Seite auswählen

ỨNG PHÓ VỚI DỊCH COVID-19, LỜI KHUYÊN TỪ MỘT VỊ THIỀN SƯ

Pomnyun Sunim

Thiền sư Pomnyun Sunim

Thiền sư Pomnyun (còn được biết đến là Thiền sư Pháp LuânTrí Quang Đại sưnổi tiếng ở đất nước Hàn Quốc vì những đóng góp quan trọng cho cộng đồngxã hội thông qua các hoạt động ý nghĩathiết thực và giàu tính nhân văn.

Gần đây, trong một phát biểu tại thủ đô Seoul, Thiền sư đã chia sẻ với người dân nước này cách ứng phó với dịch bệnh Covid-19 để có cuộc sống bình an và tích cực mỗi ngày.

Chứng kiến đại dịch Covid-19 lan rộng, chúng ta có thể thấy trước được sự thay đổi của xã hội theo thời gian. Dịch bệnh này đã phá vỡ trật tự cuộc sống hàng ngày của mọi người.

Chúng ta thường cho rằng, những lịch trình đã thiết lập phải được tuân thủ; nhưng không có quy tắc như vậy. Ngay bây giờ, chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc thay đổi những sự lập trình ấy. Mỗi người có thể bị sốc bởi sự phá vỡ của những hành động đã trở thành thói quen nên cảm thấy hỗn loạn, kháng đối và đau khổ.

Tuy nhiên, hãy quán sát nguyên lý vô thường trong lời dạy của Đức Phật. Chúng ta nên ghi nhớ rằng, không có gì là bất biến. Và từ đó thấy rằng, những sự thay đổi trong cuộc sống hàng ngày không phải điều xấu, miễn là chúng ta có thể đối mặt và thích nghi với chúng” – thiền sư nhấn mạnh về tính vô thường và sự thích ứng cần thiết khi cuộc sống hàng ngày của mỗi người bị xáo trộn.

Trong thời gian dịch bệnh hoành hành, thiền sư khuyên mỗi người nên “làm điều tốt nhất và phù hợp nhất trong khả năng của mình”. Theo đó, điều cấp bách  cần thiết nhất là mỗi người phải giữ cho mình sự an toàn, không để dịch bệnh tấn công và lây lan dịch bệnh cho cộng đồng.

Để làm được điều này, mỗi người cần “dành thời gian quý báu thực hành thiền chánh niệm và duy trì chánh niệm trong đời sống hàng ngày”. Với người thực hành thiền, mỗi ngày nên duy trì thời khóa cố định, theo lịch trình sinh hoạt tại một nơi yên tĩnh và chú tâm vào đề mục thực hành.

Tọa thiền trên bồ đoàn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của các hành giả thiền. Tuy nhiên, trước sự bận rộn và trách nhiệm của cuộc sống thường nhật, nếu mỗi người có thể nhìn thấy thực tế  bản chất của sự vật và có phản ứng phù hợp, chính là giải thoát bản thân khỏi sợ hãi và sự tức giận. Đây là bản chất của sự thực hành  thiền sư nhấn mạnh.

Thích Vân Phong

(Theo Buddhist Times)

Đầu tháng 3 qua, Thiền sư Pomnyun đã được Quỹ Hòa bình Niwano (Nhật Bản) trao tặng Giải thưởng Hòa bình Niwano lần thứ 37 vì cống hiến của thiền sư trong nỗ lực bảo vệ môi trường và quyền lợi con người; xây dựng niềm tin, sự thiện chí  hợp tác giữa các cộng đồng văn hóa, tôn giáo khác nhau vì hòa bình thế giới.

Thư viện Hoa Sen

 

 

Bức thông điệp đặc biệt từ Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma ngày 30 tháng 3, 2020

 

Các anh chị em thân mến,

Tôi viết những dòng này để đáp lại sự thỉnh cầu nhiều lần của nhiều người trên thế giới. Ngày nay, chúng ta đang trải qua giai đoạn cực kỳ khó khăn do sự bùng phát của đại dịch vi rút corona.

Bên cạnh đó, các vấn đề tiếp theo mà nhân loại đang phải đối mặt – như sự biến đổi quá mức của khí hậu. Tôi muốn nhân cơ hội này bày tỏ sự ngưỡng mộ và lòng tri ân đến các chính phủ trên toàn thế giới – bao gồm cả chính phủ Ấn Độ – về các bước mà họ đang thực hiện để đối phó với những thách thức này.

Truyền thống Ấn Độ cổ đại mô tả về sự hình thành, tồn tại và huỷ diệt của các cõi giới theo thời gian. Trong các nguyên nhân của sự huỷ diệt ấy chính là vũ khí và bệnh tật, điều này dường như đúng với những gì mà chúng ta đang trải qua hiện nay. Tuy nhiên, bất chấp những thách thức khủng khiếp mà chúng ta đang phải đối mặt; những sinh vật có mạng sống – bao gồm cả con người – đã thể hiện được khả năng sinh tồn thật phi thường!

Cho dù tình hình có khó khăn đến đâu chăng nữa, chúng ta cũng nên sử dụng khoa học kỹ thuật và sự khéo léo của con người với sự quyết tâm và lòng can đảm để vượt qua những vấn đề mà chúng ta đang phải đương đầu. Đối mặt với những mối đe doạ đối với sức khoẻ và hạnh phúc của mình – chúng ta cảm thấy lo lắng và sợ hãi – đó là lẽ tự nhiên! Tuy nhiên, tôi đã nhận được sự an lạc lớn lao qua lời khuyên đầy trí tuệ sau đây để quán sát những vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt: “Nếu có việc gì đó còn có thể làm được – thì hãy thực hiện đi! không cần phải lo lắng gì cả! Còn nếu không thể làm gì được nữa, thì sự lo lắng nhiều hơn cũng sẽ chẳng giúp ích được gì”.

Hiện nay, mọi người đang cố gắng hết sức để ngăn chặn sự lây nhiễm của vi rút corona. Tôi tán thán những nỗ lực phối hợp của các quốc gia để hạn chế mối đe doạ này. Đặc biệt, tôi rất cảm kích về sáng kiến mà Ấn Độ đã thực hiện với các quốc gia thuộc “Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á” để thành lập quỹ khẩn cấp và diễn đàn điện tử trực tuyến để trao đổi thông tin, kiến thức và chuyên môn nhằm khắc phục sự lây lan của Covid-19. Điều này sẽ phục vụ như là một mô hình để đối phó với những khủng hoảng như vậy trong tương lai.

Tôi hiểu rằng do hậu quả của việc phong toả cần thiết trên toàn thế giới, nhiều người đang phải đối mặt với những khó khăn lớn lao vì bị mất đi kế sinh nhai. Đối với những người không có cuộc sống thu nhập ổn định, họ phải chống chọi từng ngày để sống còn. Tôi tha thiết kêu gọi tất cả những ai quan tâm – xin hãy làm bất cứ điều gì có thể – để chăm sóc những thành viên dễ bị tổn thương trong cộng đồng của chúng ta!

Tôi đặc biệt tri ân các nhân viên y tế – các bác sĩ, y tá và các nhân viên trợ giúp khác – những người đang làm việc trên tuyến đầu để cứu lấy sinh mạng của con người – họ đang phải đối diện với những nguy cơ rủi ro lớn đối với bản thân họ. Sự cống hiến của họ quả thật là hành động đầy lòng bi mẫn!

Với những cảm xúc chân thành của sự quan tâm đối với các anh chị em trên khắp thế giới đang trải qua thời kỳ khó khăn này, tôi xin nguyện cầu cho đại dịch này nhanh chóng được tiêu trừ để cho sự bình an và hạnh phúc của quý vị sớm được khôi phục!

Với những lời cầu nguyện!

Đạt Lai Lạt Ma

Bài diễn văn trên truyền hình của Tổng thống Đức Steinmeier về Đại dịch Corona

 

Đồng bào thân mến,

Chỉ còn vài giờ nữa là Lễ Phục sinh bắt đầu. Ngoài kia cây cối trổ bông đầy và chúng ta mong muốn được ra ngoài trời và gặp gỡ nhau: những người thân yêu, gia đình và bạn bè.

Chúng ta đã quen như vậy – nó thuộc vào đời sống của chúng ta. Nhưng mà năm nay thì tất cả đều khác. Thật đau buồn khi chúng ta phải hủy bỏ, không đến thăm cha mẹ. Ông bà xé lòng vì không thể ôm cháu mình ít nhất là vào lễ Phục sinh. Và còn nhiều điều khác hẳn trong năm nay, không còn nhộn nhịp, đông đúc người tại các công viên và các quán cà phê bên lề đường. Nhiều người không thể đi tới những nơi nghỉ mát như mong ước. Các chủ quán ăn và khách sạn không thể bắt đầu một cách phấn khởi vào mùa làm ăn của họ. Và các tín đồ không thể cầu nguyện chung với nhau. Và tất cả chúng ta đều có sự mù mờ xoáy trong đầu: Thời gian sắp tới sẽ ra sao?

Ngay chính vào mùa lễ Phục sinh, lễ hội Sống lại, khi những người Ki Tô giáo khắp nơi trên thế giới ăn mừng chiến thắng của sự sống đối với cái chết, chúng ta lại phải tự hạn chế mình. Hạn chế, để mà dịch bệnh và cái chết không chiến thắng sự sống.

Hàng ngàn người đã chết. Ngay trên đất nước của chúng ta, Và ở thành phố Bergamo, vùng Elass, các thành phố Madrid, New York và nhiều nơi khác trên thế giới. Những hình ảnh ấy đến gần sát chúng ta. Chúng ta thương tiếc những người phải chết trong cô đơn. Chúng ta nghĩ đến những người thân thuộc của họ, đã không thể cùng nhau tiễn đưa người đã mất về nơi an nghỉ cuối cùng. Chúng ta cám ơn những người trong ngành y tế chiến đấu không biết mệt mỏi để cứu mạng sống người khác. Và mặc dù cuộc sống đều bị đảo lộn đối với tất cả chúng ta, chúng ta vẫn nghĩ tới những người, mà phải chịu hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng, bị mắc bệnh hay sống đơn côi; có những nỗi lo âu vì công ăn việc làm, vì hãng xưởng; cho những người làm nghề tự do, các nghệ sĩ, mà các thu nhập bị mất đi; các gia đình, những người một mình nuôi con trong những căn hộ chật hẹp không balkon và vườn.

Đại dịch chỉ cho chúng ta: Chúng ta vẫn có thể bị tổn thương. Có thể lâu nay chúng ta tin rằng, là mình không thể bị thương tổn, tưởng cuộc sống chỉ có thể nhanh hơn, cao hơn, xa hơn. Đó là một lầm tưởng. Cuộc khủng hoảng không chỉ cho chúng ta thấy điều đó, mà nó cũng cho chúng ta thấy cả sức mạnh của chúng ta! Chúng ta có thể dựa vào đó để phát triển!

Tôi có ấn tượng sâu sắc về những nỗ lực mà đất nước chúng ta đã thể hiện trong những tuần qua. Cho đến bây giờ nguy cơ vẫn chưa bị loại trừ. Nhưng ngày hôm nay chúng tôi có thể nói rằng: Mỗi một cá nhân quý vị đã thay đổi cuộc sống của mình rất nhiều, và nhờ đó quý vị đã cứu nhiều nhân mạng và hàng ngày vẫn đang tiếp tục cứu người.

Nhà nước đang hành động quyết liệt là điều rất tốt trong một cuộc khủng hoảng mà đến giờ chưa có kịch bản. Tôi xin tất cả quý vị tiếp tục tin tưởng, vì chính quyền liên bang và các bang đã hiểu rất rõ trách nhiệm to lớn của họ.

Rồi mọi việc sắp tới sẽ ra sao, khi nào những giới hạn kia có thể được nới lỏng và như thế nào – không chỉ những nhà chính trị và các chuyên gia quyết định điều đó. Tất cả nằm trong tay chúng ta, thông qua sự kiên nhẫn và kỷ luật – nhất là trong lúc này, khi chúng ta gặp nhiều khó khăn nhất.

Những nỗ lực mà chúng ta đã thực hiện trong những ngày qua không phải chúng ta làm vì một bàn tay sắt bắt buộc chúng ta phải tuân theo. Xã hội chúng ta là một nền dân chủ sống động, những công dân có ý thức trách nhiệm. Đó là một nền dân chủ trong đó chúng ta tin tưởng nhau, lắng nghe những dữ liệu và biện luận, thể hiện lý trí để làm điều đúng. Đó là một nền dân chủ biết tôn trọng từng mạng sống. Một nền dân chủ mà tùy thuộc vào mỗi người: Từ người y tá đến thủ tướng, từ hội đồng chuyên gia khoa học đến những trụ cột hữu hình và vô hình của xã hội – Những người thu tiền trong siêu thị, những người lái xe buýt và xe tải, những người trong tiệm làm bánh mì, những người ở nông trại hay làm dịch vụ hốt rác.

Rất nhiều người đã làm những việc quá sức mình. Tôi cám ơn các quý vị đó.

Tất nhiên tôi biết: Tất cả chúng ta đều mong muốn trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng điều đó có nghĩa là gì? Có phải chỉ làm sao nhanh nhất để trở lại cuộc sống với những thói quen xưa?

Không, thế giới sau sự kiện này sẽ là một thế giới khác. Nó sẽ như thế nào, điều đó do chúng ta quyết định! Chúng ta hãy học từ những kinh nghiệm, kể cả tốt lẫn xấu, những điều chúng ta đã làm hàng ngày trong thời kỳ khủng hoảng này.

 

Tôi nghĩ rằng: Chúng ta đang đứng trước ngã ba đường. Hai hướng chúng ta có thể thực hiện đã rõ ràng trong cuộc khủng hoảng. Hoặc là mỗi người chỉ nghĩ đến mình, dơ cùi chỏ, mua tích trữ để thủ cho mình? Hoặc là có những hành động mới vì người khác và vì xã hội? Sự sáng tạo và lòng sẵn sàng giúp đỡ người khác mới bùng nổ có tiếp tục giữ được hay không? Chúng ta còn tiếp tục giữ liên hệ với những người hàng xóm lớn tuổi mà ta đã giúp họ mua thực phẩm hay không? Chúng ta còn nể trọng những người tính tiền, những người mang bưu phẩm đến cho ta nữa không, những người thật xứng đáng được hưởng sự tôn trọng ấy?

Hơn nữa: Liệu sau khủng hoảng chúng ta còn nhớ những công việc không thể từ bỏ được trong lĩnh vực chăm sóc, cung cấp, những nghề phục vụ xã hội, công việc trong nhà trẻ và trường học và có cho đó thực sự cần thiết đối với chúng ta không? Những người qua được về mặt kinh tế khỏi cuộc khủng hoảng có còn giúp đỡ những người bị thiệt hại nặng để họ tiếp tục tự lập được không?

Và: Chúng ta tìm lối thoát chung cùng thế giới hay là khép kín lại tìm lối đi cho riêng mình? Chúng ta chia sẻ kiến thức, kết quả nghiên cứu để có thể nhanh chóng tìm ra thuốc ngừa và điều trị bệnh, và chúng ta tạo ra một liên minh trên toàn thế giới để những nước nghèo nhất cũng được hưởng, những nước mà dễ bị tổn thương nhất. Không, đại dịch này không phải là một cuộc chiến tranh. Các quốc gia không đối đầu với các quốc gia khác. Các binh lính không chống lại các binh lính khác. Mà đó là một thử thách cho nhan tính của chúng ta. Nó gây ra những cái tính xấu nhất và tốt nhất trong con người. Chúng ta hãy cho nhau thấy những cái tốt đẹp nhất trong chúng ta.

Và chúng ta hãy thể hiện điều đó ở châu Âu! Đức không thể thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng một cách mạnh mẽ và lành mạnh trừ khi những người hàng xóm của chúng ta cũng trở nên mạnh mẽ và khỏe mạnh. Lá cờ màu xanh này đứng ở đây không phải là không có lý do. Ba mươi năm sau khi thống nhất nước Đức, 75 năm sau khi kết thúc chiến tranh, người Đức chúng ta không chỉ kêu gọi đoàn kết ở EU – chúng ta có nghĩa vụ để làm vậy.

Đoàn kết – Tôi biết đó là một từ ngữ lớn. Nhưng không phải tất cả mọi người và tất cả chúng ta hiện đang trải nghiệm một cách rất cụ thể, liên quan đến sự sống còn sự đoàn kết là gì hay sao? Hành động của mỗi người rất quan trọng để người khác được sống sót.
Hãy giữ kinh nghiệm quý giá này. Sự đoàn kết mà bạn thể hiện mỗi ngày, chúng ta sẽ cần nó nhiều hơn nữa trong tương lai! Chúng ta sẽ là một xã hội khác sau cuộc khủng hoảng này. Chúng ta không muốn trở thành một xã hội đầy lo sợ, ngờ vực. Nhưng chúng ta có thể là một xã hội có nhiều tin cậy hơn, tôn trọng kẻ khác hơn và tự tin hơn.

Đó có phải là , ngay cả trong lễ Phục sinh, quá nhiều hy vọng tốt? Virus không có quyền lực đối với câu hỏi này. Chúng ta một mình quyết định về điều này.

Nhiều điều chắc chắn sẽ không dễ dàng hơn trong thời gian tới. Nhưng người Đức chúng ta không phải lúc nào cũng làm cho chúng ta cảm thấy dễ dàng. Chúng ta đòi hỏi ở mình rất nhiều và tin tưởng vào nhau rất nhiều. Chúng ta có khả năng và chúng ta sẽ phát triển trong tình huống này.

Chúc mừng lễ Phục sinh, tất cả những điều tốt đẹp nhất – và hãy chăm sóc  lẫn nhau!

Vũ Ngọc Chi dịch

“Wir stehen jetzt an einer Wegscheide”

Toàn văn sứ điệp Phục Sinh 2020

Lúc 11h ngày 12/04, ĐTC Phanxicô dâng Thánh Lễ Chúa Nhật Phục Sinh. Sau Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đọc sứ điệp Phục Sinh và ban phép lành toàn xá urbi et orbi (cho Roma và toàn thế giới). Vatican News Tiếng Việt xin gởi đến quý độc giả toàn văn sứ điệp.

Chuyển ngữ: Mai Kha, SJ – CTV Vatican News

 

Anh chị em thân mến, tôi xin gởi lời chúc mừng Phục Sinh đến toàn thể anh chị em!

Hôm nay khắp thế giới vang vọng lời loan báo của Giáo Hội: “Đức Giêsu Kitô đã phục sinh!” – “Ngài đã thực sự phục sinh!”

Như một ánh lửa mới, Tin Mừng này được thắp lên trong đêm tối: đêm tối của thế giới đang ở trong những thách đố mang tính đời đại và giờ đây còn bị bủa vây bởi dịch bệnh khiến cho cả gia đình nhân loại rơi vào thử thách tột cùng. Trong đêm tối ấy, lời loan báo của Giáo Hội lại vang vọng: “Đức Kitô, niềm hy vọng của tôi, đã phục sinh!”

Lời loan báo ấy là một sự “lây lan” khác, từ con tim đến con tim, bởi mọi con tim nhân loại đang chờ đợi Tin Mừng này. Đây là sự loan truyền của niềm hy vọng: “Đức Kitô, niềm hy vọng của tôi, đã phục sinh!” Đây không phải là một công thức phù phép làm tan biến mọi khó khăn. Không phải như thế, sự phục sinh của Đức Kitô không phải như vậy. Niềm vui phục sinh là sự vinh thắng của tình yêu trước cội rễ của sự dữ, một chiến thắng không “dè bẹp” đau khổ và cái chết, nhưng vượt qua chúng ngang qua ngả đường nơi vực thẳm, ngang qua việc cải tà quy chính, đó chính là quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa.

Đấng Phục Sinh chính là Đấng Chịu Đóng Đinh, không phải ai khác. Thân thể phục sinh của Ngài vẫn mang những vết thương không thể xoá nhoà, những vết thương trở thành nguồn cội của niềm hy vọng. Chúng ta hãy chạy đến với Ngài để Ngài chữa lành những tổn thương chúng ta phải chịu.

Hôm nay, tôi muốn nhớ đến cách đặc biệt những ai bị ảnh hưởng trực tiếp bởi corona virus: những bệnh nhân, những người đã qua đời và gia quyến đang khóc thương họ, những người mà thậm chí họ không thể nói lời từ biệt sau cùng. Xin Thiên Chúa của sự sống đón nhận vào vương quốc Ngài tất cả những ai qua đời và ban an ủi và hy vọng cho những ai còn trong thử thách, nhất là những người cao niên và đơn chiếc. Xin Chúa cũng không quên an ủi và trợ lực những ai trong hoàn cảnh hiểm nguy, đó là những nhân viên bệnh viện, những ai sống trong quân đội và nhà tù. Đối với nhiều người, sẽ là một lễ Phục Sinh trong cô đơn, sống giữa nước mắt và đau khổ do dịch bệnh gây ra, từ những đau khổ thể lý đến khó khăn tài chính.

Dịch bệnh tước đi không chỉ người thân yêu của chúng ta, mà còn cả cơ hội nối kết con người đến nguồn ai ủi phát sinh từ các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Hoà Giải. Nhiều nơi giáo dân không thể đến với các bí tích này, nhưng Thiên Chúa không để chúng ta đơn côi! Chúng ta liên đới trong lời cầu nguyện, chúng ta biết chắc rằng Ngài đặt bàn tay trên ta (x. Tv. 138, 5), luôn nhắc nhớ chúng ta: đừng sợ, “Thầy đã phục sinh và luôn ở bên con!” (x. Sách lễ Roma)

Lạy Đức Giêsu, Đấng Phục Sinh, xin ban sức mạnh và hy vọng cho các bác sỹ, y tá khắp nơi, những người đang thực hành chứng tá bác ái và liên đới với tha nhân với tất cả sức lực của mình và ngay cả đến hy sinh sức khoẻ bản thân. Chúng ta hướng đến họ với niềm cảm kích và tri ân, những người đang làm việc không ngừng nghỉ để bảo đảm những nhu cầu thiết yếu cho đời sống xã hội, cho sự ổn định và tri ân đến lực lượng quân đội mà ở nhiều nước, họ đang góp phần giải quyết những khó khăn và đau khổ của tha nhân.

Trong những tuần này, cuộc sống của nhiều triệu người bị thay đổi cách miễn cưỡng. Đối với nhiều người, ở nhà là cơ hội để suy ngẫm, để giảm bớt nhịp sống tất bật thường ngày, để ở với người thân và trân quý thời gian bên nhau. Tuy vậy, với nhiều người lại là thời điểm đầy lo lắng bởi tương lai phía trước thật vô định, công việc có thể bị đình chỉ và những hệ quả khác của cuộc khủng hoảng hiện tại. Tôi khuyến nghị những ai có trách nhiệm chính trị dấn thân hết mình cho an sinh của người dân, cung cấp phương tiện và hỗ trợ cần thiết để đi đến đồng thuận về một cuộc sống đúng nhân phẩm và hướng đến, khi điều kiện cho phép, việc trở lại nhịp sống thường ngày.

Đây không phải là thời điểm của sự vô tâm, bởi cả thế giới đang đau khổ và phải hiệp nhất chống lại bệnh dịch. Xin Đức Giêsu phục sinh ban tặng niềm hy vọng cho tất cả người nghèo, những ai đang sống ở vùng xa, những người tị nạn và người vô gia cư. Ước gì những anh chị em thiệt thòi nhất không bị bỏ rơi, họ có thể được nhận ra ở các thành phố, vùng ven đô khắp nơi trên thế giới. Chúng ta không để họ thiếu thốn những nhu cầu thiết yếu, những điều mà hiện tại rất khó đáp ứng vì nhiều hoạt động bị đình chỉ, cũng như thuốc men và nhất là trợ giúp y tế cần thiết. Trước tình hình hiện tại, ước gì các lệnh trừng phạt quốc tế được nới lỏng, những lệnh ngăn cản các Quốc gia hỗ trợ công dân của mình và hỗ trợ các Nước, nhất là những nước nghèo nhất, đối diện với nhu cầu hiện tại bằng cách giảm bớt, nếu không thể xoá bỏ, khoản nợ đang làm cho tình hình thêm khó khăn.

Đây không phải thời điểm của ích kỷ, bởi vấn đề chúng ta đang đối diện liên hệ đến tất cả và không phân biệt ai. Trong nhiều nơi trên thế giới bị thiệt hại do corona virus, tôi bày tỏ tâm tình đặc biệt đến Châu Âu. Sau Chiến Tranh Thế Giới lần thứ hai, châu lục quý mến này có thể hồi sinh là nhờ tinh thần liên đới cụ thể giúp vượt qua xung đột quá khứ. Hơn lúc nào hết, trong tình hình hiện tại, những xung đột ấy không được phép tái hiện, nhưng mọi người cần nhận ra mình là một phần của một gia đình duy nhất và cần giúp đỡ lẫn nhau. Hiện tai, Châu Âu đang đối diện với một thử thách thời đại, quyết định không chỉ tương lai của mình mà còn của cả thế giới. Ước mong chúng ta không được đánh mất cơ hội thể hiện nỗ lực liên đới, ngay cả khi phải thử đến những hướng giải quyết mới. Nếu không sẽ rơi vào chủ nghĩa ích kỷ của tư lợi và cám dỗ trở về với quá khứ, cùng với nguy cơ phá vỡ tương giao hoà bình và phát triển cho các thế hệ kế tiếp.

Đây không phải thời điểm của chia rẽ. Xin Đức Kitô, hoà bình của chúng ta, soi sáng những ai có trách nhiệm trong các xung đột, hầu chúng ta có đủ can đảm tuân thủ lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu và ngay lập tức trên khắp thế giới. Đây không phải là thời điểm để tiếp tục sản xuất và buôn bán vũ khí, sử dụng những khoản đầu tư lớn mà đáng lẽ phải được dùng để chăm lo cho con người và cứu vớt mạng sống. Ước gì đây là lúc để kết thúc cuộc chiến dai dẳng đã nhuốm máu cả Siria, kết thúc xung đột ở Yemen và kết thúc những căng thẳng ở Iraq cũng như ở Liban. Cầu mong đây là lúc Israen và Paletine nối lại đàm phán để tìm ra hướng giải quyết lâu dài và ổn định để cả hai bên được sống trong hoà bình. Cũng là lúc ngừng lại những đau khổ của dân chúng ở các vùng phía đông Ucraina và ngừng các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào người vô tội ở nhiều nước của Phi Châu.

Đây không phải là thời điểm của lãng quên. Cuộc khủng hoảng chúng ta đang đối diện không làm chúng ta quên đi nhiều tiếng kêu cứu của rất nhiều người đau khổ khác. Xin Thiên Chúa hằng sống đến với các dân tộc ở Châu Á và Châu Phi, những nơi đang trải qua khủng khoảng nhân đạo, như ở vùng Cabo Delgado, phía bắc Mozambic. Xin Chúa sưởi ấm tâm hồn những ai đang chịu tị nạn và di dời vì chiến tranh, hạn hán và đói kém. Xin Chúa che chở những người tị nạn và di dân, trong số họ có rất nhiều trẻ em, đang sống trong cảnh cơ cực, đặc biệt là ở Libia và ở vùng biên giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Cầu mong cho Venezuela có thể đạt đến những giải pháp cụ thể và mau chóng, nhiều khi cần đến trợ giúp quốc tế đối với dân tộc đang chịu cảnh đau khổ do tình hình chính trị, kinh tế-xã hội và y tế gây ra.

Anh chị em thân mến,

Vô tâm, ích kỷ, chia rẽ, lãng quên thực sự không phải là những ngôn từ mà chúng ta muốn nghe lúc này. Chúng ta muốn cấm nói đến chúng luôn mãi! Những từ ngữ này dường như chiếm ưu thế khi nơi chúng ta, lo sợ và cái chết đang thắng thế, khi chúng ta không để cho Đức Giêsu ngự trị trong con tim và đời sống chúng ta. Ngài đã chiến thắng sự chết và mở ra cho chúng ta con đường dẫn đến ơn cứu độ vĩnh cửu, xoá đi bóng tối của kiếp nhân sinh và dẫn đưa con người tới ngày vinh thắng không bao giờ tàn lụi.

 

12 tháng tư 2020

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen