Seite auswählen

 

18.10.2019

Kính thưa quý chú cô bác anh chị em,

Trong thời gian qua, xuất hiện nhiều thông tin trên các kênh truyền thông khiến quý vị hoang mang, VOICE Australia xin được trình bày về những vấn đề liên can.

1/ CHỈ LO CHO THUYỀN NHÂN KHÔNG LO CHO ĐỒNG BÀO THIỂU SỐ:

Trong danh sách 50 người được đệ trình cho bộ di trú Canada gần đây, và đang chờ được định cư, trong đó bao gồm cả thuyền nhân, tù nhân lương tâm và Đồng Bào Thiểu Số Tây Nguyên. Xin quý vị liên lạc trực tiếp với bộ di trú Canada để xác nhận thông tin này.

Ở đây cũng xin nói thêm: việc bảo lãnh định cư đồng bào tỵ nạn Việt Nam (kể cả các đồng bào thiều số) là trách nhiệm chung trong lương tâm của tất cả mọi người Việt chúng ta chứ không phải chỉ của riêng VOICE và việc này hoàn toàn khả thi với rất nhiều người trong chúng ta (theo yêu cầu của chương trình Private Sponsporship của chính phủ Canada). Trong đợt mới nhất này (50 người), VOICE Canada đã có khả năng bảo lãnh đến một số đồng bào thiểu số Tây nguyên.

2/ VIỆC QUYÊN TIỀN CỦA VOICE:

Xin đính kèm tấm poster quảng cáo buổi dạ tiệc của VOICE Australia. Trên đầu poster là câu: Dạ tiệc gây quỹ giúp đỡ, tái định cư người Việt tỵ nạn tại Thailand và đào tạo, phát triển xã hội dân sự tại Việt Nam. Điều này nói lên rằng một phần tiền được sử dụng cho việc tái định cư. Xin liệt kê những khoản tiền phải chi trả mà chúng ta có thể không để ý:

· Chi phí giúp đồng bào ổn định cuộc sống (settlement costs) khi nhập cư vào Canada: Đây là chi phí lớn nhất để giúp đồng bào không trở thành gánh nặng của chính phủ Canada (như trong lời hứa với chính phủ Canada khi bảo lãnh định cư). Các chi phí này bao gồm: hỗ trợ thuê nhà ở, bảo hiểm sức khỏe, tiền ăn ở sinh sống, đi lại, tìm việc làm…

.Tiền mướn văn phòng, chi phí đi lại cho nhân viên làm việc để lập hồ sơ cho đồng bào. Ở đây xin gọi là đồng bào, vì gồm những người thiểu số, thuyền nhân, người đi đường bộ, tù nhân lương tâm… Một số đồng bào do thiếu khả năng và phương tiện đi lại, văn phòng còn phải trả thêm tiền di chuyển (travel allowance) để nhân viên tới tận nơi cư ngụ của đồng bào, lập hồ sơ cho họ, vì họ sống rải rác trên đất Thái.

· Tiền khám sức khỏe, tiền vé máy bay, bảo hiểm y tế cho những ai được bộ di trú chấp nhận cho định cư.

Nếu liệt kê ra hết chắc còn nhiều cái tỉ mỉ. Chúng tôi chỉ xin nêu ra vài thứ để quý vị hiểu.

Điều cần minh xác rõ ở đây là: lâu nay, VOICE quyên tiền là nhằm giúp tái định cư. Vì số tiền sử dụng cho các mục đích trên khá lớn, nên dù rất muốn giúp đỡ, do khả năng hạn hẹp, VOICE không thể giúp đỡ thêm điều kiện an sinh, sinh hoạt hằng ngày cho đồng bào tầm trú trong thời gian họ ở Thái Lan.

Chúng tôi rất cảm kích sự hy sinh của các tổ chức từ thiện đã thương cứu giúp, hỗ trợ cuộc sống khó khăn hằng ngày của đồng bào tầm trú.

