Seite auswählen
  • PGS.TS Nguyễn Phương Mai
  • Gửi cho BBC từ ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan
Graphic

Trong bữa tiệc năm mới, tôi tình cờ nói chuyện với một người bạn tin rằng lịch sử loài người đã và đang bị những sinh vật ngoài hành tinh trông giống như thằn lằn (reptilian humanoid/ lizard people) thống trị. Những sinh vật khổng lồ này tới Trái Đất bằng UFO, hoá thân thành tầng lớp lãnh đạo với mục đích biến loài người thành nô lệ. Những con thằn lằn trá hình này là vô số các vua chúa trong quá khứ, tiếp nối bằng tầng lớp tinh hoa, tư sản, giàu có và quyền lực thời hiện đại như Nữ hoàng Anh, Obama, Madonna, Katy Perry, Justin Bieber, và cựu tổng thống Trump.

Bạn tôi không cô đơn. Chỉ trong nội vi nước Mỹ đã có tới 4% dân số, tức là khoảng 12 triệu người, tin chắc như đinh đóng cột rằng thằn lằn đội lốt người đang làm bá chủ thế giới, và 7% dân số còn lưỡng lự và tin rằng điều này hoàn toàn có thể đang xảy ra.

Những thuyết âm mưu như vậy nhiều vô kể, nhưng tựu trung lại đều mang hai đặc điểm: (1) Thuyết nhắm tới các tổ chức/ mạng lưới lớn, hoạt động ngầm, và (2) có dã tâm mang tính quyền lực thống trị. Ví dụ, người Do Thái cấu kết quyền lực ngầm thống trị thế giới; Hình dạng Trái Đất thật ra bẹt như cái đĩa nhưng NASA giả tạo số liệu khiến ta tưởng Trái Đất tròn để dễ bề thống trị luồng thông tin chuyển giao toàn cầu; Vaccin là chất độc gây bệnh nhưng các công ty dược phẩm che giấu để tăng trưởng lợi tức…vv.

Gần đây nhất là thuyết âm mưu về Deep State – “Nhà nước ngầm” của giới chính trị và doanh nghiệp cấu kết với nhau thống trị xã hội. Thuyết này bắt nguồn từ một chút sự thực của nền chính trị độc tài Trung Đông. Sau đó ý tưởng này lan sang Mỹ. Bất chấp một chế tài dân chủ có lịch sử lâu đời và hệ thống cân bằng quyền lực chặt chẽ, rất nhiều người tin rằng bỏ phiếu là vô nghĩa vì ai là tổng thống thì Deep State đã lựa chọn trước rồi. Deep State cộng hưởng mạnh mẽ với việc “tát cạn đầm lầy” mà ông Trump đưa ra. Nó cũng là một nguyên nhân nhiều người không chấp nhận kết quả cuộc bầu cử vưà qua.

woman using her smartphone (mobile device) under a Facebook logo

Thuyết âm mưu và fake news

Thuyết âm mưu ngoài hai đặc điểm như nêu trên (mạng luới ngầm + âm mưu thống trị) còn có một đặc điểm thứ ba, đồng thời là yếu tố quan trọng nhất để một “ý tưởng” trở thành một “lý thuyết” và tồn tại cùng thời gian: tin giả. Thuật ngữ “fake news” xuất hiện từ khá lâu, và trở nên phổ biến khi ông Trump dùng nó để chỉ trích giới báo chí.

Tin giả bao gồm các nội dung (1) bịa đặt; (2) châm chọc – satire; (3) tiêu đề kích động – click bait – và không khớp với nội dung; (4) nội dung bị cố tình bóp méo; (5) sự kiện có thật nhưng đặt trong hoàn cảnh khác để gây hiểu nhầm.

Gần đây, việc không chấp nhận kết quả bầu cử khiến hàng nghìn tin giả lan truyền như vũ bão giữa những người Việt ủng hộ ông Trump. Ví dụ, bà chủ tịch Hạ Viện trốn khỏi Mỹ bị bắt ở biên giới Canada; Cả một mạng lưới đảng Dân Chủ lẫn Giáo Hoàng phạm tội ấu dâm; Quân đội thề trung thành với Trump và sẽ giúp ông đảo chính; Biden đã tống vào tù còn Trump sẽ giả trang Biden tiếp tục lãnh đạo; ông Trump gửi ông Biden một cái thư vỏn vẹn mấy chữ “Ông biết thưà là tôi thắng”…

Các báo lớn cũng không tránh được tin giả. Sau khi đăng hàng loạt tin sai lệch về máy chủ Dominion và đối mặt với khả năng bị kiện, American Thinker đã phải chính thức xin lỗi. Những hãng lớn như Fox News và Newsmax cũng phải nhanh chóng đính chính.

Tin giả có tốc độ lan truyền nhanh gấp 6 lần các tin thật. Các tin giả về chính trị cũng lan truyền nhanh hơn các tin giả khác. Ví dụ, tin giả “bố ông Trump là thành viên của tổ chức phân biệt chủng tộc KKK” là một trong những tin khủng được đọc tới nhiều triệu lần từ Facebook.

Kỳ lạ hơn, trong khi chúng ta thường nhất chí cho rằng các tin tức trên mạng xã hội không đáng tin. Nhưng dù ý thức rõ như vậy, ta vẫn có xu hướng lấy tin trên mạng xã hội và bị ảnh hưởng sâu sắc bởi mạng xã hội. Điều này hệt như ta biết hút thuốc là có hại, nhưng ta vẫn tiếp tục hút và để cơ thể mang bệnh.

Vì sao thuyết âm mưu tồn tại

“Hạnh phúc”, “ghê tởm”, “buồn”, “ngạc nhiên” hay “giận dữ” đều là những cảm xúc cơ bản, nhưng về mặt tiến hoá, “sợ hãi” mới chính là thứ cảm xúc khiến bộ não kích hoạt nhanh nhất. Phải biết sợ để không mạo hiểm thiệt đến tính mạng, không làm kẻ khác giận giữ để thiệt thân, không ăn thứ độc hại để mang bệnh. Trong não người, amygdala là một bộ phận đọc cảm xúc, và nó kích hoạt mạnh nhất với nỗi sợ hãi. Người có bộ phận này không kích hoạt thường làm bản thân bị tổn thương tới do không biết sợ là gì.

Với nội dung chủ yếu là kích động nỗi sợ hãi về một thế lực ngầm có âm mưu độc ác, thế nên thuyết âm mưu thu hút bộ não như sắt và nam châm vậy. Cơ chế hoạt động của bộ não đảm bảo gần như chắc chắc rằng, thuyết âm mưu luôn chiếm được sự chú ý đầu tiên trước tất cả các tin tức khác. Loài người vì có cơ chế sợ hãi một cách quá nhạy cảm, “giết thừa còn hơn bỏ sót” như vậy nên mới tồn tại cho đến ngày nay.

Tuy nhiên, bộ não vốn chỉ được phát triển cho một cuộc sống bộ lạc nhỏ lẻ chừng vài chục người, với một cơ số tín hiệu sợ hãi có giới hạn (ví dụ hổ báo, các bộ lạc đối địch). Xã hội hiện đại với bão lũ thông tin khiến thế giới quan của chúng ta bị sốc. Ta bỗng dưng phải đối mặt với một đại dương thông tin mà tín hiệu sợ hãi phát ra từ khắp nơi, gia đình, công sở, thậm chí từ một đất nước xa xôi ta chưa từng đặt chân tới. Để đối mặt với thực trạng quá tải rối rắm và cấp bách đó, con người có lựa chọn là thay đổi cách nhìn để tìm lời giải đáp và sự yên ổn cho chính mình.

Bạn hẳn đã từng nhiều lần ngẩng nhìn bầu trời và thốt lên: “Đám mây kia thật giống con mèo”. Người Việt từng xôn xao khi phát hiện ra trên mai cua có hình mặt người, cũng giống như cả thế giới từng xôn xao khi ảnh chụp sao Hoả có hình một cái đầu người nằm lăn trên cát. Bộ não liên kết các thông tin rời rạc và tạo ra một cụm thông tin có ý nghĩa. Nếu nhìn vào ba dấu chấm, bộ não sẽ tự kết nối chúng với nhau và bảo ta đó là hình tam giác.

Person with a smart phone and a bank card

Khi thế giới xung quanh nhiễu loạn, bộ não sẽ tìm các thông tin có thể xâu chuỗi với nhau và hình thành câu trả lời. Khả năng tư duy motif này khiến loài người phát triển tột bậc. Tuy nhiên, các kết nối không phải lúc nào cũng chính xác. Với những người nhìn thế giới với sự dè chừng, nghi ngờ và lo sợ, các kết nối đó lại càng thiếu khách quan do nhiều kết nối là tin giả. Với một người lo sợ, một tiếng động thôi cũng có thể là mối hiểm nguy, kể cả khi tiếng động đó từ một kẻ thích đùa hay cố tình reo rắc sợ hãi. Rất nhiều câu trả lời đến từ các kết nối (giả) đó chính là thuyết âm mưu.

Như vậy, thuyết âm mưu về bản chất là do chúng ta vì lo âu trước một thế giới quá phức tạp nên buộc phải đi tìm một câu trả lời đơn giản dựa vào các thông tin tương đối dễ hiểu. Câu trả lời này khiến bộ não tạm hài lòng để có thể tiếp tục dồn năng lượng cho những vấn đề quan trọng khác. Tại sao? Bởi cảm giác yên ổn, làm chủ cuộc sống là mấu chốt của sinh tồn.

Tuy nhiên, mặt trái của những câu trả lời đơn giản này là nó không phản ánh thực tế. Hình mặt người trên sao Hoả chẳng hạn, nếu chúng ta thu thập thêm các tấm ảnh sau này của NASA và nhìn tổng thể để phân tích, thì vùng bề mặt đó của sao Hoả rất phức tạp. Tương tự, nguyên nhân sa sút của nước Đức rất phức tạp, nên câu trả lời đơn giản “tại dân Do Thái lũng đoạn xã hội” dễ hiểu hơn nhiều, nhất là khi kẻ có lỗi không phải là chính chúng ta.

Với một số người Việt ủng hộ ông Trump, để hiểu được bối cảnh xã hội Mỹ cùng hệ thống luật và bầu cử phức tạp của đất nước này trong một thời gian ngắn là rất khó. Vậy nên dù không đúng thực tế, nhưng thuyết âm mưu “Trung Cộng mua chuộc” khá dễ hiểu, đánh đúng tâm lý, và do vậy, cũng có tác dụng ổn định tâm lý và trấn an hơn rất nhiều.

Tân Tổng thống Joe Biden

TẠI SAO THUYẾT ÂM MƯU BÁM RỄ VÀ SỐNG DAI?

Phần một của bài viết này cho ta thấy, về mặt tiến hoá, thuyết âm mưu tồn tại với mục đích đảm bảo sự sinh tồn của loài người. Khi chúng ta phải đối mặt với một thế giới rối rắm phức tạp quá mức chịu đựng, ta đơn giản hoá vấn đề và tạo ra một câu trả lời dễ hiểu nhất để bộ não có thể an tâm với ý niệm rằng ta vẫn đang làm chủ được cuộc sống.

Tuy nhiên, thuyết âm mưu cũng có mặt tiêu cực. Nó tốt khi giúp một cá nhân an tâm với câu trả lời đơn giản để rồi tiếp tục sống. Vấn đề xảy ra khi cá nhân đó (1) không update thông tin và (2) chia sẻ lan truyền câu trả lời đơn giản ấy cho cả cộng đồng. Vậy thuyết âm mưu tồn tại trong mỗi cá nhân kiểu gì và di chuyển từ cá nhân ra tới xã hội qua những cơ chế tâm lý nào?

Tổng thống Donald Trump ngày 20/1

Cơ chế thứ nhất: Nghe nhiều thành đúng

Bộ não chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể, nhưng nó ngốn tới 20% năng lượng. Vì tốn kém như vậy nên nguyên tắc làm việc của bộ não là “càng ít phải nghĩ càng tốt”.

Chính vì thế, phần lớn các hoạt động thường ngày của chúng ta được hiệu quả hoá bằng thói quen, auto tự động, làm đôi khi không cần suy xét: từ việc đánh răng cho tới nuôi dạy con hay điều hành đất nước. Ai có khả năng biến cuộc sống của mình thành một tổ hợp của các thói quen có lợi (ví dụ tập thể dục, tiết kiệm tiền, nghĩ kỹ trước khi phát biểu…vv) thì sẽ có nhiều khả năng thành công hơn.

Dựa trên cơ chế đó, tất cả những gì khiến ta cảm thấy thân quen đều chui vào đầu nhanh hơn và ở lại lâu hơn, đơn giản vì nó tiết kiệm năng lượng cho não hơn. Đó là lý do ta thích nghe một bài hát cũ, tự dưng cảm mến người cùng quê, thích những người cùng tên hay có lối sống giống với mình.

Đó cũng chính là lý do một thông tin dù sai, nếu nhắc đi nhắc lại trở nên thân quen, thì sẽ trở thành một thông tin đúng, thậm chí cắm rễ trở thành đức tin và lý tưởng. Đây là nguyên tắc “tẩy não” cơ bản của văn hoá, giáo dục, tôn giáo, quảng cáo, chính trị độc tài, và tuyên truyền.

Thuyết âm mưu tồn tại được trong một cộng đồng vì sự liên tục nhắc đi nhắc lại này. Đôi khi, số người tin vào thuyết âm mưu là số đông như thời Đức Quốc Xã. Số đông cũng có thể sai, cũng có thể bị thuyết âm mưu dắt mũi, nhất là khi họ lo âu và muốn tìm một câu trả lời đơn giản cho cuộc sống phức tạp xung quanh.

Trong cuộc bầu cử Mỹ, do sức mạnh của mạng xã hội, “tần số” cộng hưởng cùng “cường độ”. Chúng ta không những nghe đi nghe lại tin giả mà còn nghe với số lượng khủng từ nhiều nguồn và nhiều cấp độ. Cơ chế tâm lý kiểu “lấy thịt đè người” này khiến sự thật dù vững chắc đến mấy cũng sẽ có những khoảnh khắc bị lung lay.

Family on a sofa arguing

Cơ chế thứ hai: Thuyết âm mưu bồi đắp danh tính và giá trị cá nhân

Danh tính và giá trị cá nhân là cốt lõi cuả một con người. Chúng ta có xu hướng chơi với những người cùng danh tính và giá trị, vì đó là cách để danh tính và giá trị cuả mình có thêm sức nặng và ý nghĩa. Càng nhiều người giống ta thì ta càng tự tin về bản thân mình.

Khi tiếp xúc với hệ giá trị khác biệt, nếu không phaỉ người văn minh, một cá nhân sẽ đánh đồng sự khác biệt “Họ không đồng ý với ý kiến cuả mình” với sự đe dọa danh tính “Họ khinh thường cá nhân mình”. Khi bị “tấn công” vào hệ giá trị, họ dễ tấn công lại, dễ trở nên lo sợ, và cũng dễ tìm đến các thuyết âm mưu để làm vũ khí bảo vệ bản thân.

Trở lại cuộc bầu cử Mỹ vừa qua, “danh tính Việt” và giá trị “ghét Trung Quốc” là một động lực để nhiều người Việt ủng hộ ông Trump. Những gì ông nói và làm đồng thuận với danh tính và giá trị đó. Điều này hoàn toàn dễ hiểu và thực sự đáng được tôn trọng.

Tuy nhiên, với một số cực đoan, ai không ủng hộ Trump sẽ trở thành kẻ thù của họ. Anti-Trump không phải là một ý kiến khác biệt kiểu tôi ăn thịt thì bạn ăn cá, mà là cầm dao đâm vào bụng nhau, một cuộc tấn công vào bản chất cốt lõi của chính bản thân cá nhân đó, khiến họ phải cầm dao đâm lại.

Các phản biện từ phía những người này thể hiện rất rõ cảm giác bị tổn thương tới “danh tính Việt” và hệ giá trị “ghét Trung Quốc”: “Bạn là người Việt sao lại đi ủng hộ Biden?”; “Tôi không muốn phải học tiếng Tàu”; “Mày muốn quỳ gối trước Tàu hay sao?”; “Muốn mất biển đảo hả” …vv.

Vì khá nhiều người Việt tha thiết với “danh tính Việt” và giá trị “ghét Trung Quốc”, các thuyết âm mưu phù hợp với việc Trump sẽ lật cờ được họ lan toả nhiều hơn ra ngoài xã hội.

Cơ chế thứ ba: Thuyết âm mưu cho ta một cộng đồng sẻ chia

Con người là sinh vật bầy đàn, chúng ta không thể tồn tại nếu thiếu một cộng đồng để tương trợ vỗ về. Thời xa xưa, hình thức trừng phạt khắc nghiệt nhất không phải là cái chết mà là sự ghẻ lạnh và bị bỏ rơi. Kẻ mắc tội thường chết hoặc tự sát vì cô đơn chứ không phải vì thiếu ăn.

Trong xã hội hiện đại, thuyết âm mưu với bản chất đổ lỗi, chia thế giới thành hai phe ta địch khiến bất kỳ ai cũng có cảm giác được ở trong một cộng đồng gắn kết chung tay chống lại cái ác. Lên mạng, cảm giác xung quanh mình toàn những người nói giống như mình, nghĩ giống như mình, có kẻ thù hệt như mình là một nguồn năng lượng và trợ giúp vô biên.

Thời Đức Quốc Xã, rất nhiều người khi Hitler mới lên cầm quyền không đồng ý với lý tưởng của ông ta. Tuy nhiên, để trở thành một thành viên của cộng đồng, họ đã dần dần thay đổi.

Thuyết âm mưu ngày càng nở rộ vì thời nay, niềm tin của ta có thể khác với cộng đồng nơi ta đang sống nhưng luôn có một cộng đồng khác trên mạng giang tay chào đón.

Đây cũng chính là một lý do khiến nhiều thanh niên Hồi giáo thế hệ thứ hai trở thành cực đoan và đi theo IS. Một số bạn trẻ nguồn gốc di dân này thiếu sự quan tâm đồng cảm của cha mẹ do gánh nặng mưu sinh, bật khỏi gốc rễ văn hoá và tôn giáo, rối ren về danh tính và giá trị mình là ai. Cộng đồng những tín đồ cực đoan thông qua mạng internet đem lại cho họ một câu trả lời kiểu thuyết âm mưu đơn giản (Phương Tây là kẻ thù) và một vòng tay bằng hữu ấm áp (Anh em Hồi giáo toàn thế giới chung sức phục hưng đức tin nguyên thuỷ).

Trở lại cuộc bầu cử tại Mỹ, nhiều tài khoản facebook ủng hộ hoặc anti-Trump trở thành những cộng đồng nho nhỏ để sẻ chia, vỗ về, chấn an tinh thần cho nhau. Các ý kiến trái chiều bị chửi bới thậm tệ hoặc thẳng tay block. Những ốc đảo tâm lý đó là chốn dừng chân yên ổn giữa biển cả sóng lớn. Cũng như một cộng đồng để tin yêu và thuộc về luôn là yếu tố đảm bảo sinh tồn của mỗi con người.

Cơ chế thứ tư: Thiên kiến xác nhận đẩy mạnh thuyết âm mưu

Chúng ta hãy dùng một ví dụ về bói toán. Có lần, tôi thử cho các SV của mình đọc bản tử vi dựa trên ngày sinh của mỗi bạn. Hầu hết các SV đều cho rằng bản tử vi khá chính xác, bằng cách cung cấp các sự kiện chứng minh như “em mới bỏ người yêu” hay “đúng là hao tiền vì em vừa mua điện thoại”.

Vấn đề là, tôi đã cho cả lớp đọc một bản tử vi y hệt nhau. Thiên kiến xác nhận (confirmation bias) là xu hướng khi ta tin vào một điều gì đó thì trí óc ta sẽ bị thu hết đến những sự kiện và thông tin phù hợp với niềm tin đó. Ta trở nên thiếu khách quan, và chỉ nhìn thấy những gì mình muốn thấy.

Cơ chế tâm lý này rất quan trọng cho sự sinh tồn vì bộ não có thể tiết kiệm năng lượng để tập trung vào những tín hiệu quan trọng. Tuy nhiên, với thuyết âm mưu, những tín hiệu quan trọng chưa chắc đã là những tín hiệu đúng mà chỉ là những tín hiệu dễ tiếp thu nhất và khớp với niềm tin của ta nhất.

Ví dụ, một người ủng hộ Trump quan sát thấy các chiến sĩ quân đội đứng quay lưng lại Biden khi ông đi qua trong buổi lễ nhậm chức. Anh cho rằng đó là tín hiệu phản kháng khinh bỉ tổng thống mới. Thực ra, việc đứng quay lưng hướng mặt ra quan sát đám đông là một phương cách để kiểm soát an ninh cho các yếu nhân.

Mạng xã hội như facebook và các thuật toán của internet khiến thiên kiến xác nhận tấn công chúng ta một cách tổng lực. Chỉ cần một vài lần tìm kiếm, like, chia sẻ hay comment là những post và nội dung tương tự sẽ ồ ạt kéo đến. Mục tiêu của các nhà cung cấp dịch vụ là tăng tần số tương tác, bất kể đó là tương tác gì. Rất nhanh chóng, trên tường nhà bạn sẽ toàn các nội dung hệt như niềm tin của bạn. Và trong cái bong bóng đó, thế giới có thể diễn ra hệt như bạn mong muốn. Chỉ có điều, đó không phải là thế giới thật.

Các cơ chế khác

Cũng như thiên kiến tự xác nhận, chúng ta có tới gần 200 thiên kiến (bias) khác nữa và tất cả đều có thể khiến thuyết âm mưu tồn tại dai dẳng. Ví dụ, ta dễ tin thuyết âm mưu hơn khi thiếu kiến thức chuyên môn về vấn đề đó, khi ta có chuyên môn nhưng cần lời giải đáp nhanh chóng, khi ta bị ảnh hưởng bởi cảm xúc yêu ghét vui buồn hay đặc biệt là giận giữ, khi ta đã trót tuyên ngôn rồi đâm lao thì phải theo lao…vv.

Thiên kiến là con dao hai lưỡi. Nó như những con đường tắt giúp ta đến đich nhanh hơn. Tuy nhiên, cái đích đến đó có lợi hay có hại lại là một câu hỏi hoàn toàn khác.

Mời quý vị đón đọc phần sau của bài, đặt ra Giải pháp cho vấn nạn này.

PGS.TS Nguyễn Phương Mai làm việc tại ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan. Bà nghiên cứu quản trị đa văn hoá bằng phương pháp liên ngành kết hợp với kiến thức thần kinh não bộ (neuroscience). Bà cũng là tác giả của hai cuốn sách Tôi Là Một Con Lừa và Con Đường Hồi Giáo xuất bản tại Việt Nam. Loạt bài viết, thể hiện quan điểm riêng của tác giả.