Seite auswählen
Ông Jan Zahradil gặp Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hà Nội, ngày 5/12/2017. Ảnh: ven.vn.

Ông Jan Zahradil gặp Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hà Nội, ngày 5/12/2017. Ảnh: ven.vn.

Ông Jan Zahradil, nghị viên người Cộng hòa Séc của Quốc hội Liên minh Châu Âu (EU), nắm vai trò là Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của cơ quan này, đồng thời là báo cáo viên của Quốc hội EU về EVFTA lẫn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) của EU với Việt Nam.

Tờ EU Observer, một trong những báo điện tử ở Bỉ đưa tin về EU, phát hiện ông Jan Zahradil được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Liên hiệp Hội người Việt Nam ở Châu Âu năm 2016, dựa trên hồ sơ công khai của tổ chức này tại CH Séc.

Tổ chức Liên hiệp hội này có mối quan hệ chặt chẽ với đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền Việt Nam.

Chủ tịch của tổ chức này, ông Hoàng Đình Thắng, hiện đang là Ủy viên Đoàn Chủ tịch của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một tổ chức chính trị do đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp lãnh đạo.

Năm 2015, Mặt trận Tổ quốc ra chỉ thị yêu cầu đảng viên thúc đẩy các lợi ích của Việt Nam ở nước ngoài. Một năm sau thì Liên hiệp hội ra đời và ông Jan Zahradil được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn.

Tháng 10/2019 vừa qua, ông Hoàng Đình Thắng được Chủ tịch nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho đóng góp của ông tại Hội Người Việt Nam ở Séc, một tổ chức thành viên của Liên hiệp hội. Hiện ông vẫn là chủ tịch danh dự của hội này. Đích thân Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam Trần Quốc Vượng trao huân chương này cho ông Thắng tại Praha, thủ đô của CH Séc.

Ông Hoàng Đình Thắng (trái) được Ủy viên Bộ Chính trị Trần Quốc Vượng trao  Huân chương Lao động hạng Nhì, tháng 10/2019. Ảnh: mattran.org.vn.
Ông Hoàng Đình Thắng (trái) được Ủy viên Bộ Chính trị Trần Quốc Vượng trao Huân chương Lao động hạng Nhì, tháng 10/2019. Ảnh: mattran.org.vn.

Một lãnh đạo cấp cao khác của Liên hiệp hội này là Lê Hồng Quang, cựu đại sứ Việt Nam tại Slovakia, người được cho là có dính líu tới vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh năm 2017, tờ EU Observer cho hay.

Nghị viên Jan Zahradil cho biết, “tôi không có công việc được trả thù lao nào ở [tổ chức] đó, như tôi đã nói trước đây, đó là một vị trí danh dự và không hoạt động gì nhiều cho lắm”.

Tuy vậy, trong một phát biểu công khai, ông Hoàng Đình Thắng cho biết, với sự ủng hộ của nghị viên Jan Zahradil, Liên hiệp hội Người Việt ở Châu Âu dự kiến sẽ được tổ chức đại hội lần thứ hai của họ trong trụ sở Quốc hội Châu Âu vào năm 2020.

Theo quy định của Quốc hội EU, để phòng tránh xung đột lợi ích, các nghị viên phải khai báo bất kỳ công việc nào dù là được trả thù lao hay không. Trong khi đó, ông Jan Zahradil chưa khai báo vị trí của ông trong tổ chức Liên hiệp hội và nói rằng ông không phải khai báo. Ông xác nhận ông vẫn giữ vị trí trong Liên hiệp hội nhưng nói rằng “mọi thứ lâu nay không hoạt động gì nhiều cho lắm”.

Mối quan hệ giữa ông Jan Zahradil với chính quyền Việt Nam không dừng lại ở Liên hiệp hội. Ông còn là Chủ tịch Nhóm Hữu nghị EU – Việt Nam, một tổ chức không chính thức được ra mắt cách đây bốn năm tại Đại sứ quán Việt Nam ở Brussels (Bỉ).

Trong một bản tin vào tháng 9/2019, tờ Quân đội Nhân dân cho hay ông Zahradil đã phát biểu rằng ông hy vọng Nhóm Hữu nghị EU – Việt Nam sẽ tiếp tục giữ một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy EVTFA.

Trả lời tờ EU Observer, ông Zahradil cho biết nhóm hữu nghị này “chỉ là một nhóm không chính thức của một số nghị viên châu Âu quan tâm tới các vấn đề Việt Nam”.

Khi được hỏi về mối quan hệ của ông với đảng Cộng sản Việt Nam, ông Zahradil cho hay “mọi thứ và mọi người bạn đụng tới đều liên quan tới đảng Cộng sản Việt Nam theo một cách nào đó, bạn không thể tránh được, y như Trung Quốc thôi”.

Hiện Việt Nam và EU đã ký kết EVFTA nhưng hiệp định này vẫn chưa được Quốc hội EU thông qua. Dự kiến các nghị viên sẽ bỏ phiếu vào tháng Hai tới để quyết định vấn đề này.

Luật Khoa

Có tới 300 tù nhân chính trị tại Việt Nam

Hiếu Bá Linh, biên dịch

10-12-2019

Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng. Photo Courtesy

Ngày 09/12/2019 báo EU Observer, một tờ báo chuyên về châu Âu, đã đăng tải một bài báo với tựa đề “Zahradil ‘xung đột lợi ích’ đối với Hiệp định Thương mại EU-Việt Nam“, tố cáo ông Jan Zahradil, một nghị sĩ của Nghị viện châu Âu, người dẫn đầu các cuộc đàm phán về hiệp định Thương mại tự do EU với Việt Nam (hiệp định EVFTA).

Bài báo cho biết, bất chấp các quy tắc của Nghị viện châu Âu, ông Jan Zahradil đã không thông báo với Nghị viện châu Âu về vai trò của mình trong các tổ chức gắn liền với một chế độ đàn áp, nhà nước cộng sản tại Hà Nội. Đó là vai trò Chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Liên hiệp Hội người Việt ở châu Âu và Chủ tịch của Nhóm nghị sĩ châu Âu hữu nghị với Việt Nam, mà chúng tôi đã đăng tải phần đầu tại đây: Đảng Xanh yêu cầu hoãn việc phê chuẩn hiệp định EVFTA và bãi nhiệm UV Báo cáo Zahradil.

Sau đây là bản dịch phần cuối bài báo trên, nói về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam đối với hiệp định EVFTA, đặc biệt là trường hợp nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng mới bị bắt giam.

***

Việt Nam là một quốc gia – có luật hình sự xem việc chỉ trích nhà nước là một tội danh. Những tội danh như vậy đã dẫn đến nhiều tù nhân chính trị và gần đây nhất là vụ bắt giam nhà báo Phạm Chí Dũng, là người đã lên tiếng phản đối Hiệp định EVFTA vì vấn đề nhân quyền.

Các nhà phê bình như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), một tổ chức phi chính phủ, đã chỉ trích cách tiếp cận không có lợi của Hiệp định EVFTA để chống việc lạm dụng luật pháp ở Việt Nam.

Ngay cả các điều khoản về giám sát việc thực thi hiệp định EVFTA cũng không được soạn thảo một cách nghiêm túc. Trong số đó có những điều khoản được thiết kế để thành lập ra các Nhóm Cố vấn trong nước (DAG), gồm các tổ chức xã hội dân sự độc lập.

Các nhóm giám sát này được cho là cần thiết để bảo đảm rằng, Đảng Cộng sản sẽ tuân thủ hiệp định. Nhưng Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết, điều đó không có ý nghĩa gì vì các tổ chức xã hội dân sự độc lập không được phép hoạt động công khai ở Việt Nam.

Theo ước tính, có khoảng từ 150 đến 300 tù nhân chính trị và những người dân bình thường, mà họ vào tù – đúng theo theo nghĩa đen – chỉ vì một bài viết trên Facebook. Làm thế nào chúng ta mong đợi họ đến và nhận vai trò giám sát này và thực hiện nó một cách tự do và độc lập“, ông Claudio Francavilla của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đặt câu hỏi.

Một bức thư ký tên chung được gửi bởi các tổ chức phi chính phủ hồi đầu tháng 11, yêu cầu các nghị sĩ hoãn lại việc phê chuẩn hiệp định EVFTA cho đến khi Việt Nam đáp ứng một loạt các tiêu chuẩn nhân quyền.

Bức thư lưu ý rằng, hiệp định EVFTA không định ra mốc thời gian và biện pháp trừng phạt ràng buộc nào trong trường hợp Việt Nam không phê chuẩn một số công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế mà đáng lẽ họ nên thực hiện từ nhiều năm qua.

Và trong số những người ký tên vào bức thư đó có ông Phạm Chí Dũng, đồng sáng lập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Ông Dũng là người hiện đang ngồi sau song sắt vì đã lên tiếng chống lại hiệp định này.

Yêu cầu bình luận về vụ bắt giữ Phạm Chí Dũng, đại sứ Việt Nam tại EU Vũ Anh Quang nói với báo EU Observer rằng, ông ta đã gửi một bản tin cho các nghị sĩ của Nghị viện châu Âu giải thích về lao động và nhân quyền ở Việt Nam.

Tất nhiên trong bản tin đầu tiên, chúng tôi đã đề cập đến quyền con người và quyền lao động chỉ có một trang, và trong các bản tin tiếp theo sẽ có nhiều thông tin chi tiết hơn“, ông nói.

Bản tin gồm bốn trang, mà trang EU Observer được đọc, khẳng định, Việt Nam đã đạt được những thành tựu và tiến bộ đáng kể về nhân quyền, nhưng không đề cập gì đến Phạm Chí Dũng hay tù nhân chính trị nào.

Zahradil nói rằng, việc phóng thích tù chính trị và nhà báo của Việt Nam sẽ được coi là “cử chỉ thiện chí” trước khi hiệp định EVFTA được phê chuẩn.

Theo kế hoạch, dự kiến vào tháng Hai năm tới (2020) Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu quyết định về hiệp định EVFTA, hiệp định này nhằm xóa bỏ thuế quan.

EU trong nhiều năm là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai cho các sản phẩm Việt Nam và là đối tác thương mại song phương quan trọng thứ tư của Việt Nam sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ.

Nguồn: https://euobserver.com/institutional/146829

Tiếng Dân

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen