BBT: Hôm qua ngày 19.2.2021 là ngày tưởng niệm một năm 9 người bị một kẻ kỳ thị chủng tộc bắn chết ở Hanau, Đức chỉ vì họ trông không giống như những người Đức khác. Wehret den Anfängen!
Xem thêm:
Mục lục
Es waren meine Leute
Vào ngày 19 tháng 2 năm 2020, một kẻ phân biệt chủng tộc đã giết chết 9 thanh niên ở Hanau. Anh ta bắn cô khi cô đang đứng sau quầy, ngồi trong quán shisha của mình, hút thuốc bên đường, ăn mì trong một ki-ốt ở Hanau-Kesselstadt….
Nạn Phân Biệt Chủng Tộc Đối Với Người Châu Á Đang Tăng Nhanh Giữa Đại Dịch
Tác giả: Eric Hinton
Ren Dinh, chuyển ngữ
11-2-2021
Từ các dãy phố ở San Francisco tới khu phố Tàu đặc trưng của New York, số lượng các vụ phạm tội mang tính thù ghét nhắm tới người Mỹ gốc châu Á tăng đột biến trong đại dịch COVID-19. Đáng buồn thay, những vụ tấn công này đã đến và đi mà ít ai quan tâm.
Một năm sau khi nạn phân biệt chủng tộc với người Mỹ Da đen dẫn tới cuộc nổi dậy toàn quốc kêu gọi công lý, các cuộc tấn công phân biệt chủng tộc nhắm tới cộng đồng người châu Á lại không nhận được nhiều sự chú ý. Năm nay, khi các vụ phạm tội mang tính thù ghét lại tăng đột biến lần nữa, các nhà lãnh đạo người Mỹ gốc châu Á yêu cầu phải có sự thay đổi.
Diễn viên và nhà hoạt động xã hội Daniel Dae Kim, Daniel Wu, và các ngôi sao nổi tiếng khác đã lên tiếng trên mạng xã hội, chỉ trích cuộc tấn công và nhắc lại lời kêu gọi công lý cho cộng đồng người châu Á. “Số lượng các vụ tấn công nhắm tới người Mỹ gốc châu Á vẫn tăng cao, dù chúng tôi đã liên tiếp kêu gọi giúp đỡ. Những tội ác này đã bị ngó lơ quá nhiều, thậm chí còn được tha thứ …#QuáĐủRồi (#EnoughisEnough),” Kim viết trên Instagram.
Ngôi sao từ phim “Crazy Rich Asians” và “Eternals” Gemma Chan chia sẻ một video của nhà hoạt động xã hội Amanda Nguyen trên Twitter về các vụ tấn công người châu Á quanh nước trong thời gian gần đây, trong đó có một cụ già 84 tuổi người Thái bị xô ngã và giết hại ở San Francisco vào cuối tháng trước.
Tại sao số lượng các vụ tấn công nhắm tới cộng đồng người châu Á lại tăng cao vậy? Nhiều người cho rằng không cần phải nhìn đâu xa, mà chính cựu Tổng thống Donald Trump đã kiên quyết gọi COVID-19 là “Cúm Wuhan” hoặc “Virus Tàu”. Những người chỉ trích ông Trump tin rằng, thái độ này đã kích động các vụ tấn công.
Giữa tháng 3 và tháng 5/2020, Uỷ ban Nhân quyền Thành phố New York đã nhận được báo cáo về 389 vụ phạm tội mang tính thù ghét liên quan đến coronavirus. Trong số đó, 145 khiếu nại có liên quan tới hành vi miệt thị người châu Á, tức 37% tổng số khiếu nại được gửi về. Theo báo cáo, 145 khiếu nại này cho thấy “số khiếu nại miệt thị người châu Á đã tăng gấp mười so với 12 khiếu nại của năm ngoái.”
Trong một buổi họp báo vào thứ Năm, Dân biểu Quốc hội Grace Meng đại diện cho khu vực quốc hội thứ Sáu của New York, đã chỉ trích hiện tượng bạo lực và muốn toàn quốc quan tâm hơn tới những cuộc tấn công này. “Chúng ta có thể tổ chức buổi họp báo này vào bất cứ tuần nào trong suốt năm vừa qua”, Meng nói. “Nhưng riêng tuần này, mọi người đã đọc và thấy được những câu chuyện về bạo lực chết chóc nhắm tới cộng đồng người gốc Á. Video và hình ảnh những người bị tấn công làm tôi cảm thấy ghê tởm. Đây là một khoảnh khắc buồn cho cộng đồng, thành phố, và đất nước. Đây là cha mẹ, ông bà, và hàng xóm của chính chúng ta.”
Frank H. Wu, hiệu trưởng trường đại học Queens tại Thành phố New York, nói rằng mọi người quen nói chuyện về chủng tộc theo “Đen và trắng. Nên khi bạn giới thiệu một nhân vật không phải da Đen cũng không phải da Trắng, họ bị bối rối. Họ không hiểu mối liên kết này“.
Wu nói thêm rằng nhiều vụ tấn công bắt đầu với những lời lăng mạ nhưng có thể nhanh chóng trở nên nghiêm trọng. “Những lời đó chỉ để mở màn, từ đó dẫn đến bạo lực thể chất. Hãy thử hỏi bản thân rằng nếu bạn là người da trắng và có người nhào ra nhổ vào mặt bạn, thì bạn sẽ làm gì? Nếu điều đó xảy ra với vợ bạn hay mẹ bạn và nó cứ lặp đi lặp lại thì sao? Người Mỹ gốc châu Á đã im lặng quá lâu rồi. Chúng tôi muốn thứ những người Mỹ khác cùng muốn… được sống yên ổn và đạt được ước nguyện của bản thân. Không hơn. Không kém.”
Người dịch: Ren Dinh/ Người Thông Dịch
Biên tập: Gary Nguyen
Các nhà lập pháp Hạ viện Hoa Kỳ bao gồm Chủ tịch Nancy Pelosi lên án một loạt những vụ tấn công nhắm vào người Mỹ gốc Á trong thời gian gần đây và kêu gọi Quốc hội thông qua luật ứng phó với nạn kì thị nhắm vào sắc dân này.
Cuộc họp báo ngày 19/2 được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của các dân biểu Đảng Dân chủ thuộc Khối nghị sĩ người Mỹ gốc Á Thái Bình Dương, Khối nghị sĩ người Da đen và Khối nghị sĩ gốc Mỹ Latin nhằm thể hiện tiếng nói đoàn kết trước một vấn đề đang gây báo động trong các cộng đồng sắc dân thiểu số ở Mỹ.
“Và ngay lúc nhiều người Mỹ gốc Á đang chuẩn bị đón Tết nguyên đán trong những tuần lễ vừa qua, chúng ta chứng kiến một sự tăng vọt những vụ bạo lực chống lại người gốc Á,” Dân biểu Judy Chu từ California, Chủ tịch Khối nghị sĩ người Mỹ gốc Á Thái Bình Dương trong Quốc hội Mỹ, nói. “Và ngày càng nhiều nạn nhân là người lớn tuổi.”
Vào ngày 28 tháng 1, Vicha Ratanapakdee, 84 tuổi, đang đi dạo ở thành phố San Francisco thì bị một người đàn ông phóng qua đường và xô ông ngã nhào trong một vụ tấn công được camera an ninh ghi lại mà gia đình ông gọi là tội ác căm thù. Đầu của ông đập xuống đất và sau đó qua đời.
Vài ngày sau ở thành phố Oakland, một người đàn ông xô ngã một người đàn ông gốc Á 91 tuổi, sau đó đẩy một người đàn ông 60 tuổi và một người phụ nữ 55 tuổi. Các tình nguyện viên hiện đang hộ tống những người gốc Á cao tuổi trong việc đi lại trong cộng đồng.
Đầu tháng này, Noel Quintana, 61 tuổi, một người Mỹ gốc Philippines, đã bị một người đàn ông rạch mặt khi đang trên đường đi làm trên tàu điện ngầm ở Thành phố New York.
Trong phần phát biểu của mình, các nhà lập pháp Dân chủ quy trách cựu Tổng thống Donald Trump về những luận điệu mà họ nói là khơi gợi sự kì thị và thù hằn chủng tộc kể từ khi đại dịch Covid bùng lên ở Mỹ vào năm ngoái khi ông gọi virus corona là “China virus” hoặc gọi dịch bệnh là “kung flu.”
Dân biểu Hakeem Jeffries từ New York, chủ tịch Khối nghị sĩ Dân chủ và là một thành viên Khối nghị sĩ người Da đen trong Quốc hội, gọi những vụ bạo lực nhắm vào người gốc Á là “điều hoàn toàn ô nhục” và kêu gọi truy tố thủ phạm “hết mức mà luật pháp cho phép.”
“Chúng ta phải đảm bảo người ta nghe thấy thông điệp thật lớn và rõ ràng rằng chúng ta sẽ không dung thứ cho thiên kiến nhắm vào người gốc Á,” ông nói. “Chúng ta sẽ không dung thứ cho sự cố chấp thủ cựu nhắm vào người gốc Á. Chúng ta sẽ không dung thứ cho sự thù hận nhắm vào người gốc Á. Chúng ta sẽ không dung thứ cho các thuyết âm mưu nhắm vào người gốc Á. Chúng ta sẽ không dung thứ cho chủ nghĩa bài ngoại nhắm vào người gốc Á. Chúng ta sẽ không dung thứ cho những tội ác thù hận này.”
Người gốc Á lo sợ sau một loạt vụ tấn công ở Vùng Vịnh San Francisco
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi liên hệ những vụ tấn công nhắm vào người gốc Á với một khuynh hướng lớn hơn là tư tưởng da trắng thượng đẳng đang trỗi dậy và đề ra thách thức to lớn cho an ninh quốc gia của Mỹ, điều mà bà gọi là “chủ nghĩa khủng bố nội địa.”
“Trong khi chúng ta đón mừng Tết Nguyên đán, một dịp để chúng ta hoan hỉ, đó cũng là nguồn cơn khiến chúng ta đau đớn vào lúc này vì tất cả những vụ việc này,” nhà lãnh đạo hàng đầu của Đảng Dân chủ nói nói trong cuộc họp báo qua Zoom.
“Sự đa dạng của chúng ta là thế mạnh của chúng ta, sự thống nhất của chúng ta là sức mạnh của chúng ta. Và chúng ta có sự thống nhất về chủ đề này.”
Phó Tổng thống Kamala Harris ngày 12/2 lên tiếng về tình trạng bạo lực gia tăng nhắm vào người gốc Á vào ngày đầu tiên của Tết nguyên đán, gọi đó là “những vụ tấn công bài ngoại.”
“Chúng ta phải tiếp tục theo đuổi việc chiến đấu chống lại nạn kì thị chủng tộc và phân biệt đối xử,” bà nói trên Twitter.
Tổng thống Joe Biden tháng trước đã kí một sắc lệnh hành pháp chỉ đạo các cơ quan liên bang chống lại sự bài ngoại nhắm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á và Đảo Thái Bình Dương, trong bối cảnh những vụ phạm tội ác thù hận và quấy nhiễu gia tăng liên quan tới nguồn gốc của đại dịch ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Mùa thu năm ngoái, Hạ viện Mỹ thông qua một nghị quyết do Dân biểu Grace Meng từ New York soạn thảo. Nghị quyết lên án “mọi hình thức thể hiện tình cảm bài xích người gốc Á” liên quan đến virus corona. Một số lời lẽ trong nghị quyết này đã được đưa vào sắc lệnh hành pháp của ông Biden.
“Đây là một bước tiến thực sự quan trọng, tích cực và sơ khởi,” bà Meng nói về sắc lệnh trong cuộc họp báo. “Nhưng chúng ta phải tiếp tục lên tiếng bất cứ khi nào và ở bất cứ nơi nào mà tội ác thù hận nhắm vào người gốc Á phát sinh. Chúng ta đòi sự bài ngoại và bạo lực này phải chấm dứt ngay lập tức. Chúng ta không thể và không được lơi lỏng.”
“Sự khủng bố người Mỹ gốc Á, đặc biệt là người già, phải ngưng lại,” bà nhấn mạnh.
Bùng Nổ Nạn Kỳ Thị Người Mỹ Gốc Á – Giải Pháp Là Gì?
Ngày 22-02-2021
Chuyện gì đang xảy ra?
Đây là một trong nhiều vụ bạo hành người Mỹ gốc Á cao niên xảy ra trong vài tuần gần đây trên khắp nước Mỹ, nhưng cô Nguyễn chưa thấy các hãng thông tấn lớn tường thuật về bạo lực chống lại cộng đồng người Mỹ gốc Á và các quốc đảo Thái Bình Dương, đang gia tăng sau một năm đầy những ngôn từ bài ngoại và những vụ tấn công mang tính phân biệt chủng tộc giữa thời đại dịch. Cô Nguyễn, một nhà hoạt động dân quyền từng được đề cử giải Nobel Hòa bình cho hoạt động hỗ trợ những nạn nhân sống sót của nạn tấn công tình dục, nói: “Tôi thấy điên tiết, như máu sôi trong huyết quản khi chứng kiến cộng đồng của mình bị tàn sát. Còn bao nhiêu người nữa phải bị giết thì các tờ báo, đặc biệt là những tờ báo chính thống, nghĩ rằng chúng tôi xứng đáng để viết bài, đưa tin?”.
Để phản ứng, cô Nguyễn đã làm một video trên mạng Instagram, cầu xin khán giả lên tiếng về cái chết của cụ ông Ratanapakdee, cũng như về vụ hành hung một cụ bà 64 tuổi người Việt Nam bị tấn công và cướp của ở San Jose, California, và vụ một người đàn ông Philippines 61 tuổi bị rạch mặt bằng dao mở hộp trên tàu điện ngầm New York. Video của cô Nguyễn đã được phổ biến rộng khi ngày càng xuất hiện nhiều báo cáo về các vụ tấn công bạo lực và cướp giật, trong đó có vụ camera ghi lại cảnh một người đàn ông 91 tuổi bị xô ngã xuống đất ở khu Chinatown thành phố Oakland – nơi đã có hơn 20 vụ tấn công bạo lực và cướp giật được báo cáo từ hồi tháng 1-2021 đến nay.
Kể từ khi đại dịch bùng phát vào mùa xuân năm ngoái, người Mỹ gốc Á đã phải đối mặt với bạo lực phân biệt chủng tộc với tỷ lệ cao hơn nhiều so với các năm trước. Theo báo cáo của Sở Cảnh sát New York số vụ tội phạm thù ghét chống người châu Á ở New York đã tăng tới 1900% trong năm 2020. “Stop AAPI Hate”, một cơ sở dữ liệu được lập ra vào đầu đại dịch để theo dõi nạn gia tăng bạo lực chủng tộc, đã nhận được 2.808 báo cáo về phân biệt đối xử chống người châu Á từ ngày 19-3 đến ngày 31-12 năm 2020. [AAPI – Asian American and Pacific Islanders – là tổ chức cộng đồng của người Mỹ gốc châu Á và hải đảo Thái Bình Dương]. Bạo lực tiếp tục kéo dài sang năm 2021, và Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp lên án hành vi phân biệt đối xử chống người châu Á ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1-2021. Trong khi bạo lực chống lại người châu Á diễn ra trên toàn quốc và đặc biệt là ở các thành phố lớn, thì sự gia tăng các cuộc tấn công vào năm 2021 đặc biệt tập trung ở Vùng Vịnh, đặc biệt là ở San Francisco và khu Chinatown của Oakland.
Nhiều người cho rằng sự gia tăng các vụ tấn công bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc châu Á năm 2020 là do luận điệu bài ngoại của cựu Tổng thống Donald Trump. Ông Trump đã nhiều lần gọi dịch COVID-19 là “virus Trung Quốc”, đổ lỗi cho quốc gia này gây ra đại dịch. Khi làm như vậy, Trump đã đi theo một lịch sử lâu dài của người Mỹ, sử dụng các căn bệnh để biện minh cho chủ nghĩa bài ngoại chống người châu Á, một thói quen có từ thế kỷ 19 và 20 và đã giúp hình thành nhận thức về người Mỹ gốc Á là “người nước ngoài vĩnh viễn”.
Những nạn nhân người Mỹ gốc Á lên tiếng trong một cuộc họp báo tại Queens (New York) sau khi bị tấn công bởi nạn phân biệt chủng tộc (AP)
Russell Jeung, đồng sáng lập của “Stop AAPI Hate” và là giáo sư khoa Nghiên cứu người Mỹ gốc Á tại Đại học CSU San Francisco, nhận định: “Có mối tương quan rõ ràng giữa những bình luận mang tính kích động của Tổng thống Trump, việc ông ấy khăng khăng sử dụng cụm từ ‘virus Trung Quốc’ và những phát biểu đầy thù ghét sau đó lan truyền trên mạng xã hội với tình trạng bạo lực thù ghét nhằm vào chúng tôi. Nó cho phép mọi người quyền tấn công chúng tôi. Các cuộc tấn công hiện nay nhằm vào người cao tuổi của chúng tôi phần nào cho thấy các luận điệu đó đã tác động đến dân chúng như thế nào.”
Tại sao ‘thiểu số mẫu mực’ lại có hại
Nhiều người chỉ ra rằng bạo lực chủng tộc chống người Mỹ gốc Á thường bị bỏ qua do những định kiến dai dẳng về cộng đồng này. Bà Bianca Mabute-Louie, một nhà giáo dục về công bằng chủng tộc, nhận xét: “Có định kiến và giả định rằng người Mỹ gốc Á có đặc quyền giai cấp, rằng họ có địa vị kinh tế xã hội và trình độ học vấn cao, và bất kỳ sự phân biệt đối xử nào cũng không thực sự xảy ra hoặc cảm thấy chính đáng. Đây là những giả định về cách mà người Mỹ gốc Á đã “thành công” ở đất nước này”.
Bà Mabute-Louie cho rằng sự phổ biến của lập luận lệch lạc “thiểu số mẫu mực” là yếu tố góp phần lớn vào bầu không khí hiện nay. Ý tưởng sai lầm đó, được xây dựng trong thời kỳ Dân Quyền để ngăn cản các phong trào công bằng chủng tộc, nói rằng người Mỹ gốc Á thành công hơn các dân tộc thiểu số khác nhờ bản tính làm việc chăm chỉ, học hành và tuân thủ pháp luật. “Có mối tương quan rõ ràng giữa những bình luận mang tính kích động của Tổng thống Trump, việc ông ấy khăng khăng sử dụng cụm từ ‘virus Trung Quốc’ và những phát biểu đầy thù ghét sau đó lan truyền trên mạng xã hội với tình trạng bạo lực thù ghét nhằm vào chúng tôi. Nó cho phép mọi người quyền tấn công chúng tôi. Các cuộc tấn công hiện nay nhằm vào người cao tuổi của chúng tôi phần nào cho thấy các luận điệu đó đã tác động đến dân chúng như thế nào”.
Bởi vì sự lập luận lệch lạc “thiểu số kiểu mẫu” cho thấy sự thăng tiến, nó tạo ra một sai lầm rằng người Mỹ gốc Á không trải qua đấu tranh hoặc phân biệt chủng tộc, một quan niệm lệch lạc được củng cố nhờ những giới hạn (hoặc thiếu sót) của việc thể hiện trên truyền thông chẳng hạn như bộ phim Crazy Rich Asians và gần đây hơn là bộ phim Bling Empire của Netflix. Trên thực tế, cộng đồng người Mỹ gốc Á bị chia rẽ nhiều nhất về phương diện kinh tế: một nghiên cứu năm 2018 của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy với tư cách là nhóm dân tộc và chủng tộc ở Mỹ, người Mỹ gốc Á có khoảng cách bất bình đẳng về thu nhập lớn nhất; một báo cáo năm 2016 từ Văn phòng Hoạt động của Thị trưởng thành phố New York cho thấy người nhập cư gốc Á có tỷ lệ nghèo cao nhất thành phố.
Những người Mỹ gốc Á nổi tiếng đã giúp thu hút sự chú ý của công chúng tới nạn gia tăng tội ác thù hận gần đây: hai diễn viên Daniel Dae Kim và Daniel Wu đã chia sẻ trên Twitter đoạn video về người đàn ông 91 tuổi bị xô ngã trong khu Chinatown Oakland; họ trao giải thưởng 25.000 USD cho bất kỳ ai có thể cung cấp “thông tin dẫn đến việc bắt giữ và kết án” kẻ tấn công, kẻ cũng đã xô ngã một người đàn ông 60 tuổi và một phụ nữ 55 tuổi, người đã bị bất tỉnh vì vụ tấn công.
