- Lê Mạnh Hùng
- Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Berlin
“Harter Lockdown”, nước Đức chuẩn bị bước vào một đợt phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn quốc, từ ngày 16/12 đến 10/1/2021.
Quyết định được Thủ tướng Angela Merkel cùng lãnh đạo tất cả các bang của Đức thống nhất đưa ra hôm Chủ Nhật 13/12.
Phong tỏa một phần từ đầu tháng Mười Một đã không mang lại kết quả như mong muốn. Ngược lại, lây nhiễm Covid ở Đức đã và đang tăng với tốc độ chóng mặt.
Hơn 20.000 người nhiễm virus, gần 600 người chết chỉ trong một ngày. Tỉ lệ lây nhiễm ở Đức (R) đạt con số 1,17.
Các bệnh viện sắp quá tải, số máy trợ thở đã được huy động ra gần hết. Người ta đã bàn nhiều đến việc trong bệnh viện phải áp dụng quy định ưu tiên cứu ai và không cứu ai trước ra sao, v.v…
“Chúng ta bị cưỡng bức phải hành động, và bây giờ chúng ta hành động,” bà Merkel tuyên bố hôm Chủ Nhật.
Vậy là miễn đi chợ Noel, khỏi sắm quà Tết, chẳng có đêm Giáng Sinh quây quần hai ba thế hệ bên cây thông Noel, hết đốt pháo mừng năm mới, chỉ được phép tụ họp tối đa năm người, thuộc tối đa hai hộ. Cấm uống rượu, bia nơi công cộng. Cấm hội họp, cấm bán pháo nổ, pháo hoa.
Gói hỗ trợ cho doanh nghiệp được bổ sung. Các doanh nghiệp có thể xin hỗ trợ đến 500.000 Euro. Buôn bán lẻ phải đóng cửa hoàn toàn, trừ các cửa hàng bán thực phẩm và nhu cầu cấp thiết hàng ngày được mở.
Nỗi lo thất nghiệp, lo phá sản và đặc biệt lo bị dính Covid, lo sao sống sót… ngự trị trong đầu nhiều người. Lo thắt ruột thắt gan.
“Chúng tôi tin tưởng vào khoa học.” Bà Merkel luôn tham khảo thông tin từ Viện khoa học Quốc gia Leopoldina ở thành phố Halle, nơi tập trung hơn 1.600 nhà khoa học tên tuổi nổi tiếng thế giới.
Lời khuyên phải “Harter Lockdown” của Viện này được chính phủ Đức nghe theo, thậm chí thực hiện sớm hơn, trước dịp nghỉ Noel để tận dụng kỳ nghỉ Giáng Sinh của các trường học.
Mục lục
Trăm mối lo
Chị N., chủ một tiệm ăn ở Berlin hoảng hốt. Em gái của chị bắt đầu có biểu hiện trầm cảm, tự gọt trọc đầu bởi bị tù túng trong nhà quá lâu. Chị N. lo doanh nghiệp của mình sẽ bị vỡ mà loay hoay không biết lối thoát từ đâu. Anh chồng Đức của chị thì lại vẫn hoài nghi virus corona không có thật, chỉ miễn cưỡng đeo khẩu trang lấy lệ.
Thủ hiến bang Munich, ông Markus Söder báo động: “Virus corona đã vượt khỏi tầm kiểm soát, nếu không cẩn thận, Đức sẽ trở thành mối lo lắng của cả EU.”
Dân chúng Đức và người Việt hầu như không còn ngỡ ngàng với Covid-19 như hồi tháng Ba, không hoảng hốt đổ xô đi mua hàng, không lo thiếu đồ dùng, khẩu trang, nhưng thấy sợ hãi với số người nhiễm, người chết lần này quá nhiều như vậy.
“Rồi thì ai cũng sẽ dính virus corona thôi,” anh T. có cửa hàng bán hoa ở Berlin tuyệt vọng nói vậy.
Nhiều người Việt không khỏi so sánh cách đối phó Covid-19 của châu Âu với Việt Nam.
Phát biểu tại Quốc hội Đức hôm 9/12, bà Merkel nói: “Chúng ta không thể làm giống như các quốc gia theo xu hướng độc tài, toàn trị. Cách làm của chúng ta là dựa vào sự thỏa thuận và tinh thần tự giác thực hiện của cả xã hội. Những giá trị căn bản của quyền con người cần phải được giữ gìn.”
Một cuộc biểu tình lớn dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 31/12 trước cổng thành Brandenburger Tor, trung tâm Berlin, với số lượng chừng 22.500 người tham gia, đã được đăng ký với cảnh sát Đức.
“Querdenken”/”Tư duy ngang ngược” là tên của một tổ chức cực hữu chống lại việc tiêm chủng, coi Covid-19 chỉ là “thuyết âm mưu, bịa đặt” từng kêu gọi biểu tình từ nhiều tháng qua ở khắp Đức, muốn lợi dụng quyền biểu tình để chống lại các biện pháp giãn cách xã hội của chính phủ.
Khiêu khích, gây rối trên đường phố buộc cảnh sát phải ra tay, các đám quá khích ở Đức muốn gây scandal để đảng đối lập thiên hữu AfD trong quốc hội lấy đó làm cớ để tấn công, chỉ trích chính phủ đang cầm quyền.
Liệu cuộc biểu tình lớn vào ngày 31/12 ở Berlin có diễn ra?
Hôm 12/12, một giáo sư, bác sĩ làm việc trong bệnh viện của thành phố Leipzig thông báo, một thủ lĩnh có tên tuổi của tổ chức “Querdenken” kia đã bị nhiễm Covid-19 nặng, đang nằm thở bằng máy trợ thở ở bệnh viện của ông.
Phải tự giam hãm quá lâu trong nhà khiến nhiều người Đức lo lắng, đặc biệt cho trẻ em. Thiếu tiếp xúc xã hội, trẻ sẽ bị ảnh tới sự phát triển, dễ gặp căng thẳng, thậm chí bị bạo hành trong gia đình.
Ngược lại không ít người Việt lại cho rằng đồng hương của mình có ít vấn đề hơn người Đức.
Dân Việt ta “vui tính”, dễ dãi, hễ có ăn, có phim nhiều tập để xem, tụ tập chơi bài, “có Kara là oke”, có internet lướt ‘phây’ là ổn, đâu có nhiều nhu cầu du lịch, thể thao, trượt tuyết, leo núi, xem hòa nhạc và… tham gia hội họp, biểu tình như người Đức.
Thực tế lâu nay đã chứng minh, vào các kỳ nghỉ hè, nghỉ đông, nhiều gia đình Việt Nam hầu như chỉ toàn ngồi nhà thôi thì cũng có sao đâu?
Các cuộc trưng cầu dân ý gần đây nhất của Đài truyền hình ZDF cho thấy, phần lớn người Đức đồng tình với các biện pháp chống dịch của chính phủ. Thậm chí không ít người còn cho rằng lẽ ra phong tỏa triệt để cần phải được thực hiện sớm hơn, ngay từ một tháng trước.
“Còn người, còn của. Cả nước Đức, cả thế giới bị Covid-19, đâu riêng gì gia đình tụi em. Chúng em xác định sẵn sàng làm lại từ đầu. Quan trọng bây giờ là hãy giữ vững tinh thần, giữ sức khỏe. Cứ cho là tình hình này sẽ kéo dài cho tới cuối năm sau đi. Qua đại dịch, tụi em lại gây dựng lại từ đầu. Sẵn sàng cho điều đó đi là vừa.”
Chị H.Y. kinh doanh nghề Nails ở Berlin đã khẳng định như vậy.
Một cuộc chiến chưa biết sẽ ngã ngũ ra sao giữa một xã hội phát triển cao như Đức và đại dịch Covid-19 chắc chắn sẽ đi vào lịch sử và để lại dấu ấn khó phai mờ cho tất cả những ai đang phải trải qua nó./.
Tác giả là nhà báo tự do sống tại thủ đô Berlin, Đức.