Bên Úc các chú cô từ nhiều năm luôn nhiệt tình hỗ trợ nhu cầu cần thiết gồm các cô chú như sau: chú Lê Hiền: +61438075277, chú Lâm Xuân: +61410013077, cô Thị Dung Lê: +61401235062, và anh Lê Đá.

3/ BẠCH HỒNG QUYỀN – BHQ

Có quan ngại rằng BHQ không xứng đáng để được đi định cư.

Về ông BHQ, chúng tôi xin nêu những điểm sau:

a/ Ông Quyền bị lệnh truy bắt từ nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vì tham gia vào hoạt động phản đối việc làm sai trái của công ty Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa, một công ty gây thảm họa môi trường ở các tỉnh miền Trung Việt Nam năm 2016.

b/ Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR đã công nhận tư cách tỵ nạn của ông Quyền. Các tổ chức như tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền – Human Rights Watch, tổ chức Bênh Vực Nhân Quyền – Human Rights Defender, chính quyền Úc đã từng theo dõi sát tư cách tỵ nạn và những vấn đề mà ông Quyền phải đối mặt.

c/ Chính quyền Canada sau khi duyệt xét đơn xin tỵ nạn và tư cách tỵ nạn của ông Quyền đã chấp thuận cho ông Quyền và gia đình ông định cư tại Canada. Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc và chính quyền Canada đều có những cơ quan thẩm quyền điều tra về tư cách tỵ nạn của ông Quyền.

Quá trình hoạt động và tư cách tỵ nạn của BHQ được rất nhiều người trong giới hoạt động đấu tranh ở Việt Nam nhìn nhận. Tuy nhiên, nếu quý vị không đồng ý về cách xét duyệt tư cách tỵ nạn của ông Quyền, xin liên lạc trực tiếp với các cơ quan thẩm quyền trên để khiếu nại.

4/ BUỔI NÓI CHUYỆN VỚI TRỊNH HỘI VÀ NAM LỘC

Xin ghi dưới đây những mốc thời gian và sự việc để quý vị tiện theo dõi:

· Ngày 23 tháng Năm, 2019 linh mục Thiện và Vũ Bắc Đẩu đến Korat thăm cha Peter Namwong.

· Ngày 25 tháng Năm, 2019 Vũ Bắc Đẩu làm video livestream, có khoảng 10 thuyền nhân.

· Cùng ngày 25 tháng Năm, sau khi coi một đoạn video livestream ngắn, Trịnh Hội có gửi tin nhắn cho lm Thiện yêu cầu xin được gặp thưa chuyện với lm. Xin coi hình đính kèm. Mã số: IMG-20190525-WA0000.jpg có nghĩa là năm 2019 tháng 5 ngày 25.

· 26 tháng 5, 2019 VOICE Australia ra thông báo về “Buổi hội thảo về nhân quyền” có sự tham gia của Bạch Hồng Quyền qua livestream.

· Ngày 3 tháng 6, 2019 lm Thiện liên lạc với Trịnh Hội qua tin nhắn yêu cầu VOICE Australia không được cho BHQ xuất hiện trong buổi hội thảo này. LM RA ĐIỀU KIỆN TRONG TIN NHẮN VỚI TRỊNH HỘI: NẾU BHQ THAM GIA BUỔI HỘI THẢO. BUỔI NÓI CHUYỆN VỚI TRỊNH HỘI COI NHƯ SẼ KHÔNG ĐƯỢC THỰC HIỆN.

· Ngày 4 tháng 6, 2019 VOICE Australia gửi thư cho lm nêu lý do buổi hội thảo có sự tham dự của BHQ.

· 5 tháng 6, lm Thiện nêu quan ngại, cương quyết không muốn có BHQ trong buổi hội thảo, vì những vấn đề liên can tới BHQ.

· 7 tháng 6, VOICE Australia hồi đáp nêu rõ quyết định vẫn có BHQ tham gia hội thảo, vì muốn công chúng có cơ hội đặt câu hỏi trực tiếp với BHQ về những quan ngại chưa được sáng tỏ. Chính ông Dân Biểu Chris Hayes của Úc cũng muốn có cơ hội nói chuyện với BHQ, vì ông đã giúp vận động cho gia đình BHQ đi định cư ở Canada.

· Trước ngày 18 tháng 7, 2019, Trịnh Hội có gửi thông tin mời những đồng bào tỵ nạn gồm thuyền nhân, đồng bào thiểu số… những người muốn biết về tình hình tỵ nạn, đi định cư tới tham dự buổi nói chuyện cộng đồng. Trịnh Hội có gửi thông tin mời cả lm Thiện đến tham dự.

Buổi họp hôm ấy có cả sự hiện diện của những người đã tham gia vào buổi livestream của Vũ Bắc Đẩu ngày 25 tháng 5. Tất cả không có ai nêu quan ngại hay vấn đề gì như trong livestream của Vũ Bắc Đẩu nhắc tới.

VOICE đã mời Lm Thiện tới buổi nói chuyện cộng đồng 10 giờ sáng thứ Bảy ngày 18 tháng 7, 2019. Mục đích của buổi nói chuyện là muốn làm sáng tỏ trước cộng đồng tỵ nạn, những ưu tư, sai sót hiểu lầm giữa Lm Thiện, đồng bào tỵ nạn với VOICE, Trịnh Hội và Nam Lộc. Tiếc là không có Lm tham dự, mặc dù đã gửi thông tin mời.

Từ sự kiện này, cho thấy LM THIỆN KHÔNG MUỐN THAM DỰ CÙNG VỚI TRỊNH HỘI VÀ NAM LỘC, KHI CÓ CƠ HỘI, ĐỨNG TRƯỚC CỘNG ĐỒNG THUYỀN NHÂN TẠI THÁI LAN để làm rõ vấn đề, VOICE không còn tổ chức buổi nói chuyện nào sau đó.

Lý do nào đã khiến Lm Thiện không tham dự buổi nói chuyện nêu trên?

Phải chăng là do VOICE Australia đã công khai thông báo rằng BHQ THAM GIA BUỔI HỘI THẢO, nên LM THIỆN TỪ CHỐI KHÔNG THAM DỰ BUỔI NÓI CHUYỆN VỚI TRỊNH HỘI VÀ CỘNG ĐỒNG NHƯ ĐÃ ĐƯỢC MỜI.

Từ những hình ảnh tin nhắn có ngày tháng, những bằng chứng thư từ, VOICE khẳng định rằng VOICE, và VOICE Australia đã cố gắng bằng mọi cách để giải thích rằng VOICE luôn cố gắng tạo điều kiện để làm minh bạch những thắc mắc, quan ngại về VOICE, VOICE Australia, về vấn đề định cư của các đồng bào tỵ nạn trước cộng đồng.

5/ SỰ THẬT VÀ THỜI GIAN:

Xin lược thuật những điểm thời gian như sau:

1996: Các trại tỵ nạn bắt đầu đóng cửa và cưỡng bức hồi hương. Nhiều người trốn trại. Một số trốn ở lại Thái Lan.

2006: cha Peter Namwong mời luật sư Trịnh Hội qua Thái để giúp thuyền nhân VN. Trịnh Hội lúc đó vừa lo xong chương trình tái định cư của thuyền nhân tại Phi. Luật sư Thùy Dương, lúc ấy là giám đốc điều hành của VOICE, đến Thái Lan, cùng Trịnh Hội với sự giúp đỡ của cha Peter Namwong lập danh sách hồ sơ cho thuyền nhân. Họ là những người bị rớt thanh lọc năm 1989 – 1990, sống vô tổ quốc, tự mưu sinh trên đất Thái. Chính cha Peter Namwong là người dắt họ đến gặp Trịnh Hội để lập hồ sơ. Có khoảng 60 thuyền nhân trong danh sách đợt này, Danh sách 1. Cha Namwong sống ở Korat cách Bangkok 4 tiếng lái xe.

Từ 2006 đến 2013, Trịnh Hội liên tục đi các nước Mỹ, Canada, Úc vận động xin chính phủ các nước nhận thuyền nhân Thái đi định cư.

Cuối năm 2012,Ông Jason Kenney, hiện là thủ tướng tỉnh bang Alberta, và từng là bộ trưởng Di Trú Canada lúc ấy, chấp nhận SPECIAL POLICY, nhận hồ sơ của những thuyền nhân Việt Nam trong Danh sách 1, để cứu xét. Bản Ghi Nhớ nêu ra những thỏa thuận giữa bộ di trú/chính phủ Canada, VCF, VOICE được ký kết. Sau đó VOICE qua Thái, điền đơn cho các thuyền nhân, tìm người bảo trợ ở Canada, gây quỹ để có tài chánh lo cho số đồng bào này đi định cư.

2014, Danh sách 1 bắt đầu được phỏng vấn bởi tòa đại sứ Canada ở Thái.

Tin đồn từ những người được phỏng vấn lan ra, khoảng 30 thuyền nhân khác liên lạc với cha Namwong xin được phỏng vấn.

2014, ngày cuối cùng của các buổi phỏng vấn dành cho Danh sách 1 vừa xong, cha Namwong xin Trịnh Hội cho thêm khoảng 30 người kể trên vào danh sách phỏng vấn. Trịnh Hội xin cha Namwong vào tòa đại sứ, gặp trực tiếp nhân viên bộ di trú Canada để nói chuyện. Chính cha Namwong là người TRỰC TIẾP đề cử danh sách khoảng 30 người này tới bộ di trú Canada. Sau khi tòa đại sứ Canada chấp nhận lời đề nghị của cha để xét đơn cho nhóm 30 người này, những người này được lập hồ sơ và cho vào Danh sách 2, và được phỏng vấn.

Đợt đầu tiên được đi định cư là 25 tháng Mười Một, 2014. Đợt cuối cùng là 2017 Tổng cộng 108 người.

Trong thời gian trên bốn luật sư thay phiên nhau giúp đồng bào là Thùy Dương, Ann Phạm, Amy, Anna Nguyễn. Những luật sư này là những người làm thiện nguyện, họ phải sống nhiều năm xa gia đình, bạn bè, và không ai trong họ có bất kỳ sự liên hệ thân nhân, quen biết với các thuyền nhân. Họ làm việc với lòng nhân ái, hy sinh hết mực giúp thuyền nhân. Dù vất vả và gặp nhiều khó khăn, họ rất tự hào về những đóng góp của họ.

6/ NHIỀU NĂM chờ đợi, CÁC THUYỀN NHÂN LÀM GÌ?

Giai đoạn này không có tổ chức nào hỗ trợ, thuyền nhân phải tự mưu sinh trong tình trạng vô tổ quốc. Người duy nhất giúp thuyền nhân lúc ấy là cha Peter Namwong. Họ đã phải làm giấy tờ giả, bươn chải tứ xứ kiếm sống. Có người chỉ đủ sống, có người may mắn có được cuộc sống khả quan.

Hoàn cảnh kinh tế của những thuyền nhân ra sao, không nằm trong phạm vi trách nhiệm của VOICE và Trịnh Hội. Những thuyền nhân kể trên đã khai báo với bộ di trú Canada thế nào, hay bộ di trú Canada đã phỏng vấn họ ra sao, nếu quý vị quan tâm, xin liên lạc trực tiếp với bộ di trú Canada.

Trong một chương trình trên kênh truyền thông nhắc tới “20 thuyền nhân còn kẹt ở Thái Lan”, lý do gì họ chưa được đi định cư, xin được trình bày như sau

a/ Những người này có thể là thuyền nhân, nhưng không có thông tin đúng lúc, hay có thể không biết đến cha Namwong, nên không kịp ghi danh với cha Namwong để được bỏ tên lên danh sách 1 và 2.

b/ Có thể họ từ Việt Nam, sau khi nghe tin có danh sách phỏng vấn, họ mới đến Thái Lan.

c/ Có thể họ hồ nghi sự thành công của chương trình mà không ra ghi danh, do đã bị rớt thanh lọc và bị cưỡng bức hồi hương, họ sợ khi xuất hiện sẽ bị trục xuất về lại Việt Nam, tới lúc biết tới người được đi định cư thì danh sách đã đóng.

Điều quan trọng là vì họ không nằm trong danh sách được lập năm 2006 – Danh sách 1, hay 2014 – Danh sách 2, nên họ không được cứu xét.

Đến tháng 9, 2018, VOICE và VOICE Canada thực hiện chương trình bảo trợ tư nhân (private sponsorship program) theo hai dạng: 1/ Group of Five, 2/ Sponsorship Agreement Holder. Xin theo dõi chi tiết trong bản thông báo được đính kèm.

Những tiêu chuẩn của chương trình 2018 – 2019 khác với tiêu chuẩn của Danh sách 1 & 2, do đó 20 người kể trên chưa được tới phiên cứu xét.

Thực tế, hiện có trên một ngàn người tầm trú VN đang xin tỵ nạn sống trên đất Thái Lan, trong đó có nhiều người đồng bào thiểu số, tù nhân lương tâm,… một số được cấp quy chế tỵ nạn, một số đang chờ được cứu xét, một số đã bị bác khỏi quy chế tỵ nạn. Cần nhắc lại, Thái Lan không phải là nước chính thức công nhận tỵ nạn, vì họ chưa ký vào Refugee Convention, nên tất cả những người tầm trú có thể bị bắt và gửi trả lại Việt Nam.

7/ SỰ SO SÁNH LỆCH LẠC

Việc người được đi, người chưa được đi tất nhiên không tránh khỏi những suy nghĩ so đo, bất mãn trong đồng bào cùng khổ ở Thái Lan, nhất là khi nhìn số đồng bào được định cư Canada trong những đợt cuối, khi có một vài người khá giả, khiến gây nghi kỵ tại sao người khá giả được đi, người nghèo hơn bị ở lại. Một trong những lý do, như đã nói ở trên, chỉ là vì họ đăng ký chậm trễ hơn so với những người mau chân nên được nằm trong Danh sách 1 và 2 chứ không vì lý do nào khác.

Chúng tôi nghĩ rằng: những thuyền nhân đã được đi định cư từ 2014 – 2017, dù hoàn cảnh kinh tế có khác nhau, nhưng đều là những người đã được chấp nhận theo đúng luật pháp và tiêu chuẩn của bộ di trú Canada. Phải chăng chỉ vì họ may mắn có điều kiện kinh tế tốt hơn, mà ai đó CÓ QUYỀN PHỦ NHẬN TIÊU CHUẨN ĐỊNH CƯ của họ, gọi họ là ĐẠI GIA ĐỘI LỐT TỴ NẠN ?

Phải chăng điều kiện để được đi định cư ở Canada theo tiêu chuẩn của một nhóm thiểu số là: phải ngồi chờ, không được tự mưu sinh, hoặc mưu sinh nhưng không được giàu. Họ cũng không được đi bất kỳ nơi đâu, chỉ được sống trên đất Thái. Chúng ta có ác nghiệt quá không?

Khi Canada và các tổ chức quốc tế chỉ nêu quan ngại, một số người Việt đã vội vàng lên án, cáo buộc, sử dụng những từ ngữ nặng nề: đại gia đội lốt tỵ nạn, mình gọi vậy có ác quá không?

Xin chân thành cám ơn sự quan tâm theo dõi của tất cả quý vị.

VOICE Australia,

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen