Seite auswählen

Phạm Đoan Trang

Ngày chủ nhật 10/6 một năm về trước, tôi đang trên xe khách vào Sài Gòn, sau một cuộc… trèo tường trốn khỏi an ninh Hà Nội. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu mình làm cách nào mà trèo qua tới hai bức tường cao khoảng 2-2,5 mét trong vòng 5 phút. Bình thường, ngay cả khi không đau chân, tôi cũng không phải đứa giỏi leo trèo, huống chi còn có tật ở cả hai chân.

Tới Đà Nẵng, tôi buộc phải nghỉ lại, vì vừa bong gân tay vừa đau chân quá không chịu nổi. Thì nghe tin biểu tình nổ ra rất lớn ở Sài Gòn, hàng nghìn người tham dự, kéo dài từ sáng đến chiều. Tôi thở dài, lo lắng và buồn. Lo vì biết chuyện công an đàn áp là “một phần tất yếu của cuộc sống”, thế nào rồi cũng có hàng chục người bị đánh đập thương tích trong mỗi cuộc biểu tình. Buồn vì thấy bất lực, không thể tham gia, mà thừa biết là kể cả có mặt ở Sài Gòn, tôi cũng không cách nào đi biểu tình được.

Tới chiều, tôi nghe tin Hà Nội cũng biểu tình, nhưng chỉ là quy mô nhỏ, nhóm nhỏ, và điều kinh khủng hơn là: Khi mọi người chuẩn bị chia tay nhau ra về thì công an chơi bài “đánh lẻ”, bắt cóc chị Nguyễn Thuý Hạnh và Cao Vĩnh Thịnh.

Chúng rình chị Hạnh đã quá lâu rồi.

Nửa đêm hôm ấy, tức là gần 1h sáng 11/6, chúng mới thả chị Hạnh. Chị ra khỏi đồn với khuôn mặt sưng, môi rách, mắt bầm tím. Một thằng công an chỉ đáng tuổi con chị đã túm tóc, đấm vào mặt chị, dập đầu chị vào tường, nghe nói còn vác ghế phang người phụ nữ cỡ tuổi mẹ nó, vừa đánh vừa chửi rủa, sỉ nhục, còn xưng hô “mày, tao” là chuyện đương nhiên.

Thế mà trước đó, trong lúc lo lắng, tôi đã cố tự an ủi mình rằng chị Hạnh nhân hậu, dịu dàng (và xinh đẹp nữa) như vậy thì chắc công an sẽ đối xử “nhẹ tay” với chị, cùng lắm là nhốt mấy tiếng và khiêu khích vài câu nhăng nhít thôi. Tôi sai. Tôi sai một cách thê thảm. Cuối cùng chỉ đi đến một kết luận: Chỉ có nghĩ tốt về công an sản mới sai, chứ nghĩ xấu về chúng thì chưa bao giờ sai cả.

Nhìn hình chị Thuý Hạnh qua livestream của chị Thảo Teresa mà tôi bấu chặt lấy điện thoại. Tôi đã không đi biểu tình, không ở cùng anh chị em hôm đó, không ở bên chị Hạnh những ngày đó. Tôi ở đâu? Tôi còn đang cắm đầu chạy trốn công an, với cái tay bong gân quấn ga-rô trắng và hai cái chân cà nhắc. Tôi có đang lấy cớ để trốn tránh biểu tình không? Nhưng nếu đi cùng mọi người (trong nhóm Cây Xanh) ngày hôm đó, thì tôi có thể làm được gì, khi chúng lao vào cấu xé, dập mặt chị Hạnh xuống đường mà đánh, rồi lôi lên taxi đánh tiếp, ngay trước mặt lái xe? Tôi làm gì được chúng? Chị Hạnh thương tôi như thế, giúp đỡ, bảo vệ tôi hết mình như thế; đến khi chị gặp nạn thì tôi mất dạng.

Có cái gì đó dồn lên cổ, rồi tôi gào khóc như điên dại.

Trong căn phòng nhỏ của người bạn, tôi nằm úp mặt, cứ thế gào khóc. Rất lâu sau tôi mới ngồi dậy, đầu bù tóc rối, đầy nước mắt. Tôi vốn rất ít khóc, nhất là không bao giờ khóc vì bất cứ chuyện gì liên quan đến công an, đàn áp, bắt bớ này nọ. Nhưng hôm đó tôi đã khóc dữ dội.

Hầu như không khóc, nhưng cảm giác bất lực thì tôi đã có, và nhiều lần, gắn với ý nghĩ “mình là đồ ăn hại”. Đó là cảm giác của một người không thể làm gì để bảo vệ những người khác khỏi sự tàn độc của đồng loại, thậm chí, đồng bào mình.

Biểu tình là hoạt động chính trị cần thiết và quan trọng, thậm chí quan trọng sống còn trong mọi chuyển biến về chính trị. Đảng Cộng sản rất biết điều ấy, nên chúng thẳng tay đàn áp. Và đừng bao giờ lý luận “chúng tôi tuần hành ôn hoà” với công an, vì ôn hoà hay không đâu quan trọng với công an, vấn đề là đó là biểu tình, là tụ tập đông người vì một mục đích hay thông điệp chính trị chung – điều tối kỵ với cộng sản.

Vì lẽ đó, đàn áp, bạo lực do công an gây ra, là phần không tránh khỏi trong biểu tình. Nó đặt những người tổ chức và kêu gọi biểu tình vào thế lưỡng nan: Hiểu rằng biểu tình là cần thiết và quan trọng, nhưng lại xót xa, đau lòng, dằn vặt khi thấy bao người phải chịu tổn thất, thiệt hại… và vì thế nhiều lúc, thật lòng chẳng muốn có biểu tình.

Từ ngày 10/6/2018 đến nay, chính quyền cộng sản đã bắt gần 120 người tham gia biểu tình (thống kê chưa chính thức), gắn cho họ cái nhãn thô thiển “gây rối trật tự công cộng”. Nhiều gia đình điêu đứng, không ít người bị công an hà hiếp, hạch sách, thậm chí… vòi tiền chạy án. Những câu chuyện đau lòng mà họ kể khiến chị Nguyễn Thuý Hạnh càng dốc sức nhiều hơn, mạnh mẽ hơn cho Quỹ 50K mà chị sáng lập. Chị cùng những người đồng hành đã làm tất cả, với tinh thần “quyết tâm không để ai bị bỏ rơi”. Chị làm việc quên ngày đêm, bất chấp những hành động đe dọa từ an ninh, những lời lẽ nhơ bẩn từ đám dư luận viên, và bất chấp cả sức khỏe cũng đang kiệt dần của chị.

Tôi vẫn chẳng giúp gì được chị. Song, vô vàn câu chuyện đau lòng về những người biểu tình bị bắt bỏ tù cũng là động lực khiến tôi gác lại nhiều việc để viết cuốn “Cẩm nang nuôi tù” chỉ trong khoảng ba tháng. Dù nói gì về nó đi nữa thì về căn bản, đó là một cuốn sách lột truồng nhà nước công an trị mang tên CHXHCN Việt Nam. Có ai đó hỏi tôi viết “dữ” vậy mà sao không sợ, đây là câu trả lời: Tôi chỉ sợ cảm giác bất lực, cảm giác mình không thể làm được gì. Nếu viết sách mà có thể giúp người dân mạnh mẽ thêm, giỏi hơn trong cuộc sống cũng như cuộc đương đầu với chế độ độc tài, và khiến nhà nước độc tài lung lay, thì tôi sẽ còn viết nhiều nữa. Tôi mong điều ấy lắm.

Cũng như tôi mong sẽ sớm đến lúc cả Quỹ 50K của chị Nguyễn Thúy Hạnh lẫn cuốn cẩm nang của tôi đều trở thành… vô dụng, không còn ai phải dùng đến nữa. Đó sẽ là khi Việt Nam đã dân chủ hoá, độc tài sụp đổ.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen