còn có các đại học từ nhiếu quốc gia trên thế giới như Nam Hàn, Đức, Thụy Sĩ, Cambodia,… và nhiều Trung Tâm Sử Liệu của các đơn vị quân đội Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới.

Phía CSVN gửi ít nhất là bốn người từ hai Đại Học Khoa Học Nhân Văn ở Sài Gòn và Huế. Riêng người Việt hải ngoại có gần 20 thuyết trình viên và một nhà sản xuất phim.

Với gần 70 bài tham luận chia ra 26 đề tài từ những vấn đề chiến lược, những trận đánh long trời, lở đất tại chiến trường, đến những biến chuyển chính tri đầy phức tạp vào thời gian 1969-1970 của bốn bên tham chiến chính là Hoa Kỳ, Nam Việt Nam, Cộng Sản Bắc Việt, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, cho đến những quốc gia đồng minh như Canada, Ba Lan, Cambodia, Nam Hàn, Thái Lan, Philippines,…

Đặc biệt năm nay phía Việt Nam Cộng Hòa có khoảng gần 20 bài tham luận rải rác trong suốt chương trình.

 

Vietnam Center tại Đại Học Texas Tech. Hình giữa: Tiến Sĩ Steve Maxner, giám đốc Vietnam Center. Hình phải: Tiến Sĩ Michael Galyen, Đại Học Texas Tech. (Hình: Texas Tech)

 

Riêng hai đề tài tập trung sẽ diễn ra vào sáng Thứ Bảy, 27 Tháng Tư, là “Kinh Tế Miền Nam Việt Nam Trong Thời Việt Nam Hóa Chiến Tranh” gồm ba bài tham luận:

– “Phát Triển Để Đáp Ứng Với Những Thử Thách (The South Vietnamese Economy During Vietnamization: Growing To Meet Challenges,” do cựu Bộ Trưởng Kinh Tế, ông Phạm Kim Ngọc trình bày.

– “Thích Ứng Với Thay Đổi, Xây Dựng Để Phát Triển” (Coping with Changes and War, Building Foundation for Growth) của cựu Bộ Trưởng Bộ Thương Mại và Kỹ Nghệ, ông Nguyễn Đức Cường trình bày.

– “Năm 1969: Chương Trình Người Cày Có Ruộng Ra Đời” (“1969: The Year the Land-to-the-Tiller” Program was Launched) do cựu Thứ Trưởng Bộ Canh Nông và Phát Triển Nông Thôn, ông Trần Quang Minh trình bày.

Buổi chiều cùng ngày với đề tài thứ hai “Việt Nam Hóa Chiến Tranh và Sự An Ninh Của Miền Nam Việt Nam” (Vietnamization and South Vietnam’s Security),” gồm ba bài tham luận:

– “Tác động Của Việt Nam Hóa và Chiến lược Tự lực và Tự Cường” (The Impact of Vietnamization and the Strategy for Self-Reliance and Self-Sufficiency), do cựu cố vấn tổng thống kiêm bộ trưởng Dân Vận và Chiêu Hồi Hoàng Đức Nhã trình bày.

– “Quân Đội VNCH Trong Quá Trình Việt Nam Hóa: Những Phản Ánh Của Một Người Lính Biên Phòng” (The Army of the RVN during Vietnamization: Reflections of a Frontier Soldier) do cựu Trung tá Bùi Quyền, chỉ huy phó Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù Quân Lực VNCH làm diễn giả.

-“Lực Lượng Cảnh Sát Quốc Gia VNCH Trong Quá Trình Việt Nam Hóa” (The RVN National Police Force during Vietnamization”), do cựu Đại Tá Trần Minh Công, chỉ huy trưởng của Trung Tâm Huấn Luyện Cảnh Sát Quốc Gia Nam Việt Nam.

Cả hai đề tài kể trên trong ngày Thứ Bảy sẽ được Giáo Sư Tiến Sĩ Tường Vũ thuộc Đại Học Oregan làm phối trí viên.

Về đề tài về báo chí và chiến tranh Việt Nam được đề cập đến với bốn bài tham luận:

– “Sống Sót Trong Chiến Tranh Việt Nam và Thời Hậu Chiến” (Surviving: The Vietnam War and Its Aftermath) do hai cựu phóng viên chiến trường Dương Phục và Vũ Thanh Thủy với sự phố trí của cựu cố vấn kiêm Bộ Trưởng Dân Vận và Chiêu Hồi Hoàng Đức Nhã.

– Phóng viên, nhà văn quân đội Phan Nhật Nam sẽ trình bày đề tài: “Thử Nghiệm Đầu Tiên Việt Nam Hóa Chiến Tranh: Cuộc Hành Quân Campuchia Năm 1970” (The First Test of Vietnamization: The Cambodia Operation 1970).

– Hai bài tham luận còn lại do sự điều phối của Tiến Sĩ Justin Simundson thuộc Đại Học Texas Tech, gồm “Những Ký Ức Của Một Phóng Viên Về Năm 1969” (A Reporter Remembers 1969) của nhà báo Mỹ Donald Kirk, và “Vai Trò Chuẩn Mực Của Báo Chí Việt Nam Cộng Hòa: Trường Hợp Việt Nam Hóa Năm 1969” (Normative Role of Journalism in The Public of Vietnam: The case of Vietnamization in 1969) do Thanh Hoàng ở Đại Học Khoa Học Nhân Văn TP.HCM (Sài Gòn).

 

Từ trái, sách “Surviving The Vietnam War and Its Aftermath” do đồng tác giả Dương Phục và Vũ Thanh Thủy, sách “Voices from Second Republic of South Vietnam (1967-1975)” do Đại Học Cornell xuất bản, phim “Vietnamerica” do Hội VAHF sản xuất, Bác Sĩ Phạm Đình Vượng và ông John Hòa (VAHF) là hai thuyết trình viên trong phần thảo luận về phim “Vietnamerica.” (Hình: Triều Giang cung cấp)

 

Đặc biệt phim “Vietnamerica,” cuốn phim từng được chọn vào 15 Đại Hội Điện Ảnh, thắng năm giải quốc gia và quốc tế, là tác phẩm của Hội Bảo Tồn Lịch Sử Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) và Edwards Media nói về lịch sử chiến tranh Việt Nam, cuộc di cư vĩ đại của trên 2 triệu người sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam và nguồn gốc của nhóm người tị nạn đông đảo nhất tại Hoa Kỳ sẽ được nhà sản xuất Nancy Bùi trình chiếu với sự giới thiệu của cựu cố vấn tổng thống kiêm Bộ Trưởng Bộ Dân Vận và Chiêu Hồi Hoàng Đức Nhã.

Một buổi thảo luận về phim sau đó sẽ do thuyết trình đoàn ba người: Bác Sĩ Phạm Đức Vượng, chủ tịch Tập Thể Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa Hải Ngoại; ông John Hòa Nguyễn, giám đốc Liên Lạc Cộng Đồng của Hội VAHF; và nhà sản xuất Nancy Bùi dưới sự phối trí của ông Hoàng Đức Nhã.

Phái đoàn CSVN ngoài Thanh Hoàng nói về đề tài báo chí Nam Việt Nam trong thời Việt Nam Hóa Chiến tranh, còn có ba người khác nói về các đề tài mới nghe đã cảm nhận được mùi tuyên truyền.

Đó là: “Trận chiến Hamburger Hill 1969 Dưới Cái Nhìn Của Người Việt Nam (Hamburger Hill From Vietnamese Perspective) do Hiếu Nam Trung Lê từ Đại Học Khoa Học Huế, “Thảm Sát Mỹ Lai Tiền đề Của -Chất Xúc Tác Việt Nam Hóa Chiến Tranh” (My Lai Massacre Revelation- The Catalyst for Vietnamization) do Hùng Nguyễn thuộc Đại Học Khoa Học Nhân Văn TP.HCM và William Doan của Đại Học Columbia, và “Tác Động Của Phong Trào Phật Giáo Đến Thất Bại Của Chiến Lược Việt Nam Hóa và Chính Phủ Sài Gòn, 1969-1975” (The Impact of Buddhism’s Movement to the Failure of Vietnamization Strategy and the Saigon Goverment, 1969-1975) do Trần Huy Hà từ Đại Học Khoa Học Nhân Văn TP.HCM.

Trên đây là sơ lược của một chương trình hội thảo hầu như đã hội tụ được đầy đủ các phe từng tham chiến cũng như giới nghiên cứu và giáo dục. Chúng tôi tiếp xúc được với một số người tham dự trong cộng đồng Người Việt Quốc Gia tại Hoa Kỳ để xin ý kiến của họ về cuộc hội thảo.

Cựu cố vấn tổng thống kiêm bộ trưởng Dân Vận và Chiêu Hồi Hoàng Đức Nhã ngoài bài tham luận của riêng ông, ông còn nhận lời làm phối trí viên cho một bài tham luận, một cuốn phim và cuộc thảo luận về phim phát biểu: “Tôi nghĩ rằng hội thảo do Vietnam Center & Archive và Institute for Peace tổ chức trong hai ngày cuối Tháng Tư này là một sáng kiến tốt trong công cuộc nghiên cứu thêm về các vấn đề, đặc biệt là các vấn đề kinh tế, xã hội và vai trò của xã hội dân sự trong cuộc chiến Việt Nam. Quan trọng hơn nữa là cuộc hội thảo này là cơ hội để nói lên những thành quả cũng như thiếu sót trong các chánh sách và chương trình mà chính quyền Việt Nam Cộng Hòa phác họa và thực thi trong sứ mạng vừa đánh bại cuộc xâm lăng của Bắc Việt vừa xây dựng quốc gia.”

“Trong tinh thần đó, tôi và một số cựu viên chức trong chính phủ của nền Đệ Nhị Cộng Hòa quyết định tham gia và trình bày rõ ràng và trung thực những vấn đế trong lãnh vực trách nhiệm của chúng tôi. Chúng tôi mong đem lại cho các hội thảo viên cũng như cộng đồng người Việt Quốc Gia hải ngoại, và ngay cả trong nước, những tài liệu gốc (primary sources), dựa trên sự tham gia trực tiếp của các viên chức có trách nhiệm chứ không phải dựa trên những tài liệu đã được nghiên cứu một chiều, thiếu sót, của một số tác giả có chủ ý chống chiến tranh, chống Việt Nam Cộng Hòa hay có ngụ ý xuyên tạc,” ông nói.

 

Cựu bộ trưởng Thông Tin Báo Chí và bốn nhà báo chuyên nghiệp thời VNCH. Từ trái, cựu cố vấn tổng thống kiêm bộ trưởng Bộ Dân Vận (báo chí) và Chiêu Hồi Hoàng Đức Nhã, các nhà báo Vũ Thanh Thủy, Dương Phục, Triều Giang, và Phan Nhật Nam. (Hình: Triều Giang cung cấp)

 

Cựu Bộ Trưởng Thương Mại và Kỹ Nghệ Nguyễn Đức Cường chia sẻ: “Chúng tôi sẽ trình bày về đề tài phát triển kinh tế, thương mại và kỹ nghệ trong thời gian từ năm 1969 tới 1975 mà chúng tôi đã phụ trách với những kế hoạch phát triển lâu dài như những nước khác trong công cuộc vừa xây dựng dân chủ, vừa kiến thiết đất nước. Đề tài này theo chúng tôi được biết những cuộc hội thảo tại Việt Nam Center trước đây đã không được đề cập tới thì trong dịp này giới sử gia phản chiến, giới quân đội Mỹ cũng như những người của Hà Nội sẽ được nghe về một xã hội dân sự tiến bộ của miền Nam Việt Nam.”

Ông cựu Bộ Trưởng Cường cũng cho biết cùng trong nỗ lực này, ông và một số tham luận viên trong cuộc hội thảo tại Đại Học Cornell năm 2012 đã thu thập một số các bài tham luận và được cơ sở xuất bản của Đại Học Cornell cho in và phát hành năm 2014 dưới tựa đề: “Voices From The Second Republic Of South Vietnam (1967-1975).” Bản tiếng Việt với tựa đề “Tiếng Nói Từ Nền Đệ Nhị Cộng Hòa Của Nam Việt Nam (1067-1975).” Cả hai đều có bán trên Amazon với giá $23.95.

Cuốn thứ hai đang in gồm số đông các bài tham luận của nhiều tác giả với đề tài “Nation Building In South Vietnam” tại Đại Học Berkley vào Tháng Mười, 2016, cũng được Đại Học Cornell in ấn và phát hành vào cuối Thu/đầu Đông năm nay, tựa cuốn sách là “The Republic of Vietnam 1955- 1975: Vietnamese Perspectives on Nation Building.” Bản tiếng Việt cũng sẽ được in ấn và phát hành sau đó.

Cựu Thứ Trưởng Bộ Canh Nông và Phát Triển Nông Thôn Trần Quang Minh cho biết ông sẽ trình bày về những chương trình cải cách điền địa như chương trình “Người Cày Có Ruộng” và “Lúa Thần Nông.” Theo ông đây là cuộc cách mạng ruộng đất vĩ đại đã tái phân phối hàng triệu mẫu đất từ những phú nông sang cho người nông dân nghèo mà không tốn một giọt máu, khác với cuộc cải cách ruộng đất của miền Bắc vào những năm 1955-1958 đẫm máu đã giết hàng triệu người nhưng cuối cùng nông dân không có đất mà đất bị tập trung trong tay của đảng và nhà nước Cộng Sản.

Cựu Thứ Trưởng Trần Quang Minh chia sẻ: “Tôi muốn đến với cuộc hội thảo để nói lên cho sử gia Mỹ và CSVN hiểu được những nỗ lực của VNCH trong thời chiến trong việc xây dựng đất nước, lo cho người dân. Cộng Sản luôn nói về thảm sát Mỹ Lai nhưng đó là lầm lỗi của một số chiến binh Mỹ, nó đi ngược lại với chính sách của người Mỹ. Những người phạm tội cuối cùng cũng bị xét xử. Nhưng giới phản chiến và CSVN không bao giờ nhắc đế cuộc tàn sát cả gần triệu người trong cuộc cải cách ruộng đất tại miền Bắc và thảm sát hàng chục ngàn người dân Huế. Đây mới là chính sách tàn ác của người CSVN. Tôi kêu gọi Người Việt Quốc Gia chúng ta tham dự đông đủ để vạch trần âm mưu tuyên truyền của Cộng Sản.”

Nhà báo Vũ Thanh Thủy phát biểu trong một buổi hội thảo truyền thanh của Đài Radio Saigon Houston 900 AM: “Điều khiến tôi khó hiểu hơn cả là họ (CSVN) thường dùng chữ Việt Nam để chỉ cả hai miền Nam Bắc. Thí dụ như tựa đề của bài tham luận ‘Trận Chiến Hamburger Hill 1969 Dưới Cái Nhìn của Người Việt Nam (Hamburger Hill From Vietnamese Perspective),’ đây là một âm mưu đánh lận con đen trong chính sách tuyên truyền của Cộng Sản rằng ‘người Mỹ là kẻ xâm lăng, mọi người Việt Nam đều đứng lên để chống Mỹ…’ Tôi hy vọng qua cuộc hội thảo này chúng ta sẽ có dịp làm rõ vấn đề này cũng như nhiều điều tuyên truyền khác…”

Nhà báo Dương Phục cho biết bài tham luận của ông và vợ (nhà báo Vũ Thanh Thủy) “Sống Sót Trong Chiến Tranh Việt Nam và Thời Hậu Chiến” (Surviving: The Vietnam War and Its Aftermath) cũng là tựa đề cuốn sách viết bằng tiếng Anh vừa mới in xong của hai người nói về cuộc đời phóng viên chiến trường của chính họ trong cuộc chiến, kinh nghiệm tù tội trong nhà tù Cộng Sản cũng như cuộc vượt biển tìm tự do kinh hoàng phải chiến đấu với hải tặc để sống sót ra sao qua cái nhìn của hai nhân chứng và cũng là nạn nhân, hy vọng sẽ phản ảnh được sự thật về cuộc chiến Việt Nam trước diễn đàn quan trọng này.

Nhà văn, nhà báo quân đội Phan Nhật Nam thì không giấu được sự bất bình. Ông chia sẻ: “Tôi không biết những người CSVN nghĩ gì mà họ cử người đi tham dự một cuộc hội thảo quốc tế như thế này và giao cho đề tài nói về vai trò báo chí của VNCH trong thời Việt Nam Hóa Chiến Tranh? Mặc dù tham luận viên này đến từ một đại học ở Sài Gòn, miền Nam Việt Nam, nhưng với lối giảng dạy một chiều của nhà nước CSVN, thảo luận viên này sẽ nói gì trong cuộc hội thảo này, đặc biệt là sự có mặt của ông cựu bộ trưởng Dân Vận và Chiêu Hồi Hoàng Đức Nhã, người trực tiếp điều hành thông tin, báo chí miền Nam trong giai đoạn 1969-1975, và có ít nhất là bốn nhà báo chuyên nghiệp gồm có ông bà Dương Phục & Thanh Thủy, tôi Phan Nhật Nam và cô Triều Giang từng làm tại báo Sóng Thần và nhiều báo chí khác của miền Nam?…”

Qua những nhận định sắc bén kể trên, cuộc hội thảo về Việt Nam Hóa Chiến Tranh tại Vietnam Center năm nay báo hiệu những cuộc đụng độ gây cấn mà người viết ví von: “Chiến trường súng đạn không còn nữa, nhưng cuộc chiến bằng chữ nghĩa tại Lubbock năm nay hứa hẹn một trận đánh giáp lá cà khốc liệt.” (Triều Giang)

Source: Nguoi-viet

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen