Seite auswählen

Phản ứng dư luận sau khi cây bút Phạm Chí Dũng bị bắt

Nhà báo Phạm Chí Dũng

Image captionNhà báo Phạm Chí Dũng là Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam, một hội không được chính quyền công nhận

Đã có những phản ứng từ công luận sau khi cây bút tự do, nhà báo Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam bị cơ quan an ninh điều tra thuộc Công an TP. Hồ Chí Minh bắt và khởi tố hình sự.

“Bây giờ, đã đến điểm mà chiến dịch Hà Nội vận động cho một hiệp ước thương mại với Liên minh châu Âu đang trực tiếp dẫn đến hệ quả các vi phạm chống lại những người bất đồng chính kiến,” một tuyên bố được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) đưa ra hôm 22/11/2019 từ văn phòng châu Á tại Thái Lan.

“EU cần lên tiếng cho nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, người chỉ đơn giản kêu gọi châu Âu yêu cầu cải thiện thực sự trong tình hình nhân quyền trước khi phê chuẩn hiệp định thương mại tự do (FTA) Âu-Việt,

“Bằng cách bắt giữ ông Phạm Chí Dũng, Việt Nam đang thể hiện sự không khoan dung có tính chất đàn áp đối với bất kỳ tiếng nói bất đồng nào và quyết tâm đàn áp những nỗ lực thúc đẩy một nền báo chí độc lập trong nước. EU, Hoa Kỳ và các nước cùng chí hướng khác nên yêu cầu phóng thích ông Phạm Chi Dũng ngay lập tức và vô điều kiện và gỡ bỏ tất cả các cáo buộc chống lại ông,” thông điệp được Phil Robertson, Giám đốc Văn phòng khu vực của tổ chức này đưa ra hôm thứ Sáu.

Từ Đại học Leiden, Hà Lan, PGS. TS. Jonathan London, nhà nghiên cứu và quan sát xã hội dân sự người Mỹ, từng theo dõi tình hình ở châu Á và Hong Kong trong nhiều năm, nói với BBC News Tiếng Việt:

“Ông Phạm Chí Dũng là một người đã nỗ lực rất nhiều để nâng cao chất lượng của báo chí Việt Nam. Từ lâu đã có nhiều căng thẳng xoay quanh anh Dũng. Chúng tôi chỉ hy vọng là mọi người có thể thấy rằng anh ấy đã nỗ lực để đóng góp một cách nhất định đến phát triển của báo chí ở Việt Nam.

“Và tôi thấy là dù còn chưa rõ về tình hình hiện nay, chưa rõ về hoàn cảnh của việc mà anh bị bắt và chất vấn, nhưng ai cũng đều thấy trong mấy năm qua anh là một trong những người đã đóng góp nhiều cho những tranh luận về những vấn đề xã hội ở Việt Nam.

“Và chỉ hy vọng là trong tương lai, Việt Nam có thể có đủ không gian để cho những người mà muốn nâng cao chất lượng của các dư luận, của các thảo luận xã hội quan trọng ở Việt Nam thì có thể làm được.

“Nên tôi cũng băn khoăn một chút và lo những vụ việc này sẽ tiếp diễn như thế nào. Chỉ hy vọng là sẽ có những kết quả tốt, mà bây giờ thì đáng lo.”

‘Vừa bất ngờ, vừa không’

Từ Sài Gòn, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, bình luận với BBC:

‘Tôi vừa bất ngờ, vừa không hề bất ngờ’

“Tiến sỹ Phạm Chí Dũng có lý lịch như đài báo đã đưa tin, đã từng làm việc ở cơ quan nội chính của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và làm việc ở Ủy ban, nhưng anh ấy là con của ông Phạm Hùng, Phạm Hùng nguyên là Thường vụ Thành ủy, cũng là cán bộ lão thành, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, trước kia đã từng là Thư ký riêng của ông Võ Văn Kiệt.

“Cho nên cách đây mấy năm, anh Phạm Chí Dũng cũng bị bắt, nhưng sau đó được miễn tố và trả tự do. Còn chuyện anh Phạm Chí Dũng bị bắt, thì tôi nghĩ vừa bất ngờ mà cũng vừa không bất ngờ, bởi vì những bài viết của anh đi vào những lãnh vực rất nhạy cảm và có nhiều số liệu không biết lấy từ đâu.

“Cho nên thường những câu chuyện đó, những cơ quan điều tra nguồn gốc ai cung cấp tư liệu mà biết nhiều như thế, thì đó là câu chuyện mà họ muốn tìm, nhưng mà không có cách gì tốt hơn là nên bắt anh Phạm Chí Dũng để điều tra.

“Nếu mà mình (Việt Nam) làm như vậy, thì tự nhiên nó nhẹ nhàng hơn, xã hội ngày càng dân chủ, minh bạch, những người nào mà viết hay phát biểu quá lời, thì kịp thời lên tiếng ngăn chặn, thì nó tốt hơn là cái gì cũng dùng biện pháp bắt bớ, tù đày.”

‘Một việc đáng lo ngại’

Từ Hà Nội, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A nói với BBC, cùng ngày 22/11:

“Tôi cảm thấy rất đột ngột và buồn và bực tức nữa, bởi vì việc bắt Tiến sỹ Phạm Chí Dũng là một dấu hiệu rất đáng lo ngại của chính sách của chính quyền Việt Nam bây giờ, bởi vì những cái người ta quy tội đối với ông Dũng thì hoàn toàn là không có cơ sở.

“Nhưng mà người ta vẫn bắt ông ấy là bởi vì họ muốn đe dọa, muốn siết chặt sự kiểm soát đối với những người bất đồng chính kiến, muốn bịt miệng những người ấy, trong lúc mà họ (chính quyền) có thể cảm thấy rất là bối rối…

“Một dấu hiệu rất đáng lo ngại cho chính quyền VN”

“Một đất nước mà muốn phát triển, thì chính quyền phải lắng nghe, kể cả những ý kiến chỉ trích rất là gay gắt cũng phải lắng nghe. Còn nếu đấy là những sự chỉ trích mà họ nghĩ rằng không đúng, thì họ nói lại đi, họ tranh cãi lại với những người đưa ra những chỉ trích ấy.

“Và trong trường hợp mà họ thấy rằng họ bị xúc phạm, thì luật pháp hiện nay của Việt Nam cho phép họ kiện dân sự ra tòa vì những sự chỉ trích như thế, chứ không phải là dùng hình sự để bắt người ta. Tôi nghĩ rằng đấy là một điểm rất là quan trọng cần phải phân biệt.”

Sẵn sàng giúp bào chữa?

Về phần Luật sư Trần Quốc Thuận, khi được hỏi liệu ông có sẵn sàng đứng ra tham gia làm luật sư bảo vệ cho ông Phạm Chí Dũng trước Tòa hay không, nếu có việc xét xử và nếu được ông Dũng và/hay gia đình của ông yêu cầu trợ giúp pháp lý, cựu quan chức lãnh đạo Văn phòng Quốc hội Việt Nam nói:

“Tôi bây giờ về mặt danh nghĩa vẫn là luật sư, vẫn đăng ký hành nghề, nhưng thực sự tôi tuổi cũng hơi lớn rồi, 75 tuổi rồi, sức khỏe cũng không được tốt, nếu trường hợp có một sự yêu cầu bức bách, kể cả trường hợp cha của ông Phạm Chí Dũng là ông Phạm Hùng yêu cầu, thì lúc ấy có gì có thể làm được, tôi sẽ cố gắng”, Luật sư Thuận nói với BBC.

Về vụ bắt ông Phạm Chí Dũng, hôm thứ Năm, một bản tin trên trang mạng của Bộ Công an Việt Nam cho biết chi tiết:

“Ngày 21/11/2019, Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Phạm Chí Dũng (sinh năm 1966; quê quán: tỉnh Đồng Tháp; thường trú tại 298/4 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 1, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 – Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

“Thời gian qua, Phạm Chí Dũng đã có nhiều hoạt động công khai vi phạm pháp luật nghiêm trọng và rất nguy hiểm; tác động xấu đến sự ổn định xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, trật tự. Do đó, việc khởi tố để điều tra đối với Phạm Chí Dũng là rất cần thiết và đúng quy định của pháp luật. Quá trình thực hiện lệnh bắt, khám xét đối với Phạm Chí Dũng được Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra làm rõ.”

Đây cũng là thông tin được Phòng Tham mưu, Công an Thành phố Sài Gòn đăng tải trên cổng thông tin của Bộ Công an thành phố này cùng ngày.

BBC (22.11.2019)

Phóng viên Không biên giới lên án vụ Việt Nam bắt ông Phạm Chí Dũng

Nhà báo Phạm Chí Dũng (ảnh: Chuacuuthe.com)

Nhà báo Phạm Chí Dũng (ảnh: Chuacuuthe.com)

Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) “lên án” việc nhà chức trách Việt Nam bắt giam ông Phạm Chí Dũng hôm 21/11, RSF cho biết qua thông cáo báo chí gửi đến VOA hôm 22/11.

RSF gọi ông Phạm Chí Dũng là một nhà báo Việt Nam trực ngôn và là người đi đầu về bảo vệ tự do báo chí trong nhiều năm qua đã cố góp phần tạo ra xã hội dân sự cởi mở và nhiều thông tin ở Việt Nam, không chịu sự điều khiển của đảng cộng sản.

Ông Dũng từng được đưa vào danh sách “Anh hùng thông tin” của RSF cách đây 5 năm và ông cũng là cộng tác viên có nhiều bài đăng trong mục Blog của VOA tiếng Việt.

Theo thông tin từ cơ quan tiến hành truy tố của Việt Nam, ông Dũng sẽ bị tạm giam 4 tháng trong khi công an tiếp tục điều tra ông về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”. Với tội danh này, ông có thể phải chịu mức án tù lên đến 12 năm.

“Vụ bắt giữ ông Phạm Chí Dũng là sự xác nhận mới nhất về việc chính quyền Việt Nam hoàn toàn không thể dung thứ bất cứ thông tin nào không phải do cơ quan tuyên truyền của họ đưa ra”, ông Daniel Bastard, trưởng bộ phận châu Á-Thái Bình Dương của RSF nói, theo thông cáo của tổ chức này.

Ông Phạm Chí Dũng, 53 tuổi, cựu cán bộ Ban Nội chính Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh, từng bị tạm giam 6 tháng vào năm 2012 vì bị tình nghi biên soạn tài liệu “nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Ông bị khởi tố hai tội danh “Âm mưu lật đổ chính quyền” và “Tuyên truyền chống nhà nước”.

Sau khi tuyên bố ra khỏi đảng vào năm 2013, và thành lập Hội báo chí độc lập gọi tắt là IJAVN, ông Dũng trở thành cộng tác viên thường xuyên trên trang Blog của VOA tiếng Việt.

“Chúng tôi yêu cầu trả tự do ngay cho nhà báo Phạm Chí Dũng. Ở thời điểm Việt Nam muốn hoàn tất các thỏa thuận thương mại với Liên hiệp châu Âu và các hiệp định quốc phòng với Mỹ, chúng tôi thục giục Brussels and Washington đình chỉ toàn bộ tiến trình chừng nào Hà Nội còn coi thường tự do báo chí”, đại diện của RSF nói trong thông cáo.

Trong bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2019, Việt Nam xếp thứ 176 trong 180 nước.

Ngày 21/11, Công an TP.HCM đã khởi tố hình sự, bắt tạm giam nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, cộng tác viên của VOA Tiếng Việt, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Độc lập (IJAVN), với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước,” và các cơ quan chức năng đang tiếp tục “mở rộng điều tra vụ án.”

Cổng thông tin Bộ Công an VN đăng tin ông Phạm Chí Dũng bị bắt.

Cổng thông tin Bộ Công an VN đăng tin ông Phạm Chí Dũng bị bắt.

Cổng thông tin Bộ Công an Việt Nam loan tin rằng ông Phạm Chí Dũng “có nhiều hoạt động công khai vi phạm pháp luật nghiêm trọng và rất nguy hiểm, tác động xấu đến sự ổn định xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự.”

VOA (22.11.2019)

Mạng lưới nhân quyền Việt Nam công bố giải nhân quyền 2019

Hình minh họa. Ba người được giải Nhân quyền 2019: Luật sư Lê Công Định, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn

Hình minh họa. Ba người được giải Nhân quyền 2019: Luật sư Lê Công Định, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn

Photo: RFA

Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam hôm 21/11 công bố danh sách 3 người đoạt giải nhân quyền 2019 là mục sư Nguyễn Trung Tôn, cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn và Luật sư Lê Công Định. Đây là ba người được tuyển chọn từ một danh sách đề cử gồm 12 cá nhân và 3 tổ chức.

Mục sư Nguyễn Trung Tôn (48 tuổi) là người tích cực đấu tranh đòi tuwjd o tôn giáo tại Việt Nam, chống độc tài, độc đảng và tham nhũng. Ông đã bị chính quyền bắt giam và kết án 2 lần. Lần đầu vào năm 2011 với án tù 2 năm với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”. Ông bị bắt lần thứ hai vào năm 2017 cùng một số hội viên hội Anh Em Dân Chủ. Vào trong phiên tòa vào năm 2018, Mục sư Tôn bị kết án 12 năm tù và 3 năm quản chế với cáo buộc “âm mưu lật đổ chính quyền”.

Cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn (34 tuổi) bắt đầu tham gia các hoạt động phản đối Trung Quốc xâm lược vào năm 2009. Cô đã chụp ảnh những cuộc biểu tình phổ biến trên mạng xã hội. Cô bị bắt vào ngày 31/7/2011 và bị đưa ra xét xử vào tháng 1/2013. Cô bị kết tội “hoạt động lật đổ chính quyền” và bị tuyên phạt 8 năm tù giam và 5 năm quản chế.

Luật sư lê Công Định là một luật sư đã tham gia bào chữa nhiều vụ án chính trị nhắm vào những nhà bất đồng chính kiến như luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân, và blogger Điều Cày Nguyễn Văn Hải. Ông cũng là người bày tỏ quan điểm ủng hộ dân chủ, đa đảng, đa nguyên. Ông bị bắt vào năm 2009 và bị kết tội “hoạt động nằm lật đổ chính quyền, bị kết án tù 5 năm và 3 năm quảng chế. Trước sức ép của quốc tế, ông được trả tự do vào ngày 6/2/2013, trước thời hạn.

Giải Nhân quyền Việt Nam được trao hàng năm cho các các nhân và tổ chức trong nước đã có những đóng góp xuất sắc và có nhiều ảnh hưởng đến phong trào nhân quyền, tự do và dân chủ ở Việt Nam.

Buổi lễ trao giải năm nay sẽ được tổ chức tại Trụ sở Thượng viện Canada vào ngày 7/12 nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Nhân quyền lần thứ 71.

RFA (22.11.2019)

Theo dõi Nhân quyền Quốc tế: EU cần lên tiếng sau vụ bắt nhà báo Phạm Chí Dũng

Hình minh họa. Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng trong một lần tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc ở Sài Gòn

Hình minh họa. Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng trong một lần tham gia biểu tình phản đối Trung cộng ở Sài Gòn  Courtesy of RFI

Tổ chức theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) hôm 21/11 lên tiếng kêu gọi EU và Hoa Kỳ phải có tiếng nói sau khi chính quyền Việt Nam bắt và khởi tố Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng vào cùng ngày.

Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng bị Công an thành phố Hồ Chí Minh bắt giam với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, v ật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 117 – Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á của HRW trong tuyên bố của mình viết rằng: “Bây giờ là lúc mà chiến dịch của Hà Nội cho một hiệp ước thương mại với EU đã có kết quả trực tiếp là những vi phạm chống lại những người bất đồng chính kiến. EU cần phải lên tiếng về trường  hợp nhà báo tự do Phạm Chí  Dũng, người chỉ kêu gọi Châu Âu phải đòi hỏi có những cải thiện thực sự về tình hình nhân quyền trước khi phê chuẩn Hiệp định Thương Mại Việt Nam EU.”

“Với việc bắt giữ ông Phạm Chí Dũng, Việt Nam đang cho thấy mình không chấp nhận bất cứ tiếng nói trái ngược nào và quyết tâm đàn áp những nỗ lực đòi hỏi nền báo chí độc lập cho quốc gia”.

HRW kêu gọi EU, Hoa Kỳ và những quốc gia khác cần phải lên tiếng yêu cầu Hà Nội bỏ mọi cáo buộc và trả tự do ngay lập tức cho nhà báo Phạm Chí Dũng.

RFA (22.11.2019)

HRW chỉ trích việc bắt giữ nhà báo Phạm Chí Dũng

media

Nhà báo Phạm Chí Dũng và tờ triệu tập của công an. Ảnh chụp ngày 03/03/2015RFI/Capdevielle

Hôm nay 22/11/2019, ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách châu Á của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch tuyên bố việc bắt giữ nhà báo tự do Phạm Chí Dũng chứng tỏ Việt Nam « trấn áp không dung thứ tất cả những tiếng nói đối lập ».

Hôm qua 21/11 báo chí nhà nước Việt Nam đồng loạt đưa tin một nhà báo ở Sài Gòn đã bị bắt giam vì các hoạt động « chống Nhà nước ». Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, 53 tuổi, cựu sĩ quan quân đội, cựu cán bộ Ban An ninh Nội chính Thành ủy, bị khởi tố vì cáo buộc « làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Việt Nam » theo Điều 117 Luật Hình sự sửa đổi.

Theo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, việc ông Phạm Chí Dũng lập ra Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam là « trái với pháp luật », không đăng ký tên miền của trang « Việt Nam Thời Báo » có các bài viết « chống Đảng, Nhà nước ».

Ông Nguyễn Tường Thụy, phó chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập cho biết trang web « Việt Nam Thời Báo » đã tạm thời mất quyền kiểm soát, nhưng sẽ được khôi phục trong thời gian ngắn.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đã viết rất nhiều bài báo phê phán chính quyền, cũng như trả lời phỏng vấn các đài nước ngoài, trong đó có đài RFI. Thời gian gần đây nhiều blogger, fabooker ở Việt Nam đã bị bắt và tuyên những bản án nặng nề vì chỉ trích Nhà nước.

Được biết Điều 117 Luật Hình sự năm 2015 quy định ba khung hình phạt chính, từ 1 đến 20 năm tù. So với Điều 88 Luật Hình sự năm 1999, điều 117 được mở rộng hơn, với ba khung hình phạt chính. Khung 1 (nghiêm trọng và rất nghiêm trọng) có mức án từ 5 đến 12 năm, khung 2 (đặc biệt nghiêm trọng) từ 10 đến 20 năm, còn khung 3 (chuẩn bị phạm tội) từ 1 đến 5 năm tù.

RFI (22.11.2019)

HRW kêu gọi VN trả tự do cho nhà hoạt động Phạm Văn Điệp

Nhà đấu tranh vì nhân quyền Phạm Văn Điệp

Nhà đấu tranh vì nhân quyền Phạm Văn Điệp

Tổ chức Human Rights Watch (HRW) hôm 20/11 kêu gọi chính quyền Việt Nam hãy hủy mọi cáo buộc chống lại nhà đấu tranh Phạm Văn Điệp và trả tự do cho ông ngay lập tức. Lời kêu gọi này được đưa ra 5 ngày trước khi ông Điệp ra trước tòa án tỉnh Thanh Hóa ngày 26/11, để bị xét xử về hành vi “đăng tải, phát tán thông tin trên Facebook, vi phạm điều 117 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam”.

Thông cáo của HRW miêu tả ông Phạm Văn Điệp, 51 tuổi, là một người có bề dầy đấu tranh cho nhân quyền, ông là tiếng nói chỉ trích chính quyền về những vụ vi phạm quyền làm người qua trung gian các trang blog và Facebook của ông. Ông nhiều lần cố dùng hệ thống pháp luật của Việt Nam để thách thức những hành vi của chính quyền, nhưng cuối cùng phải chấp nhận rằng làm như thế chỉ vô vọng.


Xuất thân từ Thanh Hóa, Phạm Văn Điệp sang Nga du học từ năm 1992 và ở đó cho tới tháng 6/2016. Từ năm 2002, ông bắt đầu viết và chia sẻ trên mạng những bài bình luận có ý chỉ trích chính quyền Việt Nam. Năm 2006, ông tham gia Đảng Dân Chủ do nhà bất đồng chính kiến Hoàng Minh Chính thành lập.

Lần trở về Việt Nam năm 2011, ông tham gia hai cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Năm 2012, ông viết thư ngỏ gửi Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ trích điều 4 Hiến pháp, điều khoản quy định Đảng Cộng sản Việt Nam ‘là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội’.

Ông Điệp gặp rất nhiều rắc rối trong những lần về thăm gia đình. Bị cấm nhập cảnh, ông trở về Nga nộp đơn khiếu nại tại đại sứ quán Việt Nam, đồng thời nộp đơn khiếu nại hành chính từ xa lên một tòa án ở Hà nội. Cả hai đơn khiếu nại của ông không được phản hồi.

Đơn ông viết có đoạn: “Tôi là công dân yêu nước Việt Nam đã tham gia biểu tình chống các hành vi của Trung Quốc xâm lược, phá hại và bắn giết người dân và binh lính Việt Nam …”

Năm 2016, ông bị cấm nhập cảnh, thử nhập cảnh từ Lào, ông bị tịch thu hộ chiếu. Biểu tình phản đối Đảng Cộng sản Việt Nam tại Vientianne, ông bị bỏ tù gần hai năm. Ra tù vào cuối năm 2018, ông về Việt Nam tiếp tục tranh đấu, chia sẻ tin tức về các vấn đề chính trị xã hội. Ông chỉ trích luật an ninh mạng, kêu gọi bỏ hệ thống đảng cử dân bầu để chuyển hướng tới một hệ thống bầu cử tự do.

Tháng 5 năm nay, ông Điệp bị cấm xuất cảnh sang Nga, và bị bắt vào tháng 6 năm 2019.


Giám đốc vận động Châu Á của HRW, John Sifton, nói: “Tất cả những gì ông Phạm Văn Điệp làm trong 17 năm qua là bày tỏ ý kiến về các vấn đề chính trị xã hội quan trọng, và phản đối việc ông bị trả đũa vì đã dám lên tiếng”.

Ông Sifton nói Việt Nam “không có lý do chính đáng để đối xử với ông như một kẻ tội phạm.”

Tổ chức Human Rights Watch nói nhà cầm quyền Việt Nam nên bỏ tất cả mọi cáo buộc, và trả tự do ngay lập tức cho ông Phạm Văn Điệp.

VOA (22.11.2019)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen