Seite auswählen
Máy ATM gạo tại Nhà Văn hóa - Thể thao phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Photo Baotintuc

Máy ATM gạo tại Nhà Văn hóa – Thể thao phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Photo Baotintuc

Từ Nam ra Bắc, những chiếc ATM cung cấp gạo miễn phí cho bà con bị ảnh hưởng trong mùa dịch Covid-19 đã xuất hiện ở nhiều nơi ở Việt Nam cùng với sự chào đón đầy lòng tri ân và ngưỡng mộ của cộng đồng trong và ngoài nước. Nghĩa cử ấm áp đầy tình người, bác ái trên đất Việt đã khiến giới báo chí phương Tây khen ngợi trong ngỡ ngàng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sách Thái Hà (Thái Hà Books), người điều hành việc lắp máy phát gạo miễn phí ở Hà Nội, nói với VOA rằng ông từng chứng kiến cảnh thiếu ăn đứt bữa khi còn bé và rất cảm thông với hoàn cảnh hiện nay của người lao động “chạy cơm từng bữa,” những người bị ảnh hưởng nặng nề trong mùa dịch.

“Trong đợt này ở Việt Nam phong tỏa từ ngày 1/4, mọi người không ra đường, đối với những người không có việc làm thường xuyên – những người bán hàng rong, bán hàng cho khách du lịch, bán ngày nào sống ngày đó – thì không có gì để ăn cả. Tôi nhớ cảnh hồi nhỏ tôi cũng bị đứt bữa như vậy thì muốn giúp họ. Tình cờ đọc báo trong Sài Gòn có lắp ATM phát gạo miễn phí, thế là tôi học ngay.”

Chỉ trong 3 ngày tìm hiểu, khảo sát địa điểm và thi công lắp đặt, ông Hùng đã cho ra mắt chiếc ATM gạo đầu tiên ở Hà Nội hôm 11/4, với thông điệp “Chia sẻ yêu thương – Để không ai bị bỏ lại phía sau.”

Ông Hùng cho VOA biết tính đến ngày 13/4, đã có 2 ATM hoạt động ban ngày do Thái Hà Books lắp đặt tại Hà Nội: quận Cầu Giấy và quận Bắc Từ Liêm. Riêng máy ATM tại phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, trong ngày phát gạo thứ hai, 12/4, đã phát hơn 3 tấn gạo cho 175 người.

Người dân xếp hàng nhận gạo miễn phí từ máy ATM ở Hà Nội. Photo CAND.

Người dân xếp hàng nhận gạo miễn phí từ máy ATM ở Hà Nội. Photo CAND.

Cùng với sự hỗ trợ của gần 500 người và các nhà hảo tâm, dự án lắp máy ATM gạo miễn phí của Thái Hà Books đang được triển khai tại tỉnh Hòa Bình và Phú Yên. Ông Hùng cho biết:

“Hiện nay tôi đang ở huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, là một tỉnh nghèo ở vùng Tây Bắc. Sau khi trao đổi với lãnh đạo huyện thì tôi quyết định lắp ở đây một máy. Đây sẽ là máy thứ ba của chúng tôi. Chúng tôi cũng sẽ lắp một máy ở tỉnh Phú Yên, miền Trung của Việt Nam, và hiện đang tìm người hỗ trợ từ xa để hướng dẫn họ lắp máy.”

Đằng sau ý tưởng này là doanh nhân Hoàng Tuấn Anh, CEO của Công ty Cổ phần Vũ Trụ Xanh ở thành phố Hồ Chí Minh, người được cho là người chế tạo chiếc máy phát gạo đầu tiên tại Việt Nam, khiến mọi người cảm phục. Những chiếc máy ATM của ông Tuấn có khả năng hoạt động suốt 24/7, đã có mặt tại quận Tân Phú, Bình Chánh, và quận 12.

“Tôi thấy trong mùa dịch, có nhiều người muốn tặng nhu yếu phẩm cho người nghèo, nhưng nếu phát thủ công và tập trung đông người thì rất dễ xảy ra việc lây lan dịch bệnh. Để hạn chế dịch lây lan trong việc phát gạo, tôi đã tận dụng máy móc có sẵn của công ty về ngành khóa thông minh và nhà thông minh rồi đem chế tạo ra chiếc máy phát gạo tự động 24/24h,” ông Tuấn chia sẻ với báo chí trong nước.

Ông Hoàng Tuấn Anh, 35 tuổi, từng sống và học tập ở Úc trong 13 năm, nói với trang Dân Việt: “Nhiều người gọi máy phát gạo tự động mà tôi chế tạo là cây “ATM gạo”, người thì gọi là “ATM niềm tin” – niềm tin vào xã hội vì còn có rất nhiều người có tấm lòng hảo tâm dang tay giúp đỡ người nghèo trong cơn khốn khó.”

Đài truyền hình CNN của Hoa Kỳ hôm 13/04 chạy dòng tin “một chiếc máy cho ra gạo miễn phí – một điều khó tin – nhưng những chiếc ATM gạo như thế đã được lắp đặt tại nhiều nơi trên đất nước Việt Nam để hỗ trợ cho người gặp khó khăn trong dịch bệnh.”

Đài này cho biết ATM gạo đã xuất hiện không chỉ tại Sài Gòn, Hà Nội, mà còn ở Huế, Đà Nẵng và đang lan tỏa tại nhiều nơi khác.

Nhà văn Mirianne Williamson viết trên Twitter 14/04 về máy ATM gạo Việt Nam.

Nhà văn Mirianne Williamson viết trên Twitter 14/04 về máy ATM gạo Việt Nam.

Dẫn nguồn bài báo ca ngợi sáng kiến ATM gạo Việt Nam trên CNN, nhà văn – nhà hoạt động Marianne Williamson của Hoa Kỳ bình luận trên Twitter hôm 14/04: “Đây là ý tưởng mà chúng ta nên thực hiện. Hàng triệu người Mỹ đang thiếu ăn và đang tuyệt vọng mỗi ngày.”


Hãng tin Anh Reuters hôm 13/04 dẫn lời bà Nguyễn Thị Ly, 34 tuổi có chồng bị mất việc làm do ảnh hưởng của mùa dịch trong khi phải nuôi 3 đứa con nhỏ, nói: “Chiếc ATM gạo này rất hữu ích. Với một túi gạo này, gia đình có đủ ăn cho một ngày.”

Trang Redfish viết: “Ở Việt Nam xuất hiện máy ATM gạo cho người nghèo giữa lúc có lệnh phong tỏa để ngăn chặn dịch Covid-19. Chỉ cần nhấn nút thì 2 kg gạo sẽ chạy ra.”

Tuy nhiên, việc lắp máy phát gạo miễn phí trong thời gian còn đang thực hiện “cách ly toàn xã hội” cũng gặp trở ngại do phải xin phép từ chính quyền, và đảm bảo không gian mặt bằng phải đủ rộng, trong khi vật tư làm máy cũng khó mua.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, 55 tuổi, đồng thời là một giảng viên – diễn giả văn hóa nổi tiếng, chia sẻ những khó khăn khi thực hiện dự án máy phát gạo:

“Cái khó của chúng tôi là việc lắp máy phải được lãnh đạo huyện, quận hoặc lãnh đạo tỉnh đồng ý. Hôm trước chúng tôi cũng chuẩn bị xong hết nhưng chủ tịch không đồng ý thì không lắp được. Hơn nữa, bây giờ các máy bay, phương tiện đi lại cũng dừng… và cửa hàng bán linh kiện cũng đóng cửa.”

Hôm 14/04, báo Thanh Niên cho biết, bà Võ Ngọc Anh, 37 tuổi, Giám đốc điều hành Vinalinks Group ở thành phố Hồ Chí Minh, đang gấp rút hoàn thành 11 máy ATM gạo để kịp thời phục vụ người dân trong những ngày tới.

Theo VOA (14.04.2020)

Mạng xã hội bên Trung cộng trầm trồ khen ATM gạo Việt Nam

Một phụ nữ nhận gạo từ máy ATM ở TP. Hồ Chí Minh, ngày 11/04/2020.

Một phụ nữ nhận gạo từ máy ATM ở Sài Gòn, ngày 11/04/2020.

Mạng xã hội Trung cộng trầm trồ về ‘ATM gạo’ Việt Nam. Chủ đề máy phát gạo tự động của Việt Nam chiếm top 1 thịnh hành trên mạng xã hội Weibo Trung cộng với hàng chục triệu lượt đọc.

Theo Reuters, Hoàng Tuấn Anh, một doanh nhân tại TP HCM, Việt Nam, đã phát minh ra máy ATM phát gạo miễn phí cho người dân 24/7. Dự định ban đầu của anh là phát 500 kg gạo mỗi ngày, nhưng giờ con số này đã lên 4-5 tấn” – đoạn mô tả ngắn về máy phát gạo của Việt Nam trên Weibo, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc, đã thu hút gần 20 triệu lượt đọc sau 10 giờ đăng tải. Hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận khiến hashtag “Doanh nhân Việt Nam phát minh ATM gạo” lên top 1 thịnh hành trên Weibo sáng nay (14/4).


Nhiều người dùng Weibo cho biết, Trung Hoa lục địa đã có những cỗ máy tương tự hàng chục năm trước nhưng chẳng người dân nào dùng đến vì họ bán gạo bằng máy và đắt hơn nhiều siêu thị chứ không dùng để phát miễn phí. “Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới. Người dân ở đây cũng rất đoàn kết, nhìn cách họ xếp hàng chờ tới lượt xem. Không ai chen lấn, xô đẩy, rất văn minh”, tài khoản Jingbao bình luận.

Một tài khoản khác khen người phát minh chiếc máy: “Anh ấy thật sự thông minh, mỗi lần đều phát một lượng gạo vừa đủ. Nếu nhiều quá người khác sẽ sinh lòng tham, vừa đủ là tốt nhất. Mỗi phần gạo có thể nuôi sống một gia đình năm người với hai bữa cơm no và ai cũng có phần trong thời điểm Covid-19 bùng phát”.

Nhiều người dùng Weibo nói họ muốn xin visa Việt Nam, mỗi ngày họ sẽ đến xếp hàng để được phát gạo miễn phí. Một số người tỏ ra lo ngại: “Nếu ở quê tôi, cái máy này sẽ biến mất trong một tiếng. Mọi người sẽ ùa vào tranh giành nhau chứ không kiên nhẫn xếp hàng chờ”. Nhiều comment khen ngợi ý thức của người xin gạo: “Đa số người nhận là người nghèo, họ rất tuân thủ quy định, họ đeo khẩu trang, đứng trên các vạch cách nhau 2 m. Không có tình trạng hỗn loạn, trộm cắp”.

Máy phát gạo tự động bắt đầu vận hành từ 6/4. Sau một tuần xuất hiện, mô hình này đang được nhân rộng ra nhiều tỉnh thành ở Việt Nam, như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng… Cơ chế hoạt động của máy khá đơn giản. Khi có người đứng trước camera bấm nút, van tự động sẽ mở, một lượng gạo khoảng 1,5 kg từ bồn chứa chảy xuống đường ống dẫn ra ngoài. Một nhân viên vận hành bên trong sẽ quan sát người nhận qua camera. Nếu người này không thật sự khó khăn, hoặc đến nhiều lần, người quan sát không bấm nút thì van gạo sẽ không mở.

Hoàng Tuấn Anh, người phát minh ra “ATM gạo” cho biết anh dự định lắp đặt khoảng 100 máy, đặt ở khắp Việt Nam. Sau khi dịch bệnh qua đi, anh có thể tặng lại máy cho các địa phương hoặc tổ chức thiện nguyện để dùng trong những việc khác chứ không chỉ là phát gạo.

Theo VietBF (14.04.2020)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen