Seite auswählen
5.6.2019
Tù binh Campuchia, ảnh chụp tháng 8/1978GETTY IMAGES Tù binh Campuchia, ảnh chụp tháng 8/1978. Quân đội VN đánh sang nước này sau các vụ xâm nhập và giết chóc dân thường các tỉnh biên giới của VN bởi lực lượng Khmer Đỏ

Báo chí nhà nước Việt Nam ngày 5/6 đăng nhiều bài phê phán Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vì phát ngôn liên quan tới vấn đề Campuchia trong thập niên 1980.

Ai từng trợ giúp Pol Pot và đồng minh?

40 năm hậu Khmer Đỏ: Campuchia nghĩ gì về VN?

Việt Nam và Campuchia 1975-78: Đánh giá sai về nhau?

Tờ Công an TPHCM nói ông Lý “đưa ra những nhận định hoàn toàn trái với sự thật lịch sử về giai đoạn quân tình nguyện Việt Nam sang Campuchia giúp nước bạn lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ tàn bạo”.

Hôm 31/5, ông Lý đăng bài trên Facebook về cái chết của cựu thủ tướng Thái Lan Tướng Prem Tinsulanonda, nhắc lại quan hệ thân thiết của ông này với cố thủ tướng Singapore, Lý Quang Diệu.

Nhưng trong đoạn đăng trên mạng xã hội, ông đã viết:

“Thời điểm ông ấy (Prem Tinsulanonda) làm thủ tướng trùng với thời điểm năm nước thành viên ASEAN cùng nhau chống lại sự xâm lược của Việt Nam vào Campuchia và chính phủ Campuchia sau đó đã thay thế chế độ Khmer Đỏ.”

Thái Lan lúc đó ở chiến tuyến, đối mặt với quân đội Việt Nam tràn qua biên giới giữa họ và Campuchia. Tướng Prem khi đó đã kiên quyết không chấp nhận hành động này, và đã làm việc với các đối tác ASEAN để phản đối sự chiếm đóng của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế. Điều này ngăn cản một cuộc xâm lược quân sự và thay đổi chế độ không bị hợp pháp hóa.”

Ngày 4/6, người phát ngôn ngoại giao Việt Nam Lê Thu Hằng nói:

Việt Nam lấy làm tiếc đã có một số nội dung phát biểu phản ánh không khách quan thực tế lịch sử, gây tác động không tốt đến dư luận. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao đổi với Bộ Ngoại giao Singapore về vấn đề này.

PremSAEED KHAN Bangkok tháng 5/2006: Từ trái sang: Đại tướng Prem Tinsulanonda, Tổng thư ký LHQ Kofi Annan và phu nhân Nane Annan. Ông Prem Tinsulanonda khi đó là Chủ tịch Viện Cơ mật của Hoàng gia Thái Lan. Tên tuổi ông được nhắc lại trong bài tưởng nhớ ông, viết trên Facebook của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, gây ra tranh cãi tại Việt Nam và Campuchia

Truyền thông Việt Nam phản ứng

Sang ngày 5/6, tiếp tục các báo Việt Nam đưa tin bài phê phán.

Tờ Công an TPHCM nói: “Phát ngôn của thủ tướng Long không hề đếm xỉa đến tiến trình lịch sử diễn ra khi đó.”

Báo An ninh Thủ đô thì dẫn lại bài trên báo Campuchia Khmer Times, cho biết chính Campuchia cũng phê phán ông Lý.

Tờ này cho hay nhà phân tích chính trị người Campuchia Leap Chanthavy đã có bài viết dài phản đối phát biểu của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Trong khi đó, trang VTC News đăng hàng tít lớn “Ông nợ nhân dân Việt Nam và các chiến sỹ quân tình nguyện một lời xin lỗi”.

Theo bài mạnh mẽ của VTC, Thủ tướng Singapore có “một phát biểu hồ đồ, sai sự thật, xuyên tạc lịch sử, chạm vào nỗi đau của người dân Campuchia, của nhân dân Việt Nam về một giai đoạn khổ đau và đen tối nhất trong lịch sử”.

Ông Lý Hiển Long làm thủ tướng Singapore từ 2004AFP/GETTY IMAGES Ông Lý Hiển Long làm thủ tướng Singapore từ 2004

Facebook người Việt ‘có bão’

Rất nhiều người Việt đã có bình luận trên Facebook, phần lớn phê phán ông Lý Hiển Long.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, một cựu chiến binh viết:

“Quân đội Việt Nam đã đổ máu xương để giúp nhân dân Campuchia đập tan chế độ diệt chủng Pol Pot và vững mạnh đủ sức tồn tại và phát triển. Đó là một thực tế lịch sử không thể phủ nhận và bác bỏ.”

Ông Phạm Gia Hiền nói:

“Lý Hiển Long – người đứng đầu Singapore đã có phát ngôn cực kỳ thiển cận về sự hy sinh của quân tình nguyện Việt Nam trong cuộc chiến chống Khmer Đỏ, cứu nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng.”

Trên nhiều trang Facebook tiếng Việt cũng đang có cuộc tranh luận việc dùng từ tiếng Anh ‘invasion’ của ông Lý Hiển Long là đúng, sai ra sao.

Có ý kiến nói ‘invasion’ dịch thành ‘đem quân vào’ hay ‘xâm lăng’ là tùy cách người ta cảm nhận; những ý kiến khác cho rằng cả đoạn văn chính trị gia Singapore viết thể hiện rõ thái độ chỉ trích hành động của Hà Nội khi đó ở Campuchia.

 

Xe tăng Việt Nam, ảnh chụp 1979GETTY IMAGES Xe tăng Việt Nam, ảnh chụp 1979

Liên Hiệp Quốc từng nói gì?

Trong giai đoạn 1979-1989, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ra nhiều nghị quyết nói về Campuchia.

Nghị quyết 14/11/1979:

“hối tiếc sâu sắc (deeply regretting) về sự can thiệp vũ trang của quân nước ngoài vào nội bộ Campuchia”.

“kêu gọi rút ngay lập tức mọi lực lượng nước ngoài khỏi Campuchia, kêu gọi các nước kiềm chế không có hành động hay đe dọa gây hấn (aggression) và mọi hình thức can thiệp vào nội bộ các nước ở Đông Nam Á”

Nghị quyết 22/10/1980:

“hối tiếc sâu sắc rằng can thiệp quân sự nước ngoài tiếp tục và quân nước ngoài chưa rút khỏi Campuchia, vì vậy nghiêm trọng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế”.

Nghị quyết 21/10/1981:

“lên án (deploring) can thiệp quân sự nước ngoài tiếp tục và quân nước ngoài chưa rút khỏi Campuchia, vì thế gây ra thù nghịch tiếp tục ở đất nước và nghiêm trọng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế”.

Nghị quyết 14/10/1987:

“lên án (deploring) can thiệp quân sự nước ngoài và chiếm đóng (occupation) tiếp tục và quân nước ngoài chưa rút khỏi Campuchia, vì thế gây ra thù nghịch tiếp tục ở đất nước và nghiêm trọng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế”.

Nghị quyết 3/11/1988:

“lên án (deploring) can thiệp quân sự nước ngoài và chiếm đóng (occupation) tiếp tục và quân nước ngoài vẫn ở lại Campuchia, vì thế gây ra thù nghịch tiếp tục ở đất nước và nghiêm trọng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế”.

Nghị quyết 16/11/1989:

“lên án (deploring) can thiệp quân sự nước ngoài và chiếm đóng (occupation) ở Campuchia, nguyên nhân của thù nghịch tiếp tục ở đất nước, nghiêm trọng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế”.

“khẳng định (affirms) rằng bất kỳ sự rút quân nước ngoài khỏi Campuchia mà không có LHQ giám sát, kiểm soát và xác minh thì không phải là nằm trong khuôn khổ một giải pháp chính trị toàn diện”.

CampuchiaTANG CHHIN SOTHY Chế độ Khmer Đỏ tạo ra các ‘cánh đồng chết’ ở Campuchia và một số thủ lĩnh đã bị xử tội diệt chủng