Seite auswählen

Trần Trung Đạo

25-12-2019

Khá nhiều người Việt yêu dân chủ và cũng vì quá tha thiết với dân chủ nên tôn sùng Mikhail Gorbachev như là một nhà dân chủ vĩ đại, vị cứu tinh của nhân loại.

Gorbachev là một nhà chính trị khôn ngoan và có ít nhiều tính cơ hội trong người, nhờ đó ông ta đã được Andropov, cựu Tổng Giám Đốc KGB, Tổng Bí Thư CS Liên Sô sắt máu và người đàn áp cuộc nổi dậy của Hungary 1956, tin tưởng và trao quyền trên giường bịnh.

Gorbachev đứng giữa hai ngọn sóng lớn, một bên bảo thủ và một bên cải cách. Ông chọn hướng cải cách. Đó là một trong những điểm son của ông.

Chọn lựa của Gorbachev đương nhiên đóng góp rất lớn vào tiến trình dẫn tới sự tan rã của Liên Sô nhưng ông chưa bao giờ là nhà cách mạng dân chủ. Bản thân ông ta cũng không nghĩ mình là một nhà dân chủ theo quan điểm tam quyền lập pháp.

Trong cuộc bầu cử 542 đại biểu của Soviet Tối Cao vào tháng 3, 1989, để bảo vệ đảng, Gorbachev dành riêng một phần ba đại biểu cho đảng CS Liên Sô và các cơ quan trực thuộc đảng CS. Kết quả đảng CS chiếm 84 phần trăm số đại diểu được bầu. Gorbachev tái đắc cử Chủ tịch Soviet Tối Cao.

Nói tóm lại, Gorbachev đã làm tất cả những gì có thể làm được trong tình huống của thời điểm 1990 để cứu Liên Sô, để bảo vệ đảng CS Liên Sô, giữ sự thống nhất của 15 nước “cộng hòa xã hội chủ nghĩa” kể cả việc dùng xe tăng để đàn áp các dân tộc nhỏ vùng Baltics và để tiếp tục vai trò lãnh đạo đảng và nhà nước CS Liên Sô.

Giống Putin sau này, chủ nghĩa dân tộc chế ngự trong tư tưởng Gorbachev. Do đó không ngạc nhiên khi Gorbachev ủng hộ các chính sách bành trướng và độc tài của Putin khi tuyên bố “Nước Nga cần một Sa Hoàng, chỉ vì tôi không thể làm được thôi.”

Mặc dù khá thân thiện với các tổng thống Mỹ, Gorbachev chống Mỹ và mong Nga trở thành một nước mạnh dù phải chấp nhận các biện pháp độc tài kiểu Putin.

Quan hệ giữa Putin và Gorbachev trải qua nhiều cay đắng nhưng khi được hỏi liệu ông có đặt niềm tin ở Putin để lãnh đạo Nga, Gorbachev trả lời dứt khoát “tin tưởng Putin”.

Gorbachev ở đâu trong giai đoạn biến loạn 19 tháng 8, 1991 khi phe CS bảo thủ cướp chính quyền?

Giữa lúc đất nước đang trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng, Gorbachev dắt vợ con đi nghỉ hè ở Crimea bên bờ Hắc Hải.

Hình ảnh Boris Yeltsin đứng trên xe tăng buổi sáng ngày 19 tháng 8 và tuyên bố chống phe CS bảo thủ trở thành biểu tượng cho tinh thần bất khuất không bao giờ mờ đi trong lịch sử Nga.

Yeltsin kết án phe CS bảo thủ “vi phạm hiến pháp”, “phản động”, kêu gọi tổng đình công và yêu cầu quân đội không tham gia phe CS bảo thủ. Cuộc phản loạn bị dập tắt không đổ máu.

Sau này, khi trả lời phỏng vấn của nhà báo Jonathan Steele ở Moscow, Gorbachev thừa nhận việc rời Moscow trong giai đoạn vô cùng cần thiết đó là một trong những điều sai lầm.

Những ai đã lãnh đạo cách mạng dân chủ Nga?

Những người dứt khoát với quá khứ CS đã làm nên lịch sử.

Họ là Viện Sĩ Sakharov , cựu ủy viên Bộ Chính Trị Boris Yeltsin, sử gia Yuri Afanasyev, Thị trưởng Moscow Gavril Popov, học giả Viktor Palm. Nhóm năm người này lãnh đạo phong trào dân chủ Nga trong thời điểm nguy kịch 1990 là đầu tàu cách mạng.

Người viết đã trình bày trong bài “Người Khách Trên Chuyến Tàu Điện Gorky-Moscow” trong Facebook Page Chính Luận xin chép lại dưới đây.

Năm người làm nên đầu tàu có quá khứ, nghề nghiệp, tham vọng và cá tính khác nhau. Chẳng hạn Yuri Afanasyev là nhà nghiên cứu sử, Boris Yeltsin là cựu đảng viên CS cao cấp, Viktor Palm là học giả người Estonia và Sakharov là nhà vật lý nguyên tử. Họ lãnh đạo khối chống CS còn khá ô hợp trong Đại hội Đại biểu Nhân dân Nga vừa được bầu.

Mục tiêu duy nhất của nhóm năm người này là giới hạn độc quyền lãnh đạo đất nước của đảng CS Liên Sô cụ thể là xóa bỏ điều sáu hiến pháp, tương tự như điều bốn trong hiến pháp CSVN. Sau đó nhóm lãnh đạo cánh đối lập với đảng CS có thể lập đảng chính trị riêng và thậm chí chống nhau nhưng trong thời điểm 1988, họ rất đoàn kết.

Tiếc thay bịnh tim đã cướp đi của phong trào dân chủ Nga một lãnh tụ tài đức vẹn toàn. Nhà vật lý nguyên tử và nhà tranh đấu cho quyền làm người Andrei D. Sakharov qua đời tối ngày 14 tháng 12, 1989 thọ 68 tuổi.

Với xu hướng các nhà dân chủ trở thành lãnh đạo các quốc gia cựu CS như tại Tiệp, Ba Lan, các nước Baltics, các nhà phân tích tin rằng, còn sống ba năm nữa, Andrei D. Sakharov với tư tưởng dân chủ, tự do, nhân bản, sẽ trở thành tổng thống của Cộng Hòa Nga và nếu vậy khuôn mặt chính trị thế giới sẽ khác hơn nay nhiều.

Ngoài ra, nền dân chủ Nga còn được viết bằng máu của nhiều chục triệu người vô tội đã đổ xuống để chiều 25 tháng 12 tràn ly cách mạng dân chủ. Không có sức bật, sức đẩy của họ đã không có chuyện Gorbachev từ chức.

Do đó, nếu cần phải ca ngợi hay tôn sùng, hãy dành một phút mặc niệm những người đã chết vì lý tưởng tự do, chết trong oan ức, chết trong tù đày từ 1917 đến 1991 tại Liên Sô.

Cách mạng dân chủ Nga Liên Sô để lại một bài học cho những người đang tranh đấu vì tự do dân chủ cho Việt Nam rằng chỉ có dứt khoát với quá khứ CS, đoàn kết và kiên quyết bám lấy những mục tiêu rõ ràng và cụ thể mới thắng được bộ máy cai trị CS. Việc mong đợi đảng CS tự thay đổi chẳng những làm nhụt ý chí đấu tranh, chứng tỏ sự yếu kém của mình mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến các phong trào dân chủ Việt Nam đang cố gắng vươn lên.

Tiếng Dân

Andrei Sakharov là nhà dân chủ

Trần Trung Đạo

28-12-2019

Tiếng Dân

 

Sakharov. Ảnh: internet

Tôi có ý định dù không viết ra là nếu có độc giả nào nghĩ nhà vật lý nguyên tử Andrei Sakharov là nhà dân chủ trong bài viết “GORBACHEV, YELTSIN, SAKHAROV AI LÀ NHÀ DÂN CHỦ?” tôi sẽ gởi tặng một món quà vui cuối năm để kỷ niệm.

Trước đây trên FB này tôi cũng có lần làm như vậy khi mời đoán nội dung một bức ảnh khó hiểu chụp ở Bhutan.

Rất tiếc vì ngày lễ nên không nhiều anh chị em đọc bài. Những anh chị em đọc một phần không hiểu ý bài viết và phần khác có lẽ không biết nhiều về Andrei Sakharov.

Mặc dù cuộc đời Sakharov là một thiên hùng ca bất khuất, hành trình của ông dường như còn khá xa lạ với người Việt Nam.

Người viết mong các bạn trẻ, nếu có thời gian nên đọc thêm về Sakharov. Ông có tất cả danh vọng và đặc quyền trong xã hội CS nhưng chấp nhận tù đày chỉ vì mục đích dân chủ và nhân quyền.

Sau khi được trao trả tự do, Sakharov cũng không bị cám dỗ bởi quyền lực hay vinh hoa phú quý. Ông tiếp tục đấu tranh vì nền tự do dân chủ Nga cho đến khi qua đời ngày 14 tháng 12, 1989.

Sakharov đại diện cho nhiều chục triệu người trong khối Liên Sô đã chết oan ức suốt 74 năm dưới chế độ CS. Sách viết về Sakharov khá nhiều. Anh chị em có thể đọc miễn phí từ các thư viện online chưa kể rất nhiều biên khảo giá trị đã phổ biến trên internet.

Trong lúc không có giải thưởng nhân quyền nào mang tên Gorbachev hay Yeltsin, giải thưởng quốc tế về tự do tư tưởng mang tên Sakharov (The Sakharov Prize for Freedom of Thought) được Quốc hội Châu Âu tổ chức hàng năm từ 1988.

Những người được trao giải có Nelson Mandela, Aung San Suu Kyi, Malala Yousafzai và nhiều vị khác.

Giải Sakharov năm nay, 2019, được trao cho Ilham Tohti, nhà kinh tế học đấu tranh cho quyền lợi của của dân tộc Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) tại Trung Quốc và bị Tập Cận Bình kết án tù chung thân.

Khi viết bài “Gorbachev, Yeltsin, Sakharov Ai Là Nhà Dân Chủ?” người viết còn muốn nhấn mạnh đến hai điểm mà Sakharov có: (1) dứt khoát với chế độ CS và (2) sức mạnh của một dân tộc phát xuất từ nội lực của dân tộc đó. Hai điểm đó cần thiết cho cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ Việt Nam trong bối cảnh phức tạp của bang giao quốc tế ngày nay.

 

Nhà kinh tế Ilham Tohti được trao giải Sakharov 2019.

 

Malala Yousanhfzai nhận giải Sakhanov.

 

Con gái của nhà kinh tế học Uyghur Scholar Ilham Tohti thay mặt cha nhận giải Sakharov. Ảnh: internet

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen