Seite auswählen
 Từ quán cóc vỉa hè đến cung điện xa hoa, đất nước này có đầy những “Duy Nguyễn”.

Cái chết đột ngột của nghệ sĩ Chí Tài và những phát ngôn ồn ào của Duy Nguyễn khiến dư luận dậy sóng những ngày qua. Ảnh: Cafebiz.

Vụ Duy Nguyễn phát ngôn về việc vợ Chí Tài muốn đưa thi hài chồng về Mỹ có một khía cạnh khá lớn, đó là việc một người xen vào chuyện không phải của mình.

Cụ thể, anh chàng gymer khá có tiếng nói thế này:

“Vợ Chí Tài và ông cơm không lành canh không ngọt, nên không hề có chuyện yêu thương nhau như báo chí viết”.

“Cho cái lý do với quan điểm nào mà đòi đem về Mỹ? Lúc sống thì bà ấy không ở chung, ông Tài ở Việt Nam nhiều hơn ở Mỹ, già hú rồi sáu mấy tuổi rồi… Nếu mà vợ chồng thân thiết là người ta ở bên nhau rồi, không một cảnh hai quê đâu. Lúc sống thì lạnh nhạt, lúc chết thì lợi dụng người ta nổi tiếng”.

“Bà vợ tôi không hiểu bà nghĩ làm sao mà đem xác về Mỹ, rồi còn ủy quyền cho ông Hoài Linh, muốn thì bà bay về mà làm, tự nhiên đá khó qua cho ông Hoài Linh… Sống ở Mỹ tư tưởng nó phải khác, thứ nhất là không quan trọng cái thi hài. Người mà sống tiến bộ không ai quan tâm đến thi hài”.

Ai cũng có thể có quan điểm về việc tại sao vợ Chí Tài lại muốn đưa thi hài chồng về Mỹ, nhưng khi đăng video lên cho công chúng xem thì Duy đã mang một chuyện riêng tư của gia đình Chí Tài vào không gian công cộng, với những lời lẽ nhẹ thì chất vấn, nặng thì lên án.

Có lẽ khi phát ngôn, Duy không tự chất vấn lại bản thân là mình lấy tư cách gì để chất vấn và lên án gia đình Chí Tài. Không phải là một thành viên gia đình, Duy Nguyễn không có thông tin về nội tình gia đình và không có quyền gì liên quan đến việc mai táng Chí Tài, cớ sao đăng đàn như thể anh là… ông nội của Chí Tài? Mà ngay cả ông nội của Chí Tài cũng chưa chắc có tư cách xen vào chuyện này, vì bà vợ Chí Tài mới là người có tư cách quyết định.

Nhưng có vẻ Duy Nguyễn chỉ là một phần của hiện tượng này. 

Ta hãy điểm lại, từ vỉa hè cho đến hội trường Ba Đình, đâu đâu cũng có Duy Nguyễn.

Ở góc này, một nhóm uống trà đá xì xào bàn tán chuyện nào là quái lạ sao bà vợ của ông A đầu phố mãi chưa sinh con, rồi hay là tay A đấy vô sinh, úi giời, có khi lão ấy bê-đê cũng nên, mà có giời mới biết nhá, bà vợ lão xưa cũng ăn chơi đàng điếm lắm, lại chẳng phá thai bao nhiêu lần rồi ấy chứ, đếch phải “dạng vừa” đâu.

Ở góc khác, họ hàng chòm xóm đến một nhà nọ chơi, ai ai cũng vậy, chưa bước được nửa bàn chân qua cửa đã kịp chất vấn đứa con gái lớn của chủ nhà rằng ơ con này năm nay vẫn chưa lấy chồng đi mà còn ru rú ở nhà với bố mẹ thế à, còn cái thằng em mày nữa, ối giời ơi bố mẹ chúng mày đầu sáu đít chơi vơi cả rồi không lo mà lấy vợ sinh con đi, định bao giờ cho bác ăn cỗ đây, nhìn thằng Tí con nhà ông Tèo ở đầu ngõ đấy, bằng tuổi mày mà nó một vợ hai con rồi đấy.

Những biểu hiện nho nhỏ như vậy trong đời sống xã hội rất nhất quán với tư duy của tầng lớp lãnh đạo xã hội, vốn cũng rất thích xen vào những chuyện chẳng liên quan gì đến mình.

Hồi năm 2012, Thành ủy Hà Nội gây xôn xao dư luận với chỉ thị về việc người dân và cán bộ, đảng viên nên tổ chức đám cưới bao nhiêu mâm, mời bao nhiêu khách, tổ chức tiệc mấy lần, đi phong bì ra sao. Chỉ thị nói: “Vẫn còn tình trạng một bộ phận nhân dân và cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp không gương mẫu, vẫn tổ chức cưới linh đình, phô trương, xa hoa, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng không tốt đến uy tín của cán bộ, đảng viên và nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Những cái chỉ thị như thế này dẫn đến việc các cấp chính quyền địa phương ban hành những quy chế đám cưới văn hóa, đám cưới kiểu mẫu, nhà nào không làm theo thì ít nhiều sẽ bị gây khó dễ khi làm việc với chính quyền.

Các chính quyền địa phương khác cũng có những loại chỉ thị như vậy, chẳng hạn như văn bản hướng dẫn năm 2013 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên còn yêu cầu tang lễ phải diễn ra như thế nào. Tôi xin trích một đoạn rất ngắn:

“Việc tổ chức ăn uống trong lễ tang chỉ thực hiện trong nội bộ gia đình, dòng họ và phải đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Đồ lễ trong lễ tang tuỳ theo tình cảm và quan hệ của người viếng với gia đình tang chủ, viếng người chết chỉ nên thắp một thẻ hương và chia buồn cùng tang chủ. Hạn chế viếng bằng vòng hoa, các bức trướng để tránh lãng phí và đảm bảo vệ sinh môi trường.”

Không nghi ngờ gì nữa, cái chỉ thị này đích thị là do một anh “Duy Nguyễn” nào đó soạn ra.

Truy ra mới biết là các loại chỉ thị này có gốc gác từ một chỉ thị của Bộ Chính trị số 27-CT/TW ngày 12/01/1998 về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”. Hóa ra cái tư duy này không phải là vấn nạn riêng của địa phương, mà lại xuất phát từ cơ quan quyền lực nhất của hệ thống chính trị.

Cũng chớ tưởng cái thứ tư duy này chỉ có ở những việc ma chay, hiếu hỷ. Can thiệp vào chuyện riêng của người khác là đại chiến lược của chính quyền trong việc cai trị dân chúng từ xưa đến nay.

Thời hợp tác hóa, họ bắt người dân phải góp ruộng của mình vào các hợp tác xã để sản xuất chung, cấm làm ăn cá thể, phá vỡ những trụ cột căn bản nhất của nền kinh tế, không cho ai được kiếm ăn theo cách của mình.

Họ thậm chí còn thi hành chế độ tem phiếu lương thực, trực tiếp quyết định việc một người được ăn cái gì, ăn bao nhiêu, và ăn lúc nào. Thời đó, ai mà lén lút giết gà mổ lợn ăn còn bị bêu tên, trù dập lên xuống.

Thời sau chiến tranh, họ cấm người dân để tóc dài, mặc quần ống loe, nghe nhạc vàng, lấy đi những cái quyền mà thậm chí người tiền sử còn có.

Lại còn chuyện họ cấm người dân sinh quá hai con, ai vi phạm thì bị sỉ nhục, bị kỷ luật, bị phạt. Biết bao gia đình đã khốn đốn vì trót sinh con thứ ba.

Ấy thế nhưng mấy cái chuyện ấy còn chưa trái khoáy bằng chuyện họ quy định người ta phải yêu ai, phải ghét ai, thậm chí có được yêu hay không, có được ghét hay không.

Nghe kỳ cục quá? Xin thưa, nó chẳng xa lạ với chúng ta chút nào.

Thời những năm 1950, nhà thơ Hữu Loan bị chính quyền cô lập, truy bức chỉ vì bài thơ “Màu tím hoa sim” của ông bị cho là “thứ văn chương ủy mị, mang tư tưởng tiểu tư sản”. Không may mắn như ông, rất nhiều nghệ sĩ của phong trào Nhân văn – Giai phẩm phải đi tù không án chỉ vì những vần thơ tình, thơ phê phán chế độ. 

Những chuyện cơ quan, đơn vị can thiệp vào chuyện yêu đương, cưới xin của nhân viên là chuyện từng rất thông thường suốt một thời bao cấp.

Nay, mọi thứ đã dễ thở hơn nhiều, nhưng việc bạn yêu ghét một cán bộ lãnh đạo cũng có thể biến thành chuyện tày đình, và khả năng cao đẩy bạn vào tù. Người ta có luật cho việc này đàng hoàng, chứ tôi không nói chơi.

Chẳng vậy mà Lê Đạt, nhà thơ nổi tiếng của phong trào Nhân văn – Giai phẩm, từng ví von thế này:

“Anh công an nơi ngã tư đường phố
Chỉ đường cho
xe chạy
xe dừng
Rất cần cho luật giao thông
Nhưng đem bục công an đặt giữa trái tim người
Bắt tình cảm ngược xuôi
Theo luật lệ đi đường nhà nước
Có thể gây nhiều đau xót
ngoài đời”

Tôi có dẫn dắt xa xôi quá không, khi từ mấy lời lẽ của Duy Nguyễn về đám tang của Chí Tài mà kéo lên tới tận chuyện… cung đình? Quả là có xa, nhưng thực ra cũng rất gần. Những kẻ hôm nay đem bục công an đặt giữa trái tim người thực ra chính là những người hôm qua ngồi ở quán trà đầu ngõ chõ mũi vào và phán xét, lên án chuyện riêng tư của người khác mà thôi.

Chính trị tuy xa mà gần, vì nhân dân nào thì chính quyền nấy. Lề thói cai trị của chính quyền chỉ là tấm gương phản ánh cái văn hóa chính trị của xã hội ấy mà thôi./.

Luật Khoa

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen