Mục lục
Ngày 14-12-2020 (GMT +7)
Bà Đới Kỳ là người như thế nào?
Bà Katherine Tai, tên tiếng Hoa là Đới Kỳ, sinh trưởng tại tiểu bang Connecticut trong một gia đình di dân Đài Loan. Bà chẳng những thông thạo tiếng Hoa mà có kinh nghiệm đại diện cho quyền lợi của Mỹ trong các vụ tranh chấp thương mại với Trung Quốc và các nước khác. Bà Đới là luật sư về luật thương mại quốc tế, tốt nghiệp hai đại học danh tiếng Harvard và Yale. Bà từng làm giáo viên tình nguyện dạy tiếng Anh tại đại học Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu, Trung Quốc trong hai năm 1996-1998 trước khi vào trường Luật Harvard. Từ 2007 đến 2014, bà là cố vấn luật thương mại và cố vấn trưởng của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), sau đó trở thành cố vấn và cố vấn trưởng cho Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Hạ viện Mỹ từ năm 2014 đến nay.
Tổng thống đắc cử Joe Biden, hôm 10-12, công bố chọn bà Đới, 46 tuổi, vào cương vị Đại diện Thương mại Mỹ trong chính phủ mới. Đại diện Thương mại là chức vụ cấp đại sứ nhưng có chân trong nội các chính phủ, báo cáo trực tiếp với tổng thống. Đại diện Thương mại có nhiệm vụ thực thi các chính sách thương mại của Mỹ với đối tác nước ngoài, các tổ chức quốc tế, thương lượng các hiệp định thương mại và giám sát việc thi hành các hiệp định đó. Đại diện Thương mại là chức vụ phải được Thượng viện Mỹ chuẩn thuận. Lựa chọn bà Đới của ông Biden được nhiều chính trị gia cả hai đảng ủng hộ và dự kiến sẽ được chuẩn thuận nhanh chóng. Người tiền nhiệm của bà Đới, ông Robert Lighthizer trong chính quyền Trump, nổi tiếng là một người cứng rắn với Trung Quốc, cũng là người đã đưa Văn phòng USTR vào một vai trò lớn trong quan hệ giữa hai nước. Bà Đới được cho là người sẽ kế tục và hoàn tất những chương trình mà ông Lighthizer đã khởi xướng theo một cách thức khác, đa phương hơn, vừa cứng rắn với Trung Quốc vừa tái lập quan hệ thương mại với các đồng minh đã bị xuống cấp dưới thời ông Trump.
Trong thời gian làm cố vấn pháp lý Văn phòng USTR chuyên trách vấn đề Trung Quốc, bà Đới đã góp phần phản bác cung cách thương mại không công bằng của của nước này, như chuyện Bắc Kinh áp đặt bất hợp lý lệnh cấm xuất cảng đất hiếm năm 2013, gây khó khăn cho các nước công nghiệp như Hoa Kỳ, Nhật Bản. Bà Đới đã vận động và phối hợp với 18 quốc gia khác kiện Bắc Kinh ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) – một vụ kiện có tính chất cột mốc về thương mại. Bị phản ứng tập thể, Trung Quốc phải bỏ lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm năm 2015. Luật sư Đới cũng góp phần đưa các vụ kiện của Mỹ lên WTO, phản đối chính sách của Bắc Kinh trợ cấp các doanh nghiệp nhà nước và giúp hoạch định các chính sách lôi kéo các công ty Mỹ trong dây chuyền cung ứng trở về Mỹ, soạn thảo các đạo luật cấm nhập cảng hàng hóa Trung Quốc sử dụng lao động cưỡng bức của người Duy Ngô Nhĩ (Uighurs) và các tộc người thiểu số bị đàn áp ở Tân Cương, Trung Quốc.
Báo The Wall Street Journal nhận định bà Đới là một luật sư nhiều kinh nghiệm, am hiểu Trung Quốc và có kỹ năng ngoại giao khéo léo. Việc lựa chọn bà Đới cho thấy ý định của chính quyền Biden muốn khởi động nhanh việc giải quyết các vấn đề thương mại quốc tế, hợp tác với các đồng minh để đối phó với cuộc cạnh tranh kinh tế ngày càng quyết liệt từ Trung Quốc. Bà Đới từng nhiều lần nói rằng, Trung Quốc cần phải bị chống đối mạnh mẽ và có chiến lược. “Tôi nghĩ đã có sự ủng hộ chính trị thật sự mạnh để chúng ta có những bước đi táo bạo và quyết đoán hơn trong cách thức cạnh tranh với Trung Quốc,” bà Đới nói tại Center for American Progress hồi tháng Tám, hàm ý tới sự đồng thuận lưỡng đảng trong vấn đề đối kháng với Bắc Kinh.
Cũng trong hội nghị hồi tháng Tám, bà Đới nhận định chính sách Trung Quốc của ông Trump “chủ yếu là phòng thủ”, tập trung vào việc buộc Trung Quốc hành xử theo luật lệ và trừng phạt mỗi khi họ phạm luật. Bà cho rằng, một chính sách thương mại tốt phải có thêm những yếu tố tấn công, “là những gì chúng ta sẽ làm để giúp chúng ta, công nhân, các ngành công nghiệp và các đồng minh của chúng ta phát triển nhanh hơn, cao hơn, có sức cạnh tranh mạnh hơn, và bảo vệ được lối sống mà chúng ta đang có”. Trong các cuộc thảo luận nội bộ, bà Đới đề nghị chính phủ Mỹ dùng các biện pháp trợ cấp và ưu đãi để thúc đẩy sản xuất, giảm phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc nhập cảng. Bà cũng đề nghị Mỹ và các đồng minh có những thỏa thuận mua hàng hóa của nhau thay vì mua của Trung Quốc dù có phải chịu mức giá cao hơn. Các nhà sản xuất công nghiệp cần được ưu đãi để sản xuất thêm nhiều hàng hóa nội địa nếu họ biết họ được bảo đảm một thị trường tiêu thụ rộng lớn.
Quan điểm của bà tỏ ra rất phù hợp với đường lối của chính phủ Biden mà chính ông Biden đã nhiều lần nói rõ là tăng cường hợp tác với các đồng minh, liên kết với các quốc gia dân chủ khác “để chúng ta có thể đặt ra luật đi đường thay vì để cho Trung Quốc và các nước khác đề ra luật lệ chỉ vì trên sân chơi chỉ có họ chi phối”, ông viết trên Foreign Affairs hồi tháng Ba. Mới tuần trước, ông Biden còn nhắc lại “chính sách Trung Quốc tốt nhất” là “quay lại đứng cùng hàng ngũ với các đồng minh”. Thượng nghị sĩ Sherrod Brown (Dân Chủ, Ohio), người có quan điểm gần gũi giới nghiệp đoàn, nhận xét bà Đới “đã được chuẩn bị để xử lý những vấn đề thương mại với Trung Quốc và biết cách hợp tác với các đồng minh để thúc đẩy quyền lợi của nước Mỹ”.
Ngoài vấn đề Trung Quốc, bà Đới cũng được coi là người có đóng góp quan trọng vào việc tu chỉnh Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (Nafta) thành Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) đưa vào đó các điều khoản ràng buộc về bảo vệ môi trường và cải thiện tiền lương, điều kiện làm việc của người lao động v.v…
Bắc Kinh nói gì?
Sự kiện bà Đới được đề cử làm Đại diện Thương mại Mỹ được Bắc Kinh rất quan tâm, và họ lo lắng về thành tích chống Trung Quốc của bà. Báo Hong Kong The South China Morning Post đã có loạt bài ghi nhận những nhận định đa chiều của giới nghiên cứu chính sách của Trung Quốc trước sự kiện bà Đới sắp trở thành Đại diện Thương mại Mỹ, gọi bà là “nắm đấm thép bọc nhung”!
Giáo sư Sử Ngân Hồng (Shi Yinhong), khoa Quan hệ quốc tế Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh và là cố vấn của chính phủ Trung Quốc, có cùng quan điểm. Ông cho rằng việc bổ nhiệm bà Đới là “một dấu hiệu tiêu cực” nữa cho quan hệ Mỹ-Trung, báo hiệu Washington sẽ có lập trường cứng rắn hơn nữa với Trung Quốc do bà Đới có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý các vấn đề thương mại với Trung Quốc. “Đây không phải là tin tốt lành cho Trung Quốc, do bà này đã từng xử lý các tranh chấp thương mại với Bắc Kinh”, ông Sử nói, cũng theo báo South China Morning Post.
Tuy nhiên, một số người Trung Quốc tỏ ra lạc quan vì cho rằng dù sao thì bà Đới cũng “mang dòng máu Trung Hoa”. Ông Vương Dũng (Wang Yong), Giám đốc Trung tâm chính trị kinh tế quốc tế của Đại học Bắc Kinh nhận xét việc bà Đới làm Đại diện Thương mại Mỹ là động tác tích cực cho các cuộc đàm phán thương mại tương lai giữa hai nước. “Bà Đới là người Mỹ gốc Hoa thông thạo tiếng Quan Thoại. Bà ta hiểu biết đầy đủ hơn về văn hóa Trung Quốc, về phong cách đàm phán của người Trung Quốc. Đó là lợi thế của bà ấy, lý lịch và phẩm chất của bà ấy sẽ rất tốt cho việc thúc đẩy đối thoại và trao đổi giữa hai quốc gia,” ông Vương nhận xét.
Victor Gao, cựu thông dịch viên của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đồng ý với ông Vương. “Kiến thức cá nhân của bà ấy về Trung Quốc như là một đất nước, về người Trung Quốc như một dân tộc, về tiếng Trung Quốc và cuộc chuyển hóa sâu sắc của Trung Quốc trong bốn thập niên qua báo hiệu điềm tốt cho việc tái lập quan hệ Trung-Mỹ dưới thời ông Biden”, ông Gao nhận xét.
Quả là Trung Quốc có chiến lược kích thích yếu tố “cội nguồn dân tộc” trong cộng đồng người ngoại quốc gốc Hoa như bà Đới để chiêu mộ họ phục vụ cho quyền lợi của Trung Quốc và đó là chuyện các nước cần cảnh giác. Nhưng cũng đã có không ít trường hợp những người này chỉ phục vụ lợi ích của quốc gia mà họ là công dân thay vì chiều theo chính sách của Bắc Kinh, như trường hợp ông Gary Locke, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc thời Obama. Việc Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm một người Mỹ gốc Hoa làm đại sứ ở Bắc Kinh đã được Trung Quốc ca ngợi như một bằng chứng về quan hệ thân thiết giữa hai nước, nhưng trong nhiệm kỳ của mình, Đại sứ Locke đã làm Bắc Kinh không ít lần khó chịu vì ông gây áp lực buộc Trung Quốc phải thượng tôn pháp luật, cải thiện thành tích nhân quyền và đã vận động để các nhà đấu tranh dân chủ bị đàn áp ở Trung Quốc được tị nạn chính trị tại Mỹ, nổi tiếng nhất là vị luật sư khiếm thị Trần Quang Thành (Chen Guangcheng)./.