Seite auswählen
Ảnh minh họa: Cờ Mỹ và Trung Quốc tại một cuộc đàm phán  thương mại ở Bắc Kinh, Trung Quốc năm 2018.
Ảnh minh họa: Cờ Mỹ và Trung Quốc tại một cuộc đàm phán thương mại ở Bắc Kinh, Trung Quốc năm 2018. REUTERS/Jason Lee
Trọng Nghĩa

Hoa Kỳ vào hôm qua, 07/12/2020, đã công bố các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào 14 quan chức cao cấp trong Quốc Hội Trung Quốc về tội “làm suy yếu quyền tự chủ của Hồng Kông”. Biện pháp này nằm trong một loạt động thái cứng rắn của chính quyền Trump nhắm vào quốc gia được coi là “mối đe dọa lớn nhất đối với nền dân chủ”, một quan điểm đang nhận được sự đồng thuận ngày càng tăng giữa ê-kíp của tổng thống mãn nhiệm và chính quyền tương lai của ông Joe Biden.

Như để cho thấy sự đồng thuận rộng rãi trong chính giới Mỹ về quyết tâm chống Trung Quốc, Hạ Viện Hoa Kỳ hôm qua cũng đã nhất trí bỏ phiếu ủng hộ biện pháp đón nhận người dân Hồng Kông đến Hoa Kỳ trong thời hạn 5 năm, với quyền được làm việc. Biện pháp này còn phải được Thượng Viện thông qua để có hiệu lực.

Trong những tháng gần đây, chính quyền Donald Trump đã gia tăng tấn công Trung Quốc, tố cáo vai trò của Bắc Kinh trong việc để cho dịch Covid-19 lây lan, vi phạm quyền của người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ, quân sự hóa Biển Đông, cạnh tranh thương mại bất chính, đánh cắp tài sản trí tuệ hoặc thậm chí có hoạt động gián điệp ở Hoa Kỳ. Thứ Sáu 04/12, Washington còn cắt bỏ các chương trình trao đổi văn hóa do Trung Quốc tài trợ, gọi đó là “công cụ tuyên truyền”.

Chiến dịch đối phó với Bắc Kinh do ngoại trưởng Mike Pompeo dẫn đầu. Ông Pompeo đã xác định rõ ràng rằng gã khổng lồ châu Á là đối thủ chiến lược số một của Washington. Điều này đã được giám đốc tình báo Mỹ, John Ratcliffe, nhắc lại vào tuần trước trên một diễn đàn của nhật báo Wall Street Journal, cho rằng Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất đối với dân chủ và tự do trên thế giới”.

Diễn đàn của ông John Ratcliffe, người do tổng thống Donald Trump đề cử, đã được đón nhận với một sự đồng thuận hiếm có. Các lãnh đạo đảng Cộng Hòa và Dân Chủ của các ủy ban tình báo trong cả hai viện Quốc Hội Hoa Kỳ đã đồng loạt ủng hộ cảnh báo của ông Ratcliffe, bất chấp giai đoạn chuyển giao quyền hành rất tế nhị ở Washington, giữa một tổng thống đương nhiệm không chịu thừa nhận thất bại của mình và một tổng thống đắc cử đang muốn nhanh chóng lật sang trang mới trên nhiều hồ sơ.

Có một dấu hiệu khác cho thấy khả năng chính quyền mới tại Washington sẽ tiếp tục chính sách đối đầu với Bắc Kinh của người tiền nhiệm : Mặc dù đối với Iran, một đối thủ khác của Hoa Kỳ, ông Biden cho biết sẵn sàng nhanh chóng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Teheran, đảo ngược hoàn toàn chính sách của nhà tỷ phú đảng Cộng Hòa, nhưng đối với Bắc Kinh, ông Biden lại khẳng định sẽ duy trì, ít nhất là trong giai đoạn đầu, các mức thuế do chính quyền mãn nhiệm đề ra nhằm gây áp lực đối với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại.

Diễn biến tại Mỹ đã khiến Trung Quốc lo ngại. Một tháng sau khi ứng viên đảng Dân Chủ Joe Biden được dự báo thắng cử vào Nhà Trắng, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào hôm qua, 07/12/2020, đã kêu gọi hình thành “một quá trình chuyển đổi suôn sẻ” để “tái khởi động đối thoại” và “xây dựng lại lòng tin” giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, hy vọng về sự hòa hợp trở lại có thể vấp phải thái độ ngày càng nghi kỵ của một tầng lớp chính trị Mỹ đến từ mọi xu hướng./.