Seite auswählen

Nhà hoạt động Nguyễn Trung Lĩnh bị bí mật kết tội và tuyên án 12 năm tù

Tư liệu: Người thân và các nhà hoạt động kêu gọi trả tự do cho các nhà bất đồng chính kiến tại Hà Nội, ngày 27/8/2018.

Nhà chức trách Việt Nam đã kết tội nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Trung Lĩnh về tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân,” theo điều 117 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015. Ông Lĩnh bị bí mật tuyên án 12 năm tù, tổ chức Người bảo vệ nhân quyền, Defend the Defenders cho biết đã được gia đình báo tin.

Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền dẫn lời người chị dâu của ông Lĩnh, bà Hồ Thị Lan, nói rằng ông đã bị Tòa án Nhân dân Hà Nội bí mật xét xử vào tháng 7 vừa rồi, gia đình không ai được mời đến dự phiên xét xử mà chỉ được công an địa phương thông báo sau phiên tòa.

Bà Lan nói thêm rằng chính quyền không chấp nhận luật sư mà gia đình mướn để bảo vệ cho Lĩnh, và do đó Lĩnh không có luật sư đại diện trước phiên tòa.

Trước khi bị xét xử, ông Lĩnh đã được đưa đến một cơ sở về tâm thần để kiểm tra sức khỏe nên nhiều người tưởng rằng ông vẫn bị giữ ở đó, như trường hợp của blogger Lê Anh Hùng cũng từ Hà Nội, blogger này đã bị cưỡng bức phải điều trị tâm thần trong nhiều tháng.

Hôm 25/5/2018, ông Lĩnh đã đăng một tuyên bố trên trang Facebook, kêu gọi biểu tình ôn hòa để phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông, ông bị lực lượng an ninh bắt giữ vào cuối tháng 5 năm 2018.

Nguyễn Trung Lĩnh sinh năm 1967, quê tỉnh Thanh Hóa, ông sang Cộng hòa Séc vào giữa năm 1980 theo học chương trình cử nhân. Chịu ảnh hưởng của cuộc cách mạng dân chủ ở Đông Âu vào đầu những năm 1990, ông làm việc cho một cơ sở do sinh viên thân dân chủ Việt Nam thành lập ở Praha.

Trở về Việt Nam vào giữa những năm 1990, ông bị lực lượng an ninh bắt giữ nhưng không bị truy tố. Sau đó, Nguyễn Trung Lĩnh bị bắt vì viết bài ủng hộ dân chủ và tìm cách thành lập một tổ chức với các nhà hoạt động khác. Ông bị đưa đến viện điều trị tâm thần trong một thời gian ngắn thay vì ngồi tù.

Người chị dâu cho biết, trong 20 năm qua, ông Lĩnh liên tục bị an ninh Hà Nội đàn áp. Ông bị bắt và bị giam giữ nhiều lần mà không bị buộc tội.

Ông Lĩnh đã nhiều lần bị cảnh sát theo dõi hành hung khi ông tiếp xúc với những nhà hoạt động khác hoặc đưa hai con đi học. Bà Lan cho biết là trong một trường hợp, xe máy của ông bị họ đâm vào, khiến con trai lớn của ông bị thương nặng ở đầu.

Ngoài bị hành hung, cảnh sát còn đe dọa sẽ đưa ông trở lại viện điều trị tâm thần nếu ông tiếp tục viết bài vận động dân chủ đa đảng.

Công an Hà Nội còn phổ biến thông tin sai sự thật rằng Lĩnh bị mắc bệnh tâm thần nhằm mục đích cô lập ông với các nhà hoạt động khác. Đồng thời, họ còn ngăn cản các hoạt động kinh tế của ông.

Công an còn đe dọa người thân của Nguyễn Trung Lĩnh để ngăn họ lên tiếng hỗ trợ ông, bà Lan lưu ý và cho biết thêm, do đó, rất ít người hiểu hoàn cảnh của ông.

Ngoài lạm dụng các điều khoản gây tranh cãi viện lẽ an ninh quốc gia để bắt giữ và kết tội những người bất đồng chính kiến, lực lượng an ninh Việt Nam còn dùng các biện pháp khác để bức hại các nhà hoạt động, như bắt cóc, tra tấn về cả thể xác lẫn tinh thần, theo dõi chặt chẽ và phong tỏa các hoạt động kinh tế. Nhiều nhà bất đồng bị bắt và tống giam trong thời gian dài mà không qua xét xử.

Các nhà bảo vệ nhân quyền, hoạt động xã hội và các blogger nói kết án Nguyễn Trung Lĩnh là một phần nằm trong chiến dịch đàn áp bất đồng chính kiến. Trong năm nay đã có khoảng 30 nhà hoạt động bị bắt và bị kết án cùng với 29 người khiếu kiện đất đai ở xã Đồng Tâm, Hà Nội.

Bản án dành cho Nguyễn Trung Lĩnh là bản án dài nhất cho tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Năm ngoái, giảng viên đại học Nguyễn Năng Tĩnh bị kết án 11 năm tù vì cùng tội danh.

VOA (10.12.2020)

Nhân quyền ở Việt Nam: đóng hay mở?  

Nhân quyền ở Việt Nam vẫn là chuyện nhạy cảm…

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, trong những năm qua, Việt Nam không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, tham gia các điều ước quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của người dân.

Nhân Ngày Quốc tế nhân quyền 10-12, thử ghi nhận ý kiến về quyền con người ở Việt Nam.

“Nhân quyền vẫn là chuyện nhạy cảm của yếu tố chính trị, nên nói mà báo có đăng ý kiến, mong đừng nêu tên thật!” – một nhà báo sống tại Đà Nẵng, nói.

Theo nhà báo ‘ẩn danh’, thì quyền được nói giờ đây ở Việt Nam trồi sụt tùy vào hàn thử biểu của phe nhóm trong chính nội bộ của Đảng.

Đơn cử, ở kỳ họp Hội đồng nhân dân cuối cùng trong năm 2020 của Đà Nẵng, báo chí được phép tường thuật về bài phát biểu dài hơn nửa tiếng đồng hồ của ông Huỳnh Đức Thơ – người sẽ rời ghế chủ tịch thành phố Đà Nẵng ngay sau bài phát biểu đó trước Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng.

“Tôi nghĩ rằng ông Thơ đang có ý muốn nói đến việc điều hành một thành phố lớn nhất, nhì miền Trung vẫn chịu gò bó trong nếp nghĩ đóng khung của nghị quyết Đảng, để rồi sau này nếu có vấp váp thì bề trên lại lôi ra để triệt lúc cần thay ngựa giữa dòng.

Mấy năm trước, chuyện đăng đàn công khai kiểu như ông Thơ ở miền Trung, chẳng hề ai dám. Nếu nhìn từ giác độ đó, tôi nghĩ rằng bắt đầu có nhân quyền ngay trong chính nội bộ Đảng cầm quyền!” – vị nhà báo ‘ẩn danh’, nhận xét.

Một nhà báo khác cũng ở Đà Nẵng dùng cụm từ “nhân quyền cởi mở” để nói về đời sống chính trị hôm nay. Theo đó, việc rất nhiều tài xế ‘Grabbike’ biểu tình bằng cách tụ tập nhau chạy qua nhiều đường phố ở Đà Nẵng ngay thời điểm khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân của thành phố này, cho thấy chắc hẳn nếu không nhận được lệnh bật đèn xanh từ ai đó, chắc chắc chẳng thể nào có cuộc tuần hành với đồng phục và ồn ào đến như vậy ở mùa dịch Covid.

Tuy nhiên dưới góc nhìn của một nữ luật sư từng theo đuổi nghiệp phóng viên tại Sài Gòn, thì dùng cụm từ “nhân quyền đóng – mở” sẽ phù hợp hơn.

Bà kể: “Tôi từng theo chân các nhóm xuống đường biểu tình ở Sài Gòn vào mấy năm trước. Tôi nhận thấy có điểm chung vầy, thường thì cuộc tuần hành của đoàn người không bị cản trở trong thời gian từ 30 phút đến 45 phút ban đầu. Sau đó thì sức nóng của đám đông cùng các hiệu ứng kích động dẫn đến sự trấn áp mạnh mẽ từ nhà chức trách.

Lần ngạc nhiên nhất là vụ biểu tình kéo dài đến mấy ngày, dẫn đến cuộc bạo động quy mô nhỏ ở tỉnh Bình Thuận. Lần đó có yếu tố Trung Quốc khá rõ, vì mọi việc bùng phát từ nơi có nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân.

Sau đó quan sát từ sự kiện phía tập đoàn Pouchen của Đài Loan cho công nhân nghỉ việc ở Bình Tân, tôi càng củng cố ngờ vực nghi vấn ở cuộc đình công biểu tình mấy năm trước đó liên quan đến luật lao động của công nhân Pouchen, là có bàn tay tổng đạo diễn từ phía tạm gọi là ‘người của chính quyền’.

Lý do ư? Lần cho nghỉ việc và đền bù với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng cho một công nhân ở Pouchen, tôi có thực hiện phỏng vấn, và nhận ra gần như người lao động nơi đây ai làm phân xưởng nào, thì chỉ biết đúng mỗi khu vực mình. Họ không có thời gian để tìm hiểu những đồng nghiệp khác trong cùng công ty.

Do vậy việc con số lên tới hàng chục ngàn người đình công, biểu tình ở Pouchen trước đây là khó hiểu, nếu như không có một lực lượng chuyên nghiệp đủ mạnh trong quy tụ số đông… Nói như vậy để thấy rằng nhìn vẻ bên ngoài, khó thể nói Việt Nam thiếu nhân quyền; bởi biểu tình ầm ầm lên đến cả chục ngàn người kia mà!” – bà luật sư từng đeo đuổi nghề phóng viên, chia sẻ cách đánh giá cho sử dụng cụm từ “nhân quyền đóng – mở” của Việt Nam.

Sông Hàn

VNTB (10.12.2020)

Châu Á: Không gian chính trị thu hẹp, Việt Nam bị xếp hạng « đóng cửa »

Ảnh minh họa: Nhà đấu tranh Lê Đình Lương trước một tòa án ở Nghệ An (Việt Nam) ngày 16/08/2018. AP – Bich Hue

Theo báo cáo thường niên của CIVICUS Monitor được The Diplomat trích dẫn hôm 08/12/2020, hiện nay có gần 90% dân châu Á sống tại các quốc gia mà xã hội công dân bị đóng kín, đàn áp hoặc ngăn trở.

Báo cáo của tổ chức toàn cầu chuyên theo dõi không gian chính trị và xã hội dân sự ghi nhận việc tôn trọng các quyền tự do căn bản tại 196 nước, được xếp vào năm nhóm « cởi mở », « thu hẹp », « ngăn trở », « hạn chế », « đóng cửa ». Tổng cộng năm nay chỉ có 13% dân số thế giới sống tại các nước « cởi mở » và « thu hẹp », cho thấy không gian chính trị đang xấu đi trên thế giới.

Riêng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chỉ có Đài Loan được đánh giá là « cởi mở ». Có 9 nước xếp loại « ngăn trở », 9 nước « thu hẹp », và 4 nước gồm Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Bắc Triều Tiên được cho là « đóng cửa » với xã hội công dân.  

Theo báo cáo, mỗi nước có cách trấn áp khác nhau. Một số chính phủ gia tăng các vụ tấn công trực tiếp vào xã hội dân sự, sách nhiễu các nhà hoạt động, dẹp biểu tình hay hành hung những người phản kháng, nhà báo, blogger. Số khác đàn áp dưới vỏ bọc hợp pháp, thông qua những đạo luật hà khắc để ngăn trở những người bất đồng chính kiến.

Đại dịch corona được dùng như một cái cớ để biện minh cho đa số những vụ trấn áp gần đây ở châu Á, nhiều nhà lãnh đạo chuyên chuyền coi dịch Covid là cơ hội để củng cố quyền lực, bất kể tác hại đến sức khỏe cộng đồng. Tiêu biểu là Philippines dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte từ « ngăn trở », năm nay đã rơi xuống hạng « hạn chế » xã hội dân sự.

RFI (09.12.2020)

Front Line Defenders: Kháng cáo khẩn cấp về TNLT Trần Huỳnh Duy Thức vầ Nguyễn Bắc Truyển TNLT

Front Line Defenders: Kháng cáo khẩn cấp về TNLT Trần Huỳnh Duy Thức vầ Nguyễn Bắc Truyển TNLT

3 tháng 12 năm 2020

Việt Nam: Sức khỏe của Nguyễn Bắc Truyển và Trần Huỳnh Duy Thức xấu đi khi tiếp tục tuyệt thực

Sức khỏe của Nguyễn Bắc Truyển và Trần Huỳnh Duy Thức đã sa sút nghiêm trọng sau khi cả hai nhà bảo vệ nhân quyền tuyệt thực hơn một tuần. Ông Nguyễn Bắc Truyển đã tuyệt thực để phản đối sự ngược đãi của cán bộ trại giam vi phạm Luật Thi hành án hình sự năm 2019 của Việt Nam. Ông Trần Huỳnh Duy Thức đã tuyệt thực để yêu cầu giảm sáu năm tù theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, được đưa ra sau khi ông bị kết án vào tháng 1 năm 2010.

Ông Nguyễn Bắc Truyển là một chuyên gia pháp lý thúc đẩy tự do tín ngưỡng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và là Trưởng Hiệp hội Hữu nghị Tù nhân Chính trị & Tôn giáo Việt Nam, một tổ chức dành cho các cựu tù nhân lương tâm. Ông cũng đã hỗ trợ pháp lý miễn phí cho các nạn nhân bị cướp đất, vận động cho dân chủ đa nguyên và kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị. Ông Trần Huỳnh Duy Thức là một nhà bảo vệ nhân quyền, người ủng hộ quyền của những người bảo vệ nhân quyền. Ông cũng là một doanh nhân và một blogger, thông qua bài viết của mình, ông đã nêu ra các vấn đề xã hội, chính trị và kinh tế phổ biến ở Việt Nam. Ông cũng thành lập Nhóm Nghiên cứu Chấn để nghiên cứu kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam và các nước trong khu vực.

Sức khỏe của Nguyễn Bắc Truyển và Trần Huỳnh Duy Thức xấu đi nhanh chóng kể từ khi bắt đầu tuyệt thực hơn một tuần trước. Ông Nguyễn Bắc Truyển bắt đầu tuyệt thực để phản đối chính quyền đối xử tệ bạc với ông và các bạn tù tại trại giam An Điềm. Những lá thư viết cho ông liên tục bị chính quyền chặn và ông không được phép tiếp cận thư từ.

Ông Truyển đã không thăm khám y tế hoặc điều trị nào mặc dù có nhiều lần yêu cầu về các bệnh khác nhau như đau khớp. Ông Nguyễn Bắc Truyển đã phản đối một số hành vi vi phạm Luật Thi hành án hình sự năm 2019 của Việt Nam, theo Điều 27, một quy định toàn bộ về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân, trong đó đảm bảo nhiều điều như chăm sóc sức khỏe, tiếp cận thư, quyền biểu đạt tín ngưỡng tôn giáo và quyền khiếu nại. Ông đã ở trại giam hơn ba năm kể từ khi bị bắt vào ngày 30 tháng 7 năm 2017 vì bị cáo buộc tham gia các hoạt động chống nhà nước.

Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực để yêu cầu Tòa án cấp cao xem xét lại bản án mười sáu năm được tuyên án vào năm 2010, để tuân theo những thay đổi trong Bộ luật Hình sự năm 2015, mức án tối đa là năm năm đối với cáo buộc chống lại ông. Ông Thức hiện đang thụ án năm thứ mười một sau khi bị bắt vào ngày 29 tháng 5 năm 2009 và bị giam giữ trước khi xét xử, cho đến khi chính thức bị buộc tội theo Điều 79 vì tội lật đổ vào tháng 1 năm 2010.

Trong những năm kể từ khi bị bắt, Trần Huỳnh Duy Thức đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong tù, như hạn chế tiếp cận với gia đình và sau đó bị chuyển đến một trại giam ở xa gia đình mà không có lý do chính đáng nào được đưa ra. Trong khi ở trong tù, ông đã dẫn đầu nhiều cuộc tuyệt thực và tiếp tục bảo vệ quyền lợi của các bạn tù.

Hiện ông đang ở trại tạm giam Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Khi gia đình đến thăm vào tuần trước, ông Thức đã chuyển lời nhắn: “hãy tiếp tục con đường khai sáng cho dân tộc và cho nhân loại, các cuộc đấu tranh cần hướng đến thượng tôn Quyền Con Người, hãy tận dụng sự ra đi của tôi để đẩy cuộc đấu tranh này đến cuối cùng trong năm nay và năm sau.”

Front Line Defenders thực sự quan tâm đến việc các nhà bảo vệ nhân quyền Nguyễn Bắc Truyển và Trần Huỳnh Duy Thức tiếp tục bị giam giữ và sức khỏe giảm sút, vì họ tin rằng việc họ bị giam cầm và đối xử tệ bạc chỉ được thúc đẩy bởi hành động hợp pháp và ôn hòa của họ trong việc bảo vệ nhân quyền. Front Line Defenders kêu gọi các cơ quan chức năng ở Việt Nam:

1. Cung cấp hăm sóc sức khoẻ cần thiết ngay cho Nguyễn Bắc Truyển và Trần Huỳnh Duy Thức;

2. Trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Nguyễn Bắc Truyển và Trần Huỳnh Duy Thức, đồng thời bãi bỏ mọi cáo buộc chống lại họ, vì phe Front Line Defenders tin rằng họ đang bị nhắm tới chỉ vì hoạt động hợp pháp và ôn hòa nhằm bảo vệ nhân quyền;

3. Đảm bảo rằng việc đối xử với Nguyễn Bắc Truyển và Trần Huỳnh Duy Thức, trong khi bị giam giữ tuân thủ Luật Thi hành án hình sự năm 2019 của Việt Nam và các điều kiện quy định trong ‘Nguyên tắc Bảo vệ con người dưới mọi hình thức giam giữ hoặc tống giam’, được thông qua theo nghị quyết 43/173 ngày 9 tháng 12 năm 1988 của Đại hội đồng LHQ;

4. Bảo đảm trong mọi trường hợp tất cả những người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam có thể thực hiện các hoạt động nhân quyền hợp pháp của mình mà không sợ bị trả thù và không bị hạn chế.

__________________

Nguồn: https://www.frontlinedefenders.org/sites/default/files/vietnam_-_ua_-_nguyen_bac_truyen_tran_huynh_duy_thuc_-_3_dec_2020.pdf

VNTB (09.12.2020)

Tuyên bố của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Người Bảo vệ Nhân quyền về tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức

Tuyên bố của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Người Bảo vệ Nhân quyền về tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức

Thông cáo báo chí, ngày 08/12/2020

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, người đang thụ án tù 16 năm tại Trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) về tội danh nguỵ tạo “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999, đã tuyệt thực từ ngày 24/11 và ông tuyên bố sẽ tuyệt thực đến cùng cho đến khi Toà án Nhân dân Tối cao và các cơ quan của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam xem xét lại bản án của ông.

Năm 2018, Bộ luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực, thay thế Bộ luật Hình sự 1999. Theo Điều 7 và Điều 109 của luật này thì tội danh “Người chuẩn bị phạm tội này [hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân] thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.” Đây chính là cơ sở để ông Trần Huỳnh Duy Thức có đơn kháng án từ tháng 7 năm 2018 yêu cầu nhà cầm quyền trả tự do cho ông sau khi ông đã thụ án liên tục từ năm 2010.

Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Người Bảo vệ Nhân quyền nhận định rằng:

Ông Trần Huỳnh Duy Thức hoàn toàn vô tội; các hoạt động của ông  chỉ nhằm thực hiện các quyền cơ bản quy định trong các công ước quốc tế về nhân quyền mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã ký kết và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn.

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã không tôn trọng Luật Nhân quyền quốc tế,  Hiến Pháp 2013, và Bộ luật Hình sự 2015 mà họ đã ban hành.

Vì thế chúng tôi yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam:

Cứu xét kháng cáo của ông Trần Huỳnh Duy Thức ngay lập tức và thông báo để ông ngừng tuyệt thực nhằm bảo toàn tính mạng của chính mình.

Trả tự do vô điều kiện cho ông Trần Huỳnh Duy Thức cũng như bồi thường cho ông về những năm tháng mà ông bị giam giữ từ năm 2018 tới nay.

Cải thiện tình trạng giam giữ các tù nhân, đặc biệt các tù nhân lương tâm, theo tiêu chuẩn tối thiểu của Liên Hiệp quốc về giam giữ tù nhân (Quy tắc Nelson Mandela).

Trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm, và bảo đảm người bảo vệ nhân quyền được hoạt động ôn hoà mà không bị giới hạn hoặc bị trả thù.

Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Người Bảo vệ Nhân quyền kêu gọi các tổ chức và cá nhân trong nước cũng như cộng đồng quốc tế lên tiếng về trường hợp ông Trần Huỳnh Duy Thức và các tù nhân lương tâm khác để công lý được thực thi ở Việt Nam.

Hết thông cáo.

Thay mặt tổ chức Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam: Trưởng ban Điều hành, Tiến sỹ Nguyễn Bá Tùng

Thay mặt Người Bảo vệ Nhân quyền: Giám đốc, Thạc sỹ Vũ Quốc Ngữ

===============

 Statement of Vietnam Human Rights Network and Defend the Defenders on prisoner of conscience Tran Huynh Duy Thuc

Press release, December 8, 2020

Prisoner of conscience Tran Huynh Duy Thuc, who is serving a 16-year prison term at Prison camp No. 6 (Thanh Chuong district, Nghe An province) for fraudulent allegation “activities aimed at overthrowing the People’s administration” under Article 79 of Vietnam’s Penal Code 1999, has been conducting a hunger strike since November 24. Thuc declared to go on the hunger strike until the Supreme People’s Court and the government legal agencies reconsider his verdict.

In 2018, the Criminal Code 2015 officially took effect, replacing the Penal Code 1999. According to Articles 7 and Article 109 of the new code, the crime of “Preparing to commit this crime [activities to overthrow the human government people] shall be sentenced to between 01 and 05 years’ imprisonment.” This is the basis for Mr. Tran Huynh Duy Thuc to pursuit an appeal from July 2018 asking the authorities to release him after he has continuously served his sentence from 2010.

Vietnam Human Rights Network and Defend the Defenders declare that:

Mr. Tran Huynh Duy Thuc is completely innocent; his activities were solely aimed at exercising his basic rights guaranteed by the international human rights conventions that the Vietnamese communist government has signed and ratified.

The Vietnamese communist authorities did not respect the international humanrights treaties, the country’s Constitution2013, and the Criminal Code 2015.

So we request the Vietnamese communist regime to:

Review Mr. Tran Huynh Duy Thuc’s appeal immediately and notify him to stop a hunger strike to save his own life.

ReleaseMr. Tran Huynh Duy Thuc immediatelyand unconditionally as well as compensate him for the years he was held from 2018 up to now.

Improve livingconditions of detainedprisoners, especially prisoners of conscience, according to the United Nations Standard Minimum Rules for the Treatment of Prisoners (Nelson Mandela Rules).

Release all prisoners of conscience, and guarantee in all circumstances that all human rights defenders in Vietnam are able to carryout their legitimate human rights activities without fear of reprisals and free of allrestrictions.

Vietnam Human Rights Network and Defend the Defenders call upon Vietnam’s civil society and individuals as well as the international community to speak up about the case of Mr. Tran Huynh Duy Thuc and other prisoners of conscience so that justice can be realized in Vietnam.

End of the statement.

On behalf of the Vietnam Human Rights Network: President, Tung B Nguyen, DPA

On behalf of Defend the Defenders: President, Ngu Q Vu, MSc

VNTB (09.12.2020)

Việt Nam : RSF mở chiến dịch đòi tự do cho nhà báo Phạm Đoan Trang

Blogger – Nhà báo Phạm Đoan Trang. © rsf.org

Hai tháng sau khi blogger Phạm Đoan Trang bị bắt, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF), trụ sở tại Paris, hôm qua, 07/12/2020, đã khởi động chiến dịch #FreePhamDoanTrang, nhằm vận động cộng đồng người Việt đấu tranh cho nhà báo này và đòi trả tự do cho cô.

Phạm Đoan Trang, đồng sáng lập viên các trang web thông tin Luật Khoa và TheVietnamese, đã bị bắt tại nhà ở Sài Gòn vào đêm 06 rạng sáng 07/10/2020. Bị cáo buộc « tuyên truyền chống nhà nước », blogger này có nguy cơ lãnh án đến 20 năm tù. Trong bản kiến nghị, RSF đòi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho nhà báo vốn đã được tổ chức này tặng giải thưởng tự do báo chí năm 2019.

Ông Daniel Bastard, phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của RSF, tuyên bố : « Với lòng can đảm và hào hiệp, Phạm Đoan Trang là một biểu tượng của cuộc đấu tranh vì thông tin khả tín và độc lập cho người Việt. Ký vào kiến nghị đòi trả tự do cho blogger này là tham gia ủng hộ tự do báo chí, trong một đất nước mà mọi phương tiện truyền thông đều bị cơ quan tuyên truyền của đảng Cộng Sản kiểm soát nghiêm ngặt, đồng thời chứng tỏ tình liên đới với xã hội dân sự Việt Nam đang hoạt động rất sôi nổi dù bị Nhà nước kiểm soát».

Trong một video của RSF, những người thân cận với Phạm Đoan Trang đang sống tại nhiều nước đã lên tiếng. Cô Nguyễn Ngọc Anh ở Pháp, một người bạn thời trung học, ủng hộ quyết tâm của Đoan Trang trong việc viết báo, xuất bản sách để phổ biến kiến thức cho nhiều người. Trịnh Hữu Long, đồng sáng lập viên Luật Khoa tạp chí và TheVietnamese, đang ở Đài Loan, cho rằng Đoan Trang là một trong những nhà báo có nhiều tác động nhất, nằm trong số những nhà hoạt động can đảm và hiệu quả nhất.

Blogger Nguyễn Văn Đài, đang lưu vong tại Đức, nhận định Phạm Đoan Trang là một trí thức gắn bó với đất nước, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhân quyền và đánh động ý thức chính trị nơi người dân. Nhà hoạt động Trần Thị Nga, từng bị lãnh án 9 năm tù và hiện lưu vong tại Mỹ, cho biết Đoan Trang từng bị tấn công khiến đôi chân nay mang tật. Trần Thị Nga nhấn mạnh việc giam giữ blogger này là vi phạm nghiêm trọng nhân quyền. Từ Berlin, ông Lê Trung Khoa, phụ trách trang ThoiBao.de, khẳng định Phạm Đoan Trang chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận đã được Hiến pháp Việt Nam bảo đảm.

Ông Daniel Bastard nhắc lại, từ nhiều năm qua Việt Nam vẫn nằm trong những nước nằm cuối danh sách tự do báo chí thế giới của RSF, và đứng thứ 175/180 nước trong bảng xếp hạng năm 2020.

RFI (08.12.2020)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen