Seite auswählen

„Họ lấy ruộng của mình để bán rẻ cho doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh và họ xúi mình mua thuyền bằng tiền đền bù ruộng để làm phương tiện đi chèo thuê cho các khu du lịch. Cuối cùng, các khu du lịch khỏi tốn tiền sắm thuyền mà lấy chính cây đậu để luộc trái đậu. Kinh khủng thật!“

NGUYÊN QUANG

Cố đô Hoa Lư, Tràng An, Ninh Bình, nơi được xem là vùng “đoản đế vương địa,” nghĩa là vùng đất phát tích vận đế vương nhưng lại không kéo dài được. Lịch sử cũng ít nhiều cho thấy cái tên có phần đúng, đặc biệt, sau vụ ông Trần Đại Quang, chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đang tuổi sung mãn, đang được tung hê như một đế vương quyền chức của xứ Ninh Bình và ông có thể làm xoay trở cục diện chính trị thì lăn đùng ra chết một cách khó hiểu sau gần năm vắng mặt trên truyền hình. Điều này càng cho thấy Ninh Bình, đặc biệt là cố đô Hoa Lư và Tràng An là vùng đất khắc nghiệt. Câu chuyện những người chèo thuyền xứ Tràng An cùng tiếng thở dài của họ trên mảnh đất được xem là đế vương thời du lịch cũng cho thấy phần nào căn tính của đất và người nơi đây.

Quang cảnh Tràng An, khu vực thổ dân (diễn). (Nguyên Quang/Viễn Đông)

Mất ruộng, mất mọi thứ, thêm được lời hứa và dầm chèo

Những ai từng đến du lịch ở Hoa Lư, Tràng An, có lẽ ngoài cảnh đẹp, giá đắt đỏ, những khu sinh thái nửa quê nửa chợ và không khí rất đặc biệt, có chút gì đó vừa hấp dẫn vừa bất an nơi đây… người ta khó mà quên được những người chèo thuyền du lịch. Và muốn du lịch trên đất Tràng An, phải chọn thuyền, bởi chỉ có thuyền mới đưa du khách đi qua các đầm lầy, thăm những điểm du lịch tưởng như đang quay về thời khai nguyên lập địa. Và nếu ai đó tình cờ bắt chuyện, trở nên thân thiết và xóa được cảm giác sợ hãi của người chèo thuyền, sẽ nghe câu chuyện đời của hàng ngàn người chèo thuyền vốn là nông dân mất ruộng, mất đất ở nơi đây.

Chị Nguyễn Thị Hải, một người chèo thuyền du lịch, tâm sự, “Tụi em khổ lắm, giờ mới hiểu thì mọi chuyện đã rồi, có cảm giác như tụi em đang quay trở lại sống với thời ông bà của tụi em.”


“Chị nói như vậy nghĩa là sao? Chị có thể giải thích thêm về cái chuyện quay trở về sống thời ông bà…?”


“Thời phong kiến, ông bà em không có ruộng, phải đi làm thuê ruộng của những chủ đất, mà hồi đó chủ đất cũng ít ruộng nên việc thuê đất rất là khó khăn, phải chen chân, phải nịnh chủ để được thuê ruộng, có hạt thóc mà ăn. Mỗi vụ thu hoạch đều chia cho chủ ruộng một nửa thóc, mình chỉ còn một nửa. Nhưng than thở là bị lấy ruộng lại. Giờ tụi em cũng không còn ruộng, cũng phải đi làm thuê cho các chủ ruộng (tức chủ khu du lịch, họ đã xây dựng khu du lịch, khu nghỉ mát, resort, khách sạn… trên các đám ruộng thu hồi của dân). Và cũng thấp thỏm, làm cực khổ, đau đớn, lương thấp nhưng hé môi than thời là bị đuổi việc, bị đói!”


“Chị nói chủ ruộng nghĩa là sao? Chị có thể cho biết thêm vụ này không?”

“Trước đây 10 năm, hầu hết những khu biệt thự, resort và khách sạn ở đây đều là đất ruộng. Nhà nước kêu gọi dân trả ruộng và đền bù mỗi sào ruộng (360 m2) giá ba triệu đồng (tương đương $170 USD lúc đó). Nhà nào có nhiều ruộng, chừng hai sào, ba sào thì mua cũng được cái thuyền. Mà thuyền lúc đó đã được nhà nước qui hoạch để bán nói là làm du lịch. Sau này mới vỡ lẽ, họ lấy ruộng của mình để bán rẻ cho doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh và họ xúi mình mua thuyền bằng tiền đền bù ruộng để làm phương tiện đi chèo thuê cho các khu du lịch. Cuối cùng, các khu du lịch khỏi tốn tiền sắm thuyền mà lấy chính cây đậu để luộc trái đậu. Kinh khủng thật!”

“Hồi đó nếu mình không mua thuyền thì sao chị?”


“Làm sao mà anh không mua được chứ! Người ta đâu có giao tiền cho mình, lấy ruộng xong thì họ khuyến cáo, nói với mình rằng mua thuyền là cơ hội, là thay thế cho mảnh ruộng mất đi và là chén cơm manh áo. Vậy là mình phải cắn răng mà sắm. Sau này mới biết mình mua mắc hơn bên ngoài giá gấp rưỡi lần. Giờ có thuyền rồi thì mình chính thức đi làm đày tớ cho họ.”

Những con thuyền trôi dạt về Cồn Thoi, một dải đất mới được bồi đắp từ biển, rộng chừng vài chục km2. (Nguyên Quang/Viễn Đông)

“Làm đày tớ là sao hả chị?”

“Thì bây giờ cả làng ai cũng chèo thuyền, hay nói khác là cả khu Tràng An này, tất cả nông dân bây giờ thành xe ôm, thành tài xế taxi và đi chèo thuyền thuê. Có khi cả nửa tháng mới tới phiên mình chèo một lần, một buổi chèo, khu du lịch thu của khách trên 300 ngàn đồng ($13), có khi bán vé nhiều lên đến tiền triệu, họ dồn khách mình chèo rã tay nhưng họ trả cho mình cao nhất là 200 ngàn đồng ($8.50), có hôm họ trả mình vài chục ngàn đồng. Ngẫm lại cũng đau, vì thuyền của mình, sức của mình, mình chèo thuyền và hoạt động ngay trên mảnh đất mình kiếm cơm ngày xưa tự do, giờ đi làm thuê mà bị ăn chặn một mớ. Nhưng biết vậy mà phải ngậm bồ hòn, nói ra là mất việc, có khi mất mạng. Mà đâu chỉ chèo thuyền, buổi sáng mình vào chỗ làm sớm là họ bắt mình đi quét rác, tưới cây, xong mới được chia phiên. Đời khổ hơn thời phong kiến!”

“Chị biết chủ những khu du lịch, nghỉ dưỡng và resort này là ai, từ đâu tới không?”

“Ui dời, biết quá đi chứ lị, con mấy ông nhớn cả đấy, dân nào mà mò vào được đây! Dân thì ra chèo đò, đi xe ôm, con gái thì đi làm gái, nhiều vô kể, tụi nó đi làm gái cứ như sung rụng vậy, nhiều khi cha chở con đi làm gái, đau khổ lắm! Nhục lắm!”


Nhất dê núi nhì gái Tràng An, ôi buồn!

Nghe đến chuyện gái Tràng An đầy rẫy, rẻ như bèo, cả nhóm có người mừng ra mặt, có người hiếu kỳ, có người thấy buồn buồn, muốn tìm hiểu thêm cho thỏa cái chí nhiều chuyện, cho dù có bị bạn bè coi mình là dạng thiếu “men tính” gì đó cũng đành chịu! 

Buổi chiều, chỉ cần đi dạo vài bước trong khu Tràng An, bất kì ở đâu, cũng có thể bắt gặp một vài người đàn ông chạy xe gắn máy, rà đến bên cạnh hỏi nhỏ “vui tí không anh dai ơi?” Chỉ cần khách nhìn lại là y sà đến và mở ra một xấp ảnh, cho khách tùy chọn, sau khi ngã giá và gửi tiền “cọc” (thường là 50% giá chơi bời, y cho số điện thoại, về phòng khách sạn thì gọi y chở hàng đến).

Nhóm chúng tôi sáu người, trả tiền cọc cho y 1.2 triệu đồng -$51- (50%) sau đó về phòng và đúng hẹn, các cô gái xuất hiện, có cô độ chưa đủ 15 tuổi, riêng cô tôi “đặt hàng” chừng 19 tuổi, mặt đánh phấn dày nhưng ánh mắt mệt mỏi, bơ phờ. Vừa bước vào phòng thì cô sà ngay vào giường đánh uỵch. Tôi biết cô đang chuẩn bị cho cái gì. Tôi rót một ly nước lọc mời cô, cô lắc đầu từ chối, “Thôi anh làm nhanh lên giúp em, cho em còn tranh thủ về ngủ tí, ngày nay em vất vả quá, mệt lắm anh à!” 

Nhà thờ Phát Diệm, điểm đến kế tiếp trong chuỗi du lịch Tràng An. (Nguyên Quang/Viễn Đông)

“Lúc nãy anh đã đặt cọc, giờ anh gửi luôn số tiền còn lại, anh chỉ muốn mời em trò chuyện một lúc cho đỡ buồn chứ thú thực là anh bị mất khả năng này lâu rồi, lực bất tòng tâm em ạ!” (Cô trố mắt nhìn tôi, vừa thương hại, vừa mừng rỡ, tay cầm tiền, không quên cảm ơn… Còn tôi thì hơi tức cười cho cái vụ mới nghĩ ra này).

“Vậy em có thể làm gì, múa, nhảy hay hát cho anh khỏi buồn?” Cô hỏi với ánh mắt thành khẩn!

“Ồ, không cần đâu, em ngồi trò chuyện là đủ rồi, nếu em không ngại, cho anh hỏi một vài chuyện hơi dài dòng.”

Đa số người chèo thuyền du lịch là phụ nữ, mỗi chuyến kiếm được chừng 200 ngàn đồng ($8.50) và mỗi tháng có được từ 1 đến 2 chuyến. (Nguyên Quang/Viễn Đông)

“Anh là công an chìm? Cớm?!” Cô bất ngờ phản ứng gay gắt.
“Nếu là công an chìm hay cớm gì đó thì anh không cần tìm hiểu theo cách này đâu. Mà thôi, em không trả lời thì thôi, em có thể ra về. Tạm biệt!” Vừa nói tôi vừa mở cửa một cách dứt khoát. Cô gái có vẻ áy náy.

“Anh cho em ngồi thêm chút nữa, em mà về sớm, nó bắt em đi làm việc tiếp thì chết em!”

“Ủa, vậy sáng giờ em nói làm mệt, nghĩa là sao?”

“Dạ, sáng giờ em đi 11 cuốc rồi (11 khách), không kịp nghỉ để ăn cơm trưa. Mệt muốn đứt thở, vừa ngồi xe ăn bánh mì vừa tới chỗ khách. Đi được 11 cuốc thì kiếm được 2.2 triệu ($94), tiền còn lại là chủ chứa, bảo kê và công an ăn.”

“Công an ăn là sao?”

“Dạ, công an họ không nhận tiền trực tiếp của tụi em nhưng họ nhận từ chủ chứa. Ví dụ như em đi mỗi khách được 600 ngàn đồng, chủ lấy 400 ngàn, trong đó cho công an 150 ngàn, bảo kê lấy 100 ngàn. Em còn 200 ngàn. Nói xin lỗi chứ làm mỏi cả… mới ra được, thằng này ăn, con kia đớp, hết!”

Chèo thuyền như một cứu rỗi sau những mất mát của người nhà nông. (Nguyên Quang/Viễn Đông)

Ui, tàn nhẫn quá! Anh nghe nói có trường hợp cha chở con đi khách, có vậy không em?”


“Úi dào, có mà đầy ra cả đấy, nói thì nghe buồn cười chứ con người, em thấy chả kém con thú là mấy, đ. mẹ mấy cái thằng làm cha như vậy, khốn nạn còn hơn cả con chó! Chúng nó đánh bạc thua, bị đánh lô đề thua, về hành vợ con, bắt vợ đi chèo đò, bắt con nghỉ học đi làm đĩ để trả nợ cho nó. Nhiều lúc cay đắng, muốn giết nó nhưng rồi cũng ngậm đắng mà sống.” Nói đến đây, cô gái tức tưởi khóc.


Ơ… hình như em cũng có chuyện buồn?”

“Cái thằng cha mà anh nói là chở con đi làm đĩ ấy, ở đây có vài chục thằng như vậy, em cũng may mắn có một thằng cha chó má như vậy. Đứa mới lấy tiền cọc của anh lúc nãy em gọi bằng bố đấy! Hồi du lịch chưa về, bố em hiền từ, lo việc đồng áng, đến khi du lịch về, cả lũ chúng nó dắt nhau ăn nhậu rồi đi cò đất, đi lừa phỉnh người khác bán đất để kiếm tiền cò. Ăn nhậu, phè phỡn, đánh bạc, vay nợ, đến khi cùng đường thì bắt vợ con ra thế chấp! Khổ nỗi giờ đi tố chúng nó thì chúng em cũng bị bắt vì mình làm gái gọi thì tốt đẹp gì đâu mà tố!”

Vẻ ngoài bình yên của vùng đất ẩn chứa nhiều dịch vụ dành cho dân chơi bời. (Nguyên Quang/Viễn Đông)


Tôi trò chuyện một lúc nữa thì các cô ở các phòng bên cũng vừa ra về, gọi cô trong phòng tôi về. Tôi dặm hỏi tên nhưng thấy việc này vô ích, cô vẫn ngồi nán lại để cho qua cơn thút thít. Khi cô ra tới hành lang, nghe loáng thoáng mấy cô kia nói, đại ý là “Mẹ, sao mày gặp thằng đó nó dai nhách thế. Thương mày quá!.” Cô gái không nói gì.

Sự im lặng của cô cùng những cái bóng im lặng đổ xuống hành lang khiến tôi rờn rợn nghĩ đến cái bóng của những con dê bị treo trên bàn thịt đã đổ xuống trên đường vào Tràng An. Nhưng cái bóng gây cảm giác buồn và hoang mang khó tả!

Những mảnh ruộng cuối cùng như đang cố giữ chân người nông dân. (Nguyên Quang/Viễn Đông)
Thuyền cũ trên lạch Cồn Thoi. (Nguyên Quang/Viễn Đông)
“Đàn bò vào thành phố, đêm buồn vẫn buồn hơn.” (Nguyên Quang/Viễn Đông)

Nguyên Quang

(Viễn Đông)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen