Mục lục
Corona ở Anh: Nhà nhà bị quản thúc tại gia
15/04/2020
Nguyễn Hùng
Cuối tuần trước tôi và một nhóm bạn tụ tập “nhậu nhẹt”, dĩ nhiên là qua mạng. Chúng tôi dùng Zoom, cảnh báo luôn với quý vị là họ có đặt máy chủ ở Trung Quốc đấy nên chỉ nhậu qua mạng thì được, còn công việc thì hãy cảnh giác. Mỗi người chúng tôi ôm một ly, người uống gin, người uống vang, người thì bia. Mọi người kể cho nhau nghe tuần vừa rồi đi đâu, làm gì. Trừ những người làm ngành y, bán hàng ở siêu thị hay một số nghề chủ chốt khác, còn lại đi thì chỉ từ phòng khách ra phòng ngủ rồi ra bếp. Nếu may có vườn thì ra đó sưởi nắng vì thời tiết mấy ngày qua ở Anh khá đẹp.
Dịch corona này làm cho nhiều người thấu hiểu thế nào là quản thúc tại gia. Người Anh vẫn được ra đường tập thể dục ngày một lần và được đi mua sắm các mặt hàng thiết yếu. Nhưng hầu hết thời gian trong ngày là ở nhà. Đã có những cảnh báo về chuyện nhiều người bị trầm cảm, thậm chí muốn tự tử vì bỗng dưng chẳng còn được đi đâu. Số người gọi tới đường dây nóng dành cho những người bị bạo hành tại gia cũng tăng. Rồi người đăng ký nhận trợ cấp khó khăn cũng tăng tới cả mấy trăm ngàn. Mở thì nguy cơ chết có thể lên tới nửa triệu người ở Anh theo các nhà khoa học. Đóng chặt như hiện nay khả năng số người chết sẽ ở mức 20.000 người. Dĩ nhiên trong số nửa triệu người được dự đoán sẽ chết vì corona mới, nhiều người không có vi rút này cũng không còn sống được lâu nữa. Mỗi năm ở Anh có hơn 600.000 người tử vong vì các lý do khác nhau và năm nào cũng có chừng 10% người trên 80 tuổi qua đời. Quy luật sinh lão bệnh tử vẫn cứ như vậy dù có corona mới hay không.
Tuy nhiên một thống kê mới được công bố cho thấy số người chết ở Anh và Xứ Wales trong tuần tính tới 3/4/2020 là trên 16.000, tăng 6.000 so với con số trung bình của năm năm trước đó cho cùng tuần. Trong khi đó số người chết được đăng ký vì Covid-19 là gần 3.500, chiếm trên 20% tổng số người chết. Nhưng đây cũng chính là điều gây lo ngại vì số gần 2.500 người chết nhiều hơn so với thống kê trung bình cho năm năm trước đó là do đâu? Người ta ngờ rằng có nhiều người trong số đó chết vì vi-rút corona mới nhưng không được xét nghiệm để khẳng định. Con số người chết vì Covid-19 tại Anh cũng chỉ giới hạn trong thống kê từ các bệnh viện và cơ sở y tế. Nó không bao gồm số người chết có thể vì Covid-19 tại các trại dưỡng lão. Dữ liệu từ các nước bao gồm số tử vong vì Covid-19 tại các cơ sở chăm sóc người già như vậy tại Pháp và Ai-len cho thấy số người chết trong các nhà dưỡng lão ở hai nước tương ứng là 45% và 54% trong tổng số người chết vì Covid-19. Hiện đang có lo ngại Anh rồi có thể sẽ chỉ đứng sau Hoa Kỳ về số người chết vì vi-rút corona mới.
Trở lại bàn nhậu ảo nhưng rượu bia thật của chúng tôi, có hai người bạn tôi làm ở siêu thị nên họ vẫn phải đi làm. Một người làm quản lý nói cửa hàng lớn nhất của hãng anh tại trung tâm London thông thường mỗi tuần đón trên 36.000 khách giờ tụt xuống còn 12.000 trong khi doanh thu giảm từ nửa triệu bảng một tuần xuống chừng 300.000 bảng. Một số hãng xưởng của Anh đã sắp phá sản vì tình trạng đóng nền kinh tế như hiện nay. Có mô hình còn dự đoán kinh tế Anh sẽ teo tới 35% trong giai đoạn từ tháng 4-6 vì chính sách giãn cách xã hội hiện nay. Sẽ là khiếm khuyết nếu không có thống kê những người bị giảm tuổi thọ hay thậm chí chết vì giãn cách xã hội.
Nước Anh trong những ngày Covid-19 này làm tôi nhớ tới sự tê liệt của cả hệ thống mỗi khi tuyết rơi nhiều. Anh không phải là nước thường xuyên sống chung với tuyết nên họ không chuẩn bị gì cả. Xe xúc tuyết không có mấy và tàu cứ có tuyết là chạy như rùa hoặc nghỉ luôn. Với Covid-19, ngành y tế không được đầu tư đúng mức trong nhiều năm vẫn luôn căng thẳng vào mỗi mùa đông, giờ thêm Covid-19 càng thêm oải. Ngoài ra Anh cũng tự nhận là không có nền công nghiệp chẩn đoán bệnh tốt như Đức nên số người được xét nghiệm không đủ mức cần thiết. Trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên ngành y cũng thiếu. Thủ tướng Anh sau khi ra viện vì Covid-19 đã nói “không nghi ngờ gì NHS [hệ thống y tế Anh] đã cứu mạng tôi”. Hy vọng ông sẽ không nói đãi bôi và có đầu tư đúng mức cho ngành y tế.
Đức: ‘Cuộc chiến chính thức chống virus corona đã bắt đầu’
Vậy là mọi việc đã rõ ràng! Đã hơn 5 ngày rồi, ở Berlin của tôi “mệnh lệnh” được chuyển đến liên tục, kể cả cuối tuần (bình thuờng chúng tôi không làm việc những ngày ấy).
Không phải là hàng ngày nữa mà là hàng giờ có chỉ thị mới. Chúng tôi thuộc diện KHÔNG ĐƯỢC PHÉP NGHỈ trong công cuộc chống dịch này.
Từ ngày 18/3, NẾU KHÔNG CÓ GÌ NGHIÊM TRỌNG XẢY RA bọn tôi được/phải làm việc ở nhà. Tư vấn, huớng dẫn, trấn an, chỉ bảo, trao đổi, báo cáo, họp hội… tất cả phải làm qua điện thoại và video hết.
Nhưng nếu cần, vẫn phải đến nơi có “chiến sự” để giải quyết công việc. Đồng nghiệp của tôi có nhiều người già hơn tôi, có cả những người sắp về hưu sau cả đời cống hiến, có những bà mẹ trẻ có con nhỏ (từ 2 – 12 tuổi).
Nếu ở nhà không có người trông họ vẫn phải gửi con vào những nhà trẻ dã chiến, nhà trẻ tạm thời để đi làm nhiệm vụ.
‘Không ai được nghỉ’
Tất cả nhân sự đều không được nghỉ phép vào thời điểm này, từ sếp đến nhân viên, từ chuyên viên đến thư ký, kể cả lao công!
Các đồng nghiệp làm ở các trại thì luôn chuẩn bị tinh thần nếu có lệnh phong tỏa là phải ở luôn trong đó, còn hiện nay thì vẫn làm theo ca.
Làm nghề xã hội như chúng tôi không có chỗ cho lòng ích kỷ cá nhân, không có tâm, không có trách nhiệm không thể làm trong ngành này được.
Vì sự nguy hiểm của dịch bệnh này trong công việc chúng tôi cũng có sự chọn lọc, phân công rõ ràng. Những người thuộc nhóm dễ có nguy cơ lây nhiễm như tôi được ưu tiên (theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe) không bắt buộc phải ra tuyến đầu, nhưng trong chúng tôi vẫn có người tự nguyện xin làm việc ấy.
Nói dại chứ nhỡ đến lúc không còn người làm ở tuyến trước nữa thì những người ở tuyến sau cũng phải làm chứ ai cũng chỉ nghĩ đến mình thì toàn bộ hệ thống xã hội sập hết và rồi virus tự nó hết hay sao?
Cảm giác ra sao?
Mọi người hỏi cảm giác của tôi sao ư? Tất nhiên là có lo lắng, nhưng sợ thì không! Chúng tôi phải bình tĩnh để còn giải quyết công việc. Đây là lúc con người sống không phải chỉ vì mình nữa mà vì cả cộng đồng, vì cả loài người.
Chúng tôi chỉ là những người làm ở tuyến sau, trước mặt chúng tôi, đối diện trực tiếp với COVID-19 là những y, bác sĩ, nhân viên điều dưỡng, cứu thuơng trực tiếp cứu chữa, chăm sóc người đang nhiễm bênh.
Sau đó là những nhân sự làm trong các ngành công an, lái xe công cộng, các hiệu thuốc, cửa hàng thực phẩm, cả những người lái xe tải đang cần mẫn làm việc không nghỉ để chuyên chở đồ dùng, đồ ăn đang được tiêu thụ 1 cách chóng mặt cho các siêu thị.
Để làm được việc đó cho một thành phố hàng triệu dân như Berlin, một đất nước gần 100 triệu người như nước Đức là một nỗ lực phi thuờng!
Điều đáng buồn nhất
Đáng buồn là trong lúc chúng tôi đang dốc sức chống dịch cho tất cả chúng ta thì nhiều người vì không hiểu biết, vì sợ chết, vì tham lam đang mua vơ vét hét cả những gì có thể góp phần gây khó khăn cho những người đang làm nhiệm vụ.
Chúng ta chỉ nên mua hàng hóa đủ dùng trong 2 tuần, vì công việc chúng tôi không có thời gian mua bán khi tranh thủ đi cửa hàng được một tí thì nhiều thứ không còn nữa. Chúng tôi cũng chỉ bực mình vì không có để mua ngay thôi chứ không hề sợ hãi, bởi chúng tôi biết chỉ vài giờ sau hàng lại về rồi.
Riêng thành phố Berlin của tôi đã bãi bỏ lệnh cấm xe tải chạy vào cả trung tâm thành phố bất kể giờ nào đảm bảo luôn bổ sung các mặt hàng vừa hết để các siêu thị kịp thời phục vụ người tiêu dùng.
Chính quyền không đảm bảo được chuyện không để dân chết vì dịch bệnh nhưng họ hứa không để dân chết đói.
Tôi và nhiều người Đức tin rằng những người lãnh đạo đất nước sẽ làm được việc đó. Các bạn thử quan sát xem bao nhiêu phần trăm người Đức hoảng loạn, mua vơ vét dự trữ hàng hóa tích cóp cho cả mấy đời như một số người mà các bạn biết?
Nghịch lý đáng tiếc
Tiếc là nhiều người giờ được ở nhà, không phải đi làm như chúng tôi thì trong nhà đầy đủ, có khi thừa thãi khẩu trang, găng tay, nước diệt khuẩn… còn chúng tôi đi làm thì không đủ những thứ đó.
Không khẩu trang vì thực ra không trực tiếp tiếp xúc với người bệnh hoặc làm việc ở khu vực cách ly thì chưa cần đến. Phải để nhường cho bệnh nhân và những người khỏe đang làm ở tuyến 1 mà chúng tôi thấy như thế là rất đúng.
Kế cả bản thân tôi nếu phải làm việc ở đó khi chỉ còn một chiếc khẩu trang thì tôi cũng sẵn sàng nhường cho bác sĩ, bởi ông ấy cần hơn tôi.
Bác sĩ sống sẽ cứu được nhiều người còn tôi có sống cũng chỉ giúp được chứ sẽ không cứu được ai cả. Thế nhưng nhiều người còn tranh thủ kiếm chác trên tính mạng của bao nhiêu con người khác.
Họ mua những thứ đó để gửi về Trung Quốc, Việt Nam hoặc sau đó tung lên mạng bán với giá cắt cổ. Giờ dịch bùng mạnh quá thì họ bỏ của chạy lấy người, tháo thân mang virus về gieo rắc ở quê huơng.
Điều tệ hại nhất
Tệ nhất là tình trạng nước diệt khuẩn, cơ quan tôi đặt mua tiếp mà hiện nay chưa có vì phải ưu tiên cho các bệnh viện trong khi ở nhiều gia đình chứa sẵn hàng lít, giờ chẳng ra khỏi nhà nên cũng chẳng dùng đến.
Hy vọng trước khi nước diệt khuẩn trong kho của chúng tôi cạn thì các nơi sản xuất đã đáp ứng đươc. Chúng tôi biết rằng họ cũng đang tăng ca, tăng nhân công làm ngày, làm đêm để phục vụ nhân loại.
Thôi, vài dòng thế thôi. Hy vọng không xảy ra cái gì nhiều để tôi phải ghi nhật ký cá nhân thuờng xuyên. Còn nhật ký công việc thì dù không có cái đại dịch này chúng tôi cũng phải làm việc đó hàng ngày rồi. Chúc tất cả chúng ta bình an!
Tác giả, bà Lê Thị Hà An, cán bộ công tác xã hội, gửi cho BBC từ Berlin hôm 17/03/2020 trong một ghi chép nhanh giữa những giờ làm việc khẩn trương chống dịch tại Berlin, CHLB Đức. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Con gì có thể làm cho người Anh bớt phớt Ăng-lê, bỏ lê la từ quán nhậu này sang quán nhậu kia mỗi cuối tuần và hoảng loạn tới mức vét sạch đồ ăn ở siêu thị? Quý vị đoán hoàn toàn chính xác. Đó là con corona mới.
Quê hương thứ hai của tôi vẫn tỉnh bơ trước vi-rút corona khi tôi trở lại Anh từ thủ đô Kiev của Ukraina vào đúng ngày Phụ nữ Quốc tế 8/3 dù lửa dịch đã cháy bên Ý và số ca ở Anh đang bên bờ vực mất kiểm soát. Tôi đi chợ Costco, chuỗi siêu thị Hoa Kỳ ở Anh, thấy gạo đầy ra chẳng buồn mua dù nhà báo sắp hết gạo. Tôi phải tới nhà trọ cách ly nên không muốn vác theo gạo làm gì và cũng nghĩ là khi nào mua mà chẳng được.
Nhưng đời trong mùa corona đâu có như là mơ. Một tuần sau thôi, vào ngày 15/3, chợ Costco đã chẳng còn bao gạo nào. Khi tôi tới chợ, lần đầu tiên tôi phải xếp hàng dài chờ mới vào được vì nhà nhà đổ xô đi mua sắm. Costco là chuỗi siêu thị phải trả vài chục đô tiền phí hội viên mới được vào mua. Tôi đồ là trong những ngày qua có rất nhiều người trở thành hội viên mới. Hôm đó loại sữa không có chất lactose mà tôi thường mua cũng hết bay. Cuối cùng để có được bao gạo, mà không phải loại tôi hay mua, tôi phải ra siêu thị của người Trung Quốc mang tên Hoo Hing.
Trong tuần sau đó tôi phải đi chợ mua thêm một số thứ rau quả tươi. Siêu thị Tesco mà thỉnh thoảng tôi đi đã bắt đầu treo biển hạn chế số lượng mua. Cụ thể số lượng mỗi người được phép mua như sau:
Giấy vệ sinh: 1
Giấy lau miệng: 1
Sữa trẻ em: 2
Bỉm: 2
Giấy lau cho trẻ: 5
Gạo/Pasta: 5
Bột mì: 5
Sữa để được lâu: 5
Nước uống: 5
Giấy/kem/nước xịt diệt khuẩn: 5
Chất tẩy: 5
Tôi chia sẻ danh sách này trên Facebook và bạn tôi ở Việt Nam nói rằng thế là quá hậu hĩnh vì mỗi tuần bạn đi chợ mua không tới số lượng đó. Từ đó tới nay tôi chưa trở lại Tesco nhưng tôi đoán có lẽ họ đã giảm số lượng cho phép mua do cơn khủng hoảng nay đã dữ dội hơn nhiều. Thứ Bảy ngày 21/3, tôi tới chợ Lidl, chuỗi siêu thị Đức ở Anh, lúc đó là đầu giờ chiều chỉ để mua trứng, bánh mì và dầu ăn. Than ôi, thời không có corona nay còn đâu. Cả ba thứ đó đã được thiên hạ vét sạch cả rồi. Tôi ngao ngán nghĩ nếu các bác sỹ, y tá, các cụ già mà ra giờ đó thì chỉ có vác túi lép đi về.
Đi chợ Đức không cơm cháo gì, tôi lại băng qua đường hầm xuyên sông Thames tới Costco. Chợ Mỹ đó cách không xa nơi 39 đồng hương của tôi được tìm thấy trong công-ten-nơ hồi cuối năm ngoái. Chợt nhận ra vì con corona mà tôi đã tạm quên nỗi sợ mỗi khi nhìn thấy xe tải kéo công-ten-nơ.
Tới Costco, hàng người đã thưa. Có lẽ mọi người đều đổ đi chợ từ sớm vì sợ hết hàng. Quả nhiên trứng cũng đã hết. Thấy có loại gạo nhà hay ăn đã trở lại, tôi xách một bao, cộng thêm hai chai sữa loại 1,5 lít, hai gói há cảo gyoza của Nhật, một gói bánh mì loại về nhà nướng, một chai dầu rán, ít đồ tráng miệng và ra trả tiền. Mọi khi mua đến 10 bao gạo, vài chục chai sữa hay cả tá há cảo cũng chẳng sao. Nhưng thời corona rồi người ơi. Cô nhân viên tính tiền nhẹ hàng bảo tôi khi nhìn thấy hai chai sữa: “Cưng ơi, chỉ được một chai thôi. Bỏ lại một chai nhé.” Bên này người ta hoặc gọi khách hàng là “darling” hay “love”, cách gọi tình tứ của những người yêu thích nhau nhưng thực ra chỉ là tỏ vẻ thân mật chứ rõ là họ chẳng yêu gì tôi. Có khi trong bụng còn một bồ dao găm vì nếu không có những khách hàng như tôi thì họ đã được ở nhà trong thời Covid. Ở một số siêu thị cao cấp họ cũng gọi khách là “Sir” hay “Lady”, tức “Quý ông” hay “Quý bà”. Và dù gọi là gì thì mùa này mỗi người tới Costco cũng chỉ mua được một thứ thôi. Vị khách trước tôi mua ba miếng pizza được đóng trong một gói mà họ cũng bóc ra chỉ cho mua có một. Hai gói há cảo của tôi cũng phải bỏ lại một. Kể cũng hơi khắt khe vì nhà tôi bốn người, ăn một buổi sáng là gần hết gói há cảo. Chẳng lẽ tôi cứ hai ngày đi chợ một lần sao? Nhưng thế thời phải thế thời phải thế thôi.
Chính quyền Anh đã cam kết tung ra số tiền hàng trăm tỷ bảng, lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội của cả nước Việt Nam để đối phó với con corona mới. Họ cam kết sẽ trả tới 80% lương cho những người phải nghỉ ở nhà vì con covid để các công ty không sa thải nhân viên trong ba tháng và có thể là dài hơn tuỳ tình hình. Bộ trưởng tài chính gốc Ấn Rishi Sunak khẳng định nguồn hỗ trợ này là không giới hạn về ngân sách dù có giới hạn về mức lương tháng mà người lao động được trả tối đa là 2.500 bảng mỗi tháng. Đây là mức trên thu nhập trung bình ở Anh. Ngoài ra các công ty cũng được vay tiền mà không phải trả lãi suất hoặc được trợ cấp trong những tháng tới.
Từ chỗ coi thường covid, Anh giờ chuyển sang thái cực hoàn toàn ngược lại dù chưa tới mức mạnh như ở Ý chứ chưa nói tới độc đoán như Trung Quốc. Nếu như mức lây nhiễm ở Vũ Hán tăng chóng mặt vì chính quyền giấu dịch thì hàng ngàn người chết ở châu Âu có phần do chính quyền không tin rằng corona mới lại hoành hành đến thế. Nhưng cũng phải khẳng định lại rằng hầu hết những người tử vong là những người có hệ miễn dịch yếu vì đã có sẵn bệnh. Khi tôi viết những dòng này thì một thanh niên 18 tuổi ở Anh có sẵn bệnh đã qua đời. Trong khi đó danh ca opera 79 tuổi người Tây Ban Nha, Placido Domingo, nói sức khoẻ ông vẫn ổn định dù nhiễm covid. Con covid này chắc chắn đã làm nhiều người mất ngủ nên xin tạm biệt quý vị với ca khúc Nessun Dorma qua ba giọng ca trong đó có Domingo.
VOA
Nước Đức điềm tĩnh, người Việt vẫn hoang mang
Chống dịch bằng Chủ nghĩa Liên bang là cách tôi thấy Đức đang làm hiện nay. Nước Đức có chậm chạp trong khi người Việt ở đây lại hoang mang?
Với bảy người chết, hơn 3.000 người bị nhiễm virus corona tính tới thời điểm 13 giờ thứ Sáu, 13/03/2020, tại Đức kẻ hối hả đi mua đồ ăn dự trữ, người lại sửa soạn đi xem ca nhạc, bóng đá.
Nước Đức đầy mâu thuẫn trước và trong đại dịch virus corona?
Nếu thoáng nhìn thì như vậy, nhưng điều rõ ràng là chính quyền lấy khoa học làm định hướng.
Tuyên bố không cần ‘quyết liệt’?
“Tiêu chuẩn cho hành động của chúng ta là kết quả rút ra từ những gì các nhà khoa học và chuyên gia tuyên bố,” Thủ tướng Angela Merkel nói trong buổi họp báo cùng Bộ trưởng Y tế Jens Spahn hôm thứ Tư, 11/03/2020 tại Berlin.
Sự xuất hiện của bà Merkel bị không ít người Đức phê phán là quá muộn màng so với nguyên thủ quốc gia của một số nước khác. Bà Merkel quá thận trọng?
Quả thật những gì bà nói không có gì lạ so với các phát biểu, trả lời phỏng vấn của các nhân vật quan trọng trước đó từng nói nhiều lần. Đó là Bộ trưởng Spahn, GS. Viện trưởng Virus học Christian Drosten, GS. Chủ tịch Lothar Wieler của Robert – Koch Institut.
Chiến lược chống virus corona dường như được lãnh đạo Đức xác định rõ. Đó là…”câu giờ”.
“Virus corona càng lan chậm bao nhiêu, càng dễ cho hệ thống y tế của chúng ta xử lý bấy nhiêu.” “Càng ít người cùng lúc bị lây nhiễm, càng dễ cho việc cứu chữa các bệnh nhân nặng của các bác sĩ.”
Thế thôi ư?
Chúng tôi chờ đợi một tuyên bố mạnh mẽ, một hành động quyết liệt từ bà Thủ tướng như hồi 2015, nhiều người Đức lên tiếng.
Đâu rồi câu nói tự tin can đảm của bà Merkel “Wir schaffen das” tựa “we can”, trước làn sóng hàng triệu người từ vùng Trung Đông muốn xông vào Đức xin tị nạn ngày nào? Bà ấy sợ rồi chăng?
Tại sao mở cửa cho người tị nạn vào thì nhanh thế mà đóng cửa biên giới ngăn người Trung Quốc mang virus vào Đức, vào châu Âu lại khó thế?
Các cuộc tranh luận giữa các đồng nghiệp Đức của tôi, các cư dân Đức thuộc nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp, xuất xứ khác nhau nóng dần trên mạng xã hội, trên đường phố, nơi tôi là việc.
Sự kiên nhẫn tỏ ra mất dần ở không ít người Đức khi người ta chứng kiến những biện pháp cứng rắn, được đưa ra khá chớp nhoáng và có vẻ khá hiệu quả như các vị lãnh đạo ở Bắc Triều Tiên, Nga, Mỹ và cả Việt Nam.
Có cựu công dân của Đông Đức, Đông Âu bắt đầu nhớ tới những mệnh lệnh, những cái chỉ tay dứt khoát của các nhà lãnh đạo độc tài ngày xưa khiến cả đất nước răm rắp làm theo.
“Chúng tôi cần sự đánh giá tình hình nghiêm trọng của chính phủ. Chúng tôi muốn có những quyết định mạnh mẽ, nhanh chóng và sáng suốt…”
Nhiều tiếng nói nóng nảy đã phát ra. Sao chậm trễ, chủ quan như vậy?
Cũng rất dễ nhận ra số đông người Đức khác tỏ ra bình thản, thậm chí có phần hài hước.
Ông bác sĩ gia đình chìa tay ra chào tôi. Tôi bảo tốt hơn chỉ chạm khuỷu tay nhau cái thôi. Ông bảo hàng ngày gặp mấy chục bệnh nhân, có người ho khùng khục, nhưng ông không hề đeo khẩu trang và cho rằng dịch virus corona chỉ tệ hơn dịch cúm thông thường chút ít thôi. Berlin không vội được đâu.
Cuộc họp lãnh đạo tất cả các tiểu bang của Cộng hòa liên bang Đức vào chiều thứ Năm 12/03/2020 đã không đạt được kết quả thống nhất cho cả nước về một loạt các biện pháp khẩn cấp. Ví dụ: có nên cho đóng cửa đồng loạt các trường học, nhà trẻ không?
Trời! không làm thế thì nguy cơ lây lan khủng khiếp.
Không ạ! Đóng cửa trường học, nhà trẻ thì biết bao trẻ con sẽ cần bố mẹ phải ở nhà trông chúng, họ lại chính là các bác sĩ, y tá, cảnh sát, lính cứu hỏa, người giao hàng, chủ lò nướng bánh mỳ… và ai sẽ thay họ phục vụ cả xã hội?
Vả lại một trường học ở trung tâm Berlin, đa số học sinh chen chúc tới trường bằng tàu điện ngầm sẽ không giống như một trường học ở tiểu bang Thüringen trên miền núi, nơi dân cư thưa thớt và học sinh đến trường bằng xe đạp, đi bộ, đi xe buýt.
Vậy hà cớ gì đi đóng cửa các trường đó?
Và thế là chỉ cách nhau một hai chục cây số, diễn ra hai trận đấu trong khuôn khổ giải bóng đá Bundesliga ở hai tiểu bang, một trận “đá ma” không được phép có khán giả, còn trận kia với hơn 50 ngàn người tới xem, ngồi san sát, thả sức hò hét, phun nước miếng vào mặt nhau. Vì đâu có sự phi lý này?
Một cô sinh viên từ Việt Nam mới sang tròn mắt hỏi tôi.
Đang ngẫm nghĩ cách giải thích cho thật ngắn gọn, tôi bỗng buột miệng câu nói quen thuộc… “Tại cơ chế nó thế đấy”.
Đúng rồi, tại cơ chế. Cơ chế Liên bang hay Chủ nghĩa Liên bang (Föderalismus) là nguyên tắc vận hành của nhà nước Cộng hòa Liên bang Đức, vốn phát huy thế mạnh của nó, giúp Tây Đức xưa kia và nước Đức thống nhất sau này gặt hái nhiều thành công cho đến nay, trong đó quyền tự chủ, tự quyết của các tiểu bang được phát huy hết mức trong một quy định nào đó.
Ví dụ các tiểu bang tự quyết định chương trình giáo dục, nội dung sách giáo khoa cho riêng mình chẳng hạn. Điều đó cũng có nghĩa là các tiểu bang căn cứ vào tình hình thực tế của nơi mình mà quyết định có đóng cửa trường học, nhà trẻ, các sân vận động hay không.
Liên bang chỉ có thể kêu gọi, đưa ra lời khuyên, không quyết định thay các tiểu bang.
Cho tới đêm thứ Năm, 12/03, bà Merkel họp báo vẫn chưa đưa ra được sự thống nhất hoàn toàn với lãnh đạo các tiểu bang.
Chủ nghĩa Liên bang “Föderalismus” của Đức đang bị thử lửa trong vụ đại dịch virus corona này.
Liệu nó có phải là trở ngại cho cuộc chiến chống đại dịch hay không? Khá nhiều người Đức, trong đó có cả cựu Thủ tướng Gerhard Schröder băn khoăn.
Trả lời những câu hỏi móc máy của một số nhà báo về đề tài này, bà Merkel giải thích: “Chủ nghĩa Liên bang không phải là để người ta đẩy trách nhiệm xuống các địa phương cho nhẹ gánh mà là cho các địa phương được quyền thực hiện tại chỗ trách nhiệm của mình. Chúng tôi đang làm việc theo đúng luật”.
Một quan chức ngành tư pháp của Đức đã nổi cáu trả lời các nhà báo rằng, bây giờ là lúc lo chống dịch, không phải lúc để bàn cãi về “Föderalismus”.
Người Việt nghĩ khác người Đức?
Không ít người Việt bắt đầu làu bàu, bảo Đức, Anh, Pháp hãy qua Việt Nam mà học cách chống dịch.
Tôi chợt nhớ lần đầu tiên cưỡi máy bay sang châu Âu vào những năm 80 thế kỷ trước.
Tôi đã ngỡ ngàng như thế nào trước hướng dẫn của nhân viên hàng không, trong tình huống khẩn cấp hãy chụp ống thở ô xy cho người lớn trước rồi tới trẻ con, rất mâu thuẫn với thói quen luôn ưu tiên người già, trẻ em mà tôi từng được dạy. Nếu không làm vậy, bị ngạt thở thì người lớn đâu còn cứu được những đứa trẻ, đó là lý do.
Bữa ăn ngày xưa của gia đình Đức thường dành phần ngon, bổ cho ông bố để ông ấy có sức đi cày nuôi sống cả gia đình.
Trong ý kiến của các nhân vật cầm lái quốc gia, tôi luôn thấy có sự cân nhắc rất thận trọng giữa việc hạn chế các hoạt động của xã hội để tránh dịch lây lan nhưng làm sao để kinh tế, đặc biệt các lĩnh vực then chốt không bị ảnh hưởng nặng nề.
Kinh tế suy sụp, lấy gì để chi phí, cung cấp thiết bị hàng hóa cho chống dịch trong một thời gian dài, chưa nói đến các mục tiêu chiến lược dài hạn của một quốc gia đang là đầu tầu kinh tế cho cả khối EU?
Chủ tịch câu lạc bộ bóng đá FC Union Berlin mong muốn trận đấu giữa đội của ông với đội FC Bayern München nổi tiếng vào thứ Bảy, 14/03 tại Berlin vẫn diễn ra với khoảng 22 ngàn vé đã bán hết, tuyên bố thách thức và mỉa mai rằng, “nếu Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức không khuyên dây chuyền sản xuất xe hơi BMW dừng lại thì cũng đừng khuyên chúng tôi ngừng tiến hành trận đấu bóng đá”.
Bao người Việt quanh tôi lắc đầu ngao ngán, Berlin phen này “toang” mất thôi.
May sao dư luận xã hội và những cái đầu tỉnh táo cuối cùng đã quyết định cho phép… “đá ma”, tức thi đấu không khán giả.
Mặc cho Bộ trưởng Y tế khẳng định hệ thống cung ứng thuốc men của Đức không bị phụ thuộc hoàn toàn vào một quốc gia khác, chẳng hạn như Trung Quốc, Ấn Độ, hàng loạt cơ sở sản xuất vừa và nhỏ của Đức đã nhanh chóng tái khởi động để bù đắp nhanh chóng sự thiếu hụt thuốc men, trang bị y tế cho Đức.
Tuy nhiên, một phụ nữ có có trọng trách trong ngành phân phối dược liệu Đức đã phẫn nộ trước các phóng viên truyền hình: không thể như thế này mãi được. Để chiến thắng châu Âu, Trung Quốc đâu cần đến vũ khí nguyên tử, họ chỉ cần ngưng cung cấp dược liệu, thuốc men cho chúng ta là xong.
Mua vét, tích trữ hàng hóa quá mức cần thiết, phòng tình huống bị cô lập cách ly như Vũ Hán là phản xạ của số đông những người có nguồn gốc nhập cư, trong đó có nhiều người Việt Nam.
Kinh nghiệm của những năm tháng gian khó xưa kia đã thôi thúc họ điều này?
Thái độ tưng tửng, dửng dưng, cái nhìn mỉa mai của nhiều người Đức đã phần nào hãm bớt sự lo lắng, mua sắm hung hãn của không ít người Việt.
Một phụ nữ Đức nhếch mép: sao người ta chỉ chăm chú mua mỳ, gạo, giấy vệ sinh mà không mua thêm bình xịt lau cửa kính? Nếu bị hãm lâu ngày trong nhà mà không lau cửa kính lấy ánh sáng, đồng thời vận động hít chút khí trời thì thật tệ.
Một phụ nữ trẻ gốc Việt đặt câu hỏi, có nên mua tích trữ bao cao su không, kẻo trong mùa dịch ở nhà cách ly, khối cặp đôi sẽ “vỡ kế hoạch”.
Một thanh niên thuộc thế hệ thứ hai người Việt bức xúc, mới có thế này thôi mà người ta đã sẵn sàng đạp lên nhau để giành lợi thế, chỉ biết thoát thân một mình thôi sao?
Ý thức vì cuộc sống chung ở đâu? Những người không muốn, không có khả năng mua tích trữ đồ ăn chắc sẽ chỉ còn đường chết đói?
Hiện tượng lợi dụng mùa dịch để kiếm chác đương nhiên xuất hiện. Lời chào bán lại khẩu trang, bình xịt sát trùng được rao bán đó đây trên mạng trong giới người Việt.
Hàng “chiến lược” này cũng được mua gom đánh về Việt Nam bán thu lời.
Đột nhiên lệnh cấm xuất khẩu trang bị bảo hộ y tế của Đức đưa ra, ai vi phạm sẽ bị phạt rất nặng.
Làm gì với số hàng đã tích lũy? Bán rẻ, cho, tặng, “làm từ thiện”, nhưng không khéo bị phát hiện là rất phiền đấy.
Nếu như xử sự với truyền thông ra sao là vấn đề không nhỏ của người Đức thì nó đặc biệt lớn đối với người Việt.
Một khối người Đức lo lắng thái quá liền bị chế nhạo là “nạn nhân của truyền thông”, truyền thông bị cho là hay thổi phồng tình hình, gây sợ hãi để làm lợi cho một ai đó.
Ngược lại khối người tưng tửng, dửng dưng với đại dịch cũng lại bị cho là nạn nhân của truyền thông, họ bị phản ứng ngược, chẳng tin những cảnh báo của truyền thông, những khuyến cáo của các chuyên gia, quan chức vì họ cũng cho rằng đó chỉ là để phục vụ, làm lợi cho một ai đó.
Đây là dịp hiếm có tôi được chứng kiến những trao đổi hết sức nghiêm túc của giới làm báo chuyên nghiệp Đức xoay quanh câu hỏi: đưa tin như thế nào là đúng đắn, thích hợp trong thời điểm nhạy cảm hiện nay?
Cũng dễ hiểu thôi, virus corona không phân biệt người giàu người nghèo, cộng sản hay tư bản, châu Á hay châu Âu. Mối đe dọa đối với người làm báo, gia đình họ cũng y chang như đối với những người mà họ muốn truyền thông tin.
Cộng đồng người Việt ở Đức thực sự gặp khó về thông tin.
Truyền thông tiếng Việt ở Đức có thể nói là yếu, không có đài truyền hình, đài phát thanh riêng. Báo chí tư nhân chỉ gồm một số trang tư nhân một mình một ngựa, “tổng biên tập” kiêm đánh máy, xào nấu lại những gì nhặt nhạnh được trên mạng.
Một “Nhóm người có uy tín trong cộng đồng”, “Câu lạc bộ nhà báo” đầu tiên ở hải ngoại mới thành lập với sự ủng hộ của Đại sứ quán Việt Nam ở Đức, được tập hợp bởi hầu hết những người còn đang đầu tắt mặt tối với việc sinh nhai, khả năng tiếng Đức rất hạn chế, một số đi công sở có khi còn phải cần có phiên dịch đi kèm thì mong muốn thông tin cho bà con là việc làm quá sức của họ.
Nguồn thông tin từ trong nước qua các trang mạng từng là cứu cánh trong thời gian đầu đã dần dần mất đi vai trò đối với rất nhiều người Việt nơi đây. Tin tức về bệnh nhân Covid-19, mang số 17, 21 gì đó ở Việt Nam, chuyện riêng tư của ông T. cô N. đâu có giúp gì cho người Việt ở Đức?
Thiếu thông tin thực tế nơi mình đang sống, không đủ tiếng Đức để hiểu truyền thông Đức đang nói gì, không ít người Việt bắt đầu quay sang trách móc các tổ chức hội đoàn người Việt, “giới tinh hoa” người Việt.
Đâu rồi các vị giáo sư, bác sĩ, tiến sĩ, kỹ sư, phiên dịch viên, các cây viết có tên tuổi từng học hành ở Đức? Vì sao họ lại im lặng như vậy?
Đây đáng ra phải là dịp để họ chứng minh cái sự được học hành của họ, vai trò có ích của họ trong xã hội dân sự, trong cộng đồng người gốc Việt ở Đức chứ.
Nhiều người bức xúc.
Vậy là các “nhà báo quần chúng tự phát” xuất hiện như nấm với đủ các loại tin tức không hiểu lấy từ đâu ra. Họ truyền nhau đủ các loại tin tức kỳ quặc, các mẹo chống virus vũ Hán bằng tỏi, xì dầu, uống nước, phơi nắng (giữa mùa đông) hoặc họ dịch vội vàng mấy cái tin từ báo lá cải Đức bằng công cụ dịch “gu gồ”, câu chữ sai bét nhè rồi chuyển cho nhau xem. Bằng mọi cách để tồn tại mà.
Bàn luận mạnh nhưng không hoảng loạn
Trở lại vấn đề chung của cả nước Đức. “Loạn thông tin” tồi tệ, nguy hiểm không kém virus corona đối với không ít người Việt ở Đức.
Thật may là số đông người Đức và người Việt vẫn giữ được bình tĩnh. “Cảnh giác nhưng không hoảng hốt” là lời kêu gọi chung cho cả nước.
Thời gian đã gấp gáp nhưng Đức cũng cần thời gian để cầm cự cho virus yếu dần, cho ngành y tế chuẩn bị đủ sức để chống chọi với dịch bệnh, cho mọi hoạt động kinh tế, xã hội không bị tê liệt, không “toang”.
“Whatever It Takes” đã xuất hiện trên cửa miệng của nhiều người có trách nhiệm.
Thủ tướng Merkel đã đánh giá, đại dịch virus corona nghiêm trọng hơn khủng hoảng tài chính năm 2008 nhiều và là vấn đề được ưu tiên giải quyết hàng đầu của chính phủ Đức hiện nay.
Liên hệ rộng ra, có ý kiến phê phán rằng các nước thành viên của EU cũng không có sự phối hợp tốt với nhau trong cuộc chiến chống đại dịch Coronavirus. Mỗi nước một kiểu khác nhau. Liên minh EU cũng giống như nước Đức phóng to ra?
Cư dân mạng ở Đức đang bàn luận sôi nổi.
Đại dịch virus corona chắc chắn sẽ để lại tổn thương không nhỏ cho nước Đức và người dân nước này, nhưng đây sẽ là dịp không chỉ có Chủ nghĩa Liên bang “Föderalismus”, ngành y tế Đức, kinh tế Đức, chính quyền của bà Merkel mà cả xã hội Đức có cơ hội được trắc nghiệm lại mô hình hoạt động của đất nước mà họ đã có từ nhiều năm nay.
Bài thể hiện cách nhìn riêng của nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng, sống tại Berlin.
Quan sát của người Việt ở London về cách Anh chống Covid-19
Người Anh có xu hướng làm mọi thứ sau khi nghiên cứu kỹ, và nghiên cứu dựa trên số liệu cũng như tình hình thực tế.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã hai lần họp COBRA về virus corona.
Họp COBRA tức là họp về những vấn đề khẩn cấp, cực kỳ nghiêm trọng của đất nước như khủng bố, khủng hoảng kinh tế, an ninh quốc gia… và dịch bệnh lây lan tất nhiên rồi. Điều này chứng tỏ chính phủ Anh không hề coi nhẹ Covid-19.
Sau mỗi cuộc họp, ông béo như Bao Công (mỗi cái là không đen) đều ra cập nhật tình hình và trả lời báo chí.
Quan trọng nhất, luôn có Triển Chiêu và Công Tôn Sách đứng ở hai bên. Triển Chiêu là Chief Medical Officer Chris Whitty (cố vấn về các vấn đề y tế) và Công Tôn Sách là Chief Scientific Adviser Patrick Vallance (cố vấn về các vấn đề khoa học). Các câu hỏi của báo giới đều do hai người này trả lời vì họ có chuyên môn.
Về phương pháp luận: Họ quan sát, thu thập số liệu, lập mô hình và nghiên cứu để ra kết luận. Họ cũng tập trung không chỉ các nhà khoa học, chuyên gia y tế công, chuyên gia về dịch mà còn các nhà toán học và thống kê.
Vậy kết luận là gì:
(1) Coronavirus là không thể tránh được, mức độ lây lan rất nhanh -> xác định sống chung với lũ thôi nhất là trong hoàn cảnh nước Anh đang giao lưu rộng rãi với thế giới.
(2) Nhưng dù sao đây là ‘lũ nhẹ’ với tỷ lệ tử vong thấp, chủ yếu ở nhóm người có sức đề kháng yếu như người già + có tiền sử bệnh. Điều này cũng phù hợp với số liệu “81% bệnh nhân không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ. Chỉ 14% có thể bị viêm phổi nặng và 5% có thể nguy kịch hoặc tử vong.” do nhà vi trùng học Ignacio López-Goñi từ Đại học Navarra, Tây Ban Nha, nhận định.
Thực ra có muốn kiểm soát cũng không kiểm soát nổi. Hôm qua Boris Johnson có kết luận cực kỳ đanh thép: “Dựa vào những gì đang diễn ra trên thế giới, các nhà khoa học của chúng ta nghĩ rằng chỉ dùng mỗi các biện pháp ngăn chặn lây lan thì sẽ gần như chắc chắn là không có tác dụng.” (Watching what has been happening around the world, our scientists think containment is extremely unlikely to work on its own).
Vậy họ xác định làm gì?
1) Các cơ quan y tế công ở Anh vẫn sẽ cố gắng hết sức có thể để ngăn chặn sự lây lan vì virus này ảnh hưởng đến người già và người có tiền sử bệnh và muốn đẩy đỉnh dịch sang tháng 4 (xem ý 3 ở dưới). Nhưng họ không cố gắng bằng mọi giá vì các biện pháp bế quan tỏa cảng, đóng cửa… rất tốn kém và thiệt hại kinh tế.
Họ sẽ chỉ dùng các biện pháp mềm là khuyến khích mọi người hạn chế di chuyển, làm việc ở nhà nếu được, rửa tay thường xuyên… và đáng chú ý là nếu nghĩ mình có bệnh thì không nên đến bệnh viện để tránh lây nhiễm chéo. Lý do: Kết luận (1) và (2) ở trên.
2) Họ ưu tiên nguồn lực cho người già và có tiền sử bệnh. Hệ thống y tế quốc gia (NHS) của UK cũng đang rất là quá tải vì tháng 1-3 là tháng cao điểm về bệnh tật ở Anh trong năm.
Một lượng người ồ ạt kéo đến các bệnh viện NHS sẽ chỉ làm trầm trọng hơn vấn đề, dịch bệnh lây lan nhanh hơn, chứ chẳng giải quyết được vấn đề gì. Những người trẻ tuổi, khỏe mạnh mà bị nhiễm coronavirus thì nên tự ở nhà để nhường chỗ cho những người có sức đề kháng yếu.
Lý do: Kết luận (1) và (2) ở trên.
3) Các nhà khoa học dự báo đỉnh dịch ở Anh sẽ là trong 1-2 tuần tới, tức là Anh sắp ‘toang’ như Ý.
Nhưng chính phủ họ đang cố gắng hết sức đẩy đỉnh dịch sang tháng 4 hoặc tốt nhất là mùa hè khi NHS có nhiều nguồn lực hơn để đối phó với tình hình.
Không tránh được thì phải giảm thiểu thiệt hại xuống mức thấp nhất có thể. Đây là phase 4 (mitigating) trong kế hoạch hành động của Chính phủ Anh. Trong lúc này CP cũng đang âm thầm tuyển người, mua sắm trang thiết bị, đầu tư cho cơ sở vật chất để ứng phó với đỉnh dịch.
4) Chính phủ Anh hiện đang tập trung rất nhiều vào nghiên cứu để cho ra vắc-xin (để phòng) và kháng virus (để chữa).
Thấy bảo các nhà khoa học Anh rất quyết tâm cạnh tranh với các phòng thí nghiệm khác trên thế giới để về nhất nội dung chạy marathon này.
Một số phòng thí nghiệm đã bắt đầu tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm sau khi đã và đang thử nghiệm trên động vật từ tháng 2 đến nay. Cơ chế chính sách duyệt nhanh vắc xin thì đã có từ hồi Ebola cách đây bốn năm, chứ không còn lê thê như trước đây.
5) Kiểm soát thông tin. Google, Facebook, Twitter đã phải chỉnh thuật toán theo yêu cầu của chính phủ Anh. Tìm từ khóa liên quan đến coronavirus sẽ ra hiện kết quả từ NHS hoặc WHO trước để người dân được tiếp xúc với thông tin chính thống trước. Tin fake cũng đang bị thanh lọc.
Việc cần làm khi có bệnh là?
Bình tĩnh. Theo dõi các triệu chứng. Nếu thấy khớp với các triệu chứng thì gọi 111. Gọi 111 xong thì họ sẽ hỏi rất nhiều câu hỏi để chốt lại xem có cần test không.
Bôm nhà mình tuần trước sốt hôm thứ Tư, ngày hôm sau đỡ hơn, thứ Sáu đỡ hơn nữa. Thứ Bảy ok đi sinh nhật bạn. Chủ Nhật ổn, đi bơi trở lại. Thứ Hai đi học lại bình thường và lúc mình đang viết bài này hôm nay thứ Ba 10.03.2020 cu cậu cũng đang ở trường.
Hôm thứ Sáu mình có gọi cho 111, nói các triệu chứng, họ bảo đừng panic (hoảng hốt), con mày có các triệu chứng của sốt bình thường ở trẻ con, cứ theo dõi tiếp, nếu tình hình xấu đi thì gọi lại, nếu tốt lên thì cứ yên tâm.
Kết luận
Mỗi nước có một đặc thù về kinh tế, chính trị, xã hội nên các nhà quản lý, khoa học, dịch tễ học sẽ có phương pháp nghiên cứu, kết quả nghiên cứu và chiến lược hành động khác nhau. Nước Anh đang giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh, có tình có lý (dựa trên sức mạnh tổng hợp của nghiên cứu khoa học).
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một người hiện đang sống và làm việc tại London. Bài được đăng trên trang Facebook cá nhân, và được đăng lại theo sự đồng ý của tác giả.
Virus corona: Nước Pháp gắng sống xứng tầm thử thách
Từ ngày 17/3, nước Pháp bước vào ngày đầu tiên của một cuộc chiến tranh mới.
Một cuộc chiến tranh không tiếng súng, nhưng nghiêm trọng nhất trong lịch sử y tế của nền Cộng Hòa. Trong thời gian rất ngắn, từ 26/2 chỉ có 2 người tử vong, đến tối 18/3, nước Pháp đã mất 264 công dân và 9134 bị thương.
Một con số chấn động như cơn sóng thần tsunami ngày nào mà dư chấn để lại không bao giờ lành.
Tối ngày 16/3, tổng thống Emmanuel Macron đã buộc phải tuyên bố tình trạng chiến tranh trên cả nước từ trưa hôm sau.
“Đồng bào thân yêu của tôi. Tối thứ năm, tôi nói với bạn để nêu lên cuộc khủng hoảng sức khỏe y tế xuyên quốc gia. Cho đến lúc đó, Dịch Covid-19 có thể là một ý tưởng xa vời đối với một số các bạn. Song đến bây giờ, nó đã trở thành một đe dọa hiển nhiên, một thực tế cấp bách.
Chúng ta đang có chiến tranh, một cuộc chiến không thể thoái thác vì sức khỏe. Chúng ta không chiến đấu chống lại một đội quân hoặc quốc gia khác, nhưng kẻ thù đang có mặt, tuy vô hình, khó nắm bắt và đang ào ạt tấn công. Điều đó đòi hỏi cần huy động đối phó mang tính cộng đồng chung của chúng ta.
Chúng ta đang có chiến tranh. Tất cả các hành động của chính phủ và quốc hội bây giờ phải được tập trung vào việc chống lại dịch bệnh, cả ngày lẫn đêm. Chúng ta không được phân tâm, không được chia rẽ.
Ý của tôi rất rõ ràng tối nay là, những tiến triển dịch bệnh gần đây đã cho thấy rằng không ai là bất khả xâm phạm, kể cả người trẻ. Với những người không tuân thủ lời kêu gọi, bạn không tự bảo vệ mình mà không bảo vệ cả người khác. Ngay cả khi bạn không có triệu chứng, bạn có thể truyền virus. Ngay cả khi bạn không có triệu chứng, bạn có thể làm ô nhiễm bạn bè, cha mẹ, ông bà và gây nguy hiểm cho sức khỏe của những người thân yêu của bạn.
Chúng ta đang có chiến tranh. Tôi kêu gọi tất cả các nhân vật chính trị, kinh tế, xã hội, các hiệp hội, tất cả người dân Pháp hãy tham gia liên minh quốc gia này. Nhân tố đã cho phép đất nước chúng ta vượt qua rất nhiều cuộc khủng hoảng trong quá khứ.
Chúng ta đang có chiến tranh và quốc gia sẽ hỗ trợ những trẻ em, những người đang được điều trị y tế tại các thị trấn, tại các bệnh viện, những y, bác sĩ đang ở tuyến đầu trong một cuộc chiến đòi hỏi năng lực, sự quyết tâm, đoàn kết. “
Chủ nhật trước, chúng tôi còn tụ tập, tranh thủ thời tiết lộng lẫy chơi ki, còn trêu nhau, ngày mất Karl Marx sao không ai nhắc, chuyện vợ cựu thủ tướng Francois Fillon ra tòa xấu mặt bởi đồng nghiệp cũ kể hồi đó đã bị chửi ‘không đi kiếm thằng bồ nào hú hí mà đi, chọc mũi vào chuyện làm báo làm gì’.
Toàn chuyện trời ơi đất hỡi, nông nổi như chỉ đọc mỗi đầu đề của tiểu thuyết ‘Mặt trận phía Tây không có gì lạ’ của E.M. Remarque. Đại loại, B52 Mỹ sắp thả boom Hà Nội vẫn tin câu sấm ‘Thăng Long phi chiến địa’.
Diện mạo Paris ngày chống Covid-19
Chỉ sau mấy giờ, Paris chuyển sang khuôn mặt thời chiến, căng thẳng, lo lắng. Trong hiểm nguy, điều giản dị của những ngày thường mới hiểu là quý biết bao. Sẽ không còn được tạt vào một quán bar uống một cốc bia sau ngày làm việc, hay vui vầy dưới nắng, nhấm nháp ngụm cà phê, chém gió trước khi đi làm. Mọi sinh hoạt sẽ đảo lộn. Mọi thói quen sẽ phải điều chỉnh. Sẽ phải sống chậm, mất nhiều tự do…bởi một con virus.
Nước Pháp sẽ án binh bất động trong 15 ngày và có thể hơn. Như làng xóm mình nín thở lắng nghe tiếng cậy cửa của kẻ trộm để rồi giúp nhau.
Sau diễn văn của tổng thống Pháp, điện thoại của tôi báo chuông quàng quạc như cáo vào chuồng vịt. Tin nhắn của Chính phủ báo tình trạng khẩn cấp, tin nhắn của nhà băng hỏi cần hỗ trợ gì thì gửi mail, đừng léng phéng ra đường, hãng điện thoại nhại y trang lời phát biểu đầy xúc động của lãnh đạo đất nước, mail của google, tin mấy thằng bạn nhắn xách giỏ ra đường chụp ảnh quay phim ngày mai nhớ mang theo giấy phải in từ trang nào, ghi rõ thề danh dự là không phải trốn đi chơi với mèo, nhớ thẻ hành nghề….
Tiếng súng cuộc chiến khởi tranh trách nhiệm công dân vang ngay sau đó. Trong đêm, bộ trưởng Nội vụ Pháp công bố những biện pháp cụ thể sẽ áp dụng.
Biện pháp đầu tiên là phong tỏa hoàn toàn không gian Schengen trong vòng 30 ngày.
Chừng 100 000 cảnh sát và hiến binh sẽ đảm nhiệm thực thi việc phong tỏa và chốn chặn tới các trục giao thông và các nẻo đường, hỗ trợ y tế. Các đơn vị quân đội sẽ hỗ trợ tình trạng khẩn cấp, được đặt trong tình trạng một cuộc chiến tranh sinh học, mức báo động cao như chống dịch Ebola. Một bệnh viện dã chiến đã được dựng lên tại Alsace để giảm tải gánh nặng cho ở dịch gần vùng này
Paris hôm trước vẫn diêm dúa, vẫn cười đong đưa, chỉ có xe bus vắng ngắt. Đến sáng 17/3, Paris còn như Amsterdam, thấy toàn xe đạp. Nhưng tất cả chấm dứt vào 12 h trưa. Mọi người đều phải ‘đào công sự, trú ẩn tại gia’. Ai bỏ ngũ, đầu hàng, nhảy rào tuân thủ quy định đất nước trong tình trạng khẩn cấp, đi ra đường không có lý do chính đáng sẽ ăn phạt.
Ngày 17/3 cảnh sát xé vé chỉ có 38 euro. Ngày 18/3 không còn giá đó, sẽ là 135 euro. Mai kia, ai thích béo, gẹo ong sẽ thấy túi bốc hơi ngay 375 euro.
Nước Pháp đang phải chứng minh có làm sao không trước thử thách chưa từng có về sức khỏe, kinh tế và mô hình xã hội.
Mục tiêu đầu tiên là giữ mạng sống cho dân.
Từ mấy hôm trước viên chức công sở đã khuyến khích làm việc tại nhà. Ai cần nghỉ để trông con thì nghỉ luôn. Công chức các sở không có điều kiện làm việc qua internet cho nghỉ ăn lương 84% tại gia, chia nhóm nhỏ nếu phải đi làm.
Nhà nước đảm trách việc trả tiền cho người lao động, công nhân các hãng xưởng dãn thợ vì lý do kinh tế. Các hóa đơn tiền nhà, điện nước đều đình hoãn. Các khách sạn, taxi bị trưng dụng sẽ được nhà nước chi trả. Nhà nước sẽ giúp đỡ để không một doanh nghiệp nào bị phá sản.
Pháp tháo khoán ngân sách 300 tỷ euro để kinh tế đứng vững. Một con số khổng lồ tương đương ngân sách cả nước trong một năm.
Các máy bay y tế quân sự cũng đặt trong chế độ sẵn sàng để có thể di tản bệnh nhân nhanh nhất, nhiều nhất, như cấp cứu chiến binh trong chiến tranh.
Một từ tổng thống Macron nhắc tới bẩy lần trong bài phát biểu dài 20 phút.
Lãnh đạo trẻ được dân mến ‘trở lại’
Những người dễ xúc động ngay sau phát biểu của ông đã nói: “Tôi hối hận đã không bỏ phiếu cho ông. Tổng thống chứng tỏ ông là con người của tình thế “.
Ngược lại, phái đẹp rên rỉ, một đặc thù Pháp: ‘15 ngày nhốt trong nhà thì còn gì là người, đùi tích mỡ, mông hết săn, lên cân không kiểm soát nổi thì sống cũng như chết’.
Riêng điểm này, Bộ trưởng cảnh sát phải lùi, cho phép chạy jogging gần nhà, song cũng chỉ được chạy một mình, tránh tình trạng’ ba người đàn bà với một con vịt’.
Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng, Macron đã hy sinh điểm son của ông mà tất cả các đời tổng thống trước ông chùn bước. Đó là cải cách hưu trí.
Chiến thắng mà ông giành được sau hai tháng bị hành hạ bởi các cuộc đình công sẽ xếp xó.
Là công dân Pháp, tôi không khỏi có chút suy tư về cuộc chiến tranh mà nước Pháp bị động không tránh khỏi. Nhưng đây đồng thời cũng là một dịp để mỗi một công dân nước này phải chậm lại, học cách sống tự do trong vòng tròn nhỏ hẹp là gia đình, và suy nghĩ. Đúng hơn là thay đổi suy nghĩ.
Chúng ta đã dễ sa chân cẩu thả vào một cuộc sống hưởng thụ, bất chấp hậu quả về môi trường, dễ dàng bị quyến rũ bởi các quảng cáo du lịch, lao vào các chương trình khuyến mại để chất vào tủ quần áo mà có thể vừa mua về đã hối hận?
Chúng ta bước vào một ngày mới với suy nghĩ dây chuyền sản xuất vốn quen thuộc là rũ trách nhiệm để có lợi nhuận tối đa sẽ cáo chung.
Chúng đang phản đòn đập vào bộ mặt xã hội tưởng ổn định, sạch sẽ. Toàn cầu hóa biến Trung quốc thành công xưởng của thế giới đã tước quyền tự hành động, quyền tự quyết định sự sống của nền kinh tế, của mạng sống con người mà hôm nay chúng ta phải trả giá. Liệu làm thế có đúng không?
Trẻ, năng động, tổng thống Macron đã dũng cảm nói đầy thuyết phục:
“Đồng bào thân mến, tôi đo lường tác động của tất cả những quyết định này đến cuộc sống của bạn. Từ bỏ việc nhìn thấy những người thân yêu của bạn là một điều đau lòng. Rất khó từ bỏ các hoạt động hàng ngày, thói quen của các bạn. Song điều này sẽ không ngăn trở các bạn giữ liên lạc, gọi điện cho những người thân yêu, trao đổi tin tức và cũng tổ chức sinh hoạt với hàng xóm. Để tạo ra tình đoàn kết mới giữa các thế hệ, củng cố thêm điểm này.
Vì vậy tôi yêu cầu các bạn hãy ở trong nhà.
Tôi cũng yêu cầu các bạn giữ bình tĩnh trong bối cảnh này. Tôi đã thấy hoảng loạn khắp nơi trong vài giờ qua. Tất cả chúng ta phải có tinh thần trách nhiệm. Đừng thông tin sai lệch, lan truyền và lưu thông nhanh nhẩu những thông tin tin tức sai lệch. Hãy ở nhà, hãy chăm sóc và những người thân đang ở trong căn hộ, ở ngôi nhà của bạn nghe tin tức, đọc sách. Tìm ra câu trả lời cho ý nghĩa thiết yếu này. Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng trong thời đại chúng ta đang sống. Văn hóa, giáo dục, có ý nghĩa quan trọng. Tránh hoang mang, tin vào những tin đồn sai lệch, tin vào các chuyên gia nửa mùa hoặc hiểu biết lệch lạc. Tôi nhấn mạnh rõ ràng, chúng tôi sẽ cung cấp và tiếp tục thông tin minh bạch.
Đồng bào thân yêu của tôi, bằng cách đoàn kết, đoàn kết, tôi yêu cầu các bạn phát huy trách nhiệm cộng đồng và không nhượng bộ trước bất kỳ sự hoảng loạn nào, chấp nhận những ràng buộc này, chịu đựng chúng, giải thích chúng, áp dụng chúng cho chính mình.
Chúng ta sẽ giành chiến thắng. Nhưng giai đoạn này sẽ dạy chúng ta rất nhiều. Nhiều điều tưởng như chắc chắn, không thể thay đổi sẽ bị cuốn đi, sẽ được đặt câu hỏi, những điều mà chúng ta đã nghĩ là không thể xảy ra.
Hãy để không bị ấn tượng, hành động với sức mạnh, nhưng hãy nhớ rằng, ngày hôm sau, khi chúng ta giành chiến thắng, nó sẽ không trở lại như những ngày trước. Chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn về mặt đạo đức. Chúng ta sẽ học và tôi cũng sẽ cùng với các bạn rút ra những gì từ các hậu quả, tất cả các hậu quả. Hãy để tất cả chúng ta, cá nhân và tập thể, xứng tầm với thử thách này. “
Nét đẹp mới của Paris
Chính trong những ngày khó khăn này, tôi tìm thấy nét đẹp mới của Paris.
Đến 20h tối, tất cả các khung cửa sổ của cả thành phố đều mở và mọi người vỗ tay, reo hò cám ơn các bác sĩ, y tá đang ở tuyến đầu chống giặc. Nhiều người trong số họ có con nhỏ rơi vào hoàn cảnh khó xử vì các vườn trẻ, trường học đóng cửa mà vẫn phải đi làm, thì vùng Boulogne-Billancourt đã có các giáo viên tình nguyện trông các bé.
Có phải nước Pháp luôn luôn chỉ là cô gái ngây thơ trước những lời đường mật của Trung Quốc, tin vào sự thành thật của một đại cường đại diện cho đạo đức thế giới tại Hội đồng Bảo an LHQ lại có ăn gian nói dối ?
Tình báo Đài Loan đã phát hiện ra từ cuối tháng 11/2019 tại Vũ Hán đã có vấn đề. Hàn Quốc đã tỉnh táo chuẩn bị phương tiện và phác đồ dập dịch, dân Hongkong xuống đường đòi đóng cửa với đại lục, Việt Nam tiến hành những phương pháp khéo léo nhưng không nói để ‘nước lạ’ không có tên trên bản đồ mất lòng, mà Pháp vẫn nhởn nhơ ? Những nước gần kẻ tráo trở phải biết thủ võ phòng thân ?
Dù sao, tổng thống Macron đã hiểu ra vấn đề. Ông gọi điện cho tổng thống Hàn Quốc đề nghị giúp đỡ.
Bây giờ nước Pháp phải bước vào cuộc đua thời gian mang tính vừa chạy tốc độ, vừa chạy marathon với coronavirus để hạn chế thiệt hại nhân mạng, cho phép cuộc sống trở lại bình thường.
Trang Web ‘Covid19.OnvousRepond’ (Chúng tôi trả lời bạn) được thành lập mà thủ tướng Edouard Phillipe là người đầu tiên phải chịu trận trước nhiều câu hỏi như vả vào mặt. Trình độ và bản lĩnh của lãnh đạo Pháp đã củng cố được lòng tin vào chính phủ.
Tổng thống Macron đã nói rất đúng:
“Tôi biết, đồng bào thân yêu của tôi, rằng tôi có thể tin tưởng vào các bạn.”
Tôi tin nước Pháp cũng như Việt Nam thân yêu của tôi sẽ vượt qua cơn thử thách. Bài học cay đắng phải nuốt hôm nay sẽ không uổng.
Chúng ta sẽ chiến thắng, nhưng sẽ sống không phải như hôm qua, biết thương nhau hơn một chút, đoàn kết hơn và bớt nông nổi.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Phạm Cao Phong từ Paris. Các bạn đừng quên gửi cho BBC News Tiếng Việt câu chuyện mùa Covid-19 nơi mình sống.
Ba lý do khiến tình hình ở Anh có thể khác Ý
Hầu hết nước Ý hiện đang trong tình trạng phong tỏa, và số các ca tử vong tại đây đã lên quá 1.000.
Tình trạng bùng phát bệnh dịch đang khiến cho ngành y tế nước này bị căng thẳng.
Liệu nước Anh có rơi vào thế tương tự?
Hôm thứ Năm, trưởng cố vấn khoa học của Thủ tướng Boris Johnson, Sir Patrick Vallance, nói rằng Anh Quốc đi chậm hơn Italy bốn tuần “xét về quy mô bùng phát”, chưa nói đến “cách thức phản ứng”.
Điều đó liệu có thể hiểu thành nước Anh chỉ còn bốn tuần nữa là sẽ có số phận tương tự như nước Ý?
Không hẳn. Và dưới đây là ba lý do khiến các chuyên gia tin rằng trận dịch ở Anh có thể sẽ khác ở Ý, và vì sao số các ca nhiễm virus tại đây lại có ý nghĩa khác.
1. Sự truyền nhiễm thời kỳ đầu là khác
Số các ca được xác nhận là nhiễm virus thì khác với các ca thực sự đã nhiễm. Nó phụ thuộc vào việc có bao nhiêu người bị nhiễm được phát hiện ra.
Trận dịch ở cả hai nước có thể hiện đang tăng với tỷ lệ như nhau, nhưng lúc đầu, Anh Quốc có nhiều ca được chẩn đoán hơn Ý.
Con số của Italy tăng vọt trong ngày 23/2, khiến cho các khoa học gia tin rằng đã có một giai đoạn virus lây lan mà không bị phát hiện.
Điều này khiến cho các biện pháp lần theo dấu vết những người từng tiếp xúc với bệnh nhân và cách ly để chặn tốc độ lan tràn trở nên kém tác dụng.
Giáo sư y tế cộng đồng quốc tế Jimmy Whitworth nói rằng điều đó khiến hệ thống y tế đi sau tốc độ lây lan trong vấn đề kiểm soát dịch bệnh.
Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng hệ thống xét nghiệm virus ở Ý đã trở nên quá tải và không theo kịp các vụ mới.
Điều này có nghĩa là các số liệu được đưa ra ở Ý có thể còn đi sau hơn nữa so với tổng số các ca thực sự nhiễm bệnh.
Và trong lúc Anh tăng cường năng lực xét nghiệm, Giáo sư Whitworth nói thêm, nước Anh có thể sẽ thấy “tăng vọt về các con số” – không phải chỉ do virus lây lan mạnh hơn, mà còn là do việc phát hiện đạt kết quả tốt hơn.
2. Nạn dịch ở Ý tập trung vào các điểm hơn
Áp lực lên ngành y tế cũng phụ thuộc vào việc địa điểm xảy ra và mức độ nghiêm trọng của trường hợp bị bệnh.
Có những lý do xác đáng để tin rằng các yếu tố này là khác nhau ở hai quốc gia Anh và Ý.
Kể từ lúc lây lan ban đầu, hầu hết các trường hợp bị bệnh ở Ý đều tập trung tại vùng Lombardy ở phía bắc, nơi chỉ có trên 15% dân số Ý sinh sống.
Cứ 100 vụ xảy ra ở Ý thì Lombardy chiếm gần 60 vụ.
Ở Anh, cho đến nay, mức độ lây lan diễn ra dàn trải hơn.
Cũng giống như Lombardy, London chiếm 15% tổng dân số Anh. Tuy nhiên, thành phố này có tỷ lệ nhiễm bệnh thấp hơn: chưa tới 25 vụ trong mỗi 100 vụ mắc virus.
Cho 15.000 ca nhiễm virus trên toàn nước Anh sẽ không tạo áp lực đối với các bệnh viện như khi hầu như các vụ đều tập trung tại một thành phố hay khu vực.
Chính phủ Anh vẫn đang lên kế hoạch nhằm tính đến thời điểm khi hệ thống y tế công (NHS) đối diện với các thách thức to lớn. Nhưng điều đó có thể không phải là lúc nước Anh đuổi kịp các con số dương tính đã được xác nhận tại Ý vào thời điểm hiện tại (trên 1.000 ca).
3. Các trường hợp được xác định nhiễm bệnh ở Ý có tỷ lệ tử vong cao hơn
Tỷ lệ tử vong trong số các ca được xác định nhiễm bệnh tại Ý cao hơn so với Anh.
Tính đến ngày 12/3, con số này tại Anh là 1,4%, và ở Ý là 6,7%.
Giáo sư Whitworth tin rằng tỷ lệ tử vong cao hơn ở Ý có nghĩa là trong số các trường hợp được theo dõi có nhiều bệnh nhân bị ốm bệnh hơn. Italy có tỷ lệ dân số cao tuổi lớn hơn Anh, và tác động của tình trạng nhiễm Covid-19 sẽ là nghiêm trọng hơn trong trường hợp người cao tuổi.
Điều đó làm cho ngành y tế càng bị thêm áp lực.
Có một cách giải thích khác đối với tỷ lệ tử vong cao hơn, đó là ngành y tế Ý đang bị quá tải.
Chớ vội lơi lỏng
Mặc dù nạn dịch ở Anh Quốc có lẽ sẽ không theo bước chính xác như những gì đang diễn ra tại Ý, nhưng điều đó không có nghĩa là nước Anh sẽ thoát khỏi những thay đổi nghiêm trọng trong đời sống.
Nhà nghiên cứu bệnh dịch Adam Kucharski cảnh báo rằng chớ nên so sánh một cách đơn giản về các con số mắc bệnh, và “nếu không có các nỗ lực kiểm soát virus, chúng ta sẽ phải chứng kiến tình thế tương tự như những gì xảy ra tại Ý”, cho dù không nhất thiết chuyện đó sẽ diễn ra trong bốn tuần tới.
Ed Lowther và Lucy Rodgers đóng góp thêm cho bài tường thuật.