Seite auswählen

„“Giấc mơ Mỹ” dành cho dân nhập cư có thực sự đã chết? Theo mình là không, hoặc ít nhất là chưa. Tuy vậy, giấc mơ đó giờ đây chỉ dành cho một cơ số người rất nhỏ. Mà nói đơn giản là những người có tài năng và thực lực thật sự.   „ 

Thinh Nguyen

https://www.danluan.org/files/timgs/107851121_3449948161682156_2569486870582200523_o.jpg

Thành thật mà nói, nếu bây giờ được lựa chọn, mình chắc chắn sẽ không chọn con đường du học Mỹ như cách đây 12 năm về trước. Bởi vì 2020 thật sự là một năm tồi tệ của nước Mỹ, và càng tồi tệ hơn đối với những du học sinh đến đây sống, học tập, và làm việc với biết bao nhiêu hoài bão và hy vọng về một tương lai tươi sáng ở phía trước.

Nói không ngoa thì Mỹ vẫn luôn là một quốc gia hàng đầu về kinh tế, khoa học kỹ thuật, nghiên cứu, và rất rất nhiều mảng khác. Đây là nơi đã sản sinh ra những công ty khổng lồ của thế giới và góp phần không nhỏ vào việc định hình tương lai của toàn nhân loại. Nhân tài khắp nơi vẫn ngày đêm đổ về xứ sở cờ hoa để học tập và rèn luyện với hy vọng một ngày nào đó sẽ chạm đến được giấc mơ Mỹ (The American dream). Bạn có bao giờ nghe nói đến giấc mơ Úc, giấc mơ Canada, Nhật Bản hay Châu Âu bao giờ chưa? Bởi vì làm gì có nơi nào như ở Mỹ. Đây là nơi chứa đựng những cơ hội tuyệt vời, nơi mà tất cả mọi thứ đều có thể miễn là giấc mơ của bạn đủ lớn, không cần biết bạn là ai và từ đâu đến.

Dù vậy, có một thực tế đáng buồn đó là vùng đất hứa này đang ngày càng trở nên khắc nghiệt và khó khăn hơn bao giờ hết cho những du học sinh như tụi mình nếu muốn đến đây học tập, làm việc, và xa hơn nữa là an cư lạc nghiệp nơi đây.

Đa số du học sinh Mỹ đều muốn được ở lại sau khi tốt nghiệp. Đó là điều ai cũng biết, không có gì phải bàn cãi. Tất nhiên là sau khi đã đầu tư hàng trăm triệu đồng cùng với 5, 6 năm trời miệt mài đèn sách, hẳn ai mà chẳng muốn ra trường đi làm gỡ gạc lại chút vốn. Cũng đồng thời áp dụng luôn những kiến thức hay ho đã học được. Nói thì dễ, thực tế lại khó khăn vô cùng.

Thử nghĩ xem, các bạn sẽ phải trải qua 4, 5 năm ĐH, thêm 2 năm nếu muốn có bằng Thạc sĩ. Trong thời gian đó bạn phải cạnh tranh với hàng ngàn sinh viên đồng lứa với hy vọng rằng GPA cao, bằng tốt nghiệp hạng danh dự lấp lánh, sẽ tách bạn khỏi đám đông và đem đến những cơ hội tuyệt vời. Thực tế phũ phàng là cho dù bạn có tốt nghiệp với GPA 4.0 hoàn hảo cũng chưa chắc gì tìm được việc làm. Trong thời buổi Covid-19 này khi hàng chục triệu người dân Mỹ đang bị thất nghiệp, khả năng để một du học sinh vừa chân ướt chân ráo rời ghế nhà trường với kinh nghiệm gần như bằng không tìm được việc làm thì còn khó hơn mò kim đáy bể.

Giả sử các bạn may mắn tìm được công việc đi. Rồi sau đó thì sao? Bạn sẽ phải apply đi làm dưới dạng OPT. Đây là chương trình cho phép du học sinh được đi làm sau tốt nghiệp từ 1-3 năm tùy vào ngành học của bạn. Vấn đề duy nhất đó là chính phủ Mỹ đang xem xét loại bỏ hoàn toàn chương trình này trong tương lai gần. Bởi vì người Mỹ lo ngại rằng OPT đang cướp mất cơ hội việc làm của họ?!?

Trong 1 đến 3 năm đi làm OPT ngắn ngủi đó, bạn phải thật sự chứng minh được khả năng của mình để thuyết phục công ty bảo lãnh visa H1B cho bạn tiếp tục ở lại Mỹ làm việc. Thời buổi kinh tế khó khăn, công ty lớn công ty bé đua nhau sa thải hàng ngàn nhân viên, thắt chặt chi tiêu, việc phải bỏ ra hàng chục ngàn đô để bảo lãnh một đứa du học sinh ở lại thì bạn không chỉ phải cực kỳ giỏi, mà còn phải cực kỳ may mắn. Giỏi để tìm được việc làm và được giữ lại làm, may mắn để tìm được công ty đồng ý (và có khả năng) bảo lãnh cho bạn.

Dưới thời Donald Trump, visa H1B đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Để loại bỏ những tổ chức lợi dụng lỗ hổng của chương trình H1B, sở di trú Mỹ (USCIS) đã siết chặt hơn trong việc xét duyệt loại visa này. Từ năm 2010 đến 2015, tỉ lệ từ chối H1B mới (initial H1B, new employment) chưa bao giờ vượt quá 8%, trong khi đó hiện tại tỉ lệ này xấp xỉ 24% chỉ tính riêng trong năm 2018 và 2019! Rất nhiều công ty lớn đã hạn chế hoặc ngưng hoàn toàn việc bảo lãnh loại visa này bởi những rủi ro của nó. Vừa tốn kém, lại vừa không chắc chắn có được duyệt hay không. Bạn nào làm H1B rồi chắc hiểu cái vụ quay xổ số visa nó đau tim như thế nào. Có nhiều người quay 2, 3 năm liền không trúng phát nào. Bây giờ quay xong rồi bạn cũng chỉ có khoảng 76% cơ hội được cấp visa thôi nhé! Thế mới nói nhiều khi hay lại không bằng hên.

Lại giả sử bạn vượt qua hết những trở ngại đó để cầm trên tay cái visa H1B quý giá (rưng rưng nước mắt). Sau đó thì sao? Lúc này bạn lại có thêm 3-6 năm để biến mình thành một phần không-thể-thay-thế của công ty. Bởi chỉ có như vậy, người ta mới chịu bỏ thêm hơn chục ngàn đô để bảo lãnh cho bạn cái thẻ xanh thần thánh! Đó là nếu như bạn vẫn chưa bị sa thải vì cơn đại dịch kinh hoàng này nhé. Dạo một vòng Linkedin mới thấy xót, ngay cả những vị trí cao cấp của những tập đoàn khổng lồ mà còn bị sa thải như cơm bữa. Uber, Airbnb, Boeing, HSBC, GM, FCA, và rất rất nhiều ông lớn khác đều sa thải hàng ngàn nhân viên để cắt giảm chi tiêu đến mức tối thiểu. Và tất nhiên trong số đó có hàng chục ngàn người đang làm việc dưới visa H1B.

Trong cái thời đại dịch này, có H1B hay không cũng có thể toang bất cứ lúc nào. Như mình đêm nào cũng vắt chân lên trán nằm trằn trọc, lo lắng không biết ngày mai thức dậy có còn nghiệp hay là đã thất nghiệp. Ngặt nỗi H1B mà mất việc thì chỉ có 60 ngày để tẩu tán hết tất cả tài sản như nhà cửa, xe cộ, con chó con mèo, để về nước. À mà quên, bây giờ làm gì có nước nào mở của đâu mà về. Công sức học hành, gầy dựng bao năm, mất việc cái là mất hết..

Từ lâu, dân nhập cư đã trở thành một phần không thể thiếu trong lịch sử Mỹ, và biến nước Mỹ trở thành cường quốc vĩ đại như ngày hôm nay. Vậy mà bây giờ với những chính sách chèn ép, gây khó dễ như cấm nhập cảnh đối với H1B hay bắt du học sinh F1 phải chọn giữa việc học on-campus giữa đại dịch hay phải khăn gói về nước thì thật sự có cảm giác như mình là đứa con ghẻ, là người ngoài (outsider) trên chính đất nước mình đã ở gần 1/2 cuộc đời này. Mỹ ơi là Mỹ!

P/s: có ai đang tuyển kỹ sư ở VN không nhỉ? 🙁

UPDATE #1: Đây không phải là một bài viết chê trách TT Trump hay những chính sách nhập cư của Mỹ. Đây cũng không phải là bài viết than thân trách phận hoặc “giá như”. Công việc mình vẫn tốt, cuộc sống mình vẫn ổn và tạm thời không bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp mình không được may mắn như mình và chịu thiệt thòi rất nhiều. Mình chỉ muốn những bạn DHS hiểu rõ về thực tế khắc nghiệt ở Mỹ và biết rằng du học Mỹ không phải là lựa chọn duy nhất hay tốt nhất ở thời điểm hiện tại. Peace

* * *

Thực tế là mình chưa từng chê bai nước Mỹ hay hối tiếc về quyết định đi du học Mỹ. Nếu được quay lại năm 2008, mình vẫn sẽ đi Mỹ vì đó là sự lựa chọn tốt nhất cho mình ở thời điểm đó. Đây là nơi đã cho mình rất nhiều thứ, nhưng cũng lấy đi không ít. Ai từng đi du học chắc chắn sẽ hiểu sự đánh đổi là lớn lao đến nhường nào. Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại và thậm chí là vài ba năm nữa, mình cho rằng Mỹ không phải là điểm đến tốt nhất dành cho DHS Việt Nam.

Thực sự có quá nhiều yếu tố quyết định đến sự thành bại của DHS Việt ở Mỹ. Đa phần trong số đó không nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Những động thái mới nhất của sở Di trú Mỹ lại càng làm mọi chuyện trở nên phức tạp và rối ren hơn. Ngay cả bản thân mình bây giờ nếu phải bắt đầu lại từ đầu, mình cũng không dám chắc sẽ làm được những điều như bây giờ.

Điều bạn thực sự muốn là gì?

Nếu mục đích của bạn đến đây đơn giản là để học tập, phát triển bản thân, và tiếp cận với những kiến thức, khoa học kỹ thuật hiện đại nhất, mà không màng đến việc về hay ở sau khi tốt nghiệp, Mỹ thực sự là một lựa chọn không thể tuyệt vời hơn. Mình đã thấy nhiều đàn anh đàn chị đến đây và đạt đến đỉnh cao trong lĩnh vực của họ. Giới hạn duy nhất thật sự là bầu trời!

Còn nếu bạn muốn nhờ vào con đường du học, với hy vọng sau này sẽ được ở lại Mỹ thì các bạn nên hiểu rõ những rủi ro, và muôn vàn khó khăn mà các bạn sắp sửa phải đối mặt. Tất nhiên là nếu gia đình bạn không có gì ngoài điều kiện, chỉ cần $50k – $60k việc tìm được người giúp bạn ở lại vô cùng dễ dàng. Và thực tế là phần lớn DHS vẫn dựa vào con đường tắt này để cán đích sớm.

Mình hoàn toàn không có ý kiến về sự lựa chọn của bạn. Thậm chí chính mình cũng từng cân nhắc khả năng này, nhưng rồi sau đó lại nhanh chóng gạt đi. Mình muốn thử thách bản thân, và nếu mình không đủ khả năng thì có phải về nước cũng đáng. Mình muốn sau này có thể tự hào kể lại cho các con rằng ba đã đến Mỹ như thế nào, và ba đã ở lại đây dựa vào chính mồ hôi công sức và thực lực của mình ra sao.

“Giấc mơ Mỹ” dành cho dân nhập cư có thực sự đã chết?

Theo mình là không, hoặc ít nhất là chưa. Tuy vậy, giấc mơ đó giờ đây chỉ dành cho một cơ số người rất nhỏ. Mà nói đơn giản là những người có tài năng và thực lực thật sự. Bởi vì từ lâu, Mỹ đã trở thành một thỏi nam châm thu hút những bộ não hàng đầu của thế giới. Muốn cạnh tranh cho một suất ở lại, tất nhiên, bạn không thể là một người tầm thường được.

Một nghiên cứu của National Foundation for American Policy năm 2018 chỉ ra rằng, 50 trong 91 công ty khởi nghiệp trị giá từ 1 tỉ USD trở lên ở Mỹ có ít nhất một người sáng lập là dân nhập cư. Chúng ta đang nói đến SpaceX, Tesla, Uber, WeWork, Credit Karma, Instacart, etc. Những công ty này góp phần làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của thế giới mà chúng ta đang sinh sống.

Bạn biết điều thú vị nhất là gì không? 21 công ty trong số đó được sáng lập bởi những người từng đến Mỹ dưới visa du học F1! Giả sử tất cả bọn họ đều học xong rồi ngoan ngoãn về nước thì Mỹ đã đánh mất đi hàng trăm tỉ đô la. Bây giờ thì ai dám bảo du học sinh không mang lại lợi ích gì cho Mỹ nào?

Khó nhưng không phải là không thể.

Cuộc sống này không có gì gọi là công bằng hay dễ dàng cả. Con đường các bạn đi càng nhiều sỏi đá, chông gai chừng nào thì đích đến càng tự hào và xứng đáng chừng nấy. Gian nan thử thách bản lĩnh con người, người ta chỉ trưởng thành lên được từ trong khó khăn, gian khổ. Cho dù bạn có ở đâu, hay là ai đi chăng nữa, sẽ luôn có những nỗi khó khăn riêng của mình. Nhiều đàn anh, đàn chị đi trước đã làm được, tại sao bạn lại không thể?

Mình xin kết bài bằng một câu hát của Đen Vâu:

Nhưng mà mộng mơ anh nhiều như niêu cơm của Thạch Sanh,
Ai muốn lấy cứ lấy, không thể nào mà sạch banh”

P/s: mình có đi dạo xem những bài share và đọc comments của mọi người. Có người hiểu và ủng hộ. Cũng có người không đồng tình hoặc hiểu sai thông điệp của bài viết. Với mình việc đó hoàn toàn bình thường vì 9 người 10 ý, những người chưa 1 ngày du học sẽ không thể hiểu được nỗi lòng của DHS. Chuỗi bài “Tản mạn chuyện du học” đơn giản là những trải nghiệm và bài học mình rút ra được sau 12 năm ở Mỹ, kinh qua đủ thể loại visa từ J1, F1, và bây giờ là H1B. Biết đâu cuối năm có tin vui thì mình sẽ không còn phải lo lắng về visa nữa. Wish me luck!

Theo FB Thinh Nguyen

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen