Seite auswählen
Luật sư Đoàn Thanh Liêm (1934 - 2018)BÙI VĂN PHÚ

 

 

Luật sư Đoàn Thanh Liêm (1934 – 2018)

Nhà báo Bùi Văn Phú ở San Jose viết về Luật sư Đoàn Thanh Liêm vừa qua đời ngày 9/6 tại nhà riêng ở Costa Mesa, California.

Quan tâm về nhân quyền Việt Nam nên đầu năm 1990 tôi biết đến tên của luật sư Đoàn Thanh Liêm, khi ông bị nhà nước cộng sản Việt Nam bắt giam cùng nhiều người khác. Nguyên do, theo báo cáo của tổ chức Ân xá Quốc tế là vì ông bày tỏ quan điểm chính trị qua một tài liệu được chuyền tay cho một số người thân quen để tham khảo.

Tài liệu vắn tắt có tên là “Năm điểm thỏa thuận căn bản” do ông soạn, trong đó kêu gọi tự do tín ngưỡng; xây dựng xã hội trên nền tảng đa chủng, đa văn hóa; với hệ thống chính trị và pháp luật được xây dựng theo những nguyên tắc của Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.

Điều 4 của bản thỏa thuận ghi: “Vai trò chính yếu của Nhà nước là làm trọng tài nhằm bảo vệ công bằng xã hội và trật tự công cộng. Do đó Nhà nước không thể vừa làm trọng tài vừa làm một bên đương sự (vừa cầm còi vừa đá bóng). Riêng trong lãnh vực kinh tế, hệ thống quốc doanh phải được giảm đến mức tối thiểu.”

Vào thời điểm đó, khi các chính quyền cộng sản ở các nước Đông Âu trên đà sụp đổ, tại Việt Nam cũng đã có những kêu gọi mà bản thỏa thuận do luật sư Liêm soạn là một trong những tiếng nói để đem lại tự do, nhân quyền cho đất nước.

Tuy nhiên, nhiều người nêu quan điểm chính trị của mình đều đã bị thanh trừng, bắt giam, xử tù hay bị quản chế.

Vào thời điểm đó, đầu thập niên 1990, ngoài luật sư Đoàn Thanh Liêm bị bắt còn có ông Trần Xuân Bách bị loại khỏi Bộ Chính trị, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, giáo sư Đoàn Viết Hoạt, linh mục Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan; các thành viên Câu lạc bộ Truyền thống Kháng chiến với Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Hồ Trung Hiếu là những người bất đồng chính kiến đã bị bắt giam hay quản chế.

Luật sư Liêm bị bắt ở Đà Nẵng khi đang đi cùng với Mike Morrow, một doanh gia người Mỹ đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư xây dựng một khách sạn. Trong giao thương này, luật sư Liêm làm tham vấn cho phía Việt Nam vì ông là cố vấn cho công ty du lịch Quảng Nam Đà Nẵng. Cùng bị bắt còn có chuyên gia kinh tế Đỗ Ngọc Long là một người bạn, trước năm 1975 hai người đã cùng với Dick Hughes khởi xướng và điều hành những chương trình giúp đỡ trẻ em mồ côi đi đánh giầy kiếm sống, lo cho các em có nơi ăn chốn ở.

Trước viễn cảnh chủ nghĩa cộng sản tan rã ở Đông Âu và với sự kiện sinh viên Trung Quốc biểu tình ở Thiên An Môn đưa tới tàn sát đẫm máu, nhà nước cộng sản Việt Nam, vừa mở cửa kinh tế được vài năm, lo ngại có một Đông Âu hay Thiên An Môn trên đất nước mình nên an ninh đã được xiết lại, các mầm mống tư tưởng dân chủ đều bị dập tắt ngay và những ai có nhiều tiếp xúc, quan hệ với người Mỹ bị trấn áp.

Tháng 5/1992 luật sư Liêm bị đem ra tòa ở TP Hồ Chí Minh, chủ tọa là chánh án Lê Thúc Anh, xử vội vã trong vòng hai tiếng đồng hồ rồi kết án ông 12 năm tù với tội “tuyên truyền chống chủ nghĩa xã hội”.

Chính giới Mỹ rất quan tâm đến trường hợp của luật sư Liêm nên nhiều người đã lên tiếng, từ Đệ Nhất Phu nhân Hillary Clinton đến các Thượng Nghị sĩ John Kerry, John McCain.

Ngay cả những trí thức, văn nghệ sĩ trước đây có khuynh hướng thiên tả, bênh Hà Nội, cũng đã cùng ký tên vào một thỉnh nguyện thư gửi lãnh đạo Hà Nội yêu cầu trả tự do cho luật sư Liêm, trong đó có chữ ký của nữ diễn viên Jane Fonda, giáo sư Noam Chomsky, nam diễn viên Ed Asner, đạo diễn Oliver Stone.

Vận động tích cực nhất cho sự tự do của tù nhân lương tâm Đoàn Thanh Liêm là ông Dick Hughes, người bạn đồng hành của luật sư trong các chương trình từ thiện xã hội giúp trẻ mồ côi và người nghèo ở miền nam Việt Nam trước đây.

Trước sự lên tiếng của nhiều người và với áp lực từ các chính phủ, đặc biệt là chính giới Mỹ, đầu tháng 2/1996 Hà Nội đã đưa ông từ nhà tù ở Hàm Tân ra thẳng phi trường Tân Sơn Nhất và trục xuất ông cùng gia đình qua Hoa Kỳ.

Đầu năm 1997 tôi có dịp gặp và thực hiện một cuộc phỏng vấn với luật sư Đoàn Thanh Liêm để biết thêm về đời sống lao tù ở Việt Nam, về các tù nhân lương tâm, những vi phạm nhân quyền của cộng sản Việt Nam và tình hình chính trị ở quê nhà.

Khi đó tôi biết thêm về những hoạt động xã hội, phát triển khu dân nghèo mà ông đã thực hiện, như chương trình phát triển Quận 8 Sài Gòn.

Qua nói chuyện với luật sư Liêm tôi biết có một liên hệ rất gần gũi, là con đường trước của nhà tôi, qua một dự án cộng đồng được đổ bê-tông vào khoảng năm 1970 là cũng có sự vận động của ông để có ngân khoản, cùng với đóng góp một phần tài chánh và công sức của cư dân. Con đường Đại Nghĩa ở ấp Lộc Hoà, xã Tân Sơn Hoà, quận Tân Bình đã trở nên một con đường tốt, bền bỉ và còn tồn tại nhiều chục năm sau đó.

Từ ngày đến Hoa Kỳ, luật sư Liêm tích cực tham gia vào Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và tiếp tục sinh hoạt với tổ chức Ân xá Quốc tế để vận động cho tù nhân lương tâm được tự do, cùng giúp cho những tổ chức nhân quyền quốc tế nắm bắt được tình hình nhân quyền tại Việt Nam một cách chính xác..

LS Đoàn Thanh LiêmLS Đoàn Thanh Liêm

 

Ông cũng đã có nhiều bài viết khuyến khích giới trẻ Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, dấn thân vào các hoạt động xã hội để đem lại thay đổi cho môi trường đang sống tại địa phương, cũng như đóng góp cho phát triển của quốc gia.

Luật sư Đoàn Thanh Liêm qua đời hôm 9/6/2018 tại thành phố Costa Mesa, California.

Sinh năm 1934 tại làng Cát Xuyên, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, ông đã được hấp thụ giáo dục qua các trường Hồ Ngọc Cẩn ở Trung Linh, Chu Văn An ở Hà Nội và tốt nghiệp Đại học Luật khoa Sài Gòn năm 1958.

Ông chuyên ngành luật hiến pháp và đã có thời gian tu nghiệp, thực tập tại Quốc hội Hoa Kỳ.

Thời Đệ Nhất Cộng hoà, ông làm việc với tính cách chuyên viên, giúp soạn thảo các văn kiện luật pháp cho quốc hội. Ông nhập ngũ năm 1962 sau đó được biệt phái về làm việc tại Nha Pháp chế Tố tụng của Bộ Quốc phòng.

Ông cũng là luật sư của tòa Sài Gòn và có nhiều hoạt động cố vấn pháp luật, biện hộ miễn phí cho dân nghèo.

Sau tháng 4/1975 ông ở lại và có tham gia với Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Luật pháp.

Nhìn lại thời gian này, trong phỏng vấn đầu năm 1997, luật sư Liêm cho biết: “Đầu năm 1976 tôi là một trong những người tham gia để góp ý vào bản dự thảo hiến pháp mới cho nước Việt Nam thống nhất cùng với một số các luật sư, luật gia khác ở miền Nam. Tôi đã cố gắng đưa ra những quan điểm tiến bộ nhất trong dự thảo đó ngay từ 1976, đưa qua ông Trương Như Tảng [Bộ trưởng tư pháp thời bấy giờ, sau này cũng đã vượt biển]. Nhưng đến năm 1980, khi Nhà nước đưa ra dự thảo để tham khảo thì tôi thấy không có một nét nào trong những đề xuất của chúng tôi từ năm 1976. Tôi thấy thế là thất vọng.”

Luật sư Đoàn Thanh Liêm là người Thiên Chúa giáo, với tên thánh Gioan Baotixita. Nguyện xin cho linh hồn người quá cố được lên Thiên Đàng. Xin chia buồn cùng tang quyến.

Tác giả là một trong những sáng lập viên của Hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học Berkeley năm 1979. Ông hiện dạy đại học cộng đồng và là cây bút tự do

Nguồn: BBC

NGƯỜI Ở LẠI SÀI GÒN

 

Tưởng nhớ  Luật sư Đoàn Thanh Liêm, người suốt đời hoạt động tích cực
phụng sự cho quê hương  Việt Nam. ( Mất ngày 09.06. 2018 – thọ 84 tuổi ) 

Trực Đoàn

Cuối tháng Tư 1975, nhiều sư đoàn Bắc quân vây quanh Sài Gòn. Thủ đô Nam phần đang trên đà thất thủ.

Đùng!… Đoàng!… Đùng!… Tiếng đại bác khô khốc nổ rung chuyển nhà cửa.

“Việt Cộng pháo kích. Xuống nhà mau!” ông ngoại thét vang trong đêm khuya.

Cả nhà hoảng loạn chạy xuống tầng trệt.

“Mẹ ơi, con mất dép rồi!” tôi la hoảng khi chạy xuống thang. Ở tuổi lên bốn, tôi sợ dơ chân hơn sợ đại bác.

“Cho con đi Mỹ với bác Thụy,” tôi nài nỉ mẹ để theo bác Nguyễn Ngọc Thụy, người anh trai của mẹ. Lúc ấy, tôi sợ Việt cộng (VC) vì lời dọa của chị tôi, “VC vô sẽ cắt chân, cắt tay của bé.”

“Ở nhà, không đi đâu hết!” mẹ nói giọng quyết đoán.

Cả nhà tôi ở lại Sài Gòn vì bố quyết định như vậy.

“Vì theo dõi tình hình lẫn có nhiều mối quan hệ quốc tế, bố biết trước miền Nam sẽ sụp đổ,” bố trả lời khi tôi hỏi về sự kiện năm 1975. Hiệp định Paris 1973 là dấu hiệu cho thấy Mỹ bỏ miền Nam. Việc sở của bố, World Council of Churches (WCC), một tổ chức tôn giáo từ thiện, rút khỏi Việt Nam cuối năm 1974 là dấu hiệu báo trước sự sụp đổ của chính phủ Sài Gòn.

Tổ chức WCC có đề nghị một việc làm tại trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ, nhưng bố từ chối. Ông Nguyễn Văn Cảnh, người bạn cùng làm WCC, trước khi đi Thụy Sĩ đã gửi bố bức thiệp ghi:

Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi, khó vì lòng người ngại núi e sông.

“Ở đời, dù các con có chọn con đường nào đi nữa, thì cũng sẽ gặp khó khăn,” bố giảng giải khi chúng tôi hỏi về ý nghĩa của câu thơ kể trên sau năm 1975.” Nhưng khó khăn nhất là vượt qua chính mình.”

Di cư vào Nam năm 1954, lúc 20 tuổi, bố tôi đủ trí khôn để nhận ra bản chất của người Cộng sản. Hơn nữa, cái chết của ông nội trong trại tù Đầm Đùm, Thanh Hóa của Việt Minh luôn nhắc nhở bố. Việc ở lại Việt Nam là quyết định sau khi suy nghĩ chín chắn và chấp nhận mọi hiểm nguy cho mình và gia đình.

Buổi giao thời, Sài Gòn hỗn loạn. Trong lúc nhiều người vội vã tìm đường di tản, bố bình thản quan sát thời cuộc.

Bên thắng cuộc không phí thời gian ra tay chứng tỏ quyền lực “chuyên chính vô sản” của mình: cải tạo, tiêu diệt văn hóa, đánh tư sản, kinh tế mới… Hệ quả là Sài Gòn tan tác.

Trong cơn say chiến thắng, ông Lê Duẫn, Tổng bí thư, mộng mơ vượt Nhật Bản thành cường quốc, nhưng vẫn không quên ra tay “cải tạo” các thành phần quân nhân, công chức, trí thức, văn nghệ sĩ, và tất cả nhưng ai bị tình nghi phản cách mạng. Các đợt bắt bớ xảy ra khắp miền Nam.

“Chú Thanh bị bắt rồi!” mẹ tôi hốt hoảng kể về chuyện người em rể Trần Ngọc Thanh tức nhà báo Sao Biển bị công an khám nhà bắt đi. Chú Thanh xộ khám, vợ bệnh sau khi sanh. Vậy là mẹ tôi đem em Trần Bình Minh về nuôi. Cả nhà tôi dỗ dành em Minh, 2 tháng tuổi, khóc cả đêm vì lạ nhà, nhớ hơi cha mẹ.

“Anh nên tìm đường đi ngay,” ông Nguyễn Xuân Hậu, sĩ quan bộ đội, chồng của người bạn thân của mẹ, kín đáo nói với mẹ. “Trước sau gì họ cũng bắt anh Liêm.”

“Cậu nên đi,” bác Đoàn Thị Sinh, chị ruột của bố, khuyên nhủ. “Tôi sẵn sàng bán hết gia sản để lo cho cậu vượt biên.”

“Tôi ở lại để chia xẻ đau khổ với bà con,” bố trả lời khi một người thân trong họ hàng hỏi.

Không ai hiểu Cộng sản bằng chính người cộng sản. Lời nói của ông Hậu, người theo Cộng sản năm 13 tuổi, ứng nghiệm sau đó. Bố tôi bị tù vì lên tiếng nói của lương tâm đòi tự do, dân chủ.

“Mình chia xẻ trong lúc nghèo mới đáng quí,” bố kể về việc giúp bạn tù ở trại tù Hàm Tân.

Quà thăm nuôi là sự chắt chiu của gia đình và bạn bè thân hữu. Bố dùng những món quà ân tình này để chia xẻ với những người tù khốn khó.

Được sự vận động của nhiều chính phủ, các tổ chức, cùng cá nhân, đặc biệt là chú Dick Hugh, người bạn thân của bố, chính quyền Hà Nội buộc phải nhân nhượng.

“Xin hỏi ông Liêm có muốn đi Mỹ không?” bà Virginia Foote, Chủ tịch Phòng Thương mại Việt Mỹ, người đứng làm trung gian giữa hai chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam dàn xếp việc thả bố, hỏi bố tôi.

“Phần tranh đấu của bố vậy là đủ. Bố quyết định đi Mỹ,” bố nói tại trại tù Hàm Tân. “Hy vọng, giới trẻ sẽ tiếp tục tranh đấu.”

Qua Mỹ, bố đi khắp thế giới, thuyết giảng tại nhiều trường đại học, gặp nhiều chính trị gia danh tiếng.

“Chỉ là danh ảo,” bố ôn tồn trả lời khi tôi bình luận “bố nổi tiếng quá”.

Thế điều gì là thực danh?

Xây dựng gia đình, xã hội, nước Việt dân chủ, công bằng, thịnh vượng là điều bố tôi theo đuổi suốt cuộc đời.

Trực Đoàn

Nguồn: Tiếng Quê Hương

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen