Đôi khi bạn nghe một giai điệu hay nhưng không hề biết tựa đề là gì hoặc tác giả bài hát là ai, bạn có thể dùng ứng dụng Shazam để tìm ra những thông tin cần thiết. Một cách tương tự, những người thích chụp hình phong cảnh thiên nhiên có thể tìm ra tên của các loài hoa thơm cỏ lạ, chỉ từ một tấm ảnh chụp duy nhất.
Vào thời đại công nghệ số, bạn chỉ cần chụp ảnh loài hoa bằng điện thoại di động và sau đó thông qua các ứng dụng chuyên môn, bạn có thể tìm ra một cách khá dễ dàng danh từ khoa học cũng như tên gọi thông dụng của nó. Thậm chí, đối với một số giống loài thực vật bạn có thể phân biệt cỏ dại với rau thơm, loại lá xanh nào độc hại cũng như giống cây nào ăn được. Trong số các ứng dụng phổ biến gần đây nhất, có PlantNet, một ứng dụng miễn phí của Pháp.
Đối với những người thích trồng rau hay làm vườn vào những lúc nhàn rỗi, PlantNet nói riêng và các ứng dụng cài trên điện thoại di động nói chung cũng là một cách để nhận diện các loài rau cỏ có lợi ích tự nhiên, các loài cỏ như pissenlit (Löwenzahn,chi Địa Đinh) hay là ortie (Brennnesseln) khi bỏ quên nhiều năm thường có nhiều rễ ngầm, nhưng khi mới mọc, các nhánh lá non đều có thể ăn được.
Thay vì dùng thuốc diệt cỏ, người làm vườn có thể nhổ hết các rễ ngầm, nhưng vẫn chừa lại một khoảng nhỏ dành cho các cọng rau non. Trong chiều hướng đó, các loài hoa tí hon như lưu ly (Vergissmeinnicht) hay sen cạn (Große Kapuzinerkresse) đều có thể được dùng trong chuyện bếp núc, nhiều loài rau như hương thảo (rosmarin), dền gai (spiny pigweed), xô thơm (Echter Salbei) đều có thể dùng để nấu nướng. Cũng có một số loài rau giống như là cỏ dại mọc xum xuê, chẳng hạn như loài ‘‘tuần lộc hương’’ (menthe des cerfs, Hirsch-Minze) bề ngoài trông giống như cây ngò ôm nhưng mùi hương lại gần với rau bạc hà.
Một ứng dụng như PlantNet ban đầu có mục đích hướng dẫn những người yêu phong cảnh thiên nhiên, những ai có tính tò mò thích học hỏi, những người thích làm vườn lúc nhàn rỗi cuối tuần, hay các nhà nhiếp ảnh nghiệp dư thích tạo ‘‘trend’’ sưu tầm trên các mạng xã hội. Nhưng đồng thời, PlantNet cũng tạo điều kiện trợ giúp các nhà nghiên cứu trên lãnh vực tài nguyên môi trường, hay đa dạng sinh thái.
Theo ông Pierre Bonnet, chuyên gia làm việc cho Trung tâm Hợp tác quốc tế về Nghiên cứu nông học (gọi tắt là CIRAD), mục tiêu của ứng dụng PlantNet là khuyến khích đông đảo người sử dụng cùng tham gia vào một dự án ở quy mô lớn, nhằm xác định các loài thực vật trên trái đất, càng nhiều càng tốt. Ông Pierre Bonnet là người đồng sáng lập ứng dụng này và thường hợp tác với các chuyên gia của các cơ quan chuyên về nông học như INRA và INRIA để mở rộng cơ sở dữ liệu nghiên cứu. Theo ông, hiện giờ có gần 2 triệu tài khoản đăng ký sử dụng PlantNet, ngoài các cá nhân thích sưu tầm các loài hoa thơm cỏ lạ, còn có những trường học dùng ứng dụng này với mục đích giảng dạy, hay các tổ chức hiệp hội chuyên bảo vệ môi trường.
Nếu như các nhà khoa học thực hiện việc nghiên cứu chuyên môn thì họ không thể nào có mặt ở khắp nơi để thu thập toàn bộ các dữ liệu. Nhờ vào sự đóng góp của gần hai triệu tài khoản, mà giờ đây PlantNet tập hợp hàng trăm triệu thông tin và hình ảnh liên quan đến hơn 30.000 loài thực vật khác nhau, trong đó có các loài hoa cỏ, cây thân gỗ hay mọc thành từng bụi, các giống thảo mộc, cũng như rau quả từng được nhận dạng ở nhiều quốc gia trên địa cầu từ Bắc Phi đến Trung Mỹ, từ Đông Á sang Tây Âu. Khi chụp hình một loài hoa mà ta chưa biết tên, ảnh chụp sẽ được đối chiếu với kho dữ liệu sẵn có.
Trên mạng internet, bên cạnh ứng dụng miễn phí của Pháp PlantNet, còn có nhiều ứng dụng khác mà bạn có thể sử dụng, chẳng hạn như PictureThis hay PlantSnap. Các ứng dụng này đều có nội dung khá phong phú dồi dào, ngoài tên gọi còn có các thông tin hướng dẫn về việc chăm sóc cây cối, các mẹo làm vườn như tưới nước, trừ sâu. Ngoài các thông tin thông dụng như môi trường địa lý, các ứng dụng này còn đối chiếu với một số bộ môn khác qua các thông tin lịch sử, các giai thoại (nếu có) liên quan đến tiểu thuyết, ca nhạc hoặc phim ảnh. Tuy nhiên, phiên bản miễn phí bị hạn chế ở 10.000 loài hoa cỏ, nếu muốn truy cập toàn bộ kho dữ liệu, bạn phải chịu chi thêm tiền.
Trong khí đó, ứng dụng ‘‘iNaturalist’’ là một dạng Bách khoa toàn thư bỏ túi, do Viện Hàn lâm Khoa học California sáng lập với National Geographic. Ứng dụng này khá đầy đủ và được thiết kế bởi một đội ngũ chuyên gia về đa dạng sinh học cũng như các nhóm nghiên cứu khoa học tự nhiên, vì thế ứng dụng này không chỉ bao gồm thông tin về các loài thực vật, mà còn mở rộng sang các loài động vật. Trong khuôn khổ của ứng dụng, bạn có thể tham gia vào nhiều dự án theo chuyên đề khác nhau, chẳng hạn như chụp ảnh sưu tầm các loài nấm ở châu Âu, các loài bướm chúa ở châu Mỹ hay tìm hiểu thêm về các loài chim thiên di, vào mỗi mùa đông bay về xứ nóng.
Nguồn: RFI