Seite auswählen
Cao Nguyên
2020-01-09

Hình minh họa. Một đoạn đường bị chặn ở Đồng Tâm hôm 20/4/2017.

Hình minh họa. Một đoạn đường bị chặn ở Đồng Tâm hôm 20/4/2017.  Reuters

Luật sư đại diện cho người dân Đồng Tâm trong vụ tranh chấp đất đai với chính quyền Hà Nội cho rằng việc công an thực hiện cưỡng chế và bắt dân vào nửa đêm khi không có việc khẩn cấp là hành động vi phạm pháp luật.

Rạng sáng ngày 9/1/2020, các lực lượng chức năng thành phố Hà Nội tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội khiến người dân Đồng Tâm phải chống trả. Bộ Công an Việt Nam phát đi thông báo cho biết có 4 người chết, bao gồm ba công an và một người dân. Tất cả nạn nhân đều chưa rõ danh tính.

Theo thông tin từ Bộ Công an, đây là một vụ “chống người thi hành công vụ”, hiện đã bắt giữ nhiều người gọi là “đối tượng chống đối”, khởi tố vụ án và khởi tố bị can. Đại tá Nguyễn Bình cho VTV biết có một nhóm đối tượng chống đối gồm 30 người ở Đồng Tâm. VTV vào cùng ngày cho biết nhóm đối tượng chống đối đã bị bắt giữ hết.

Thông báo của Bộ Công an phát ra hôm 9/1 viết:

Từ ngày 31-12-2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn, thành phố Hà Nội theo kế hoạch.

Trong quá trình xây dựng, sáng 9-1-2020, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 3 cán bộ chiến sĩ công an hi sinh, 1 đối tượng chống đối chết, 1 đối tượng bị thương.

Các đơn vị chức năng đã khống chế và bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.

 

Cảnh sát cơ động vào Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 9/1/2020
Cảnh sát cơ động vào Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 9/1/2020 Courtesy of FB 

Luật sư Ngô  Anh Tuấn, người bảo vệ quyền lợi của người dân Đồng Tâm, vào cùng ngày nói với Đài Á  Châu Tự Do:

Thực tế tôi cũng không nghĩ là sự kiện nó đến mức này. Người dân thông báo cho tôi rằng có sự kiện này. Tôi không biết nó diễn ra vào lúc nào. Tuy nhiên tôi thấy nếu người dân quá khích như thế thì tôi cũng không đồng tình. Xưa nay tôi vẫn khuyên can rằng không nên có những hành động quá khích mà nên kiên trì đối thoại, có thể nó sẽ lâu, rất lâu nhưng đó mới là con đường tháo gỡ tranh chấp chứ không phải bạo lực. Bởi vì bạo lực người dân chỉ tay không thì không thể chống lại chính quyền được.

Nhưng nếu như mà hành động thực hiện cưỡng chế, bắt người dân vào lúc nửa đêm nếu không có việc gì khẩn cấp thì đương nhiên đó là hành động sai với quy định của pháp luật. Người ta không thể bắt vào buổi đêm như thế được. Rõ ràng là không đúng.

Luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết ông không thể vào bên trong khu vực cư ngụ của bà con Đồng Tâm vì bị cảnh sát cơ động chặn lại, yêu cầu phải có chỉ đạo đồng ý từ giám đốc công an Hà Nội.

Vào sáng ngày 9/1, một người dân Đồng Tâm giấu tên nói với Đài Á Châu Tự do rằng bà đang phải lẩn trốn vì các lực lượng chức năng vẫn đang tìm kiếm để bắt úp người:

Mới trốn ra được một lúc từ hơn 3 giờ sáng thì có tin là ở ngoài người ta đi bộ vào rất đông. Chúng tôi không nghĩ là nó vào bắt úp dân như thế. Dân cũng chỉ chuẩn bị là ngủ nghỉ lại một chỗ để tự bảo vệ nhau. Cuối cùng là chúng nó về bắt úp dân thì bọn chị bị bất ngờ.

Họ ném bộc phá, ném hơi cay, ném đủ thứ. Bây giờ đánh sập nhà ông Kình rồi. Thế nên là nó bắt được người đi rồi. Trong nhà đấy lúc tối khoảng độ hơn 20 người ở trong đấy nhưng bây giờ cháu nội của ông Kình đã bị bắt mất, hai vợ chồng, hai đứa con. Thằng cháu nội bị bắn gãy tay thì nó bắt được. Còn cái đứa dâu thì nó mới đẻ tầm 3,4 tháng thôi.

Lê Đình Quang cũng bị bắt. Lê Đình Quang nhảy xuống định chạy nhưng bị chó nghiệp vụ nó vồ, bị đánh, bị bắt rồi. Bây giờ bị bắt hơn 20 người trong đấy có cả Quang.”

Ông Lê Đình Kình được coi là thủ lĩnh tinh thần của người dân Đồng Tâm trong vụ tranh chấp. Ông Lê Đình Quang là người đã trả lời phỏng vấn RFA vào ngày 6/1 vừa qua, cáo buộc chính quyền Hà Nội điều vũ khí xua đuổi tàu ngoài biển đến bao vây người dân Đồng Tâm.

Đồng Tâm là một điểm nóng tranh chấp đất đai giữa người dân địa phương và chính quyền nhiều năm qua xung quanh một mảnh đất rộng 59 ha ở Đồng Sênh. Chính quyền cho rằng đây là đất quốc phòng trong khi người dân cho rằng đây là đất canh tác.

Chính quyền Hà Nội đã từng tìm cách cưỡng chế đất Đồng Sênh vào tháng 4 năm 2017 nhưng thất bại do gặp phải sự chống trả quyết liệt của người dân. Người dân Đồng Tâm khi đó đã bắt giữ 38 công an và cán bộ làm con tin để đòi đối thoại với chính quyền. Vụ việc chỉ lắng xuống sau khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung về Đồng Tâm đối thoại với người dân, hứa không truy tố những người đã phản đối cưỡng chế.

Sự kiện ở Đồng Tâm bắt đầu nóng trở lại từ ngày 31/12/2019, khi bộ Quốc phòng tiến hành xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn, sát với cánh Đồng Sênh, phần đất ruộng mà người dân xã Đồng Tâm cho là mình có quyền sở hữu.

Người dân Đồng Tâm cho biết khi lực lượng chức năng xây dựng, họ chỉ ra xem xét tình hình, nếu không lấn chiếm gì thì bà con sẵn sàng ủng hộ.

Người dân cho biết bắt đầu từ ngày 6/1/2020 chính quyền  tiến hành cắt mạng internet vào làng, bao vây, không cho người bên ngoài vào khu vực thôn Hoành, nơi cư ngụ người dân Đồng Tâm.

Đàn áp trước cưỡng chế

Trước khi chính quyền tiến hành cưỡng chế Đồng Tâm, một loạt những nhà hoạt động xã hội, facebookers đã bị an ninh mặc thường phục theo dõi chặt, không thể ra khỏi nhà.

Bà Nguyễn Thị Tâm, dân oan bị cưỡng chế đất ở Dương Nội, ngoại thành Hà Nội, nói rằng bà bị an ninh theo dõi cả ngày, từ nhà cho đến nơi làm việc. Theo bà Tâm, những thông tin một chiều từ phía chính quyền đưa ra lúc này là chưa thể tin tưởng được:

Đấy những thông tin đấy thì tôi cũng chỉ biết qua báo chí của Đảng, không biết chính xác là có đúng thật hay không. Bởi vì nhiều khi những cái tin như thế thì cũng chưa thể tin được.

Tôi nghĩ là nếu chính quyền mà đúng thì cứ đàng hoàng mà làm ban ngày, việc gì phải làm ban đêm như thế. Đó là đánh úp dân.

Anh Trịnh Bá Phương, người nhận được tin sớm từ người dân Đông Tâm và đưa tin lên Facebook đã bị an ninh bắt đi vào sáng cùng ngày. Anh Trịnh Bá Tư, em trai của anh Trịnh Bá Phương cho biết anh Phương đã bị đánh đập và bắt đi vào khoảng 6 giờ sáng và cho đến giờ vẫn chưa biết bị giam giữ ở đâu.

Dân không phải là giặc

Ngay sau khi vụ việc ở Đồng Tâm xảy ra, nhà báo Nguyễn Đình Bổn đặt ra ba câu hỏi cho Nhà cầm quyền Hà Nội về vụ việc này trên trang facebook cá nhân:

Tôi giả sử rằng tôi chấp nhận đất người dân Đồng Tâm đang sở hữu cần thu hồi vì thuộc chủ quyền quân đội, vậy thì:

– Là một chính quyền, về nguyên tắc làm việc là công khai, minh bạch, có cưỡng chế thì cũng đến đọc lệnh ngay giờ hành chánh đó mới là chính danh (và tuân thủ luật pháp).

– Tại sao đánh úp dân vào đêm khuya với vũ trang hùng hậu? Hành vi mờ ám này phải giải thích ra sao? Dân đâu phải là giặc?

– Nếu đã không minh bạch, không chính danh thì nhân danh cái gì để lấy đất hay bắt nhốt người dân?

 

Cảnh sát cơ động được điều đến Đồng Tâm vào sáng ngày 9/1/2020
Cảnh sát cơ động được điều đến Đồng Tâm vào sáng ngày 9/1/2020 Courtesy of FB 

 

Nhà hoạt động Đinh Thảo chia sẻ về thông tin có ba cán bộ chết trong sự kiện này rằng:

Ai có chồng, con, anh, em,… đang tham gia đàn áp người dân Đồng Tâm thì xin hãy gọi, bảo bỏ súng xuống, về nhà đi, sắp Tết rồi.

Không làm cảnh sát nữa thì về làm công nhân, làm nông dân, đi kinh doanh,… kiếm sống.

Xin đừng bất chấp mạng mình, chối bỏ lương tâm để làm công cụ cho cá nhân hay thế lực nào. Xin hãy dừng tay, các anh có quyền từ chối làm điều trái pháp luật, vô nhân tính, vô đạo đức.

Các anh có quyền, vì các anh là con người!”

Giải pháp nào cho Đồng Tâm?

Luật sư Hà Huy Sơn, người không phải là luật sư đại diện cho người dân Đông Tâm, nói với RFA về giải pháp giải quyết vấn đề Đồng Tâm tốt nhất hiện nay là hai bên phải cùng dừng lại:

Theo tôi hai bên cần phải cùng dừng lại. Về mặt chính quyền thì cấp Trung ương phải đánh giá lại về vấn đề đất đai ở Đồng Tâm. Bởi vì, nếu không có lí do gì tại sao đa số người dân lại phản đối chính sách của chính quyền thành phố Hà Nội. Cần phải tìm ra nguyên nhân ở đâu. Cần phải xem xét cho đến tận cùng gốc rễ.

Thứ hai, chính quyền đang tổ chức lực lượng để xây bức tường ranh giới sân bay Miếu Môn. Theo tôi, đó cũng chưa phải dự án cấp thiết thì nên dừng lại để tuyên truyền, thuyết phục người dân hoặc bằng một biện pháp pháp luật. Tức là giải quyết bằng toà án thì sau đó hãy tiến hành để giảm căng thẳng giữa chính quyền và người dân Đồng Tâm.”

Bà Nguyễn Thị Tâm nhận định rằng vụ việc này cần phải có một cuộc đối thoại giữa các bên:

Vụ việc này phải có một buổi ngồi lại đối thoại giữa người dân và đại diện Bộ Quốc phòng cũng như chính quyền huyện Mỹ Đức. Phải ngồi đối thoại với nhau trên tinh thần thượng tôn pháp luật, bên nào đưa ra được bằng chứng có chứng cứ pháp lý để chứng minh thì đương nhiên lẽ phải phải thuộc về bên đó.”

Trong một diễn biến liên quan, ngay trong chiều ngày 9/1, các tổ chức Xã hội dân sự Việt Nam cùng kí tên trong bản “Tuyên bố Đồng Tâm 9/1/2020, với năm yêu cầu được đặt ra cho nhà cầm quyền Hà Nội:

1. Chấm dứt ngay việc dùng lực lượng vũ trang, dùng bạo lực dưới mọi hình thức.

2. Phải đưa người bị thương ở Đồng Tâm đi cấp cứu, không được ngăn cản người dân, báo chí đến đưa tin, giúp đỡ người dân Đồng Tâm.

3. Phải giải quyết vụ việc công khai minh bạch, thông qua trình tự pháp luật dân sự. Không hình sự hóa trong giải quyết dân sự về đất đai.

4. Phải trả lại quyền Tư hữu đất đai cho mọi người dân Việt Nam.

5. Phải khởi tố, trừng trị những kẻ ra lệnh cho lực lượng vũ trang đi đàn áp dân, những kẻ đồng lõa với các nhóm lợi ích trong tranh chấp dân sự.

Vào năm 2017, sau vụ cưỡng chế bất thành ở Đồng Tâm, Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Đồng Tâm về hai tội danh “bắt giữ người trái pháp luật’ và hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản”. Không có người dân Đồng Tâm nào bị bắt sau đó.

Những người dân Đồng Tâm từ đó đến nay vẫn khẳng định họ muốn đối thoại với chính quyền, đồng thời thề kiên quyết bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình dù có phải đổ máu.

Hôm 9/1, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) đã ra thông cáo kêu gọi chính quyền Việt Nam mở cuộc điều tra công khai và khách quan về vụ cưỡng chế đổ máu ở Đồng Tâm, đồng thời cho quan sát viên và các nhà báo quốc tế được tiếp cận Đồng Tâm. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết sẽ xem xét yêu cầu cho các nhà báo quốc tế đến Đồng Tâm.

 

 

 

Tuyên bố của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về vụ tấn công ở Đông Tâm

9-1-2020

LTS: Ngay sau vụ tấn công xảy ra ở Đồng Tâm, gây chấn động trên cả nước, chúng tôi có nhận được tuyên bố của của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Right Watch) về sự kiện này. Tiếng Dân xin được dịch bản tuyên bố như sau:

Trích lời của ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách Châu Á, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền:

“Sáng sớm ngày 9 tháng 1, cảnh sát đã dùng vũ lực chống lại các nhà hoạt động đất đai ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Có các báo cáo cho biết, một số nhà hoạt động này có thể đã sử dụng vũ lực chống lại cảnh sát. Kết quả là một thảm kịch xảy ra và một số trường hợp tử vong đã được báo cáo.

Các nhà chức trách Việt Nam phải mở một cuộc điều tra công bằng và minh bạch về sự kiện này, điều tra đến tận cùng những gì đã xảy ra, ai chịu trách nhiệm về bạo lực và liệu cảnh sát có sử dụng vũ lực quá mức hay không. Những người sử dụng bạo lực phải chịu trách nhiệm.

Việt Nam cũng nên cho phép các nhà báo, các nhà ngoại giao, các quan chức của cơ quan Liên Hợp Quốc và các nhà quan sát độc lập khác tiếp cận khu vực này ngay lập tức và không bị ảnh hưởng, để đánh giá những gì đã xảy ra và theo dõi cuộc điều tra của chính phủ về vụ việc này.

Tranh chấp giữa những nông dân địa phương và chính quyền Việt Nam liên quan đến đất đai ở khu vực Đồng Tâm đã là một vấn đề đang diễn ra trong nhiều năm qua. Tịch thu đất đai không công bằng và tùy tiện, đưa cho các dự án kinh tế, di dời người dân địa phương, là một vấn đề lớn ở trên đất nước này, trong hai thập kỷ qua.

Thuật ngữ “dân oan”, dịch theo nghĩa đen là những người phải chịu sự bất công, gần đây đã xuất hiện và được sử dụng phổ biến trong từ vựng tiếng Việt, cho thấy những vấn đề này đã trở nên phổ biến như thế nào. Các quan chức chính phủ Việt Nam cần nhận ra tầm quan trọng của việc thực hiện các cuộc đối thoại và đàm phán với nông dân để giải quyết tranh chấp đất đai, như vụ Đồng Tâm, một cách hòa bình, thay vì sử dụng bạo lực”.

Để biết thêm chi tiết, xin liên hệ với ông Phil Robertson tại RobertP@hrw.org

_____

Nguyên văn tiếng Anh:

Human Rights Watch statement on attacks in Dong Tam village, Vietnam – quote attributable to Phil Robertson, Deputy Asia Director, Human Rights Watch.

“Early in the morning of January 9, police used force against land activists in the Dong Tam commune, in My Duc district of Hanoi. There are reports that some of those activists may have used violence against the police. As a result, a tragedy occurred and several deaths were reported.

Vietnam’s national authorities must launch an impartial and transparent investigation of these events that gets to the bottom of what happened, who is responsible for the violence, and whether police used excessive force. Those who used violence should be held accountable.  Vietnam should also permit immediate and unfettered access to the area to local and international journalists, diplomats, UN agency officials and other impartial observers to assess what happened and monitor the government’s investigation of this incident.

The dispute between local farmers and the Vietnam government regarding land in the Dong Tam area has been an ongoing issue for years. Unfair and arbitrary land confiscation for economic projects, displacing local people, has been a major problem in the country for the past two decades. The term “dan oan”, which literally translates as people who suffer injustice, has recently emerged and received common usage in Vietnamese vocabulary, indicating how widespread these problems have become. Vietnam government officials need to recognize the importance of carry out dialogues and negotiations with farmers to solve land disputes like Dong Tam in a peaceful manner rather than using violence.”

For more details, contact Phil Robertson at RobertP@hrw.org

 

Đồng Tâm: Vì sao phải che giấu cuộc càn quét

Blog VOA

Nguyễn Hùng

9-1-2020

Khi truyền thông Việt Nam nhất tề đưa tin ngắn theo đúng thông báo của Bộ Công an về diễn biến mới nhất ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội, kết luận chính xác có thể đưa ra là đó mới chỉ là sự gây nhiễu thông tin pha chút ít sự thật.

Điểm chính trong thông báo của Bộ Công an, vốn cũng được trang Thông tin Chính phủ đăng lại, là:

“Trong quá trình xây dựng [tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn], sáng 9/1/2020, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 3 cán bộ chiến sĩ Công an hy sinh, 1 đối tượng chống đối chết, 1 đối tượng bị thương.”

Nhưng sự thật có đúng như vậy không? Theo một video được đăng tải trên Facebook, vụ “gây rối trật tự công cộng” thực tế lại do chính lực lượng công an gây ra.

Từ đêm ngày 8 và rạng sáng 9/1 đã có thông tin hàng ngàn công an, an ninh và cảnh sát cơ động đã tập trung cách Đồng Tâm vài cây số. Vụ tấn công quy mô vào xã xảy ra lúc khoảng 4h sáng khi nhiều nhà dân còn đang chìm trong giấc ngủ. Hơn nữa vụ việc cũng không xảy ra tại khu 59 héc ta đất tranh chấp ở đồng Sênh mà tại nơi cư trú hợp pháp của người dân.

Ngay cả trong bản tin của Bộ Công an cũng không nói gì về điều chỉ có thể coi là một vụ càn quét. Thông tin được đưa ra để người đọc hiểu là công an chỉ phản ứng khi người dân gây rối. Nhưng điều ngược lại đã xảy ra. Lực lượng công an đã liên tục bắn súng khi tiến vào Đồng Tâm. Họ cũng được cho là đã xịt hơi cay vào nhà cụ Lê Đình Kình dù trong nhà có cả trẻ em mới vài tháng tuổi.

Nếu chính quyền thực sự có chính nghĩa và không có gì để giấu giếm, họ đã có thể mời các phóng viên tới chứng kiến diễn biến đêm 8/1, rạng sáng ngày 9/1. Thay vào đó họ chặn tất cả các thông tin xác thực từ hiện trường. Anh Trịnh Bá Phương thậm chí bị những người mặc thường phục xông vào bắt khi anh đang tường thuật trực tiếp về tình hình Đồng Tâm. Chuyện chính quyền luôn dùng những lực lượng mặc thường phục mà người dân khó biết đó là công an đích thực hay đầu gấu, côn đồ cũng cho thấy họ ở gần với tà quyền hơn chính quyền.

Việc trang Thông tin Chính phủ đăng lại thông báo của Bộ Công an cũng cho thấy dường như có sự thống nhất trong chính quyền từ trung ương tới địa phương về chuyện càn quyét Đồng Tâm và trấn áp người dân. Điều này xảy ra bất chấp chuyện cả bí thư và chủ tịch Hà Nội đang là đích ngắm của chiếc lò chống tham nhũng và lạm quyền đang được kéo đi nhiều tỉnh thành.

Và trong khi chính quyền ra sức tuyên truyền về sự chính đáng trong các hành động của họ tại khu đất tranh chấp ở đồng Sênh, truyền thông lề trái cũng đưa ra những thông tin hoàn toàn trái ngược.

Trang Tạp Chí Mị Dân nói “sự thật Đồng Tâm cực kỳ đơn giản” và giải thích:

“Cánh đồng Sênh của xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức vốn gần 100 Héc ta.
“Phía bắc là huyện Chương Mỹ, phía Đông là đường Đồng Tâm đi Hữu Văn, phía Nam và Tây là đường tỉnh lộ DT429.

“Một nửa phía Đông (47,36 héc ta) bị tỉnh Hà Sơn Bình thu hồi, làm dự án sân bay Miếu Môn, năm 1981.

“Phần còn lại là nửa phía Tây (khoảng 50 héc ta) không bị thu hồi, dân Đồng Tâm tiếp tục canh tác bình thường, đóng thuế đầy đủ.

“Hai nửa này có tường xây, mốc bê tông do quân đội cắm từ 1981 đến nay, phân cách rõ ràng.”

Không chỉ có Tạp Chí Mị Dân nói chính quyền muốn đánh đồng hai nửa này để lấy đất của người dân. Và việc họ đưa cả ngàn quân tới càn quét nơi ở của dân Đồng Tâm vào lúc đêm hôm rồi la lên rằng người dân gây rối không làm cho chính quyền Hà Nội được thêm điểm nào về tính chính danh trong vụ này.

Biến cố Đồng Tâm: Ai soạn “kế hoạch 15 ngày quyết thắng?

Blog VOA

Trân Văn

9-1-2020

Xung đột giữa dân chúng xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội với lực lượng vũ trang Việt Nam vào rạng sáng ngày 9 tháng 1 đã dẫn đến kết quả hết sức thảm khốc: “Ba cán bộ, chiến sĩ công an hi sinh, một đối tượng chống đối chết, một đối tượng chống đối bị thương”. Đó là chưa kể những “đối tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng” bị “các đơn vị chức năng khống chế và bắt giữ” mà Bộ Công an Việt Nam không cho biết con số cụ thể (1). Thêm một lần nữa, nước mắt và máu lại chan hòa sau vô số những lời hoa mỹ!

***

Đầu thập niên 1980, chính quyền Việt Nam tiến hành thu hồi đất ở ba xã thuộc huyện Chương Mỹ (Mỹ Lương, Trần Phú, Đồng Lạc) và một xã ở huyện Mỹ Đức (Đồng Tâm) thuộc tỉnh Hà Tây (sau này được sáp nhập vào Hà Nội) để xây dựng phi trường quân sự Miếu Môn. Tuy nhiên kế hoạch xây dựng phi trường Miếu Môn chỉ tồn tại trên giấy, phần lớn đất đã thu hồi bị bỏ hoang và được các đơn vị quân đội được giao trách nhiệm quản lý cho dân thuê lại hoặc giao lại cho chính quyền địa phương để bán.

Năm 2014, Bộ Quốc phòng Việt Nam quyết định giao “đất quốc phòng” thuộc kế hoạch xây dựng phi trường quân sự Miếu Môn cho Viettel – một doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng. Khu “đất quốc phòng” được trao vào tay Viettel có cả 46 héc ta mà dân chúng xã Đồng Tâm đã nhận lại và canh tác trong hàng chục năm. Phản kháng bùng phát, dân chúng xã Đồng Tâm yêu cầu hệ thống công quyền phân định rạch ròi đâu là đất nông nghiệp, đâu là đất quốc phòng.

Thay vì đối thoại, hệ thống công quyền ở Hà Nội tổ chức trấn áp. Ngày 15/4/2017, sau khi công an bí mật bắt bốn người với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng”, dân Đồng Tâm phản công, bắt 38 người (bao gồm một số viên chức, sĩ quan công an huyện Mỹ Đức và cảnh sát cơ động của thành phố Hà Nội) rồi rào làng tử thủ. Dư luận rúng động. Không tiện dấn tới, hệ thống công quyền Việt Nam buộc phải thương lượng để dân phóng thích con tin, chính quyền thì trả tự do cho bốn người bị bắt…

Tuy nhiên hệ thống công quyền đã không thực thi nghiêm chỉnh cam kết xem xét cẩn trọng nguồn gốc đất cũng như tính hợp pháp của việc thu hồi 46 héc ta đất ở Đồng Tâm. Ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự bốn cán bộ huyện Mỹ Đức, mười cán bộ xã Đồng Tâm vì “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” (2), hệ thống công quyền bác bỏ toàn bộ chứng cứ mà dân chúng trưng dẫn, khăng khăng bảo rằng, 46 héc ta họ muốn thu hồi là “đất quốc phòng”…

Sau hai năm “thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước tới nay đối với đất ở khu vực sân bay Miếu Môn”, tháng 7 năm ngoái, Thanh tra thành phố Hà Nội tuyên bố, khu vực đồng Sênh ở xã Đồng Tâm không có đất nông nghiệp! Dân Đồng Tâm tiếp tục khiếu nại, Thanh tra của chính phủ Việt Nam khẳng định, kết luận của thanh tra thành phố Hà Nội hoàn toàn chính xác! Sau đó vài tháng, hệ thống công quyền bắt đầu điều động hàng loạt đơn vị quân đội đến xây hàng rào cho “sân bay Miếu Môn”!

***

Trước tháng 4 năm 2017 – thời điểm dân Đồng Tâm nổi loạn, bắt giữ con tin, rào làng để đòi xem xét, tôn trọng các quyền mà họ cho là hợp pháp và các lợi ích mà họ cho là chính đáng – nhiều viên chức hữu trách của chính quyền thành phố Hà Nội và Bộ Quốc phòng khẳng định, kế hoạch xây dựng “sân bay Miếu Môn” đã bị khai tử, việc thu hồi 46 héc ta ở đồng Sênh mà dân chúng Đồng Tâm khẳng định là “đất nông nghiệp” nhằm giao cho Viettel quản lý, sử dụng.

Có thể vì nỗ lực thu hồi đất đang có tranh chấp về nguồn gốc giữa dân và hệ thống công quyền để giao cho một doanh nghiệp, tuy là doanh nghiệp làm kinh tế cho Bộ Quốc phòng khó thuyết phục, dễ gây phản cảm nên gần đây, các viên chức hữu trách thi nhau lôi “sân bay Miếu Môn” ra khỏi mồ, dựng kế hoạch đã chết này đứng dậy như một lý do.

Dựa vào tin từ Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), một số cơ quan truyền thông loan báo, chiều 8 tháng 1, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam “đã đến thăm, động viên, tặng quà các đơn vị đang thi công công trình tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn”. Theo tin vừa dẫn, ngoài Lữ đoàn 543 Công binh 543 của Quân khu 2, tham gia xây dựng hơn 1.000 mét tường rào này còn có… Sư đoàn 312 và Sư đoàn 308 của Quân đoàn 1.

TTXVN cho biết, “các đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ về vật chất, phương tiện, điều kiện ăn ở dã ngoại, làm tốt công tác dân vận, đồng thời phát động phong trào thi đua ‘15 ngày hành động quyết thắng’, tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ đăng ký xung phong thực hiện nhiệm vụ…” và được tướng Phương khen là “đã thực hiện tốt công tác tư tưởng, xây dựng quyết tâm, động cơ thi đua cho bộ đội, thực hiện có hiệu quả công tác dân vận, thi công đảm bảo tiến độ, an toàn, hiệu quả”.

TTXVN nhấn mạnh: “Nhiều người dân trên địa bàn bày tỏ sự đồng tình với chủ trương thi công tường rào sân bay, đồng thời cho biết trước đây, do chưa hiểu thấu suốt chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng về bảo vệ đất quốc phòng, về nhiệm vụ xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn, họ đã có những lời nói, hành động chưa phù hợp, ảnh hưởng tới tình đoàn kết quân dân. Nay được quân đội – đặc biệt là bộ đội Quân đoàn 2, Binh chủng Công Binh – tuyên truyền nên nhiều người dân đã có nhận thức đúng hơn, hiểu rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước, quân đội và ủng hộ bộ đội hoàn thành nhiệm vụ” (3).

Tướng Phương đến thăm “công trình tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn” vào chiều 8 tháng 1 thì chừng mười tiếng sau, khoảng ba giờ sáng ngày 9 tháng 1, xung đột giữa dân chúng xã Đồng Tâm và lực lượng vũ trang bùng phát. Nếu TTXVN tường thuật trung thực, tại sao “nhiều người dân đã có nhận thức đúng hơn, hiểu rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước, quân đội và ủng hộ bộ đội hoàn thành nhiệm vụ” mà lực lượng vũ trang vẫn bao vây, tấn công thôn Hoành như lời một số nhân chứng tố cáo trên mạng xã hội?

Ai là người soạn – phê duyệt kế hoạch “15 ngày hành động quyết thắng”? Dân ở đâu trong kế hoạch dường như có sự phối hợp hết sức chặt chẽ này giữa quân đội và công an trong việc… trị dân, giành đất? Từ lúc nào “quyết thắng” trở thành chủ trương để giới lãnh đạo lực lượng vũ trang dốc toàn lực (một lữ đoàn của Quân khu 2, hai sư đoàn của Quân đoàn 1, kèm theo đủ loại công an, cảnh sát) để tân công lương dân, biến lương dân thành những “đối tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng” và đè cho bẹp dúm?

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen