RFA
2021-02-10
REUTERS
Giữa dịch COVID-19 sao kiều hối vẫn tăng?
Theo Ngân hàng Thế giới, trong năm 2020, người Việt Nam ở nước ngoài và người trong nước làm việc ở nước ngoài đã gửi về nước tổng cộng 15,7 tỷ đô la, thuộc top 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Dù lượng kiều hối thấp hơn 7% so với năm 2019 nhưng vẫn được đánh giá là rất nhiều trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay.
Đặc biệt, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lượng kiều hối chuyển qua các tổ chức tín dụng về thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2020 ước đạt 6,1 tỷ đô la Mỹ, tăng 600 triệu USD so với năm ngoái.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời RFA hôm 10/2 từ Việt Nam, nhận định:
“Tôi nghĩ điều đấy (kiều hối tăng dù có dịch bệnh -pv) thể hiện tình đồng bào, tình quê hương, và sự chia sẻ giữa người Việt Nam ở nước ngoài và với người ở trong nước. Người Việt Nam ở nước ngoài mặc dù có khó khăn, nhưng tôi thấy vẫn nghĩ về quê hương, nghĩ về đồng bào ở trong nước và tìm cách đóng góp. Tôi thấy đấy là một trong các tài sản quý của dân tộc Việt Nam, và chúng ta phải cố gắng gìn giữ và phát triển tình cảm đó của kiều bào.”
Nó khủng khiếp, không phải chỉ Sài Gòn, ai cũng biết lý do là gì… bà con mình ở Việt Nam không làm ăn được gì do COVID, bị thất nghiệp này nọ nên bên này mình nôn nóng gởi về người một chút thì nó nhiều.
-Một người Việt
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, người Việt ở Mỹ chuyển tiền về Sài Gòn nhiều nhất, kế đến là châu Âu, Úc, Đài Loan… Tin cũng cho biết, lượng kiều hối chuyển về thành phố Hồ Chí Minh trung bình hàng năm thường chiếm khoảng 30%-40% tổng số kiều hối cả nước.
Một người Việt giấu tên sống ở Tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ, nói với RFA hôm 10/2 về chuyện gửi tiền về cho thân nhân ở Việt Nam:
“Nó khủng khiếp, không phải chỉ Sài Gòn, ai cũng biết lý do là gì… bà con mình ở Việt Nam không làm ăn được gì do COVID, bị thất nghiệp này nọ nên bên này mình nôn nóng gởi về người một chút thì nó nhiều. Ví dụ như mình gởi cho anh chị bà con mình mọi năm $500, năm nay mình thấy bị thất nghiệp, sẵn gửi về dịp Tết đồng thời cứu trợ luôn, hai cái đó nhập lại thành ra nó nhiều lắm, nhiều người khác cũng vậy, tôi đi tôi gặp họ gởi.”
Kiều hối quan trọng như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Lượng tiền gửi về Việt Nam liên tục tăng từ năm 2010. 71 tỷ USD là tổng kiều hối gửi về Việt Nam chỉ trong vòng 5 năm qua, tăng trưởng trung bình 6%/năm, trong đó năm 2019 đạt kỷ lục 16,7 tỷ USD. Khoảng 60% kiều hối của Việt Nam được chuyển về từ Mỹ, chiếm trung bình khoảng 4% GDP của Việt Nam. Hiện tại có khoảng 4,5 triệu người Việt sinh sống tại nước ngoài và đến phân nửa số đó đang sống tại Hoa Kỳ.
Trả lời RFA hôm 10/2 từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính – Ngân hàng độc lập, với hơn 30 năm kinh nghiệm làm trong ngành tài chính ngân hàng tại Mỹ, Đức và Việt Nam, nhận định:
“Trong những nguồn ngoại tệ để vào Việt Nam có vốn vay ODA, vốn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế, tư nhân, kiều hối và xuất khẩu… Trong đó có lẽ kiều hối là quan trọng nhất. Nguồn kiều hối đến VN có thể coi như là một số tiền cho không từ kiều bào nước ngoài và những người đi lao động nước ngoài. Nó không như các nguồn vốn vay ODA, vì VN đã gia nhập nhóm các nước thu nhập trung bình, nên nguồn vốn vay ODA không còn được ưu đãi như ngày xưa, có nghĩa là lãi suất cao hơn trước, chưa kể vốn ODA và vốn vay khác là vốn vay, thành ra phải trả nợ. Còn nguồn ngoại tệ từ xuất nhập khẩu có được do bán hàng cho nước ngoài, thành ra chỉ có kiều hối là một chiều, tức là cho không và thường không phải vốn vay. Kiều bào và người lao động ở nước ngoài gởi về cho người thân và thường không có một điều kiện gì.”
Chính vì thế theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, nguồn kiều hối đối với Việt Nam rất là quan trọng. Nguồn kiều hối năm 2020 có giảm so với trước vì tình hình dịch bệnh trên thế giới tác động đến thu nhập của kiều bào cũng như người lao động làm việc ở nước ngoài, nhưng kiều hối vẫn là một tiềm lực đáng kể cho Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cũng cho biết ông đánh giá cao nguồn ngoại tệ cho Việt Nam từ Kiều hối:
“Kiều hối là nguồn bổ sung cho nguồn ngoại tệ của Việt Nam, trong tình hình kinh tế thế giới suy thoái rất nặng và gặp khó khăn thì Việt Nam rất cần nguồn ngoại tệ để có thể đảm bảo nhu cầu nhập khẩu của mình. Vì vậy cho nên mỗi đồng ngoại tệ của kiều bào gởi về là đều rất đáng quý và rất đáng trân trọng. Tôi đánh giá rất cao việc có một nguồn ngoại tệ bổ sung cho thanh toán quốc tế của Việt Nam.”
Chính sách kiều hối của Việt Nam
Hiện có một số lượng đông đảo người Việt định cư ở nước ngoài, chủ yếu là từ sau cuộc chiến Việt Nam năm 1975 khi hàng triệu người phải bỏ nước ra đi để tìm kiếm cuộc sống tốt hơn.
Từ năm 2004, Bộ Chính trị Việt Nam đã ban hành nghị quyết 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài nhằm huy động tiềm lực kinh tế và trí thức từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài, mà Việt Nam gọi là ‘khúc ruột ngàn dặm’.
Từ năm 1990 đến 2015, theo số liệu của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), đã có khoảng hơn 2,5 triệu người Việt Nam di cư từ Việt Nam ra nước ngoài. Trung bình mỗi năm khi đó có khoảng gần 100 ngàn người Việt di cư ra nước ngoài. Đích đến của người Việt chủ yếu là các nước phát triển ở châu Âu, Mỹ và Úc.
Trong năm 2019, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt hơn 150 ngàn lao động. Với năm 2020, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, mục tiêu đặt ra là đưa được 130 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao và ổn định. Tuy nhiên mục tiêu này đã không như mong muốn của Chính phủ Việt Nam do tình hình đại dịch COVID-19.
Nếu giữ USD ở nhà thì người nhận theo quy định không thể thanh toán ở ngoài mà phải đổi ra VND. Khi đổi thì phải đến điểm kinh doanh ngoại tệ được phép của Ngân hàng Nhà nước.
-Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói tiếp:
“Chính phủ VN từ bao nhiêu năm nay đã có chính sách ưu tiên cho kiều hối. Trước nhất là nguồn kiều hối không phải trả thuế. Ngược lại với một số nước khác như Mỹ, nếu tôi nhận tiền từ nước ngoài thì tôi phải trả thuế thu nhập. Đồng thời người nhận kiều hối ở VN có thể giữ đồng ngoại tệ gởi về, ví dụ họ có thể giữ USD tiền mặt ở nhà hoặc gửi vào tài khoản USD ở ngân hàng. Tất cả những chính sách đó tạo sự thuận lợi dễ dãi trong việc nhận tiền từ nước ngoài. Ngoài ra Chính phủ cũng không giới hạn một người có thể nhận bao nhiêu kiều hối tối đa. Tuy nhiên, nếu giữ USD ở nhà thì người nhận theo quy định không thể thanh toán ở ngoài mà phải đổi ra VND. Khi đổi thì phải đến điểm kinh doanh ngoại tệ được phép của Ngân hàng Nhà nước.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, trên nguyên tắt thì quy định thu đổi ngoại tệ của Việt Nam là phù hợp, vì nếu đổi ở tiệm vàng hay đổi chui ở chợ đen sẽ ảnh hưởng đến quy định về quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định về chính sách kiều hối của Việt Nam:
“Theo tôi thì Chính phủ Việt Nam đã thực hiện việc trong nước thì chỉ lưu hành đồng Việt Nam, còn kiều hối chuyển về thì tùy theo người nhận có thể để trong tài khoản với hình thức là đồng ngoại tệ, nhưng cũng có thể được chuyển đổi theo tỷ giá của thị trường.”
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cách tiếp cận nguồn ngoại tệ từ kiều hối của Việt Nam phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện nay.
Nhiều người cho rằng mặt tích cực của kiều hối là có thể giúp ngay trước mắt cho người thân; tuy nhiên có những mặt trái như nguồn tiền không được chi dùng hợp lý, tâm lý ỷ lại; xuất khẩu lao động phổ thông dẫn đến phát triển không bền vững. Vấn đề ‘giúp con cá để ăn khi đói và ‘giúp chiếc cần câu’ để tự kiếm sống lâu dài còn là một bài toán khó đối với Việt Nam./.