Hàng ngàn người Việt ở thành phố San Jose của bang California có thể hưởng một cái Tết sung túc hơn nhờ những phần thức ăn được quyên tặng bởi chính đồng hương của họ trong một nỗ lực từ thiện lớn nhất trong cộng đồng trong những tháng gần đây.
Một chương trình phát thực phẩm miễn phí được tổ chức vào ngày thứ Bảy tuần trước nhằm giúp đỡ những cư dân người Việt trong thành phố gặp khó khăn về tài chính do đại dịch COVID-19 nên không thể mua đủ thực phẩm cho gia đình.
Chương trình là nỗ lực hợp tác của hai tổ chức do người Việt sáng lập, Hiệp hội Chuyên viên Địa ốc Người Việt Quốc gia (VNARP) và Câu lạc bộ Chạy Bộ của Người Việt San Jose (SJVRC), phối hợp cùng Reaching Out Center, một trung tâm phân phát thực phẩm từ thiện của một nhà thờ Tin lành tại địa phương.
Tất cả 1.500 phần thực phẩm đã được trao tặng cho những người đăng kí nhận hỗ trợ. Người đăng kí nhận được một tấm vé miễn phí cho phép họ nhận phần thực phẩm khi lái xe đến trung tâm phân phát. Mỗi vé phục vụ một gia đình lên tới sáu người và mỗi xe được tối đa hai vé.
Đại đa số người nhận lái xe đến địa điểm phân phát nhưng các tình nguyện viên cũng đến tận nhà để giao thức ăn cho những người lớn tuổi không thể lái xe.
Chị Trinh Wong, thành viên ban tổ chức thuộc cả hai hội VNARP và SJVRC, nói chương trình phân phát thực phẩm này là một sự tiếp nối nỗ lực từ thiện vào tháng 12 và lần này số người đăng kí tham gia còn đông hơn, trở thành sự kiện lớn nhất mà chị từng tổ chức.
“Tháng 12 chúng tôi lên kế hoạch cho khoảng 1.000 người nhưng mà tới khoảng 1.200 người đến cho nên lần này chúng tôi lên kế hoạch cho 1.500 người,” chị cho biết.
“Chúng tôi để con số đăng kí tham gia sự kiện là 1.500 mà đã đầy danh sách một tuần trước khi phân phát. Chúng tôi đã đóng đăng kí một tuần trước rồi mà vẫn còn rất là nhiều người gọi cho tôi. Rất tiếc là họ không nhận được thì cũng rất là buồn.”
Chị nói số lượng người xin nhận thực phẩm đông đảo như vậy là nhờ sự đóng góp của nhiều nhà hảo tâm, đặc biệt là những nhà hàng và tiệm quán Việt Nam cung cấp những món ăn thuần Việt và đặc trưng ngày Tết, cùng với nỗ lực quảng cáo rộng rãi trên khắp các phương tiện từ báo đài địa phương cho tới mạng xã hội. Kết quả là khoảng 95% những người tham gia là người gốc Việt, chị cho biết.
“Chúng tôi giống như là cầu nối để kết nối lại những nơi cho và những người nhận,” chị nói thêm.
Ông Mai Hữu Hòa, một trong những người lái xe đến nhận thực phẩm, bày tỏ vui mừng về những món đồ mà ông được tặng. Sống trong một khu nhà dành cho người cao niên ở San Jose, ông nói cứ mỗi hai tuần ông được nhận thực phẩm miễn phí nhưng lần này ông đặc biệt trân trọng vì đó là những món quà ngày Tết.
“Thích nhất là trong bao giấy dầu mở ra có một cái bánh chưng, quý lắm. Thứ hai là có một hộp mứt Tết thập cẩm. Thứ ba là có những bao lì xì. Có cả khẩu trang nữa,” cư dân 78 tuổi này chia sẻ.
Đối với ông Đào Đức Dự, những món quà Tết này còn thể hiện sự tận tâm và chu đáo của ban tổ chức. Nhạc sĩ violin 72 tuổi này cho biết vì sức khỏe không cho phép ông lái xe đến tận nơi để nhận thực phẩm nên chị Trinh đã tình nguyện mang đến tận nhà cho ông, một cử chỉ mà ông nói là “hết sức tình nghĩa.”
“Mọi người giao tiếp với nhau trong tình cảm như thế thì tôi cảm ơn rất nhiều,” ông bày tỏ cảm kích.
Chị Trinh nói có khoảng 50 người được chị và các tình nguyện viên mang quà giao đến tận nhà. Công việc tuy bận rộn nhưng rất vui vì chị được gặp lại những người quen sau một thời gian xa cách vì đại dịch, chị nói thêm.
“Tất cả anh chị em làm việc rất là mệt nhưng cũng rất là vui, giống như là một ngày hội luôn vậy, và một ngày làm được rất nhiều việc có ý nghĩa cho cộng đồng của mình,” chị chia sẻ.
Dù vui mừng với những món quà Tết, ông Hòa nói ông khỏi cảm thấy xót xa cho một số người đồng hương trong khu nhà ông sinh sống. Ông nói họ không đăng kí kịp hoặc không đủ sức khỏe để lái xe đến tận nơi nhận thực phẩm nên đành lỗi hẹn. Nhưng ông nảy ra một ý tưởng.
“Tôi có nói với mấy người đi lãnh về rằng, ‘thôi, chắc có lẽ mình còn đi lãnh lần sau được nên lần này sẵn dịp Tết tôi đề nghị nhà nào có sẵn bánh chưng rồi thì mình chia sẻ bánh chưng cho những người không có phương tiện hoặc không ghi danh kịp,'” ông kể.
“Mỗi lần tôi đưa bánh chưng cho người ta là họ rươm rướm nước mắt,” ông nói về phản ứng của những đồng hương người Việt được san sẻ quà Tết giữa đại dịch.