Seite auswählen

Phân bổ thu nhập một cách tốt hơn hay thoát khỏi thị trường?

“Những người giàu thì càng giàu và những người nghèo thì càng nghèo”. Từ nhận định này đã được lặp đi lại lại cả trăm lần, có những giải pháp mâu thuẫn với nhau về mặt chính trị đã được rút ra: người thì nói phải làm cho chế độ tư bản dịu đi; người thì đáp lại cần phải xã hội hóa sự giàu có. Trước khi xuất hiện lại trong những khẩu hiệu của phong trào Chiếm lĩnh Phố Wall, cuộc tranh luận này đã xuyên suốt thế kỷ XX. Sự quan tâm đến những bất bình đẳng trong diễn ngôn công cộng cũng có lịch sử của nó.

Daniel Zamora

Xuất bản năm 2013, cuốn sách của Thomas Piketty “Tư bản ở thế kỷ XXI” đã có hơn hai triệu rưỡi bản được bán ra khắp thế giới. Từ sự thành công lạ kỳ này, sự bất bình đẳng được cảm nhận một cách rộng rãi như là vấn đề đạo đức lớn của thời đại của chúng ta. Ở Mỹ, Karl Marx nằm trong danh sách của những sách bán chạy nhất trong loại “Free Enterprise/ Hãy cởi trói cho các công ty” của Amazon, và tạp chí tả khuynh Mỹ mới ra đời Jacobin nay đã trở thành một ấn phẩm đại chúng. Tuy nhiên ta vẫn có thể đặt câu hỏi là trong chừng mực nào thời trang này tương hợp với tư tưởng của Marx. Thật vậy, ý niệm bất bình đẳng về thu nhập rất hiếm khi được sử dụng ở thế kỷ XIX, và tính trung tâm của nó trong cuộc tranh luận công cộng đã làm cho cách tư duy của chúng ta về sự công bằng xã hội bị nghèo đi rất nhiều[1].

Dù là trong lãnh vực sản xuất, lao động, hay, chung hơn, các quan hệ con người, “xã hội thị trường”, theo cách gọi của nhà kinh tế học và nhân học Karl Polanyi, được xem như là một mối đe dọa cho nền dân chủ khi mà nó để cho thị trường định hình trật tự xã hội thay vì ngược lại. Loại xã hội này không những đã loại bỏ vấn đề phân bổ các tài nguyên ra khỏi cuộc tranh luận chính trị, mà còn làm cho bản chất của chính ngay các cuộc giao dịch xã hội thay đổi. Cách tốt nhất để hiểu được sự tiến hóa này là đọc lại một tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa xã hội, Tư Bản Luận. Một cách bất ngờ không thể tưởng, thuật ngữ “bất bình đẳng” chỉ xuất hiện bốn lần (điều này thay đổi tùy vào bản dịch) trong kiệt tác dày cộm của nhà triết học Đức. Thật vậy, cho đến cuối thế kỷ XIX, không có nhà tư tưởng nào quan tâm đến việc đặt mỗi cá nhân trên một trục và tổng thu nhập trên một trục khác để đo lường sự phân bổ của nó. Những sự khác biệt giữa các giai cấp và những nhân tố sản xuất được quan tâm nhiều hơn là các sự khác biệt giữa các cá nhân. Chỉ với công trình của nhà xã hội học Ý Vilfredo Pareto (1848-1923), thì những công cụ hiện đại để đo lường sự bất bình đẳng mới xuất hiện. Đối với Marx, vấn đề chính không phải là xem xét làm sao phân bổ thu nhập giữa các cá nhân, mà tưởng tượng ra một xã hội được giải phóng khỏi quy luật của thị trường.

Một sự vắng bóng lâu dài

Chính vì vậy mà nhà xã hội Richard Titmuss đã bảo vệ ý tưởng theo đó mục tiêu của một Nhà Nước Xã hội là khắc sâu và bảo tồn “tinh thần Dunkerque” – một thành ngữ chỉ sự kiện hàng trăm nghìn lính Đồng Minh đã được cứu ở vùng bờ biển Pháp vào tháng 5-6 năm 1940 nhờ sự can thiệp của cả một đội hàng trăm tàu dân sự, một biên cố đã có sự tác động rất lớn ở Anh[2]. Titmuss đã nhận thấy ở đây những mầm mống của một “xã hội rộng lượng” sắp tới. Vào mùa hè năm 1940, ông viết: với Dunkerque, “tính khí của nhân dân đã thay đổi, và cùng với nó là các giá trị. Nếu các nguy cơ được chia sẻ, thì các nguồn lực cũng vậy”. Tuy nhiên, cái trật tự mới này, không chỉ giới hạn trong một sự tái phân phối đơn giản các nguồn lực, mà còn nhắm tới việc xây dựng những định chế dân chủ có khả năng thắng điều mà William Beveridge, nhà kinh tế học Anh và nhà lý luận về Nhà Nước Xã Hội, trong một bản báo cáo nổi tiếng vào năm 1942, gọi là Năm Kẻ “Khổng Lồ” – nghèo khổ, độc hại, bệnh tật, dốt nát và thất nghiệp -, để cổ vũ cho tình đoàn kết vượt ra khỏi bối cảnh của chiến tranh.

Lúc đó, một phần ngày càng lớn của tiền lương được xã hội hóa để tài trợ cho những chế độ bảo hiểm xã hội rộng lớn. Mức đánh thuế cao được áp dụng cho những người giàu có nhất sẽ giúp thành lập những cơ quan công vốn sẽ trở thành cơ sở cho một “quyền sở hữu xã hội” mới. Ý tưởng này, được sử dụng ở Pháp vào cuối thế kỷ XIX, là nhằm xóa bỏ mối đe dọa của một cuộc nội chiến giày xéo một xã hội trong đó chỉ có những sở hữu chủ mới có toàn bộ quyền công dân. Được kết hợp với những sở hữu tư nhân hiện hữu, sở hữu xã hội sẽ “cung cấp cho những người không có sở hữu một loại nguồn lực không phải là quyền sở hữu trực tiếp của một tài sản tư, mà là một quyền tiếp cận những sản phẩm và dịch vụ tập thể có mục đích xã hội[3]”.Do đó, “tinh thần Dunkerque” sẽ mở rộng vai trò được gán cho Nhà Nước, đặc biệt nhằm bảo đảm cho người dân những quyền lợi xã hội mang tính phổ cập (trong lãnh vực sức khỏe, giáo dục, lao động, nhà ở..). Sự nổi dậy của xã hội chống lại “chính sách tự do kinh doanh” đã đi theo một con đường trung tuyến giữa những bộ luật xã hội được thủ tướng Otto von Bismarck ban ra ở Đức trong những năm 1880 và chính sách xã hội hóa được thực thi trên quy mô lớn ở Liên Xô từ tháng 10 năm 1917.

Như vậy, những định chế của Nhà Nước Xã Hội phải được xem như là sự tiếp nối của mệnh lệnh dân chủ vốn đã làm cho sự tái sản xuất thể chất và xã hội của cá nhân trở thành một vấn đề chính trị, tạo điều kiện để đưa ra một quyết định tập thể về loài người mà xã hội muốn tạo nên. Viễn tưởng này giải thích tầm quan trọng mà các dịch vụ công, thay vì những chuyển nhượng tài chánh, có đối với một số nhà kinh tế học vào đầu thế kỷ XX. Ở những nơi mà chính sách “tự do kinh doanh” đã thất bại trong việc bảo đảm cho sự tái sản xuất vật chất của người dân, thì nay Nhà Nước phải can thiệp. Chẳng hạn, vào năm 1950, nhà xã hội học Anh Thomas Humphrey Marshall đã không ngần ngại viết rằng “sự công bằng cơ bản” không thể nào được “tạo ra và duy trì mà không gây tổn hại đến sự tự do của thị trường canh tranh”.

Cách hiểu mới này về vai trò của cơ quan công quyền sẽ được cỗ vũ khắp thế giới. Năm 1944, bản Tuyên Bố Philadelphie, vốn tái khẳng định những mục tiêu của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO), nhấn mạnh rằng “lao động không phải là một hàng hóa” và đặt “sự mở rộng chế độ bảo hiểm xã hội” như là một mục tiêu cơ bản. Ở bên ngoài thế giới công nghiệp, những nhà lãnh đạo hậu thực dân như Jawaharlal Nehru ở Ấn Độ, Kwame Nkrumah ở Ghana hay Léopold Sédar Senghor ở Sénégal cũng cam kết thực hiện những hứa hẹn mà Nhà Nước Xã Hội đã phổ biến ra bên ngoài biên giới của các đế chế.

Chính ở Mỹ trong những năm 1960, mà sự quan tâm ngày càng tăng đến sự nghèo khổ đã bắt đầu làm cho ý niệm về công bằng xã hội thay đổi. Vào tháng 3 năm 1962, khi nhà hoạt động xã hội chủ nghĩa Michael Harrington cho xuất bản cuốn sách “Một nước Mỹ khác” (The Other America) đã gặt hái nhiều thành công, thì đối với ông, các chương trình của Nhà Nước Xã Hội là một bộ phận của vấn đề. Ông viết: “Nước Mỹ nghèo khổ đã bị bỏ quên trong những thành quả xã hội và chính trị của những năm 1930”. Các định chế bảo hiểm xã hội, lương tối thiểu, các luật lao động hay các nghiệp đoàn không những không được thiết lập cho những người phải chịu nhiều thua thiệt, mà nó còn đóng góp vào việc “gạt bỏ” họ. Đối với Harrington, sự nghèo khổ là một tình trạng đặc thù, tách khỏi vấn đề lao động hay thị trường. Được đặt không phải trong vấn đề của quan hệ làm thuê, mà ở bên rìa của nó, sự nghèo khổ này hoàn toàn khác với tình trạng bần cùng của thế kỷ XIX. Cũng như nhà báo Dwight Macdonald của tờ New Yorker đã viết trong bài tường thuật về cuốn sách của Harrington vào năm 1963: Sự bất bình đẳng về tài sản tự nó không nhất thiết là một vấn đề xã hội quan trọng”; trong khi sự “nghèo khổ thì đúng là vậy[4]. Từ nay, mối quan tâm chính sẽ là thiết lập một thu nhập sàn thay vì việc phổ cập bảo hiểm xã hội.

Vào đầu những năm 1970, sự trỗi dậy mạnh mẽ của “vấn đề nghèo khổ” đã làm cho quan niệm về công bằng xã hội chỉ tập trung vào chiều kích tiền tệ thắng thế. Sự thiết lập một ngưỡng mà không một người nào có thể xuống thấp hơn sẽ làm cho các cuộc thảo luận về việc thiết lập các mức trần về thu nhập hay việc giảm bớt không gian trong đó thị trường được triển khai, sớm bị gạt đi. Chính vào lúc đó mà những đề nghị về một trợ cấp phổ cập hay những chương trình về một mức thuế âm do nhà kinh tế học Milton Friedman[5] thuộc trường phái trọng tiền tệ đề ra, đã thuyết phục những công chức cao cấp và những đảng phái chính trị rằng nó cuối cùng là công cụ để đấu tranh chống lại sự nghèo khổ. Ở Pháp, Lionel Stoléru, cố vấn ở bộ Tài Chánh, sau này là thứ trưởng của Valéry Giscard d’Estaing và François Mitterrand, coi chính sách nhấn mạnh đến sự nghèo khổ là chính sách xã hội thuần lý duy nhất trong khuôn khổ của chế độ thị trường tự do. Cũng như chính Friedman viết sau này: một chính sách như vậy “sẽ không làm cho thị trường bị sai lệch cũng như sẽ không làm cho sự vận hành của nó bị cản trở trong khi vẫn được thực thi thông qua thị trường[6]”. Trong quan niệm này về các chính sách xã hội, việc bảo tồn các quy luật của thị trường và của hệ thống giá cả trở thành mối quan tâm hàng đầu. Nếu “bàn tay vô hình” của thị trường dẫn đến một tình trạng không được mong muốn, biện pháp ưu tiên phải là một chính sách chuyển nhượng tiền tệ hơn là một sự can thiệp của Nhà Nước.

Ý tưởng này đã nhanh chóng được phổ biến trong các định chế quốc tế dưới sự tác động của Robert McNamara. Là bộ trưởng bộ Quốc Phòng dưới thời John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson, ông được bổ nhiệm làm lãnh đạo Ngân Hàng Thế Giới vào năm 1968. Tại đây, ông đã xây dựng một chiến lược chống sự nghèo khổ đặt cơ sở không phải trên sự tái phân phối mà trên “sự hỗ trợ cho những người nghèo để họ đạt đến tiềm nằng sản xuất của họ[7]”. Như nhà sử học Samuel Moyn đã phân tích, “công bằng xã hội vừa được toàn cầu hóa vừa bị giảm thiểu”, điều đã tạo lợi thế cho việc thiết lập một giới hạn mà “không người nào có thể tụt xuống dưới”, trong khi vẫn cho phép chống lại những diễn ngôn mang tính bình quân một cách kiên quyết[8]. Trong những năm 1980, Tổ Chức Hợp Tác và Phát triển Quốc Tế (OECD) cũng như Tổ Chức Liên Hiệp Quốc (UN) đã lấy lại cách tiếp cận của MacNamara. Được quan niệm trước đây nhằm bảo vệ các dân tộc trước những hậu quả của thị trường, thì từ nay, công bằng xã hội sẽ là một sự can thiệp hướng tới việc giúp đỡ mọi người tham gia vào cơ chế thị trường.

Sự biến mất lâu dài của bất bình đẳng như là chủ đề thống trị của cuộc tranh luận công cộng đã chấm dứt với cơn khủng hoảng tài chánh năm 2008. Phong trào Chiếm Lĩnh Phố Wall và khẩu hiệu 99% đã thu hút trí tưởng tượng và đã gắn một cái tên cho sự phân cực cực đoan của những thu nhập và gia sản đã diễn ra trong những thập niên trước đó. Tuy nhiên, cũng như nhà sử học Pedros Ramos Santo đã ghi nhận, thành công này cũng đã không dẫn đến việc từ bỏ những định nghĩa hoàn toàn thuần số lượng và tiền tệ. Nếu sự trở lại của chủ đề này trong cuộc tranh luận công cộng đánh dấu một tiến bộ so với việc đặt trọng tâm vào sự nghèo khổ, tuy nhiên nó cũng bị giới hạn trong những thuộc tính của cá nhân hơn là đề cập đến những phạm trù và những mối quan hệ chính trị hơn: người ta vẫn tiếp tục “lấy làm tiếc về những hậu quả của sự nghèo khổ thay vì tìm kiếm những nguyên nhân của nó[9]”.

Như vậy ta phải lưu tâm như thế nào đến những bất bình đẳng? Hai đáp án kinh điển vạch ra hai quan điểm chính trị đối lập với nhau. Một quan điểm, giới hạn vào những hệ quả, và do đó hoàn toàn tập trung vào sự chênh lệch về thu nhập, dẫn đến việc làm cho bình đẳng tăng lên bằng cách làm giảm đi sự cách biệt về mặt tiền tệ giữa người giàu và người nghèo. Kết quả sẽ là một thế giới trong đó cạnh tranh kinh tế vẫn diễn ra một cách khốc liệt, nhưng không một ai lại sợ thiếu thốn về mặt vật chất. Đó là một thế giới mà không một nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa nào của thế kỷ XIX có thể tưởng tượng được, vì họ kết hợp một cách chặt chẽ sự bất bình đẳng với vấn đề của chủ nghĩa tự do kinh tế.

“Một quan niệm thứ hai thì tìm cách đạt đến sự bình đẳng thông qua việc phi hàng hóa và dân chủ hóa các sản phẩm như dịch vụ y tế, giáo dục, vận chuyển, năng lượng, v.v.. Một thế giới, thông qua chính sách xã hội hóa và bảo đảm khả năng cho mọi người để tiếp cận những yếu tố quan trọng nhất của cuộc sống, sẽ làm giảm sự lệ thuộc đối với thị trường, tức là đối với cơ chế là căn nguyên của những bất bình đẳng[10]. Trong một thời gian dài, dự án này đã không bị xem như là mang tính không tưởng quá đáng, ngay cả bởi những nhà cải cách ôn hòa nhất.”

Tất nhiên, ta có thể tự hỏi vì sao lại đòi hỏi một sự giảm bớt những bất bình đẳng về mặt thu nhập vào thời điểm mà mục tiêu khiêm nhường này có vẻ như không thể nào đạt được. Tuy vậy, ngay sau khi bức tường Berlin bị sụp đổ, sự tự do phát biểu về mặt ý thức hệ đã được tái lập một cách mạnh mẽ, đặc biệt trong cánh hữu. Trong bối cảnh của diễn tiến đầy kịch tính này, cánh tả phải đề xuất một tầm nhìn táo bạo hơn về một thế giới vượt quá cái không tưởng của thị trường. Sức mạnh của các ý tưởng lớn là nó không chỉ nhằm vào việc tái phân phối các con bài, mà là thay đổi quy tắc của luật chơi. Tầm nhìn đầy hứa hẹn về một tương lai ít mang tính cá nhân chủ nghĩa hơn và đoàn kết hơn, đã tạo ra một sự quảng bá cho báo cáo Beveridge vào tháng 12 năm 1942. Nó đã khuyến khích hàng nghìn người đứng xếp hàng trong lạnh rét để mua cái văn bản khô khan và nặng tính kỹ thuật này, và đã có ít nhất 635.000 bản được bán ra. Tác gia ghi nhận “Một thời điểm cách mạng trong lịch sử thế giới là thời của cách mạng chứ không phải dành cho những sự vá víu.”

Daniel Zamora

Nhà nghiên cứu thuộc Quỹ Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia (FNRS) ở Đại Học Tự Do ở Bruxelles (ULB); tác giả của “Foucault và chủ nghĩa tân tự do” (Foucault et le néolibéralisme), Aden, Bruxelles sẽ được xuất bản năm 2019; chủ biên cùng với Mateo Alaluf sách tập thể “Chống lại trợ cấp phổ cập” (Contre l’allocation universelle), Lux, Montréal, 2017.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn: “Déplorer les inégalités, ignorer leurs causes”, Monde diplomatique, Janvier 2019

Chú thích:

[1] Pedro Ramos Pinto, “Inequality by numbers: The making of a global political issue?”, dans Christian O. Christiansen et Steven B. Jensen (sous la dir. de), Histories of Global Inequality: New Histories, Palgrave, Londres, à paraître.

[2] Lire ““L’esprit de Dunkerque”, quand l’élite cède…”, dans “Royaume-Uni, de l’Empire au Brexit”, Manière de voir, n° 153, juin-juillet 2017.

[3] Robert Castel, “La propriété sociale: émergence, transformations et remise en cause”, Esprit, n° 8-9, Paris, août-septembre 2008.

[4] Dwight Macdonald, “Our invisible poor”, The New Yorker, 19 janvier 1963.

[5] L’idée de l’impôt négatif développée par Friedman du début des années 1940 est une variante de l’allocation universelle. Le principe est de garantir à tous un seuil de revenus à travers le système d’imposition.

[6] Milton Friedman, “The distribution of income and the welfare activities of government” (PDF), conférence au Wabash College, Crawfordsville (Indiana), 20 juin 1956.

[7] Rob Konkel, “The monetization of global poverty: The concept of poverty in World Bank history, 1944-1990”, Journal of Global History, vol. 9, n° 2, Cambridge, juillet 2014.

[8] Samuel Moyn, Not Enough: Human Rights in an Unequal World, Harvard University Press, 2018.

[9] Pedro Ramos Pinto, “The inequality debate: Why now, why like this?”, Items, Social Science Research Council, 20 septembre 2016.

[10] Lire Bernard Friot, “En finir avec les luttes défensives”, Le Monde diplomatique, novembre 2017.