Seite auswählen

Nguyễn Anh Tuấn

9-1-2020

 

 

Thôn Hoành, xã Đồng Tâm nơi chính quyền đàn áp sáng nay 9/1/2020. Ảnh: internet

4 giờ sáng nay 09/01/2020, công an TP HN tổ chức lực lượng bao vây thôn Hoành xã Đồng Tâm.

Mục tiêu tấn công là nhà ông Lê Đình Công, con trai ông Lê Đình Kình, thủ lĩnh tinh thần của phong trào bảo vệ đất Đồng Sênh của xã Đồng Tâm.

Sau khi ném lựu đạn hạt nhựa và hơi cay, cảnh sát đã phá cửa nhà ông Công, xông vào bắn bị thương và giết chết một người dân (chưa xác định được danh tính). Sau đó bắt đi con dâu ông Lê Đình Công và hai cháu nhỏ, sau khi làm cho những người này bị ngạt hơi cay. Một cháu bé mới được 3 tháng tuổi.

Trước đó, từ 2015, UB TP HN đã chế tác vẽ vời thêm ra một bản đồ dự án sân bay Miếu Môn mới, khác hoàn toàn và to hơn nhiều so với bản đồ quy hoạch ban đầu (1980 – 1981), để rắp tâm cướp mảnh đất nông nghiệp Đồng Sênh (mảnh màu xanh lá) hộ cho Viettel.

Trong khi đất quốc phòng (dự án treo sân bay Miếu Môn, trên phạm vi huyện Mỹ Đức chỉ có 47,36ha (mảnh màu xanh da trời), phần còn lại là đất của huyện Chương Mỹ (phía trên của bản đồ).

Âm mưu cướp đất này bị bà con nông dân Đồng Tâm đồng lòng kiên quyết phản đối, dưới sự lãnh đạo của cụ Lê Đình Kình, một lão thành cách mạng. Bởi họ đã liên tục canh tác và đóng thuế trên mảnh đất nông nghiệp này đã mấy trăm năm qua.

Năm 2017, công an Mỹ Đức và công an Hà Nội sau khi cưỡng chế không thành mảnh đất cánh Đồng Sênh, đã lừa cụ Kình ra cánh đồng xác định mốc giới, đánh gãy xương đùi cụ, và đưa đi thủ tiêu nhưng bại lộ và phải thay đổi, vì cùng lúc ấy dân Đồng Tâm đã bắt giam được 38 cảnh sát cơ động.

Sau khi cụ Kình bị thương nặng, con trai cụ là ông Lê Đình Công đã xông xáo thống nhất bà con tiếp tục giữ đất, trên tư cách một TỔ ĐỒNG THUẬN CHỐNG THAM NHŨNG ĐỒNG TÂM.

Từ 31/12/2019 bộ đội của lữ đoàn 28 tiến hành xây dựng tường bao khu đất quốc phòng, dựa trên cơ sở các mốc phân định được cắm từ năm 1981 (đường màu vàng). Nhân dân Đồng Tâm hoàn toàn ủng hộ.

Đêm hôm qua 08/01/2020, công an Hà Nội đã âm thầm chuyển quân (theo nhiều nhân chứng, có tới cả ngàn CSCĐ) bao vây thôn Hoành.

04 giờ sáng nay, công an đã tấn công vào nhà ông Lê Đình Công, người thường xuyên đăng tải các Video về công tác giữ đất và sự đồng lòng của bà con Tổ Đồng Thuận Đồng Tâm, cũng như tố cáo bộ mặt tham nhũng lá mặt lá trái của Chủ tịch TPHN Nguyễn Đức Chung.

Trưa nay, cổng thông tin điện tử của Bộ Công An đã đưa tin về vụ việc, nhưng đã xuyên tạc bối cảnh của vụ đụng độ dẫn đến cái chết cho 4 người này, thành là xảy ra tại công trường xây dựng trên cánh đồng Sênh.

Sự thực đây là cuộc tấn công vào nhà dân, giữa đêm, chỉ vì họ quay và đăng tải các Video về tuyên bố chống tham nhũng, chống cướp đất, vạch mặt chủ tịch thành phố HN, tướng Nguyễn Đức Chung.

Đây là một Video điển hình của Tổ Đồng Thuận Chống Tham Nhũng Đồng Tâm.

 

 

 

Và đó có thể là nguyên cớ của cuộc tấn công chết chóc sáng nay.

Tiếng Dân

 

Từ Cổng thông tin điện tử Bộ Công an

Thông báo về vụ việc gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội

09/01/2020
Từ ngày 31/12/2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn, thành phố Hà Nội theo kế hoạch.
    Trong quá trình xây dựng, sáng ngày 9/1/2020, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 03 cán bộ chiến sĩ Công an hy sinh, 01 đối tượng chống đối chết, 01 đối tượng bị thương. Các đơn vị chức năng đã khống chế và bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật
     
    Hiện nay, các đơn vị liên quan đang tiến hành xây dựng tường rào Sân bay Miếu Môn theo kế hoạch. 

    Tuyên bố Đồng Tâm 9-1-2020

    Mạc Văn Trang

    9-1-2020

    Như tin nhận được, vào khoảng 4h sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020 nhân dân Đồng Tâm, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội bị các lực lượng vũ trang lên đến “hàng ngàn người vào bao vây, tấn công bằng lựu đạn cao su, hơi cay, dùi cui đánh từ người già đến trẻ nhỏ, không từ một ai”. Đặc biệt chúng cô lập, bao vây, xả lựu đạn cao su, hơi cay vào khu nhà cụ Lê Đình Kình, ông Lê Đình Công… bốn thế hệ từ tuổi gần 90 đến trẻ nhỏ 3 tháng tuổi, có người bị bắn vào tay chấn thương chẩy máu, có người già đã bị khói cay, bị thương yêu cầu bị cấp cứu”…

     

    Trước đó, từ 25/12/2019 lực lượng chức năng đã cho chuẩn bị quân cán, diễn tập, uy hiếp nhân dân Đồng Tâm. Đến tối ngày 6/1/2020 nhà cầm quyền đã cắt Wifi ở Đồng Tâm và canh giữ, cản trở những người hoạt động Dân sự độc lập từ Hà Nội muốn tiếp cận với Đồng Tâm để minh bạch thông tin từ Đồng Tâm. Đây là hình thức chuẩn bị đàn áp thì bịt mồm, bịt mắt người dân và lái dư luận, ngăn cản tự do báo chí, ngôn luận, vi phạm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Quốc tế về Quyên chính trị và dân sự mà Việt Nam đã ký kết.

    Cần khẳng định rằng, từng tấc đất trên toàn cõi Việt Nam đều thấm đẫm máu đào bao thế hệ tiền nhân người dân Việt Nam khai khẩn, gìn giữ, chống ngoại xâm mới có, trong đó có gia đình cụ Lê Đình Kình và xã Đồng Tâm. Khi có chiến tranh mỗi tấc đất đều là đất quốc phòng, nhưng đồng thời Đất nước không để thiệt hại cho riêng bất cứ ai khi đất đai chính đáng của riêng họ, nếu nhà nước trưng dụng thì người dân phải được quyền thương lượng, và phải được bồi thường thỏa đáng theo pháp luật trước khi dân giao đất.

    Các Tổ chức Xã hội Dân sự tuyên bố:

    1. Nhà cầm quyền Việt Nam chấm dứt ngay việc dùng lực lượng vũ trang (quân đội, công an, các lực lượng khác) dùng bạo lực dưới mọi hình thức trong việc giải quyết vấn đề đất đai với nhân dân Đồng Tâm và với tất cả các địa phương ở Việt Nam.

    2. Nhà cầm quyền phải đưa người bị thương ở Đồng Tâm đi cấp cứu, đồng thời không được ngăn cản người dân và các Tổ chức Xã hội Dân sự, báo chí tự do đến đưa tin, cứu hộ, giúp đỡ người dân Đồng Tâm trong lúc họ bị đàn áp.

    3. Vụ việc đất đai Đồng Tâm phải được giải quyết công khai minh bạch, thông qua trình tự pháp luật dân sự, hành chính và phải có các tổ chức Xã hội Dân sự Độc lập, người dân và báo chí trong nước, quốc tế tự do tìm hiểu, chứng kiến mọi ngóc ngách của vấn đề và trong quá trình giải quyết. Không hình sự hóa trong giải quyết dân sự về đất đai.

    4. Vấn đề đất đai gây bao đau thương oan khuất từ 1954 đến nay trên khắp Việt Nam phải được thay đổi từ gốc rễ ở Hiến Pháp và Luật đất đai, phải trả lại quyền Tư hữu đất đai cho mọi người dân Việt Nam.

    5. Yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam phải khởi tố ngay những kẻ chủ mưu, kẻ thừa hành trong việc biến đất của người dân Đồng Tâm thành đất của một nhóm lợi ích giả danh nhà nước, che đậy bằng ngôn từ lừa dân “đất quốc phòng”. Phải khởi tố, trừng trị những kẻ ra lệnh cho lực lượng vũ trang đi đàn áp dân, những kẻ đồng lõa với các nhóm lợi ích trong tranh chấp dân sự.

    Tuyên bố làm ngày 9 tháng 1 năm 2020

    Tổ chức ký tên:

    1. Nhóm Lập Quyền Dân, đại diện Nguyễn Khắc Mai
    2. Diễn đàn xã hội dân sự, đại diện tiến sĩ Nguyễn Quang A
    3. CLB Lê Hiếu Đằng, đại diện Lê Thân
    4. …

    Cá nhân ký tên:

    1. Nguyễn Khắc Mai, Trung tâm Minh Triết, Hà Nội
    2. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Hà Nội
    3. Lê Thân, nhà hoạt động xã hội TPHCM
    4. Trần Bang, kỹ sư TPHCM – Thành viên CLB Lê Hiếu Đằng
    5. Nguyễn Thị Kim Chi, nghệ sĩ TPHCM thành viên CLB Lê Hiếu Đằng
    6. Nguyễn Nguyên Bình, nhà văn Hà Nội, TV CLB Lê Hiếu Đằng
    7. Mạc Văn Trang, Tiến sĩ Tâm lý học, Hà Nội
    8. Phùng Ân Hưng, thạc sĩ vật lý, giáo viên, TPHCM
    9. Nguyễn Thị Giáng Vân, nhà thơ
    10. Hoàng Hưng, Nhà thơ, Dịch giả, TP Hồ Chí Minh.
    11. Nguyễn Thị Khánh Trâm, Nghiên cứu viên, hưu trí TPHCM.
    12. Vũ Ngọc Tiến – Nhà văn ở HN
    13. Đặng Bích Phượng, cán bộ hưu trí, Hà Nội
    14. Tịnh Huệ, TPHCM
    15. Võ Văn Dũng, Luật sư

    Tiếng Dân

    Kẻ ngông cuồng khoác vai người thi hành công vụ

    9-1-2020

    Ảnh: FB tác giả

    Sáng nay, theo đề nghị của một số người dân, tôi đi về Đồng Tâm nhưng xe bị chặn lại cách làng khoảng 4km. Tôi xuất trình thủ tục chứng minh mình là luật sư theo đề nghị của người dân nhưng không được gặp người có quyền giải quyết. Những người có mặt ở đó rất đông gồm cảnh sát giao thông, an ninh, cảnh sát cơ động… ngoài ra có rất nhiều người khác mặc thường phục, trong đó có cả những đối tượng xăm trổ hổ báo tự xưng là người dân ở đây.

    Khi tôi đề nghị xuất trình văn bản cấm đường không ai bảo ai, mọi người thay nhau rút dần đi, còn lại 2 bạn cảnh sát giao thông đứng trao đổi với tôi. Tôi vốn nói to xưa nay nhưng hoàn toàn không bao giờ có thái độ quá khích, thách thức những người tiến hành công vụ nhưng có một người mặc thường phục đứng đối diện tôi nói: “Bắt giải đi, khỏi mất công giải thích”.

    Tôi chỉ thẳng mặt nói: “Anh vào đây mà bắt!”.

    Anh ta đốp lại ngay: “Chưa có lệnh thôi!”

    Tôi lại tiếp lời: “Nhà nước thật phí tiền khi trả cho một kẻ hung hăng như anh để đi làm việc với dân…”

    Anh ta định nói thêm câu gì đó nhưng thấy đồng nghiệp nói hớ, lại thấy tôi quay phim nên mấy người khác kéo anh ta đi vào phía trong…

    Thực tế trong một số buổi giải phóng mặt bằng, không chỉ có những người thi hành công vụ theo thẩm quyền mà các chủ đầu tư còn thuê thêm cả lực lượng “đầu gấu” tới để đe nẹt người dân cũng như bảo đảm an toàn cho người thực thì nhiệm vụ. Việc bặm trợn, hung hăng là bản năng nghề nghiệp của những đối tượng này và đó không phải là chuyện gì lạ lẫm. Tuy nhiên, chính những người mang danh là người thi hành công vụ và đi doạ dẫm bắt luật sư thì quả là chuyện lạ ngay chính thành phố văn minh này…

    Tôi quay lại toàn bộ nội dung cuộc đối thoại, đúng hơn là cuộc đấu võ mồm giữa một rừng công an với một mình tôi nhưng không hiểu sao, sau khi mở xem lại thì chỉ còn có vỏn vẹn 6s cuối cùng. Tôi không hiểu là tại sao lại có chuyện lạ lùng như vậy? Thiết bị phá sóng, phá máy của chúng ta giờ đã đạt tới công nghệ cao thế rồi sao?

    Là người bảo vệ cho cho một số người dân đấu tranh ở Đồng Tâm từ khi sự kiện năm 2017 xảy ta tới giờ, có thể nói tôi là người thầm lặng nhất nhưng kiên trì nhất khi vẫn là luật sư (được xem là cuối cùng sót lại) của họ cho tới ngày hôm nay. Tôi rất buồn khi không giúp được gì thiết thực hơn cho họ. Tôi vẫn muốn là cầu nối để làm dịu hoá quan hệ căng thẳng giữa các bên nhưng e rằng điều đó khó thành hiện thực sau khi chứng kiến sự hung hăng quá mức cần thiết của những người thực thi pháp luật.

    Hãy nhớ rằng, chưa kẻ nào tồn tại được vững bền sau khi đối đầu trực diện với dân. Có thể hôm nay bạn thắng, nhưng rồi ngày mai, ngày kia bạn sẽ thế nào…? Nếu dồn dân vào đường cùng, khi thả họ ra họ lại phản kháng mãnh liệt hơn trước nữa.

    Tôi đã cố gắng hết mức có thể rồi, phần còn lại chính quyền tự lo liệu đi…..

     

     

    Một dân tộc tuyệt vọng

    Nguyễn Thùy Dương

    9-1-2020

    Ảnh: internet

    Khi cổng thông tin Điện tử Bộ Công An đưa tin về “bạo loạn” ở Đồng Tâm vào sáng ngày 09/01/2020, cách đưa tin khiến người đọc liên tưởng đến người dân Đồng Tâm bạo loạn, chủ động tấn công lực lượng quân đội gây nên những cái chết thương tâm.

    Bộ CA cho biết cũng đã bắt giam khởi tố vụ án. Một quy trình chết – khởi tố – án hình bắt đầu. Mọi người thấy gì? Còn tôi, tôi thấy sự tuyệt vọng của người dân và sự điên cuồng của một thể chế. Tôi chưa đọc bất kì một dòng nào về hồ sơ của Đồng Tâm nhưng tôi đã xem đã thấy diễn trình sự việc diễn ra hôm nay.

    4h sáng xe “bít bùng” bao vây làng. Những gì diễn ra sau đó là đụng độ, là khói thuốc nổ, là súng đạn, là máu. Trên trang cá nhân của một người vợ trẻ mất chồng, câu hỏi đau đáu vừa đau thương, vừa ích kỉ, chứa đầy tính may rủi: “3000 quân sao lại là anh?” Những người lính nằm xuống có được gọi là liệt sĩ không? Họ chiến đấu với ai? Bao vây ai?
    Dòng trạng thái của người vợ có chồng công an được cho là đã thiệt mạng trong vụ cưỡng chế tại Đồng Tâm sáng 9/1/2020. Ảnh: internet

    Sự tuyệt vọng đầu tiên là khi cổng thông tin điện tử của một cơ quan hành pháp lớn lại đưa thông tin khác hoàn toàn cái mà thực tế đã diễn ra. Họ biến chuyển thông tin đưa dân thành kẻ chủ động tội đồ. Quá khứ đã có bao nhiêu người dân dựa cột hay “rục xương” vì bị biến thành kẻ chủ động tội đồ?

    Người dân bám đất tức là họ có lý lẽ của họ. Chẳng lẽ một chính quyền luôn hô hào khẩu hiệu vì dân lại không thể vì dân đi tìm tiếng nói chung với dân hay sao? Quốc Phòng là lợi ích An Ninh Quốc Gia nhưng An Ninh đầu tiên của Quốc Gia không phải là Nhân Dân sao? Câu chuyện Đồng Tâm không phải chỉ đơn giản bắt bớ, bịt thông tin. Nhìn rộng ra nó là tâm lý cuồng vĩ của kẻ quyền lực khát máu.

    Tuyệt vọng của người dân mở ra khi vào năm 20 của thế kỉ 21, người ta vẫn dùng cách cưỡng đoạt tàn bạo với dân. Quy hoạch đền bù rẻ mạt, dân không đi thì cưỡng chế, cưỡng chế thành thì dân lưu vong, không thành thì trấn an dư luận chờ ngày bố ráp. Bố ráp mà dân chống cự thì dân chịu tù cho đến tử hình. Quyền lợi người dân ở đâu giữa súng ống, giữa những chàng trai, cô gái chỉ biết có mệnh lệnh là cao nhất, giữa những kẻ nắm trong tay cả pháp luật lẫn quyền cưỡng đoạt và luật pháp. Trong khi người dân chỉ có quyền chịu bị cướp, bị cướp và tù đày. Tuyệt vọng của một dân tộc chính là ở đó.

    Rồi đây dân tộc này sẽ đi về đâu khi phát súng nổ lên cho việc công khai cướp đất đã vang ở tại nơi được xem như gần mặt trời nhất. Vũ lực đã được dùng với người dân bởi cả hai lực lượng có gắn lấy hai chữ Nhân Dân. Để rồi các vị dùng danh nghĩa của Nhân Dân che thân để đi cướp của Nhân Dân?

    Bastiat đã từng viết về luật pháp của những kẻ cường quyền hại dân như sau: “Chỉ cần xem luật pháp có lấy những cái thuộc về một số người nào đó mà đem cho những người mà chúng không thuộc về. Chỉ cần xem luật pháp có làm lợi cho công dân này mà công dân khác phải trả giá bằng cách làm cái điều mà tự người công dân kia không thể làm mà không phạm tội”.

    Viết khi hay tin có thêm một một nữ công an vừa mất ở Đồng Tâm. “Trận” Đồng Tâm vẫn đang giáp chiến. Thắng bại hôm nay của kẻ cầm súng chính danh đều là vết nhơ của lịch sử.

     

    Đất và người

    Nguyễn Tiến Tường

    9-1-2020

    Ba chiến sĩ công an ra đi vào lúc tảng sáng, họ trở về vào lúc bình minh, trên khăn tang cô nhi quả phụ. Đừng ném vào họ những lời cay nghiệt. Tôi nghĩ rằng họ lên đường với niềm tin gìn giữ tôn nghiêm thể chế. Đó chính là niềm tin họ đã lựa chọn. Chẳng có người chiến sĩ tiên phong nào nghĩ đến lợi ích đâu.

    Lợi ích là người phía sau. Chính là những tướng tá công an quân đội bốc trăm tỷ nghìn tỷ như trẻ con chơi đồ hàng. Chính họ đã dúi xung đột nghiệt ngã về phía hạ tầng. Đó chính là lỗ hổng của thể chế.

    Có nghĩa là thể chế mà những người lính chân phương chọn để hy sinh, đã chưa toàn vẹn. Chính sách đất đai sở hữu toàn dân về mặt hình thức đã phải trả giá bằng quá nhiều nhân mạng.

    Tôi chưa nói đến đúng sai ở Đồng Tâm. Nếu có một chế độ tư hữu, thì lằn ranh đất đai sẽ phân định rạch ròi. Dân có muốn sai cũng không được. Tư hữu đặt nhân dân lên vị thế ngang bằng với nhà nước trong đất đai. Và không có lý do gì dân giữ đất canh tác mấy chục năm lại không được sở hữu hoặc bị nhà nước lấy đi bằng mệnh lệnh.

    Tư hữu cũng là bảo vệ nhân dân và cả nhà nước trước những cặp mắt rắp tâm chiếm lợi ích từ đất. Sẽ chặt được xúc tu của những con bạch tuộc mượn uy nhà nước để lấy đất nhân dân. Và nó sẽ trả công an, quân đội hoặc bất kỳ cơ quan nào khác về với bản chất của mình.

    Tôi không mù quáng bênh vực nhân dân, nhưng hãy nhìn lại nhân dân lần nữa. Mấy nghìn năm nuôi vua chúa, mấy trăm năm bom đạn thét gào. Hoà bình chưa đến nửa thế kỷ, nhân dân chưa được bù đắp gì nhiều. Đến một chiếc thẻ đất, cũng không phải của riêng. Nhân dân được quyền đòi hỏi, lịch sử và thực tiễn đang đòi hỏi.

    Thánh hiền một mạng, súc sanh một mạng. Thiên tử một mạng, thảo dân cũng một mạng. Máu nào đổ xuống mà không đau. Nhiều người dân đã nằm xuống rồi và còn không biết bao nhiêu người nữa…

    Đúng sai để mà làm gì khi nhân mạng đổ xuống phí hoài không làm nên một sự đổi thay, mãi không lay động được tâm can của những người cầm trịch. Khi không thể ngồi xuống cùng nhau, tất cả đều là người thất bại.

    Cây cùng một gốc mà lá không rụng xuống cùng một cội, đến cả hòn đất chắc cũng khóc than…

     

     

    Người cầm bút thời nay

    Đoàn Bảo Châu

    9-1-2020

    Phóng viên Phạm Gia Hiền. Ảnh: internet

    Từ sáng đến giờ đã có mấy bạn giục tôi viết về Đồng Tâm. Tôi cảm ơn sự tin tưởng của các bạn nhưng tôi đã viết là phải có thông tin, phải đọc và phải có góc nhìn khác với mọi người đã viết và nhất là phải có thời gian.

    Nhưng tuy không có thông tin đầy đủ bởi là một người ngoài cuộc và không tham dự những cuộc họp của thanh tra thành phố HN và thanh tra NN nhưng tôi hứa sẽ viết khi có thời gian.

    Nhưng giờ thì tôi phải chỉ ra mấy điểm cần lưu ý với phóng viên như cậu Phạm Gia Hiền này. Một sự việc quan trọng không thể phán trong vài dòng một cách vô trách nhiệm như thế này được. Tôi viết bài này cũng bởi một bạn gửi link đến cho tôi.

    Hiền nguỵ biện:

    “Trên thế giới này, có ở đâu mà quân đội cần sử dụng đất, dân lại có quyền chống đối? Hơn thế, chống đối đơn thuần để đòi tiền.”

    Khi quyền lợi người dân bị xâm phạm, họ có quyền chống đối. Tiền cũng là quyền lợi, Hiền có lẽ sống ở trên mây nên nhìn tiền là một thứ không đáng kể chăng? Hãy đặt chân xuống mặt đất đi nào.

    Đoạn sau cũng hoàn toàn nguỵ biện:

    “Chỉ đòi tiền đền bù (đúng hay sai thôi cứ cho là đặt sang bên nhé) cho phần đất có cũng được không có cũng được, mà đòi nào là tử thủ, nào là thà hy sinh tất cả, nào là cùng sống chết… Nghe nó có thuận tai không? Ví dụ bảo họ đến bốc mả tổ mình đi đã đành chứ? Đây quân đội nước mình lấy miếng đất trống, mà làm như quân Tàu vào chiếm kinh đô?!”

    Người có não, có lương tri không bao giờ đánh giá thấp quyền lợi của người khác. Chúng ta không phải là họ, không phải là nông dân nên không thể coi thường sự gắn bó và quyền lợi của họ với mảnh đất họ gắn bó và sử dụng liên tục nhiều năm cho đến nay.

    Đoạn tiếp theo thì lại càng thô thiển hơn.

    “Vì đòi quyền lợi, mà khi thì bắt giữ người trái phép, lúc thì chửi bới lăng mạ, đến nay lại giết người dã man. Còn ai mở mồm nói những kẻ chống đối ở Đồng Tâm là đúng, thì thực không phải con người nữa rồi. Mà là lũ quỷ.”

    Ở đây khi bàn về đúng sai là phải bàn về cái gốc pháp lý của mảnh đất, không thể mang hậu quả khi xung đột ra để đánh giá đúng sai được.

    Là người cầm bút thì được tạm gọi là trí thức, nhưng trí thức thế này thì dẫn dắt độc giả đi đâu về đâu hả Hiền?

    Hãy học viết, học suy nghĩ, học tính cẩn thận và dùng cả đầu lẫn tim khi cầm bút đi Hiền.

    Ảnh: FB Phạm Gia Hiền

    Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

    Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

    Schließen