Seite auswählen

Cát Linh & Đằng Giao/Người Việt

LITTLE SAIGON, California (NV) – Nhiều người Việt xuống đường tại Little Saigon, California, và tại trung tâm Eden Center, thuộc Falls Church, Virginia, sáng Thứ Bảy, 10 Tháng Mười, ủng hộ liên danh Biden-Harris trong cuộc bầu cử tổng thống vào Tháng Mười Một tới đây.

 
Những người Việt và biểu ngữ ủng hộ liên danh Biden-Harris. (Hình: Đằng Giao/Người Việt)

Ngoài ra, còn có một vị dân cử liên bang thuộc đảng Dân Chủ tham gia cuộc xuống đường ở Little Saigon.

Sau đó, những người ủng hộ cựu Phó Tổng Thống Joe Biden và Thượng Nghị Sĩ Kamala Harris, đi bộ dọc theo đại lộ Bolsa, tay cầm cờ Mỹ và cờ VNCH, và những biểu ngữ có chữ “Biden-Harris.”

Dân Biểu Harley Rouda, đại diện Địa Hạt 48, nơi bao gồm vùng Little Saigon, một trong rất ít người Mỹ tham dự cuộc tuần hành, nói: “Tôi hãnh diện đến đây ủng hộ lá phiếu Biden-Harris. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần những người kết hợp chúng ta chứ không phải chia rẽ chúng ta như ông Donald Trump.”

Bà Nguyễn Thị Bền, ở Garden Grove, nói: “Ông Trump đã xúi dục người ta chia bè, chia nhóm trong bốn năm qua. Tôi nghĩ đã đến lúc mọi người phải nhớ đất nước không thể lớn mạnh nếu người dân chống đối nhau.”

 
Dân Biểu Kathy Trần của Hạ Viện Virginia tại cuộc tuần hành ủng hộ Biden-Harris ở trung tâm Eden Center. (Hình: Cát Linh/Người Việt)

Bà Lương Thị Tịnh, ở Westminster, chia sẻ: “Chính sách của ông Biden là nhân đạo trong lúc bảo vệ quyền lợi cho người nghèo chứ không phải bênh vực cho những hãng xưởng lớn hay cho chính gia đình mình như ông Trump.”

Trong khi đó, một nhóm khác, ủng hộ Tổng Thống Trump kéo đến, đả kích ông Joe Biden, gọi ông là “sát nhân vì muốn bỏ rơi đồng minh Việt Nam hồi năm 1975.”

Nhóm ủng hộ Biden lấy biểu ngữ chặn đường, không cho nhóm kia tiến tới nhưng nhóm ủng hộ Trump vẫn cố lớn tiếng. Có người còn mở nhạc thật lớn và cả nhóm cùng hô to: “Four more years. Four more years.”

Cuộc đấu khẩu của hai bên bắt đầu vượt quá khuôn khổ chính trị và nghiêng về chọc tức lẫn nhau. Nhóm ủng hộ Trump gọi nhóm ủng hộ Biden là “bọn hèn nhát, bán nước, vong quốc, Cộng Sản.”

Phần nhiều, nhóm ủng hộ Biden có vẻ hòa nhã hơn nhiều, mặc dù cũng có vài người cãi lại.

 
Ủng hộ viên Biden (trái) cầm bảng che mặt ủng hộ viên Trump tại cuộc tuần hành ở Catinat Plaza. (Hình: Đằng Giao/Người Việt)

Cuộc tranh cãi có lúc trở nên rất căng thẳng nhưng cả hai bên cùng cố kềm chế cơn giận để tránh chuyện ẩu đả.

Ông Harry Phương Nguyễn, ở Santa Ana, một người thuộc nhóm ủng hộ Biden, nói: “Nội chuyện họ tới đây khiêu khích tụi tôi cũng nói lên tư cách của họ rồi. Bao nhiêu lần họ có ‘rally,’ không ai tới phá họ. Vậy mà bữa nay, họ kéo bè kéo lũ nhảy nhót ồn ào như con nít.”

Bà Nancy Thanh Nguyễn, ở Westminster, nói: “Đó, họ kéo nhau đến cố tình phá chúng tôi chứ đâu phải ủng hộ ông Trump đâu.”

Ông Phan Thanh Trí, cư dân Garden Grove, phàn nàn: “Tôi mắc cỡ cho những người theo ông Trump này. Ủng hộ kiểu gì mà như dân ‘anh chị’ muốn gây sự quá.”

Nhìn một số cảnh sát viên yên lặng quan sát hiện trường, ông Trần Minh Tiến, cư dân Westminster, nói: “May mà có cảnh sát ở đây, và tôi đã phải kềm chế dữ lắm. Tôi không muốn đánh nhau với mấy người quá khích này.”

Ông David Kott, ở Garden Grove, nói: “Nhóm ủng hộ Trump thật giống tư cách ông ấy, thích ‘bully’ người ta.”

Sau đó, nhóm ủng hộ Biden-Harris đi tuần hành từ khu Catinat Plaza, dọc theo đường Bolsa, đến đường Magnolia rồi vòng về.

Trong lúc đó, nhóm ủng hộ Trump-Pence, tay cầm cờ và biểu ngữ, ùa vào khu vực có giăng dây của nhóm ủng hộ Biden-Harris, như một cuộc chiếm đóng căn cứ phe địch vậy.

 
Người Việt ủng hộ liên danh Biden-Harris tại trung tâm Eden Center. (Hình: Cát Linh/Người Việt)

“Hãy bầu cho Joe Biden và Kamala Harris”

Tại trung tâm Eden Center, Falls Church, Virginia, nhiều người Việt Nam cũng xuống đường ủng hộ vị cựu phó tổng thống trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc.

Khoảng 12 giờ trưa, mọi người tề tựu về trước khu vực ấn định.

Số người tham dự tại đây không đông như ở California, nhưng điểm nổi bật được ghi nhận là các thành viên có mặt trong buổi tuần hành là những người Mỹ gốc Việt thuộc hai thế hệ, đặc biệt là sự có mặt của Dân Biểu Kathy Trần (Dân Chủ-Fairfax), đại diện Địa Hạt 42 của Hạ Viện Virginia.

“Tôi rất vui khi cùng tham dự với nhóm ‘Vietnamese American for Biden’ hôm nay. Chúng ta hãy hiểu rằng ông Joe Biden và bà Kamala Harris ủng hộ di dân, ủng hộ các trường công lập ngày càng mạnh và tốt hơn. Ông quan tâm đến khoa học, đến vấn đề thay đổi khí hậu. Ông ủng hộ những doanh nghiệp nhỏ. Ông Joe Biden và bà Kamala Harris đứng về phía giá trị của niềm tin và hy vọng, cơ hội của tự do. Tôi tin tưởng liên danh này sẽ tiếp tục đứng về phía cộng đồng của chúng ta.”

Ông Dzụ Lương, gần 70 tuổi, cư dân thành phố Fairfax, làm việc ở Bộ Nội An Hoa Kỳ, cho biết vì sao ông có mặt hôm nay.

“Tôi ủng hộ ông Biden và bà Harris. Không phải tôi ủng hộ cho đảng Dân Chủ, mà tôi đến để nói rằng, trong bốn năm qua, ông Trump đã tàn phá nước Mỹ, chia rẽ mọi cộng đồng. Ông là một người kỳ thị rất nặng.”

Ông Dzụ nhấn mạnh thêm ông chỉ là một người bình thường, không thuộc đảng Dân Chủ. Ông chỉ ủng hộ những người nào có nhiệt tâm với nước Mỹ.

 
Một người ủng hộ Trump bày tỏ quan điểm đối với người ủng hộ Biden tại Catinat Plaza. (Hình: Đằng Giao/Người Việt)

“Tôi không chấp nhận ông Trump ở thêm bốn năm nữa ở Toà Bạch Ốc nên tôi quyết định phải tham dự buổi vận động hôm nay để truất phế ông Trump ra khỏi Toà Bạch Ốc.”

Ông biết cuộc xuống đường này từ một người thuộc thế hệ trẻ của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, anh Linh Hoàng.

Nói với nhật báo người Việt về lý do ủng hộ ông Biden, anh Linh cho biết: “Thứ nhất, ông Joe Biden bảo vệ giá trị của nước Mỹ. Có vài vấn đề được đặt ra trong lá phiếu của năm nay, đó là di trú, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, công việc làm và các cơ hội khác. Và người có thể giúp chúng ta vượt qua đại dịch này chính là ông Joe Biden.”

Nhận định về Tổng Thống Donald Trump, anh Linh nói: “Tổng Thống Trump liên tục thất bại trong mỗi vấn đề. Ông phải chịu trách nhiệm làm cho hơn 200 ngàn người Mỹ tử vong vì thất bại trong việc lãnh đạo, ông không đủ khả năng. Chúng ta cần một người có kinh nghiệm và có khả năng dẫn dắt nước Mỹ vượt qua đại dịch. Người đó là ông Joe Biden.”

Nhắc đến việc cựu Phó Tổng Thống Joe Biden từng bỏ phiếu thông qua dự luật đưa 130,000 người Việt sang Hoa Kỳ sau năm 1975, anh Linh nhấn mạnh: “Người Mỹ gốc Việt cần bỏ phiếu cho một người có thể bảo vệ giá trị của cộng đồng Việt Nam.”

“Đó là lý do chúng ta cần bỏ phiếu bầu cho ông Joe Biden,” anh Linh nói.

“Trump đánh Trung Quốc là ảo tưởng”

Khi những ngừơi vận động cho ông Joe Biden bắt đầu cuộc tuần hành nhỏ quanh khu Eden Center, một người đàn ông gốc Việt đi ngang và hét lớn vào họ: “Đây chính là Việt Cộng. Chỉ có những người Cộng Sản mới làm điều này.”

Người đàn ông này từ chối trả lời phóng viên Người Việt khi được hỏi rõ thêm về quan điểm vì sao ông nhận định như thế.

Một trong những lý do nhiều người Mỹ gốc Việt ủng hộ Tổng Thống Donald Trump thắng cử nhiệm kỳ này là vì họ tin rằng “Ông Trump là người duy nhất dám đánh Trung Quốc.”

 
Anh Linh Hoàng, người điều hợp cuộc xuống đường ủng hộ liên danh Biden-Harris ở trung tâm Eden Center. (Hình: Cát Linh/Người Việt)

Tuy nhiên, ông Dzụ Lương phủ nhận điều này.

Ông nói: “Có nhiều người ‘cuồng’ Trump tin rằng Trump đánh Trung Quốc và giúp họ lật đổ chính quyền Việt Nam ngày nay. Đó là ảo tưởng. Trump không bao giờ phí một đồng hay mất một viên đạn để giúp họ như vậy. Các bạn đã thấy ông Trump đến Việt Nam nhiều lần và có mối quan hệ rất tốt với chính quyền Việt Nam.”

“Ông Trump là một người làm kinh tế, ông chỉ làm những gì có lợi cho kinh tế nước Mỹ hoặc cho chính bản thân ông ấy mà thôi, chứ không một quốc gia nào khác,” ông Dzụ tiếp lời.

Ông nhấn mạnh thêm rằng ông tôn trọng tự do đảng phái, nhưng người Mỹ gốc Việt đừng ảo tưởng về những lời hứa của ông Trump trong việc đánh Trung Quốc và chính quyền Cộng Sản Việt Nam.

“Chúng ta hãy mở mắt ra, nhìn kỹ lại những gì đã xảy ra trong nước Mỹ bốn năm qua. Hơn 200 ngàn người chết vì COVID-19, hơn 7 triệu người nhiễm bệnh, ông Trump đóng thuế chỉ hơn $750/năm. Ông Trump không làm gì cho nước Mỹ mà chỉ làm giàu cho ông và gia đình ông,” ông Dzụ nói. [đ.d.]

—–
Liên lạc tác giả: ngo.kalynh@nguoi-viet.com; ngo.giao@nguoi-viet.com

Nguồn: Người Việt

Xem thêm video 

Hai nhóm Dân Chủ và Cộng Hòa ‘chạm trán nảy lửa’ tại Little Saigon

Sáng thứ Bảy, 10 tháng Mười, nhóm ủng hộ Dân Chủ tại khu Catinat trên đường Bolsa, Westminster bị nhóm ủng hộ Cộng Hòa gọi là Cộng Sản, phản quốc, và hèn nhát. Cả hai phe cùng cho là mình tôn trọng quyền tự do của người khác.

Gửi các bác H.O.

Lê Vinh Hoài Bảo

Tiếng Dân

13-10-2020

Kính thưa các bác, các chú, các anh chị H.O. Trước tiên đừng vội chụp mũ cho tôi là VC. Nói vắn tắt, tôi và gia đình cũng là nạn nhân của Cộng Sản. Cha tôi là bí thư VNQDĐ tỉnh Quảng Ngãi, bị bắt “cải tạo” 9 năm. Mẹ tôi là nhân viên cảnh sát quốc gia. Bản thân tôi bị cấm đi học, và cũng bị “cải tạo” gần 2 năm vì vượt biên.

Trở lại vấn đề chính. Còn đúng 3 tuần nữa, dân Mỹ sẽ thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của họ để chọn ra một chính phủ mới. Tôi và các anh chị là công dân Mỹ sẽ có cái quyền được nói lên tiếng nói của mình! Việc các bác, các chú, các anh chị chọn Trump làm Tổng Thống Mỹ là quyền của các bác, các chú, các anh chị nhưng chúng tôi, những người chống đối lại Tổng Thống Trump cũng có một cái quyền tương đương. Và rất có thể con cháu trong nhà các anh chị cũng sẽ bỏ phiếu cho ông Biden và bà Harris!

Đã hơn 45 năm rồi sau cái ngày mà chúng ta đã mất đi miền Nam vào tay Cộng Sản, dĩ nhiên không ai trong chúng ta mong muốn điều đó để phải sống trong một xã hội độc tài toàn trị của Cộng Sản. Hiện tại, chúng ta đang sống trong một đất nước mới, một xã hội dân chủ hoàn toàn khác với những gì mà chúng ta chứng kiến đã xảy ra trên quê hương Việt Nam 45 năm qua. Không hiểu vì lý do gì các anh các chị lại gán cho ông Biden và bà Harris là Cộng Sản? Không hiểu các anh các chị nghe những thông tin như vậy từ đâu nhưng điều đó hoàn toàn sai lạc!

Thứ nhất: Không biết các bác có còn nhớ khi Tổng Thống Obama tranh cử, vẫn có nhiều người gọi ông ta là Cộng Sản và cả Hồi giáo! Nhưng rõ ràng sau khi thắng cử, liên danh Obama-Biden có đưa nước Mỹ lên XHCN hay Hồi giáo không thì các bác đã thấy. Điều duy nhất Obama-Biden đã “xã hội chủ nghĩa” là Obamacare mà rất nhiều người Việt ở Mỹ đã được hưởng! Mà ông Trump đã và đang tìm cách hủy bỏ nó!

Thứ hai: Trump không phải là một người yêu nước Mỹ! Trump là một kẻ trốn lính. Ông đã tìm cách mua chuộc bác sĩ để chứng nhận ông bị đau chân để không phải ra mặt trận. Trong khi những chiến binh Mỹ như cố TNS John McCain, TNS John Kelly, đại tướng Colin Powell, TNS Jim Webb… cùng chiến đấu chung chiến hào với các bác thì các bác lại không tin ở họ mà lại đi tin một gã chơi bời, trốn lính, coi thường chiến binh, coi thường Việt Nam!

Trong mắt Trump thì các bác chỉ là một đám bại binh. Trump đã từng nói nhiều lần là ông ấy không thích những chiến binh bị bắt! Các bác chỉ là đám “losers and suckers” thôi.

Thứ ba: Trump là một mối nguy cơ cho nước Mỹ. Các bác chỉ biết sợ Cộng Sản nhưng các bác không biết rằng Cộng Sản là một trong những nguy cơ của loài người. Ngoài Cộng Sản, còn có những nguy cơ khác, như tư tưởng phát xít hay tư tưởng “thượng tôn da trắng” cũng là những nguy cơ cho nước Mỹ.

Hãy nhìn qua Nước Nga, Cộng Sản Nga đã chết nhưng nước Nga lại đang dính vào một loại độc tài kiểu khác! Liệu con cháu các bác có thể sống dễ dàng trong một đất nước Mỹ mà chủ nghĩa thượng tôn da trắng lên ngôi hay không? Trừ khi con cháu các bác có màu da trắng hơn và mũi cao hơn tôi, tôi không nghĩ chúng nó sẽ chấp nhận đồng hành cùng những Proud Boys hay KKK! Tổng Thống Trump là người cổ suý cho các phong trào đó!

Thứ tư: Tổng Thống Trump sẽ không đánh sập được Tàu Cộng đâu! Bốn năm đã qua, Tàu Cộng không sập mà vẫn phát triển đều trong khi nước Mỹ phải đối diện với những khủng hoảng từ kinh tế đến chia rẽ sắc tộc. Tui dám chắc chắn là, nếu ông Trump thắng thêm 4 năm nữa thì mọi thứ chỉ tồi tệ hơn thôi. Còn chuyện dẹp Tàu Cộng là chuyện không tưởng! Mọi chuyện Trump làm chỉ vì quyền lợi riêng của ông ta và gia đình. Trump làm sao cho nước Mỹ vĩ đại khi mà ông ta tìm mọi cách để không phải đóng một đồng thuế?

Cuối cùng tôi muốn nói với các bác là, suy nghĩ của các bác đã quá lỗi thời rồi, đừng áp đặt con cháu các bác phải nghe theo lời mình! Tụi nhỏ nó không nghe đâu. Tụi nó lớn lên trên đất nước Mỹ này sẽ coi nước Mỹ là quê hương và sẽ có suy nghĩ như những người Mỹ khác. Muốn hay không muốn, đa phần giới trẻ, nhất là đám có học thức sẽ lựa chọn Biden-Harris chứ không phải là Trump. Và trên hết, chúng nó có quyền nói lên tiếng nói của mình.

Thân chào các bác.

____

Hình ảnh tương phản ở cộng đồng người Mỹ Việt trong những ngày qua, những người trẻ tuổi ủng hộ liên danh Biden – Harris, trong khi ông bà, cha mẹ chúng thì ủng hộ Trump:

 

 

PHỎNG VẤN THẮNG ĐỖ – TV tổ chức PIVOT ủng hộ Đảng Dân chủ

Cộng đồng Việt Nam hải ngoại thường có thái độ thờ ơ với các sinh hoạt chính trị ở Mỹ, sự suy nghĩ của nhiều người vẫn hướng về Việt Nam và mong muốn đất nước không còn bóng cộng sản cầm quyền, đó là lý do rất nhiều người Việt Nam vẫn ủng hộ Đảng Cộng Hòa vì họ cho rằng chỉ có Đảng Cộng Hòa mới chống cộng. Nhưng cộng đồng Việt Nam hơn 45 năm qua đã trưởng thành, hiểu biết hơn về guồng máy chính trị của Mỹ trong lăng kính của “người Mỹ” về vấn đề dân quyền và nhân quyền ngay tại đất nước Hoa Kỳ.  Cũng giống như các cộng đồng khác, cộng đồng Việt Nam không phải ai cũng thành công, thành đạt, vẫn có người nghèo, người khuyết tật, người thấp cổ bé họng…  Nhất là sau bốn năm nước Mỹ dưới nội các của Tổng Thống Trump, hố sâu giữa giàu và nghèo quá lớn, nước Mỹ có thực sự còn “vĩ đại,” còn là một siêu cường quốc đại diện cho thế giới tự do, dân chủ, rộng lượng và tôn vinh sự đa dạng chủng tộc nữa hay không? Đó là lý do đã có những tổ chức đứng lên kêu gọi cử tri ủng hộ Đảng Dân Chủ. Một trong những tổ chức hoạt động tích cực cho mục đích trên là Tổ Chức PIVOT. Xin kính mời quý độc giả theo dõi cuộc phỏng vấn của Trúc Việt với anh Thắng Đỗ, một trong những thành viên của tổ chức PIVOT.

PHỎNG VẤN THẮNG ĐỖ
Phỏng vấn viên: Trúc Việt

Kính thưa quý vị, ngày hôm nay Trúc Việt rất hân hạnh được nói chuyện với anh Thắng Đỗ là một kiến trúc sư hành nghề tại San Jose và là thành viên của Hội đồng Quản trị của PIVOT, Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến, nhận lời mời phỏng vấn của Trúc Việt với tư cách là người đại diện cho tổ chức PIVOT.

PIVOT là viết tắt của “Progressive Vietnamese American Organization” là tổ chức người Mỹ gốc Việt cấp tiến được thành lập năm 2017, đầu tiên hoạt động toàn quốc, chủ trương của Hội Người Việt Cấp Tiến này là khuyến khích sự tham gia của cộng đồng người Mỹ gốc Việt vào sinh hoạt xã hội và chính trị với các thông tin quan trọng và chính xác để kêu gọi mọi người đi bầu vào tháng 11 này. 

Trúc Việt (TV): Dạ xin chào anh Thắng ạ. 

Thắng Đỗ (TĐ): Tôi xin chào chị Trúc Việt và xin chào quý khán giả.

TV: Xin anh cho biết chắc anh sống ở Mỹ đã lâu?

TĐ: Tôi sang Mỹ năm 75. Trong nhiều năm tôi từng ủng hộ Đảng Cộng Hoà. Tôi đã bầu cho ông Ford, rồi ông Reagan, ông Bush cha, đến thời Clinton tôi quay sang ủng hộ ông Clinton, ủng hộ bên Dân Chủ vì tôi thấy Đảng Cộng Hoà càng ngày càng sử dụng chiêu bài sắc tộc, tức là kỳ thị chủng tộc, nhất là kỳ thị người Da đen. Tôi căm phẫn, bất bình với chuyện đó. Từ đó tới giờ tôi ủng hộ Dân Chủ. Cuộc bầu cử năm 2016 làm chấn động nhiều người kể cả tôi. Trước đó tôi không có sinh hoạt chính trị gì cả, tôi không tham gia, ngoài là một cử tri đi bầu bình thường. Tôi như mọi công dân khác, nghĩa là tôi không quan tâm đến chính trị, tôi không tham gia chính trị. Cuộc bầu cử năm 2016, sau đó đầu năm 2017, có một nhóm người Việt tụ họp nói là chúng ta phải thay đổi, chúng ta phải dấn thân, phải sinh hoạt nhiều hơn, tôi có tham dự buổi họp đó. Tôi thấy những người này coi như là đồng chí hướng với tôi. Tôi tham gia với họ và PIVOT ra đời. Tôi không phải là người sáng lập ra PIVOT, nhưng tôi tham gia vào Hội đồng Quản trị của tổ chức này.

Tôi xin nói về những người tham gia vào PIVOT, chúng tôi có thể tự hào mà nói rằng chúng tôi có đủ thế hệ. Tôi là một trong những người có tuổi trong đó, nhưng có những người tuổi còn cao hơn tôi nữa, những người trẻ tuổi 20 hai mươi mấy vẫn có, nhưng số đông thì đúng là Gen X là lứa tuổi ba mươi mấy, bốn mươi mấy. Tôi khâm phục thế hệ này bởi vì tôi thấy họ giỏi lắm, họ làm việc hăng say, họ có lòng, họ hiểu văn hoá Việt và văn hoá Mỹ, họ có sự tương kính cần thiết, tế nhị của văn hoá Việt, nhưng mà họ rất cởi mở theo cách làm việc Tây Phương, họ làm việc khoa học có hệ thống, tôi thực sự học hỏi rất nhiều từ thế hệ đó.

TV: nhìn vào năm thành lập PIVOT cũng là năm ông Trump tuyên thệ chức tổng thống Hoa Kỳ, qua 3 năm rưỡi rồi,  khẩu hiệu của ông ta là “Make America Great Again” theo quan điểm của anh khẩu hiệu này đúng hay sai?

TĐ: Vâng, tiếng Việt là “hãy làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” phải không. Ngụ ý của câu đó nghĩa là nước Mỹ đã không vĩ đại. Vì thế chúng ta phải làm cho nó vĩ đại. Ngụ ý đó, căn bản của nó sai bởi vì nước Mỹ vẫn vĩ đại. Trước khi Ông Trump lên, nước Mỹ đã vĩ đại và nước Mỹ luôn luôn là nước lãnh đạo thế giới, là nước đại diện cho những giá trị cao quý, những giá trị về tự do và dân chủ mà thế giới nhìn vào đó để làm gương. Nước Mỹ không phải là một quốc gia hoàn hảo, nhưng nước Mỹ trong lịch sử luôn luôn tự cải tiến. Nước Mỹ là nước có điểm đặc thù là có khả năng tự cải tiến. Nước Mỹ đã thay đổi rất nhiều lần những chính sách, đã huỷ bỏ những cái xấu để đón nhận những cái tốt.  Tôi nghĩ một trong những cái hay nhất của nước Mỹ trong nhiều thập niên nay là sự bầu cử cho ông Barack Obama, người Da đen đầu tiên. Nó chứng tỏ nước Mỹ có thể xoá được cái lịch sử rất không đẹp đối với người Da đen cả hàng thế kỷ, rồi bị đàn áp, tất cả những chuyện đó.  Và tôi nghĩ nước Mỹ cho đến năm 2016 là một đất nước vĩ đại, cho nên không có cớ gì để bảo là hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại; đó là cái cách nói để dìm tình trạng xuống. Người nói câu đó là ông Donald Trump nói với mục đích làm cho tình trạng bi đát hơn là nó thật sự như thế và để tỏ ra mình là người cứu tinh, mình cứu vớt tình trạng cho tốt hơn. Sau 4 năm, chúng ta có tốt hơn hay không? Câu trả lời rõ ràng là chúng ta không tốt hơn. 

ĐỐI NGOẠI: Chúng ta chửi bới, sỉ nhục các nước đồng minh, đáng lẽ ra là bạn của chúng ta, và chúng ta ôm chầm lấy, thân thiết với những xứ như Nga, Trung Quốc, Bắc Hàn. Ông Trump chửi tất cả các vị lãnh đạo của thế giới ngoại trừ những lãnh tụ cộng sản. Về đối ngoại, nước Mỹ bị cô lập.

ĐỐI NỘI: 

          COVID: Nước Mỹ hiện nay có nhiều vấn đề rất lớn. Hiện nay vấn đề đầu tiên là COVID [19]. Nước Mỹ có một trong những thành tích tệ hại nhất thế giới trong cách đối phó với đại dịch này. Nếu so sánh với những nước tiên tiến, Tây phương khác thì nước Mỹ đội sổ. Nước Mỹ làm quá tệ dưới sự lãnh đạo của ông Donald Trump, hay phải nói là với sự thiếu vắng lãnh đạo của ông Donald Trump. COVID hơn 200 ngàn người chết và sẽ còn nhiều ngàn người chết nữa mà chúng ta không biết bao giờ mới chấm dứt, trong khi những nước kia họ đã hồi phục trở lại rồi.

          CHIA RẼ: Nước Mỹ hiện nay là một quốc gia cực kỳ chia rẽ mà ai là thủ phạm? Ông Donald Trump là thủ phạm, ông ấy gây ra sự chia rẽ, ông ấy đổ dầu vào lửa vào mầm mống đã có chia rẽ rồi, nhưng nếu một người lãnh đạo có tâm họ sẽ tìm cách xoa dịu, họ hàn gắn, họ đoàn kết thay vì còn thổi bùng để chia rẽ thêm nữa.

          MÔI TRƯỜNG: Vấn đề môi trường là vấn đề rất lớn, dưới thời ông Trump môi trường ở Mỹ bị xuống cấp rất nhiều vì những hành động chính của ông ấy.

          BẠO ĐỘNG: Vấn đề bạo động súng đạn cũng là một quan tâm lớn.

          KINH TẾ: Kinh tế Mỹ với vấn đề thâm thủng ngân quỹ lớn, vấn đề nợ công kỷ lục trong lịch sử. Tại sao? Tại vì ông Trump và Đảng Cộng Hoà có một cuộc giảm thuế hoàn toàn không cần thiết chỉ để giúp người giàu thay vì đầu tư vào để xây cất hạ tầng cơ sở hay để giúp giới trung lưu.

TV: Khi anh nhắc đến những cái sai trong khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại lần nữa,” anh nói đến sự chia rẽ, mà chủ đích của Trump là chia rẽ, nhất là sự đối xử với người Da đen. Tuy nhiên có một số những người Việt Nam họ nghĩ rằng tại sao lại có sự thiên vị với khẩu hiệu “Black Lives Matter” là mạng sống của người Da đen cũng đáng kể.  Nhưng họ nói còn chúng tôi thì sao, chúng tôi là nạn nhân của người Da đen. Chúng tôi bị cướp giựt, chúng tôi bị đánh, chúng tôi ở trong khu phố rất nhiều người Da đen mà chúng tôi không thấy có một người Da đen nào đàng hoàng hết. Anh có nghĩ họ xa rời những tổ chức cấp tiến như của anh khi mình ủng hộ người Da đen hay không, vì người Việt Nam họ nói là mạng sống của chúng tôi cũng quan trọng vậy. Chuyện trước nhất tôi thấy là mạng sống của tôi bị đe doạ bởi người Da đen.

TĐ: Câu hỏi của chị rất xác đáng và là một câu hỏi rất hay. Tôi nghĩ cách nhìn đó, nhiều người tôi quen có cách nhìn như thế, tức là tại sao lại nói “Black Lives Matter,” mà đáng lý phải nói “All Lives Matter,” đúng không? Thật ra ngay lúc đầu khi nghe câu đó, phản ứng đầu tiên của tôi cũng là “All Lives Matter” chứ không phải chỉ “Black Lives Matter.” Nhưng suy nghĩ đó là do sự thiếu hiểu biết ở hai lãnh vực:

Lãnh vực thứ nhất là câu “Black Lives Matter” không phủ nhận “All Lives Matter.” Nó không đối chọi với ý tưởng rằng tất cả mạng người là quý. Câu nói mạng người Da đen quý, lý do là bởi vì mạng người Da đen trước nay không được trân trọng. Tôi là một người da vàng, khi cảnh sát chặn tôi lại, tôi không có sự sợ hãi có thể bị đánh đập và có thể bị giết. Trường hợp ông George Floyd chẳng hạn, có thể ông ấy có cái lỗi gì đó, người ta nghi ông ấy dùng bạc giả. Nhưng cái lỗi đó có đáng để một anh cảnh sát quỳ gối lên cổ trong bảy, tám hay bao nhiêu phút đó tôi không biết, để đến nỗi tắt thở không? Một anh thanh niên Da đen chạy bộ trong một khu xóm hiền lành chẳng làm gì cả, bố con người Da trắng chặn xe lại bắn chết anh ấy. Rất rất nhiều thí dụ như thế. Mạng người Da đen bị rẻ rúng và vì lý do đó, khẩu hiệu này cần thiết. Tức là mạng chúng tôi không rẻ rúng, mạng chúng tôi cũng đáng trân trọng, cũng đáng quý như mạng của quý vị. Do đó khẩu hiệu đó nói là mạng người Da đen đáng quý, không có nghĩa mạng người khác không đáng quý. Khẩu hiệu đó không phủ nhận mạng mọi người đáng quý.

Điều hiểu lầm thứ hai là người Việt ở Mỹ chỉ thấy một mặt. Tôi hiểu những tệ hại trong những cộng đồng thiểu số chẳng hạn như cộng đồng người Da đen, tôi hiểu chuyện đó. Nhưng đó chỉ là một khía cạnh của người Da đen. Người Da đen cũng đa dạng như các sắc tộc khác, họ cũng có những người du đãng trộm cướp, bạo lực, họ có. Ông Barack Obama cũng là người Da đen. Cũng có người Da đen làm tiến sĩ, làm khoa học gia, làm nhạc sĩ, làm tài tử Hollywood, làm tất cả những cái mà sắc tộc khác làm thì họ cũng làm được cả. Nhưng người ta chỉ chú trọng vào anh Da đen giết người cướp của thôi. Cái đó là bởi chúng ta đã bị điều kiện hoá từ một văn hoá kỳ thị chủng tộc từ hàng mấy thế kỷ nay rồi. Bây giờ nếu nhìn vào lịch sử người Da đen thì người Việt biết rất ít về lịch sử đó. Người Việt chỉ biết là họ có bị nô lệ và cuộc nội chiến đã giải phóng họ. Nhưng họ thực sự chưa được giải phóng ngay cả sau cuộc nội chiến. Cho đến thập niên 50, 60, những chính sách kỳ thị họ vẫn còn đó, họ [người Da đen] bị áp bức về tất cả mọi điều, một cuộc phỏng vấn như thế này không đủ thời giờ đi vào chi tiết những cái áp bức đó. Người Da đen bị phân biệt đủ thứ, không được học chung trường, không được ngồi chung xe buýt, không được sử dụng hồ bơi [với người Da trắng], tất cả những chuyện đó. Còn những chính sách về gia cư, chính sách về nhà cửa để đảm bảo người Da đen luôn luôn ở vị trí công dân hạng hai ở xứ sở này. Thành thử ra tình trạng của nhiều người Da đen ở mức thất học, ở mức phạm tội… có lý do lịch sử sâu xa. Và một chuyện nữa người Việt không biết là chúng ta thừa hưởng những tranh đấu của người Da đen vào thập niên 50, 60, 70, những cuộc tranh đấu về quyền dân sự của người Da đen (Civil Rights Movement). Tranh đấu để không bị phân biệt màu da, để có tự do bầu cử và quyền công dân cho tất cả mọi người. Nếu không có cuộc tranh đấu đó, chúng ta [người Việt Nam] cũng sẽ bị kỳ thị giống như người Hoa bị kỳ thị thời Mỹ có Chinese Exclusion Act, Luật Cấm Người Hoa, chẳng hạn thế. Người Việt cũng có thể là nạn nhân của chuyện đó, nhưng chúng ta không bị, chúng ta được đối xử tử tế bởi vì có những người đã đi trước chúng ta.

Ngay cả với thuyền nhân Việt Nam, đợt 78, 79, người Da đen họ mua nguyên một trang quảng cáo trên tờ New York Times để họ kêu gọi nước Mỹ chấp nhận thuyền nhân Việt Nam nhập cảnh. Những cái quá khứ đó người Việt nên biết và khi chúng ta biết, chúng ta sẽ thông cảm hơn với họ.

TV: Theo như anh làm cách nào giúp người Việt Nam hiểu rõ hơn. Nhất là người Việt Nam mình vẫn còn đầu óc “Model Minority” nghĩa là “tốt thì khoe, xấu thì giấu đi.”  Thành ra mình cứ nghĩ cộng đồng mình tốt đẹp hơn những cộng đồng khác mà không nghĩ mình được thừa hưởng. Làm sao để người ta biết được một cách rộng rãi hơn rằng những gì mình có ngày hôm nay là nhờ sự thừa hưởng từ máu và nước mắt, ngục tù của những sắc dân khác, nhất là sắc dân Da đen?

TĐ: Nhân tiện đây chúng tôi cũng xin quảng cáo một dự án mà mà tổ chức PIVOT làm, là Việt Fact Check (Người Việt Kiểm Tin), bởi vì trong cuộc bầu cử này, cũng như các cuộc bầu cử trước, chúng tôi thấy cộng đồng Việt Nam mình là nạn nhân của những nguồn tin giả. Do đó anh chị em PIVOT, nhất là những người trẻ tuổi họ lập ra dự án này. Những gì người ta đồn đãi, chẳng hạn như quan hệ của người Da đen và người Việt thì họ kiểm tin và họ dựa trên sự thật, họ dẫn chứng nguồn cẩn thận. Website đó là vietfactcheck.org/category/vietnamese/.

Là người da màu, người Việt chúng ta nên nhận xét chúng ta có chung những vấn đề, những thách thức, những khó khăn của những cộng đồng da màu. Chúng ta nên sát cánh với những người da màu khác hơn là lánh xa hoặc thậm chí còn khinh bỉ họ bởi vì chúng ta cùng ở trong cái thuyền này với nhau, chúng ta phải cố cứu nhau mà đi lên. Nước Mỹ là một nước đẹp tốt, tôi sống đây từ năm 75, tôi chứng nhận chuyện đó. Nước Mỹ là nước hào sảng, nhưng không có nghĩa là nó không có sự kỳ thị chủng tộc trong xã hội này và chúng ta vẫn là nạn nhân.

Tôi nghĩ có sự khác biệt giữa các thế hệ người Việt ở đây trong cách nhìn. Thế hệ giống như của tôi là đã lớn tuổi, là đã lớn lên ở Việt Nam trước khi sang Mỹ. Có nhiều phần, một là chúng ta coi cái xứ sở này vẫn không phải thật là của mình. Cách nhìn vẫn quay về Việt Nam, vẫn cho là vấn đề mình phải tranh đấu cho ở bên đó không phải bên này. Mình vẫn nhìn, vẫn coi mình là người khách ở xứ này hơn là đây là xứ sở của mình. Nhưng đó là xứ sở thật sự của mình vì con cháu của mình nó sống ở đây. Nó là xứ sở của con cháu của mình thành thử nó là xứ sở của mình. Thành thử mình cần phải tranh đấu, coi nó là xứ sở của mình để làm cho nó đẹp hơn. Khi mình chỉ coi mình là khách, mình vẫn tự đặt mình ở một thế kém hơn, ít quyền hơn những người mình cho là người bản xứ. Và khi mình nói người bản xứ, hầu hết mình muốn nói là người Da trắng, mình cũng không cho người Da đen thật sự là người Mỹ nữa. Mình cho người Mỹ thật là người Da trắng, còn mình không thật là người Mỹ. Ngay cả chính bản thân tôi cũng qua các giai đoạn nghĩ như thế. Cho đến một lúc nào đó tôi phát hiện, đâu, tôi là người Mỹ thật chứ. Ông Donald Trump không Mỹ thật gì hơn tôi cả. Tôi cũng Mỹ thật. Khi ông ấy chửi bốn bà dân biểu bảo là các bà về nước của các bà đi. Trong đó một hay hai hay ba bà sinh trưởng ở Mỹ. Những chuyện đó là những chuyện người da màu chúng ta phải đứng lên bảo vệ lẫn nhau. Anh không có quyền nói tôi câu đó. Ngay cả tôi là dân nhập cư, nhưng tôi cũng là công dân Mỹ và tôi có tất cả các quyền là người Mỹ như anh vậy đó. Bây giờ trở lại câu hỏi của chị làm thế nào…

TV (ngắt lời): Trước khi anh trả lời câu đó, Trúc Việt muốn hỏi là vậy là anh không còn biết ơn người Mỹ nữa hả? Biết ơn nước Mỹ nữa hả? Đa số [người Việt] nói mình phải biết ơn nước Mỹ chứ sao giờ quay sang chỉ trích….

TĐ: Tôi xin trả lời chị, tôi nghĩ câu hỏi của chị là câu hỏi rất hay. Tôi biết ơn nước Mỹ nhiều lắm chứ vì nước Mỹ chính là tôi, nhưng khi tôi biết ơn, tôi yêu thương nước Mỹ không có nghĩa là cái gì tôi cũng khen cả. Tôi muốn làm xứ sở này tốt hơn trước. Tôi yêu nước Mỹ, tôi hãnh diện về nước Mỹ và tôi khâm phục nền tảng đã tạo nên xứ sở này. Xứ sở này được tạo nên trên khái niệm “All men are created equal.” Mọi người sinh ra đều bình đẳng. Nhưng khi họ nói câu đó, họ không thực sự thực hành bởi vị họ muốn nói thực sự là chỉ người Da trắng bình đẳng với nhau thôi. Chứ còn người Da đen không được bình đẳng như thế. 

TV: Bây giờ là “All men và women nữa.”

TĐ: Đúng rồi, thời đó người phụ nữ cũng không được, tất cả những người giới tính khác cũng không được [bình đẳng]. Bây giờ tôi yêu nước Mỹ là tôi yêu khái niệm bình đẳng đó, tôi yêu hoài bão đó. Tôi tin đó là nét đẹp của nước Mỹ. Tiềm năng của nước Mỹ có thể đến mức đó, nhưng chúng ta chưa ở mức đó. Chúng ta phải đến đó. Ông Abraham Lincoln lãnh đạo cuộc nội chiến để đi nửa đường tức là giải phóng người Da đen, xong rồi đến thời của ông Martin Luther King, Robert Kennedy những ông đó, họ đi tiếp đường đó, những bà như Rosa Park, tất cả họ đi tiếp con đường đó, rồi đến thời ông Barack Obama cũng là người cách mạng trong lịch sử này, lịch sử của chúng ta. Chúng ta chỉ tiếp con đường đó để đi thôi. Chứ còn bảo tôi là người vô ơn, tôi không biết yêu nước Mỹ, chuyện đó không công bằng với tôi. Tôi có thể thách thức bất cứ người nào. Anh bảo anh yêu nước Mỹ à? Tôi sẽ chứng tỏ cho anh biết tôi yêu nước Mỹ và những cái tôi làm cho nước Mỹ có thể chẳng kém gì ai cả. Tôi sinh hoạt cộng đồng, tất cả những cái đó để làm gì, không phải để vinh thân phì gia để hưởng lợi cá nhân của tôi đâu. Những chuyện đó tôi làm cho cộng đồng của tôi tốt hơn, mà cộng đồng của tôi là ai? Cộng đồng của tôi là nước Mỹ. Cộng đồng tôi có đủ rộng lượng cho mọi người: da trắng, da vàng, người Mễ Tây Cơ, người La-tinh, người Da đen, phụ nữ, đàn ông, tất cả người đồng tính…tất cả mọi thứ trong đó. Đó là cộng đồng của tôi, đó là nước Mỹ, nên xin đừng bảo là tôi vô ơn và không yêu nước Mỹ. Tôi biết chị không nói câu đó, chị là phóng viên, chị đưa câu hỏi công bằng thôi.

TV: Tin vịt, tin giật gân đi rất nhanh

TĐ (cười): Đúng rồi

TV: Đã bảo là tin giật gân, tin thị hiếu mà, người ta đổ xô vào coi, nhưng rồi sau đó mới có “fact check,” mới kiểm chứng lại, những tin xác thật, cái kia nó là tin vịt nó bay đi tứ tung hết rồi làm sao mình [tin thật] bay kịp nó đây?

TĐ: Vâng thưa không có câu trả lời ngắn và giản dị. Tôi nghĩ là nó đòi hỏi thời gian, tôi nghĩ là không một ai làm nổi giải quyết vấn đề tin vịt đó, nhưng mà cả một cộng đồng cùng đứng lên làm với nhau. Chẳng hạn như PIVOT không phải là tổ chức duy nhất, ngoài PIVOT, một tổ chức nữa tôi rất khen ngợi, tôi không làm việc với họ. Đó là Người Thông Dịch (The Interpreter). họ cũng kiểm chứng, họ cũng dịch những bài có giá trị và toàn những người trẻ tuổi cả. Họ muốn làm để mang sự thật đến cho cộng đồng. 

Sau khi ông Trump thắng cử, tôi bắt đầu viết bài và đăng báo và cũng lên những chương trình như thế này, đại khái như là BBC gì đó. Đầu tiên tôi nghĩ tác dụng của tôi không nhiều. Tôi nghĩ có một dúm người đọc. Trong đó có nhiều người chửi. Đó là chuyện mình chịu, mình biết, khi mình lên diễn đàn mình biết có cái giá của nó. Nhưng dần dần tôi thấy có sự khác biệt. Dần dần tôi thấy có nhiều người hưởng ứng. Có người bảo tôi đọc bài của ông, tôi đồng tình, có khi có người bảo tôi thấy ông sai điểm này, ông sai điểm kia. Nhưng một trong những cái tôi được khích lệ nhất là nhiều người trẻ tuổi, vì nhiều bài tôi viết cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, hay tôi viết một bài tiếng Việt xong, tôi viết một bài tóm tắt bằng tiếng Anh. Họ đọc bản tiếng Anh của tôi xong họ cám ơn ông viết bài này, bởi tôi cần những bài này để tôi đàm thoại với phụ huynh của tôi. Cha mẹ tôi chỉ coi FOX News hay chỉ coi những đài truyền thông Việt Nam ủng hộ ông Trump thôi. Họ cần những sự thật như tôi viết ra. Tôi nghĩ trên đường dài, những tiếp xúc cá nhân, trên tình gia đình, tình bằng hữu nó vẫn hiệu quả hơn. Và tôi nghĩ nếu có một số lượng đông đủ những tổ chức và những cá nhân như tôi, tôi nghĩ dần dần cuộc đối thoại trong cộng đồng sẽ thay đổi. Chẳng hạn như Việt Fact Check (Việt Kiểm Tin). Tác dụng lớn của nó thay vì chỉ một người như tôi viết một bài đăng báo, và có chắc gì ai nghe hay không nghe không, nhưng khi làm việc có hệ thống vẫn tốt hơn. Khi quý vị vào website đó mười mấy vấn đề được mổ xẻ và được dẫn chứng nguồn trong đó để cho mọi người thấy. Chẳng hạn như ông Trump bảo là nền kinh tế của tôi tốt nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Đúng hay sai? Họ [VietFaccheck.org] sẽ phân tích tại sao đúng và tại sao sai. Thay vì chúng ta chỉ có ngồi quanh bàn uống rượu đấu láo, chúng tôi kiểm chứng thật sự xem gốc gác của vấn đề ở đâu. 

TV: Hồi đó anh theo Đảng CH vì anh nghĩ Đảng CH chống cộng mạnh mẽ hơn Đảng Dân Chủ, Đảng Dân Chủ thiên cộng, theo xã hội chủ nghĩa mà theo như đa số những người trong thế hệ của anh và thế hệ lớn hơn, ngay bây giờ họ vẫn còn nghĩ như vậy. Cho dù họ nói nhiều khi ông Trump ăn nói bặm trợn quá, nhưng chỉ có Đảng CH mới dẹp tan được Trung Cộng và cộng sản Việt Nam.

TĐ: Nghĩa là không hẳn hoàn toàn như thế nhưng đại khái là cũng như vậy, tức là tôi như nhiều người Việt tị nạn, tôi nghĩ là Đảng CH, nghe đồn là Đảng CH chống cộng hơn.

TV: Nghe đồn!

TĐ: Nhưng thời tôi mới sang Mỹ, nếu chị nhớ vấn đề welfare là một tệ nạn rất lớn, như nhiều người tị nạn tôi tin là mình phải tự giúp mình, tôi tin là mình nếu có ăn welfare một hai năm nhưng mình phải tự lập, mình phải ra khỏi hệ thống đó. Welfare là một trong những lý do tôi không thích Đảng Dân Chủ vì tôi nghĩ Đảng Dân Chủ chỉ có xài tiền và đi quá trong những vấn đề phúc lợi này nọ và thời đó nó đã tạo ra những sự lạm dụng, “abuse” những phúc lợi đó. Nhưng đến thời ông Clinton đã thay đổi, bởi vì Clinton ông ấy đảo ngược vấn đề đó. Ông ấy cắt những phúc lợi đó rất nhiều. Ông ấy đi hơi quá trong những cái cắt đó. Nhưng ông ấy chứng tỏ ông ấy là người rất trách nhiệm về vấn đề ngân quỹ. Bởi vì khi ông Clinton lên lúc đó vẫn đang thừa hưởng cái thâm thủng ngân quỹ của ông Reagan để lại. Reagan cắt thuế và tăng sự tiêu pha, chi tiêu chính phủ nổ bùng lên. Ông Bush cha cố giảm nhưng 4 năm của ông Bush không đủ để ngưng. Thời ông Clinton trong 8 năm của ông ấy đã giảm ngân quỹ xuống đưa đến thặng dư. Ông Clinton thay đổi cách nhìn của tôi về Đảng Dân Chủ. Nếu nói Đảng Dân Chủ là đánh thuế và xài cho sướng thì hoàn toàn không đúng. Tuy là Cộng Hoà nói Dân Chủ như thế nhưng thực sự ra Dân Chủ không làm như thế, và đến thời ông Obama cũng thế. Thời ông George W. Bush cũng giảm thuế, cũng tăng chi tiêu, đến ông Obama đảo ngược lại, đến ông Trump lại ăn xài phung phí nữa. Nó giống như một gia đình có những đứa con quen ăn xài phung phí và có những đứa con tằn tiện, Dân Chủ là đứa con tằn tiện và luôn luôn cố gắng để có trách nhiệm về ngân quỹ trong khi CH không có.

Giờ trở lại chuyện chị nói Cộng Hoà có chống cộng hay không? Tôi chỉ muốn nhắc với người Việt là ông Nixon là người rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam. Ông Johnson Dân Chủ là người gia tăng sự tham chiến của quân đội Mỹ ở Việt Nam. Ông Nixon là của Đảng Cộng Hoà rút quân, giảm sự tham gia của Mỹ và đi đêm với Trung Quốc, và ép Việt Nam Cộng Hoà phải ký Hiệp Định Paris. Nếu muốn đổ lỗi nên đổ lỗi cho ông Nixon hơn là những người kia. Thật ra, tôi nghĩ Dân Chủ hoặc Cộng Hoà không khác nhau mấy trong vấn đề chống cộng sản. Ở Mỹ chẳng có ai thân cộng cả.

Chị còn đưa lên vấn đề Trung Quốc, tôi xin nói thêm về Trung Quốc, tức là ông Trump chỉ nói, chỉ bạo mồm về Trung Quốc thôi, chứ còn những chuyện ổng làm toàn là những chuyện dại dột cả. Chuyện dại dột đầu tiên là ông ấy rút ra khỏi Hiệp Định TPP là Hiệp Định Thương Mại Xuyên Á Thái Bình Dương. Hiệp định đó quan trọng nhất trong chiến lược xoay trục của ông Obama và xoay từ Châu Âu sang đến Châu Á, mang sức mạnh của Mỹ vào Châu Á để kềm chế Trung Quốc và kiềm chế qua nhiều biện pháp, nhưng biện pháp chính là TPP.

TPP là hiệp ước liên kết những nước bao vây Trung Quốc từ Nhật đến Úc cho đến Việt Nam, những nước có khả năng cùng với Mỹ lập thành hệ thống đồng mình để kiềm chế kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Đó là một hành động cực kỳ khôn ngoan tức là ta kềm chế địch thủ trong hoà bình, trong sự sử dụng một hệ thống đồng minh để kềm chế địch thủ. Chứ còn ông Trump đầu tiên vừa nhậm chức là rút ra khỏi TPP, thật sự không có lý do gì ngoài lý do đó là tác phẩm của ông Obama mà ông Trump ghen tức với ông Obama. Rút ra được cái gì? Rút ra anh mất đồng minh. Trước đó anh có mười mấy nước cùng nhau để bao vây Trung Quốc. Anh rút ra chỉ có mình anh đối chọi với Trung Quốc với nhau thôi, mà chính sách mậu dịch của ông ấy đều không có hiệu quả gì cả. Ông ấy đánh thuế vào hàng Trung Quốc, thế ai trả thuế đó? Người Mỹ trả chứ ai trả, các bạn trả. Tôi là kiến trúc sư. Trong ngành xây cất của tôi, khi chiến tranh mậu dịch mới xảy ra, vật giá leo thang vùn vụt, khan hiếm đủ thứ vật dụng cả. Chúng tôi trả chứ ai trả nữa. Ai thiệt hại? Người tiêu dùng Mỹ thiệt hại chứ còn ai thiệt hại nữa. Cho nên chiến tranh mậu dịch nghe sướng tai, nhưng tác dụng thật sự của nó rất tai hại cho nước Mỹ. Ông Trump ngay cả nếu có ý chống Trung Quốc thật sự, cái hành động của ông đó nó hoàn toàn phản tác dụng.

TV: Tổ Chức Người Viêt Cấp Tiến có một bữa ra mắt trên zoom đó

TĐ: Vâng ra mắt Khởi Xướng Hành Động 

TV: Thống kê mà tổ chức của anh đưa ra, thành phần từ 30 đến 49 tuổi là thành phần cử tri chiếm tới 32%. Dựa vào thống kê cử tri này, đây có phải là thế hệ quan trọng nhất trong cuộc bầu cử năm 2020 này hay không?

TĐ: Quan trọng trên phương diện tạo ảnh hưởng, tôi nghĩ chắc chắn thế, đó là thế hệ đang làm, đang tạo khác biệt. Quan trọng trên con số cử tri thì tôi không biết, tôi không đủ dữ kiện để nói. Nếu nói về số lượng cử tri, những người trẻ tuổi tức là những người millenial rất quan trọng, bởi vì

TV: Thế hệ năm 2000 đó à?

TĐ: Vâng thế hệ sanh sau năm 2000, nói chung là những người trẻ tuổi, những người hai mươi tuổi hai mươi mấy tuổi đó phải đi bầu. Tôi biết nếu họ đi bầu, đại đa số họ sẽ có cách nhìn tương tự như chúng tôi, tức là họ sẽ bầu cho Dân Chủ nhiều hơn là bầu cho Cộng Hoà. Nhưng cái khó khăn là nhiều người trong họ không chịu đi bầu. Cho nên nói về tầm quan trọng của số lượng cử tri, tôi nghĩ cái số đó là cái số mà cần phải được huy động để họ hiểu cái tầm quan trọng của cuộc bầu cử này và nó ảnh hưởng đến họ đến mức nào và tại sao họ cần phải đi bầu. Bốn năm nữa của ông Trump là một đại đại hoạ cho nước Mỹ.

TV: Hôm ra mắt hành động của người Việt cấp tiến PIVOT, có nữ dân biểu Bee Nguyễn ở Georgia lên kế hoạch rất là hay, tôi rất cảm phục tinh thần làm việc của những người trẻ đó, tuy nhiên cổ cũng chia sẻ rằng bố của cổ ủng hộ ông Trump. Bây giờ sức người có hạn, theo như anh PIVOT nên tập trung vào thế hệ những người trẻ và quên đi thế hệ giống như bố của cô Bee Nguyễn hay không? Tại vì giống như không lay được bức tường đó, mình có nên phí sức hay không? 

TĐ: Về kỹ thuật tranh cử, đúng như chị nói là năng lực có hạn, thành thử ra phải tập trung năng lực vào những công việc có hiệu quả nhất. Thì hiệu quả nhất là ở giữa, chứ không phải là những người “hardcore Trumpist” những người theo ông Trump một cách, ủng hộ rất ư nhiệt tình, chữ không tốt đó là “cuồng Trump.” Chúng tôi cũng rất hiểu điều đó, chẳng hạn như các tiểu bang như Texas, à xin lỗi, như California hay là New York, hay là vùng quanh D.C. hay là Washington là những tiểu bang không quan trọng lắm để chúng tôi vận động, thì đương nhiên chúng tôi vận động ở những tiểu bang “battlegrounds” là những tiểu bang đang tranh chấp, nhưng ngay cả những tiểu bang trước nay cho là đỏ, chẳng hạn như Texas, bây giờ cũng trở thành “battleground” và bây giờ cũng có khả năng, tuy khả năng không cao, nhưng cũng có thể “turn blue.” [đổi ra xanh] Những vùng đô thị như Houston, Dallas, Austin, San Antonio có thể họ đủ phiếu để thay đổi cục diện.

Nhưng đó là vấn đề bầu cử, còn đường dài chúng tôi quan niệm là mình không thể “give up” [bỏ] bất cứ người nào. Tuy những người đó họ cứng ngắc trong quan điểm họ ủng hộ ông Trump, nhưng ông Trump cũng chỉ là một nhân vật, cũng chỉ có giới hạn thời gian thôi, sau ông Trump là một con đường dài nữa. Tôi nghĩ tác dụng lớn của PIVOT là thay đổi cách đàm thoại trong cộng đồng người Việt thay vì chỉ một chiều. Cộng đồng người Việt là cộng đồng một chiều, từ trước đến nay chỉ có một loại sự thật thôi và nếu anh không đồng ý với sự thật của tôi thì tôi sẽ gán cho anh đủ mọi tên cả. Anh sẽ có đủ thứ tên, anh sẽ bị chụp mũ, anh nào là cộng sản, anh nào là ăn lương Trung Quốc, anh ăn lương Tàu Cộng đủ thứ cả. Chúng tôi muốn thay đổi cách đàm thoại đó.

Chúng ta sống trong một xã hội dân chủ đa đảng, đa dạng, chúng ta phải tập cách tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng ý kiến của nhau và tìm hiểu thêm về sự thật chứ đừng có những niềm tin dễ dãi chỉ bởi vì những nguồn tin do ông kia ổng nói, bà kia bả nói, vì cái tờ báo nó đăng vài dòng nói như thế, ông kia lên tv ổng nói thế, có người lên facebook nói như vậy. Chúng ta phải vượt lên trên cái chuyện đó, bởi vì muốn có một nền dân chủ bền vững và lành mạnh, chúng ta phải biết cách trao đổi với nhau và trên đường dài đó là mục đích của PIVOT. Chúng tôi có tầm nhìn ngắn hạn và tầm nhìn dài hạn và tầm nhìn dài hạn là chúng tôi muốn thay đổi cái cấu trúc cách chúng ta nói chuyện với nhau. Trong cộng đồng người Việt Nam, cách nói chuyện với nhau thường hay thiếu tôn trọng, chúng ta lấn át ý kiến người khác. 

TV: Đa số người Việt bây giờ nói chuyện không có sự tôn trọng nhau, anh có nghĩ là hậu quả của hơn 45 năm sống với chế độ cộng sản hay không? Mặc dù mình ghét cộng sản nhưng biết đâu không chừng mình cũng học được cái cách tranh luận một chiều đó hay không?

TĐ: Chị nói thế coi chừng bị chụp mũ đó nhe (cười). Tôi không dám phân tích quá sâu xa về chuyện này bởi vì nó là một chuyện khá phức tạp, phải không? Tôi nghĩ lý do chị đưa ra nó giải thích một phần vấn đề mà nó không giải thích hết cho những người như tôi qua năm 75, trong đó có nhiều người vẫn đối thoại kiểu rất một chiều, cũng chụp mũ, cũng sử dụng những đòn phi dân chủ như vậy.

Nếu nói sâu xa hơn, Việt Nam chưa thật sự có truyền thống dân chủ. Ngay cả Việt Nam Cộng Hoà ngày xưa dân chủ hơn là ngoài Bắc, dân chủ hơn là cộng sản. Việt Nam Cộng Hoà hiện hữu không lâu đủ để trở thành một xã hội dân chủ chín chắn. Chẳng hạn những nước như Nam Hàn cũng có một thời họ độc tài. Họ qua thời đó, họ thai nghén thời đó và họ thoát thân trở thành xã hội dân chủ. Đài Loan cũng thế. Việt Nam Cộng Hoà chỉ mới ở giai đoạn phôi thai của dân chủ, tập sự dân chủ thì đã chết rồi. Thành thử chúng ta không có cơ hội và trước đó chúng ta là một trăm năm thuộc địa, trước đó là phong kiến. Tất cả những chuyện đó tôi nghĩ là nó có nhiều lý do lắm. Nhưng đây là thời điểm trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, tôi thấy đây là thời điểm chuyển tiếp. Tôi thấy rõ ràng ngay cả 10 năm trước cũng ít người Việt, bất cứ người nào nổi tiếng là mình để ý đến ngay, một văn sĩ nổi tiếng cho là một hiện tượng, bây giờ rất nhiều, bây giờ hầu như trong tất cả mọi ngành đều có người Việt ở mức khá cao, khá thành công trong những ngành đó. Tôi nghĩ cộng đồng người Mỹ gốc Việt đang qua giai đoạn chuyển tiếp, chuyển mình và những gì chúng ta đang chứng kiến ngay cả tổ chức PIVOT là một phần của sự chuyển tiếp này, và trong vòng 10 năm nữa cộng đồng này sẽ rất khác. Cách chúng ta tự nhìn vào chúng ta, cách chúng ta nhìn những cộng đồng khác, cách chúng ta đối thoại với nhau sẽ khác rất nhiều. Ngay cả hiện bây giờ đã khác 10 năm trước rồi. Những chuyện tôi nói bây giờ có lẽ 10 năm trước tôi không dám nói, phải không? Và tôi nghĩ thế hệ sau này sẽ làm những sự thay đổi đi nhanh hơn, nhanh hơn thế này nhiều. Tầm ảnh hưởng của những thế hệ 60 tuổi, 70 tuổi, 80 tuổi nó sẽ tắt rất nhanh, xin lỗi các vị đó tôi phải nói như thế. Các vị bây giờ có thể lớn mồm to mồm, quý vị nói ồn ào, nhưng tầm ảnh hưởng của quý vị không bao nhiêu. Ảnh hưởng bây giờ là ảnh hưởng của giới trẻ.

TV: Tôi có thể hình dung được con đường đi của tổ chức Người Mỹ gốc Việt Cấp Tiến PIVOT đó rất là hay, có sự tổ chức chặt chẽ, có những kế hoạch ngắn hạn và dài hạn và “inclusiveness” không bỏ sót ai. Trúc Việt xin hỏi rằng còn những nhóm người trẻ lao động, ít học, không có, nghĩa là “dropped out” đó, những người không có bằng trung học, không có trình độ học vấn cao, cách của tổ chức PIVOT sẽ tiếp cận với nhóm người trẻ đó như thế nào? Trúc Việt đặt câu hỏi đó là vì thành phần đó bầu cho Trump rất nhiều, Trump thắng được nhờ những thành phần đó. Danh xưng của ổng là một tỷ phú làm cho người ta ngưỡng mộ, rất nhiều người ngưỡng mộ nghĩ là ổng quản lý được công ty của ổng thì ổng có thể quản lý được đất nước. Thành phần nghèo đó, thành phần thất học đó lại bầu cho Trump nhiều nhất, ủng hộ Trump nhiều nhất. Thành phần đó mình không thể nào mình gạt qua một bên được phải không ạ?

TĐ: Đúng, chị nói hoàn toàn đúng. Tôi nghĩ là một trong những lý do chúng tôi làm như là kiểm tin mang sự thật lại đó, bởi vì tôi nghĩ nhiều phần có sự ủng hộ của giới đó với ông Trump, nó do sự thiếu hiểu biết về vấn đề, bởi vì họ bị đầu độc bởi những tin giả, bởi những tuyên truyền. Chúng tôi mong là khi mang sự thật đến cho họ nhiều hơn thì họ sẽ hiểu là khi bầu cho ông Trump, họ bầu ngược lại với quyền lợi của chính họ. Khi bầu cho Cộng Hoà là bầu ngược lại quyền lợi của giới công nhân và ngay cả giới trung lưu nữa, tại vì đảng Cộng Hoà gần đây chỉ đại diện cho quyền lực và quyền lực đó dựa trên tiền bạc, nó dựa trên [kỳ thị] sắc tộc mà thôi. Đó là cái duy nhất họ đại diện, cho nên bầu cho họ là bầu ngược lại quyền lợi của đại đa số người Mỹ. Ông Trump bốn năm nữa là một kịch bản đầy kinh hãi, một bi kịch.

TV: Những hoạt động cụ thể nào mà tổ chức PIVOT coi như là sẽ nỗ lực, xả hết gas ra để vận động cử tri bầu cho đảng Dân Chủ? 

TĐ: Chúng tôi ở những tiểu bang gọi là những tiểu bang “battleground” là những tiểu bang chính, những tiểu bang lớn, chúng tôi…

TV: Tiểu bang “battleground” là tiểu bang vẫn còn…

TĐ: xôi đậu. Vâng, chúng tôi có người ở ngay tại đó, đó là những người trẻ tuổi, họ tham gia vì có lòng nhưng họ ăn lương để có thể làm việc. Họ ở những tiểu bang đó và họ sinh hoạt với những tổ chức địa phương, những tổ chức của những sắc tộc bạn. Họ nghiên cứu về những vấn đề truyền thông ở tiểu bang đó, họ nghiên cứu danh sách cử tri để kết nối với những cử tri đó, kêu gọi mọi người đi bầu. Đó là những sinh hoạt ở địa phương đó. Còn ở trung tâm tức là PIVOT chính, chúng tôi nỗ lực sản xuất để soạn ra những tài liệu, dữ liệu để cho những người ở tiền tuyến, những người ở tuyến đầu sử dụng, chúng tôi hỗ trợ họ với những cái chẳng hạn như Vietfactcheck (vietfactcheck.org), chúng tôi sẽ có một loạt những videos, chúng tôi sẽ tung ra và chúng tôi sẽ quảng bá, chúng tôi sẽ có phone bank gọi cử tri người Việt và chúng tôi không làm việc một mình, chúng tôi làm việc với, cộng tác với những tổ chức bạn làm những công việc đó. Chúng tôi hầu như làm việc ngày đêm từ mấy tuần nay, nghĩa là ai cũng phải có công việc ban ngày, nhưng mà ban đêm rảnh rỗi là chúng tôi làm việc cật lực trong nỗ lực bầu cử. 

Tôi cũng xin nói thêm hiện nay chúng tôi cảm thấy rất lạc quan. Ai dám nói trước được. Năm 2016 vẫn là bài học cay đắng của chúng tôi. Nhưng năm nay chúng tôi thấy rất lạc quan, chúng tôi thấy cái energy, cái năng lực của năm 2020 rất khác năm 2016 và chúng tôi hiện giờ rất hăng hái và rất lạc quan.

TV: Câu hỏi cuối cùng cho anh là thông điệp nào anh muốn gởi tới cho độc giả Việt Nam, thính giả Việt Nam, cộng đồng Việt Nam?

TĐ: Chúng tôi muốn nói là chúng ta có thể có sự khác biệt về quan điểm, nhưng thật ra mục tiêu của chúng ta giống nhau hết, cho nên đừng gán cho nhau những nhãn hiệu hay những động cơ, động lực không có thật, bởi chúng ta đều muốn có một nước Mỹ hùng mạnh, hùng cường, yên ổn, hoà bình, chúng ta muốn có sự tử tế, có ai muốn chửi nhau hàng ngày như thế này đâu. Chúng ta muốn một nước Mỹ vững mạnh trên vấn đề ngoại giao, trên đối ngoại được những nước khác coi trọng, chúng ta muốn có được sự an toàn trong đại dịch này cũng như trong những thử thách khác. Mục tiêu của chúng ta giống nhau cho nên chúng ta có lẽ nên tìm những mẫu số chung hơn là chỉ nhấn mạnh vào sự khác biệt giữa phe này và phe kia.

TV: Trúc Việt xin cảm ơn kiến trúc sư Thắng Đỗ, đại diện cho tổ chức Người Mỹ gốc Việt cấp tiến rất nhiều

TĐ: Xin cám ơn chị Trúc Việt rất nhiều. Xin chào.

Nguồn: PIVOT