Seite auswählen

Mục lục

(Kỳ 1)

Hồng Hà

Tiếng Dân

21-12-2019

Tô Huy Rứa sinh ngày 4/6/1947 tại làng Đồn Điền, tổng Thủ Hộ, huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia, nội trấn Thanh Hoá; nay là xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá trong một gia đình dân chài ven biển. Làng Đồn Điền, nơi “chôn nhau, cắt rốn” của Tô Huy Rứa thuở xưa vô cùng nghèo khổ, còn có tên là “làng ăn mày”.

Giai thoại cho rằng, ông tổ của làng Đồn Điền là một ông lão ăn mày. Nơi đây có ngôi đền thờ ông tổ cái bang, thờ một cây gậy và một cái bị, cũng như lưu truyền những tập tục về xin ăn. Hàng năm, ba ngày Tết cả làng có lệ bỏ đi ăn xin, bất kể già trẻ, nam nữ và những người quyền cao, chức trọng… Sau Tết mới về, khi trở về, những gì xin được phải mang ra đền làm lễ tế.

Chuyện xưa thực hư không rõ, nhưng điều này thì có thật: Những năm 1980, mưa bão triền miên, mất mùa thất bát. Để có thể sống sót, rất nhiều người dân làng Đồn Điền bỏ quê đi tứ xứ hành khất, xin ăn. Phong trào tha phương cầu thực cũng bắt đầu từ đó. Những năm 1982-1983, Quảng Thái có hàng trăm người bỏ xứ đi tha phương cầu thực. Nhiều gia đình, vợ chồng con cái đều dắt díu nhau đi ăn xin. Đặc biệt, những năm sau đó, tình trạng trẻ em đang trong độ tuổi đi học bỏ học đi lang thang khắp nơi.

Thống kê những năm 1993-1994, cả xã có hơn 700 em nhỏ đi lang thang, có gia đình 3-4 trẻ đi lang thang đánh giày, bán báo, ăn xin… Một tư liệu cho biết: “Trong số hơn 400 hộ dân ở Quảng Thái, có 249 hộ có người ăn xin chuyên nghiệp. Năm 1995 có 571 lượt, năm 1998 có 167 lượt người đi ăn xin“. Các nhà nghiên cứu gọi chuyện dân Quảng Thái đi ăn xin là “hiện tượng Quảng Thái”.

Năm 2012, khi Tô Huy Rứa tái cử Bộ Chính trị khoá XI, yên vị trên chiếc ghế Trưởng Ban tổ chức Trung ương, vinh quang và cực kỳ quyền lực. Lúc này tiền của bắt đầu đổ về nhà Tô Huy Rứa không đếm xuể, mệnh phụ phu nhân Trương Tuyết Nhung về quê chồng ở Đồn Điền tạ ơn, công đức kinh phí trùng tu tôn tạo đền thờ Thành hoàng của làng trở nên hoành tráng.

 

 

Đền thờ Thành hoàng làng Đồn Điền, quê hương Tô Huy Rứa. Ảnh: báo Dân Trí

***

Nhà quá nghèo, học hành không đến nơi đến chốn, năm 1965, Tô Huy Rứa tình nguyện vào lực lượng TNXP. Ngày 6/2/1967, Rứa được kết nạp vào ĐCS và mấy năm sau, nhờ có tài ăn nói, hoạt ngôn, khéo tuyên truyền, cấp trên gởi Rứa theo học tập ở trường Tuyên huấn Trung ương (sau nâng lên Đại học Tuyên giáo, Phân viện Báo chí và tuyên truyền, nay là Học viện Báo chí và tuyên truyền thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).

Từ đây, Rứa xin ở lại trường, lần lượt làm trợ giảng, giảng viên… rồi không biết bằng cách nào, lại kiếm được tấm bằng cử nhân Toán tại ĐHTH Hà Nội. Học toán học, nhưng năm 1982 Rứa lại đi Nga để hoàn thành tiến sĩ… Triết học.

Cuối năm 1993, tại hội nghị Trung ương 6 khoá VII, Lê Khả Phiêu được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị cùng với Nguyễn Mạnh Cầm, Nguyễn Hà Phan.

Năm 1995, trước thềm đại hội VIII, các phe quyết đấu để tranh giành quyền lực. Nguyễn Hà Phan, đương kim Thường trực Ban Bí thư, là người được Nguyễn Văn Linh ủng hộ để ngồi vào ghế thủ tướng khoá sau, bất ngờ bị tố cáo, quy chụp chính trị.

Tháng 4/1996, hội nghị Trung ương 10, khoá VII đã khai trừ Nguyễn Hà Phan ra khỏi đảng, chấm dứt sự nghiệp chính trị. Lê Khả Phiêu thay Nguyễn Hà Phan ngồi ghế Thường trực Ban Bí thư, quyền lực nghiêng Trời. Nhờ vậy, tại đại hội VIII tháng 12/1996, Lê Khả Phiêu đã đưa được một loạt các đàn em đồng hương Thanh Hoá ngồi vào ghế Uỷ viên Trung ương, trong đó có Tô Huy Rứa và Phạm Quang Nghị. Nếu như Phạm Quang Nghị trúng cử Bộ Chính trị tại đại hội X năm 2006, thì Tô Huy Rứa phải đợi đến hội nghị trung ương 8 khoá X tháng 1/2009 mới được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị.

Cuối năm 2009 đến đầu năm 2010, một sự việc gây chấn động dư luận cả nước, đó là vụ Nguyễn Trường Tô chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, hiệu trưởng và đồng bọn “cưỡng dâm, mua dâm học sinh trung học”.

Ngày đó Tiến sĩ – Luật sư Trần Đình Triển là người bào chữa hai nữ sinh bị xét xử tội “môi giới mại dâm” đã gởi đơn kiến nghị đến các cơ quan trung ương, đơn cho rằng, vụ án có dấu hiệu oan sai và bỏ lọt tội phạm: 15 cháu gái từ 13 – 17 tuổi bị gạ gẫm, ép buộc tình dục trong vụ án này đều là nạn nhân, tính chất gần tương đồng nhau, đều bị cưỡng ép, dụ dỗ, khống chế, đe dọa… buộc phải quan hệ tình dục hoặc lôi kéo người khác phục vụ cho nhóm người của Sầm Đức Xương. Nếu gọi cho đúng tội danh thì phải là “cưỡng dâm” hoặc “hiếp dâm trẻ vị thành niên”.

Luật sư Trần Đình Triển gửi kèm văn bản kiến nghị khẩn cấp, đơn kêu cứu của hai bị cáo Hằng và Thúy, trong đó ghi rõ tên, số điện thoại và chức vụ của một số cán bộ cấp tỉnh, huyện, doanh nhân tại Hà Giang đã từng quan hệ tình dục với các cháu.

“Danh sách đen” khách mua dâm của Thuý và Hằng gồm 17 cán bộ Hà Giang. Trong đó có một số tên:

  1. Nguyễn Trường Tô – Thường vụ tỉnh uỷ, Phó Bí thư – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang – ĐT: 0913271133
  2. Hùng – Giám đốc Ngân hàng Chính sách tỉnh – ĐT: 0913271307
  3. Nguyễn Hoàng Tiến – sĩ quan Công an tỉnh (em ruột Nguyễn Binh Vận, Giám đốc CA Hà Giang) – ĐT: 0912061622
  4. Định – Phó Chủ tịch huyện Vị Xuyên
  5. Thành – Giám đốc Doanh nghiệp – ĐT: 0912144888
  6. Dũng – GĐ Bưu điện tỉnh.
  7. Sầm Đức Xương – Hiệu trưởng trường PTTH Việt Lâm.
  8. Đinh Xuân Hùng – Giám đốc Ngân hàng Chính sách tỉnh Hà Giang
  9. Bích – Trưởng phòng Tổ chức Công an tỉnh.
  10. Hướng – Cán bộ Hải quan cửa khẩu Thanh Thủy.
  11. Minh – Cán bộ Công an tỉnh Hà Giang.
  12. Hoà – GĐ sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.

 

 

Đơn kiến nghị & thư của Ls Trần Đình Triển. Ảnh: Tác giả gửi tới TD

Dư luận xã hội Việt Nam ngày đó “sốc toàn tập”. Bộ mặt nhà nước pháp quyền đã bị “giáng một đòn chí mạng” bằng sự tha hoá đạo đức và suy đồi về nhân cách của những cán bộ đảng viên có trọng trách, chức vụ, cũng như một số trọc phú doanh nhân ở Hà Giang trong vụ án này.

Thậm chí, khi đứng trước nguy cơ bị cách tất cả các chức vụ, trong bản báo cáo đề ngày 27/5/2010 gởi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô khẳng định, Nguyễn Bình Vận, Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang cũng đã quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ…

 

 

Hai cháu Thuý – Hằng và những tên cẩu quan

Dân chúng vô cùng phẫn nộ, đòi hỏi các cơ quan tư pháp phải ra tay trừng trị, cho dù những kẻ phạm tội là ai, ở bất cứ cương vị nào. Những cơ quan, cá nhân vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng nói trên cũng cần phải bị xử lý nghiêm khắc theo pháp luật.

Cái tên Nguyễn Trường Tô và lũ yêu tinh được réo trên trang nhất các tờ báo. Hình ảnh ông quan đầu tỉnh, sa đoạ trần truồng cũng được đăng trên các trang mạng xã hội. Thế nhưng, có một người dùng quyền lực, hòng bao che cho bọn cẩu quan hung bạo, đốn mạt và cuồng dâm này. Ông ta muốn bịt miệng báo chí và dư luận, bằng cách gọi điện thoại ra lệnh cấm các Tổng biên tập đăng các bài báo liên quan các cán bộ mua dâm, cưỡng dâm tại Hà Giang.

Nhờ thế lực ở thượng tầng bảo kê, cho nên dù có đầy đủ bản cung khai trước cơ quan điều tra, của các nạn nhân; cả báo cáo đầy đủ chi tiết, tên tuổi các cá nhân hủ hoá, mang số 23- KSĐT ngày 8/3/2010 của Viện kiểm sát Hà Giang, do đích thân Viện trưởng Ấu Duy Quang ký, gởi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, thế nhưng, điều lạ lùng là những tên phạm tội vẫn an toàn. Chắc chắn với quyền năng của mình, có nhân vật “giấu mặt” góp phần can thiệp cho 17 tên “tai to mặt bự” sa đoạ và trác táng này, thoát vòng tố tụng. Người đó không ai khác, chính là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Tô Huy Rứa.

(Còn nữa)

(Kỳ 2)

Hồng Hà

24-12-2019

 

Như đã nói ở kỳ trước, luật sư Trần Đình Triển là người bào chữa miễn phí cho hai bị cáo Nguyễn Thúy Hằng và Nguyễn Thị Thanh Thúy trong vụ án “Hiệu trưởng mua dâm” có liên quan đến hàng loạt quan chức tại Hà Giang, trong đó có ông Chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô.

 

Đơn kêu cứu của hai em Thuý – Hằng

Phẫn nộ vì cho rằng Tô Huy Rứa can thiệp thô bạo đến các quyền được hiến định của các cơ quan báo chí, ngày 11/7/2010, luật sư Trần Đình Triển đã gởi thư đến đích danh Tô Huy Rứa. Nội dung thư cho biết, Văn phòng Luật sư Vì Dân đã nhận được tin báo, vào ngày 9/7/2010, Tô Huy Rứa với tư cách Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương đã gọi điện thoại mời đại diện Cơ quan chủ quản một số báo chí và Tổng biên tập một số báo tới để yêu cầu không được đăng tải thông tin về vụ việc liên quan đến ông Nguyễn Trường Tô.

Luật sư Triển cho rằng, vụ việc ông Nguyễn Trường Tô không thuộc bí mật quốc gia, do đó báo chí phải được phép đưa tin và yêu cầu ông Tô Huy Rứa phải trả lời và làm rõ sự việc trên. Nếu việc cấm cản báo chí là thật, luật sư sẽ khởi kiện ông Rứa trước các tổ chức của Đảng và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhằm xem xét tư cách Đảng viên, cũng như có hay không việc vi phạm pháp luật của ông Tô Huy Rứa.

 

Thư của LS Trần Đình Triển gởi Tô Huy Rứa

Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử đảng cộng sản, một luật sư “dám” gởi thư chất vấn đương kim Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Trưởng ban Tuyên giáo đầy quyền lực, một người có khuôn mặt lạnh lùng và “bàn tay thép” như Tô Huy Rứa. Còn nữa, LS Triển còn đòi đưa ông ta ra điều trần trước tổ chức đảng. Điên tiết, nhưng Tô Huy Rứa đành chịu, dù trong nhiều cuộc họp sau đó, Tô Huy Rứa thường nhắc đến tên luật sư Triển như một cái gai trong mắt mình.

Tô Huy Rứa có “ớn” LS Trần Đình Triển không? Có. Thật ra, Trần Đình Triển cũng không phải dạng vừa. Ông xuất thân là một sĩ quan của Học viện An ninh, là Tiến sĩ luật, không “hoạt động dân chủ”, không đứng theo phe nhóm chính trị. LS Trần Đình Triển đưa ra tinh thần phụng sự, tôn chỉ hoạt động tư vấn rõ ràng:

– Bảo vệ đảng,

– Bảo vệ pháp luật,

– Bảo vệ nhân dân,

– Bảo vệ công lý và lẽ phải.

Vì thế, không có bất cứ lý do gì để Tô Huy Rứa “đập” được Trần Đình Triển, chưa kể, Rứa sợ có thể có thế lực khác phía sau “cung đình” chống lưng cho Triển, khi mà đại hội XI chỉ còn hơn 5 tháng nữa sẽ khai mạc và tương lai tái cử rồi tiếp tục tiến xa với Rứa, là rất lớn. Tô Huy Rứa không dại gì đâm đầu vào đá, vì vậy như cách các cô hoa hậu, diễn viên mỗi khi tránh thị phi, scandal trong giới showbiz, Rứa chọn cách… im lặng.

Vụ án rúng động đã khép lại. Sầm Đức Xương, kẻ “dắt gái” cho các quan chức hàng đầu Hà Giang, lãnh án 9 năm tù. Nguyễn Trường Tô bị khai trừ khỏi đảng, nghỉ hưu và xây một biệt phủ rộng hàng chục ngàn mét vuông, kinh phí hàng trăm tỷ đồng, ở ngay tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang để “vui thú điền viên”. Số quan chức còn lại không hề bị truy tố hay xử lý kỷ luật. Thế mới biết, công lý có khi chỉ là… diễn viên hài!

Sau vụ bê bối này, vị Bí thư tỉnh uỷ Hà Giang là Hoàng Minh Nhất cũng nghỉ hưu. Người thay Nhất là Triệu Tài Vinh, sinh 1968. Triệu Tài Vinh đã xây dựng “đế chế” cả họ làm quan và đóng dấu sự nghiệp làm quan, với vụ mua bán, gian lận điểm thi trong kỳ thi quốc gia gây phẫn nộ, rung chấn và bàng hoàng chưa từng có, kể từ khi cái tên nước Việt Nam bắt đầu ra đời.

Từ sau đại hội X, nhiệm kỳ 2006-2011 với sự tái đắc cử chức TBT của Nông Đức Mạnh và tân thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận nhiệm vụ, quyền lực bao trùm tất cả, chính thức thuộc về “cặp đôi” này. Vì thế, hàng chục dự án ngàn tỷ làm ăn bệ rạc, tham nhũng tràn lan, một nền kinh tế bê bết… nhưng luôn được che đậy. Thậm chí các đại án như PMU18, Vinashin, Vinalines cũng “xoay chiều”, rơi vào ngõ cụt…

Là Bí thư Trung ương và là Trưởng ban Tuyên giáo, được bổ sung vào Bộ Chính trị từ cuối năm 2009, Tô Huy Rứa hiểu rõ độ chênh của cán cân quyền lực hiện tại, cho nên Rứa đứng về phía Ba Dũng.

Đại hội XI, nhiệm kỳ 2011-2016, Nông Đức Mạnh rời khỏi chính trường ở tuổi 71, người ngồi vào ghế Tổng Bí thư là Nguyễn Phú Trọng, sinh 1944.

Theo các cán bộ cấp cao và giới thạo chính trường, lẽ ra chiếc ghế TBT đã thuộc về Hồ Đức Việt (sinh 1947). Hồ Đức Việt là cháu nội “khai quốc công thần” Hồ Tùng Mậu và là con trai của liệt sĩ Hồ Mỹ Xuyên, phó bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An. Hồ Đức Việt là ứng cử viên nặng ký cho “tứ trụ”, hoặc chức vụ Tổng Bí thư, hoặc là Chủ tịch Quốc hội.

Hồ Đức Việt vốn học giỏi có tiếng, trước khi tham chính, Việt là Tiến sĩ Toán-Lý, giảng dạy và làm Phó chủ nhiệm khoa Toán-Cơ trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.

Trước thềm đại hội XI, các phe bắt đầu vận động tranh thủ phiếu bầu và không quên tấn công quyết liệt, giải quyết “ân oán giang hồ”, hòng triệt tiêu các đối thủ.

Phe Thanh Hoá của Phạm Quang Nghị – Tô Huy Rứa muốn “níu” Hồ Đức Việt lại, cho nên mới có vụ việc chấn động dư luận, lẫn chính trường: Vụ “Tâm linh đàn Xã tắc”.

Xâu chuỗi những thông tin mơ hồ, suy diễn, hàng loạt đơn thư tố cáo vợ chồng Hồ Đức Việt theo đúng kịch bản, bay tới tấp đến các cơ quan đầu não, rằng Hồ Đức Việt mê tín dị đoan, yểm bùa, lập đàn khấn trời đất, gọi “âm binh” trù úm các đối thủ chính trị. Nào là Hồ Đức Việt tham vọng quyền lực, vận động hành lang, nhắm ghế TBT; nào là đạo đức và lối sống bản thân có vấn đề, thể hiện trong các chuyến công du…

Hội nghị 14 khoá X diễn ra từ ngày 13 đến 22/12/2010, Hồ Đức Việt lúc này là Trưởng Ban tổ chức Trung ương, phụ trách Tiểu ban nhân sự đại hội XI. Trước đó, khi trình danh sách dự kiến giới thiệu nhân sự bầu BCH Trung ương khoá XI cho Trưởng Tiểu ban Nhân sự Nông Đức Mạnh xem, khi thấy tên con trai là Nông Quốc Tuấn và một số “người của mình” bị loại ra vì lý do “thăm dò ý kiến phiếu thấp lắm”, Nông Đức Mạnh lồng lên, như muốn ăn thịt Hồ Đức Việt. Giọt nước đã tràn ly…

Vậy là lại suốt 10 ngày hội hội nghị bàn cãi, các phe chạy đua và tấn công nhau. Hồ Đức Việt chính thức bị “lên thớt”, liên minh Nghị – Rứa đứng về phía họ Nông, ra đòn dồn dập về phía Hồ Đức Việt, những chuyện không chấp nhặt đã lâu, giờ cũng thành gán ép “bê bối” dành cho đối phương. Câu nói “ba đánh một, không chột cũng què” chẳng sai bao giờ.

Hơn nửa tháng sau, Hội nghị 15 vào ngày 9/1/2011, cách khai mạc chính thức đại hội XI chỉ có 3 ngày. Lại bỏ phiếu để chốt, cái tên Hồ Đức Việt chính thức bị loại ra khỏi danh sách đề cử “tứ trụ”. Thay vào đó, Nguyễn Phú Trọng được đề cử chức Tổng bí thư khi bước sang tuổi 67, thay cho Nông Đức Mạnh nghỉ hưu. Trương Tấn Sang ngồi ghế Chủ tịch nước thay Nguyễn Minh Triết. Nguyễn Sinh Hùng được đề cử ghế Chủ tịch Quốc hội từ Nguyễn Phú Trọng, dù đã ở tuổi 65. Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục giữ chức thủ tướng nhiệm kỳ 2.

Tất cả đã an bài đúng như thế. Kết quả đại hội như mọi người đã biết, Hồ Đức Việt trắng tay, thậm chí không có tên trong danh sách Uỷ viên Trung ương khoá XI và chính thức giã từ sự nghiệp chính trị ở tuổi 64.

Buồn cho nhân tình thế thái, chán chường trong thăng trầm chính sự, Hồ Đức Việt suy sụp tinh thần, đổ trọng bệnh và mất hai năm sau đó, hồi tháng 5/2013.

 

Bộ ba “ân oán” Hồ Đức Việt (ảnh trên), Phạm Quang Nghị (dưới, phải) và Tô Huy Rứa

Về phần Nghị và Rứa, cả hai thắng giòn giã. Phạm Quang Nghị, đương kim Bí thư Hà Nội, vẫn giữ được ghế cho nhiệm kỳ thứ 2. Tô Huy Rứa điền tên mình vào chiếc ghế “hái ra tiền” đỏ rực, ngồi thế chỗ Hồ Đức Việt đã ngồi trước đây: Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Từ đây, với uy vũ của “kiến trúc sư trưởng” trong công tác nhân sự của đảng, ông Trưởng ban mặc sức thao túng chính trường. Xem như Tô Huy Rứa đã toại nguyện, khi chinh phục nấc thang quyền lực cao nhất của cuộc đời kẻ xuất thân từ làng… ăn mày.

(Còn nữa)

(Kỳ 3)

Hồng Hà

24-12-2019

 

Tái cử Bộ Chính trị, chiếm được ghế Trưởng ban Tổ chức Trung ương, quyền hạn của Tô Huy Rứa cực kỳ lớn:

– Tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư các chính sách về tổ chức cán bộ, đoàn thể, nội chính, Mặt trận.

– Đánh giá, tham mưu điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, phê chuẩn, đình chỉ chức vụ cán bộ.

– Giới thiệu ứng cử, quy hoạch các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý.

– Thường trực Tiểu ban nhân sư Đại hôi đảng.

Và Tô Huy Rứa đã “phát huy” hết sức mạnh quyền lực ấy như thế nào?

Quay lại những năm về trước, Tô Huy Rứa có một mối tình sâu nặng với một phụ nữ gốc Nghệ An lên Yên Bái dạy học, có tên Phạm Thị Thanh Trà, sinh 1964. Khi ấy Trà vừa qua tuổi bốn mươi, da trắng ngần, cao ráo và xinh đẹp. Giới quan chức Yên Bái gọi cô là “đoá hoa rừng”.

Năm 2006, khi là Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương, Rứa đưa “người tình” Phạm Thị Thanh Trà vốn xuất thân là một giáo viên cấp 2 Trường PTCS thị trấn Cổ Phúc – Trấn Yên – Yên Bái, vượt qua một số chức vụ để ngồi vào ghế Ủy viên Ban Thường vụ (khóa XVI), Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái. Từ đó leo lên Phó chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Thành uỷ TP Yên Bái, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái.

Tô Huy Rứa và Phạm Thị Thanh Trà. Photo Courtesy

Năm 2016, với vị thế Ủy viên BCT, Bí thư Trung ương, Trưởng Ban tuyên giáo, Rứa đã giúp Phạm Thanh Trà dễ dàng kiếm một suất Uỷ viên Trung ương khoá XII và làm Phó Bí thư, kiêm Chủ tịch UBND tỉnh.

Sáng 18/7/2016, Chi cục trưởng kiểm lâm Đỗ Cường Minh nổ súng K59 bắn chết Bí thư tỉnh uỷ Phạm Duy Cường và Chủ tịch HĐND Ngô Ngọc Tuấn. Phạm Thị Thanh Trà được ngồi vào ghế Bí thư tỉnh uỷ Yên Bái.

Phạm Thị Thanh Trà là chị ruột Phạm Sĩ Quý, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường, xây biệt phủ ngàn tỷ bằng tiền “chạy xe ôm” và “buôn chổi đót”.

Về phần Nguyễn Phú Trọng, sau khi đắc cử Tổng Bí thư, ông cùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang quyết tâm tuyên chiến với phe nhóm Nguyễn Tấn Dũng.

Ngày 31/12/2011, bế mạc Hội nghị trung ương 4 khóa XI. Ngày 16/1/2012, Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW, tức NQTW 4: Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng.

Văn bản nêu rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…

Và sau đó là một đợt rầm rộ kiểm điểm, phê bình và tự phê tất cả đảng viên trên cả nước. Đích đến chủ yếu vẫn là Nguyễn Tấn Dũng và các đồ đệ, bị gọi là “nhóm lợi ích”.

Sau đó là Hội nghị trung ương 5, “seri đòn” được phe Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang đưa ra, để cân bằng quyền lực, ghìm cương “con ngựa bất kham” và khống chế sự lộng quyền, tàn phá kinh khủng của Nguyễn Tấn Dũng và “nhóm lợi ích”.

Ông Trọng kích hoạt phương châm “nhốt quyền lực vào lồng luật pháp”. Hàng loạt văn bản của đảng được tung ra, như:

Quyết định số 68-QĐ/TW của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát trong Đảng (ngày 21/03/2012).

– Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí (25/05/2012).

– Quyết định số 158-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc thành lập Ban Nội chính Trung ương (28/12/2012).

– Quyết định số 160-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc thành lập Ban Kinh tế Trung ương (28/12/2012).

– Quyết định số 162-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (01/02/2013).

Tiếp theo là chỉ đạo QH ra nghị quyết 35, lần đầu tiên trong lịch sử VN, lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu và phê chuẩn, tại kỳ họp 5, khoá 13, khai mạc vào ngày 20/5/2013.

Chưa hết, phe ông Trọng yêu cầu và thực hiện sửa đổi Hiến pháp 1992, tăng quyền hạn chủ tịch nước, rút quyền phong tướng của Nguyễn Tấn Dũng… tại kỳ họp 6, QH khoá 13, tháng 11/2013.

Tuy nhiên, “nhóm lợi ích” vẫn bảo đảm thành trì. Hội nghị 6 tháng 10/2012 không kỷ luật được Nguyễn Tấn Dũng, những giọt nước mắt phẫn uất đã lăn dài trên má ông Trọng. Mặc dù vậy, phe Trọng cũng buộc được Dũng đã cúi đầu nhận trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ và nhận lỗi trước Quốc hội, toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành,  trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 13, ngay sau đó.

Ông Nguyễn Phú Trọng khóc tại bế mạc Hội nghị trung ương 6 và Nguyễn Tấn Dũng nhận lỗi trước QH.

Phần mình, Tô Huy Rứa cùng với Trần Đại Quang vận động và giới thiệu Nguyễn Bá Thanh với nhóm ông Trọng – Sang, để Thanh ngồi vào ghế Trưởng ban Nội chính, hòng giúp Nguyễn Bá Thanh kiếm một suất bổ sung Bộ Chính trị, nhưng thất bại tại Hội nghị 7, tháng 5/2013, khi cả Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ đều “out”.

Có điều, thế và lực bắt đầu nghiêng về nhóm hai ông Nguyễn Phú Trọng – Trương Tấn Sang. Tô Huy Rứa rất nhanh, ngả về bên mạnh hơn. Để lập công, Tô Huy Rứa cũng góp công giúp ông Trọng thực thi chủ trương và quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về luân chuyển cán bộ. Dịp này Rứa cũng nhanh chân đưa Trịnh Xuân Thanh về Hậu Giang, qua Văn bản số 6149, ngày 20/1/2014 của Ban Tổ chức Trung ương do Trần Lưu Hải, Phó Trưởng ban Thường trực nhiệm kỳ 2010-2015, ký. Toàn bộ là do chỉ đạo của Rứa, nhưng người “lãnh đạn” sau này là Trần Lưu Hải.

Việc luân chuyển 44 cán bộ Trung ương về địa phương, nằm trong kế hoạch xoay chuyển “bàn cờ” chính trị của ông Trọng.

Có người cho rằng Tô Huy Rứa là tác giả của Quy chế 244, ra đời tháng 6/2014. Nhận định thế là không đúng. Các “bộ não” cận thần tham mưu cho hai ông Trọng – Sang mới chính là tác giả của Quy chế 244, ra đời tháng 6/2914. Vì quá chủ quan, Nguyễn Tấn Dũng đã bị hạ “knoc-out” ngay trước thềm đại hội XII diễn ra tháng 1/2016, bởi “thiên la địa võng” mà bên tấn công giăng ra, và cũng bởi Quy chế lạnh lùng và tàn khốc mang bí số 244.

Bốn ngày trước khi khai mạc Hội nghị Trung ương 13, Nguyễn Tấn Dũng viết đơn gởi Nguyễn Phú Trọng, xin KHÔNG TÁI CỬ và rút lui khỏi cuộc đua quyền lực.

Là “kiến trúc sư” trong công tác nhân sự, cuối năm 2014, để đưa đàn em Trịnh Văn Chiến vào Uỷ viên Trung ương, Tô Huy Rứa kéo Mai Văn Ninh, Bí thư tỉnh uỷ Thanh Hóa ra Hà Nội để thay Cao Đức Phát làm Bộ trưởng. Sắp hết tuổi, nhưng Phát không chịu nghỉ, Rứa phải đưa Ninh về làm Phó Ban tuyên giáo nằm chờ. Tại đại hội XII, Ninh nằm trong danh sách tái cử Uỷ viên Trung ương, nhưng khi bầu lại rớt. Chỉ có Trịnh Văn Chiến, người tình của “hotgirl” Quỳnh Anh, vào BCH Trung ương. Mai Văn Ninh ngậm đắng nuốt cay, rời chính trường.

Còn nữa, trong  suốt thời gian chuẩn bị đại hội 12, Tô Huy Rứa đã tiếp một tay, giúp Nguyễn Văn Bình, Đinh La Thăng, Hoàng Trung Hải lách qua khe cửa hẹp, để ngồi chung “ngai” với ông Trọng, trong Bộ Chính trị.

Với gia đình, Tô Huy Rứa sắp đặt vẹn toàn. Phu nhân Trương Thị Tuyết Nhung, sau khi rời chức vụ Trưởng phòng đào tạo Học viện Báo chí tuyên truyền, thì lập ngay “Quỹ từ thiện Bầu ơi” từ tháng 4/2913 để hoạt động. Quỹ của phu nhân Trưởng ban Tổ chức Trung ương tiền không bao giờ cạn. Hàng trăm doanh nghiệp nhà nước đổ tiền vào ủng hộ Quỹ.

Vợ chồng Tô Huy Rứa

Con trai cả của Rứa là Tô Huy Vũ, trong ba năm đổi hai chức. Từ Vụ trưởng Thống kê, nhảy sang Vụ trưởng Hợp tác Quốc tế Ngân hàng Nhà nước.

Con trai kế Tô Tử Hà, Bí thư đoàn thanh niên Vietnam Airlines, Trưởng phòng Tổ chức – Nhân sự Cảng HKQT Nội Bài.

Con gái út Tô Linh Hương, “công chúa” sinh ngày 14/2/1988 từng khuấy động dư luận khi về làm Chủ tịch HĐQT Cty Vinaconex-PVC, một cty liên doanh của “người tình” thành đạt Trịnh Xuân Thanh, vào tháng 4/2012 và rút lui sau đó hai tháng, vì cty này đang ngập nợ nần.

Các con của Rứa

Tô Linh Hương nhanh chóng được bố Rứa đưa về Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch, làm Ủy viên Ban chấp hành Đảng ủy Bộ VHTTDL, Ủy viên Ban thường vụ Đoàn khối các cơ quan trung ương, Bí thư Đoàn bộ VHTTDL. Rồi Hương làm Nghiên cứu sinh theo QĐ số 3204/QĐ- ĐHKT ngày 8/11/2013 của Hiệu trưởng Đại học Kinh tế- ĐHQG với đề tài “Chuỗi giá trị toàn cầu ngành hàng chè và sự tham gia của Việt Nam”, do đích thân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm cán bộ hướng dẫn khoa học. Chiều ngày 7/2/2018, tại Phòng 801 nhà E4, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội, trước hội đồng giáo sư chấm, Tô Linh Hương đã bảo vệ luận án tiến sĩ với số điểm tuyệt đối (!)

Hy vọng các “thiên tài” họ Tô đời thứ 14, sẽ thay bố Tô Huy Rứa, làm rạng danh “làng ăn mày” Đồn Điền, Quảng Thái.

Gần đây, báo chí và dư luận lại xôn xao với video clip xe Mercedes E250 có bảng số 30F-462.75 của bà Trương Tuyết Nhung, đăng ký năm 2018 lại mang thêm bảng số xe màu xanh 80B-4329 đăng ký năm 2009 trực thuộc Ban Tuyên giáo trung ương, để được hưởng những đặc quyền khi tham gia giao thông. Điều đó cho thấy rằng, dù nghỉ hưu đã 4 năm, máu đam mê công danh và uy vũ vẫn nóng hổi như ngày nào, trong huyết quản một chân dung quyền lực như Tô Huy Rứa.

Xe 2 biển số của gia đình Tô Huy Rứa