“Số tội ác thù địch chống lại người Mỹ gốc Á đang tăng vọt vẫn tiếp tục tăng lên, bất chấp những lời cầu cứu liên tục của chúng tôi,” Kim viết trong dòng tweet, tiếp tục đề cập đến một người đàn ông Mỹ gốc Hoa đã bị đánh chết vào năm 1982. “Tội ác được bỏ qua và thậm chí được tha thứ. Hãy nhớ đến Vincent Chin.” Cảnh sát Oakland sau này đã buộc tội một người Hồi giáo Yahya 28 tuổi tội hành hung, dùng súng và ngược đãi người già; anh ta được nhận diện trong lúc bị giam giữ vì những cáo buộc không liên quan. Do đó, Kim và Wu đã quyên góp 25.000 USD cho các tổ chức cộng đồng giúp ngăn chặn sự căm ghét chống người châu Á.
Dòng tweet của Kim mang lại nhiều cảm xúc lẫn lộn cho nhiều người trong cộng đồng người Mỹ gốc châu Á và đảo quốc Thái Bình Dương. Một mặt, Kim nhận ra mối bất bình lâu năm của người Mỹ gốc Á, rằng bạo lực chống lại họ thường bị bỏ qua và những cuộc đấu tranh của họ, thậm chí là sự tồn tại của họ, thường trở nên vô hình đối với những người khác ở đất nước này. Việc Kim đề cập đến vụ sát hại ông Chin năm 1982 là lời nhắc nhở sâu sắc về một tội ác thù hận đã dẫn đến một cuộc vận động lớn của người Mỹ gốc Á trong phong trào Dân Quyền, tạo ra một làn sóng hoạt động đáng kể của người Mỹ gốc Á và một điểm đáng nhớ về tình đoàn kết với các nhà hoạt động vì công lý chủng tộc da đen.
Tuy nhiên, việc Kim treo thưởng cho việc xác định kẻ tấn công người Mỹ gốc Á cao niên lại làm nổi bật một vấn đề khác trong việc giải quyết tình trạng bất công về chủng tộc ở Mỹ: làm thế nào xử lý nạn bạo lực chống người châu Á mà không cần dựa vào các tổ chức thực thi pháp luật đã có lịch sử bất công với người da đen và các cộng đồng da màu. Nhiều người trong cộng đồng AAPI thấy phiền lòng với bài đăng trên mạng xã hội của người diễn viên, do kẻ bị cáo buộc tấn công là một người đàn ông da đen. Kim Trần, một nhà tư vấn và nhà văn, đã lên tiếng không đồng tình với chiến thuật này trên Twitter.
“Nghe này, nếu bạn không hiểu tại sao việc cung cấp 25.000 USD cho thông tin về một người đàn ông da đen ở Oakland lại có vấn đề, thì tôi cần bạn tránh ra,” Trần viết trong một loạt tweet. “Đây là thời điểm chúng ta cần tự hỏi bản thân, mục đích là gì? Nếu đó là một quy trình giải trình trách nhiệm thì không sao, nhưng tôi rất nghi ngờ điều đó. Cuối cùng, chuyện này trông giống như thưởng tiền để săn một người da đen được những người nổi tiếng người Mỹ gốc Á tài trợ. Tôi có những mối nghi ngờ lớn”. Các dòng tweet của Trần phản ánh một cảm xúc lớn hơn từ nhiều người Mỹ gốc Á rằng giữ an toàn cho cộng đồng của họ không có nghĩa là chuyển sang tăng cường công việc cảnh sát (policing) – đặc biệt là sau cuộc thức tỉnh của quốc gia trong mùa hè vừa qua trước tình trạng tàn bạo có hệ thống của cảnh sát và tác hại không tương xứng mà nó gây ra cho các cộng đồng người da đen và da màu, những người thường chia sẻ không gian với người Mỹ gốc Á.
Quan điểm đó được hình thành từ một lịch sử lâu dài và phức tạp giữa cộng đồng người Mỹ gốc Á và người Mỹ da đen, vốn bao gồm cả sự đoàn kết — như Mặt trận Giải phóng Thế giới thứ Ba, đã giúp tạo ra các cơ hội giáo dục bình đẳng cho sinh viên da màu và tạo ra các nghiên cứu về chủng tộc — lẫn những vụ xung đột sắc tộc. Mabute-Louie lập luận rằng, trong thời điểm này, nuôi dưỡng tâm lý chống người da đen hoặc tập trung vào xung đột giữa các chủng tộc, sẽ hủy hoại khả năng nhận thức rằng phân biệt chủng tộc là kết quả của quan niệm người da trắng thượng đẳng. “Nếu tâm lý chống châu Á là vấn đề lớn thì việc tống ai đó vào tù sẽ không giải quyết được,” bà nói, đồng thời kêu gọi một cách tiếp cận vừa buộc các thủ phạm phải chịu trách nhiệm vừa khuyến khích sự thay đổi. “Tất cả chúng ta thực sự cần phải làm việc trong cộng đồng để loại bỏ những câu chuyện có hại về nhau”.
Đoàn kết và nỗ lực do cộng đồng dẫn dắt
Do đó, nhiều nhà lãnh đạo cộng đồng đã lên tiếng về sự đoàn kết giữa các chủng tộc. Chủ tịch Hội đồng Thành phố Oakland Nikki Fortunato Bas kêu gọi tình đoàn kết đồng thời lên án việc đẩy các cộng đồng da màu chống lại nhau hoặc tăng cường sự hiện diện của cảnh sát. Những người khác hướng tới các tổ chức địa phương để thể hiện sự ủng hộ của họ đối với cộng đồng trong thời điểm đau thương này.
Ví dụ, Black Bay Area, một nhóm chống lại sự kỳ thị hóa, đã gây quỹ để hỗ trợ các tổ chức hỗ trợ do người châu Á lãnh đạo ở San Francisco và Oakland. Và Dự án Chống Khủng bố Cảnh sát (Anti-Police Terror Project), Trung tâm Nhân quyền Ella Baker (Ella Baker Center for Human Rights) và Mạng lưới Môi trường Châu Á Thái Bình Dương (Asian-Pacific Environmental Network) đã hợp lực với nhau thực hiện các sáng kiến như khuyến nghị mọi người thể hiện sự ủng hộ bằng cách thường xuyên thăm viếng các khu Chinatown và các thương xá của họ và thể hiện tình đoàn kết bằng cách mặc y phục màu vàng. Ở Trung tâm Nhân quyền Ella Baker, hỗ trợ cộng đồng người Mỹ gốc Á và hải đảo Thái Bình Dương là một phần trong mối quan hệ lâu dài với Mạng lưới Môi trường Châu Á Thái Bình Dương; họ đã làm việc cùng trong hơn một thập niên để cùng cung cấp hỗ trợ lẫn nhau cho các cộng đồng ở Oakland — một ví dụ về tình đoàn kết đã tồn tại từ lâu, nhưng không phải lúc nào cũng được đề cao.
Zach Norris, giám đốc điều hành của Trung tâm Ella Baker, cho biết: “Thực tế tình đoàn kết của người da đen và người châu Á đã có một lịch sử lâu đời trong Vùng Vịnh. Chúng tôi muốn nhắc nhở mọi người về điều đó và thực sự tìm kiếm các giải pháp mà chúng tôi nghĩ sẽ hữu ích trong việc chữa lành vết thương và tiến lên theo cách mà tất cả cộng đồng có thể phát triển”. Jeung, người đồng sáng lập “Stop AAPI Hate”, nói rằng nỗ lực và tình đoàn kết của cộng đồng là cách duy nhất để ngăn chặn các cuộc tấn công phân biệt chủng tộc. Anh ấy đã tham gia một cuộc biểu tình vì hòa bình chủng tộc ở San Francisco và Oakland và đang giúp tổ chức các cuộc đi dạo qua khu Chinatown, nơi người dân địa phương đi bộ để mang lại cảm giác an toàn và an ninh cho các thương gia và người cao tuổi.
“Chúng tôi biết đây là một vấn đề ảnh hưởng đến tất cả cộng đồng của chúng tôi và chúng tôi phải phá vỡ vòng xoáy bạo lực. Chúng tôi không nhất thiết kêu gọi các biện pháp trừng phạt nhiều hơn mà là các mô hình công lý phục hồi phá vỡ chu kỳ bạo lực, các nghiên cứu về sắc tộc để dạy cho mọi người về tình đoàn kết chủng tộc, nỗ lực hòa giải cộng đồng để không chỉ buộc người ta phải chịu trách nhiệm mà còn cùng nhau giải quyết các vấn đề,” ông Jeung nói.
Nguồn: TIME, 18-2-2021