Seite auswählen

Biển Đông: Trung cộng dùng bạo lực và lừa dối để đe doạ nhằm chiếm đoạt lợi ích

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng Triệu Lập Kiên tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 16/4 (ảnh chụp màn hình Youtube/The Straits Times).

Trung cộng đang tìm cách kiểm soát Biển Đông bằng việc dùng bạo lực và những lời dối trá để đe doạ nhằm chiếm đoạt cái mà Bắc Kinh xem là “lợi ích cốt lõi” không thể bỏ.

Hôm thứ Hai (24/8), tờ South China Morning Post (SCMP) có bài viết về việc sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức đưa ra quan điểm về Biển Đông, ngay lập tức chính quyền Trung cộng tìm cách đối thoại trở lại với các nước ASEAN để cùng thảo luận các vấn đề liên quan vùng biển này. Trong đó, có cả việc thúc đẩy đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Bài báo cho biết, quan chức Trung cộng kêu gọi các thành viên ASEAN làm việc với Bắc Kinh, cần nối lại các cuộc đàm phán COC càng sớm càng tốt để “cho thấy một số tiến bộ”.

Trung cộng nói không muốn quá trình hợp tác vừa nêu bị “xâm hại” bởi quốc gia không tham gia thương lượng. Không khó để thấy đây là một câu nói ẩn ý nhắm vào Mỹ, dù đại diện Trung cộng không đề cập “quốc gia không tham gia thương lượng” là nước nào.

Dùng bạo lực và lừa dối để đe doạ nhằm chiếm đoạt lợi ích

Tuy nhiên trên thực tế, điều mà chính quyền Trung cộng nói đều đi ngược lại với những gì họ làm. Có thể thấy rõ nhất ở vấn đề Biển Đông khi chính quyền nước này liên tục gây hấn, dùng chiêu bài “tự châm ngòi gây chiếm” với nhiều nước nhằm theo đuổi cái mà Bắc Kinh xem là “lợi ích cốt lõi”.

Mới đây nhất, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam cho biết quân đội Trung cộng sẽ tiến hành diễn tập quân sự ở phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam trong 6 ngày, từ ngày 24/8, tờ Nhân dân Nhật báo của Trung cộng hôm 23/8 đưa tin. Cùng ngày, truyền hình trung ương Trung cộng cũng cho biết quân đội Trung cộng sẽ tập trận bắn đạn thật ở Biển Bột Hải từ ngày 24/8 đến 30/9.

Chưa hết, hồi đầu tháng 8, chính quyền Bắc Kinh đã điều động oanh tạc cơ H-6J đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trước đó, vào tháng 7, Trung cộng cũng điều động các oanh tạc cơ H-6J và H-6G cùng một số loại máy bay khác tiến hành tập trận ở khu vực Biển Đông. Hay như nhiều vụ đâm chìm tầu đánh cá Việt Nam và hăm dọa các nước trong vùng.

Hôm 24/8, Thanh Niên dẫn lời PGS-TS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, Học giả tại Quỹ Châu Á – Thái Bình Dương ở Canada) về việc Trung cộng liên tục tổ chức tập trận ở Biển Đông rằng: “Trung cộng tiếp tục tiến hành nhiều cuộc tập trận với mức độ ngày càng tăng ở Biển Đông nhằm gửi thông điệp đến Mỹ và các bên liên quan trong khu vực rằng Trung cộng sẽ không từ bỏ theo đuổi những gì mà Bắc Kinh xem là lợi ích cốt lõi”.

Vị TS Nagy này không bỏ qua khả năng Trung cộng sẽ còn tiến hành nhiều cuộc tập trận khi càng đến gần ngày bầu cử Tổng thống Mỹ nhằm khẳng định “ý chí” của Bắc Kinh trong bối cảnh bị Washington gia tăng áp lực. Không chỉ nhằm vào Mỹ, ông Nagy còn nhận xét: “Động thái này của Trung cộng đồng thời để tăng cường vị thế trong quá trình đàm phán COC với các nước ASEAN”.

Liên quan COC, Bắc Kinh cũng đang có những chiêu trò hòng “đắc lợi”. Ngày 1/8, tờ SCMP đưa tin Trung cộng đã thay đổi thuật ngữ trong một quy định hàng hải của nước này. Qua đó, Bắc Kinh định nghĩa lại vùng biển nằm giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa là khu vực hàng hải “gần bờ” thay vì “xa bờ”.

Các động thái này được giới chuyên gia quốc tế đánh giá là gây ra nhiều quan ngại và đe dọa an ninh khu vực. Tuy nhiên, chính quyền Donald Trump trả lời bằng cách điều các chiến hạm tới khu vực Biển Đông sẵn sàng nghênh chiến.

Quan ngại thêm tình hình khi Trung cộng trúng cử ghế thẩm phán Tòa quốc tế về Luật biển

Hôm 24/8 đại diện của phía Trung cộng là ông Đoàn Khiết Long (Duan Jie Long) trúng cử ghế thẩm phán Tòa quốc tế về Luật biển nhiệm kỳ 2020 – 2029, theo Hãng tin Tân Hoa xã.

Như vậy, Trung cộng sẽ kéo dài chuỗi hiện diện liên tục tại Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) kể từ khi tòa án này được thành lập vào năm 1996.

Bày tỏ quan ngại việc ứng viên Đoàn Khiết Long được chọn, vị quan chức Mỹ – David R. Stilwell nói: “Lựa chọn một quan chức Trung cộng vào cơ quan này giống như thuê một kẻ đốt phá để giúp điều hành cơ quan cứu hỏa”.

Đại Kỷ Nguyên (25.08.2020)

Vì sao Trung cộng đề xuất họp với ASEAN về Biển Đông?

Hình ảnh một cuộc tập trận của hải quân Trung cộng. (Ảnh: Youtube)

Ba tuần sau khi Ngoại trưởng Mỹ lên án các yêu sách bất hợp pháp của Trung cộng ở Biển Đông, Bắc Kinh đã mời các nhà ngoại giao ASEAN đến họp bàn về vấn đề liên quan.

Theo báo SCMP đưa tin hôm 24/8, quan chức Trung cộng kêu gọi các thành viên ASEAN nối lại các cuộc đối thoại về Biển Đông, trong đó, có việc thúc đẩy đàm phán Bộ quy tắc ứng xử (COC).

Ngoài ra, giới chức Trung cộng còn bày tỏ quan ngại về “nguy cơ cao” từ những hoạt động quân sự của “các nước không nằm trong khu vực”. Đây là cụm từ phía Trung cộng thường dùng khi đề cập đến vai trò của Mỹ ở châu Á.

Hồi giữa tháng 7, Mỹ đã chính thức bác bỏ hầu hết các yêu sách của chính quyền Trung cộng đối với các tài nguyên ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Mike Pompeo viết trong thông cáo báo chí đăng trên website của Bộ Ngoại giao Mỹ như sau:

“Mỹ bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hôm nay chúng tôi tăng cường chính sách của Mỹ trong một phần quan trọng và gây tranh cãi của khu vực – đó là Biển Đông.

Chúng tôi khẳng định rõ: các tuyên bố của Bắc Kinh đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như chiến dịch bắt nạt của Trung cộng nhằm kiểm soát Biển Đông”.

Trung cộng thiện chí giả tạo?

Tuy mời chào các nước ASEAN quay lại đàm phán, nhưng gần đây Bắc Kinh vẫn liên tục có nhiều động thái gây quan ngại. Cụ thể, quân đội Trung cộng đang tổ chức cuộc tập trận ở phía bắc Biển Đông từ ngày 24 – 29/8. Hồi đầu tháng 8, Bắc Kinh đã điều động oanh tạc cơ H-6J đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trước đó, vào tháng 7, Trung cộng cũng điều động các oanh tạc cơ H-6J và H-6G cùng một số loại máy bay khác tiến hành tập trận ở khu vực Biển Đông.

“Trung cộng tiếp tục tiến hành nhiều cuộc tập trận với mức độ ngày càng tăng ở Biển Đông nhằm gửi thông điệp đến Mỹ và các bên liên quan trong khu vực rằng Trung cộng sẽ không từ bỏ theo đuổi những gì mà Bắc Kinh xem là lợi ích cốt lõi”, Học giả Stephen Robert Nagy của Quỹ Châu Á – Thái Bình Dương nói hôm 24/8.

Ông Nagy còn nhận xét: “Động thái này của Trung cộng đồng thời để tăng cường vị thế trong quá trình đàm phán COC với các nước ASEAN”.

Suốt hơn hai thập kỷ qua, Trung cộng và các nước ASEAN đã bàn bạc về Bộ quy tắc ứng xử (COC) nhằm quản lý các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, một trong những tuyến đường biển quan trọng của thế giới. Các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với hầu hết vùng biển này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều nước láng giềng.

Liên quan COC, ngày 1/8, Trung cộng đã thay đổi thuật ngữ trong một quy định hàng hải của nước này. Qua đó, Bắc Kinh định nghĩa lại vùng biển nằm giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa là khu vực hàng hải “gần bờ” thay vì “xa bờ”.

Giới chuyên gia nhận định đây là cách Trung cộng củng cố các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông bằng cách tự đặt ra quyền kiểm soát hành chính cho vùng biển. Bắc Kinh có lẽ đang hướng đến việc tự thiết lập một hồ sơ pháp lý để hợp pháp hóa tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

NTDVN (25.08.2020)

Dồn dập tập trận ở Biển Đông: Trung cộng muốn đe dọa Việt Nam?

© AP Photo / Xinhua/Wu Dengfeng

Quân Giải phóng nhân dân Trung cộng (PLA) ra loạt thông báo cho biết sẽ tiến hành tập trận quân sự quy mô lớn, bắn đạn thật trên các vùng biển lớn của Bắc Kinh, trong đó có quần đảo Hoàng Sa thời gian tới, trong đó có thử nghiệm tên lửa mới và kiểm tra khả năng chiến đấu của binh lính.

Đáng chú ý, việc Hải Quân Trung cộng tập trận đúng vào thời điểm nhạy cảm trong quan hệ Việt – Trung. Liệu đợt diễn tập quân sự này của Bắc Kinh có nhằm đe dọa Hà Nội?

Theo chuyên gia quân sự, cuộc tập trận của Trung cộng là đòn đáp ăn miếng trả miếng trước động thái gây hấn của Mỹ. Còn GS.Carl Thayer thì cho rằng, nói theo ngôn ngữ ngoại giao chiến lang của Bắc Kinh, Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình phải thể hiện rằng Trung cộng có khả năng đương đầu với Mỹ, sẽ phải “hất” Hoa Kỳ ra khỏi vùng biển của mình.

Trung cộng tăng cường tập trận quân sự bắn đạn thật quy mô lớn ở Biển Đông

Thời báo Hoàn Cầu Global Times hôm 23/8 cho biết, Quân Giải phóng Nhân dân Trung cộng (PLA) đã công bố 4 cuộc tập trận quân sự tập trung trên ba vùng biển lớn của Trung cộng trong những ngày tới, tiếp nối thông báo gần đây về các cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật liên tiếp ở eo biển Đài Loan và ở hai đầu phía bắc và nam bán đảo nhằm ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ vào tình hình khu vực cũng như ở Biển Đông.

Giới chuyên gia quân sự Trung cộng Đại lục cho biết các cuộc tập trận đồng thời ở Biển Đông, Hoàng Hải và Bột Hải sẽ chứng tỏ khả năng sẵn sàng chiến đấu cao của lính tinh nhuệ PLA.

Đồng thời, tờ Thời báo Hoàn Cầu cũng dẫn thông tin từ Cục Hải sự Hải Nam (Trung cộng) nói nước này sẽ diễn tập quân sự ở Biển Đông. Cuộc diễn tập được biết sẽ diễn ra từ hôm nay 24/8 đến 29/8, với quy mô bao trùm một số địa điểm thuộc quần đảo Hoàng Sa (mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền).

Dựa vào tọa độ thuộc khu vực cấm tàu bè ra vào mà phía Trung cộng đưa ra, có thể thấy tọa độ khu vực tập trận lần này gồm các đảo thuộc Hoàng Sa. Đáng chú ý, đảo Phú Lâm, nơi Trung cộng triển khai máy bay, tiêm kích chiến đấu và tên lửa cũng nằm trong khu vực tập trận.

Theo thông báo từ Cục Hải sự Hải Nam nêu rõ 8 tọa độ giới hạn khu vực diễn tập, trong đó có 3 vị trí nằm trong quần đảo Hoàng Sa. Đây là lần thứ hai trong vòng hai tháng qua Trung cộng tiến hành tập trận quy mô lớn ở Hoàng Sa (nơi mà Bắc Kinh đã dùng vũ lực để chiếm đóng các quần đảo của Việt Nam). Trước đó, từ ngày 01 đến 05/7, quân đội Trung cộng đã ngang nhiên tập trận xung quanh quần đảo này.

Ngoài ra, Cục Hải sự Quảng Đông (Trung cộng) hôm 23/8 cũng ra thông báo từ 0 giờ hôm 24/8 đến 24 giờ 29/8 sẽ có cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông.

Thông báo của Cục Hải sự Quảng Đông nêu 4 tọa độ giới hạn khu vực tập trận và cấm tàu bè vào đó. Các tọa độ cho thấy khu vực tập trận nằm ở phía bắc Biển Đông gần tỉnh Quảng Đông.

Bên cạnh những đợt diễn tập quân sự quy mô lớn nêu trên, Quân Giải phóng Nhân dân Trung cộng hiện đang tiến hành loạt cuộc tập trận khác. Cụ thể, ở Hoàng Hải từ 22-26/8 và hai đợt diễn tập quân sự ở Bột Hải (một đợt hai ngày 24 và 25/8), còn đợt kia kéo dài suốt tuần đến 28/8 theo thông báo của Cục An toàn Hàng hải Đường Sơn.

Thời báo Hoàn Cầu cũng khẳng định các thông báo từ các Cục Hải sự không nêu chi tiết về những đợt tập trận quân sự dồn dập của PLA ở cả 4 vùng biển lớn của mình.

Theo chuyên gia quân sự Tống Trọng Bình (Song Zhongping) tiết lộ với Thời báo Hoàn cầu hôm Chủ nhật rằng những đợt tập trận này có khả năng bao gồm các bài huấn luyện phòng thủ chống hạm, tác chiến phòng không và chống tàu ngầm.

Mỹ càng chỉ trích Trung cộng, PLA càng muốn chứng tỏ sức mạnh

Giới phân tích quân sự Trung cộng đánh giá các cuộc tập trận của PLA không chỉ thể hiện khả năng chiến đấu và hoạt động tác chiến của Quân Giải phóng Nhân dân Trung cộng như một biện pháp răn đe, mà là phản ứng mạnh mẽ, màn đáp “ăn miếng trả miếng” đối với các hoạt động quân sự gần đây của Mỹ ở eo biển Đài Loan.

Ngay cả sau cuộc tập trận của PLA ở eo biển Đài Loan, Mỹ vẫn tiếp tục điều máy bay chiến đấu và tàu chiến đến khu vực này, bao gồm cả tàu khu trục USS Mustin đã đi qua eo biển Đài Loan hôm thứ Ba và nhiều loại máy bay trinh sát và máy bay ném bom B-1B bay gần đảo trong tuần qua.

Ngoài ra, Các lực lượng không quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương (PACAF) đã gửi 4 máy bay ném bom B-1 và 2 máy bay ném bom B-2 thực hiện loạt nhiệm vụ hiệp đồng diễn tập vào thứ Ba ở vùng biển Nhật Bản và Ấn Độ Dương, với một số tiêm kích nhóm hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan.

Do đó cần phải lưu ý rằng chính những thông báo tập trận quy mô lớn nêu trên có thể được coi là một tín hiệu mạnh mẽ.

Lý Kiệt (Li Jie), chuyên gia hải quân ở Bắc Kinh khẳng định với Global Times hôm Chủ nhật rằng các cuộc tập trận tập trung của PLA đóng vai trò tăng cường cảnh báo đối với sự can thiệp của Mỹ vào vấn đề Đài Loan đồng thời cũng cho thấy rằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung cộng đã có chuẩn bị và được trang bị đầy đủ khả năng bảo vệ hiệu quả chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ ở tất cả các vùng biển của mình.

Đặc biệt, theo chuyên gia Lý Kiệt, khả năng cao các cuộc tập trận ở Biển Bột Hải có thể liên quan đến việc thử nghiệm loạt tên lửa mới của Trung cộng.

“Các cuộc tập trận của Quân Giải phóng Nhân dân Trung cộng dự kiến ​​sẽ mang tính định hướng chiến đấu thực sự, bao gồm việc hiện thực hóa chiến lược tác chiến trên biển sẽ diễn ra như thế nào, loại thách thức nào có thể xảy ra và những hành động nào mà quân đội trên đảo hay phía Mỹ có thể thực hiện”, chuyên gia Lý Kiệt nhận xét.

Trung cộng tập trận quân sự: Đe dọa Việt Nam?

Điểm đáng nói là cuộc tập trận của Trung cộng diễn ra đúng thời điểm nhạy cảm trong quan hệ Việt Nam – Trung cộng, tức khi Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị đồng chủ trì Lễ Kỷ niệm đánh dấu mốc lịch sử đặc biệt quan trọng trong vấn đề lãnh thổ biên giới giữa Hà Nội và Bắc Kinh.

Như Sputnik Việt Nam dẫn thông báo Bộ Ngoại giao đã đưa tin, ngày 23/8 tại cầu Bắc Luân II thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh, Việt Nam) – Đông Hưng (Phòng Thành Cảng, Quảng Tây, Trung cộng) diễn ra Lễ kỷ niệm 20 năm ngày ký Hiệp ước Biên giới trên đất liền và 10 năm thực hiện ba Văn bản quy phạm pháp luật về Biên giới đất liền Việt Nam – Trung cộng.

Về vấn đề này, ngày 23/8, GS Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc, ĐH New South Wales) trao đổi với Tuổi Trẻ cho biết, cuộc tập trận của Trung cộng chủ yếu là lời đáp trả dành cho các cuộc tập trận của hải quân Mỹ ở biển Phi Luật Tân và Biển Đông.

Ngoài ra, ông Thayer cũng chỉ rõ động thái quân sự “có chủ đích” của Trung cộng trùng với đợt tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) đang diễn ra tại khu vực gần Hawaii từ ngày 17 tới 31/8.

“Nói cách khác, cuộc tập trận của Trung cộng là một phần trong vòng xoáy hành động – phản ứng. Các cuộc tập trận này rõ ràng nhắm vào ba đối tượng mục tiêu chính: Mỹ, các nước có chung tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông gồm Việt Nam và người Trung cộng”, ông Thayer phân tích.

Theo vị chuyên gia này, Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình phải thể hiện rằng Trung cộng có khả năng đương đầu với Mỹ.

Đối với một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm về tranh chấp Biển Đông cũng như phân tích tình hình khu vực như GS Thayer, cuộc gặp giữa Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ được Trung cộng sử dụng như màn đáp trả Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Ông Pompeo trước đó kêu gọi một dạng liên minh chống đối Trung cộng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và đây là lúc Trung cộng thể hiện mối quan hệ tốt đẹp giữa nước này và Việt Nam.

GS Thayer bình luận rằng Trung cộng muốn mời gọi các nước Đông Nam Á tham gia cùng giữ hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông, chứ “không dựa vào một quốc gia bên ngoài như Mỹ”. Vì vậy, việc tập trận lần này của Trung cộng không nhằm vào việc đe dọa Việt Nam.

Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh, việc hai bên giải quyết ổn thỏa vấn đề biên giới trên đất liền và trên Vịnh Bắc Bộ sẽ là kinh nghiệm quý trong giải quyết vấn đề trên biển Đông “mà không cần đến sự can thiệp từ bên ngoài”.

Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 20/8, bình luận về việc Trung cộng điều oanh tạc cơ H-6J ra đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng thể hiện lập trường nhất quán của Việt Nam và khẳng định việc các bên đưa các loại vũ khí và máy bay chiến đấu ra Hoàng Sa không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn làm phức tạp tình hình Biển Đông.

Sputnik (24.08.2020)

Hơn 80 tổ chức, hội đoàn kêu gọi Anh, Nhật, Ấn Độ phản đối yêu sách của Trung cộng tại Biển Đông

Tàu ngầm của Trung cộng ở Biển Đông hôm 12/4/2018 & bức thư chung của các hội đoàn phản đối yêu sách của TQ ở Biển Đông (Hình minh hoạ).  Reuters – RFA edited

80 tổ chức, hội đoàn tại Âu Châu, Canada, Úc Châu, Hoa Kỳ & Nhật Bản đã gửi thư đến ba ngoại trưởng của Anh Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, kêu gọi họ lên tiếng bác bỏ yêu sách của Trung cộng tại Biển Đông.

Theo nội dung bức thư được đề ngày 24/8, các tổ chức đồng ký tên khẳng định “Chúng tôi, những tổ chức ở khắp nơi trên thế giới ký tên dưới đây khẩn thiết kêu gọi Quý Vị, tiếp theo những tuyên bố của các chính phủ Hoa Kỳ và Úc Châu, hãy bác bỏ những yêu sách tùy tiện của Trung cộng tại Biển Đông”.

Những tổ chức, cá nhân ký thư chung còn phân tích Anh Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ là những quốc gia dân chủ vùng biển, do đó 3 nước nên cùng có vai trò chủ chốt trong việc bảo vệ hòa bình và sự ổn định trong vùng qua việc củng cố sự tôn trọng những quy định luật pháp quốc tế.

Họ cũng khẳng định “Yêu sách “đường chín đoạn” của Trung cộng rõ ràng là bất hợp pháp, vi phạm Công Ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS). Điều này đã được tái xác định bởi phán quyết của Tòa Hòa Giải Thường Trực vào năm 2016 rằng yêu sách “đường chín đoạn” và “quyền lịch sử” của Trung cộng không có giá trị”.

Cuối thư các tổ chức cho rằng các cường quốc dân chủ cần phải cương quyết chống lại sự hung hăng và xâm lấn của Trung cộng. Do đó, họ ghi rõ “Chúng tôi kêu gọi các chính phủ của Quý Vị kết hợp với Hoa Kỳ và Úc Châu chính thức bác bỏ những yêu sách của Trung cộng tại Biển Đông để tái lập nền móng cho một vùng Ấn Độ Thái Bình Dương tự do, cởi mở và an toàn”

Trước đó, vào ngày 23/7/2020, phái bộ thường trực của Úc đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc lên án Bắc Kinh tự vẽ “đường 9 đoạn”, đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông là “không có cơ sở pháp lý” và “không có giá trị” theo phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye năm 2016 chiếu theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Công hàm được Úc gửi lên Liên Hiệp Quốc chỉ một tuần sau khi ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chính thức công bố bản “Lập trường của Hoa Kỳ về các yêu sách tại Biển Đông” ngày 13/07/2020.

Trước đó, Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai và Nam Dương cũng lần lượt gửi công hàm phản đối những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung cộng ở Biển Đông. Trung cộng hiện đòi chủ quyền đến gần 90% diện tích Biển Đông trong vùng đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển, lấn vào các vùng đặc quyền kinh tế của những nước láng giềng. Toà Trọng tài Quốc tế trong một phán quyết vào năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lý của đường này, nhưng Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết của toà.

 RFA (24.05.2020)

Trung cộng bắt đầu chính thức tập trận tại Biển Đông

Phi cơ Trung cộng J-15 xuất kích từ tàu sân bay Liêu Ninh trong một cuộc tập trận ở Biển Đông. Ảnh chụp ngày 02/01/2017. AFP – STR

Hôm nay 24/08/2020 Trung cộng bắt đầu chính thức tập trận tại Biển Đông trong vòng sáu ngày, tiếp tục các động thái khiêu khích sau khi đưa oanh tạc cơ H-6J ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1974.

Bắc Kinh cấm tàu bè qua lại ở phía đông nam đảo Hải Nam trong thời gian này. Đồng thời Trung cộng cũng tập trận kéo dài trên Biển Bột Hải (từ 24/08 đến 30/09) và Hoàng Hải (22/08-26/08). Các hoạt động biểu dương sức mạnh diễn ra trong bối cảnh căng thẳng với Hoa Kỳ, và đang có nhiều đồn đãi là Trung cộng sắp tấn công Đài Loan.

Trong khi đó South China Morning Post hôm nay tiết lộ, ba tuần sau khi ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố quan điểm mới của Hoa Kỳ về Biển Đông, khẳng định yêu sách chủ quyền của Trung cộng là « bất hợp pháp », Bắc Kinh đã mời các nhà ngoại giao 10 nước ASEAN đến để bày tỏ mối lo ngại sẽ xảy ra xung đột tại vùng biển này.

Trong cuộc họp, các quan chức Trung cộng nhấn mạnh đến « nguy cơ cao » về các hoạt động quân sự của các nước « bên ngoài khu vực », ám chỉ Hoa Kỳ. Đồng thời thúc đẩy ASEAN đàm phán về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông càng nhanh càng tốt.

Đài NHK của Nhật hôm nay đưa tin, ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị khi gặp người đồng cấp Việt Nam Phạm Bình Minh trong dịp kỷ niệm 20 năm hiệp ước biên giới Việt-Trung đã cổ vũ Hà Nội ngồi vào bàn đối thoại để giải quyết bất đồng về Biển Đông.

Về phía Philipppines hôm nay đã phản ứng gay gắt trước tuyên bố của Trung cộng, cho rằng Manila đã « khiêu khích bất hợp pháp » trên Biển Đông. Bộ trưởng Quốc Phòng nước này khẳng định chính Bắc Kinh mới khiêu khích và chiếm đóng bất hợp pháp các khu vực trong vùng đặc quyền kinh tế Phi Luật Tân.

RFI (24.08.2020)

Ngay sau kỷ niệm hiệp ước biên giới với Việt Nam, Trung cộng tập trận ở Hoàng Sa

Một đội tàu Trung cộng tập trận ở Biển Đông hồi tháng 12/2016

Trung cộng thông báo tập trận từ ngày 24 đến 30/8 ở gần quần đảo Hoàng Sa có tranh chấp với Việt Nam, chỉ một ngày sau khi hai nước kỷ niệm rầm rộ 20 năm thực thi Hiệp ước Biên giới trên đất liền.

Theo thông báo của Cục Hải sự tỉnh Hải Nam, Trung cộng, được Nhân Dân Nhật Báo của nước này đăng lại, các điểm tập trận có tọa độ ở vùng đông nam đảo Hải Nam và đông bắc quần đảo Hoàng Sa.

Cục hải sự Hải Nam cũng cảnh báo tàu thuyền không có phận sự phải đi lại cách các điểm tập trận 5 hải lý (gần 9,3 kilomet).

Ở thời điểm bản tin này được đăng, Việt Nam chưa thể hiện thái độ chính thức. Trước đó, khi Trung cộng tập trận ở phía bắc Hoàng Sa từ ngày 1 đến 5/7, Hà Nội đã nhanh chóng phản ứng. Theo đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay hôm 2/7 rằng họ đã “giao thiệp, trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung cộng không lặp lại những hành vi tương tự trong tương lai”.


Quần đảo Hoàng Sa bị Trung cộng chiếm từ tay Việt Nam Cộng Hòa, còn gọi là Nam Việt Nam, vào đầu năm 1974. Nước Việt Nam thống nhất sau đó, nay mang tên chính thức là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, chưa bao giờ từ bỏ tuyên bố chủ quyền về quần đảo.

Chỉ một ngày trước khi cuộc tập trận bắt đầu, hôm 23/8, các quan chức cao cấp của Trung cộng và Việt Nam làm lễ kỷ niệm trọng thể 20 năm ngày ký Hiệp ước Biên giới đất liền giữa hai nước. Buổi lễ được tổ chức tại cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Việt Nam – Đông Hưng, Trung cộng.

Các báo Việt Nam cho hay hai quan chức hàng đầu chủ trì lễ kỷ niệm là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, và Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung cộng Vương Nghị.

Về phía Việt Nam, ông Phạm Bình Minh nói việc hai nước ký kết Hiệp ước Biên giới năm 1999 và hoàn thành công tác phân giới cắm mốc năm 2008 đánh dấu việc lần đầu tiên trong lịch sử, hai nước “đã hoạch định được đường biên giới trên đất liền một cách khoa học, chính xác”, khép lại quá trình 36 năm đàm phán.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá rằng “đây là kinh nghiệm quý báu của hai nước trong việc giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ”.

Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Trung cộng Vương Nghị tại lễ kỷ niệm 20 năm hiệp ước biên giới

Bộ trưởng Ngoại giao Trung cộng Vương Nghị được báo chí Việt Nam dẫn lời phát biểu rằng “việc hai bên giải quyết ổn thỏa các vấn đề biên giới trên đất liền và vịnh Bắc Bộ sẽ là kinh nghiệm quý báu để giải quyết vấn đề trên biển”.

Còn theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung cộng gửi ra sau buổi lễ, ông Vương đã thúc giục Việt Nam ngồi vào bàn đàm phán về tranh chấp ở Biển Đông.

“Chúng ta phải phát huy cách giải quyết thành công các vấn đề biên giới trên bộ để tìm cách sớm dàn xếp các tranh chấp trên biển … Hai nước có khả năng và sự thông thái để tiếp tục đàm phán về các vấn đề trên biển”, theo Bộ Ngoại giao Trung cộng.


Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại Lê Hồng Hiệp thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và Trung cộng có độ phức tạp gấp nhiều lần các vấn đề trên bộ, và cuộc tập trận đang diễn ra của Trung cộng càng nêu bật lên sự phức tạp này.

Dù hai nước đã phân định được Vịnh Bắc Bộ từ năm 2000, nhưng họ vẫn bế tắc về vùng biển cửa vịnh sau hàng chục năm đàm phán, do khác biệt quan điểm và mấu chốt nhất là tranh chấp về quần đảo Trường Sa, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói với VOA.

“Phải giải quyết được vấn đề hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mới giải quyết được các tranh chấp liên quan. Đây là vấn đề rất khó. Việc đàm phán có thể kéo dài hàng chục năm, nếu không nói là hàng trăm năm”, tiến sĩ Hiệp nhận định.

Nhìn vào lời thúc giục đàm phán do Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đưa ra, nhà nghiên cứu của Viện ISEAS-Yusof Ishak đánh giá rằng Trung cộng muốn Việt Nam đàm phán song phương, không quốc tế hóa và không để các quốc gia bên ngoài tham gia, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ ngày càng tăng lên.

Ông Hiệp cho rằng ý định này của Trung cộng sẽ có ít tác dụng vì nước này tiếp tục hành động không nhất quán, vẫn gây sức ép hoặc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, mà cuộc tập trận ở gần Hoàng Sa trong tuần này là một ví dụ nữa.

“Việt Nam nhận thức được sự bất nhất của Trung cộng, và Hà Nội có hành động riêng để bảo vệ lợi ích của mình. Đó là phát huy nội lực và thúc đẩy quan hệ với các nước có chung nhận thức chiến lược, như Mỹ chẳng hạn. Tuy nhiên, những diễn biến này làm cho tranh chấp Việt Nam-Trung cộng càng trở nên khó giải quyết hơn”, tiến sĩ Hiệp nói với VOA.

VOA (24.08.2020)

Trung cộng thúc giục Việt Nam trở lại đàm phán về tranh chấp ở Biển Đông

Hình minh hoạ. Bộ trưởng Ngoại giao Trung cộng Vương Nghị và Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung (trái) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 27/11/2019.  AFP

Trung cộng tại lễ kỷ niệm 20 năm ký kết hiệp định biên giới Việt – Trung trên bộ diễn ra vào ngày 23 tháng 8 kêu gọi Việt Nam trở lại bàn đàm phán về những tranh chấp tại Biển Đông.

Mạng báo South China  Morning Post loan tin ngày 24 tháng 8, dẫn kêu gọi của ông Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung cộng như vừa nêu. Theo lời ông Vương Nghị thì hai phía cần rút tỉa kinh nghiệm trong giải quyết thành công những vấn đề về biên giới nhằm có thể sớm giải quyết những tranh chấp trên biển.

Ông Vương Nghị nhắc lại thỏa thuận mà lãnh đạo đảng cộng sản và nhà nước hai phía đạt được khi ký kết biên giới trên bộ vào năm 1999 và phân định Vịnh Bắc Bộ vào năm 2000.

South China Morning Post trong số ra ngày 24 tháng 8 dẫn lời của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia nghiên cứu chính sách ngoại giao tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cho rằng tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại Biển Đông phức tạp hơn nhiều so với những thỏa thuận trước đây được ông Vương Nghị nhắc đến.

Cũng theo chuyên gia Lê Hồng Hiệp, Trung cộng dường như đang tiến hành chiến thuật lôi kéo các đối tác trong khu vực; chí ít không để những nước này đứng về phía Hoa Kỳ để chống lại Trung cộng. Trong số này Hà Nội là mục tiêu của Bắc Kinh vì vị trí chiến lược quan trọng của Việt Nam.

South China Morning Post vào ngày 24 tháng 8 cũng nhắc lại rằng chỉ 3 tuần sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ công bố quan điểm mới của Washington về Biển Đông, vào đầu tháng 8 vừa qua, Bắc Kinh có cuộc gặp với đại diện 10 nước ASEAN tại thủ đô Trung cộng.

Tại cuộc họp, người phụ trách vấn đề biên giới trên bộ và trên biển của Trung cộng lên tiếng bày tỏ quan ngại của Bắc Kinh về mối nguy cơ lớn từ hoạt động quân sự của những quốc gia mà Trung cộng gọi là ‘không nằm trong khu vực’. Đây là cụm từ mà Bắc Kinh dùng khi thảo luận về vai trò của Hoa Kỳ tại Châu Á.

RFA (24.08.2020)

Nam Dương bắt giữ hai tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam

Hai tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị tàu tuần tra Nam Dương bắt giữ hồi tuần qua khi bị cáo buộc “khai thác thủy sản bất hợp pháp” trong vùng biển nước họ.

Báo chí Nam Dương thuật lại tin từ Bộ Hàng Hải và Thủy Sản của nước này cho biết hai tàu đánh cá mang cờ CSVN bị bắt giữ hôm 20 Tháng Tám ở vùng biển phía Nam quần đảo Natuna vì khai thác thủy sản lậu trong vùng biển đặc quyền kinh tế của họ.

Tàu đánh cá của ngư dân Việt bị Nam Dương gài chất nổ rồi cho chìm xuống biển. (Hình: AFP/Getty Images)

CSVN với Nam Dương vẫn chưa đàm phán dứt khoát được vùng biển chồng lấn giữa hai nước. Viên chức kiểm soát khai thác thủy sản của Nam Dương cho hay các tàu Việt Nam đã không kháng cự khi bị bắt. Vụ việc nói trên xảy ra chỉ 4 ngày sau khi tàu tuần Mã Lai bắt chết một ngư dân Việt Nam bị cáo buộc kháng cự khi bị bắt.

Rất nhiều tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị Mã Lai và Nam Dương bắt giữ mỗi năm. Chính phủ Nam Dương nói từ đầu năm 2020 đến nay họ đã bắt 54 tàu đánh cá nước ngoài tới vùng biển nước họ khai thác thủ sản lậu, trong đó có 27 tàu đánh cá của Việt Nam, 14 tàu Phi Luật Tân, 12 tàu Mã Lai và 1 tàu Đài Loan.

Trong tuần lễ trước, Mã Lai đã bắt giữ tổng cộng 9 tàu đánh cá của Việt Nam, chiếc tàu có ngư dân bị bắn chết nằm trong số này.

Sau khi bắt giữa và bỏ tù các ngư dân, Hải Quân Nam Dương gài chất nổ, đánh chìm các tàu đánh cá nước ngoài thay vì phạt tiền rồi thả cho về.

Không riêng gì Nam Dương và Mã Lai, nhà cầm quyền CSVN từng bị áp lực của Liên Hiệp Âu Châu (EU) buộc ngăn chặn ngư dân khai thác thủy sản lậu tại các vùng biển nước khác. Nếu không, Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu thủy sản tới thị trường EU.

Năm ngoái, nhà cầm quyền CSVN ra nghị định buộc các tàu đánh cá xa bờ phải gắn máy định vị “giám sát hành trình” hầu tránh xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế của nước khác. Chương trình bắt buộc phải hoàn tất trước ngày mùng 1 Tháng Tư, 2020, và nếu không có máy này, không được phép ra khơi.

Hai tàu đánh cá của ngư dân Việt mới bị tàu tuần Nam Dương bắt giữ. (Hình: Tempo)

Tuy nhiên, tờ Thanh Niên thuật lời một số ngư dân và viên chức cầm quyền nói rằng tốn phí khá cao, từ 19 triệu đồng (khoảng $825) đến 28 triệu đồng (khoảng $1,200) nên dân đánh cá ngần ngại không muốn gắn. Hiện cũng không có nguồn tin nào hoặc thống kê nào cho biết tất cả các tàu đánh cá xa bờ đều đã gắn máy định vị hay chưa.

Trong khi đó, không mấy tháng là không có tin tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị tàu cảnh sát biển nước ngoài bắt giữ, ngư dân bị bỏ tù, thậm chí còn bị bắn chết. 

Người Việt (24.08.2020)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen