Đoan Trang
7-10-2020
Nguồn: Tiếng Dân
LTS: Chúng tôi nhận được tin, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang bị bắt vào khoảng 11h30 đêm qua, tại nhà trọ của cô ở Sài Gòn. Trước khi bị bắt, ngày 27/5/2019, cô Trang có viết một bức thư, nhờ anh Will Nguyễn, là một nhà hoạt động cùng làm việc với cô Trang trong bản “Báo Cáo Đồng Tâm”, phổ biến trong trường hợp cô bị bắt. Sau đây là nội dung bức thư:
Sài Gòn, ngày 27/5/2019
Gửi các anh chị em, bạn bè thân yêu của tôi,
Không ai mong muốn phải ngồi tù, nhưng nếu nhà tù là chỗ tất yếu ai đấu tranh cho tự do cũng phải đến, và nếu vào tù là để thực hiện một mục đích nào đó ta đã định trước, thì ta nên đi tù.
Tôi có một số mục đích định trước như vậy. Thế nhưng đi tù chỉ là bước đầu để thực hiện các mục đích này, còn muốn hoàn thành thì rất, rất cần sự tiếp sức của các bạn.
1. Vận động thông qua luật bầu cử mới, luật tổ chức quốc hội mới
Mong các bạn làm mọi cách để gắn việc tôi đi tù (nếu có) với luật bầu cử mới, luật tổ chức quốc hội mới. Làm sao để công luận biết rằng tôi đã tham gia nghiên cứu và đưa ra luật mới về bầu cử và tổ chức quốc hội, và tôi bị bắt một phần là vì lý do đó.
Tôi muốn có một phong trào xã hội rộng lớn thúc đẩy việc thông qua hai luật này.
2. Quảng bá các cuốn sách tôi viết
Tôi mong rằng việc mình bị bắt, đi tù hoặc gặp bất kỳ điều gì khác, nhất là đi tù, sẽ là cơ hội để quảng bá các cuốn sách tôi viết, giúp sách được nhiều người đọc hơn, dưới bất kỳ hình thức gì dù là bản in hay bản điện tử hay sách nói.
Tôi viết nhiều sách nhưng đây là những cuốn tôi mong muốn phổ biến nhất:
a) Chính trị bình dân;
b) Cẩm nang nuôi tù;
c) Phản kháng phi bạo lực;
d) Politics of a Police State (tiếng Anh);
e) Chúng ta làm báo;
f) Các ấn phẩm liên quan tới bầu cử.
3. Biến việc đi tù thành cơ hội để tận dụng
Nhà nước CHXHCN Việt Nam lâu nay luôn coi tù nhân lương tâm là một công cụ để mặc cả, trao đổi với nước ngoài. Khi trả tự do cho một tù nhân lương tâm và tống xuất người đó ra nước ngoài, nhà nước thu được rất nhiều cái lợi: ký được một hiệp định kinh tế nào đó, đánh bóng hình ảnh “tôn trọng nhân quyền”, vô hiệu hóa một biểu tượng đấu tranh vì tự do, và phớt lờ tất cả các yêu cầu cải cách thể chế.
Tôi rất không thích bị coi là món hàng để nhà nước trao đổi. Thay vì thế, tôi muốn rằng nếu mình có đi tù thì giới hoạt động dân chủ phải là một lực lượng đàm phán với nhà nước, trong đó tập trung, nhấn mạnh vào việc đòi thông qua luật bầu cử mới và luật tổ chức quốc hội mới. Bản án càng dài, xin các bạn càng tận dụng nó vào việc đàm phán và gây sức ép lên chính quyền Việt Nam, buộc chính quyền phải thực hiện các yêu cầu của chúng ta.
Tóm tắt ba mục (1), (2) và (3)
Nếu tôi bị bắt, tôi mong muốn các bạn làm truyền thông theo hướng vận động mỗi người, nếu ủng hộ tôi thì không cần làm gì nhiều, cũng không cần hô hào “tự do cho Trang”, mà chỉ cần truyền bá thông điệp sau:
“Tôi ủng hộ luật bầu cử mới và tôi đọc sách của Đoan Trang”, hoặc “Tôi ủng hộ Đoan Trang, nên tôi ủng hộ luật bầu cử mới và tôi đọc sách của Trang”, hoặc “Yêu cầu tổ chức bầu cử tự do và công bằng ở Việt Nam”, hoặc “Ủng hộ ứng viên độc lập vào Quốc hội”.
***
Vài điểm xin các bạn lưu ý thêm:
1. Xin chăm sóc mẹ tôi giùm, đừng để mẹ tôi nghĩ là hai mẹ con đang đơn độc. Công an cũng đã đe dọa các anh trai và chị dâu tôi rất nhiều; xin bảo vệ họ.
2. Tôi sẽ không nhận tội, không xin khoan hồng, cho nên mọi điều công an nói hoặc làm mà có thể khiến dư luận tưởng như vậy thì đều là bịa đặt, lừa dối.
4. Nếu có thể, xin vận động để tôi được nhận cây đàn guitar của tôi. Đối với tôi, đàn guitar quan trọng như Kinh Thánh đối với tín đồ Thiên Chúa giáo.
5. Tôi không quan tâm đến số năm tù theo bản án, do đó tôi không cần luật sư bào chữa để giảm án – một điều hẳn nằm ngoài khả năng của các luật sư trong tình hình hiện nay ở Việt Nam. Thay vì thế, tôi mong các luật sư có thể làm một kênh truyền tải thông tin giữa tôi và mọi người bên ngoài.
6. Không ưu tiên tôi hơn các tù nhân lương tâm khác.
7. Nếu có vận động để trả tự do cho tôi, xin các bạn bắt đầu từ khoảng năm thứ ba hoặc thứ tư (tính từ thời điểm bị bắt), và xin hết sức lưu ý gắn mọi chiến dịch vận động với việc thực hiện các mục đích tôi đã nêu trên. Kịch bản lý tưởng là tôi được trả tự do mà vẫn ở Việt Nam (không bị tống xuất ra nước ngoài) và những mục đích tôi đề ra đều được hoàn thành.
Tôi không cần tự do cho riêng mình; nếu chỉ vậy thì quá dễ. Tôi cần cái lớn hơn thế nhiều: Tự do, dân chủ cho cả Việt Nam. Đó là một mục tiêu nghe có vẻ vĩ đại và xa vời, nhưng thật ra là khả thi, nếu có sự góp phần của tất cả các bạn.
Mục lục
Chủ tịch IPA: ‘Tôi xin ngả mũ thán phục trước sự can trường của Phạm Đoan Trang’
Bộ Công an Việt Nam hôm 7/10 xác nhận đã “bắt tạm giam” nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang tại quận 3, tp HCM hôm 6/10. Bản tin ngắn đăng trên Cổng Thông tin Điện tử của Bộ Công an cho biết “bị can” bị “bắt tạm giam, khám xét khẩn cấp về tội Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo điều 88 của Bộ Luật Hình sự 1999.
Trong cùng ngày, báo chí Việt Nam dẫn lời Chánh văn phòng Bộ Công an, thiếu tướng Tô Ân Xô, cho biết cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án để điều tra cáo buộc về hành vi tuyên truyền chống nhà nước, và tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015. Ông Tô Ân Xô cho biết quyết định khởi tố bà Trang đã được Viện Kiểm sát Nhân dân phê chuẩn, và bà Trang đang bị di lý về Hà Nội để phục vụ điều tra.
Hãng tin AP dẫn báo Thanh niên nói rằng nếu bị xét là có tội, bà Phạm Đoan Trang có thể đối mặt với bản án tù 20 năm.
Tin nhà báo bị bắt truyền nhanh trên mạng ngay sau khi bà bị bắt vào lúc gần nửa đêm thứ Ba, và lập tức tin này được truyền thông quốc tế, kể cả các hãng tin lớn như AP, Reuters, Bloomberg, Al Jazeera, Deutsche Welle… loan tải, trong khi các tổ chức bảo vệ tự do báo chí và nhân quyền mạnh mẽ lên án.
Tên tuổi của Phạm Đoan Trang đã quen thuộc với báo giới quốc tế vì bà đã nhận nhiều giải quốc tế về tự do báo chí và nhân quyền. Năm 2019, Phạm Đoan Trang là một trong ba phụ nữ đoạt giải Tự do Báo chí của RSF- Tổ chức Phóng viên Không Biên giới. Trước đó, năm 2018, bà được chọn để nhận giải nhân quyền Homo Homini tại cộng hòa Czech.
Các bản tin quốc tế đều lưu ý đến chi tiết nhà báo độc lập bị bắt chỉ vài giờ sau cuộc đối thoại nhân quyền giữa Việt Nam và Mỹ. Họ nhắc đến thành tích đấu tranh cho nhân quyền của nhà báo, bất đồng chính kiến, đấu tranh cho nhân quyền, tác giả nhiều đầu sách có giá trị như “Chính trị Bình dân”, “Phản kháng phi bạo lực”, “Politics of a Police State” (tiếng Anh), “Những mảnh đời sau song sắt; “Anh Ba Sàm”… và gần đây hơn, đồng tác giả của “Báo cáo Đồng Tâm”.
Will Nguyễn, đồng tác giả của Báo cáo Đồng Tâm mới nhất, đã phổ biến một bức thư của bà Phạm Đoan Trang “Nếu tôi có đi tù” sau khi bà bị bắt. Trong thư, Phạm Đoan Trang khẳng định bà muốn “xóa bỏ chế độ độc tài ở Việt Nam”, nhắn nhủ những người ủng hộ hãy tiếp tục đấu tranh cho những mục tiêu mà bà theo đuổi. Bà nói: “Tôi không cần tự do cho riêng mình; Tôi cần cái lớn hơn thế nhiều: Tự do, dân chủ cho cả Việt Nam”.
Bà cho biết sẽ không nhận tội, không xin khoan hồng, nên nếu công an nói như vậy tức là “công an bịa đặt, lừa dối.”
Bà bày tỏ mong muốn những người ủng hộ hãy chăm sóc mẹ già, và là người yêu âm nhạc, bà Phạm Đoan Trang mong có được cây đàn guitar trong tù, vì đối với bà “đàn guitar cũng quan trọng như Kinh Thánh đối với tín đồ Thiên Chúa Giáo”.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc đặc trách Châu Á của Human Rights Watch, nói tổ chức theo dõi nhân quyền này mạnh mẽ lên án vụ bắt giữ bà Phạm đoan Trang.
“Mỗi một ngày bà ở sau chấn song sắt là một sự bất công nghiêm trọng, vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam về nhân quyền và phương hại tới danh dự của chính quyền Việt Nam,” ông Robertson nói.
Tổ chức Ân xá Quốc tế bày tỏ lo ngại về sự an toàn của cá nhân bà Phạm đoan Trang. Tổ chức này nhắc lại rằng bà đã bị đàn áp từ khi trở về Việt Nam năm 2015. Và năm 2018, sau khi bị bắt giữ, bà đã phải nhập viện vì bị công an đánh đập dã man trong lúc bị câu lưu.
“Phạm Đoan Trang có thể đối mặt với nguy cơ bị tra tấn và các hình thức ngược đãi khác dưới tay của nhà cầm quyền Việt Nam. Bà phải được trả tự do lập tức và vô điều kiện.”
Bà Phạm Thị Đoan Trang là một tác giả được quốc tế biết tiếng, bà là người phát ngôn của Nhà xuất bản Tự Do, nhà xuất bản đã được Hiệp hội Xuất bản Quốc tế (IPA) trao giải thưởng Prix Voltaire vào tháng Ba năm 2020.
“Phạm Đoan Trang chủ ý chấp nhận nguy cơ để bảo vệ quyền tự do biểu đạt. Tôi xin ngã mũ thán phục trước sự can trường và sức mạnh của niềm tin của bà.”Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Quốc tế (IPA) Hugo Setzer
Hôm 7/10, Hiệp hội Xuất bản Quốc tế, liên minh lớn nhất thế giới của các nhà xuất bản, loan báo “Đồng sáng lập Nhà Xuất Bản Tự do của Việt Nam được Giải Voltaire, đã bị bắt trước hội chợ sách Frankfurt.”
Theo lịch trình, bà Phạm Đoan Trang sẽ có góp tiếng trong cuộc thảo luận về quyền tự do xuất bản vào ngày 15/10 tại hội chợ sách quốc tế Frankfurt. Chủ tịch và CEO của Frankfurter Buchmesse nói hôm 7/10:
“Chúng tôi rất quan tâm về việc Phạm Đoan Trang bị bắt giữ, ngay trước hội chợ sách lớn nhất thế giới, nơi mà tự do biểu đạt được tôn vinh.”
Từ Geneva, Hiệp hội Xuất bản Quốc tế (IPA) ra thông báo do ông Kristenn Einarsson, Chủ tịch Ủy ban Tự Do Xuất bản IPA và Chương trình Giải Voltaire- viết rằng:
“Phạm Đoan Trang và Nhà Xuất bản Tự do đã phải hoạt động trong bóng tối trong nhiều năm. Thành quả làm việc và sự can đảm của bà là một nguồn cảm hứng cho tất cả các nhà xuất bản quốc tế, và cộng đồng các nhà xuất bản thế giới ủng hộ bà trong cuộc đấu tranh cho tự do xuất bản ở Việt Nam.”
Chủ tịch IPA Hugo Setzer, nói:
“Phạm Đoan Trang chủ ý chấp nhận nguy cơ để bảo vệ quyền tự do biểu đạt. Tôi xin ngã mũ thán phục trước sự can trường và sức mạnh của niềm tin của bà.”
Chủ tịch IPA lên án việc Phạm Đoan Trang bị bắt giữ và kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam hãy trả tự do cho bà.
Lúc nhận giải Voltaire, Phạm Đoan Trang nói với VOA rằng kể từ khi Nhà xuất bản Tự Do được thành lập vào năm 2019 cho đến nay, các nhân viên “không bao giờ được hưởng một giây phút bình yên” vì liên tục bị công an sách nhiễu.
Phản ứng trước tin bà bị bắt, Phó Giám đốc Đông Nam Á của Tổ chức Ân xá Quốc tế Ming Yu Hah nói:
“Bắt giữ bà Phạm đoan Trang là hành động sai trái. Bà là nhân vật đi tiên phong trong cuộc đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam. Bà là nguồn cảm hứng của vô số nhà đấu tranh trẻ tuổi đã đứng lên để tranh đấu cho một nước Việt Nam công bình hơn, bao gồm mọi thành phần, và tự do hơn.”
Vụ bắt nhà báo Phạm Đoan Trang: Phản ứng ban đầu từ quốc tế và Việt Nam
Không lâu sau khi nhà báo tự do, nhà hoạt động xã hội dân sự Phạm Đoan Trang bị chính quyền bắt giữ tại Sài Gòn hôm 07/10/2020, quốc tế và khu vực, cũng như giới quan sát thời sự Việt Nam từ trong nước và hải ngoại đã có những phản ứng ban đầu.
Từ Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch – HRW) khu vực, Phó giám đốc Phil Robertson khu vực châu Á, trong một tuyên bố chính thức hôm thứ Tư lên án vụ bắt giữ và yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho người vừa bị bắt:
“Phản ứng như thiêu đốt của Việt Nam đối với bất đồng chính kiến được trưng bày cho tất cả mọi người xem với vụ bắt giữ blogger và tác giả nổi tiếng Phạm Đoan Trang. Mặc dù phải hứng chịu nhiều năm bị chính quyền quấy rối có hệ thống, bao gồm cả các cuộc tấn công nặng nề, bà vẫn trung thành với các nguyên tắc vận động hòa bình cho nhân quyền và dân chủ.
“Cách tiếp cận sâu sắc của bà đối với cải cách và yêu cầu người dân tham gia thực sự vào hoạt động quản trị của họ, là những thông điệp mà Chính phủ Việt Nam nên lắng nghe và tôn trọng, không kìm nén.
“Tổ chức Theo dõi Nhân quyền lên án mạnh mẽ việc Việt Nam bắt giữ Phạm Đoan Trang. Mỗi ngày cô ấy sống sau song sắt là một sự bất công nghiêm trọng, vi phạm các cam kết quốc tế về nhân quyền của Việt Nam và gây ô nhục cho chính phủ. Các chính phủ trên khắp thế giới và Liên Hợp Quốc phải ưu tiên trường hợp của cô ấy, thay mặt cô ấy nói to và nhất quán, đồng thời yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho cô ấy”.
Hành động đáng ‘chê trách’
Từ Tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), cùng ngày, trong một tuyên bố có tựa đề “Việt Nam: Nhà vô địch nhân quyền bị bắt, có nguy cơ bị tra tấn nghiêm trọng”, Phó Giám đốc Khu vực của tổ chức này, Ming Yu Hah, gọi đây là một hành động đáng ‘chê trách’ của chính quyền và kêu gọi thả tự do vô điều kiện cho nhà báo, nhà hoạt động:
“Việc Phạm Đoan Trang bị bắt là một hành động đáng chê trách. Bà là một nhân vật hàng đầu trong cuộc đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam. Bà đã truyền cảm hứng cho vô số nhà hoạt động trẻ lên tiếng vì một Việt Nam công bằng, hòa nhập và tự do hơn.
“Phạm Đoan Trang phải đối mặt với nguy cơ sắp bị tra tấn và đối xử tệ bạc dưới bàn tay của chính quyền Việt Nam. Bà phải được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện.
“Phạm Đoan Trang đã phải đối mặt với sự ngược đãi do công việc của bà là một nhà bảo vệ nhân quyền cho phụ nữ kể từ khi bà trở về Việt Nam vào năm 2015. Trước đó, bà đã phải nhập viện sau khi bị tra tấn và chịu bạo lực về giới sau vụ bắt giữ tùy tiện với bà vào năm 2018”.
Cũng hôm 07/10, hãng tin Anh Reuters đưa tin về sự việc trong một bản tin cho hay “Việt Nam bắt giữ nhà hoạt động vài giờ sau cuộc họp nhân quyền với Mỹ”, bản tin viết:
“Các nguồn tin và các nhóm nhân quyền quốc tế cho biết Việt Nam đã bắt giữ một blogger và một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng vì “các hoạt động chống nhà nước” vài giờ sau khi chính phủ nước này tổ chức các cuộc đàm phán thường niên về nhân quyền với Hoa Kỳ…
“… Mặc dù cải cách kinh tế sâu rộng và ngày càng cởi mở hơn với thay đổi xã hội, đảng Cộng sản cầm quyền của Việt Nam rất ít dung thứ sự chỉ trích và đã tăng cường đàn áp các nhà hoạt động trước thềm đại hội đảng quan trọng vào tháng Một năm sau.”
‘Truy cứu theo cả hai điều luật?’
Cùng hôm thứ Tư, từ Việt Nam và hải ngoại, một số nhà hoạt động và quan sát xã hội và thời sự Việt Nam nêu phản ứng của mình về sự việc.
Trịnh Hữu Long, Tổng Biên tập Luật Khoa Tạp Chí, nhà vận động cho xã hội dân sự ở Việt Nam, từ một quốc gia tại khu vực Đông Nam Á nói với BBC:
“Như mọi người đã biết, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ và khởi tố bị can bà Phạm Đoan Trang theo tội danh quy định theo cả điều 88 của Bộ luật hình sự năm 1999 và cả điều 117 Bộ Luật hình sự Việt Nam 2015.
“Điều này có nghĩa bà Phạm Đoan Trang sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với những hành vi xảy ra từ kể cả trước ngày 01/01/2018, lẫn như từ ngày 01/01/2018 trở lại đây, ngày 01/01/2018 là ngày Bộ Luật hình sự mới có hiệu lực.
“Vì vậy có thể thấy sẽ có nhiều hành vi của Đoan Trang từ nhiều năm qua sẽ được đưa vào kết luận điều tra và cáo trạng.”
Từ Hà Nội, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện phản biện Chính sách độc lập IDS (đã tự giải thể) nói với BBC:
“Tôi cho rằng đây là một vụ đàn áp trắng trợn chống lại những tiếng nói khác với ý của ĐCSVN, chống lại những quyền tự do báo chí, xuất bản và biểu đạt đã được Việt Nam cam kết tôn trọng trong luật quốc tế (ICCPR, mà Việt Nam đã tham gia từ đầu những năm 1980 và cũng được ghi trong Hiến Pháp Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và như thế chính quyền Việt Nam phải có nghĩa vụ phải tôn trọng các quyền đó của mọi công dân. Đáng tiếc nhằm để hợp pháp hoá những sự vi phạm như vậy bộ Luật Hình sự đã đưa vào những quy định mơ hồ như tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, quy định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999; và tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước CHXHCN Việt Nam ” quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015.
“Theo tôi, xét về mặt nguyên tắc chẳng ai có thể chống lại một nhà nước cả (vì nó gồm lãnh thổ, dân cư, bộ máy nhà nước và các dự án nhà nước); nhưng ai cũng có quyền chống một chính quyền (tức là những người con người cụ thể làm các chức năng cụ thể trong các bộ máy nhà nước) khi chính quyền ấy làm bậy (chính ông Hồ Chí Minh đã kêu gọi nhân dân đuổi chính phủ nếu chính phủ làm không tốt việc phục vụ dân). Đáng tiếc ĐCSVN đánh đồng chính quyền với nhà nước và tạo ra các điều luật hay các tội danh mù mờ để họ có thể diễn giải việc bắt bất cứ ai làm những điều hợp hiến, hợp luật quốc tế như Phạm Đoan Trang đã làm và bắt bớ, bỏ tù những người người như vậy. Phải đấu tranh để đòi ĐCSVN thực hiện đúng luật quốc tế, đúng Hiến pháp mà chính nó tạo ra.”
Quyết định từ cấp cao nhất?
Cũng từ Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Vinh, cựu Thiếu tá An ninh, Bộ Công an Việt Nam, bình luận:
“Tôi thấy đây tiếp tục là một diễn biến đáng lo ngại cho không khí tự do dân chủ ở Việt Nam, trong lúc một số nhà báo tự do, blogger đã nối tiếp nhau vị bắt từ cuối năm ngoái tới giờ, vụ Đồng Tâm vừa mới xử sơ thẩm. Đặc biệt lại đang diễn ra Hội nghị trung ương, và cuộc Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ.”
Từ Paris, nhà báo tự do Tường An, nhà hoạt động xã hội dân sự và vận động cho công đoàn độc lập, nói:
“Tôi thấy cả bất ngờ lẫn không bất ngờ trước sự kiện này, bất ngờ là vì báo chí của nhà nước Việt Nam hôm 07/10 cho biết cơ quan an ninh điều tra và tổ công tác Hà Nội đã hợp tác với tổ công tác thuộc Bộ công an tại TP Hồ Chí Minh để bắt nhà báo Phạm Đoan Trang vào đêm 6/10.
“Nhưng cũng trong ngày hôm đó, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có cuộc đối thoại Nhân quyền lần thứ 24. Họ như thế đã bắt một người đấu tranh cho Nhân quyền ngay trong ngày đối thoại về Nhân quyền.
“Còn điều mà tôi không bất ngờ là tại Việt Nam, mỗi người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và lao động tại Việt Nam lúc nào cũng là một tù nhân dự khuyết.
“Nhất là nhà báo Đoan Trang lại là một người hoạt động rất tích cực và hiệu quả, từ lâu cô đã là cái gai trong mắt của nhà cầm quyền. Chính cô cũng đã từng nói rằng cô có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Đây là điều mà nhiều người đoán trước sẽ xảy ra, chỉ không biết là lúc nào thôi.”
Bình luận thêm về bối cảnh của vụ bắt giữ, và điều gì có thể là mục tiêu hay mong muốn của chính quyền qua vụ bắt nhà hoạt động, các nhà quan sát từ hải ngoại và Việt Nam nói:
“Chúng ta rất khó biết là chính quyền muốn điều gì, hiện nay về bối cảnh, Đại hội đảng CSVN lần thứ 13 sắp tới trong chỉ còn vài tháng nữa thôi, Hội nghị 13 Ban chấp hành TƯ đảng CSVN đang diễn ra, và ở quốc tế thì cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 cũng sắp diễn ra đầu tháng tới, bối cảnh theo tôi là rất phức tạp với quá nhiều yếu tố đang xảy ra,” ông Trịnh Hữu Long bình luận.
“Tôi nghĩ rằng việc bắt giữ Phạm Đoan Trang nằm đâu đó trong một cuộc tranh giành quyền lực trong nội bô đảng cầm quyền và có đó trong nội bộ đảng này đang cần lập một chiến công lớn để được ghi nhận, để được đề bạt vào những chức vụ cao hơn trong ban lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng sản trong thời gian tới.
“Phạm Đoan Trang là một nhà hoạt động dân chủ thuộc hàng nổi tiếng nhất, hiệu quả nhất ở Việt Nam, và việc bắt giữ Phạm Đoan Trang, theo tôi phải đến từ các cấp lãnh đạo cao nhất của đảng và chính quyền, chứ không thể nào chỉ đến từ cấp lãnh đạo chỉ như Ủy viên Trung ương đảng hay cấp Thứ trưởng được.”
‘Một kiểu vỗ mặt người Mỹ’?
Từ Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Vinh nói:
“Tôi thấy rằng ngoài những hoạt động của bà Đoan Trang trong nhiều năm nay làm chính quyền khó chịu, thì tài liệu Báo cáo Đồng Tâm mới đây có lẽ làm họ khó chịu hơn nữa, dẫn tới quyết định bắt giữ.
“Tuy nhiên, việc bắt giữ bà Đoan Trang ngay sau khi bà gặp đại diện Tòa Lãnh sự Mỹ và đúng lúc cuộc Đối thoại nhân quyền Việt- Mỹ đang diễn ra là một hiện tượng quá lạ. Về ngoại giao, nó như một kiểu “vỗ mặt” với phía Mỹ, trong lúc quan hệ hai nước đang tốt đẹp chưa từng thấy và rất cần nhau quanh việc đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông. Không lẽ lại có chuyện “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, hay thậm chí là những khúc mắc nội bộ khó thấy hết bên trong?
“Vì vậy, thật khó đoán mục đích khác thường của việc bắt giữ, ngoài chuyện bình thường là trấn áp các hoạt động liên quan quyền tự do dân chủ của người dân, cùng với mục tiêu phục vụ phiên tòa phúc thẩm vụ Đồng Tâm, nếu như sẽ diễn ra trước Đại hội 13.”
Ông Nguyễn Quang A bình luận:
“Đơn giản, tôi thấy rằng sắp diễn ra đại hội của ĐCSVN và trước đại hội họ muốn bóp nghẹt tiếng nói khác họ. Nguyên nhân họ vin vào các điều luật vi hiến, trái với luật quốc tế như nêu ở trên thì bất kể ai có tiếng nói khác với ĐCSVN đều có thể là các ứng viên tù nhân nếu họ không im miệng và ngoan ngoãn nghe theo ĐCSVN. Chính quyền vi phạm Hiến pháp bằng việc bắt bớ hẳn là muốn bịt miệng Đoan Trang và đe doạ những người khác.”
Còn từ Paris, bà Tường An nói:
“Như tôi đã bày tỏ rằng khá bất ngờ khi nhà cầm quyền CSVN bắt nhà báo Phạm Đoan Trang vào lúc mà giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vừa có cuộc đối thoại về Nhân quyền. Với lực lượng công an hùng hậu, nếu muốn, họ có thể bắt cô ấy bất cứ lúc nào.
“Nhưng có một số câu hỏi mà tôi thấy được đặt ra qua đây rằng tại sao họ lại chọn thời điểm này? Hay có lẽ hồ sơ Đồng Tâm mà cô Phạm Đoan Trang vừa hoàn thành cùng với Will Nguyen là giọt nước làm tràn ly? Và họ sợ rằng ngoài 64 dân biểu Âu châu gửi kiến nghị vừa qua sẽ có thêm những dân biểu khác ở Âu châu và trên thế giới lên tiếng nữa chăng? Và sau khi đã đạt được các hiệp định Hiệp thương CPTPP, EVFTA, họ muốn cho thế giới tự do biết rằng họ bất chấp áp lực từ hai hiệp thương này?
Hậu quả, hệ quả có thể có là gì?
Về hệ quả, hệ lụy thậm chí là hậu quả nếu có của vụ bắt giữ, truy tố nhà hoạt động, các ý kiến nhân dịp này bày tỏ quan điểm với BBC.
“Tôi thấy vẫn tương tự như các vụ bắt giữ, xét xử những nhân vật tiếng tăm trong giới tranh đấu cho dân chủ, vụ việc này sẽ khuấy động đáng kể dư luận trong nước và quốc tế, vì bà Phạm Đoan Trang là nhân vật nổi tiếng từ lâu, một người đã dấn thân, hy sinh tuyệt đối cho lý tưởng của mình,” ông Nguyễn Hữu Vinh bình luận.
Ông Trịnh Hữu Long nói: “Áp lực quốc tế đối với vụ bắt giữ, truy tố và có thể gọi luôn là vụ án này, chúng ta có thể kỳ vọng là sẽ rất lớn, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, khu vực, các tổ chức chính phủ nước ngoài, Liên Hợp quốc v.v… sẽ có thể lên án rất kịch liệt.”
“Bởi vì như đã nói, Đoan Trang không phải là một nhà hoạt động thông thường, cô là một nhà hoạt động rất nổi bật và được cộng đồng quốc tế biết đến rất nhiều. Vì thế, áp lực quốc tế theo tôi chắc chắn sẽ lớn.
“Tuy nhiên nó sẽ lớn giống như là vụ Lê Công Định hay là vụ Cù Huy Hà Vũ, chứ nó cũng khó mà lớn hơn và khó làm xoay chuyển được tình thế. Hậu quả về mặt quốc tế đối với chính phủ Việt Nam hiện nay ít, vì họ không còn hay không có trong tay một vụ đàm phán Hiệp định Thương mại nào với các chính phủ nước ngoài nữa.
“Cho nên thiệt hại kinh tế cho chính phủ Việt Nam tôi chưa thấy gì, song thiệt hại lớn mà họ có thể gánh chịu mà tôi thấy là việc bắt một Đoan Trang sẽ sinh ra rất nhiều Đoan Trang khác, vì việc bắt giữ cô chắc chắn sẽ tác động đến tâm lý của nhiều người đã theo dõi và ủng hộ Đoan Trang từ xưa đến nay và chắc chắn cũng sẽ giúp cho nhiều người mới biết đến cô và nguồn cảm ứng từ cô hơn.”
Ông Nguyễn Quang A nêu quan điểm:
“Chắc chắn vụ bắt giữ Đoan Trang sẽ tạo ra những hệ quả nghiêm trọng vì nó bót nghẹt các tiếng nói khác biệt tức là nó cản trở sự phát triển của đất nước; nó cũng có thể gây ra nhiều sự phản kháng từ các tổ chức quốc tế; nó gây ra sự phẫn uất trong dư luận trong nước; nó cho thấy chỉ những kẻ yếu mới viện đến những biện pháp đàn áp thô bạo như thế với công dân của mình; chính quyền tưởng bắt Phạm Đoan Trang sẽ làm nhụt chí những người khác, họ lầm to vì tôi cũng thấy những sự đàn áp như vậy chỉ khiến nhiều người quyết tâm hơn hay nhiều người nhìn thấy sự vô pháp của chính quyền và như thế thực sự hại cho chính quyền.”
Bà Tường An nói:
“Phạm Đoan Trang là một người hoạt động nổi tiếng, tên tuổi cô được các tổ chức Nhân quyền và các chính trị gia trên thế giới biết đến. Cô cũng đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế. Tôi tin chắc rằng, ngoài những người Việt đấu tranh ở trong cũng như ngoài Việt Nam, chắc chắc các tổ chức nhân quyền và các cơ quan quốc tế, các dân biểu, nghị sĩ sẽ lên tiếng, và lên tiếng mạnh mẽ.
“Tôi rất hy vọng sự việc này sẽ thêm một bằng chứng nữa để thế giới thấy rằng: nhà nước CSVN luôn luôn hứa hẹn những điều tốt đẹp, nhưng khi đã đạt được mục tiêu thì họ có thể phủ nhận hết tất cả những gì họ đã hứa hẹn. Việc bắt giữ cô Phạm Đoan Trang cũng như những tù nhân lương tâm khác cho thấy điều mà EU tin rằng : “Phê chuẩn EVFTA là để thúc đẩy nhân quyền tại Việt Nam ” chỉ là một ảo tưởng.
Hôm 07/10 nhiều báo chính thống từ Việt Nam đưa tin vụ bắt giữ bà Phạm Đoan Trang, trong đó trang mạng hay Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an Việt Nam cho hay nhà hoạt động bị bắt với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
“Ngày 07/10/2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội đã chủ trì phối hợp với một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an Thành phố Hồ Chí Minh thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét khẩn cấp đối với bị can Phạm Thị Đoan Trang tại địa chỉ phòng 6 – lầu 1 – 372/36 đường Cách mạng tháng Tám, phường 10, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Bộ Công an Việt Nam cho biết.
“Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Phạm Thị Đoan Trang (sinh ngày 27/5/1978; hộ khẩu thường trú: phường Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội; hiện ở: phòng 6 – lầu 1 – 372/36 đường Cách mạng tháng Tám, phường 10, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) về tội: Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999 và Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015.
“Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã ra Quyết định phê chuẩn các Quyết định của Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội đối với bị can Phạm Thị Đoan Trang. Hiện Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội đang tiếp tục điều tra theo đúng quy định của pháp luật,” vẫn theo Bộ Công an Việt Nam.
Nguồn: BBC
Không ai có thể chống Nhà nước!
8-10-2020
Thế mà ĐOAN TRANG BỊ BẮT vì tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Vì thế Phạm Đoan Trang VÔ TỘI và phải trả lại tự do ngay cho cô!
Việc bắt Phạm Đoan Trang là một sự đàn áp trắng trợn chống lại những tiếng nói khác với ý của ĐCSVN, chống lại những quyền tự do báo chí, xuất bản và biểu đạt đã được Việt Nam cam kết tôn trọng trong luật quốc tế (Công ước về các quyền dân sự và chính trị-ICCPR, mà Việt Nam đã tham gia từ đầu những năm 1980) và cũng được ghi trong Hiến Pháp Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, và như thế, CHÍNH QUYỀN VIỆT NAM phải có NGHĨA VỤ phải tôn trọng các quyền đó của mọi công dân.
Xét về mặt nguyên tắc, chẳng ai có thể chống lại một nhà nước cả vì NHÀ NƯỚC gồm lãnh thổ, dân cư, bộ máy nhà nước và các dự án nhà nước. Cho nên tội chống nhà nước là vô nghĩa.
Nhưng ai cũng có quyền chống một chính quyền (tức là những người con người cụ thể làm các chức năng cụ thể trong các bộ máy nhà nước) khi chính quyền ấy làm bậy (chính ông Hồ Chí Minh đã kêu gọi nhân dân đuổi chính phủ nếu chính phủ làm không tốt việc phục vụ dân).
Đáng tiếc ĐCSVN đánh đồng chính quyền với nhà nước và tạo ra các điều luật hay các tội danh mù mờ để họ có thể diễn giải việc bắt bất cứ ai làm những điều hợp hiến, hợp luật quốc tế như Phạm Đoan Trang đã làm và bắt bớ, bỏ tù những người người như vậy.
Phải đấu tranh để đòi ĐCSVN thực hiện đúng luật quốc tế, đúng Hiến pháp mà chính nó tạo ra. Tức là xoá bỏ các điều luật VI HIẾN, VI PHẠM LUẬT QUỐC TẾ MÀ CHÍNH QUYỀN VIỆT NAM CÓ NGHĨA VỤ THI HÀNH khỏi các luật hiện hành, đòi sửa luật bầu cử để có bầu cử định kỳ, công bằng, minh bạch (tức là ai cũng có quyền ứng cử, xoá bỏ các thủ tục “hiệp thương” của ĐCSVN để loại những người ứng cử, có giám sát độc lập về bỏ phiếu, kiểm phiếu, có uỷ ban bầu cử độc lập) thì mới tránh được việc ĐCSVN lạm dụng việc luật hoá các chính sách vi hiến, vi phạm luật pháp quốc tế của nó để bắt bất kể ai nó thích bắt.
Nguồn: Tiếng Dân
Báo chí thế giới lên tiếng vụ Phạm Đoan Trang bị bắt
Hàng loạt bài báo bằng nhiều thứ tiếng, từ nhiều hãng tin trên khắp thế giới, đồng loạt đưa tin, phân tích vụ việc nhà báo bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang bị bắt giữ hôm 7/10 và bị cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’.
Với cáo buộc này, bà Phạm Đoạn Trang có thể đối diện mức án cao nhất 20 năm tù.
Hôm 07/10, BBC News đăng bài viết với tiêu đề “Phạm Đoan Trang: Việt Nam bắt giữ blogger ủng hộ dân chủ nổi tiếng”, trong đó có đoạn:
“Việt Nam vừa bắt giữ một nhà văn và blogger bất đồng chính kiến nổi tiếng chỉ vài giờ sau khi hội đàm với Hoa Kỳ về nhân quyền.”
“Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trên website của mình rằng Đối thoại Nhân quyền Việt Nam-Hoa Kỳ lần thứ 24 được tổ chức trong ba giờ vào ngày 6/10 và “giải quyết một loạt các vấn đề nhân quyền”.
“Việc thúc đẩy quyền con người và các quyền tự do cơ bản vẫn là một trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và là chìa khóa để xây dựng vững chắc hơn nữa quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ.”
Đồng loạt lên tiếng
Cùng ngày, The Guardian của Anh Quốc có bài viết với tiêu đề: “Việt Nam bắt giữ nhà báo nổi tiếng khi nhà nước đàn áp quyền tự do ngôn luận trực tuyến”.
Viết rằng Phạm Đoan Trang là tác giả của nhiều cuốn sách có tác phẩm về nhiều chủ đề, từ quyền của phụ nữ, LGBT đến môi trường, các hoạt động chiến dịch và quyền đất đai, bài báo nêu nhận định của giới phân tích:
“Việc bắt giữ bà Trang là một phần của chiến dịch đàn áp các nhà hoạt động trước thềm đại hội toàn quốc của Việt Nam vào tháng Giêng, trong khi Facebook đang đối mặt với những lời chỉ trích vì ngày càng đồng lõa trong việc đàn áp tự do ngôn luận.”
Hãng tin Anh Reuters đưa tin “Việt Nam bắt giữ nhà hoạt động vài giờ sau cuộc họp nhân quyền với Mỹ”. Bản tin viết:
“Các nguồn tin và các nhóm nhân quyền quốc tế cho biết Việt Nam đã bắt giữ một blogger và một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng vì “các hoạt động chống nhà nước” vài giờ sau khi chính phủ nước này tổ chức các cuộc đàm phán thường niên về nhân quyền với Hoa Kỳ…
Trang Bloomberg cũng trích tuyên bố của ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), cho biết vụ bắt giữ diễn ra vài giờ sau cuộc đối thoại nhân quyền thường niên giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
“Trang blog của Đoan Trang, đề cập đến các chủ đề nhạy cảm về chính trị, bao gồm mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc và những căng thẳng về yêu sách chủ quyền biển đảo”, Robertson nói. Theo Robertson, cảnh sát đã bắt giữ Trang vào tháng 5 năm 2016 khi cô đi gặp Tổng thống Barack Obama, người đã mời cô tham dự một cuộc họp mặt của các nhà hoạt động với ông trong chuyến thăm Hà Nội.
Hãng tin Aljazeera cũng đưa tin về vụ bắt giữ Phạm Đoan Trang. Tờ này khắc họa bà là một người nổi tiếng với hoạt động thực địa tích cực, tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ những người bất đồng chính kiến bị cầm tù, biểu tình về môi trường và phản ứng lại các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Trang đã nằm trong tầm ngắm của lực lượng an ninh hơn 10 năm và đã bị giam giữ và quấy rối nhiều lần, bao gồm cả lần bà đang trên đường đến cuộc gặp với Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Barack Obama vào năm 2016, và một năm sau đó, khi bà tiếp xúc với một phái đoàn của Liên minh châu Âu trong một chuyến tìm hiểu thực tế trước cuộc đối thoại nhân quyền hàng năm với Việt Nam”, tờ này viết.
The Book Seller đưa tin rằng bà Phạm Đoạn Trang dự kiến sẽ phát biểu trong một phiên họp chung do tổ chức IPA trình bày tại Hội chợ Sách Frankfurt và đoạn video phát biểu của bà sẽ được phát sóng theo kế hoạch vào ngày 15/10.
Trong bài viết có tiêu đề “Người đoạt giải Prix Voltaire Phạm Đoan Trang bị bắt tại Việt Nam”, The Book Seller trích lời Kristenn Einarsson, chủ tịch ủy ban Tự do Xuất bản của IPA, nói: “Đây là một tin khủng khiếp nhưng cũng đáng buồn thay, có thể dự đoán trước được. Phạm Đoan Trang và Nhà xuất bản Tự do đã phải hoạt động chui lủi trong nhiều năm. Công việc và lòng dũng cảm của bà Trang là nguồn cảm hứng cho tất cả các nhà xuất bản, và cộng đồng xuất bản quốc tế phải ủng hộ bà ấy và đấu tranh cho tự do xuất bản thực sự ở Việt Nam.”
Juergen Boos, chủ tịch của Frankfurter Buchmesse, cho biết: “Chúng tôi rất lo ngại về việc Phạm Đoan Trang bị bắt, ngay trước khi bắt đầu hội chợ sách lớn nhất thế giới, nơi tôn vinh quyền tự do ngôn luận. Chúng tôi rất vui vì cộng đồng xuất bản quốc tế sẽ được lắng nghe Phạm Đoan Trang trong video đã ghi hình trước tại phiên tọa đàm về chủ đề ‘Xuất bản du kích và hỗ trợ quốc tế’. “
Trang Theshiftnews trích lời ông Daniel Bastard, Trưởng ban Châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSW) – nơi trao cho Phạm Đoan Trang giải Tự do Báo chí hạng mục Ảnh hưởng năm 2019: “Vụ bắt giữ Phạm Đoan Trang là giai đoạn mới nhất trong việc theo đuổi chính sách đàn áp ngày càng gia tăng của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay”.
“Tội duy nhất của cô ấy là đã cung cấp cho đồng bào của mình thông tin độc lập và giúp họ thực hiện đầy đủ các quyền của mình theo hiến pháp Việt Nam. Nơi ở của cô ấy không phải là nhà tù. Cô ấy phải được thả ngay lập tức”.
Đại diện RSW cũng cho hay lần tiếp xúc với Phạm Đoan Trang gần đây nhất là khi bà nhập viện để điều trị vết thương ở chân được cho là do cảnh sát gây ra sau khi bắt giữ bà vào năm 2018.
Shawn Crispin, đại diện khu vực Đông Nam Á của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), phát biểu trong một bài viết đăng trên website của tổ chức này: “Chính quyền Việt Nam cần lập tức thả Phạm Đoan Trang và bãi bỏ mọi cáo buộc đối với bà. Đồng thời chấm dứt chiến dịch đàn áp bà kéo dài hàng thập kỷ qua. Việt Nam cần chấm dứt đối xử với các nhà báo độc lập như với các tội phạm.”
Việt Nam thường nằm gần cuối bảng xếp hạng của RSW về tự do báo chí, và hiện đang đứng vị trí 174/180 quốc gia.
‘Tăng đàn áp tự do ngôn luận’
Nhân vụ bắt Phạm Đoan Trang, bà Yu Hah từ Tổ chức Ân xá Quốc tế nói với The Guardian rằng quyết định của Facebook về việc tuân theo các yêu cầu kiểm duyệt của nhà chức trách Việt Nam vào đầu năm nay “khiến họ đồng lõa với việc đàn áp tự do ngôn luận một cách khắc nghiệt của đất nước”.
“Chúng tôi đã ghi nhận sự gia tăng liên tục trong việc kiểm duyệt các bình luận hợp pháp về các vấn đề xã hội và chính trị trên nền tảng này kể từ năm 2018, với sự gia tăng đặc biệt mạnh mẽ vào năm 2020,”
“Chỉ đơn thuần chia sẻ thông tin về nhiều vấn đề nhân quyền nghiêm trọng của Việt Nam, từ tranh chấp đất đai đến án tử hình, nay đã trở thành những việc thường xuyên bị kiểm duyệt tùy tiện trên Facebook,” bà Yu Hah nói.
The Guardian nhắc lại rằng vào tháng 3/2020, một báo cáo của Reuters đã tiết lộ cách Facebook đối mặt với áp lực dữ dội từ chính phủ Việt Nam. Các công ty viễn thông do nhà nước điều hành đã tắt các máy chủ đặt tại Việt Nam của Facebook. Việc này làm chậm lưu lượng truy cập cục bộ trên Facebook.
Do đó, Facebook bắt đầu thực hiện kiểm duyệt nội dung bị coi là “chống nhà nước” ở Việt Nam, bao gồm cả những nội dung do các nhà hoạt động như Phạm Đoan Trang đăng tải.
Facebook nhấn mạnh rằng các bài đăng không bị xóa mà là “bị chặn theo địa lý”, có nghĩa là người dùng có địa chỉ IP Việt Nam không thể nhìn thấy chúng, nhưng vẫn hiển thị với người dùng ở nước ngoài.
Nhưng bài báo trên The Guardian cho rằng tính năng chặn địa lý không chỉ ảnh hưởng đến các bài đăng quan trọng mà còn ảnh hưởng đến tài khoản cá nhân.
Ví dụ được đưa là ra trường hợp Bùi Văn Thuận, một người dùng Facebook Việt Nam có hàng chục nghìn người theo dõi. Vào ngày 8/1, sau khi Thuận đăng nội dung chỉ trích chính phủ, ông nhận được thông báo từ Facebook rằng “do yêu cầu pháp lý” ở Việt Nam, tài khoản của ông sẽ bị “hạn chế quyền truy cập”.
Trong những tuần trước cuộc trao đổi với The Guardian, Thuận đã công khai viết trên Facebook về cuộc xung đột quyền lợi đất đai ở Đồng Tâm. Cụ thể hơn, ông dự đoán một cuộc đàn áp sắp xảy ra. Hai ngày sau, khoảng 3.000 cảnh sát đột kích vào làng Đồng Tâm vào lúc rạng sáng và trong vụ đụng độ với dân làng, ba cảnh sát và ông Lê Đình Kình – thủ lĩnh tinh thần của làng – thiệt mạng.
Chỉ tám tháng sau vụ đụng độ, phiên tòa xét xử vụ giết người đã đưa phán quyết. Hai anh em, con trai ông Lê Đình Kình bị kết án tử hình. Tài khoản Facebook của Thuận vẫn bị hạn chế suốt thời gian qua và chỉ được mở khóa vài ngày sau khi phiên tòa kết thúc.
Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales Canberra, chuyên gia về Đông Nam Á, nói với The Guardian rằng kể từ khi Việt Nam bắt đầu thực hiện Luật an ninh mạng vào năm 2019 đã có “sự gia tăng rõ rệt việc bắt giữ và xét xử những người Việt Nam bày tỏ quan điểm của mình về một số vấn đề xã hội, đặc biệt là tham nhũng và môi trường, trên mạng xã hội “.
“Hầu hết các vụ bắt giữ đều gián tiếp liên quan đến đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam toàn quốc sắp tới [vào tháng Giêng]”, The Guardian trích lời GS Carl Thayer.
“Nói cách khác,” ông Carl Thayer nói, “các vụ bắt giữ là một phần của quá trình tiếp tục dập tắt những bất đồng về các vấn đề xã hội nhạy cảm và ngăn chặn những người khác làm theo. Có khả năng số vụ bắt giữ sẽ tăng đột biến trong những tháng tới khi đại hội đến gần”.
Nguồn: Tiếng Dân
Phạm Đoan Trang mà tôi biết, mơ mộng và bướng bỉnh
Jackhammer Nguyễn
8-10-2020
Khuya ngày 6/10/2020, cô Phạm Đoan Trang bị bắt. Quả thật là tôi không ngạc nhiên và tôi nghĩ rằng Phạm Đoan Trang cũng không ngạc nhiên, một kết cục tất yếu của phong trào đối kháng Việt Nam đi vào tàn tạ, giữa một không khí quốc tế vô cùng bất lợi. Vụ bắt giữ diễn ra ngay sau khi đối thoại nhân quyền Việt Mỹ thường niên kết thúc.
Những dòng tôi sắp viết sau đây không phải để phân tích diễn biến thời cuộc của một người quan sát bàng quan, giống như những bài tôi viết gần đây về Việt Nam, mà là tôi muốn qua Phạm Đoan Trang, nhìn thấy một thế hệ cùng thời với cô, trong một nước Việt Nam đang vất vả trên con đường dân chủ hóa.
Đoan Trang được vào Đại học Ngoại thương, một nơi danh giá thời hậu cộng sản, tiền tư bản. Với mảnh bằng đó, với thân thế lý lịch “sạch”, cô hoàn toàn có thể bước vào một cuộc sống của giới trung lưu mới của xã hội Việt Nam, với cơ man nào là công ty nhà nước có, tư nhân có, nước ngoài có, đang sôi nổi làm ăn.
Mà ngay cả với con đường báo chí mà cô chọn, cô cũng có thể ung dung có được một cuộc sống sung túc, một chiếc ghế thư ký tòa soạn, phó tổng biên tập, thậm chí tổng biên tập của một tờ báo nào đó, đường hoàng có thể có hàng chục lô đất đắt địa, chạy xe Land Rover như bao anh em bạn bè đồng nghiệp khác.
Ở thế hệ của Đoan Trang và trước đó một chút là thế hệ của chúng tôi, chúng tôi được giảng dạy về những lý tưởng mà học thuyết cộng sản vẽ ra. Những người giảng bài cũng có thể là rất thành thật, và những học trò chúng tôi cũng thành thật mà tin.
Ngay những ngày đầu tiên Đoan Trang thực hiện những phóng sự trong tư cách phóng viên báo chí nhà nước, một sự thật được phơi bày hoàn toàn khác. Đứng trước sự thật như vậy, một số ít sẽ “làm theo” sự thật đó, tìm kiếm con đường nhung lụa và sung túc, cúi đầu trước quyền lực và nhũng lạm của chế độ để cầu vinh.
Một số đông hơn sẽ yên lặng rút về những khoảng không gian mà chế độ còn cho phép, không còn lý tưởng nửa, nhưng sống an bình, sống cầu an. Những người này có thể đôi khi cũng bực tức trước sự nhũng lạm, nhưng rồi tự nhủ: mình làm gì được?!
Đoan Trang thuộc thành phần hiếm hoi nhất, vẫn tin ở những điều lý tưởng của con người và muốn thực hiện chúng, bằng sự phản kháng bướng bỉnh.
Tiếp xúc với xã hội mở phương Tây, một phát hiện làm cho nhà hoạt động phản kháng trẻ tuổi chấn động, đó là ý nghĩa của từ Chính Trị, ở cái nghĩa cốt lỏi của nó, là tất cả những gì liên quan đến cuộc sống hàng ngày của con người.
Phát hiện đó dẫn đến việc cô thực hiện quyển sách Chính trị bình dân, với ý tưởng làm cho dân chúng Việt Nam hiểu được những quyền cơ bản của mình mà đòi lấy, hiểu được rằng chính trị không phải là điều gì xa xôi mà chính là cuộc sống chung quanh, chứ không phải là những vùng cấm chỉ dành cho chi bộ đảng.
Tôi cho rằng nước Việt Nam dân chủ trong tương lai phải ghi nhận Chính trị bình dân là một cột mốc quan trọng.
Với tư chất thông minh, Đoan Trang cũng thận trọng bước đi trong sự hỗn độn vô cùng phức tạp của “phong trào đối kháng”, với những âm mưu, những mục đích khác nhau một trời một vực, của những con người thoạt nhìn đều là những “thành phần phản động” chống nhà nước cộng sản. Cô chủ trương đoàn kết, cho rằng ít nhất họ cũng chống cộng sản. Tính “đúng đắn chính trị” lý tưởng này đôi khi làm cho Đoan Trang phải trả giá đắt, khi những người tưởng đâu cứng rắn nhưng chưa đánh đã khai, những người lẳng lặng giấu “tiền cách mạng” ở chỗ nào không rõ, những người đối kháng chỉ để lấy tiếng ở nước ngoài,…
Với tính cách lý tưởng cô cũng bất ngờ khi những gã dân túy lên cầm quyền khắp nơi trong thế giới phương Tây, dẫn tới việc lộ rõ những kẻ “tiêu chuẩn kép” trong phong trào đối kháng Việt Nam. Lần nói chuyện cuối cùng qua điện thoại với Đoan Trang cách đây hai năm, tôi nghe thấy sự thảng thốt và mệt mỏi của cô khi chứng kiến những gương mặt đó dần lộ rõ.
Giải thích về hành động từ chối ở lại Mỹ mà trở về nước của Phạm Đoan Trang, một người có tham gia vào những phong trào chống cộng sản tại hải ngoại nói với tôi rằng Đoan Trang về nước vì ở lại hải ngoại sẽ chẳng là cái gì cả.
Tôi không đồng ý với anh ta. Đoan Trang về lại Việt Nam vì cô là con người mơ mộng và… bướng bỉnh.
Nguồn: Tiếng Dân