Seite auswählen

Hàng không mẫu hạm Mỹ Theodore Roosevelt thăm Đà Nẵng: Tín hiệu gì cho VN và Trung cộng?

USS Theodore Roosevelt trên đường tới cảng Singapore năm 2015

Bản quyền hình ảnhROSLAN RAHMAN/GETTY IMAGESImage captionUSS Theodore Roosevelt trên đường tới cảng Singapore năm 2015

Ý kiến rằng hàng không mẫu hạm Mỹ thăm VN vào 5/3 cho thấy Mỹ xác quyết sự hiện diện trên Biển Đông, bất chấp động thái mới của Philppines, đồng thời đề cao vai trò của Việt Nam.

Chuyến thăm thứ hai của hàng không mẫu hạm Mỹ tới Việt Nam diễn ra ngay sau khi Tổng thống Phi Luật Tân cho hay đã chính thức thông báo với Mỹ về khả năng chấm dứt Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự (VFA), được ký từ năm 1988.

Quyết định này của Phi Luật Tân làm dấy lên lo ngại của các nước trong khu vực Đông Nam Á về sự thiếu vắng hiện diện quân sự của Mỹ trên Biển Đông trong khi Trung cộng ngày càng lấn lướt.

Trong tình huống này, chuyến thăm của tàu Mỹ tới Việt Nam đang gửi đi những thông điệp gì?

Đề cao vai trò của Việt Nam

USS Theodore Roosevelt

Bản quyền hình ảnhROSLAN RAHMAN/GETTY IMAGESImage captionUSS Theodore Roosevelt

Trả lời BBC qua email ngày 3/3, Giáo sư Carl Thayer từ Australia cho hay:

“Washington sẽ đàm phán riêng với Phi Luật Tân để ngăn chặn việc chấm dứt VFA. Thỏa thuận này cung cấp cơ sở pháp lý cho việc triển khai tạm thời các lực lượng quân sự của Hoa Kỳ tại Phi Luật Tân. Hàng không mẫu hạm Mỹ và các tàu chiến lớn khác thường xuyên đến Phi Luật Tân.”

“Nhiều khả năng Việt Nam chấp thuận chuyến thăm của hàng không mẫu hạm Mỹ trước khi có động thái nói trên của Phi Luật Tân. Nhưng nếu quan hệ với Phi Luật Tân xấu đi đến mức VFA bị chấm dứt, thì điều này sẽ nâng cao tầm quan trọng của việc Hoa Kỳ tiếp cận các cảng tại Việt Nam một cách thường xuyên nhằm củng cố sự hiện diện của họ trên Biển Đông.”

“Điều này đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi chính sách cho phép tàu nước ngoài cập cảng mỗi năm. Hoa Kỳ sẽ tăng cường nỗ lực vận động hành lang với Việt Nam để bảo đảm mục tiêu này.” Giáo sư Carl Thayer nhận định.

“Thật không may, việc Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ dự kiến diễn ra giữa tháng Ba đã bị hoãn. Như vậy là mất đi cơ hội để Tổng thống Donald Trump nêu ra vấn đề này một cách riêng tư với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người dự kiến sẽ tham dự cuộc họp này.”

“Các tài liệu về chính sách của Hoa Kỳ cũng xác định Việt Nam là đối tác chiến lược ưu tiên. Chuyến thăm của USS Theodore Roosevelt là một minh chứng cho cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực và sự hiện diện của nó ở Biển Đông được Việt Nam hoan nghênh.”

Nhắc lại chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson năm 2018, ông Carl Thayer cho rằng chuyến thăm thứ hai này của USS Theodore Roosevelt diễn ra sau cuộc đối đầu giữa Việt Nam và Trung cộng tại Bãi Tư Chính đã “nhấn mạnh một tuyên bố quan trọng trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 rằng Việt Nam sẽ xem xét phát triển quan hệ quân sự và quốc phòng phù hợp và cần thiết với các quốc gia khác”.

Tín hiệu tới Trung cộng

USS Theodore Roosevelt

Bản quyền hình ảnhSMITH COLLECTION/GADO/GETTY IMAGESImage captionUSS Theodore Roosevelt

Cũng theo Giáo sư Carl Thayer, trong hàng loạt tài liệu chính sách chiến lược, Hoa Kỳ đã xác định Trung cộng là đối thủ cạnh tranh chính. Năm 2019, Hoa Kỳ gay gắt hơn, cáo buộc Trung cộng bắt nạt và đe dọa ở Biển Đông.

Chuyến thăm Đà Nẵng của hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt cho thấy Hoa Kỳ đang thực hiện một trong ba mũi nhọn trong chiến lược quân sự của Hoa Kỳ, bao gồm: hiện diện thường xuyên của tầu tuần tra hải quân Mỹ, hiện diện thường xuyên của máy bay ném bom, và tự do hoạt động hàng hải, vẫn theo GS Carl Thayer.

“Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương Hoa Kỳ có chính sách lâu dài là tiến hành các cuộc tuần tra thường xuyên và liên tục ở Biển Đông. Chuyến thăm của USS Theodore Roosevelt là một ví dụ rằng chính sách này đang được thực hiện.”

“Hoa Kỳ đang chứng minh rằng họ sẽ bay và đưa tàu tới khu vực Biển Đông nơi luật pháp quốc tế cho phép. Đây là một thách thức trực tiếp đối với Trung cộng nhằm tìm cách đẩy các quốc gia nước ngoài ra khỏi vùng biển nằm trong đường yêu sách đường chín đoạn do họ tự vạch ra,” GS Carl Thayer phân tích.

Kế hoạch của USS Theodore Roosevelt tại Việt Nam

USS Theodore Roosevelt

Bản quyền hình ảnhMATT CARDY/GETTY IMAGESImage captionUSS Theodore Roosevelt

“Hướng dẫn báo chí do Bộ Ngoại giao Việt Nam ban hành vào cuối tháng Hai cho thấy Việt Nam muốn chuyến thăm sắp tới giữ ở mức ít chú ý.” Giáo sư Carl Thayer cho BBC hay.

Ông đơn cử việc hướng dẫn báo chí gửi đến các phóng viên tại Việt Nam chỉ đề cập đến chuyến thăm của tàu hải quân Hoa Kỳ chứ không nói là hàng không mẫu hạm.”

Hướng dẫn này cũng viết rằng các phóng viên ”được mời đến nghe các tuyên bố ngắn và đặt câu hỏi tại một cuộc họp báo nhanh” vào ngày 5/3, và “Thông tin về chuyến thăm này không được công bố cho đến khi có thông báo mới.”

Theo trang Kienthuc.vn, USS Theodore Roosevelt của Hải quân Mỹ cùng đội hộ tống bao gồm một tuần dương hạm và năm khu trục hạm đang thực hiện hành trình vượt Thái Bình Dương, sẽ cập cảng Đà Nẵng từ 5-9/3/2020.

Trong chuyến thăm lần này, ngoài biên đội hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt còn có liên đội máy bay số 11 của Không quân Hải quân Mỹ.

Đội tàu hộ tống trong biên đội của hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt bao gồm một tuần dương hạm lớp Ticonderoga – lớp tuần dương hạm duy nhất Mỹ đang sử dụng.

Trang này, trong bài viết hôm 3/3 cho hay thêm rằng: “Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đang làm việc với Bộ ngoại giao Việt Nam để chuẩn bị cho chuyến thăm, quyết định cuối cùng nằm ở chúng ta và vẫn chưa được đưa ra chính thức.”

Đây là chuyến viếng thăm thứ hai của một tuần dương mẫu hạm thuộc Hải quân Hoa Kỳ tới Đà Năng, Việt Nam.

Năm 2018, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng, trở thành mẫu hạm đầu tiên của Hải quân Hoa Kỳ ghé Việt Nam kể từ khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt năm 1975.

BBC (03.03.2020)

Căng thẳng: Trung cộng bắn tia laser vào máy bay Mỹ

Ngũ Giác Đài cáo buộc Trung cộng leo thang trong vấn đề Biển Đông khi Bắc Kinh bắn tia laser vào máy bay do thám Mỹ.

Khi Covid-19 đang thu hút sự chú ý của dư luận thể giới thì tại Biển Đông, Mỹ – Trung lại căng thẳng, gia tăng mối đe dọa đối với sự ổn định khu vực.

Trước đó, Ngũ Giác Đài tuyên bố một tàu chiến Trung cộng đã bắn tia laser quân sự vào máy bay do thám P-8 của Hải quân Hoa Kỳ trong khi phương tiện này đang thực hiện nhiệm vụ thường lệ ở khu vực Biển Đông.

Những tia laser như vậy có thể tạm thời làm mù phi công khi chiếu thẳng sâu vào trong buồng lái máy bay.

Tàu khu trục hải quân [Trung cộng]] hành động không an toàn và không chuyên nghiệp, Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố.  

Tuyên bố cũng nhấn mạnh, các loại vũ khí có thể gây ra tác hại nghiêm trọng đối với các máy bay và thủy quân lục chiến, cũng như các hệ thống tàu và máy bay.

Ngũ Giác Đài cũng cảnh báo Trung cộng có thể sẽ nhận sự đáp trả. Washington dự kiến ​​sẽ phản đối ngoại giao chính thức về sự cố này trong một vài ngày tới.

Vào năm 2018, các quan chức Mỹ cảnh báo rằng một căn cứ không quân của Trung cộng ở Djibouti có thể đã nhắm vào các máy bay quân sự của nước này bằng tia laser quân sự.

Sự cố laser chỉ ra khiêu khích mới đầy tiềm năng ở vùng biển tranh chấp, nơi cả Trung cộng và Mỹ đang xoay vòng trong cuộc cạnh tranh để giành quyền chỉ đạo.

Các nhà phân tích chiến lược hiện đang cân nhắc, liệu căng thẳng Mỹ-Trung có mở rộng ra, gồm cả cuộc chiến thương mại chưa được giải quyết và những cảnh báo trong bối cảnh cuộc khủng hoảng virus do Trung cộng gây ra, khiến tình hình Biển Đông leo thang.

Sự khiêu khích mới nhất của Trung cộng đã đi ngược lại nguyên tắc tự do hoạt động hàng hải (FONOP).

Năm ngoái, Mỹ đã tiến hành chín lần thực hiện FONOP ở Biển Đông, tăng năm lần so với năm 2018 và sáu trong năm 2017.

Vào tháng 1, Hàng không mẫu hạm USS Montgomery, đã thực hiện FONOP đầu tiên của Hoa Kỳ năm 2020,  trong phạm vi vài hải lý của Đá Chữ Thập do Trung cộng tuyên bố chủ quyền.

Tháng trước, Mỹ đã triển khai tàu khu trục tên lửa USS Wayne E Meyer trong phạm vi 12 hải lý của Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn, hai trong số những hòn đảo nhân tạo trên biển.

Đây là lần đầu tiên một tàu chiến Mỹ thách thức các yêu sách của Trung cộng trên Biển Đông.

Đại tá Li Huamin, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung cộng đả kích Hoa Kỳ vì hành động “bất chấp quy tắc và luật quốc tế ”. Ông cảnh báo Hoa Kỳ kiềm chế những hành động khiêu khích để tránh những biến cố không thể đoán trước được.

Ngoài ra, ông cũng cho biết, quân đội Trung cộng sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Ngũ Giác Đài đã nhanh chóng điều chỉnh FONOP, vốn gia tăng tần suất dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Reann Mommsen, phát ngôn viên của Hạm đội 7 Hoa Kỳ, khẳng định rằng tất cả các hoạt động trên tuân thủ theo theo luật pháp quốc tế và chứng minh rằng Hoa Kỳ sẽ bay, đi thuyền và hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

Vào tháng 7 năm 2016, một hội đồng trọng tài tại The Hague được thành lập theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã phủ nhận bản đồ đường chín đoạn của Trung cộng.

Trung cộng đã từ chối tuân theo phán quyết.

Anh Khoa lược dịch

Nguồn: https://asiatimes.com/2020/03/us-china-sea-tensions-on-a-precarious-lasers-edge/

Theo VNTB (03.03.2020)

Trung cộng đưa tàu ‘bao vây’ khu vực đảo Thị Tứ

https://image.thanhnien.vn/660/uploaded/thuymien/2020_03_02/thitu_vyvl_thumb.jpg

Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy tàu Trung cộng xuất hiện dày đặc gần đảo Thị Tứ

Hơn 100 tàu Trung cộng được cho đã xuất hiện gần đảo Thị Tứ kể từ đầu năm đến nay, theo báo Philippine Daily Inquirer hôm 2.3 dẫn lời Phó đô đốc Rene Medina, tư lệnh Bộ chỉ huy miền Tây của quân đội Phi Luật Tân (Wescom).  

Đảo Thị Tứ nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Phi Luật Tân kiểm soát. Và từ năm 2017, phía Phi Luật Tân tố cáo Trung cộng điều các tàu giám sát và đội tàu cá tới 3 doi cát mới nổi gần đảo Thị Tứ để ngăn chặn Phi Luật Tân chiếm giữ những thực thể này. 

Phó đô đốc Medina cho biết Wescom đã theo dõi được 136 tàu cá Trung cộng gần đảo Thị Tứ từ ngày 1.1 đến 25.2. 


Phía Phi Luật Tân đã tiến hành đếm số hiệu trên thân tàu để tính ra con số trên. 

“Ngày 7.2 đánh dấu số lượng tàu cá Trung cộng tập trung đông đảo nhất, với tổng cộng 76 tàu lộ diện ở doi cát rìa tây”, theo Phó đô đốc Medina.

https://image.thanhnien.vn/660/uploaded/thuymien/2020_03_02/thituphi_ivbr.jpg

Đảo Thị Tứ. Ảnh: Quân đội Phi Luật Tân

Wescom cũng phát hiện hai tàu hải cảnh của Trung cộng trong giai đoạn này, và một tàu của hải quân Trung cộng xuất hiện hồi tháng 2. 


Vào tháng 2 năm ngoái, Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) công bố một số hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung cộng triển khai nhiều tàu hải quân, tàu hải cảnh và tàu cá tới xung quanh đảo Thị Tứ từ khoảng tháng 7.2018, khi Phi Luật Tân tiến hành hoạt động xây dựng trên đảo này.

Theo Báo Thanh Niên (03.03.2020)

Bất chấp virus corona, Trung cộng đã tiến hành tập trận quy mô lớn ở Thái Bình Dương

Bildergebnis für sea

© Ảnh : U.S.Navy

Tất cả các tuần gần đây, tin tức từ Trung cộng có liên quan 99% với coronavirus – COVID-19. Dịch bệnh bắt đầu ở Trung cộng (gần 3 nghìn người đã chết ở đó), lan rộng khắp thế giới, trong đó số ca mắc bệnh vượt quá 85 nghìn người.

Sự hoảng loạn bao trùm cả các châu lục, thế giới không nhận thấy rằng trong một tháng rưỡi qua, Hải quân Trung cộng đã tiến hành tập trận ở Vịnh Đài Loan và Biển Đông, Piotr Tsvetov, chuyên gia phân tích của Sputnik viết.

Cảnh báo cho phe ly khai Đài Loan

Đầu tháng 1,  trong cuộc bầu cử ở Đài Loan, Đảng Dân chủ Tiến bộ đã giành chiến thắng và lãnh đạo của nó, bà Thái Anh Văn, một lần nữa trở thành người đứng đầu nhà nước không được công nhận. Dân Tiến Đảng cực lực ủng hộ nền độc lập của Đài Loan, điều này rõ ràng mâu thuẫn với đường lối nguyên tắc của Bắc Kinh về việc Đài Loan gia nhập Trung cộng đại lục. Bộ chỉ huy hoạt động phía đông của Giải phóng quân Nhân dân Trung cộng  đã giải thích các hành động của họ ở Vịnh Đài Loan, nơi máy bay quân sự của Trung cộng vượt qua đường trung tuyến: “Lực lượng độc lập của Đài Loan đã phớt lờ công lý quốc gia và tăng cường mong muốn độc lập.” Máy bay Giải phóng quân Nhân dân Trung cộng đã bay quanh đảo nhiều lần.

Tấn công  laser vào máy bay của Không quân Hoa Kỳ

Các cuộc diễn tập quân sự của Trung cộng ở Thái Bình Dương đã gây ra phản ứng tiêu cực từ đại diện của lực lượng hải quân Hoa Kỳ nằm trong khu vực. Người Mỹ không đặc biệt thích việc chùm tia laser vũ khí từ tàu khu trục Trung cộng đã nhằm hướng máy bay tuần tra của Không quân Hoa Kỳ. May mắn thay, không ai bị thương, mặc dù những tia như vậy có thể làm hỏng thiết bị và cả chính phi công bị ảnh hưởng.

Chính quyền Mỹ coi đây là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung cộng. Đại diện của quân đội Mỹ tuyên bố: hành động của tàu chiến Trung cộng đã vi phạm «Quy ước gặp không hẹn trên biển» (gọi tắt là CUES (Code of Unplanned Encounters at Sea)), “đặc biệt liên quan đến việc sử dụng tia laser có thể gây tổn hại cho nhân viên hoặc làm hỏng thiết bị”. Hành động này cũng không tương thích với các bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và Trung cộng về Bộ quy tắc ứng xử để đảm bảo an toàn trong các cuộc đụng độ trên không và trên biển.

Ưu tiên của Bắc Kinh là gì?

Trong khi các cuộc tập trận đang diễn ra ở eo biển Đài Loan, người đứng đầu Đài Loan, bà Thái Anh Văn nói rằng Bắc Kinh nên tập trung vào việc chống dịch bệnh coronavirus mới, thay vì đe dọa hòn đảo này.

Tất nhiên, trong bối cảnh tình hình phát triển ở Trung cộng, sẽ hợp lý hơn là nên sử dụng lực lượng vũ trang để chống lại mối nguy hiểm chính – dịch bệnh. Ví dụ, bảo vệ khu vực tâm chấn dịch bệnh. Hay có lẽ việc rút đội quân lớn xuống biển là để cách ly nhân viên quân sự khỏi ổ lây nhiễm?

Hoặc có thể ở Bắc Kinh, họ sợ rằng, khi nhìn thấy những khó khăn của đất nước do sự bùng phát của dịch bệnh coronavirus, một số người, ví dụ, những người ly khai ở Đài Bắc hoặc Tây Tạng, sẽ cố gắng tuyên bố độc lập, và Washington sẽ ủng hộ họ?

Sự cạnh tranh toàn cầu giữa Trung cộng và Hoa Kỳ mỗi ngày càng trở nên gay gắt  đang tạo ra những bức tranh ác mộng như vậy.

Theo Piotr Tsvetov

Sputnik (02.03.2020)

Tham mưu trưởng Liên quân Nhật Bản thăm Việt Nam

Đại tướng Yamazaki Koji, Tham mưu trưởng Liên quân Nhật Bản, và Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, tại Hà Nội hôm 2/3/2020.

Đại tướng Yamazaki Koji, Tham mưu trưởng Liên quân Nhật Bản, và Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, tại Hà Nội hôm 2/3/2020. Courtesy of VOV

Đại tướng Yamazaki Koji, Tham mưu trưởng Liên quân Nhật Bản, cùng các thành viên của đoàn quân sự nước này đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 1 đến 4/3.

Truyền thông trong nước loan tin hôm 2/3 cho biết vào sáng cùng ngày, phía Việt Nam đã tổ chức buổi lễ đón phái đoàn quân sự Nhật Bản tại trụ sở Bộ Quốc phòng ở Hà Nội

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đánh giá cao kết quả cuộc hội đàm vào sáng cùng ngày giữa Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao Việt Nam do Thượng tướng Phan Văn giang làm trưởng đoàn và Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao Nhật Bản do Đại tướng Yamazaki Koji làm trưởng đoàn.

Tại buổi hội đàm, Thượng tướng Phan Văn giang và Đại tướng Yamazaki Koji cho rằng quân đội hai nước đã triển khai hiệu quả trên cơ sở Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng hướng tới thập niên tiếp theo giữa Bộ Quốc phòng hai nước ký vào tháng 4/2018.

Hai phía khẳng định các đoàn tàu, máy báy của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản thường xuyên đến thăm, giao lưu với Không quân, Hải quân Việt Nam; cơ chế tham vấn sỹ quan tham mưu của ba quân chủng được duy trì và có hiệu quả.

Báo trong nước nói các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên môn của Việt Nam được hai nước phối hợp và triển khai tích cực.

Hướng tới tương lai, Việt Nam đề nghị Nhật Bản mở rộng loại hình đào tạo, tăng số lượng học bổng cấp cho học viên Việt Nam, đặc biệt là chuyên ngành kỹ thuật, công nghệ cao và tiếng Nhật.

Phía Việt Nam cũng mời các sỹ quan cao cấp của Nhật sang việt Nam dự các khóa học quốc tế tại Học viện Quốc phòng và học viên quân sự Nhật sang học tiếng Việt. Việt Nam cũng đề nghị triển khai liên kết đào tạo giữa học viện Kỹ thuật Quân sự, Trường sỹ quan thông tin Việt Nam với các trường đại học của Nhật Bản.

Một số lĩnh vực khác được đề xuất đẩy mạnh như y học dưới nước, tàu ngầm, cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ thảm họa, hỗ trợ nhân đạo, nâng cao chất lượng bệnh viện, công nghệ đóng tàu quân sự…

RFA (02.03.2020)

Việt Nam hợp tác đóng tàu quân sự với Nhật Bản

Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Đại tướng Yamazaki Koji cùng thành viên đoàn hai nước chụp ảnh chung.  © Ảnh : Dương Giang – TTXVN

Thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam – Nhật Bản

Tham mưu trưởng Liên quân Nhật Bản, Đại tướng Yamazaki Koji đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 1- 4.3.2020 gặp gỡ, trao đổi và thảo luận nhiều vấn đề quan trọng trong hợp tác an ninh quốc phòng quân sự giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Sáng 2.3, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, lễ đón Đại tướng Yamazaki Koji cùng các thành viên Đoàn công tác đã diễn ra trong bầu không khí trang trọng. Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao Việt Nam do Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã hội đàm với Đoàn đại biểu cấp cao Nhật Bản do Đại tướng Yamazaki Koji làm trưởng đoàn.

Nhìn lại quá trình hợp tác quân sự quốc phòng song phương thời gian qua, các đoàn tàu, máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã thường xuyên đến thăm, giao lưu với các đơn vị Không quân, Hải quân Việt Nam. Cơ chế Tham vấn Sỹ quan tham mưu của 3 quân chủng Lục quân, Hải quân và Không quân được duy trì thông qua các hoạt động tham vấn có hiệu quả.

Sự phối hợp, quân đội hai nước cũng tăng cường ủng hộ lẫn nhau giữa Việt Nam- Nhật Bản trên các diễn đàn đa phương, nhất là Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+).

Tại buổi hội đàm, hai bên cũng đề xuất một số nội dung hợp tác trong thời gian tới, trong đó có việc tiếp tục triển khai trao đổi đoàn các cấp và các cơ chế hợp tác đã thiết lập. Việt Nam đề nghị Nhật Bản mở rộng loại hình đào tạo, tăng số lượng học bổng cấp cho học viên Việt Nam, nhất là chuyên ngành kỹ thuật, công nghệ cao và tiếng Nhật. Đồng thời, Việt Nam mời các sỹ quan cao cấp của Nhật Bản sang tham dự khóa học quốc tế tại Học viện Quốc phòng và học viên quân sự Nhật Bản sang học tiếng Việt, đề nghị triển khai hoạt động liên kết đào tạo giữa Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trường Sỹ quan Thông tin của Việt Nam với Đại học Phòng vệ và các trường khác của Nhật Bản.   

Bên cạnh đó, hai bên cũng thống nhất xem xét đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực đào tạo chuyên môn về y học dưới nước, y học tàu ngầm, cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ trang thiết bị y tế, trang bị cứu hộ nạn nhân trên biển cho Hải quân Việt Nam, đưa các đoàn tàu, máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sang thăm Việt Nam.

Việt Nam và Nhật Bản cũng tăng cường hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học, y học quân sự, cùng chia sẻ kinh nghiệm về cứu trợ thảm họa, hỗ trợ nhân đạo, hợp tác, hỗ trợ về các nhóm giải pháp đồng bộ, nâng cao chất lượng quản lý bệnh viện, hiệu quả khám, chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật mới.

Việt Nam- Nhật Bản triển khai hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu

Điểm đáng chú ý trong cuộc hội đàm lần này giữa đại diện hai Bộ Quốc phòng Việt Nam – Nhật Bản chính là cam kết hai bên sẽ cùng triển khai hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu, chuyển giao các công nghệ ngành đóng tàu quân sự, hợp tác sản xuất các mặt hàng kinh tế, góp phần đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quân sự quốc phòng của hai nước.

Ngoài ra, phía Việt Nam còn đề nghị Nhật Bản hỗ trợ đào tạo chuyên gia kỹ thuật lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, tiếp nhận công nhân tay nghề cao sang làm việc tại Nhật Bản, cũng như chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng trong kinh tế thị trường.

Theo Sputnik (02.03.20209)

Hải quân Trung cộng bắn tia laser vào máy bay Mỹ

Tư liệu - Máy bay P-8A Poseidon của Mỹ trong một kiểm tra trước khi cất cánh vào ngày 23 tháng 10, 2019, ở Oak Harbor, bang Washington.

Tư liệu – Máy bay P-8A Poseidon của Mỹ trong một kiểm tra trước khi cất cánh vào ngày 23 tháng 10, 2019, ở Oak Harbor, bang Washington.

Hải quân Hoa Kỳ nói rằng một khu trục hạm của Hải quân Trung cộng đã bắn tia laser vào một máy bay tuần tra của Mỹ vào tuần trước trong khi phi cơ bay ngang qua Biển Phi Luật Tân, cách đảo Guam khoảng 600 km về phía tây.

Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố rằng một tàu Trung cộng đã bắn tia laser lên máy bay P-8A Poseidon của Mỹ một cách “không an toàn” và “không chuyên nghiệp,” trong khi chiếc P-8 đang hoạt động “trong không phận quốc tế phù hợp với các luật lệ và quy định của quốc tế.”

Hải quân Hoa Kỳ cho biết hành động của Trung cộng vi phạm Bộ Quy tắc về Các Cuộc Giáp mặt Không định trước trên Biển (CUES), một thỏa thuận đa phương đạt được vào năm 2014, và cũng không phù hợp với Bản ghi nhớ (MOU) giữa Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và Trung cộng về sự an toàn của các cuộc giáp mặt trên không và trên biển, tuyên bố cho biết.

Tia laser được ghi nhận bởi một cảm biến trên chiếc P-8A và không thể nhìn thấy bằng mắt thường.

“Các loại tia laser cấp vũ khí có thể có khả năng gây tổn hại nghiêm trọng cho các máy bay và thủy quân lục chiến, cũng như các hệ thống tàu và máy bay,” Hải quân Mỹ nói.

P-8A Poseidon được điều đến căn cứ không quân Kadena ở Okinawa, Nhật Bản, và thực hiện các hoạt động thường lệ, tuần tra trên biển và trinh sát trong khu vực hoạt động của Hạm đội 7 Hoa Kỳ.

VOA (29.02.2020)

Bộ trưởng Hải quân Mỹ cảnh báo mối đe dọa từ Trung cộng

Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Mỹ trong một nhiệm vụ trên biển. Ảnh: AFP.

Người đứng đầu Hải quân Mỹ cảnh báo Trung cộng đang trở thành một đối thủ đáng gờm, có thể vượt qua Mỹ trong 10 năm tới và yêu cầu tăng gấp đôi nỗ lực để duy trì ưu thế.

Mỹ sẽ không gặp vấn đề gì trong việc đánh bại Trung cộng trong một cuộc xung đột trên biển nếu có ở thời điểm hiện tại, nhưng tham vọng to lớn của Bắc Kinh cùng tốc độ đóng mới tàu chiến nhanh chóng biến Trung cộng thành đối thủ đáng gờm, một quan chức hàng đầu của Mỹ nói hôm 28/2, South China Morning Post cho biết.

Thomas B. Modly, Bộ trưởng Hải quân Mỹ, nói rằng để đối phó với quân đội Trung cộng và Nga ngày càng hiện đại hơn, hải quân cần thêm tàu đổ bộ, tàu hậu cần và máy bay không người lái tiên tiến và tập trung cải thiện tính hiệu quả trong nội bộ.

Bộ trưởng Modly cho biết hải quân Trung cộng đang tạo ra những bước phát triển nhảy vọt và đã trở thành một mối đe dọa thực sự trong vòng 10 năm tới. Không ai có thể ảo tưởng về mục tiêu của họ, Bộ trưởng Modly nói trong một cuộc hội thảo tại Viện Brooking ở Washington.

“Với môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, Mỹ cần tăng gấp đôi nỗ lực của mình để đi trước các đối thủ. Họ đánh cắp rất nhiều thứ từ chúng ta. Điều đó cho phép họ vượt qua chúng ta theo cách mà chúng ta chưa tìm ra cách đối phó. Khoảng cách công nghệ sẽ ngày càng gần hơn”, ông Modly nói.

Tổng thống Donald Trump đã ưu tiên tăng chi tiêu quân sự và kêu gọi mở rộng hạm đội tàu chiến lên 355 tàu, so với 295 ở thời điểm hiện tại. Tuy vậy, Bộ trưởng Modly cho rằng sẽ mất vài năm trước khi hải quân đạt được mục tiêu đó.

Hiện tại, 80% các tàu chiến của Mỹ sẵn sàng làm nhiệm vụ, nghĩa là 8 trong 10 tàu của hạm đội có thể phản ứng ngay lập tức trong một cuộc khủng hoảng, tăng so với 45-55% của 2 năm trước. Số ngày chậm tiến độ trong bảo trì là 900 ngày, giảm so với 1.700 ngày của năm 2018.

Hải quân cũng cần cải thiện công nghệ, vì phần lớn tàu chiến trong hạm đội đều có thời gian phục vụ từ 10-12 năm.

Zack Cooper, một nhà nghiên cứu tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho biết sự dẫn đầu của Hải quân Mỹ có thể vẫn còn trong một thập kỷ tới.

Bộ trưởng Modly nhấn mạnh hải quân cần tập trung phát triển phương tiện không người lái và trí tuệ nhân tạo để tiếp tục duy trì sự dẫn đầu về công nghệ. Một ưu tiên khác là đóng nhiều tàu nhỏ hơn, bao gồm tàu hộ vệ tên lửa.

Mặt khác, các tàu nhỏ hơn sẽ giúp phát huy hiệu quả trong các cuộc tập trận chung với nhiều quốc gia đồng minh và đối tác, những nước vốn thiếu các tàu chiến phù hợp với hạm đội hàng không mẫu hạm của Mỹ.

Theo Zing.vn  (29.02.2020)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen