Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam vừa được thành lập với hy vọng đại diện cho quyền lợi chính đáng của người lao động, sẵn sàng “cạnh tranh” với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Dù vướng những khó khăn trước mắt về thủ tục pháp lý và tính chính danh của một hội đoàn chưa được nhà nước công nhận, sự ra đời của Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam đánh dấu một bước ngoặt cho hàng triệu người lao động Việt trước cánh cửa hội nhập quốc tế.
Từ Hà Nội, ông Benn Đặng, Tổng thư bý của Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam (VIU), cho VOA biết ý nghĩa và mục đích của việc ra đời tổ chức này.
“Chúng tôi là một tổ chức phi chính trị, bất vụ lợi. Chúng tôi được thành lập xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, muốn theo đuổi sứ mệnh bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt là khi Việt Nam vừa tham gia hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới: Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).”
“Sự kiện này đánh dấu một bước mở, tức là xã hội Việt Nam đang ngày càng mở hơn, dần theo kịp các giá trị phổ quát của các nước phương Tây,” ông Benn Đặng nhận định.
Trong thông cáo thành lập Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam đăng hôm 21/6, tổ chức này viết: “Thực tế cho thấy, chỉ những Nghiệp đoàn thật sự độc lập, không lệ thuộc bất cứ đảng phái nào, không bị doanh nghiệp nào chi phối mới dám đứng lên và tập trung vào việc đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
“Sự cạnh tranh giữa các tổ chức đại diện người lao động sẽ giúp người lao động và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi ích kinh tế một cách công bằng,” thông cáo của VIU viết.
Thông cáo cho biết thêm: “Chúng tôi hy vọng sẽ đồng hành với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VGCL) trong sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động một cách hữu hiệu, nâng cao đời sống công nhân nhằm có được sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp đồng thời giúp cho người lao động Việt Nam được hưởng quyền lợi như ở các quốc gia khác trong CPTPP và EVFTA.”
VOA đã liên lạc VGCL để tìm hiểu xem phản ứng của họ như thế nào về việc VIU thành lập, nhưng chưa có phản hồi.
Trước đòi hỏi của các hiệp định tự do mậu dịch, Việt Nam đã buộc phải sửa đổi Luật Lao động. Cụ thể, ngày 20/11/2019, Quốc Hội Việt Nam thông Luật Lao động sửa đổi, trong đó cho phép thành lập các công đoàn độc lập, tức là không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VGCL), công đoàn chính thức duy nhất hiện nay. Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
Ngay sau đó, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam nói rằng “Quốc hội Việt Nam đã ban hành một đạo luật lịch sử, cho phép thành lập các tổ chức công đoàn độc lập tại cấp cơ sở.” Chính phủ Hoa Kỳ nhận định rằng việc cho phép thành lập công đoàn độc lập là “một bước tiến quan trọng nhằm đưa khuôn khổ pháp luật tại Việt Nam tiệm cận gần hơn tiêu chuẩn lao động quốc tế.”
Tuy Luật Lao động đã cho phép nhưng Luật Công đoàn chưa được chỉnh sửa, và vì vậy cho đến nay, vẫn chưa có một văn bản dưới luật nào đưa ra hướng dẫn việc thành lập một công đoàn độc lập cơ sở. VIU kỳ vọng sẽ được sớm đăng ký thành lập và được công nhận tại Việt Nam.
Ông Benn Đặng nói:
“Tôi kỳ vọng VIU sẽ được đăng ký và hoạt động chính thức tại Việt Nam. Nhưng có lẽ câu chuyện này không xảy ra trong ngày một, ngày hai mà cần thời gian và sự cho phép của chính quyền Việt Nam.”
Ông Benn Đặng cũng lo ngại việc ra mắt của VIU sẽ “dễ gây ra sự hiểu lầm cho chính quyền” dù VIU luôn khẳng định là một tổ chức phi chính trị và bất vụ lợi.
Việc lo ngại của VIU là hoàn toàn có căn cứ vì các tổ chức nhân quyền quốc tế như Human Rights Watch gần đây lên án rằng chính quyền Việt Nam thường sử dụng các điều khoản của Bộ Luật hình sự để bắt giam và trấn áp các hội đoàn độc lập chỉ vì các nhóm này lên tiếng chỉ trích chính quyền. Trường hợp các thành viên của Phong trào Lao động Việt bị bắt trước đây và Hội Nhà báo Việt Nam Độc lập bị bắt cuối năm ngoái và những tháng gần đây có thể lý giải cho việc lo ngại của VIU.
Ông Claudio Francavilla, một chuyên gia có trụ sở tại Brussels thuộc tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, chỉ ra rằng Bộ luật hình sự của Việt Nam “sẽ tiếp tục hạn chế quyền tự do lập hội ngay cả khi các tổ chức công nhân độc lập được phép thành lập.”
Ông nói: “Các điều khoản của Bộ luật hình sự hình sự hóa các tiếng nói chỉ trích ôn hòa. “Qúy vị có thể thành lập một công đoàn để thực hiện một số hoạt động, nhưng quý vị cũng có thể vào tù vì lên tiếng chỉ trích một điều luật nào đó,” ông nói.
Trong thông cáo thành lập hôm 21/6, VIU cho biết cố vấn của tổ chức này là bà Nguyễn Nguyên Bình, trung tá quân đội, thuộc Tổng cục Chính trị, Quân đội Nhân dân Việt nam trong cuộc chiến tranh tháng 2/1979 chống Trung Quốc xâm lược. Bà Nguyễn Nguyên Bình là con của cố lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh. Ngoài ra, thông cáo còn cho biết ông Bùi Thiện Tri hiện là Chủ tịch của VIU.
Với khẩu hiệu Đoàn kết – Tương trợ – Phát triển, trang thông tin của VIU – tuy mới được hình thành, nhưng đăng tải hàng loạt các tin tức cập nhật về các vấn đề lao động trong nước, tư vấn luật lao động, quan điểm – bình luận. Trang Facebook của VIU cũng được nhiều người theo dõi và bình luận.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, một y sĩ Việt Nam đang xin tị nạn ở Thái Lan, nói với VOA rằng bà ủng hộ việc thành lập VIU:
“Tôi ủng hộ VIU, họ đấu tranh cho người lao động, dân oan, đấu tranh để học sinh được miễn học phí từ mẫu giáo đến lớp 12, đấu tranh để người dân được miễn phí về y tế…”
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng cũng lo ngại về việc chính quyền bắt bớ, sách nhiễu các thành viên của các hội nhóm độc lập ở trong nước.
Từ Đan Mạch, bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, một nhà hoạt động cho quyền lợi của người lao động Việt Nam, nêu ý kiến rằng bà ủng hộ việc thành lập công đoàn độc lập, nhất là khi Việt Nam thực thi Hiệp định EVFTA.
“Trong Hiệp định EVFTA, EU nhấn mạnh rằng Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền, phát triển bền vững, và xem trọng quyền của công nhân và quyền lập hội.”
Từ Hải Phòng, nhà hoạt động Nguyễn Xuân Nghĩa, viết trên Facebook vào đầu tháng 7, nêu nhận định về sự đời của VIU: “Một tổ chức nghiệp đoàn đúng nghĩa của người làm công ăn lương, có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi cho người làm công ăn lương ra đời vào lúc này, mà nhà nước toàn trị phải thừa nhận, (dù không muốn) có hành lang pháp lý cho hoạt động là đúng thời điểm.”
“Chắc chắn chính quyền độc tài toàn trị không “hài lòng” khi một tổ chức xã hội dân sự như Nghiệp đoàn Độc lập ra đời. Ngoài ra, khả năng cao là nhà cầm quyền còn có một nỗi lo sợ mơ hồ khác. Bởi vậy họ sẽ tìm cách khống chế, phá hoại để vô hiệu hóa.”
Nhà hoạt động Nguyễn Xuân Nghĩa viết tiếp: “Hy vọng các nhà khởi xướng Nghiệp đoàn Độc lập có cách vượt qua. Hy vọng với khoảng 45 triệu người làm công ăn lương trên cả nước, Nghiệp đoàn Độc lập có môi trường hoạt động và phát triển theo tiêu chí đấu tranh bảo vệ quyền lợi của người làm công ăn lương.”