Seite auswählen

Tuyên bố của Luật Khoa và The Vietnamese về việc bắt giữ ba nhà báo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam

https://vietnamthoibao.org/wp-content/uploads/2020/06/Lu%E1%BA%ADt-Khoa-The-Vietnamese-HNB%C4%90LVN.jpg

Với tư cách là các cơ quan báo chí, Luật Khoa và The Vietnamese lên án các vụ bắt giữ gần đây đối với ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam: Lê Hữu Minh Tuấn(12/6/2020), Nguyễn Tường Thụy (23/5/2020) và Phạm Chí Dũng (21/11/2019).

Cả ba nhà báo trên đều bị khởi tố về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 117 Bộ luật Hình sự), vốn là một điều luật vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, cùng với tờ Việt Nam thời báo của mình, là một tổ chức xã hội dân sự bình thường như mọi tổ chức dân sự khác, được lập ra dựa trên quyền tự do lập hội của người dân, nhằm xiển dương quyền tự do báo chí và thúc đẩy xây dựng một nền báo chí tử tế cho Việt Nam.

Luật Khoa và The Vietnamese chia sẻ và ủng hộ những giá trị tự do mà Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam theo đuổi.

Là đồng nghiệp, chúng tôi quan tâm tới sự an toàn của các nhà báo khác. Chúng tôi coi việc bịt miệng bất kỳ nhà báo nào là hiểm họa đối với chính bản thân mình và cho bất kỳ ai muốn thực hành quyền nói.

Bịt miệng một nhà báo cũng là sự xúc phạm tới quyền đọc báo của người dân.

Chúng tôi hiểu rằng lời kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện đối với ba nhà báo của Hội Nhà báo Độc lập là không thực tế trong hoàn cảnh Việt Nam. Tuy vậy, đó là lựa chọn đúng đắn duy nhất của chính quyền Việt Nam, và chúng tôi yêu cầu chính quyền khẩn trương thực hiện.

Chúng tôi kêu gọi mọi nhà báo, nhà hoạt động, người dân, các tổ chức quốc tế và các chính phủ nước ngoài giám sát và thúc ép chính quyền Việt Nam trả tự do cho ba nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, cũng như tôn trọng quyền tự do báo chí, tự do lập hội của người dân Việt Nam.

Mọi ý kiến phản hồi xin gửi tới editor@luatkhoa.org.

Theo VNTB (19.06.2020)

HRW: Việt Nam gia tăng đàn áp bất đồng chính kiến ôn hòa

Human Rights Watch | Defending Human Rights Worldwide | Human ...

Từ trái qua, hàng trên : Phạm Chí Dũng, Nguyễn Trọng Thủy, Lê Hữu Minh Tuấn. Hàng dưới : Phạm Chí Thành, Trấn Đức Thạch, Đinh Thị Thu Thủy. © hrw.org

Hôm nay, 19/06/2020, tổ chức nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch (HRW) tố cáo chính quyền Việt Nam đang gia tăng đàn áp các nhà bất đồng chính kiến và hoạt động nhân quyền trước Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13, dự kiến tổ chức vào tháng 1/2021. Chính quyền Hà Nội đã bắt giữ và kết án nhiều người với các tội danh chính trị kể từ cuối năm 2019 đến tháng 6/2020.

Theo thông cáo của HRW, cụ thể, chính quyền đã bắt giữ và truy tố các thành viên Hội Nhà báo Độc lập, một thành viên trong nhóm nhân quyền Hội Anh em Dân chủ, và một số nhà hoạt động, người cầm bút độc lập khác. Các tòa án cũng đã kết án tù nặng nề những nhà bất đồng chính kiến đã bị bắt trước đó.

Trong bản thông cáo, ông John Sifton, Giám đốc Vận động châu Á của HRW, nói: « Năm nay Việt Nam trấn áp dữ dội các nhà bất đồng chính kiến và các quốc gia khác cần lên tiếng. Các đồng minh và đối tác thương mại của Việt Nam cần nêu quan ngại về những vụ án mới này với Hà Nội và yêu cầu chính quyền trả tự do cho các tù chính trị. »

HRW nhắc lại Đại hội Đảng, được tổ chức năm năm một lần, là dịp các lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng họp lại để bầu ra ban lãnh đạo mới của Việt Nam, và là một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất của Nhà nước độc đảng này. Trong quá khứ, chính quyền Việt Nam đã từng bắt bớ nhiều nhà bất đồng chính kiến và nhà hoạt động để đảm bảo cho Đại hội có vẻ diễn ra êm thắm và không có các tiếng nói bất đồng hay chống đối nào. Theo HRW, có ít nhất 150 người đã bị kết tội chỉ vì đã hành xử các quyền tự do ngôn luận hay tự do lập hội và hiện đang ngồi tù. Ít nhất 15 người khác đã bị khởi tố nhưng chưa được đưa ra xét xử.

Thông cáo của HRW đặc biệt quan ngại về vụ bắt giữ các thành viên Hội Nhà báo Độc lập, như vụ bắt giữ ông Nguyễn Tường Thụy trong tháng 5, phó chủ tịch hội và ông Lê Hữu Minh Tuấn trong tháng 6. Chủ tịch hội Phạm Chí Dũng thì đã bị bắt từ tháng 11 năm ngoái. Cả ba người đều bị cáo buộc tội « tuyên truyền chống Nhà nước », theo điều 117 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Ngày 13/06 vừa qua, công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã bắt giữ Huỳnh Anh Khoa, quản trị viên của một nhóm Facebook   thảo luận về các vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị Việt Nam, với tội danh « lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước »,  theo điều 331 của Bộ Luật hình sự. Trước đó, vào tháng 4, công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ cựu tù chính trị Trần Đức Thạch, vì cho rằng ông có liên hệ với Hội Anh em Dân chủ. Ông Thạch bị cáo buộc tội « Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân ».

RFI (19.06.2020)

USCIRF bảo trợ cho hai tù nhân tôn giáo Việt Nam

Mục sư A Đảo và Tín đồ Hòa Hảo Nguyễn Bắc Truyển. Photo USCIRF và Free Them Now.

Mục sư A Đảo và Tín đồ Hòa Hảo Nguyễn Bắc Truyển. Photo USCIRF và Free Them Now.

Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) vừa công bố bản báo cáo đặc biệt về tù nhân lương tâm tôn giáo ở Việt Nam, trong đó nêu hai trường hợp tiêu biểu là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Nguyễn Bắc Truyển và Mục sư Tin Lành Tây Nguyên A Đảo. Đây là hai tù nhân tôn giáo của Việt Nam trong danh sách 14 tù nhân lương tâm tôn giáo trên thế giới vừa được các Uỷ viên của USCIRF bảo trợ.

Báo cáo ngày 9/6/2020 của USCIRF cho biết trong số hơn 250 tù nhân lương tâm tại Việt Nam, ước tính có một phần ba bị bỏ tù vì có liên quan đến hoạt động cho tự do tôn giáo hay niềm tin tôn giáo, gồm cả Công Giáo, Tin Lành và Hòa Hảo.

Trong danh sách của USCIRF hiện có tất cả 28 nạn nhân tôn giáo Việt Nam đang bị giam cầm, trong đó phần lớn theo Phật giáo Ân Đàn Đại Đạo và Hòa Hảo.

“Các tù nhân tôn giáo không được trại giam cho tiếp cận kinh sách hoặc được chăm sóc y tế đầy đủ,” báo cáo viết.

“Một số nhà lãnh đạo tôn giáo đã bị bắt chỉ vì họ ủng hộ cho tự do tôn giáo nói chung hay cho một số cộng đồng tôn giáo cụ thể,” báo cáo nhận định.

Báo cáo đơn cử trường hợp Mục sư Tin lành A Đảo thuộc Giáo hội Tin Lành Montagnard không được Nhà nước Việt Nam công nhận và nhà hoạt động tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển, một tín đồ Hòa Hảo, đang bị chính quyền Việt Nam giam cầm.

Vào tháng 8/2016, mục sư A Đảo tham dự Hội nghị Tự do Tôn giáo – Tín ngưỡng Đông Nam Á tại Đông Timor. Khi trở về, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ ông và tuyên án 5 năm tù vào ngày 28/4/2017 với cáo buộc “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài,” theo điều 275 của Bộ Luật Hình sự.

29/5/2020 USCIRF ra tuyên bố bảo trợ cho Mục sư A Đảo trong khuôn khổ Dự án Tù nhân Lương tâm Tôn giáo của USCIRF.

Từ làng Gia Xiêng – xã Rờ Kơi – huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, bà Y Puôi, mẹ của ông A Đảo, nói với VOA qua lời của người phiên dịch.

Trong mấy năm qua tôi chỉ đi thăm A Đảo có ba lần thôi vì không có phương tiện và đường đến nhà giam xa. Khi đến đó nói chuyện cũng ít, vì quá cảm động, khóc là nhiều.

“Trong khi A Đảo ở trong trại giam thì công an đã lợi dụng vợ ông, xúi giục vợ ông bán hết đất đai và đem hai đứa con trở về quê ở ngoài Bắc, nói rằng cô ở với A Đảo không có tương lai.”

Thư kêu gọi ông Trump lưu ý tự do tôn giáo ở Việt Nam

USCIRF dẫn lời bà Nguyễn Thị Tươi, vợ của Mục sư A Đảo, cho biết chồng bà liên tục bị ngược đãi, đánh đập gây thương tích, sức khỏe kém ở trại gia Gia Trung tỉnh Gia Lai. Được biết vào cuối năm 2019, ông bị “tra trấn,” và vào tháng 8/2018, “giám thị đã cho tù nhân khác đánh đập ông.”

Báo Công an Kon Tum dẫn cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai cho biết vào đầu tháng 3/2016, ông A Đảo “liên lạc, móc nối” với ông A Ga ở Thái Lan để “bàn bạc, thống nhất thời gian, địa điểm, tiền bạc để tổ chức cho một số trường hợp người dân tộc thiểu số trốn sang Thái Lan.

USCIRF cho biết thêm rằng nhà chức trách cũng đã thẩm vấn các thành viên trong hội thánh của ông A Đảo và yêu cầu họ ngừng mọi liên lạc với “những đối tượng phản động ở nước ngoài.”

Ủy viên USCIRF James W. Carr hôm 29/5 ra tuyên bố bảo trợ cho Mục sư A Đảo, nói rằng không một ai phải bị bắt giữ chỉ vì họ lãnh đạo một hội thánh không được công nhận hoặc tham dự một hội nghị quốc tế. USCIRF kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho Mục sư A Đảo sớm như một hành động thể hiện sự khoan dung.

Ông Trump ký lệnh thúc đẩy tự do tôn giáo quốc tế, trong đó có VN

Trước đó, vào tháng 11/2019, USCIRF ra thông báo quyết định bảo trợ cho ông Nguyễn Bắc Truyển, một tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo hiện đang thụ án tù 11 năm tại Việt Nam và đưa ông vào dự án Tù nhân Lương tâm Tôn giáo.

“Những người như ông Nguyễn Bắc Truyển lẽ ra phải được vinh danh vì các nỗ lực không mệt mỏi để cải thiện đời sống cho những người đồng bào của ông, nhưng thay vào đó, ông ấy đã bị tuyên án quá mức nặng nề và bất công. Ông ấy phải được trả tự do ngay nếu Việt Nam thực thi đúng đắn nghĩa vụ theo luật quốc tế,” bà Anurima Bhargava, Uỷ viên của USCIRF, người bảo trợ cho ông Truyển phát biểu trong một tuyên bố.

Ông Nguyễn Bắc Truyển là Chủ tịch Hội Ái hữu Cựu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam, bị chính quyền Việt Nam bắt giam từ tháng 7/2017 và bị tuyên án 11 năm tù vào tháng 4/2018 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.” Hiện ông đang bị giam giữ tại trại gian An Điềm, tỉnh Quảng Nam.

“Những gì mà nhà nước Việt Nam cáo buộc anh Truyển là hoàn toàn vô căn cứ” Bà Bùi Thị Kim Phượng, vợ của ông Truyển, từ thành phố Hồ Chí Minh, nói với VOA.

USCIRF ra thông cáo bảo trợ cho nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển. Photo USCIRF

USCIRF ra thông cáo bảo trợ cho nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển. Photo USCIRF

Bà Kim Phượng chia sẻ thêm:

Anh Truyển là người bảo vệ nhân quyền, trong đó có quyền tự do tôn giáo. Anh giúp đỡ cho đồng bào tôn giáo yếu thế, nhỏ lẻ, ít ai để ý tới.

“Vào năm 2014, sau khi vợ chồng tôi bị trục xuất từ Đồng Tháp lên Sài Gòn, chúng tôi có làm thiện nguyện cho Văn phòng Công lý và Hòa bình để giúp các linh mục làm chương trình Thương phế binh Việt Nam Cộng hòa, bên cạnh việc hỗ trợ cho Phật giáo Hòa Hảo, mà anh Truyển là một tín đồ.”

Trong một tuyên cáo kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Nguyễn Bắc Truyển vào tháng 4/2020, bà Bhargava phát biểu: “Ông ấy nên được ở bên gia đình, nhất là khi đại dịch Covid-19 bùng phát đang làm tăng nguy cơ sức khỏe cộng đồng cho các tù nhân và các vấn đề sức khỏe của ông ấy ngày càng trầm trọng thêm kể từ khi bị giam cầm.”

Dân biểu liên bang Hoa Kỳ Harley Rouda và Zoe Lofgren cũng bảo trợ cho ông Nguyễn Bắc Truyển thông qua Dự án Bảo vệ Tự do của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch BPSOS, một tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ vận động cho tự do tôn giáo Việt Nam, nêu định với VOA về ý nghĩa của việc USCIRF bảo trợ hai tù nhân tôn giáo Việt Nam trong tổng số 14 tù nhân được bảo trợ trên toàn thế giới.

“Đây là lần đầu tiên có hai người Việt là nạn nhân của đàn áp tôn giáo Việt Nam cùng một lúc được USCIRF bảo trợ. Tôi biết rằng con số thật sự trên toàn cầu được bảo trợ không nhiều mà Việt Nam có đến hai người.

“Đây là hai người đến từ hai tôn giáo nhỏ so với các tôn giáo khác ở Việt Nam: Phật giáo Hòa Hảo và Tin lành Tây Nguyên. Điều này cho thấy rằng USCIRF đã bắt đầu chú ý sâu hơn đến tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam.”

Các nhà hoạt động tôn giáo Việt Nam từng được USCIRF bảo trợ trước đây là cố Hòa thượng Thích Quảng Độ, Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất; và Mục sư Tin lành Nguyễn Công Chính và vợ là bà Trần Thị Hồng, hiện gia đình đang định cư tại Hoa Kỳ.

Khi nhận bảo trợ cho một tù nhân lương tâm tôn giáo, Ủy viên của USCIRF sẽ nỗ lực bằng mọi cách để yêu cầu trả tự do vô điều kiện cho người được bảo trợ, cũng như theo dõi tình trạng an nguy của người ấy khi còn đang ở trong tù.

Trong phúc trình thường niên năm 2020, USCIRF kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ liệt Việt Nam vào danh sách quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế.

Chính quyền Việt Nam luôn nói rằng không có tù nhân lương tâm ở nước này và không có nạn nhân bị đàn áp vì thực hành tôn giáo hay niềm tin, mà chỉ có những người bị bắt giam vì “vi phạm pháp luật.”

Ông Nguyễn Đình Thắng cho biết thêm rằng con số tù nhân lương tâm tôn giáo Việt Nam mà USCIRF nêu chưa dừng lại ở con số 28 vì sắp tới đây BPSOS sẽ hỗ trợ gia đình nạn nhân lập danh sách cho thêm khoảng 100 tù nhân tôn giáo khác để bổ sung vào danh sách hiện tại của USCIRF.

VOA (17.06.2020)

RSF và CPJ lên án Việt Nam bắt giữ nhà báo độc lập Lê Tuấn

Biển Đông : Bắc Kinh tố ngược Việt Nam là đã xâm lấn vùng biển ...

Lê Hữu Minh Tuấn (photo : IJAVN / Facebook Vo Hong Ly) © rsf.org

Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) và Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo (CPJ) vừa qua đã lên tiếng tố cáo chính quyền Việt Nam bắt giữ ông Lê Hữu Minh Tuấn, bút danh Lê Tuấn, thành viên thứ ba của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, vì cáo buộc chống Nhà nước.

Trước đó báo chí trong nước đưa tin Công an Thành phố Hồ Chí Minh ngày 13/06/2020 đã khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Hữu Minh Tuấn, 31 tuổi, ngụ tại Quảng Nam vì « làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam » quy định tại điều 117 Bộ luật hình sự.

Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới có trụ sở tại Paris hôm 15/06 đã ra thông cáo lên án việc bắt ông Lê Tuấn, với tội danh có mức án lên đến 12 năm tù. Vụ bắt giữ này xảy ra chưa đầy một tháng sau khi ông Nguyễn Tường Thụy, phó chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) bị bắt tại Hà Nội và di lý vào Saigon. Chủ tịch hội là nhà báo Phạm Chí Dũng, người có tên trong danh sách « Anh hùng thông tin » của RSF, đã bị bắt tại Saigon từ tháng 11/2019. 

Theo ông Daniel Bastard, phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của RSF, thì việc bắt nhà báo trẻ Lê Tuấn cho thấy « sự lo lắng trong giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam, sáu tháng trước Đại hội 13 của đảng ». Ông nhắc lại, Việt Nam hiện đứng thứ 175/180 trong bảng xếp hạng năm 2020 của RSF về tự do báo chí.

Về phía Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo (CPJ) có trụ sở tại Hoa Kỳ, trong thông cáo ngày 15/06/2020 đã đòi hỏi trả tự do lập tức cho ông Lê Hữu Minh Tuấn, đồng thời hủy bỏ những cáo buộc đối với ông.

Ông Shawn Crispin, đại diện khu vực Đông Nam Á của CPJ cho rằng Việt Nam cần chấm dứt chiến dịch sách nhiễu các thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Theo ông Crispin, « Việt Nam sẽ không bao giờ được coi là một nhân tố có trách nhiệm trên thế giới nếu vẫn tiếp tục đối xử với các nhà báo độc lập như tội phạm ».

Hai tổ chức trên còn nêu ra trường hợp blogger, nhà văn Phạm Chí Thành, bút danh Phạm Thành bị bắt hồi tháng Năm, được cho rằng cũng là thành viên của IJAVN, nhưng thật ra ông Phạm Thành đã ra khỏi hội này.

Báo chí Nhà nước Việt Nam dẫn nguồn tin công an cho biết đang điều tra mở rộng vụ án « Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam » do « Phạm Chí Dũng cùng đồng phạm » thực hiện.

RFI (17.06.2020)

Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam quan tâm vụ Đồng Tâm sau khi công an ra kết luận điều tra

Hình ảnh cụ Lê Đình Kình được một người dân cầm trong lễ tang của ông hôm 12/1. Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đang quan tâm đến tình hình Đồng Tâm sau khi công an Hà Nội đưa ra bản kết luận điều tra vụ bố ráp xảy ra hôm 9/1. (Ảnh từ trang Facebook Pham Doan Trang)

Hình ảnh cụ Lê Đình Kình được một người dân cầm trong lễ tang của ông hôm 12/1. Tòa Đại sứ Mỹ tại Hà Nội đang quan tâm đến tình hình Đồng Tâm sau khi công an Hà Nội đưa ra bản kết luận điều tra vụ bố ráp xảy ra hôm 9/1. (Ảnh từ trang Facebook Pham Doan Trang)

Tòa Đại sứ Mỹ tại Việt Nam tỏ dấu hiệu quan tâm tới vụ Đồng Tâm ngay sau khi cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội công bố kết luận điều tra, được cho là “có nhiều vấn đề bàn cãi”, về vụ tranh chấp đất đai dẫn đến bố ráp gây chết người hồi đầu năm nay.

Cơ quan điều tra Công an Hà Nội công bố bản kết luận điều tra vụ án hình sự hôm 12/6, trong đó đề nghị truy tố vụ án giết người, chống người thi hành công vụ xảy ra hôm 9/1 tại thôn Hoành, Đồng Tâm ở ngoại ô Hà Nội. Bản kết luận điều tra dài 47 trang cáo buộc người dân Đồng Tâm “có sự chuẩn bị từ trước” qua việc “tập hợp lực lượng, đóng góp tiền mua vũ khí” cũng như lên kế hoạch “phân công nhiệm vụ từng đối tượng” và “chủ động dùng vũ khí tấn công quyết liệt” nhằm “tiêu diệt lực lượng thi hành nhiệm vụ.”

Ba ngày sau đó, một đại diện của tòa đại sứ Mỹ ở Hà Nội đã gọi điện trao đổi với nhà hoạt động Trịnh Bá Phương để tìm hiểu một số vấn đề về bản kết luận điều tra cũng như tình trạng của người dân Đồng Tâm, trong đó có việc tiếp cận luật sư và tâm lý của họ.

Viên chức tòa Đại sứ có nói họ đã đọc hết bản kết luận điều tra đó,” anh Phương, một người tranh đấu quyền đất đai của làng Dương Nội, cho biết. “Họ cũng nói đã đọc bài viết của tôi đăng trên Facebook cá nhân phân tích các điểm phi lý trong bản kết luận điều tra, trong đó trọng tâm là về sự phi lý trong cự ly bắn cụ Kình và việc can xăng chỉ còn có 5-6 lít mà lại có thể thiêu cháy than hoá được 3 viên cảnh sát cơ động. Đó là điều phi lý.”

Trong vụ bố ráp rạng sáng ngày 9/1 tại Đồng Tâm, cụ Lê Đình Kình, một đảng viên và là thủ lĩnh tinh thần của người dân làng trong cuộc đấu tranh “bảo vệ đất” bị lực lượng an ninh của chính quyền bắn thiệt mạng. Công an Hà Nội kết luận rằng người đàn ông 84 tuổi “đã sử dụng tuýp sắt gắn dao phóng lợn, 1 quả lựu đạn tấn công lược lượng làm nhiệm vụ” và do đó hành vi của ông Kình cấu thành tội “giết người.”.

Vẫn theo bản kết luận điều tra đưa ra hôm 12/6, người dân Đồng Tâm đã “nhiều lần đổ xăng xuống hố và châm lửa đốt, là nguyên nhân trực tiếp làm 3 chiến sỹ công an hy sinh.”

Trao đổi với VOA sau khi nhận được bản kết luận điều tra của cơ quan công an, các luật sư nhận tham gia bào chữa trong vụ án ở Đồng Tâm nói rằng họ hơi bất ngờ vì “kết luận điều tra được đưa ra quá nhanh”. Theo LS Ngô Anh Tuấn, thông thường phải mất khoảng một năm để đưa ra bản kết luận đối với một vụ án có tới 29 người bị truy tố như ở Đồng Tâm.

Anh Phương cho biết anh cũng trao đổi với tuỳ viên sứ quán Mỹ, mà anh không muốn đưa ra danh tính, về việc tiếp cận luật sư đối với những người Đồng Tâm bị truy tố.

Khi họ hỏi về vấn đề luật sư, tôi cũng cho biết rằng hầu hết các luật sư đều được cấp phép bào chữa cho 29 người dân Đồng Tâm bị bắt,” anh Phương nói. “Tuy nhiên sự tiếp cận của các luật sư đối với những bị can, tức người dân Đồng Tâm (bị bắt), gần như là không có. Chỉ có vài luật sư được gặp đúng một lần thôi còn hầu hết là luật sư chưa được gặp thân chủ của mình.”

LS Đặng Đình Mạnh, một người tham gia bào chữa vụ án này, cho VOA biết hôm 12/6 rằng ông và các luật sư khác đã được tiếp xúc với các bị cáo nhưng không được tiếp xúc trực tiếp và trong điều kiện “rất hạn chế”.

Trong cuộc nói chuyện với đại diện sứ quán Mỹ hôm 15/6, anh Phương cho rằng kết luận của cơ qua điều tra là không khách quan “vì cơ quan công an TP Hà Nội là cơ quan trực tiếp nổ súng bắn chết cụ Kình tại phòng ngủ mà họ lại nắm quyền điều tra truy tố như vậy cho thấy rằng chính họ đã vi phạm luật pháp Việt Nam, luật tố tụng hình sự. Anh cũng nêu quan ngại về việc bức cung nhục hình, một tình trạng mà theo anh rất phổ biến ở Việt Nam.

Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) hôm 16/1 đã chỉ trích Việt Nam vì tăng cường trấn áp với các vụ bắt người và kiểm duyệt mạng xã hội nhằm dập tắt những tranh luận về vụ tranh chấp đất đẫm máu tại làng Đồng Tâm cũng như yêu cầu chính quyền Hà Nội “phải làm rõ những gì đã xảy ra hôm 9/1, đặc biệt là về cáo buộc đánh đập một phụ nữ lớn tuổi. Bất kỳ ai bị nghi là dùng đến bạo lực, dù là công an hay dân Đồng Tâm, đều phải được đưa ra trước công lý.”

Biến cố hôm 9/1 ở Đồng Tâm được cho là bắt nguồn từ tranh chấp đất đai kéo dài nhiều năm và trở thành điểm nóng khi người dân xã này cho rằng hàng chục hecta đất đồng Sênh là đất nông nghiệp của xã chứ không phải đất quốc phòng. Từ ngày 31/12/2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn theo kế hoạch nhưng vấp phải sự phản đối của người dân Đồng Tâm, dẫn đến vụ bố ráp hôm 9/1.

Hồi tháng 2 năm nay, Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Daniel Kritenbrink nói trong một buổi gặp gỡ cộng đồng người Việt ở San Jose, California, rằng Hoa Kỳ không chỉ đứng ngoài quan sát biến cố Đồng Tâm mà có nhiều quan tâm đến vụ việc. Tuy nhiên, ông nói thật khó biết được sự thật về những gì xảy ra tại đó và lấy làm tiếc là có những người chết trong sự kiện và mong hai bên sẽ giải quyết vấn đề một cách ôn hoà và trong tinh thần pháp trị.

Anh Phương, người từng gặp đại diện sứ quán Mỹ ở Hà Nội hồi tháng 2 cũng để trao đổi về vụ Đồng Tâm, cho biết đã “chuyển lời của người dân Đồng Tâm với viên chức sứ quán Mỹ rằng rất mong muốn quốc tế quan tâm đến vụ việc này, bởi ở đất nước chúng tôi người dân rất khó có được sự công bằng với nền tư pháp như hiện nay.”

VOA (16.06.2020)

Hiến pháp về đàn áp báo chí

TS Phạm Đình Bá

Đàn áp báo chí

 Tranh luận về đàn áp báo chí nên nhấn mạnh vào đóng góp của các nhà báo dấn thân để bảo vệ nhân quyền và đòi hỏi những người lạm quyền phải chịu trách nhiệm về các vi phạm quyền lợi của dân.

Gần đây, nhà nước đã bắt giam các nhà báo của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam như ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Thành, và Lê Nguyễn Minh Tuấn với cáo buộc là các nhà báo này có phần nào “… tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (1). Trong thông cáo báo chí về việc này, Hội Nhà Báo Độc Lập nhấn mạnh rằng điều 25 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có ghi là “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”. Bài này tóm lược các bài nghiên cứu gần đây về đàn áp báo chí ở nhiều nơi trên thế giới để tìm hiểu cái nghịch lý trong hành vi trái hiến pháp của nhà nước Việt Nam. 

Các nghiên cứu về đàn áp báo chí

Hughes và Vorobyeva đã tìm cách giải thích cho sự gia tăng giết chết các nhà báo trong vòng 25 năm qua, bao gồm các mối nguy hiểm của phóng sự chiến trường và các điều kiện không an toàn ở các nước với khác biệt về mức độ dân chủ (2). Các tác giả này phân tích 1812 vụ giết các nhà báo từ năm 1992 đến 2016. Họ thấy rằng các quốc gia có chế độ chính trị hỗn hợp pha trộn các yếu tố dân chủ và độc quyền tạo ra bối cảnh nguy hiểm nhất cho các nhà báo, trong khi một cấu hình không gian cụ thể trong các quốc gia đó, chủ nghĩa độc đoán địa phương, làm rõ logic của các vụ giết người. Đặc biệt, nghiên cứu cho thấy hầu hết các nhà báo đã chết ở các quốc gia nơi các quy tắc và tập quán dân chủ chính thức ở cấp quốc gia khuyến khích báo cáo điều tra khiến cho các nhà báo làm việc tích cực để phân phiu các vụ việc tại các đấu trường địa phương nơi những người nắm giữ quyền lực có động lực để đàn áp mạnh mẽ báo chí.

Ở cấp độ tổng hợp, nghiên cứu này chỉ rõ hầu hết các nhà báo bị giết đã đưa tin như chính trị, tham nhũng, nhân quyền hoặc tội phạm, có thể vạch trần hành vi sai trái của các chính trị gia địa phương và / hoặc những người nắm giữ quyền lực thực tế khác. Các nhà báo thường ít gặp nguy hiểm hơn nhiều khi họ điều tra và tường thuật về các vụ việc trong kinh doanh, thể thao hoặc văn hóa, mặc dù một số nhà báo vẫn bị giết đã chuyên về những đề tài đó.

Charles nghiên cứu bạo lực chống báo chí ở Colombia (3). Đây là một quốc gia mà bạo lực là một phần vốn có của các cấu trúc nền tảng cho việc mất trật tự xã hội của các khu vực trong nước này. Thông qua các cuộc phỏng vấn với bốn thành viên của nhóm bán quân sự Colombia khi các nhóm này đã tấn công liên tục vào các nhà báo, Charles lập luận rằng bạo lực chống báo chí có thể cùng tồn tại bên cạnh ý thức tôn trọng báo chí. Hiện tượng hỗn hợp này đề xuất mối liên hệ trực tiếp giữa phong cách tường thuật của nhà báo và mức độ rủi ro mà họ có thể gặp phải, cũng như giữa các quyết định của các nhóm bán quân sự để giết hoặc đe dọa các nhà báo và mức độ thực thi các quyết định này. Có ý kiến cho rằng bạo lực chống báo chí được kết nối với điều kiện dân chủ và kinh tế trong vùng mà các nhóm bán quân sư kiểm soát. Trong những trường hợp này, bạo lực chống báo chí được trình bày như một công cụ quản trị tội phạm để duy trì trật tự nơi các nhóm bán quân sự điều hành và các nhóm này dùng bạo lực với báo chí để bảo vệ các hành động nổi dậy tàn bạo của họ. Phân tích như vậy vượt ra ngoài việc xem xét các ý nghĩa chung chung của bạo lực chống báo chí để cung cấp một sự hiểu biết nhiều sắc thái hơn về các yếu tố quyết định mang tính khiêu khích, cân nhắc và cấu trúc, làm nền tảng cho biên độ bạo lực ở Colombia.

Repnikova cho rằng chúng ta biết rất ít về các phương thức tranh chấp không mang lại kết quả dân chủ ngay lập tức, nhưng thúc đẩy các chế độ độc tài theo nhịp độ thay đổi dài hạn, dẫn đến gia tăng hay giảm đi mức độ độc tài (4). Repnikova đưa ra giả thuyết về các hoạt động như vậy thông qua một nghiên cứu so sánh hành vi của các nhà báo ở Trung cộng và Nga. Dựa trên các cuộc phỏng vấn sâu và quan sát người tham gia trong bài nghiên cứu ở hai quốc gia, tác giả trình bày hai loại hoạt động tiêu biểu: đối kháng ngầm trong hệ thống độc tài, được thực hiện trong quan hệ đối tác với nhà nước, và đối kháng và thách thức bên ngoài được triển khai để phản đối hệ thống độc tài.

Đối kháng ngầm trong hệ thống độc tài – Vào tháng 1 năm 2013, các nhà báo quan trọng của Trung cộng làm việc cho cửa hàng tin tức nổi tiếng Quảng Châu, Southern Weekly, đã phản đối kiểm duyệt địa phương của một bài xã luận trong năm mới (4). Cuộc biểu tình, ban đầu được báo chí phương Tây mô tả là đòi tự do báo chí, thật ra không có nhiều tham vọng thực sự đòi hỏi tự do báo chí. Các nhà báo bất bình đã tránh liên kết với công chúng. Họ nhanh chóng đàm phán bí mật với chính quyền và trở lại làm việc như thường lệ. Cuộc biểu tình lấy cảm hứng từ tờ báo có lưu hành rất lớn nhưng các đối kháng không trở nên công khai. Ngược lại, các nhà báo chỉ nhắm vào một số cách kiểm duyệt, nhấn mạnh rằng ngay cả những sự kiện công khai nhất về tranh chấp báo chí ở Trung cộng cũng có tính chất khuất phục, xuất hiện và mờ dần trong hệ thống cai trị độc tài ở đây.

Đối kháng công khai để phản đối hệ thống độc tài – Vào mùa đông 2011 2011, các nhà báo và trí thức tự do Nga đã tham gia và khởi động phong trào phản kháng lớn nhất mà Nga đã chứng kiến từ những năm 1990 (4). Phong trào “Băng trắng” đã thu hút hàng chục ngàn người phản đối cuộc bầu cử quốc hội gian lận và phản đối tham vọng của Putin để làm tổng thống lâu dài. Các nhà báo quan trọng nổi tiếng từ các phương tiện truyền thông đã huy động công chúng bằng cách tổ chức quyên góp và kiến nghị trên phương tiện truyền thông xã hội và không ngừng đưa tin về các sự kiện, mà phần lớn các sự kiện nầy bị kiểm duyệt trong các cổng  tin tức chính thống. Mặc dù Putin đã trở lại vị trí tổng thống của mình, phong trào vẫn là một dấu ấn quan trọng về thái độ đối kháng và thành lập tiếng nói đối trọng ở Nga. Khả năng của tầm đối kháng này vẫn không hoàn toàn bị chế ngự bởi chính phủ độc tài của Putin.

Salaza nghiên cứu tại sao một số tờ báo vẫn đối kháng trong bối cảnh đàn áp chống báo chí trong khi những tờ báo khác thì từ bỏ đối kháng? Có lập luận cho rằng tấn công nhà báo tạo ra hiệu ứng răn đe đối với vai trò giám sát của báo chí (5). Tuy nhiên, các bằng chứng cho thấy báo chí vẫn đối kháng trong môi trường thù địch dường như thách thức các lập luận này. Salazar khám phá mối quan hệ giữa sự đàn áp bạo lực của chính phủ và chức năng quan trọng của báo chí. Sử dụng một bộ dữ liệu gốc của các tờ báo Mexico địa phương từ năm 2011 đến 2013, tác giả xem xét các tác động trực tiếp của bạo lực trên các tiêu đề trên trang nhất. Tác giả nhận thấy rằng trong khi sự đàn áp có tác dụng làm giảm đi mức đối kháng trong vai trò giám định của báo chí, hiệu quả cuối cùng phụ thuộc vào cấu hình của các liên kết mà báo chí tái lập ở địa phương, được xem xét ở đây là các tổ chức phi chính phủ, các đảng đối lập và các nhà xuất bản báo chí.

Diễn dịch về kết quả từ 4 bài nghiên cứu trên

Dự án 88 cho “Tự do Phát biểu ở Việt Nam” liệt kê 181 nhà hoạt động dân sự đang bị đe dọa, 278 nhà hoạt động dân sự đang bị giam cầm, bao gồm 77 nhà hoạt động nữ và 56 nhà hoạt động từ các dân tộc thiểu số (6). Trường hợp của nhà báo Lê Anh Hùng là một ví dụ điển hình (7). Lê Anh Hùng phát hiện ra một đường dây buôn ma túy có dính líu tới nhiều quan chức cao cấp ở Quảng Trị. Anh đã viết bài và gửi đơn thư tố giác đi nhiều nơi, nhưng các cơ quan tố tụng của Việt Nam, từ các cơ quan địa phương tới trung ương đều không thực hiện đúng trình tự các thủ tục tố giác tội phạm. Trái với các kết quả ở nghiên cứu số 1 ở trên, ở Việt Nam có sự nhất quán về vi phạm luật lệ từ trung ương tới địa phương, điều này có thể phát xuất từ liên kết mạng nhện trải dọc từ trên xuống dưới. 

Các hành vi đàn áp nhà báo ở Việt Nam cũng tương tự như hành động của các nhóm bán quân sự ở Columbia khi các nhóm này dùng bạo lực với báo chí như là một công cụ quản trị để duy trì trật tự xã hội. Tương tự như kết quả của bài nghiên cứu số 2 ở trên, khoa chính trị học và xã hội học ở Việt Nam cần nghiên cứu để cung cấp một sự hiểu biết sâu sắc hơn về các yếu tố, cân nhắc và cấu trúc trong quyết định và thời điểm đàn áp các nhà báo.

Mức độ kiểm soát của nhà nước Việt Nam với các phương tiện truyền thông có thể ở giữa mức độ kiểm soát thấp của chính phủ Putin ở Nga và ở mức độ kiểm soát nghiêm ngặt ở Trung cộng. Tương tự như kết quả của bài nghiên cứu số 3 ở trên, các nhà báo ở Việt Nam có khả năng đóng góp để tạo dựng một tiếng nói đối trọng để vạch trần những bất công mà người dân phải thường xuyên chịu đựng từ cách quản lý thiếu hiệu quả của nhà nước.

Bài học từ nghiên cứu số 4 ở trên cho thấy nhà báo ở Việt Nam đang thực hiện vai trò giám sát bằng cách tường thuật tham nhũng, bất công và vi phạm luật pháp trong cách làm việc của cán bộ. Sự hiện diện của các diễn đàn ngôn luận khác nhau có thể là chứng cứ cho việc liên kết của dân với người làm báo. 

Tranh luận về đàn áp báo chí nên nhấn mạnh vào đóng góp của các nhà báo dấn thân để bảo vệ nhân quyền và đòi hỏi những người lạm quyền phải chịu trách nhiệm về các vi phạm quyền lợi của dân. Cần nỗ lực để kêu gọi các tổ chức quốc tế để nói với nhà nước Việt Nam là họ sẽ gánh lấy hậu quả cô lập qua các quan hệ quốc tế nếu họ đàn áp báo chí. Mặc dù sự đàn áp báo chí có thể ngăn cản báo chí thực hiện vai trò giám sát trong khung xã hội, nhưng hiệu quả cuối cùng phụ thuộc vào cấu hình của các liên kết báo chí thiết lập tại địa phương nơi các nhà báo hoạt động, bao gồm người đọc, các tổ chức phi chính phủ và các nhóm có thể ủng hộ thay đổi. Vai trò của xã hội dân sự trong hoạt động của báo chí cần được hiểu trong bối cảnh chính trị địa phương.

 VNTB (18.06.2020)

_________________________

Nguồn:

  1. VNTB. Thông cáo báo chí của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam. 2020; https://vietnamthoibao.org/vntb-thong-cao-bao-chi-cua-hoi-nha-bao-doc-lap-viet-nam/.
  2. Hughes S, Vorobyeva Y. Explaining the killing of journalists in the contemporary era: The importance of hybrid regimes and subnational variations. Journalism. 2019.
  3. Charles M. Why are journalists threatened and killed? A portrait of neo-paramilitary anti-press violence in Colombia’s Bajo Cauca. Journalism. 2020.
  4. Repnikova M. Contesting the state under authoritarianism: Critical journalists in China and Russia. Comparative Politics. 2018;51(1):41-60.
  5. Salazar G. Strategic Allies and the Survival of Critical Media under Repressive Conditions: An Empirical Analysis of Local Mexican Press. International Journal of Press/Politics. 2019;24(3):341-362.
  6. Project 88. Database of Persecuted Activists in Vietnam. 2020; https://the88project.org/database/.
  7. VNTB. Thư ngỏ yêu cầu TBT Nguyễn Phú Trọng trả tự do cho Lê Anh Hùng. 2020; https://vietnamthoibao.org/vntb-thu-ngo-le-anh-hung/.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen