Seite auswählen

Linh hồn và ký ức phố

Ảnh: haphamcamera, Pixabay

Ngày 10-09-2020 (GMT +7)

LƯU HƯƠNG

Mục lục

1…

   Cậu bạn người Sài Gòn của tôi cảm thấy thất vọng ngay lần đầu tiên đến Hà Nội. Bạn nói, “nếu không có cậu, tớ có lẽ sẽ chẳng còn lý do gì để quay trở lại thành phố này”. Bạn tôi mới chỉ chạm mặt Hà Nội, và cái dáng vẻ bề ngoài xộc xệch, nhếch nhác của nó khiến bạn không có thiện cảm. Tôi muốn nói với bạn, những ấn tượng ban đầu có thể không chính xác, có nghĩa là khi sống ở một nơi nào đó lâu một chút, ta sẽ thấy miền đất đó không còn xa lạ và dửng dưng như lần đầu gặp gỡ. Nó trở nên tinh tế và gần gũi hơn với những ngõ hẻm, góc phố, hàng cây, những quán ăn và con người…

   Cô bạn Kelly của tôi, khi trở về từ Hà Nội, thì lại tin rằng mỗi nơi chốn đều có chỗ cất giữ linh hồn của chúng, chỉ là ta có đủ duyên để gặp gỡ và chạm vào nó hay không. Linh hồn của một nơi chốn không chỉ là cảnh quan, di tích hay các món ăn ngon, mà còn là những cá thể độc đáo, những con người có khả năng đem lại sức sống và linh hồn cho chính thành phố mà họ đang sinh sống.

   Trong cuốn bút ký Tám ngàn rưỡi dặm của Tuấn Việt có một triết lý du lịch mà tôi rất thích: “Hãy tìm một con đường, một mối dây để cột vĩnh viễn một đất nước, một nơi chốn nào đó vào ký ức, vào trái tim”. Có lẽ, nếu cậu bạn tôi trở lại Hà Nội vào lần sau, tôi sẽ giữ cậu ấy lại lâu hơn một chút, để khi những nhốn nháo bề mặt qua đi, khi đã gạn lọc bớt những tạp âm xô bồ, hỗn loạn và lắng nghe những chuyển động trong lòng thành phố, bạn tôi sẽ nhận ra Hà Nội vẫn có những khoảng lặng bình yên đến không ngờ và cậu ấy sẽ tìm thấy một con đường, một mối dây để cột Hà Nội vào trái tim, vào ký ức cậu ấy. Cái mối dây ấy có thể chỉ là tiếng sáo run rẩy trong đêm khuya, là ánh trăng nhạt nhòa giữa đèn màu rực rỡ, nhưng đủ lắng đọng để gợi niềm cảm hứng sâu xa cùng những ký ức phố, ký ức mùa…

Ảnh: Anh Hoang, Unsplash

2…

   Từ ngày Hà Nội gỡ bỏ hệ thống loa phường, không gian trở nên bớt hỗn tạp hơn, dù chỗ này chỗ khác, người ta thỉnh thoảng vẫn giật mình vì bị “cưỡng bức nghe nhạc” từ những chiếc loa kẹo kéo của chị em phụ nữ tập aerobic và mấy quán cafe mở karaoke quá lớn. Khi đó, cách tốt nhất để giữ cho đầu óc bớt bực bội và căng thẳng là đóng chặt cửa sổ, mang headphone nghe những bản nhạc yêu thích, rồi “nằm nghe xôn xao tiếng đời” chỉ còn văng vẳng và “vờ như mùa đông đã về”…

   Hà Nội có bốn mùa, nhưng tôi thường nhắn các bạn mình hãy đến Hà Nội vào mùa thu hoặc mùa đông mỗi khi bạn hỏi nên ra Hà Nội vào thời gian nào, dù mỗi mùa đều có vẻ đẹp của nó. Trong ký ức mùa của bạn tôi, mùa đông Hà Nội là những cơn gió hun hút chạy dọc con phố nhỏ, là bếp ngô nướng bên hè phố khuya, là ly kem lạnh bàn tay, chiếc khăn mỏng hờ hững trên vai thiếu phụ, và tiếng sáo nỉ non, réo rắt nhập nhoà giữa cơn mưa phùn, gió bấc. Bạn nói, trong chăn ấm, nệm êm, nằm nghe tiếng sáo chập chờn lọt qua khe cửa, thấy thương cảm thay những kẻ “đêm đông không nhà”.

Ảnh: Thai An, Unsplash

   Tiếng sáo ấy là của một người bán hàng rong. Ông lang thang khắp phố phường với đôi chân trần và manh áo cộc. Vừa đi vừa lập bập thổi những âm thanh nghe đến mủi lòng. Mọi người đứng nghe một hồi rồi bỏ đi. Không ai cho ông tiền vì ông là người bán hàng rong chứ không phải là người ăn xin. Thổi hết bài này sang bài khác, người đàn ông dừng lại một lúc để nghỉ rồi lại bắt đầu. Có thể thấy ông rất chuyên tâm vào công việc của mình, nhưng chẳng có ai mua hàng của ông cả. Món hàng ông bán là những cây sáo trúc, vài ba cái ống điếu và mấy gói tăm tre, kẹo cao su, bút bi, móc chìa khóa, dây cột tóc… Không biết một ngày kiếm được bao nhiêu mà thổi như rút ruột, rút gan.

   Có điều gì đó cứ khiến tôi nghĩ thân phận người đàn ông bán sáo dạo giống như thân phận con ve sầu, kêu rã rời cho đến khi rỗng ruột. Một cách vô tình, tiếng sáo của ông trở thành âm thanh quen thuộc đối với người Hà Nội, một thứ âm thanh mỏng manh, trong trẻo, lơ lửng, uốn lượn trên nền tạp âm hỗn loạn của nhà ga, xe cộ, chợ búa và những tiếng động phố phường. Đêm dường như trong hơn. Sâu lắng, run rẩy và lay động…

Ảnh: tayphuong388, Pixabay

3…

   Trong cuốn Đồ nhiên thảo, Urabe Kenzo viết: “Người ta ai ai cũng hiểu rằng căn nhà là nơi tạm trú trong coi vô thường này. Thật thú vị biết bao biết tìm trong nó nguồn cảm xúc, nơi hài hòa với thiên nhiên. Như nhìn ánh trăng ngà xuyên qua khung cửa sổ gây niềm cảm hứng sâu xa hơn bất cứ nơi chốn nào. Căn nhà cho dù không trang trí kiểu cách thời trang đi nữa, những hình ảnh tự nhiên như hàng rào tre, bụi cây, ngọn cỏ gợi những kỷ niệm trìu mến, nhẹ nhàng xa xưa…”.

   Trong cái thành phố đông đúc, tấp nập hơn tám triệu dân này, nơi mà hở ra khoảng trống nào là người ta treo ngay đèn màu, biển hiệu quảng cáo vào khoảng trống đó, thì giữ được “ánh trăng ngà xuyên qua khung cửa sổ” quả là điều hiếm hoi. Những khoảng không gian chật hẹp được tận dụng một cách triệt để. Chẳng phải cứ có mặt tiền mới mở được quán. Những lối đi hẹp, những chiếc cầu thang gỗ ngoắt ngoéo, những cái sân thượng chênh vênh trên cao hóa ra lại là những đặc điểm đáng yêu, đáng nhớ của một quán cafe.

   Nhà anh cũng có một cái sân thượng như thế với chiếc cầu thang gỗ nhỏ hẹp đặc trưng của phố cổ Hà Nội. Mỗi khi bạn bè đến chơi, anh lại sai cậu con trai bảy tuổi mang chiếu lên sân thượng trải để bố và các cô chú ngồi trà thuốc, chuyện trò. Lần đầu tiên lên lên sân thượng nhà anh, tôi đã đứng ngây ra, choáng ngợp trước khoảng không gian thoáng đãng, rộng rãi đến không ngờ trước mặt. Từ cái không gian này nhìn xuống, Hồ Gươm lấp lánh với dòng xe cộ chạy vòng quanh như đèn kéo quân. Xung quanh, mái ngói nhấp nhô, im lìm buồn bã dưới ánh trăng bàng bạc. Hà Nội thật đẹp khi nhìn từ độ cao này, độ cao khiến cho tiếng xe cộ chạy nườm nượp dưới đường khi vọng lên chỉ còn là tiếng ì ầm xa vắng.

Ảnh: tayphuong388, Pixabay

   Anh chỉ cười khi mọi người gợi ý: “Sao không mở một quán cà phê trên này? Quang cảnh ở đây quả là đệ nhất Hà Thành”. Trước đó mấy ngày, anh đã từng từ chối một công ty quảng cáo khi họ ngỏ ý muốn dựng biển quảng cáo trên sân thượng nhà anh. Một kẻ gàn dở hay một người không thực tế, thức thời? Tôi không biết, chỉ biết đêm đêm vào những ngày trăng sáng, anh và cậu con trai lại mang chiếu lên sân thượng, ở đó hai cha con anh nằm giang tay hóng gió, ngửa mặt nhìn trăng, đếm sao. Bên dưới, thành phố tấp nập, chi chít bảng hiệu, đèn màu. Chẳng có chiếc bảng hiệu và những chùm đèn màu nào che chắn được tầm mắt của cha con họ…

   Người bạn của tôi đã giữ được “ánh trăng ngà xuyên qua khung cửa sổ” để “gây niềm cảm hứng sâu xa và gợi những kỷ niệm trìu mến, nhẹ nhàng”, để làm giàu ký ức phố cho bạn bè và các con của mình.

Nguồn: TheNewViet

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen