Seite auswählen
Tổng thống mãn nhiệm Mỹ Donald Trump trong cuộc tập hợp những người ủng hộ gần Nhà Trắng, Washington, ngày 06/01/2021.
Tổng thống mãn nhiệm Mỹ Donald Trump trong cuộc tập hợp những người ủng hộ gần Nhà Trắng, Washington, ngày 06/01/2021. AFP – BRENDAN SMIALOWSKI
Thu Hằng

Kích động nổi dậy để giành chính quyền ? Liệu một tổng thống Mỹ, như ông Donald Trump, người luôn lên án và trừng phạt những chế độ độc tài và Cộng Sản đang đi vào vết xe đó ? Vụ hàng trăm người ủng hộ ông Trump xâm nhập vào bên trong tòa nhà Quốc Hội (Capitol) được ví như « một cuộc nổi dậy » để giúp Trump « cướp chính quyền », vì ông luôn khẳng định bị đánh cắp chiến thắng

Trong bốn năm nhiệm kỳ của tổng thống thứ 45, có lẽ hình ảnh ngày 06/01/2021 sẽ đọng lại rõ hơn cả những thành tích kinh tế trong ba năm trước khi dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ. Đó là hình ảnh của một tổng thống luôn từ chối thừa nhận thất bại, đích thân cổ vũ hàng chục nghìn người ủng hộ ông tham dự mit-tinh ở Nhà Trắng kéo đến Điện Capitol để phản đối Quốc Hội xác nhận kết quả bầu cử.

Nhiều người vì một người

Đó là « một âm mưu nổi dậy », theo nhận định của nhà báo Sylvie Kauffman trên trang Le Monde (07/01). Lộn xộn và hỗn loạn mỗi lúc gia tăng bên trong Quốc Hội, nhưng chủ nhân Nhà Trắng chỉ nhắn : « Hãy tôn trọng cảnh sát của Quốc Hội và lực lượng giữ an ninh. Họ thực sự cùng phe với đất nước chúng ta. Hãy ôn hòa », ngầm nói rằng cứ tiếp tục ! Nhưng làm sao có thể giữ được ôn hòa trong khi dẫn đầu và hung hăng nhất là những thành phần cực hữu, trong đó có nhiều người giống với thành viên của nhóm cực hữu Proud Boys, mà ông Trump, vào tháng 09/2020, từng yêu cầu họ « ẩn mình sẵn sàng chờ thời ». Trong một tin nhắn Twitter, nhưng nhanh chóng bị xóa sau đó, Ivanka Trump, con gái của tổng thống, ca ngợi họ là « những người hùng của đất nước ».

Bên ngoài tòa nhà Quốc Hội, những người ủng hộ ông Trump kiên nhẫn giương cao những lá cờ, kể cả cờ của thời nội chiến Mỹ, bên trong là cảnh đập phá văn phòng của nhiều nghị sĩ, trong đó có phòng làm việc của chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, rồi cảnh nghị sĩ phải rời phòng họp bằng mặt nạ chống khí để đến boong ke trú ẩn. Tổng thống Trump hẳn hài lòng chứng kiến lòng trung thành của những người ủng hộ ông, giúp ông đi đến cùng của « đam mê phá hoại và đề cao bản thân » : dùng bạo lực để đạt mục tiêu, nếu không có được một cách hòa bình.

Phải đến gần ba tiếng sau, ông mới nhắn người ủng hộ « Hãy về nhà », không một lời lên án bạo lực, ông còn khẳng định « Yêu mến họ »« Hiểu nỗi đau của họ » vì chiến thắng bị đánh cắp.

Bị bỏ rơi

Ông Donald Trump hoàn toàn tin được vào lòng trung thành của những người ủng hộ nhiệt thành, ngược lại với những chính khách trong đảng Cộng Hòa, như phó tổng thống Mike Pence, từng bị chủ nhân Nhà Trắng chỉ trích là « thiếu can đảm », khi thông báo sẽ không đi ngược lại thủ tục xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden.

Bị sốc vì hỗn loạn, vì những hành động chà đạp dân chủ của một nhóm thành phần cực hữu và cử tri nhiệt thành của Trump, ít nhất 5 thượng nghị sĩ (trong tổng số 11) từng tuyên bố phản đối xác nhận kết quả bầu cử, đã quay lưng lại với chủ nhân Nhà Trắng. Trường hợp thượng nghị sĩ Cộng Hòa, Kelly Loeffler, vừa bị đánh bại ở bang Georgia là một ví dụ, « vì lương tâm », bà đã « cân nhắc lại » quyết định. Những nhân vật chủ chốt trong đảng Cộng Hòa ở Thượng Viện, từ thượng nghị sĩ McConnell đến Mitt Rommey, đều phản đối lời kích động của tổng thống Mỹ.

Hai nhân viên cao cấp của Nhà Trắng, trợ lý của đệ nhất phu nhân Melania Trump, cũng từ chức tối 06/01. Theo truyền thông Mỹ, nhiều thành viên của chính phủ thậm chí đề cập đến khả năng loại Trump khỏi chính quyền. Trước đó, lực lượng Vệ Binh Quốc Gia Hoa Kỳ được chính phủ điều đến tăng viện cho lực lượng cảnh sát ở Quốc Hội để kiềm chế đám đông ủng hộ tổng thống.

Chưa bao giờ ông Trump tự nhận thất bại, nhưng sau sự kiện tấn công tòa nhà Quốc Hội, tổng thống thứ 45 của Mỹ đã tỏ dấu hiệu rõ ràng hơn là ông sẽ tự nguyện rời Nhà Trắng ngày 20/01 và « quá trình chuyển tiếp sẽ diễn ra trong trật tự ».

Liệu sau này hình ảnh của ông Trump có bị gắn với những lời lên án : « Nền dân chủ của chúng ta (Hoa Kỳ) bị tấn công »« Đó là một cuộc tấn công vào Nhà nước pháp quyền, vào những đại biểu của nhân dân » ; « Đó không phải là phản đối mà là một cuộc nổi dậy, gần với tạo phản » ? Ngoài những phát biểu trên, tổng thống tân cử Mỹ Joe Biden còn nhấn mạnh : « Những lời nói của một tổng thống đều có một ý nghĩa : nếu tốt, chúng tạo gợi cảm hứng và nếu tồi tệ thì chúng chỉ là những xúi giục, kích động ».

RFI

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen