Seite auswählen

Thái Hạo

 

25.12.2020

Tác giả: Đăng lại bài cũ. Vì sự bao biện cho lối sống bưng tai bịt mắt trước bất công bạo tàn vẫn còn nguyên ở đó trong “lý luận” của đa số, nhất là tầng lớp có học – đó chính là thứ “Đạo đức của nô lệ”. Một trong những thiếu thốn lớn nhất của người Việt là Cái Thiện. Cái thiện hiểu theo tinh thần của Nietszche: “Thiện là gì? Can đảm chính là thiện! Ác là gì? Là tất cả những gì sinh ra từ sự hèn yếu” – trích Zarathutra đã nói như thế.

 

1. “Bi quan là dấu hiệu của suy tàn, lạc quan là biểu trưng của tâm hồn nông cạn; nhưng “lạc quan bi tráng” chính là tư thái của con người hùng mạnh đi tìm nồng độ và chiều sâu của kinh nghiệm cho dù phải chịu muôn sầu nghìn thảm, tư thái của con người hân hoan nhận chân xung đột chính là định luật của cuộc sống” – Nietszche.
Lời trên được trích từ tác phẩm “Sự thoát thai của bi kịch từ tinh thần âm nhạc” của triết gia búa tạ Nietszche. Trong tác phẩm này, từ tính cách của 2 nhân vật thuộc thần thoại Hi Lạp là Dionysus và Apollon, Nietszche đã đi tới khám phá về tinh thần Hi Lạp. Theo đó, tính cách Hi Lạp là sự kết hợp của thần rượu Dionysus – vị thần của say mê, của hành động, của phưu lưu, và sức khổ đau dũng cảm; kết hợp với thần mặt trời Apollon – vị thần của thanh bình, nghỉ ngơi, của mặc niệm tri thức. Hai phẩm tính ấy không thể vắng một, nhưng Nietszche vẫn đề cao hơn hết tinh thần Dionysus, điều ấy, càng ngày càng được chứng tỏ trên hành trình tư tưởng của chàng. Những lời sấm sét của Zarathutra để mặc khải cho sự ra đời của Người hùng chính là một tất yếu cho tinh thần hùng cường ấy của Nietsche.
Trong tư tưởng của mình, Nietszche quan niệm về đạo đức một cách khác thường nhưng sẽ xây lên những cuộc đời phi thường: “Thiện là gì? Can đảm chính là thiện! Ác là gì? Là tất cả những gì sinh ra từ sự hèn yếu” – Zarathutra đã nói như thế. Từ đây Chàng xây dựng thuyết người hùng như một mẫu mực về con người trong lý tưởng của chàng. Nietszche phân biệt 2 loại đạo đức: đạo đức chủ ông và đạo đức nô lệ. Theo đó, đạo đức của chủ ông là sự mạnh mẽ, can đảm, “thánh thiện”; bọn nô lệ sẽ mang tinh thần “quen thuộc, thanh bình, vô hại – đó là đạo đức của “bầy lũ”, “nền đạo đức bầy cừu”. Và Nietsche khinh bỉ sự câm lặng, cúi đầu, hèn hạ, vâng phục, giá áo túi cơm… ấy.
Trong xã hội chúng ta ngày nay, nền đạo đức nô lệ lên ngôi, thống trị và phủ bóng đen lên tất cả; bên cạnh thói hợm hĩnh ngu dốt và tham tàn của 1 thiểu số khát khao quyền lực của cải được điều khiển bởi cái vực lòng tham bị che đi bởi lớp áo mỏng giả tạo của những lý tưởng tốt đẹp. Chính cái đạo đức nô lệ ấy đã làm trì trệ và nhúng toàn bộ xã hội vào 1 vũng bùn lưu niên tanh tưởi kinh tởm.

 2. Trong các Thế kỉ ánh sáng ở châu Âu, không phải Napoleon đã khai tử chế độ phong kiến bằng lưỡi gươm và đại bác của ông ta mà chính là ngòi bút của những Voltair, Diderot, Russel… đã khai sinh một chế độ mới. Các nhà tư tưởng đóng cửa ngồi viết và ngoài kia châu Âu rung chuyển, đổ sụp. Sự thức tỉnh xã hội, rọi ánh sáng vào đầu óc dân chúng về các giá trị người và việc tất yếu phải có 1 chế độ chính trị thích hợp để nâng đỡ và nuôi dưỡng những phẩm tính thần thánh nơi con người đã tạo thành sức mạnh cho cả 1 thời đại. Chỉ có điều, dân chúng Âu châu đọc sách, còn người Việt thì không (trung bình mỗi năm chưa tới 1 cuốn/người – đó là tính số sách bán ra; còn thực tế, có 1 tỉ lệ lớn trong số ấy chưa từng được lật ra).
Không đọc sách thì đừng mong điều gì cả, vì ta không thể sửa sai bằng chính bàn tay của kẻ làm sai được. Và cũng chính vì thế mà cái tinh thần đạo đức ông chủ trong tư tưởng của Nietszche sẽ không cách gì gieo vào đầu dân chúng được.Một dân chúng vị thành niên (hay “trẻ con” như Tản Đà nói) thì không thể làm ông chủ.

 3. Nhiều người chọn cách sống “ẩn dật” theo kiểu phương Đông, như 1 sự học đòi từ tiền nhân, mà ở ta là Nho, Phật, Lão. Trong ba tư tưởng trên, Nho giáo là nhập thế với tinh thần “hành đạo” bằng con đường quan trường – tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ. Gặp vua sáng thì ra giúp đời, gặp hôn quân thì lui về ẩn để giữ tiết tháo. Còn lâu trí thức bây giờ mới theo được tinh thần vứt mũ áo ấy, thậm chí trước khi về họ còn không quên dâng sớ chém 1 số tên nịnh thần! Sự im lặng ngày nay chỉ có thể giải thích bằng giá áo túi cơm, làm sao mà dám nhắc tới người xưa.
Thế còn tinh thần Lão – Trang? Xin thưa, chẳng có “tôn giáo” nào lánh đời, bưng tai bịt mắt cả. Tất cả đều là nhập thế. Lão giáo ra đời trong cuộc “bách gia tranh minh” – trăm chủ thuyết được xướng lên là vì tư tưởng trị quốc và an sinh. Cái “vô vi” của Lão giáo cũng là 1 phép trị nước, dù rất đặc dị. Nếu “vô vi” thì ông ta đã không mở miệng! Vì nhức nhối trước loạn lạc và đổ vỡ nhân tính nên chủ thuyết ấy mới ra đời. Đó là trách nhiệm của “kẻ sĩ”. Những ai đã đọc “Đạo đức kinh” thì sẽ thấy 1 dung lượng lớn là luận về các vấn đề trị nước rất chi li.
Phật giáo? Có 1 câu thệ nguyện trong tất cả các buổi tu tập của nhà Phật là “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” – chúng sanh nhiều vô biên, thề sẽ độ hết. Ông Phật đã dành cả cuộc đời của mình để làm một thầy giáo, từ năm 32 tuổi đến khi qua đời – 80 tuổi. Phật giáo kiên cường giữa thế gian, giáo hóa không mệt mỏi. Các kinh sách của nhà Phật đều trưng ra những cuộc tranh luận trên con đường chân lý. Đúng sai, phải trái, thiện ác đều phải phân minh; không bao giờ có chuyện đắp tai biếng mảng. Không bao giờ có chuyện bịt mắt trước tai ương của cuộc đời, những người Phật giáo sẵn sàng xả thân để cứu chúng sinh, sẵn sàng hi sinh để giữ gìn chánh pháp – chân lý. Cái sự ù ù cạc cạc, lập lờ trắng đen chưa bao giờ xâm chiếm hồn người một cách toàn diện như bây giờ.

 4. Mượn những biểu hiện đầy khí tiết và trí tuệ của người xưa như một tấm áo để che đi sự bạc nhược, hèn kém, thủ lợi, ích kỉ chính là lối hành xử phổ biến trong xã hội ngày nay. Nó trở thành sự ngáng đường và là 1 khối u khổng lồ trong cơ thể xã hội, có tính phá hủy từ bên trong; nó khiến chặn đứng mọi lý tưởng và khát vọng về 1 xã hội tốt đẹp. Không có chủ thể thì lý tưởng ấy phải giao phó cho thần linh. Mà thần linh thì không thấy, nên bọn ma quỷ sẽ điều hành.
Không thức tỉnh quyền làm người và những giá trị người thiêng liêng thì sẽ mãi chìm nghỉm trong cái hố quẩn quanh của miếng ăn và xống áo. Không tranh đấu để xây dựng 1 xã hội lành mạnh thì đời ta, đời con ta, cháu ta sẽ mãi sống kiếp con sâu cái kiến.
Không khơi dậy “đạo đức chủ ông” trong mình mà mãi tự lừa mị trong cái trò “độc thiện kì thân” lố lăng kia thì định mệnh nô lệ sẽ không bao giờ buông tha./.

 

Triết gia F. Nietche

—————-
Tây Lạc Viên, 20.5.2020

 

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen