Seite auswählen

HRW

19-6-2020

 Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn. Phạm Chí Thành, Trần Đức Thạch, Đinh Thị Thu Thủy. Nguồn: HRW

Làn sóng bắt bớ mới trước Đại hội Đảng lần thứ 13

(New York) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng chính quyền Việt Nam đang gia tăng đàn áp các nhà bất đồng chính kiến và hoạt động nhân quyền trước Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 dự kiến sẽ tổ chức vào tháng Giêng năm 2021. Nhà cầm quyền đã bắt giữ và kết án nhiều người với các tội danh chính trị kể từ cuối năm 2019 đến tháng Sáu năm 2020.

Nhà cầm quyền các địa phương trên cả nước đã bắt giữ và cáo buộc hội viên Hội Nhà báo Độc lập, một thành viên trong nhóm nhân quyền Hội Anh em Dân chủ, và một số nhà hoạt động, người cầm bút độc lập khác. Các tòa án cũng xét xử một số nhà bất đồng chính kiến bị tạm giam từ trước là có tội và kết án họ các mức án tù khá nặng.

“Năm nay Việt Nam đang trấn áp bất đồng chính kiến nặng nề, và các quốc gia khác cần lên tiếng,” ông John Sifton, Giám đốc Vận động châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Các đồng minh và đối tác thương mại của Việt Nam cần nêu quan ngại về những vụ án mới này với Hà Nội và yêu cầu nhà cầm quyền phóng thích các tù nhân chính trị.”

Đại hội đảng, được tổ chức năm năm một lần, là dịp các lãnh đạo cao cấp nhất của đảng họp lại để bầu ra dàn lãnh đạo mới của đất nước, và là một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất của nhà nước độc đảng này. Trong quá khứ, nhà cầm quyền Việt Nam đã truy bắt các nhà bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động để đảm bảo rằng đại hội có vẻ diễn ra trơn tru và không có các tiếng nói bất đồng hay chống đối. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền được biết có ít nhất 150 người đã bị kết tội chỉ vì thực hiện các quyền tự do biểu đạt hay tự do lập hội hiện đang ở trong tù. Ít nhất có mười lăm người khác đã bị khởi tố nhưng chưa xét xử.

Trong số các vụ bắt giữ gây nhiều quan ngại nhằm vào hội viên Hội Nhà báo Độc lập, là vụ công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ Nguyễn Tường Thụy trong tháng Năm và Lê Hữu Minh Tuấn trong tháng Sáu, dường như có nguyên nhân chính là họ đã tham gia hội này. Chủ tịch hội, Phạm Chí Dũng, bị bắt từ tháng Mười một năm ngoái, lý do có thể liên quan tới việc ông phản đối hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU. Cả ba người đều bị cáo buộc tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 117 của bộ luật hình sự.

Hội Nhà báo Độc lập được thành lập từ tháng Bảy năm 2014 với mục tiêu thúc đẩy tự do báo chí và dân chủ. Các thành viên của hội đã đóng góp nhiều bài xã luận trên trang mạng Việt Nam Thời Báo của hội, tham gia các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, bảo vệ môi trường, ủng hộ các tù nhân chính trị và các nhà hoạt động bạn bè, cũng như tham dự các sự kiện liên quan đến nhân quyền. Trong quá khứ, hội đã phải đối mặt với tình trạng bị chính quyền theo dõi gắt gao, sách nhiễu, đe dọa, quản chế tại gia, cấm đi lại, câu lưu và thẩm vấn.

“Các văn bản của chính quyền Việt Nam luôn có dòng tiêu đề với hàng chữ “độc lập-tự do-hạnh phúc” – nhưng qua các vụ này, chúng ta thấy rằng bất cứ ai thực hiện “độc lập” liền bị tước đoạt “tự do” và “hạnh phúc,” ông Sifton nói.

Vào tháng Ba năm 2019, báo Thanh niên đưa tin công an tỉnh Gia Lai bắt giữ ba người – tên là Kưnh, Jưr và Lũp – vì tham gia đạo Hà Mòn, một nhóm Công giáo không được chính quyền phê chuẩn. Chưa rõ họ bị cáo buộc về tội danh gì. Trước đây, chính quyền cáo buộc những người bị bắt vì liên quan tới đạo Hà Mòn theo tội danh “phá hoại khối đoàn kết dân tộc.”

Ngày 13 tháng Sáu, công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ Huỳnh Anh Khoa (Nino Huỳnh), quản trị viên của một nhóm Facebook thảo luận về các vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị Việt Nam. Được biết, anh bị cáo buộc tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” theo điều 331 của bộ luật hình sự. Có tin một quản trị viên khác của nhóm, Nguyễn Đăng Thương, cũng đã bị bắt nhưng chưa rõ đã bị khởi tố hay chưa.

Tháng Tư, công an tỉnh Nghệ An bắt giữ một cựu tù nhân chính trị, Trần Đức Thạch vì cho rằng ông có liên quan tới Hội Anh em Dân chủ và cáo buộc ông tội hoạt động lật đổ.

Hội Anh em Dân chủ do nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Đài và các nhà hoạt động khác thành lập từ tháng Tư năm 2013, với mục tiêu được tuyên bố là “bảo vệ các quyền con người đã được Hiến pháp Việt Nam và các Công ước quốc tế thừa nhận,” và “vận động xây dựng một xã hội dân chủ tiến bộ, công bằng và văn minh tại Việt Nam.” Hội cung cấp một mạng lưới cho các nhà hoạt động cả trong và ngoài nước Việt Nam muốn vận động cho nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam.

Bảy thành viên của hội – Trương Minh Đức, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Văn Trội, Trần Thị Xuân, Nguyễn Văn Túc  Nguyễn Trung Trực – đang phải thụ án tù nhiều năm về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 của bộ luật hình sự năm 1999. Hai thành viên khác, Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà, bị đưa thẳng từ nhà tù sang lưu vong tại Đức. Nhà cầm quyền Việt Nam coi bất cứ một nỗ lực nào của các nhà bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động làm việc cùng nhau hay thành lập nhóm để vận động dân chủ và nhân quyền là nguy cơ đối với chính thể.

Công an tỉnh Đắk Nông bắt giữ Đinh Văn Phú vào tháng Giêng, công an tỉnh Hậu Giang bắt giữ Đinh Thị Thu Thủy vào tháng Tư, và công an Hà Nội bắt giữ Phạm Chí Thành (bút danh Phạm Thành – Bà Đầm Xòe), một người cầm bút, vào tháng Năm. Cả ba người đều bị cáo buộc viết và đăng bài trên Facebook và trên các nền tảng khác trên mạng Internet có quan điểm ngược lại với đảng và nhà nước, và xuất bản các tài liệu phản đối chính quyền, theo điều 117 của bộ luật hình sự.

Ba nhà bất đồng chính kiến khác, Mã Phùng Ngọc Phú, Phan Công Hải  Chung Hoàng Chương bị đưa ra xét xử riêng từng người vào tháng Tư và tháng Năm, bị kết luận là có tội và kết án từ chín tháng đến năm năm tù vì các bài đăng trên Facebook của họ phê phán chính quyền, theo các điều 331 và 117 của bộ luật hình sự.

“Việt Nam về cơ bản đã hình sự hóa việc sử dụng internet hay các nền tảng mạng xã hội để nói lên ý kiến hay tham gia tranh luận,” ông Sifton nói. “Chính phủ các quốc gia hữu quan – và các công ty mạng xã hội – cần lên tiếng.”

Phạm Chí Dũng, 54 tuổi, là một nhà báo độc lập viết về các vấn đề chính trị và xã hội từ nhiều năm qua. Ông vận động cho dân chủ, tự do báo chí, đa nguyên chính trị, pháp quyền và phát triển xã hội dân sự. Ông là thành viên sáng lập và chủ tịch của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.

Ông tham gia một số cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bảo vệ môi trường, tham dự nhiều cuộc thảo luận về nhân quyền, ủng hộ các nhà hoạt động và tù nhân chính trị. Ông thường xuyên bị công an sách nhiễu, đe dọa, câu lưu, quản chế tại gia, và bị cấm xuất cảnh. Tháng Bảy năm 2012, công an bắt giữ và cáo buộc ông tội hoạt động lật đổ theo điều 79 và tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 của bộ luật hình sự năm 1999. Sau khi tạm giam ông bảy tháng, họ hủy bỏ các cáo buộc và trả tự do cho ông vào tháng Hai năm 2013.

Tháng Mười một năm 2019, ông đăng một bài bình luận trên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ và ký một bức thư ngỏ của các nhóm phi chính phủ kêu gọi EU tạm dừng phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam cho đến khi Việt Nam cải thiện được hồ sơ yếu kém về nhân quyền. Chưa đến một tuần sau, vào ngày 21 tháng Mười một, công an bắt ông ở Thành phố Hồ Chí Minh và cáo buộc ông tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.” Các Nghị viên châu Âu nổi tiếng đã kêu gọi trả tự do cho ông, nhưng Đại sứ Việt Nam tại châu Âu bênh vực cho việc bắt giữ ông và so sánh việc hạn chế tự do biểu đạt ở Việt Nam với các quy định hiện hành ở châu Âu.

Nguyễn Tường Thuy, 69 tuổi, đã phục vụ trong quân đội 22 năm. Ông bắt đầu tham gia các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc từ đầu thập niên 2000, và công khai lên tiếng ủng hộ các nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng như Cù Huy Hà Vũ  Lê Quốc Quân, những người bị đi tù vì phê phán chính quyền.

Tháng Mười hai năm 2013, ông và các nhà hoạt động khác thành lập một nhóm nhân đạo, Hội Bầu bí Tương thân, để hỗ trợ tài chính và tinh thần cho các tù nhân chính trị, những người khiếu kiện đất đai và gia đình họ. Tháng Tư năm 2014, ông tới Hoa Kỳ tham dự cuộc điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ về tình trạng thiếu tự do báo chí ở Việt Nam. Tháng Bảy năm 2014, ông góp phần thành lập Hội Nhà báo Độc lập ở Việt Nam. Đến thời điểm bị bắt vào tháng Năm, ông đang là phó chủ tịch hội. Trước đó, công an từng sách nhiễu, đe dọa, hành hung và câu lưu, cũng như quản chế tại gia và cấm ông xuất cảnh.

Công an bắt Nguyễn Tường Thụy tại Hà Nội vào ngày 23 tháng Năm và cáo buộc ông tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 của bộ luật hình sự nước này. Theo lời kể của gia đình và biên bản các đồ vật bị công an thu giữ, Nguyễn Tường Thụy đập chiếc điện thoại di động của mình vào bàn chứ không chịu cung cấp mã khóa cho công an.

Lê Hữu Minh Tuấn, 31 tuổi, đã tốt nghiệp Đại học Đà Nẵng và đang học Đại học Luật Hà Nội. Anh tham gia Hội Nhà báo Độc lập ở Việt Nam từ tháng Tám năm 2014. Với bút danh Lê Tuấn, anh viết về nhiều chủ đề trong đó có các bài nghiên cứu về sự phát triển của xã hội dân sự ở Nga, về Joshua Wong và các cuộc biểu tình dân chủ ở Hồng Kông, và về chính trị Việt Nam. Anh tuyên bố rằng mình muốn “vận động cho một xã hội tốt đẹp hơn bằng tiếng nói phản biện của mình trên mọi mặt trận của đời sống.”

Công an bắt giữ Lê Hữu Minh Tuấn ở tỉnh Quảng Nam vào ngày 12 tháng Sáu và cáo buộc anh tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 của bộ luật hình sự nước này.

Trần Đức Thạch, 69 tuổi, đã viết một cuốn tiểu thuyết, hàng trăm bài thơ, bài báo và bản tin lên án tham nhũng, bất công và vi phạm nhân quyền. Là một cựu chiến binh Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông cũng từng là thành viên của Hội Nhà văn tỉnh Nghệ An. Cuốn tiểu thuyết năm 1988 của ông, Đôi bạn tù, tả về tính chất tùy tiện của hệ thống tư pháp Việt Nam và điều kiện vô nhân đạo trong các nhà tù Việt Nam. Các bài thơ xuất bản với tiêu đề Điều chưa thấy nói về cuộc sống không có tự do và công bằng. Hồi ký ngắn của ông Hố chôn người ám ảnh kể lại câu chuyện những người lính miền Bắc giết hàng loạt người dân thường ở ấp Tân Lập tỉnh Đồng Nai trong tháng Tư năm 1975 mà ông chứng kiến.

Nhà cầm quyền liên tiếp sách nhiễu ông từ năm 1975. Năm 1978, để phản đối tình trạng bị ngược đãi, ông đã tự thiêu và bị bỏng nặng. Năm 2008, ông tham gia các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc và bị bắt vào tháng Chín năm đó. Ông bị cáo buộc đã viết “nhiều bài có nội dung xuyên tạc sự thật, vu cáo, nói xấu Đảng và Nhà nước đăng tải trên tờ bán nguyệt san ‘Tổ quốc,’” một ấn bản chui của các nhà bất đồng chính kiến. Tháng Mười năm 2009, một tòa án tuyên bố ông có tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 của bộ luật hình sự. Ông bị kết án ba năm tù.

Sau khi hoàn tất án tù vào năm 2011, Trần Đức Thạch tiếp tục phê phán đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam. Ông tham gia Hội Anh em Dân chủ thành lập vào tháng Tư năm 2013. Vào ngày 23 tháng Tư năm 2020, công an bắt ông ở tỉnh Nghệ An và cáo buộc ông tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 109 của bộ luật hình sự. Trần Đức Thạch là thành viên thứ 10 của Hội Anh em Dân chủ bị bắt trong vài năm gần gây.

Phạm Chí Thành, 69 tuổi, là một nhà báo, nhà văn và blogger. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông, Hậu Chí Phèo, xuất bản năm 1991, lên án cải cách ruộng đất ở miền Bắc vào những năm 1950 và miêu tả những người lãnh đạo cộng sản địa phương như những nhân vật tham nhũng, vô đạo đức, dốt nát và độc ác. Năm 2007, ông bị mất chức thư ký tòa soạn báo Tiếng nói Việt Nam vì các bài viết chống Trung Quốc. Năm 2014, ông tự xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ hai, Cò hồn xã nghĩa, mô tả chủ nghĩa xã hội và chế độ chính trị ở Việt Nam dưới góc độ rất tiêu cực. Năm 2019, với bút danh Phạm Thành – Bà Đầm Xòe, ông xuất bản một tuyển tập phê phán Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng quá thân Trung Quốc.

Ngày 21 tháng Năm công an Hà Nội khám nhà Phạm Chí Thành suốt mấy tiếng đồng hồ và bắt giữ ông. Ông bị cáo buộc tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 của bộ luật hình sự nước này.

Đinh Thị Thu Thủy, 38 tuổi, dùng Facebook để lên tiếng ủng hộ các tù nhân chính trị. Tháng Sáu năm 2018, cô tham gia biểu tình phản đối dự luật đặc khu kinh tế và luật an ninh mạng. Một nhà hoạt động viết trên Facebook rằng cô “thường xuyên lên tiếng nhiều vấn đề bất công của xã hội, cô cũng lên tiếng cho vấn đề chủ quyền quốc gia đang bị trung cộng xâm hại.”

Công an bắt giữ Đinh Thị Thu Thủy vào ngày 18 tháng Tư tại tỉnh Hậu Giang và cáo buộc cô “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 của bộ luật hình sự nước này.

Theo báo chí nhà nước Việt Nam, “từ năm 2018 đến nay Đinh Thị Thu Thủy mở nhiều tài khoản Facebook cá nhân để biên tập, đăng tải, chia sẻ hàng trăm tài liệu tuyên truyền, xuyên tạc… bôi nhọ danh dự lãnh đạo Đảng, Nhà nước; kích động tư tưởng chống đối; tung tin thất thiệt, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân nhằm chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Nguồn: Tiếng Dân