Hiếu Bá Linh, tổng hợp
2-10-2019
Hôm qua 1/10/2019, Đức và Việt Nam đã ký kết chương trình Đối thoại nhà nước pháp quyền, giai đoạn 2019 – 2022. Từ khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra, chương trình Đối thoại này giữa hai nước đã bị gián đoạn hơn 2 năm qua.
Buổi lễ ký kết đã diễn ra tại văn phòng Bộ Tư pháp ở Hà Nội, giữa ông Christian Lange, Quốc vụ khanh Bộ Tư pháp Liên bang Đức với ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Tư pháp ông Lê Thành Long và Đại sứ Đức TS. Guido Hildner cũng có mặt chứng kiến lễ ký kết.
Mục đích của Đối thoại nhà nước pháp quyền Đức – Việt là đóng góp chung cho việc thực hiện tư duy và hành xử theo những nguyên tắc của “nhà nước pháp quyền” thông qua sự hiểu biết tốt hơn về truyền thống và văn hóa Việt Nam, trong đó bao gồm việc bảo vệ hữu hiệu nhân quyền. Các cải cách tư pháp và hệ thống pháp luật ở Việt Nam sẽ tiếp tục được đồng hành theo nguyên tắc chỉ đạo: Thúc đẩy “nhà nước pháp quyền”.
Nhưng một ngày trước khi ký kết, phía Việt Nam đã vi phạm nhân quyền, khi luật sư Đặng Đình Mạnh bị một số người mặc thường phục cố ý ngăn không cho ra khỏi nhà để gặp phái đoàn của Quốc Vụ Khanh Bộ Tư pháp CHLB Đức đang làm việc tại Sài Gòn vào trưa ngày 30 tháng 9 năm 2019.
Luật sư Mạnh thường nhận bào chữa cho các bị cáo trong những vụ án liên quan đến chính trị, nhân quyền, đã xác nhận thông tin trên với đài Đài Á Châu Tự Do (RFA) như sau:
“Có một số anh em họ mặc thường phục, họ đến họ nói là muốn được tôi tiếp và tôi mới nói nếu như vậy thì mời lên văn phòng làm việc. Họ nói không, họ muốn được tôi tiếp ở nhà. Họ ngồi đó cho đến quá buổi trưa thì họ về. Nôm na là tôi không ra khỏi nhà được!”
Trên Facebook, luật sư Lê Công Định cho biết, ngày 30/9/2019 Tổng lãnh sự quán đã “mời 5 luật sư dự buổi ăn trưa với phái đoàn của Quốc Vụ Khanh Bộ Tư pháp CHLB Đức đang làm việc tại Sài Gòn. Mỗi luật sư chuyên một lĩnh vực hành nghề là chủ ý để cung cấp cái nhìn bao quát về hệ thống luật pháp của Việt Nam cho phái đoàn“.
Ông Định đã tới tham dự buổi nói chuyện mà không bị cản trở. Ông cho biết thêm, “dù phía Đức đã kịp thời lên tiếng phản đối với Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao Việt Nam”, nhưng luật sư Đặng Đình Mạnh vẫn “bị cơ quan an ninh ngăn cản ra khỏi nhà từ sáng sớm đến 2 giờ chiều, nên không thể tham dự buổi gặp mặt”.
Hành vi trái với “nhà nước pháp quyền” này lại xảy ra cho phái đoàn Bộ Tư pháp Đức và đúng 1 ngày trước khi họ ký kết Đối thoại nhà nước pháp quyền Đức – Việt.
Bộ Tư pháp CHLB Đức nêu rõ mục đích, trong việc xây dựng “nhà nước pháp quyền”, chương trình Đối thoại nhà nước pháp quyền Đức – Việt” đặt trọng tâm đặc biệt trong các lĩnh vực thúc đẩy nhân quyền, luật tố tụng hình sự, củng cố xã hội dân sự và chuyên nghiệp hóa các ngành nghề tư pháp và pháp lý. Bộ Tư pháp 2 nước giữ vai trò điều phối trong chương trình này.
Tại Đức, bên cạnh Bộ Tư pháp Liên bang, còn có Bộ Ngoại giao Đức và Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Liên bang, cũng tham gia chương trình Đối thoại nhà nước pháp quyền Đức-Việt.
Được biết, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp hai nước sẽ sớm thảo luận về nội dung và kế hoạch hợp tác năm 2019-2020 cũng như các năm kế tiếp.
Chương trình “Đối thoại nhà nước pháp quyền” 3 năm đầu tiên (2009-2011) được Bộ Tư pháp Đức và Bộ Tư pháp Việt Nam ký kết tại Hà Nội ngày 16.4.2009.
Chương trình 3 năm thứ hai tiếp theo (2012-2014) được Quốc vụ khanh Bộ Tư pháp Liên bang Đức bà TS. Birgit Grundmann và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam bà TS. Nguyễn Thúy Hiền đã ký kết vào ngày 03.4.2012.
Chương trình “Đối thoại nhà nước pháp quyền” 3 năm thứ ba tiếp theo (2015-2017) được Bộ Tư pháp hai nước ký kết vào ngày 14.4.2015.
Sau đó chương trình này đã bị gián đoạn hơn 2 năm qua vì vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc.
Việc Chính phủ Việt Nam cử mật vụ sang Berlin bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là một minh chứng rõ ràng, cho thấy họ đã hành xử trái ngược với “nhà nước pháp quyền”, mà nước Đức đã dầy công giúp Việt Nam xây dựng qua chương trình Đối thoại nhà nước pháp quyền Đức – Việt kéo dài suốt 8 năm (2009 – 2017), hao tốn biết bao tiền thuế của người dân Đức, nhưng hầu như không có kết quả.