Seite auswählen

Vi Yên. (Hình: Phạm Phú Khải cung cấp)

Lời giới thiệu: Nói đến Nguyễn Vi Yên, hay tên thường được nhắc đến là Vi Yên, có người nghĩ đến một trong những sáng lập viên của nhóm Tinh Thần Khai Minh, và cũng từng là một cây bút của Tạp chí Luật Khoa. Ngoài ra có người cũng có thể biết đến Vi Yên qua chiến dịch phản đối Luật An ninh Mạng được thực hiện trong năm vừa qua. Nếu có cơ hội tiếp cận với Vi Yên, chúng ta sẽ cảm nhận được một tinh thần lạc quan, cách trình bày vấn đề mạch lạc và tự tin, một sự dấn thân và xả thân cho người khác mà quên cả chính mình, và một bầu nhiệt huyết có thể truyền cảm hứng đến những người chung quanh. Bài phỏng vấn sau đây giới thiệu đến quý bạn đọc người bạn trẻ Vi Yên.

Phạm Phú Khải (PPK): Được biết Vi Yên qua Úc hơn hai tháng rồi, và hiện đang thực tập tại văn phòng của dân biểu liên bang thuộc Đảng Lao động, ông Chris Hayes. Vi Yên có thể trình bày cho mọi người rõ công việc của Vi Yên đang thực tập bao gồm những gì?

Vi Yên: Tháng Tư vừa qua, tôi vinh dự được tổ chức VOICE giới thiệu sang Úc thực tập trong văn phòng Dân biểu Chris Hayes vào đúng mùa tranh cử Liên bang. Là một người hoạt động xã hội từ Việt Nam, trước đây, những kiến thức mà tôi biết về các nền dân chủ chỉ thông qua sách vở. Đây là lần đầu tiên tôi không chỉ quan sát mà còn được trực tiếp tham gia vào chiến dịch tranh cử ở một đất nước dân chủ.

Tại văn phòng ông Chris Hayes, tôi trực tiếp tham gia vào nhóm chạy chiến dịch tranh cử cho ông. Công việc chính của tôi là làm việc với báo chí để quảng bá hình ảnh cho ông Chris Hayes, tham gia thu xếp nhân lực hỗ trợ chiến dịch cho ba tuần tiền bầu cử, đồng thời gặp gỡ các cộng đồng trong khu vực Fowler để hướng dẫn họ cách bỏ phiếu và kêu gọi họ bầu cho ông Chris Hayes. Ngoài ra, công việc khiến tôi thấy hứng thú nhất là nghiên cứu các chính sách của Đảng Lao Động và các đảng khác để tìm cách truyền thông sao cho hiệu quả.

PPK: Có những thử thách nào, và có giống như mong đợi của Vi Yên trước khi đến đây không? Tại sao?

Vi Yên: Thú thực, công việc này không quá thử thách đối với tôi. Một phần vì ông Chris Hayes giữ một ghế khá an toàn (năm 2016, ông tái đắc cử với chênh lệch 17.5% phiếu bầu), song phần còn lại là vì các phần việc vốn đã được thiết lập từ các mùa bầu cử trước.

Tuy nhiên, tôi học được rất nhiều qua quá trình làm việc. Bên cạnh việc học hỏi từ chiến dịch tranh cử, tôi có dịp trò chuyện với ông Chris Hayes về hệ thống chính trị của nước Úc, và có cơ hội xem các phiên tranh luận, thảo luận về các chính sách nước này.

Tôi còn nhớ vào năm 2016, trong kỳ bầu cử Quốc hội tại Việt Nam, tôi cùng các đồng nghiệp tổ chức các hội thảo, lớp học về quyền bầu cử, đồng thời tham gia vào việc giám sát đại biểu Quốc hội hậu bầu cử. Khi đọc những điều luật khắc nghiệt về hiệp thương, đồng thời chứng kiến những bất công lộ liễu trong cả quá trình ứng cử và bầu cử, tôi đã luôn trăn trở về việc vận động cho một luật bầu cử mới, tự do hơn, cởi mở hơn. Dịp này, khi đọc được Đạo luật Bầu cử Liên bang 1918 của Úc với lối soạn thảo khúc chiết, rõ ràng, và minh bạch, tôi tin rằng đây một trong những văn bản luật bầu cử rất đáng để chúng ta học hỏi.

PPK: Được biết Vi Yên rất mê đọc sách, và đã được tiếp cận triết học, đặc biệt là triết học chính trị, từ rất sớm. Vi Yên cũng đã bắt đầu dịch sách triết học chính trị từ lúc 18, 19 tuổi từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Vi Yên có thể cho biết thêm về các công việc này?

Vi Yên: Bản thân tôi rất may mắn khi được sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Từ khi tôi còn nhỏ, cha má tôi đã cho tôi tiếp cận các sách mang khuynh hướng triết học Đông phương như ‘Lão tử – Đạo đức kinh’, ‘Kinh dịch – Đạo của người quân tử’. Cha tôi cũng thường dạy mấy anh em chúng tôi sống theo một số giá trị mà người phương Đông thường coi trọng, như ‘đức’, ‘lễ’, ‘nghĩa’.

Song ở độ tuổi thiếu niên vào những năm tôi lên 14, 15, tôi ưa tìm kiếm những tri thức mới, và trong tâm trí thôi thúc một ý hướng phản bác lại những gì tôi được dạy. Tôi bắt đầu tự tìm đọc các sách triết học Tây phương. Cuốn sách đầu tiên mà tôi đọc là ‘Bàn về Tự do’ của John Stuart Mill, một triết gia người Anh. Tư tưởng tự do của Mill và lối hành văn thực tế của ông đã đánh động thế giới quan của tôi, khiến tôi bắt đầu có những nhận thức rõ ràng về đời sống chính trị. Có lẽ đó là bước ngoặt lớn khiến tôi chọn đi theo con đường nghiên cứu triết học chính trị Tây phương.

Kể từ đó, tôi dần dần tìm đọc các dòng sách tương tự. Phát hiện ra rằng số tài liệu Việt ngữ trong lãnh vực này quá ít ỏi, tôi bèn nghĩ tới việc chuyển dịch sách báo từ tiếng Anh sang tiếng Việt. May mắn rằng vào năm 2013, tôi đã tìm được những người bạn có cùng trăn trở và cùng chí hướng. Từ đó, nhóm Tinh Thần Khai Minh đã ra đời.

PPK: Có thể nói trang mạng Tinh Thần Khai Minh có rất nhiều tài liệu phong phú thuộc đủ mọi xu hướng và triết học chính trị khác nhau, và có rất nhiều tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt để cho bất cứ ai muốn tìm hiểu về lĩnh vực này. Vi Yên có thể cho biết nguyên do nào Vi Yên cùng các bạn trẻ khác nghĩ ra ý tưởng này, và đã mất bao lâu để các bạn thực hiện?

Vi Yên: Lúc ấy, nhóm sáu anh chị em chúng tôi là những người trẻ mê đọc sách triết học chính trị. Có những buổi chiều khó quên khi mấy anh chị em chúng tôi ngồi uống trà ven bờ Hồ Tây, say sưa thảo luận từ cuốn ‘Bàn về Tự do’ của John Stuart Mill, ‘Khế ước Xã hội’ của Jean-Jacques Rousseau, cho tới ‘Nền dân trị Mỹ’ của Alexis de Tocqueville. Như đã nói ở trên, chúng tôi phiền lòng vì thấy nhiều bạn trẻ cùng trang lứa không có nhiều tài liệu triết học chính trị để học, trong khi Việt Nam hầu như không có những không gian cởi mở để họ cùng tham gia trao đổi, thảo luận về các vấn đề chính trị.

Nhóm Tinh Thần Khai Minh ra đời từ đó, với phương châm ‘Sapere Aude! – Hãy dám nghĩ!’ trong luận văn ‘Khai Minh là gì’ của triết gia Immanuel Kant. Hai công việc chính của nhóm là soạn thảo, chuyển dịch tài liệu triết học chính trị, và tổ chức các hội thảo thường kỳ.

Cứ hai tháng một lần, chúng tôi tổ chức các buổi hội luận, tọa đàm nhờ sự giúp sức của Nhà xuất bản Tri Thức do Giáo sư Chu Hảo đứng đầu. Nội dung chính của các buổi này là về tinh thần tự do, các mô hình dân chủ, khế ước xã hội, và các chủ đề liên quan khác. Mỗi buổi hội luận như vậy thu hút từ 70 đến 200 người tham dự.

Bên cạnh đó, những cuốn sách với tựa đề như ‘Dân chủ và Xã hội Dân sự’, ‘Luật, Hiến pháp, và Pháp quyền’ đã được chúng tôi biên soạn và xuất bản trực tuyến hằng tháng, và đến tay công chúng thông qua trang mạng www.tinhthankhaiminh.org. Nhóm cũng đang dịch sách và dịch các bài báo khoa học chính trị từ tiếng Anh sang tiếng Việt.

Cho đến nay, nhóm Tinh Thần Khai Minh vẫn giữ vững mục tiêu ban đầu của mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu về chính trị Việt Nam và đưa những tri thức khoa học chính trị đến với đông đảo công chúng, với niềm tin rằng đây là nền tảng cho các chuyển dịch về chính trị và xã hội.

PPK: Được biết Vi Yên cũng có niềm đam mê viết văn. Vậy giữa sự chọn lựa viết văn và nghiên cứu về chính trị học thì Vi Yên muốn đi theo con đường nào hơn?

Vi Yên: Điều thú vị là ở các bạn bè hoạt động xã hội của tôi, hầu như ai cũng có một ước mơ riêng, mà nếu như Việt Nam có một nền dân chủ tự do thì chúng tôi hẳn đã rẽ sang ngả khác. Song chúng tôi luôn tin rằng, trong những giai đoạn mang tính lịch sử như ở Việt Nam hiện nay, chúng tôi cần bước ra và gánh vác những việc chung mà bản thân có thể dự phần đóng góp, thay vì chỉ lựa chọn sống với giấc mơ của riêng mình.

PPK: Lý do nào khiến cho Vi Yên quyết định chọn con đường hoạt động xã hội như hiện nay?

Vi Yên: Có lẽ đây là câu hỏi khó nhất mà bản thân tôi vẫn thường tự lục lại quá khứ để tìm kiếm lời giải đáp. Bên cạnh nhóm Tinh Thần Khai Minh, tôi cũng đang cùng các bạn trẻ trong nước vận hành chiến dịch Phản đối Luật An ninh mạng. Ngoài ra, trong sáu năm vừa qua, tôi từng tham gia vào một vài tổ chức xã hội dân sự, như dịch sách ở F-Group, làm việc tại nhóm Cố vấn Nhân quyền và các tổ chức phi chính phủ, viết báo cho trang Luật Khoa Tạp chí, hay thực tập tại VOICE. Mỗi chặng đường tôi đi qua, mỗi tổ chức tôi bước vào, mỗi con người tôi gặp gỡ, tất thảy đều truyền cảm hứng để tôi dạn dĩ bước đi xa hơn, và từ đó cũng thêm phần xác quyết. Có thể nói rằng, lựa chọn dấn bước vào con đường hoạt động xã hội của tôi được vun đắp từ nhiều cơ duyên mà tôi may mắn có được.

PPK: Bây giờ mình nói về các nhà hoạt động tại Việt Nam. Vi Yên có thể cho biết, không cần đi vào chi tiết quá vì các lý do tế nhị, là làm thế nào tổ chức VOICE thu hút và tuyển chọn được những người hoạt động xã hội như Vi Yên ra nước ngoài học tập?

Vi Yên: Hơn nửa năm trước, tôi bắt đầu tham gia vào khóa đào tạo Xã hội Dân sự của VOICE. Chương trình này đã được mở ra từ năm 2011. Tính tới hiện tại (6/2019), VOICE đã đào tạo được gần 140 bạn trẻ. Phần lớn trong số đó hiện đang là những người hoạt động xã hội tích cực tại Việt Nam.

Cứ nửa năm một lần, VOICE mở đợt tuyển sinh với mục đích tìm kiếm những người trẻ có khát vọng thay đổi Việt Nam, để đào tạo họ trở thành những nhà hoạt động xã hội chuyên nghiệp. Thông thường, mỗi năm VOICE nhận được hàng trăm hồ sơ từ các bạn trẻ trong nước. Ban Tuyển sinh VOICE sẽ xét duyệt các hồ sơ, sau đó phỏng vấn và lựa chọn các ứng viên phù hợp cho khóa đào tạo Xã hội Dân sự. Trong khóa học kéo dài sáu tháng này, học viên sẽ được cung cấp những kiến thức nền tảng về tình hình chính trị, xã hội Việt Nam, cùng các kỹ năng cần thiết cho công việc hoạt động xã hội. Sau khi kết thúc khóa đào tạo, những học viên tốt nghiệp xuất sắc sẽ được VOICE gửi sang các tổ chức quốc tế để học việc trong vòng ba đến sáu tháng kế tiếp.

Thời gian ở VOICE đem lại cho tôi nhiều trải nghiệm quý giá. Tôi không chỉ được sang các nước Âu châu vận động nhân quyền, đến Úc thực tập trong văn phòng dân biểu, mà còn được gặp gỡ và làm việc với những người anh chị em đầy nhiệt huyết và luôn hướng về đất nước, quê hương. Có thể nói rằng, VOICE đã trở thành một phần quan trọng trong những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi của tôi, và tôi tri ân VOICE vì điều đó.

PPK: Để thay đổi Việt Nam thì chắc chắn cần rất nhiều nhà hoạt động như Vi Yên, ở trong lẫn ngoài nước. Theo Vi Yên thì có nhiều người trẻ tại Việt Nam mong muốn góp phần vào mục đích chung này không? Nó có thật sự mang lại lợi ích gì cho họ không, trong khi có lắm rủi ro. Thế thì tại sao họ nên tham gia?

Vi Yên: Bốn năm trước, khi sinh hoạt ở nhóm Cố vấn Nhân quyền, tôi có dịp làm việc với vài trăm bạn trẻ đến từ các tổ chức xã hội khác. Tôi nhận ra có một nhu cầu rất lớn ở các bạn, khi họ chia sẻ rằng họ luôn thấy thôi thúc phải làm một điều gì đó để khắc phục những vấn nạn đang diễn ra ở Việt Nam và để thay đổi hiện tình đất nước. Theo thời gian, số lượng người trẻ tham gia vào các công việc xã hội ngày càng nhiều. Quan sát cuộc biểu tình chống Dự luật Đặc khu và Dự luật An ninh mạng vào tháng Sáu năm 2018, tuy không nắm được con số chính xác, song chúng ta cũng có thể thấy rằng một bộ phận rất lớn trong cuộc biểu tình là người trẻ.

Tôi cho rằng bất kỳ công việc nào cũng có những rủi ro của nó. Việc hoạt động xã hội cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, việc hoạt động xã hội đem lại những giá trị quan trọng, vượt ra khỏi những lợi ích cá nhân thường thấy. Đó chính là vận mệnh quốc gia, là các quyền tự do, là tinh thần dân chủ. Có nhiều người Việt Nam, không riêng gì người trẻ, đã và đang sẵn sàng từ bỏ lợi ích của bản thân để đấu tranh cho những giá trị cao đẹp ấy. Đó là điều khiến tôi tự hào khi nghĩ về phong trào tranh đấu ở Việt Nam.

 PPK: Theo Vi Yên thì làm thế nào để có thể thu hút giới trẻ tinh hoa của Việt Nam vào các hoạt động này?

Vi Yên: Thay vì nghĩ cách thu hút ai đó tham gia vào các công việc hoạt động xã hội, tôi cho rằng bản thân mỗi người, một khi đã có ý thức về việc phải thay đổi Việt Nam, trước tiên hãy dấn thân và làm những điều mình tin là đúng và tốt cho xã hội. Chính những hành động tiên phong, dũng cảm, và giàu tính trách nhiệm như vậy mới là nguồn cảm hứng lớn cho những người xung quanh. Tôi tin rằng chỉ thông qua hành động, những người mang khát vọng về tự do, dân chủ mới có thể tìm đến nhau để cùng nhau xây dựng một phong trào lớn mạnh.

PPK: Mục tiêu sau cùng đối với các nhà hoạt động tại Việt Nam, như Vi Yên, là gì?

Vi Yên: Mỗi người hoạt động xã hội có một viễn kiến riêng về tương lai của Việt Nam, tùy thuộc vào lãnh vực mà họ đang tranh đấu cũng như nghị trình của họ.

Với riêng tôi, mỗi một bước đi trên hành trình hoạt động xã hội này đều có ý nghĩa của nó. Chẳng hạn, trong chiến dịch Phản đối Luật An ninh mạng, mỗi một chữ ký trong số 120,000 chữ ký mà chúng tôi thu thập được là một thành công nhỏ, khi chúng tôi biết rằng mình đang từng bước lan tỏa tri thức về tự do ngôn luận, và kêu gọi tinh thần tham gia chính trị của người dân. Nói như vậy để thấy rằng, thay vì đặt ra một ‘mục tiêu sau cùng’, chúng tôi chú trọng tới chính hành trình mà chúng tôi đang đi, cũng như tới hiệu quả công việc mà chúng tôi đang thực hiện.

Xa hơn, cũng như nhiều bạn bè hoạt động xã hội của tôi, tôi không chỉ tranh đấu cho một hệ thống chính trị tự do ở Việt Nam, mà còn cổ võ cho một nền văn hóa dân chủ. Rằng chúng ta cần nỗ lực xây dựng một nền dân chủ thực thụ, nơi mà mọi người có cơ hội ngang nhau để cùng dự phần vào đời sống chính trị – xã hội, nơi lẽ phải và công bình được tôn trọng, nơi mỗi người được tự chủ trong tư tưởng và hành động của mình.

PPK: Nếu Vi Yên về lại Việt Nam bây giờ thì chuyện gì sẽ có thể xảy ra cho bạn? Vi Yên có lường trước được tình huống xấu nhất có thể xảy ra cho mình không, và như thế có sẵn sàng chấp nhận tình huống như thế không?

Vi Yên: Cách mà các lực lượng có thẩm quyền ở Việt Nam đối xử với những người hoạt động xã hội là rất khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố, như lãnh vực hoạt động, cách thức hoạt động, hay thậm chí là vùng miền. Cũng như những người hoạt động khác, tôi không thể biết chắc điều gì sẽ xảy đến với mình trong tương lai. Song dẫu phía trước có nhiều khó khăn đón đợi, tôi luôn tự nhắc nhở bản thân bằng câu nói của Nhà nghiên cứu Triết học Bùi Văn Nam Sơn, một người tôi rất kính nể, rằng “cứ kiên trì, rồi mùa hoa trái sẽ tới”.

PPK: Để mang lại một sự thay đổi tốt đẹp nhất cho Việt Nam thì theo Vi Yên người Việt Nam trong lẫn ngoài nước cần phải làm gì?

Vi Yên: Trước mắt, tôi cho rằng ưu tiên của chúng ta nên tập trung vào việc đối thoại, từ người trong nước đến hải ngoại, từ các nhóm tri thức lão làng đến những người đấu tranh trẻ tuổi, và trong cả các nhóm xã hội dân sự ở nhiều lãnh vực khác nhau. Thông qua đối thoại, chúng ta mới có thể tìm thấy được những điểm chung, và từ đó chúng ta có thể hợp tác với nhau để cùng nhau hành động.

Bên cạnh đó, với tình hình đàn áp gia tăng như hiện nay, tôi cho rằng các cá nhân và tổ chức quốc tế cần chú trọng vào việc vận động quốc tế để giảm áp lực trong nước, giúp cho phong trào xã hội dân sự trong nước có không gian phát triển. Khi không gian này được cơi nới, các tổ chức trong nước mới có thể mở rộng. Đó là lúc chúng ta cần đến nhân lực, tức những người hoạt động xã hội chuyên nghiệp, và chúng ta cũng cần một nguồn lực tài chính nhất định để hoạt động hiệu quả.

PPK: Các tổ chức hay cá nhân khác có thể làm gì để hỗ trợ cho Vi Yên nói riêng và các nhà hoạt động tại Việt Nam nói chung?

Vi Yên: Đây là một phong trào chung của tất cả chúng ta. Tôi rất mong tất cả mọi người cùng nhìn về phong trào xã hội dân sự ở Việt Nam với tâm thế rằng mỗi người là một phần của nó. Chính từ tâm thế ấy, mỗi người sẽ chọn được những việc phù hợp nhất mà mình có thể làm, để chung tay xây dựng Việt Nam.

PPK: Cảm ơn Vi Yên đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này. Mong chúc Vi Yên và các nhà hoạt động đạt được những thành quả mong muốn trong những ngày tới. Quý bạn đọc có thể theo dõi các hoạt động của Vi Yên trên trang Facebook hoặc Tinh Thần Khai Minh.

Vi Yên: Cảm ơn anh đã dành công thực hiện bài phỏng vấn, và cảm ơn các độc giả VOA quan tâm đến câu chuyện của những người hoạt động xã hội tại Việt Nam.

VOA

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen